TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Istanbul dạo chơi chốn cũ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Istanbul dạo chơi chốn cũ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Thu Jun 27, 2019 11:38 pm    Tiêu đề: Istanbul dạo chơi chốn cũ

Istanbul dạo chơi chốn cũ

Công trường Sultanahmet, mặt tiền của Ayasofya. Hình: TLL/trẻ


Istanbul là thành phố lớn nhất, là trung tâm kinh tế, văn hóa và lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ. Dế Mèn đến đây lần đầu khoảng 20 năm trước và trở lại khoảng 10 năm sau. Có một thắc mắc chưa được giải đáp thỏa đáng, nên trong chuyến đi thăm đường Tơ Lụa này, phe ta cũng lại bắt đầu từ Istanbul nơi hệ thống giao thương giữa đông và tây... chấm dứt! Cũng những di tích nổi tiếng lẫy lừng tuổi ngàn năm như hầm chứa nước Yerebatan Sarnici (xây cất dưới thời La Mã), nhà thờ Sofia hay Ayasofya, Blue Mosque... nhưng cái nhìn năm 2019 xem ra không còn thủy chung với những cảm nhận xưa cũ.

Thành phố đã thay đổi kha khá, thành phố nào chẳng thay đổi theo thời gian? Ðường phố chật hẹp hơn vì quá nhiều xe cộ, người qua lại. Hình như số dân cư tại Istanbul đã tăng gấp đôi trong hai mươi năm qua nhưng nhịp sống hăm hở, sôi động, vội vã của một địa điểm du lịch thì vẫn ồn ào như cũ.

Quán trọ nằm trong vùng Sultanahmet của phố Cổ nơi hầu hết các di tích lịch sử tọa lạc nên Dế Mèn chỉ việc thong thả cuốc bộ đi lòng vòng từ 20 – 40 phút là có thể “gặp lại” gần hết cảnh xưa.

Công trường Sultanahmet khá rộng, giữ được khá nhiều di tích tuổi ngàn năm, từ trụ đá Obelisk quà tặng của Ai Cập, cột sắt chạm hình rắn, Serpent Column từ thời La Mã đến các tòa nhà chung quanh. Istanbul là một thành phố cổ, hoàng cung của triều đại Ottoman nên nhìn đâu cũng thấy di tích, cổ vật... chỉ cách nhau vài chục thước!

Phe ta đi dạo chốn cũ với một cái nhìn khác do sự thay đổi về tuổi tác đến kinh nghiệm rong chơi suốt 20 năm qua và thẩm nhận rồi so sánh những cảm giác cũ / mới lẫn lộn. Cũng vẫn tiếng loa vang rền gọi tín đồ thức giấc cầu nguyện lúc 5 giờ sáng và vài ba lần nữa trong ngày, chỉ khác chút xíu là buổi mai trời chưa sáng là khoảnh khắc vắng lặng nên tiếng kinh cầu lồng lộng khắp chốn! Nhìn quanh, ngõ nào trong thành phố cũng có đền thờ; từa tựa như khi ta đếm số nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Tây Ban Nha hay số chùa và am bên Hoa Lục.


Tác giả chụp hình lưu niệm.


Ayasofya, Hagia Sophia, trước kia là nhà thờ Thiên Chúa giáo, xây cất từ thời Byzantine, ngày nay Hagia Sophia là một bảo tàng viện, và bảo tàng viện [lớn] thường đóng cửa vào thứ Hai (hình như “tục lệ” này được áp dụng khắp nơi trên thế giới?) nên đến thứ Ba thì bá tánh xếp hàng rồng rắn để mua vé vào xem.

Bên ngoài là bồn nước rửa tội, Baptistry; sau khi trở thành đền thờ Hồi giáo thì bồn nước trở thành nơi tín đồ rửa mặt mũi, tay chân trước khi vào đền thờ, Ablution Station:

Vé vào cửa ngày nay là 60 Turkisk Lira (TK), cỡ 12 Mỹ kim. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên Âu nhưng không nằm trong khối Euro Zone nên không dùng Euro như đơn vị tiền tệ.

Cổ mộ của các Sultans nằm ngay sau lưng Ayasofya, ra vào tự do nhưng là chốn tôn nghiêm nên phụ nữ cần trùm khăn trên đầu. Lăng mộ chạm trổ tỉ mỉ, khá đẹp, trần nhà khảm gốm xanh, đỏ, cửa gỗ khắc chạm, mạ vàng nhưng chính các ngôi mộ bên trong thì vô cùng đơn sơ, chỉ là một khối chữ nhật với chỏm tháp nhỏ, bọc vải xanh lục. Không có chi khác!

Cách Hagia Sophia khoảng trăm thước là hầm nước Yerebatan Sarnici dài 140 thước, rộng 70 thước, cũng được xây cất từ thời Byzantine dưới đời vua Justinian I (527-565).

Hầm nước này được cư dân gọi là “Yerebatan Palace” vì trần hầm được chống đỡ bằng 336 cột cẩm thạch với chiều cao 9 thước. Với diện tích gần 10 ngàn thước vuông, căn hầm có thể chứa một lượng nước khá lớn, cỡ 100,000 tấn! Hầm nước cũng có cái tên quen thuộc khác là Basilica Cistern vì nằm cạnh nhà thờ Sophia.

Người xưa khi xây cất không chỉ nhắm đến “công dụng” mà còn chú tâm đến cái đẹp nhất là những công trình kiến trúc dành cho vua chúa, Yerebatan Sarnici cũng không ngoại lệ. Hầm nước dành riêng cho lâu đài của đế chế Byzantine (và sau đó là triều đại Ottoman) nên các cột cẩm thạch đều được đẽo gọt tỉ mỉ, nổi bật nhất là bệ chống khắc đầu Medusa của hai cột cẩm thạch phía tây bắc căn hầm và cột cẩm thạch khắc hình lông công.


Ở góc đường có cả xe hàng rong bán bắp nướng, bánh mì, bá tánh mua xong ngồi xẹp xuống vệ đường gặm thức ăn thoải mái. Mỗi trái bắp nướng giá khoảng 80 xu tiền Mỹ. Hình: TLL/trẻ


Gần hai cột cẩm thạch có bệ đá Medusa là cột cẩm thạch cẩn hình lông công, nhìn từ xa qua màn nước đọng và ánh đèn leo lét, cột đá dường như chảy những hạt lệ long lanh.

Những hình tượng này không mấy thay đổi qua thời gian; hẳn người thành phố đã dày công gìn giữ công trình kiến trúc ấy suốt mấy trăm năm nay sau khi hầm nước bị bỏ phế?! Hầm nước được bá tánh để ý đến và bỏ công bảo trì từ những năm 1544-1550 nhờ công lao khám phá của ông P. Gyllius, người Hòa Lan, khi đến Thổ để nghiên cứu về các kiến trúc Byzantine.

Hình ảnh hầm nước xuất hiện trong phim James Bond, thời ông Roger Moore là tài tử chính. Vé vào cửa là 20 TL, cỡ 4 Mỹ kim, khá rẻ.

Di tích nổi tiếng khác của Istanbul là Blue Mosque, ngôi đền Hồi giáo cổ được xem là đẹp nhất của thế giới (?) qua những viên gạch xanh dương sắp xếp theo hình kỷ hà. Vào đền thờ không phải mua vé nhưng phụ nữ phải trùm khăn, quấn váy dài đến gót chân nếu lỡ mặc váy ngắn, quần đùi; các món trang phục này đền thờ cho mượn ngay cổng vào. Hễ ông cảnh sát tôn giáo (religious police) trấn cửa lắc đầu, biểu rằng “trùm đầu” (cover your head) là người xem phải rẽ hàng qua trạm mượn khăn áo, mặc đầy đủ mới được vào thăm đền.

Trước khi vào đền thờ, nam tín đồ tháo giày dép, rửa chân tay, mặt mũi sạch sẽ, xem hình bên dưới. Dế Mèn không thấy nơi quý cô rửa ráy ở đâu, chẳng lẽ họ... sạch sẽ đủ để vào đền thờ cầu nguyện mà không cần vòi nước? Hoặc giả trạm rửa chân tay cho phụ nữ cất giấu chỗ nào đó vì phụ nữ không thể phơi bày tay chân trước bá tánh? Ðến cửa lại có thêm màn tháo giày, đền thờ cung cấp túi ny lông để khách thăm viếng có thể đựng giày dép, cắp theo, khỏi lo mất mát.

Mấy ngày ở Istanbul ngắn ngủi, xem Sophia Hagia thì hỏng dịp thăm lâu đài Tokapi, bây giờ là viện bảo tàng lớn nhất của Thổ, lưu trữ các vật quý giá của triều đại Ottoman. Năm xưa khi được nhìn ngắm cổ vật Dế Mèn cảm nhận được phần nào sự sâu xa của văn hóa Islam và mức giàu có nứt đố đổ vách của hoàng triều Ottoman, không thua nhà Thanh, nhà Minh bên Tàu chút nào! Lần này lỡ dịp, đến cổng chỉ thấy hai ông lính gác súng ống đằng đằng với tấm biển “đóng cửa”, uổng quá nhưng ít ra năm nọ, phe ta cũng được ngó một lần!


Grand bazaar, nơi buôn bán rầm rộ suốt ngày đêm. Hình: TLL/trẻ


Không được vào Tokapi thì phe ta rẽ lối, xem viện bảo tàng thảm (Hali Muzesi) và viện bảo tàng nghệ thuật Thổ và Hồi giáo (Türk ve Islam Eserleri Müzesi). Viện bảo tàng nghệ thuật nằm trong tòa nhà của quan lớn Pargali Ibrahim Pasha, phụ tá nhà vua Süleyman the Magnificent. Tòa nhà mênh mông với những phòng triển lãm trưng bày cổ vật về Hồi giáo; đặc biệt nhất là phòng triển lãm trưng bày di vật của giáo chủ Muhammet, kệ sách, hộp đựng bút nghiên, ống thủy tinh đựng... mấy sợi tóc (râu?) nằm trong tủ kính dày cui, nghe nói súng bắn không thủng (?). Phe ta ngắm nghía khá lâu mà vẫn không nhìn ra sợi tóc nào!

Viện bảo tàng thảm trưng bày... thảm với các hình tượng [được xem là] đặc thù của Thổ (?), nhưng khi đến các viện bảo tàng thảm tại Ashgabat (Turkmenistan) và Bukhara (Uzbekistan) Dế Mèn lại thấy các hình tượng kể trên cũng có mặt trên thảm dệt tại mấy địa phương này. Ta có thể tạm kết luận là cư dân vùng Trung Á liên hệ mật thiết với cư dân Thổ, hoặc giả họ trao đổi nghệ thuật / kỹ thuật chế tạo vật dụng qua các thương buôn qua lại trên đường Tơ Lụa?

Grand bazaar (“bar” = tôi có; “zaar” = tôi cần; “bazaar” là nơi người “có” [sản phẩm] trao đổi với người “cần” hay diễn nôm na là “Chợ”) xem ra có phần phồn thịnh hơn năm xưa, cả ngàn cửa tiệm buôn bán rầm rộ suốt ngày đêm, dãy hàng da, hàng vàng, hàng đèn... Người bán ra cửa chèo kéo khách mua ồn ào; mua bán ở đây dứt khoát là phải trả giá, mà người bán thì thách giá quá trời! Dế Mèn lại nhát nên không dám mua thứ gì, chỉ nhanh chân đi quanh mà ngó rồi... chạy ra. Thích món nào thì chụp hình rồi quay lại tiệm bán vật kỷ niệm của viện bảo tàng mà mua, giá đắt hơn khoảng 20-40%, nhưng phẩm chất thì chắc ăn, ăn chắc, kẻo uổng công khuân vác chục ngàn dặm đường!

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân