TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thiệp tình yêu chua như giấm
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thiệp tình yêu chua như giấm

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Fri Feb 15, 2019 11:36 pm    Tiêu đề: Thiệp tình yêu chua như giấm
Tác Giả: Sean Bảo

Thiệp tình yêu chua như giấm

Thiệp từ chối tình yêu của chàng chua như chanh


Lễ Tình Yêu ai cũng mong nhận được hoa hay kẹo chocolate, nhất là những tấm thiệp mang hình trái tim với dòng chữ nghiêng nghiêng đầy thơ mộng tình tứ, đại khái như:

Hoa Hồng nó màu đỏ, hoa Tím nó màu xanh

Cục đường nó ngọt xớt, như tình em yêu anh...

Truyền thống gởi cho nhau tấm thiệp đẹp trong ngày Valentine đã có từ thời Victorian. Ngoài những dòng chữ và design đẹp xinh trang trọng còn có những thông điệp vui nhộn, hài hước làm cho trái tim rộn ràng. Thế nhưng có một thời ở Mỹ, đến mùa Valentine người mong đợi (và cả người không mong đợi) lại nhận được những tấm thiệp đầy bất ngờ. Bên trong là những hình vẽ minh họa và dòng chữ chua chát, chế giễu... thậm chí xúc phạm hoặc thù ghét. Người Mỹ gọi chúng là Vinegar Valentine – Thiệp Tình Yêu Giấm Chua.


Thiệp của nàng cho chàng trai đeo đuổi vô vọng.


Chua như giấm đến cỡ nào thì mời bạn xem những tấm thiệp còn được lưu trữ. Bắt đầu từ những năm 1840, thời Victorian cổ điển kiểu cách, quý phái và lãng mạn. Ấy vậy mà tinh thần dân chủ và tự do đã làm nên một nét văn hóa xã hội đặc thù với Vinegar Valentine. Hàng triệu tấm thiệp đó được lưu hành khắp nước, song hành cùng các tấm thiệp truyền thống lãng mạn, nghiêm túc và mang đầy tình cảm chân thực.

Thời ấy kỹ nghệ in ấn và bưu điện đang phát triển nên chúng được design bằng những nét vẽ biếm họa đơn giản, in trên một mặt giấy mỏng rẻ tiền, giá chỉ 1 xu. Vì vậy thiệp còn được gọi là “1 xu khủng khiếp”. Tàn nhẫn hơn là chính người nhận phải trả tiền bưu phí, và người gởi tất nhiên nặc danh. Nhờ vậy mà gởi Thiệp Tình Yêu Giấm Chua trở thành phong trào phổ biến, làm khổ biết bao người.

Bắt đầu từ giới nghèo khó, chỉ với 1 xu có thể mua vui cho mình, thổ lộ hỉ nộ ái ố một cách thoải mái. Đối tượng của các tấm thiệp này không chừa một ai. Thiệp giấm chua thể hiện sự phản đối, không vừa lòng của khách hàng, của xã hội, của bất công, của sở thích cá nhân, giới tính đến chính kiến...



Thoạt đầu chúng chỉ châm chọc nhẹ nhàng, nhưng dần dần chuyển sang nghiệt ngã. Phần lớn thiệp nhắm vào các mối tình vô vọng, làm nản chí người đeo đuổi bám đuôi dai dẳng. Dù nhẹ nhàng như một lời từ chối tàn nhẫn cho mối tình một chiều chua như chanh: Như trái chanh tôi tặng nàng và mong nàng “biến” lẹ. Bởi vì tôi có người khác, nàng không có phần đâu!

Có tấm cô nàng trả lời cho những anh chàng trồng cây si bên hàng rào, ngóng đợi nàng đi qua đêm ngày: “Ông muốn đưa em về nhà. Cảm ơn! Em từ chối. Em đã có người yêu đẹp trai và đủ rồi. Ông không cần phải tựa hàng rào ngóng đợi. Ông không ‘có cửa’ đâu! đừng khóc ông ơi! ”

Lại có tấm gởi cho những chàng trai ăn chơi, quen thổ lộ ái tình nơi công cộng: “Ông thật ngu ngốc khi không biết chuyện mình làm, hú hí ở nơi công cộng. Ngốc ơi là ngốc.”

Không chỉ các cô gái già, xấu xí, lỡ thì; các ông ế vợ, lỡ duyên; các cô chạy bàn, bán hàng chảnh chọe cũng nhận được tấm thiệp phê bình thẳng thắn: “Cô bán hàng ơi! Khi cô tiếp khách bằng bộ mặt khó coi. Cái cách cô cắn và sủa vào khách hàng tựa như cô là bà chủ.”

Lại có tấm thiệp gởi đến cho cô nàng hàng xóm luôn gây phiền hà bởi các tiếng đàn ồn ào và party bất kể giờ giấc: “Đừng nện vào cây đàn piano cô mướn suốt đêm ngày. Mà nên nghĩ đến người láng giềng không may mắn này! ”

Rồi đến các tay bác sĩ lang băm, các phụ nữ lười biếng việc nhà, các quý ông gia trưởng, lão đưa thư chậm chạp, đến các nhà văn nhà thơ cũng không tránh khỏi. “Ông nhà văn vớ vẩn suốt đêm thâu, mực bút làm cho cuộc đời đau. Mượn vở kịch hay mà ẩn náu. Sao chẳng làm chi khác, thêm rầu.”

Từ những phản ứng cá nhân lan dần đến xã hội. Khi phong trào nữ quyền bắt đầu thì các phụ nữ tiên phong đã gởi cho tình nhân rằng: “No vote, no kiss.” (Không có phiếu bầu thì không có nụ hôn.)

Bù lại các ông cũng châm chích và chua cay gởi lại quý bà những tấm thiệp: “Không ai cho bà lá phiếu. Tôi không muốn một phụ nữ dạy đời.” Hoặc có tấm làm nản chí các bà: “Trong những ngày đòi bình quyền bát nháo này, tôi chắc mọi người chỉ để ý đến cô nàng chân yếu tay mềm, chỉ biết nấu ăn.”



Khi Nội Chiến nổ ra thì ngày Lễ Tình Yêu cũng là dịp cho các đối thủ của hai phe trong cuộc nội chiến Bắc Nam”tàn sát” nhau bằng thiệp giấm chua. Vị bác sĩ quân y Union nhận được tấm thiệp nhằm nêu cao sự hiểm nguy và nhụt chí họ: “Hô hô! Lão già cưa xương đến. Khi quân phiến loạn tấn công, ông sẵn sàng dụng cụ, để xẻ cưa và chặt xương.” Các thanh niên phe Confederate thì được gởi tới những dòng chữ đe dọa về tính mạng và sự tàn khốc của chiến tranh.

Tất nhiên là các tấm thiệp chua như giấm này bị người nhận xé bỏ tức thì, nhưng vô cùng tác hại đến tâm lý người nhận. Năm 1847 một người phụ nữ đã tự vận sau khi nhận được thiệp từ người tình bất nhẫn vô tâm, một người đàn ông đã bắn một bà vợ khác vì nghi rằng bà ta gửi thiệp. Vào cuối thế kỷ 18 thì báo chí bắt đầu lên tiếng về tác hại xấu của Thiệp Giấm Chua mang tính cách thù hằn cá nhân. Các nhà làm luật và học đường cũng vào cuộc.



Ngành bưu chính là nơi đầu tiên để sàng lọc các tấm thiệp này. Qua bài học từ năm 1905 ở San Francisco, 25 ngàn tấm thiệp loại này đã làm nhân viên bưu điện vất vả ngày đêm vận chuyển thư cho kịp ngày lễ. Chính sự sàng lọc vô cùng rắc rối khi người nhận từ chối trả tiền bưu phí đã làm gián đoạn hàng chục ngàn bưu kiện. Cảnh sát bắt đầu cảnh cáo và phạt các chủ hiệu trưng bày bán thiệp này trong cửa hàng. Dù vậy người Mỹ ưa nghịch phá và thể hiện quyền tự do ngôn luận vẫn tiếp tục dùng thiệp cho đến năm 1940, khi Đệ Nhị Thế Chiến kinh hoàng nổ ra.

Những lá thư xanh, những tấm thiệp đỏ được gởi đi từ những trái tim thương yêu chân thành nhưng bị chiến tranh ngăn cách, đã đem lại hình ảnh Lễ Tình Yêu đích thực và trọn vẹn. Tình yêu quê hương và đất nước rộng lớn hơn đã mờ nhạt đi tình yêu cá nhân, những hờn ghét nhỏ nhoi của cái Tôi vị kỷ.

Thiệp Tình Yêu Giấm Chua trở thành quá khứ. Hàng chục ngàn tấm thiệp đó đã bị xé bỏ từ lâu, chỉ còn lại vài chục tấm trong các bộ sưu tập ngày nay để trở thành đồ cổ. Nhưng xem lại vẫn thấy nó chua. Đúng là chua như giấm!

Sean Bảo
Austin, TX

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân