TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Victor Hugo & Nhà Thờ Đức Bà Paris
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Victor Hugo & Nhà Thờ Đức Bà Paris

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Wed May 01, 2019 11:01 pm    Tiêu đề: Victor Hugo & Nhà Thờ Đức Bà Paris
Tác Giả: Đinh Yên Thảo

Victor Hugo & Nhà Thờ Đức Bà Paris

Một bộ 2 cuốn “Notre Dame de Paris” của Victor Hugo, xuất bản năm 1841 đang được đấu giá trên mạng, dự trù sẽ bán được giá khoảng $350 - $700


Những ai đã từng đến Paris có lẽ đã được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của một công trình kiến trúc lịch sử – và biểu tượng của nước Pháp, là nhà thờ Đức Bà hơn 850 tuổi. Nhưng nhiều thế hệ khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, cũng đã từng biết đến ngôi Thánh Đường này qua tác phẩm “Notre Dame de Paris” của văn hào Victor Hugo, mà tiếng Việt dịch ra là “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà”. Người ta cho rằng chính cuốn tiểu thuyết này đã giúp giữ Thánh Đường này lại cho đến hôm nay.


An employee holds a first edition copy of 'The Hunchback of Notre-Dame' by Victor Hugo at Sotheby's auction house in London on Dec. 7, 2017. (DANIEL LEAL-OLIVAS/AFP/Getty Images)


Sau vụ hỏa hoạn nhà thờ Ðức Bà Paris hồi tuần trước, tiểu thuyết “Thằng Gù Nhà Thờ Ðức Bà” của Victor Hugo (1802-1885) trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon tại Pháp. Có thể những thế hệ trước muốn tìm đọc lại một tác phẩm văn học cổ điển đã gắn bó với ngôi thánh đường yêu quý của họ giữa lòng Paris mà họ từng say mê đọc hay học từ thủa nhỏ. Có thể giới thanh niên tìm đọc vì họ chưa từng đọc qua, bởi ngôi thánh đường luôn hiển hiện bên bờ sông Seine cần gì tìm đâu xa trong tiểu thuyết. Cho đến khi nó bị cháy. Dù thiệt hại nhiều, nhưng rất may mắn là điều tệ hại nhất mà người ta lo sợ, rằng nó sẽ sụp đổ hoàn toàn, đã không xảy ra. Những ai chưa từng có dịp đến Paris vẫn còn có thể mộng tưởng một lần ghé đến nơi đây để ngắm tháp Eiffel rồi chiêm ngưỡng nhà thờ Ðức Bà Paris mà họ từng biết đến từ một thủa xa xôi, qua ngòi bút cuốn hút của Victor Hugo.


Đại văn hào Victor Hugo (1802-1885) là một nhà thơ, kịch tác gia, tiểu thuyết gia thuộc trường phái Lãng Mạn. Ông nổi tiếng với những tác phẩm như “Les Miserables” và “Notre Dame de Paris”.


Victor Hugo là một thi sĩ, một tiểu thuyết gia kiêm một kịch tác gia được xem là vĩ đại nhất trong số những cây bút thuộc trường phái lãng mạn của Pháp. Dù ông là một thi sĩ nổi tiếng tại Pháp nhưng những tiểu thuyết của ông như “Thằng Gù Nhà Thờ Ðức Bà” và “Những kẻ khốn cùng” (Les Miserables) đã đưa tên tuổi ông đi rộng khắp thế giới. Là con trai một vị tướng của Napoleon thời cách mạng Pháp và mẹ là một người bảo hoàng, tuổi thơ của Victor Hugo là những ngày khó khăn khi theo cha xuôi ngược sang Ý, Tây Ban Nha rồi trở về lại Pháp. Cộng thêm sự xung đột về tư tưởng và chính kiến của cha mẹ đã sớm mang lại cho ông nhiều trải nghiệm đời sống cùng sự trưởng thành trong nhận thức và tư tưởng. Ðó là lý do các tác phẩm của ông thường phản ánh những phong trào chính trị và mang tư tưởng cùng màu sắc về dân chủ, tự do, ngay cả trong các tác phẩm lãng mạn.

Với tài thi ca thiên phú, năm 15 tuổi ông đã nhận được bằng tưởng lục của viện Hàn Lâm Pháp cho một bài thơ dự thi. Theo học luật khoa tại Paris, nhưng niềm đam mê văn chương thi ca từ nhỏ đã làm ông gắn bó với việc sáng tác hơn khi trong sổ tay của ông là những bài thơ, những bản dịch các vở kịch hơn là việc học luật không chủ đích và chẳng đều đặn của ông. Thi phẩm đầu tiên của ông, phát hành năm 19 tuổi, đã tạo nên một tiếng vang trong công chúng.


Cuốn “Ðại Hãn của Ái-Nhĩ-Lan” của Victor Hugo, xuất bản năm 1891


Tư tưởng bảo hoàng và trung thành với triều đình, mà ông ảnh hưởng từ mẹ mình, đã mang lại cho ông một món tiền thưởng hàng năm đáng kể do vua Louis 18 ban tặng. Hai năm sau, ở tuổi ngoài 20, Victor Hugo cho ra đời tiểu thuyết đầu tay – “Ðại Hãn của Ái-Nhĩ-Lan”, được dịch sang Anh ngữ và mang ông đến với giới văn chương thuộc trường phái lãng mạn cùng những nhà phê bình văn chương danh tiếng đương thời.

Cuộc đời và sự nghiệp bắt đầu từ đây, ông đã trở thành một tên tuổi lẫy lừng của nền thi ca Pháp và thế giới với những kiệt tác lừng danh.


Gác chuông nhà thờ Đức Bà. Nguồn: neil of the year


“Thằng Gù Nhà Thờ Ðức Bà” đặt trong một bối cảnh xã hội của thế kỷ 15, được ra đời năm 1831, năm ông chưa tròn 30 tuổi. Ðây là một kiệt tác mang tầm cao triết lý, về tình yêu và lòng thù hận, về cái chết và sự hủy diệt cùng nỗi cô đơn, thống khổ tột cùng của phận người. Truyện kể về câu chuyện tình vừa lãng mạn lại nghiệt ngã trong mối tình đơn phương say đắm và câm nín của thằng gù dị tật, xấu xí Quasimodo – một đứa bé mồ côi bị bỏ rơi rồi trở thành người kéo chuông nhà thờ Ðức Bà, đem lòng yêu người thiếu nữ gypsy múa rong xinh đẹp và trong trắng, thơ ngây là Esmeralda. Câu chuyện khốc liệt và dữ dội khi hầu hết những nhân vật chính trong câu chuyện cuối cùng đều chết. Và ở những chương gần cuối, thằng gù đã đốt nhà thờ để bảo vệ cô gái, lửa bốc cao cuồn cuộn trên đỉnh tháp chuông nhà thờ, chẳng khác gì cảnh nhiều người dân Paris đã chứng kiến khi đỉnh mái thánh đường bốc lửa đỏ rực ngoài đời hồi tuần trước. “Thằng Gù Nhà Thờ Ðức Bà” đã đánh động vào lương tâm, tạo sự xúc động mãnh liệt nơi người đọc. Cuốn tiểu thuyết, được viết trong bốn tháng trời, đã đưa tên tuổi Victor Hugo chính thức trở thành một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của nước Pháp và thế giới.

Victor Hugo đã bỏ ra rất nhiều thời gian để quan sát, chiêm ngắm nhà thờ Ðức Bà để đưa vào câu chuyện. Trong truyện các nhân vật chính như thằng gù hay phó Giám Mục nhà thờ Frollo đều rất yêu ngôi thánh đường. Ðưa một công trình kiến trúc lâu đời và có thật vào trong câu chuyện hư cấu của mình, người ta bảo rằng ông viết tác phẩm “Thằng Gù Nhà Thờ Ðức Bà” một phần cũng để ca ngợi vẻ đẹp của nhà thờ Ðức Bà và kêu gọi việc trùng tu, bảo vệ một kiến trúc Gothic tráng lệ và oai nghiêm của nước Pháp nói riêng, và Châu Âu nói chung, một di tích hiện hữu và vượt lên mọi biến động lịch sử trong nhiều thế kỷ.

Mà thật, khi ngôi thánh đường được trả lại cho tòa Giám Mục Paris năm 1802, năm Victor Hugo ra đời thì nó đã ở trong tình trạng xập xệ, hư hỏng. Những sự hủy hoại, mạo phạm trong thời kỳ cách mạng Pháp cho đến việc thiếu sự bảo quản đã làm ngôi giáo đường cũ kỹ, già nua, dẫn đến những ý nghĩ là nên phá bỏ nó đi để xây lại ngôi thánh đường tân tiến và chắc chắn hơn trong xu hướng hờ hững, muốn bỏ đi các kiến trúc Gothic Trung cổ có tháp nhọn lúc bấy giờ tại Pháp.


Quasimodo (Angelo del Vecchio) và Esmeralda (Alessandro Robicci) trong nhạc kịch “Hunchback of Notre Dame”, 2017. nguồn: playbill


Hình ảnh của thằng gù Quasimodo ít nhiều gợi cho người ta liên tưởng đến ngôi thánh đường: với hình hài, bộ mặt xấu xí bên ngoài, bên trong là một tâm hồn mẫn cảm, tràn đầy tình yêu và sự can đảm, dám hy sinh cho người mình yêu. Công luận bắt đầu chú ý đến ngôi thánh đường với bộ mặt hoang tàn nhưng bên trong là một không gian trần vòm với kiến trúc cùng những khung kính màu giá trị và tuyệt đẹp.

Một cuộc trùng tu được bắt đầu khởi công với sự tham dự của những kiến trúc sư tài ba của nước Pháp, và tiếp tục được sửa chữa, tu bổ cho đến ngày hôm nay khi vụ hỏa hoạn xảy ra. Ít nhiều thì người ta cũng đã ghi công cho Victor Hugo và kiệt tác “Thằng Gù Nhà Thờ Ðức Bà” đã góp phần giữ gìn ngôi thánh đường. Văn chương xem ra có một quyền năng và ảnh hưởng to lớn mà lắm khi người đời xem nhẹ.


Hình vẽ mô tả cấu trúc của nhà thờ Ðức Bà Paris


Có những ánh sáng của hy vọng và lương tri giữa những tai ương. Vụ hỏa hoạn nhà thờ Ðức Bà Paris đã làm thế giới bàng hoàng, lo lắng bởi họ nhận ra rằng đó không còn là một kiến trúc tôn giáo, một di sản quốc gia của riêng Paris hay nước Pháp mà là một công trình ngàn năm của nhân loại, vượt lên trên tôn giáo, thời gian và sắc tộc. Ngôi thánh đường cần được giữ lại với bất cứ giá nào.

Chỉ chưa đầy một tuần lễ kêu gọi, hàng tỉ đô la đã được cam kết hiến tặng cho việc trùng tu và tái thiết, ắt sẽ còn quy mô hơn bội phần so với sau lần quyển “Thằng Gù nhà thờ Ðức Bà” của Victo Hugo ra đời gần 200 năm trước. Trong ánh sáng mùa phục sinh, người ta tin rằng ngôi thánh đường chắc chắn sẽ được tái thiết tráng lệ hơn bội phần, để mãi là nguồn cảm hứng cho người đời sau.

Đinh Yên Thảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân