TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TIẾN SĨ GIẤY
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TIẾN SĨ GIẤY

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Wed Aug 07, 2019 2:55 am    Tiêu đề: TIẾN SĨ GIẤY



TIẾN SĨ GIẤY

      TIẾN SĨ GIẤY

      Gần đây VNXHCN có quá nhiều ông & bà có bằng tiến sĩ mà báo chí nhà nước cũng có lên tiếng “Lò đào tạo tiến sĩ”. Chuyện đó để Nhà nước lo. Ở đây chúng tôi chỉ muốn giải oan hiểu lầm mà các hậu duệ VNXHCN nói với bạn bè của chúng tôi rằng “Hồi thời phong kiến Nhà Nguyễn cũng có vậy, gọi là tiến sĩ giấy đó! ”; có em & cháu còn nói chính ông nghè Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ “Tiến Sĩ Giấy” để lên tiếng thời xưa cũng có nữa mà! Ôi, thật là tai hại và oan sai cho chí sĩ Nguyễn Khuyến, thường được sử nước nhà gọi là Tam nguyên Yên Đỗ.

      Trước khi đi vào vấn đề chính là giải oan sự hiểu lầm của nhiều người đối với bài thơ ÔNG TIẾN SĨ GIẤY (chứ không phải Tiến Sĩ Giấy) của cụ Tam nguyên Yên Đỗ, chúng tôi vô cùng vui sướng và vinh hạnh được ghi lại bốn vị tam nguyên thời quân chủ của dân tộc Lạc Hồng gồm ba vị thời Nhà Nguyễn (1802-1945) và một vị thời Nhà Lê - Lê Hiển Tông (1740-1786).

      *************************************
      Xin mở ngoặc: [Chúng tôi nhấn mạnh rằng, phải gọi là thời quân chủ chứ không phải thời phong kiến như các sách báo VNXHCN bây giờ. Vì chỉ có Trung Quốc (tức Trung Hoa cổ thời) hay một vài nước ở Âu châu thời trung cổ mới có chế độ PHONG KIẾN (phong đất kiến hầu hay: Phong tước kiến địa), còn Việt Nam từ khi lập quốc đến thời Nhà Nguyễn không bao giờ có chuyện “phong đất kiến hầu”, các hậu duệ nên nhớ như thế ].

      **************************************
      Tam nguyên là đỗ thủ khoa ba kỳ thi: Hương thí, Hội thí và Đình thí. Đỗ thi Hương (cử nhân) mới được dự tiếp thi Hội (tiến sĩ) và có năm vua mở Đình thí cùng năm với thi Hội chỉ sau vài tháng để lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa cho ba vị đỗ nhất, nhì và ba. Tuy nhiên, tùy vào điểm được chấm do vua đích thân làm chánh chủ khảo, nước ta chỉ có Đình nguyên Bảng nhãn LÊ QUÍ ĐÔN (1726-1784) và Đình nguyên Thám hoa VŨ PHẠM HÀM, chứ chưa có Trạng nguyên (ví dụ cho rõ: Trạng nguyên phải được điểm 10/10, Bảng nhãn 9/10 và Thám hoa 8/10 vậy.)

      Lịch sử dân tộc Lạc Hồng chỉ có bốn vị tam nguyên, nên chúng ta phải thuộc lòng nhé, xếp theo thứ tự năm sinh (kính lão đắc thọ mà):

      1- LÊ QUÍ ĐÔN (1726-1784)
      2- NGUYỄN KHUYẾN (1835-1909)
      3- TRẦN BÍCH SAN (1838-1877)
      4- VŨ PHẠM HÀM (1864-1906)

      Ngoài chí sĩ Nguyễn Khuyến, đáng kính phục với tấm lòng yêu nước thương nòi đi vào văn học sử được xếp vào các nhà thơ ái quốc mà chúng tôi sẽ nói khi đề cập bài thơ trên của ngài, sau đây xin lược qua ba vị: Lê Quí Đôn, Trần Bích San và Vũ Phạm Hàm:

      - Lê Quí Đôn: đỗ giải nguyên năm 18 tuổi, hội nguyên năm 1751) và cũng cùng năm đó, đỗ đình nguyên lúc mới 25 tuổi: Đình nguyên Bảng nhãn LÊ QUÍ ĐÔN. Từ thủa nhỏ ngài đã nổi tiếng thần đồng, thông minh lanh lợi. Công danh của Ngài trọn vẹn dưới đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) niên hiệu Cảnh Hưng với chức vụ cuối cùng là thượng thư bộ Công.
      - Trần Bích San: đỗ giải nguyên năm 1864 (26 tuổi), hội nguyên 27 tuổi (1865) và cùng năm đó, đình nguyên. Ngài có tiếng là một con người khí khái ; uống thuốc độc tự vẫn vì không muốn để tên phó thủy sư đô đốc Dupré của Pháp hạ nhục mình.
      - Vũ Phạm Hàm: đỗ giải nguyên năm 20 tuổi (1884), hội nguyên 28 tuổi (1892) và cùng năm đó, đình nguyên ; Đình nguyên Thám hoa VŨ PHẠM HÀM. Ngài có trí nhớ ít ai bì kịp: khi vào thi Hội đề thi ra 24 tiên nho, ngài nhớ được đủ tên và tiểu sử. Do tuổi trẻ đỗ đại khoa, nên ngài hay có tính tự phụ, quan lại ghen ghét. Sau khi từ chức Đốc học Hà Nội, ngài được thăng án sát Hưng Hóa rồi án sát Hải Dương. Tại Hải Dương ngài lại không ưa viên công sứ Pháp sợ bị tên này gây khó dễ, nên ngài cáo quan về vườn khi mới 42 tuổi.

      Hai vị Nguyễn Khuyến và Trần Bích San đỗ Nhị giáp, còn hai vị Lê Quí Đôn và Vũ Phạm Hàm đỗ Nhất giáp.

      **********************************************
      Đấy, sau khi lược qua thân thế “Tứ đại Tam nguyên” của dân tộc Lạc Hồng, chúng phải nhận biết rằng: Quốc pháp của Vua ban rất nghiêm ngặt, chứ đừng nói chi đến THI CỬ để chọn nhân tài gánh vác xã tắc lại càng nghiêm minh gấp bội lần, hãy mở lịch sử ra đọc là biết thôi.

      Cho nên chỉ cần thi đỗ Hương thí (cử nhân) là “Kiệu anh đi trước võng nàng theo sau” – làng nào có tân khoa cử nhân thì cả làng ra đón vì vinh dự và cũng do lệ của Vua ban ra; còn đỗ Hội thí (tiến sĩ) thì cả một tổng ra đón chưa kể BIA ĐÁ ĐỀ TÊN lưu lại nghìn năm cho hậu duệ ; chứ nói chi đến Hội nguyên hay Đình nguyên đều được vào cung trình diện Vua. Ôi, thật đúng là “VINH QUI BÁI TỔ” làm rạng danh gia tộc & họ hàng.

      Hãy mở cuốn sách QUỐC TRIỀU KHOA BẢNG LỤC, tập 2, của Cao Xuân Dục (1843-1923), dịch giả Lê Mạnh Liêu, được Bộ Giáo Dục VNCH xuất bản năm 1960 ; năm 2001 được nxb Văn Học in lại, sẽ thấy tất cả những vị đỗ Đại Khoa thời nhà Nguyễn (1802-1945) ; trong đó có một vị sinh trưởng ở quê nhà NINH THUẬN chúng ta, đó là NGUYỄN NGỌC HOÀNG, xã Tiến Lộc, Ninh Thuận, đỗ đại khoa tiến sĩ năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ tư (1919) 33 tuổi, vị này đổ Cử nhân khoa Nhâm Tý (1912).

      ********************************************
      Bài thơ ÔNG TIẾN SĨ GIẤY. Chúng tôi chép nguyên văn trọn vẹn từ cuốn VIỆT NAM VĂN HỌC của Dương Quảng Hàm (1898-1946) do Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục VNCH, in lại và xuất bản năm 1961; sau này được nxb Trẻ, TP/HCM in lại năm 2005, phát hành bởi Nhà sách Văn Lang, 25 Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, TP/HCM.

      48- Ông Tiến sĩ giấy (1)
      Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai (2),
      Cũng gọi ông Nghè có kém ai.
      Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng (3),
      Nét son điểm rõ mặt văn khôi 4).
      Tấm thân xiêm áo (5) sao mà nhẹ?
      Cái giá khoa danh (6) ấy mới hời!
      Ghế tréo (7), lọng xanh ngồi bảnh choẹ (8),
      Nghĩ rằng đồ thật, hoá đồ chơi!

      [b]Chú thích:
      1) Tiến sĩ giấy: Hằng năm cứ đến dịp tết Trung Thu (rằm tháng tám), người ta làm những hình nhân bằng giấy, giả làm ông tiến sĩ (cũng áo mũ, cân đai, cờ biển) cho trẻ con chơi. - 2) Cân đai: cân là cái mạng đan bằng sợi cước hay bằng tóc, bịt ngang trán để đội mũ, đai là cái vòng đeo ngang lưng ở ngoài áo chầu. Hai thứ ấy đều thuôc về phẩm phục. - Giáp bảng: (giáp: chữ đứng đầu hàng “thập can”; bảng: bảng đề tên những người đổ): bảng đề tên những người đỗ chánh bảng, như tiến sĩ, cử nhân, trái với Ấtt bảng đề tên những người đỗ phó bảng, tú tài. - 4) Văn khôi: (văn: văn chương; khôi: trội hơn cả) văn chương giỏi hơn cả. - 5) Xiêm áo: (xiêm: xem câu chú thích số (6) ở bài số 10: nói chung phẩm phục. – 6) Khoa danh: thi đỗ và nổi tiếng -7) Ghế tréo: thứ ghế cao, hai bên có hai miếng gỗ đóng tréo nhau để giữ chân cho chắc. – 8) Bảnh chọe: ra dáng đắc chí, hách dịch.
      (sđd. trang 186)[/b]

      Chỉ cần đọc qua bài thơ cùng với chú giải của chính GS Dương Quảng Hàm, chúng ta đều nhận thấy rằng:
      - Bài thơ không có một ngụ ý nào làm ta liên tưởng đến “bằng tiến sĩ giả” như nhiều hậu duệ lầm tưởng! Chẳng qua là cụ Nguyễn thấy ở tiệm bán hình nhân làm bằng giấy - giả làm ông tiến sĩ – nhân dịp tết Trung Thu, nên ngài gửi gấm tâm sự buồn cho những ông Nghè khi đã có danh lợi rồi chẳng lo gì cho dân cho nước, không xứng đáng với danh tước Vua ban.
      - Chúng ta nên nhớ rằng, trong văn học sử Việt Nam, Nguyễn Khuyễn được xếp vào mục “Các Nhà Văn Yếm Thế”. Xin hãy đọc đoạn sau đây trong BIỂU NHẤT LÃM VĂN HỌC CẬN ĐẠI, nxb Tự Do, Sài Gòn, 1958, của Thanh Lãng, GS thực thụ kiêm Trưởng ban Việt văn Đại học Văn khoa Saigon từ 1958 đến tháng 4/1975:

      “ Ở ông, cái vết thương vong quốc cứ loan mãi ra gây cho thi sĩ bao nhiêu khắc khoải đau thương khiến ông phải rên lên một cách thống thiết bi đát trong bài “Cuốc Kêu Mùa Hạ” (...) ; thật là những tiếng thống thiết như nhịp kèn tiến quân xứng đáng đứng vào hàng ngũ những thơ kháng chiến như những bài chiêu hồn ca... Lòng yêu nước của thi nhân thật là tràn trề lai láng khiến cho “Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
      Sáu khắc hồn sau bóng nguyệt mờ. ”
      (...)
      Nguyễn Khuyến cho rằng làm quan với thực dân có khác gì cái thân ông tiến sĩ giấy. Thực vậy, dưới con mắt Yên Đỗ, quan lại của Việt Nam chỉ là thứ đồ chơi của thực dân chưng bày ra để che mắt thiên hạ. Cũng như Phan Châu Trinh, nhưng dưới một hình thức khác – thiên về nghệ thuật hơn là chánh trị - văn thơ Nguyễn Khuyến kéo hẳn lên bức màn sân khấu Việt Nam cho ta chứng kiến tất cả thối nát, tham ô, nhũng nhiễu của quan lại Nam triều:
      “ Vua còn chẳng ra gì,
      Quan chèo chi nữa khác chi thằng hề! ”

      Kể ra đấy cũng là những bản cáo trạng khá gay gắt kết án một chánh thể đang đi vào con đường lầm lẫn. Nhưng trước cái hiện tại đang tan rã thê thảm ấy, thay vì đứng ra chống đỡ nó, quay chiều đổi hướng cho nó, thì Nguyễn Khuyến đã chỉ làm một tên lính đào ngũ: chính tác giả cũng tự nhận như thế là dở:
      “Cờ đương giở cuộc không còn nước,
      Bạc chửa thâu canh đã chạy làng. ”

      Chán nản, như một ma lực, theo đuổi và ám ảnh ông mọi lúc. Ở con người ông, luôn toát ra một cái gì ê chề, một cái gì ẩm ướt những nước mắt, những tuyệt vọng. Ngay đến sách vở, ngay đến áo xiêm, thành tích của thời xưa oanh liệt, nay cũng làm cho ông tủi hổ:
      “Sách vở ích gì cho buổi ấy,
      Áo, xiêm nghĩ lại thẹn thân già. ”
      (...)

      Ngày đã xuống. Một buổi chiều lạnh giá, âm u tưới ướt cả con người ông. Ông yêu thiên nhiên, nhưng bao giờ cũng là một cái thiên nhiên thu tàn, chiều úa, yêu như yêu một nhân tình để gửi vào đó những thầm kín, những nỗi thê lương tuyệt vọng. Lúc nào ông cũng như văng vẳng nghe tiếng thu, nhìn thấy màu vàng úa, tiêu điều của thu...

      (Sđd. trang 158, 159, 160 và 161.)

      Với lời bình trên của nhà viết Văn học sử hàng đầu Việt Nam, giảng dạy Văn học sử Việt Nam biết bao thế hệ sinh viên cho đến cuối đời mình, chúng tôi thiết nghĩ quá đủ để cho hậu duệ bây giờ phải SUY TƯ & CẢM NIỆM...

      ****************************************
      Xin được ghi thêm: GS Thanh Lãng tức linh mục Đinh Xuân Nguyên đã tốt nghiệp Tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ năm 1957, với luận án “ L’APPORT FRANCAIS DANS LA LITTERATURE VIETNAMIENE” (Sự Đóng Góp của Pháp Trong Văn Học Việt-Nam).
      *****************************************
      Kỳ sau: Nhà đại ái quốc Đình nguyên Tiến sĩ PHAN ĐÌNH PHÙNG (1847-1895) với Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi.

      Tây đô, xế chiều không nắng
      August 07th 2019
      CHỮ ÍT TÌNH NHIỀU
      भक्तिवेदन्तविद्यारत्न



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân