TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Múa Lân ngày Tết
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Múa Lân ngày Tết

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Sun Feb 10, 2019 11:26 pm    Tiêu đề: Múa Lân ngày Tết
Tác Giả: Đào Duy Hòa

Múa Lân ngày Tết

Lân biểu diễn leo cột tre trước chùa Ông ở Cần Thơ.


Thị xã Cần Thơ trước 75 còn được gọi là Tây Đô, một thành phố lớn hàng thứ 2 sau Sài Gòn. Vì là nơi không có mấy người Hoa sinh sống nên múa Lân trong ngày Tết cũng không có sớm như ở Chợ Lớn Sài Gòn.

Hàng năm cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch, trên đường phố thành phố Cần Thơ lại xuất hiện những chiếc xe ba gác chạy rao bán đầu Lân, đầu ông Ðịa, trống... Thường là một người đạp xe ba gác chở một em bé ngồi trên xe, tay đánh trống theo điệu múa Lân để thu hút sự chú ý của khách hàng. Ðây cũng là tín hiệu báo cho mọi người biết năm cũ sắp hết, nhường chỗ cho năm mới.


Lân đầu bạc, đầu đỏ chuẩn bị xuất hành múa Tết cổ truyền. Nguồn: Internet


Nguồn gốc của múa Lân

Tương truyền thời xa xưa ở Trung Quốc thường xuyên xuất hiện loài quỷ ăn thịt người vào thời điểm từ 30 đến mùng 3 Tết. Do vậy trong những ngày này mọi nhà đều cửa kính then cài, chờ cho đến ngày mùng 4 Tết họ mới dám đi ra ngoài thăm bà con làng xóm xem ai mất ai còn. Cũng trong thời kỳ ma hành quỷ lộng này, một số tiều phu vào rừng đốn củi đã phát hiện một loài vật lạ có hình thù giống loài chó nhưng không phải chó. Thấy loài vật lạ hiền lành dễ thương, họ bắt đem về nhà nuôi nấng và gọi tên con đực là Kỳ và con cái là Lân. Kỳ Lân sinh sôi nảy nở và được nuôi ở khắp thôn làng. Lạ thay, từ khi Kỳ Lân xuất hiện trong làng thì bọn quỷ dữ cũng biến mất, không còn lộng hành như trước. Sau thời gian phát triển, loài vật này mai một dần rồi tuyệt chủng. Từ đó người ta vẽ hình Kỳ Lân trước cửa nhà, và cứ mỗi dịp Tết đến họ dùng vật cứng gõ vào nhau để xua đuổi tà ma. Về sau họ chế tạo ra đầu Lân để thay thế Lân thật đã bị tuyệt chủng, và tổ chức đội Lân đi múa khắp xóm làng vào dịp đầu năm mới nhằm xua đuổi tà ma, cầu xin ơn trên ban phước lành, mua may bán đắt.

Người Hoa di cư đến sống trên đất Việt Nam đã mang theo tập tục múa Lân này. Nhưng trước 75 múa Lân cũng chỉ thịnh hành ở những khu phố người Hoa, nhiều nhất là Chợ lớn.


Múa Rồng trang trí hệ thống đèn LED. Nguồn: Internet.


Múa Lân ở Cần Thơ có tự bao giờ?

Ông Bùi Chấn Chỉnh, 65 tuổi, người gắn bó với nghề muá Lân từ năm lên 13 tuổi và nhiều năm là đội trưởng đội Lân phường An Hội – thành phố Cần Thơ, cho biết: “Múa Lân xuất hiện lần đầu tiên tại Cần Thơ vào thập niên 1950. Lúc bấy giờ ông Ba Ðăng thành lập đội múa Lân đi múa dịp Tết Trung Thu và Tết Nguyên Ðán. Ðội Lân ông Ba Ðăng chỉ múa từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Cũng trong thời gian này có đội Lân của người Hoa từ Chợ Lớn xuống Cần Thơ, múa từ Mùng 10 kéo dài cho đến cuối tháng Giêng mới trở về Sàigòn. Ðến năm 1967, ông Ba Ðăng mất vì bệnh già và đội Lân của ông cũng tan rã từ đó”.

Năm 1956, ông Siều Ký, chủ tịch nghiệp đoàn lao công các tiệm cà phê người Hoa ở Cần Thơ, đứng ra thành lập đội Lân Việt-Hoa. Từ đó đội Lân Việt-Hoa thay thế đội Lân người Hoa đến từ Chợ Lớn để múa trong dịp Tết Nguyên Ðán. Ðội Lân này tồn tại cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày nước ta rơi vào tay cộng sản Bắc Việt thì lấy tên mới là đội Lân phường An Lạc của thành phố Cần Thơ.

Năm 1965, ông Bầu Lái, bầu gánh hát cải lương, cũng lập một đội Lân để cổ vũ và quảng cáo cho đoàn hát cải lương của ông trình diễn mỗi đêm tại chợ Cái Khế, Cần Thơ. Vào mỗi xế chiều, khi các sạp bán hàng dọn dẹp kết thúc buổi chợ thì cũng là lúc đội Lân Bầu Lái bắt đầu hoạt động. Lân, Ðịa múa hoà quyện vào nhau theo nhịp điệu của tiếng trống và nhịp khua vang tai của bộ chập chã bằng đồng, như thôi thúc mọi người gấp rút cơm chiều để còn đi xem gánh hát cải lương của Bầu Lái diễn tuồng Phạm Công Cúc Hoa hay Thạch Sanh Chém Chằn mỗi tối. Ngoài nhiệm vụ cổ vũ cho gánh hát, đội Lân Bầu Lái còn múa theo yêu cầu của bà con cô bác tại Cần Thơ từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Khi Bầu Lái bệnh và qua đời, con của ông là anh Thành tiếp tục chỉ huy đội Lân đi múa Tết; cho đến sau 30 tháng 4 năm 1975 thì lấy tên mới là đội Lân phường Thới Bình, Cần Thơ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, phong trào múa Lân nở rộ ở Cần Thơ. Chỉ riêng khu vực nội ô Cần Thơ đã có những 6 đội: đội Lân Tân An, đội Lân An Lạc, đội Lân An Cư, An Nghiệp, Thới Bình, Cái Răng, Bình Thủy.


Chăm chút làm đầu Lân giai đoạn cuối. Nguồn: Internet.


Nghề làm đầu Lân, đầu Địa

Ðầu Lân được thợ làm Lân bồi bằng giấy trên khung tre mây chắc cứng. Kế tiếp là sơn lên lớp giấy bồi 1-2 lớp màu nước. Vài ngày sau, đợi lớp màu nước thật khô thì bắt đầu vẽ hoa văn trang trí các bộ phận trên đầu Lân như sừng, tai, mắt mũi, miệng... Cuối cùng thợ làm đầu Lân thổi lên một lớp dầu bóng và gắn lông, râu cho đầu Lân nữa là xong. Khi hoàn thành, đầu Lân phải mang đủ ngũ sắc: đỏ, cam, đen, xanh và trắng. Mình và đuôi Lân chỉ là một tấm vải dài có gắn lông và được căng cột theo sau đầu Lân.

Ngày xưa, màu râu của Lân là yếu tố rất hệ trọng, không phải ai muốn chọn râu màu gì thì chọn. Bởi múa Lân là múa theo những bài bản đầy tính võ thuật nên đội Lân nào cũng gồm toàn những người có võ nghệ, xuất thân từ những lò luyện võ. Người ta phân biệt Lân hay hay dở, Lân chiến hay không chiến là ở bộ râu. Lân râu bạc là gồm những tay võ nghệ cao cường. Lân râu hoe cũng thuộc loại anh chị bự nhưng còn nhợn đàn anh râu bạc. Lân râu xanh hay đen tự xếp mình thuộc lớp đàn em để các đại ca thương tình không ăn hiếp. Hai đội Lân gặp nhau khi đi trên đường thường chào nhau bằng những hồi trống lạy.

Ông Lâm Quang Ðinh còn gọi là ông Hai Ðinh, 80 tuổi, theo nghề làm đầu Lân được trên 30 năm cho biết: “Hàng năm, cứ vào tháng 6 âm lịch là tôi bắt đầu làm đầu Lân để bán Tết. Một mùa Tết tôi cho ra lò trên dưới 200 bộ Lân dành cho trẻ em. Tiền lời không bao nhiêu, chỉ tạm đủ trang trải sống qua ngày. Tuy nhiên vì đã gắn bó với nghề múa Lân và làm đầu Lân từ mấy chục năm nay nên tôi không thể nào rứt bỏ nghề này được. Mỗi khi Tết đến, Xuân về... nghe tiếng trống Lân vang lên đầu đường cuối hẻm là tôi lại da diết nhớ về thời trai trẻ múa Lân tung hoành khắp đó đây.”


Múa Rồng dưới ánh sáng pháo bông đêm giao thừa. Nguồn: Internet.


Nghệ thuật múa Lân và đánh trống

Múa Lân được thực hiện theo tiếng trống thôi thúc, vui nhộn đặc trưng. Người ta gọi trống Lân để phân biệt với các loại trống khác, như trống trường, trống đình, trống chùa... Thân trống làm bằng ván gỗ khép tròn, hai đầu bịt da, giữa mặt trống có biểu tượng lưỡng nghi (âm-dương) hình tròn. Một đường cong hình chữ S chia hình tròn ấy làm hai phần giống đều nhau. Một bên được sơn màu đỏ (dương), bên còn lại là màu đen (âm). Âm dương tượng trưng cho trời đất. Dùng hai dùi gỗ đánh lên mặt trống rung động hòa với nhịp khua vang của bộ chập chã làm bằng đồng mang hình tròn như nhật–nguyệt. Tất cả đều chuyên chở một ý nghĩa là một sự đánh thức cả sơn hà xã tắc cùng đón lấy niềm vui mừng quốc gia thái bình thịnh trị.

Người múa Lân mặc võ phục có màu sắc phù hợp với đầu Lân. Người trong nghề phân biệt ba loại bộ múa Lân: múa Lân theo bộ Long, người múa thường cất cao đầu Lân như rồng bay; múa theo bộ Hổ, đầu Lân luôn ở độ cao trung bình tức không đưa lên quá cao nhưng cũng không quá thấp; múa theo bộ Mèo, đầu Lân sà thấp gần mặt đất hơn so với bộ Long và bộ Hổ.

Múa Lân thường gồm ba phần, mà khởi đầu luôn là “thủ tục” lạy chào nhà và bàn thờ. Theo tiếng “trống lạy”, Lân – Ðịa cùng lạy chào nhà và bàn thờ gia tiên. Kế tiếp là phần biểu diễn. Ðây là phần chính, với hai nội dung múa Lân và biểu diễn võ thuật gồm quyền cước và binh khí, như kiếm, đao, siêu, thương, kích, đinh ba... Phần này thường được kết thúc bằng tiết mục Lân leo cột nhận tiền thưởng do gia chủ treo trên đỉnh cột tre. Cuối cùng là phần lạy chúc mừng gia chủ mua may bán đắt, vạn sự như ý trong năm mới, cũng như chào tạm biệt chủ nhà và hẹn tái ngộ vào Tết năm sau.

Ngoài múa Lân, còn có múa Rồng; với thân Rồng gắn đèn màu sáng chói. Ðội múa Rồng nhiều hay ít tùy thuộc vào kích thước, độ dài của Rồng, nhưng trung bình khoảng 7-10 người. Mỗi người cầm một thanh cây gắn vào bên dưới thân Rồng, quơ qua quơ lại, lên xuống theo nhịp nhạc trống. Rồng uốn éo, lượn qua chao lại tạo thành dòng sông ánh sáng phát ra từ thân rồng trông vừa sôi động, vừa uyển chuyển rất nghệ thuật và đẹp mắt.

Đào Duy Hòa
Sydney, Úc

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân