TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Dr. Seuss & các thử thách
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Dr. Seuss & các thử thách

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Mon May 20, 2019 11:16 pm    Tiêu đề: Dr. Seuss & các thử thách
Tác Giả: Trần Lý Lê

Dr. Seuss & các thử thách


Gần đây, giới văn chương sách vở Huê Kỳ cử hành ngày kỷ niệm sinh nhật ông Theodor Seuss Geisel người được biết qua bút danh “Dr. Seuss”. Cuộc đời ông Theodor Seuss Geisel là một chuỗi diễn biến kỳ thú, nhiều vui buồn, thăng trầm và cả thất bại cũng không nản, dẫn đến sự thành công của một tác giả lẫy lừng về sách vở nhi đồng. Hầu như mọi nhi đồng tại những vùng đất nói tiếng Anh trên thế giới đều biết “Dr. Seuss” qua những cuốn sách vỡ lòng với màu sắc lôi cuốn và các hàng chữ vần điệu giản dị dễ nhớ.

Theodor Seuss Geisel sinh ngày 2 tháng Ba, năm 1904, mất ngày 24 tháng Chín, năm 1991. Người cha, ông Theodor Robert Geisel, là một nhà cất rượu bia và bà mẹ, Henrietta Seuss Geisel giữ việc nội trợ. Năm 18 tuổi, khi theo học tại Dartmouth College, ông Geisel giữ vai trò trưởng ban biên tập của tạp chí [hài hước] Jack-O-Lantern tại trường học. Bị bắt gặp uống rượu trong thời cấm đoán (tội tiểu hình), ông Geisel mất việc tại tòa báo nhưng vẫn tiếp tục viết bài với bút hiệu mới “Seuss”, dùng tên đệm của bà mẹ.

Sau khi tốt nghiệp tại Dartmouth, ông Geisel tiếp tục việc học tại Oxford University, Anh với mục đích trở thành giáo sư Anh ngữ nhưng rồi bỏ ngang và trở về Hoa Kỳ sinh sống với nghề hí họa.


Life, "Educational Charts" (1929) Seuss - 001


Trước khi trở thành nhà văn, ông Geisel khá nổi tiếng qua các bức hí họa trên tạp chí, biển quảng cáo...

Ông Geisel chính thức chuyển nghề khi cuốn sách đầu tiên “And to Think That I Saw It on Mulberry Street” được phát hành năm 1937 sau khi bị từ chối đến... 27 lần! Sự may mắn đến với ông Geisel khi đang cuốc bộ trên đường phố New York thì tình cờ gặp lại một bạn học cũ; người bạn này [thủa ấy] làm việc cho một nhà xuất bản. Hàn huyên chuyện cũ, mới và nỗi thất vọng về tập bản thảo bị từ chối dẫn đến việc trợ giúp từ người bạn này, và tác phẩm đầu tiên ra đời!



Sau đó, các tác phẩm khác của Dr. Seuss là một chuỗi thành công liên tục, trên 60 cuốn sách nhi đồng ra đời với nhiều tác phẩm nổi tiếng, như “How the Grinch Stole Christmas”, “The Cat in the Hat”, “Green Eggs and Ham”, “Dr. Seuss’s ABC”, “The Lorax”, “Horton Hears a Who! ”, “Are You My Mother”, “Fox in Socks”, “One Fish Two Fish Red Fish Blue Fish” và “Oh the Places You’ll Go”...



Lối viết giản dị, câu chuyện là những đoản khúc vần điệu êm ái nên được ưa chuộng qua nhiều thế hệ nhi đồng. Ðặc biệt là cuốn The Cat in the Hat gồm 220 chữ, xuất bản năm 1957 sau khi tạp chí LIFE than phiền rằng trẻ em Huê Kỳ (thủa ấy) ít chịu đọc sách vì sách vở không mấy hấp dẫn! Ðáp ứng với lời than phiền ấy, cuốn sách ra đời, nhanh chóng trở thành “sách gối đầu giường” của nhi đồng và đã chứng minh tài năng của Dr. Seuss: thấu hiểu tâm lý, sở thích của trẻ em.

Ly kỳ hơn, năm 1960, hai người bạn đánh cuộc với nhau. Ông Bennett Cerf, người thành lập công ty phát hành sách, Random House, đã thách người bạn, Theo Geisel, viết một câu chuyện nhi đồng chỉ vỏn vẹn 50 chữ; viết được sẽ thắng 50 Mỹ kim.



Ông Geisel viết cuốn sách mỏng, Green Eggs and Ham, và thắng cuộc. “Do you like green eggs and ham?” “Sam-I-Am”... cuốn sách ngắn 50 chữ nhưng vần điệu êm tai nên dễ nhớ, phụ huynh cũng như trẻ em đều thích đọc trên giường trước khi đi ngủ. Kể từ ngày phát hành, Green Eggs and Ham đã bán trên 200 triệu ấn bản, trở thành cuốn sách phổ thông nhất của Dr. Seuss và cũng một trong các cuốn sách nhi đồng bán chạy nhất trong lịch sử.


Universal Studio, Orlando, Florida


Một số các cuốn sách của Dr. Seuss đã được quay thành phim hoạt họa và cũng rất thành công. Ngày nay, khi du khách dạo chơi Universal Studio, Orlando, Florida, sẽ thấy khá nhiều bức tượng, hình ảnh bắt mắt từ các cuốn sách của Dr. Seuss được trưng bày tại các sân chơi dành riêng cho nhi đồng [và cha mẹ chúng].

Trước sự thành công của cuốn sách Green Eggs and Ham, bạn bè ông ấy đều cho đó là một sự tình cờ, ông Geisel may mắn trong việc đùa giỡn với chữ nghĩa. Nhưng với các cuốn sách kế tiếp, sự thành công của Dr. Seuss không còn là chuyện may mắn nữa mà là hình ảnh của một khối óc tưởng tượng phong phú với thói quen làm việc cần mẫn, đều đặn.


Geisel at work on a drawing of the Grinch for How the Grinch Stole Christmas! in 1957


Trẻ em học vần, học chữ qua các cuốn truyện tranh xem ra phóng khoáng, vui vẻ, dễ dãi của Dr. Seuss nhưng cuộc đời, cách sống và nhân sinh quan của ông ấy lại là tấm gương của sự kỷ luật và ý chí sắt đá; vượt thử thách để đạt ý muốn với nhiều bài học.

Khả năng chịu đựng, ép lòng làm việc theo khuôn khổ định sẵn đã dẫn đến thành công, như ông Geisel đã đặt mình trong nhiều khuôn khổ tự giới hạn khi làm việc: Cuốn sách 50 chữ kể trên; chỉ dùng từ vựng sử dụng trong sách vở giáo khoa dành cho lớp vỡ lòng (cuốn “Cat in the Hat”).

Sự giới hạn ấy đã nảy sinh nhiều ý tưởng mới, nhiều cách giải quyết mới mẻ để vượt qua thử thách. Như một người chơi bóng rổ thấp bé có thể sẽ tìm ra cách tận dụng tiềm năng của mình qua cách ném banh khác thường? Với đứa con đòi hỏi quá nhiều thời giờ chăm sóc, bà mẹ có thể tìm ra cách vận động thân thể mới để cùng chơi với con?



Sự giới hạn sẽ thúc đẩy ta tìm cách hoàn tất công việc nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Như câu nói quen thuộc của giới điều hành “cứ giao việc cho người bận rộn nhất, họ sẽ tìm cách hoàn tất việc ấy”; tạm hiểu là một nhân viên bận rộn [thường] biết cách làm việc một cách hiệu quả và đưa ra kết quả đúng thời hạn. Nói giản dị là cách làm việc theo lịch trình đặt sẵn, cung cách “việc hôm nay chớ để ngày mai” hoặc không cho phép ta làm việc theo cảm hứng sẽ đạt kết quả tốt đẹp. Dường như đây cũng là một trong những phương châm làm việc của học giả Nguyễn Hiến Lê, mỗi ngày đều viết một số trang định sẵn, bất kể mưa nắng, biến chuyển chung quanh?

Sự giới hạn cũng là một thử thách và khi được [bị?] thách đố, người mạnh mẽ, có bản lãnh sẽ tìm cách giải quyết, vượt qua thử thách để thành công. Mỗi người đều có một tiềm năng riêng, không tự “thử” thì khó lòng đoán biết khả năng của mình và tiềm năng kia hẳn sẽ mai một? Con người chỉ tận dụng khả năng khi gặp thử thách?

Khi phân tích các thành quả và cung cách làm việc của ông Geisel, ta có thể nhận ra phương châm làm việc của ông ấy: Bất kể giới hạn về thời giờ, tiền bạc..., cứ thử và cứ làm hết sức mình sẽ thấy kết quả tốt đẹp!

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân