TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Người Hoa ở Chợ Lớn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Người Hoa ở Chợ Lớn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Fri Mar 29, 2019 11:29 pm    Tiêu đề: Người Hoa ở Chợ Lớn
Tác Giả: Trang Nguyên

Người Hoa ở Chợ Lớn

Khu chợ nhỏ họp trên vỉa hè ở vùng Chợ Lớn vào năm 1925


Người Minh Hương trốn nạn bắt bớ của triều đình Mãn Thanh di cư đến xứ ta cách nay hai trăm năm, qua bao thế hệ và các cuộc chỉnh đốn quốc tịch của chính quyền mỗi thời kỳ vì lợi ích quốc gia, đã không còn là người Hoa nữa. Gốc gác có thể còn trong trí nhớ, người gốc Hoa hiện tại gần như đã bị đồng hóa với người Việt, mang quốc tịch Việt, học chữ Việt...

Trong thời Pháp thuộc người Hoa có quyền, có thế lực, có tiền của và đầy rẫy sự kỳ thị với người Việt. Ngay cả những công việc lao động ở những phần quan trọng trong sản xuất hàng hóa như thợ mộc, thợ hồ, thợ máy, thợ tiện... đều ưu tiên dành cho người Hoa. Người Việt đơn thuần làm những công việc khuân vác ở bến tàu, kéo xe, công nhân hãng xưởng, lao công dưới quyền điều khiển của cai thầu người Hoa. Việc buôn bán nhỏ cũng bị người Hoa thao túng, làm ăn theo phường hội với mục đích kềm hãm sự phát triển của tầng lớp dân nghèo.


Bến Mỹ Tho ngày nay là bến Lê Quang Liêm cách nay hơn trăm năm. Nguồn: Manhhaiflicks


Tôi có đọc bài tản văn Nước Tàu Muôn Thuở của nhà văn Bình Nguyên Lộc viết trong thời kỳ cuối thập niên năm mươi khi Pháp đã rời khỏi Ðông Dương. Ông nghe người bạn Pháp từ Paris mới sang Chợ Lớn trước khi Pháp đầu hàng, hãnh diện nói rằng: “Chúng tôi đã nhốt nước Tàu trong Chợ Lớn”. “Cứ nghe theo ông ấy, bạn vào Chợ Lớn sẽ thất vọng ngay vì không thấy nước Tàu đâu cả. Ngày nay lại càng không thấy hơn, vì người mình đã ở xen lẫn lộn rất đông với người Trung Hoa từ lúc chiến tranh”.

Suy cho cùng, lời nói của ông bạn người Pháp mà nhà văn Bình Nguyên Lộc nhắc đến, là sự cường điệu một phần nào đó trong việc cai trị của người Pháp lúc đương thời. Bởi ý của Bình Nguyên Lộc là muốn nói đến nước Tàu muôn thuở theo nghĩa đen với bản sắc độc nhất vô nhị của nó, “chứ không phải lai căng mà trong đó người ta ăn vi cá mà uống Cỏ-nhắc (Cognac), không kể những tiểu thư mặc áo Thượng Hải mà nói tiếng Ăng-lê”.


Một tiệm chạp phô của người Hoa trong Chợ Lớn thập niên 1950. Nguồn: Manhhaiflicks


Ý nghĩa đơn thuần của hình ảnh nước Tàu Chợ Lớn làm sao có được đây? Nhìn lại Chợ Lớn của những năm cuối thế kỷ 19, người Hoa sinh sống tại khu vực này có gần 42 ngàn người, trong khi đó người Việt sống lẫn lộn đến gấp đôi, đó là chưa kể 20 ngàn người sống bồng bềnh trên những chiếc ghe thương hồ ở các bến sông bến cảng. Người Việt đông hơn nhưng lại là những dân đen lao động tay chân nặng nhọc. Các trường học của người Tàu trong Chợ Lớn đều dạy chữ Hoa, tiếng Pháp, nào có một ngôi trường thuần Việt của người xứ mình. Thế cho nên mới nói, Chợ Lớn là lãnh địa của người Hoa. Những sinh hoạt đời sống ít nhiều đã thay đổi với văn minh Âu Tây mà thực chất là của người Pháp. Từ kiến trúc nhà cửa cho đến cách ăn mặc hoặc điều hành bán buôn. Ngoại trừ những ngôi chùa cổ miếu còn mang hình ảnh của nước Tàu muôn thuở.

Hình ảnh chính cống nước Tàu trong tâm tưởng của Bình Nguyên Lộc là những khu vực ngoại vi của Chợ Lớn khi còn chưa phát triển thành đô thị. Chẳng hạn bến Bình Ðông. “Khi qua khỏi hai cây cầu sắt cao như nhà lầu, bạn sẽ có ảo tưởng rằng bạn đi du lịch ở đồng quê Trung Hoa. Những nông dân ở đây có bóng dáng kỳ lạ. Họ đội những chiếc nón mây có khoét lỗ ở giữa để lòi tóc ra nếu người đội là phụ nữ, và để lòi cái sọ trọc ra nếu người đó là đàn ông con trai. Họ gánh những thùng thiếc có gắn ống tre bên hông, tay đẩy nghiêng thùng, chân đi dài theo những vồng cải”.


Một góc đường ở Chợ Lớn năm 1950


Bình Ðông nguyên là vùng đất làm rẫy chuyên trồng cải còn sót lại của một vùng đất rộng lớn gần kề đó do mở rộng đô thị kéo dài từ Sài Gòn đến Chợ Lớn đã hình thành từ xưa. Thời Pháp mới đến đã có con đường đi về miền Tây. Ruộng rẫy khắp nơi, Chợ Rẫy là nơi tập trung buôn bán rau cải của người Hoa từ bao năm trước cho đến khi mảnh đất này trở thành Bệnh viện Hôpital Municipal de Cholon (Bệnh viện thị xã Chợ Lớn) vào đầu thế kỷ 20 (bệnh viện Chợ Rẫy ngày nay).

Hình ảnh nông thôn lọt giữa Sài Gòn Chợ Lớn đẹp như một bức tranh thôn dã hiền hoà của hơn trăm năm trước, không có tranh giành miếng cơm tấm áo như những ngành nghề lao động khác của một đô thị tập trung dân cư mà thị dân là những người Hoa, người Việt, người Miên sống trộn lẫn nhau trong một nồi lẩu thập cẩm, khác biệt về văn hoá, tập tục, khác biệt về ngôn ngữ. Nói là như vậy, nhưng con người sống trong cái nồi lẩu ấy vẫn buộc phải chịu sự ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt về ngôn ngữ bắt đầu pha loãng, hoà trộn nửa nạc nửa mỡ trong sinh hoạt hằng ngày.


Chợ cá của người Hoa nay là bưu điện quận 5 Chợ Lớn. Nguồn: Manhhaiflicks


Trở lại điều muốn nói, người Hoa đâu phải đến thời Pháp thuộc mới có được nhiều ưu đãi trong làm ăn kinh tế. Từ thời Hậu Lê cho đến gần nhất thời Gia Long, người Hoa được miễn lao dịch, không phải đóng thuế thân, cho phép dễ dàng làm ăn buôn bán, cho phép thành lập bang hội. Khi người Pháp vào Sài Gòn, họ vẫn tiếp tục nhận được những ưu đãi đó, thế lực Hoa kiều càng thêm mạnh. Và đâu chỉ ở Chợ Lớn, Sài Gòn là nơi làm ăn buôn bán thuận lợi ngay từ lúc ban đầu. Nhìn lại Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20, có hơn 13 ngàn người Hoa tập trung xây phố buôn bán, khắp nơi cửa hiệu lớn nhỏ buôn bán hàng xuất nhập cảng, thậm chí tiệm ăn, tiệm chạp phô, quán mì hủ tiếu, cơm cũng đều là của người Hoa. Do vậy, người mình khi nhìn về người Hoa Sài Gòn Chợ Lớn nói riêng, người Hoa ở Việt Nam nói chung đều đánh giá, người Hoa giỏi làm ăn buôn bán.

Bản chất này thiết nghĩ không chỉ có người Hoa mà những dân tộc khác khởi nghiệp làm ăn nhỏ đều cũng có. Vấn đề chính là làm ăn lớn, người Hoa được sự hậu thuẫn, ưu đãi nên thuận lợi trong việc đầu cơ trục lợi, đoán được thời cuộc, đoàn kết hỗ trợ nhau trong việc làm ăn là điều không chối cãi, bất kể các trường hợp hợp pháp hay bất hợp pháp.


Tiệm hút, sòng bài đều do người Hoa kiểm soát trước 1954. Nguồn: Manhhaiflicks


Nhìn lại giai đoạn đầu sau khi Pháp rút quân tại Ðông Dương hay trước đó khi Pháp quay lại sau cuộc Cách mạng tháng Tám tại miền Bắc. Từ năm 1945, các bang hội người Tàu, trường học người Tàu bị giải tán. Ở miền Nam sau khi chia đôi đất nước năm 1954, chính quyền Ngô Ðình Diệm nhanh chóng thực thi chỉ dụ về Bộ luật quốc tịch Việt Nam vào cuối năm 1955. Ðiều 12 có ghi rõ: “Con chính thức mà mẹ là người Việt Nam, và cha là người Trung Hoa, nếu sinh đẻ ở Việt Nam thì là người Việt Nam”. Vài tháng sau, Bộ luật Quốc tịch quy định thêm: “Hoa kiều sinh tại Việt Nam sẽ là người Việt Nam, bắt buộc phải khai nhận quốc tịch Việt Nam và làm căn cước, nếu không có thể xin hồi hương trước ngày 31/8/1957”.

Ðây được xem là đòn giáng mạnh dứt khoát vấn đề quốc tịch của Hoa kiều của Thủ tướng Ngô Ðình Diệm mà bấy lâu được hưởng quy chế ưu đãi trong kinh doanh. Ngoài ra các quyết định kèm theo bắt buộc các tên cơ sở thương mại, văn hoá, văn bản phải viết bằng tiếng Việt. Cũng như quy định các ngành nghề người ngoại quốc nói chung (trong đó có Hoa kiều không phải quốc tịch VN) không được hoạt động như: Buôn bán cá và thịt, tạp hoá, than củi, xăng dầu, cầm đồ, vải sồ, sắt thép, xay lúa, ngũ cốc, vận tải, môi giới. Tính tới thời điểm này, Chợ Lớn còn khoảng hai ngàn người không nhập quốc tịch.

Người bạn lớn tuổi của tôi nhớ lại vào thời gian này, các văn phòng hành chánh của chính quyền ở khu vực Chợ Lớn đều có tấm biển ghi chữ to để ngay cửa: “Người Việt phải nói tiếng Việt”. Bởi tuy hầu hết Hoa kiều đã nhập tịch VN, nhưng khi đi làm giấy tờ vào cơ quan công quyền đều xí xô tiếng Tàu. Ngày nay thì khác rồi, có người Hoa nào không nói và viết tiếng Việt. Người Việt đã hoàn toàn đồng hóa người Hoa tại Chợ Lớn nói riêng và cả nước nói chung.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân