TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Radar và lidar
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Radar và lidar

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9708

Bài gửiGửi: Sun Nov 11, 2018 12:51 am    Tiêu đề: Radar và lidar

Radar và lidar

Một radar khí tượng của NASA


Radar và lidar là hai kỹ thuật rất cần thiết trong đời sống hiện đại. Thí dụ bạn muốn biết hôm nay nắng hay mưa, lạnh hay nóng. Câu trả lời cho các câu bạn hỏi là do radar khí tượng cung cấp.

Bạn bay trên phi cơ mà được an toàn là nhờ radar của máy bay và của đài kiểm soát hàng không. Còn lidar thì được dùng trong các xe tự động và khảo sát đất đai để phòng ngừa lụt. Trong bài này tôi xin nói về cách hoạt động cùng những áp dụng của radar và lidar.


Nguyên tắc của radar


Radar hoạt động ra sao?

Radar là một dụng cụ điện từ dùng để khám phá và theo dõi từ xa những vật thể. Radar là viết tắt của radio detection and ranging (phát hiện và định tầm bằng radio). Radar phát ra những nhịp sóng điện từ (thường là vi sóng). Những nhịp sóng này chạm vào các vật thể và dội ra tứ phía, một phần của sóng dội lại sẽ tới máy radar. Máy radar dùng sóng dội ngược lại để biết về vật thể.



Có bốn thành phần căn bản của radar:

    • Bộ phát vi sóng: Đây là thành phần sinh ra vi sóng để phát ra ngoài.

    • Bộ chuyển đổi: Bộ phận này dùng để chuyển đổi giữa phát sóng và nhận sóng.

    • Một ăng ten: Ăng ten dùng để phát sóng ra và nhận sóng phản hồi.

    • Bộ nhận: Khi radar nhận được sóng phản hồi thì bộ nhận có nhiệm vụ gạn lọc và chuyển đổi tín hiệu đó để hiển thị trên màn hình.


Christian Hülsmeyer (năm 1904)


Lịch sử của radar

Vào thập niên 1880, vật lý gia người Đức Heinrich Hertz làm những thí nghiệm về bức xạ điện từ (electromagnetic radiation) đã chứng tỏ là sóng radio có thể phản chiếu cũng giống như sóng ánh sáng phản chiếu khi rọi vào một vật thể. Vào đầu thế kỷ thứ 20 ông Christian Hülsmeyer, một kỹ sư người Đức, đã dựa vào thí nghiệm của ông Hertz để sáng chế ra một dụng cụ thô sơ dùng cho các tàu thủy để tránh nhau trong sương mù khi không thấy bằng mắt thường được.

Vào đầu thập niên 1930 đã có phi cơ chở bom bay xa nên các nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức Quốc tìm những phương pháp để phát hiện ra các phi cơ này trước khi nó tới gần. Radar là một trong những phương pháp được nghiên cứu và tỏ ra hữu hiệu hơn những phương pháp khác.

Đầu năm 1935, ông Robert Watson-Watt đã biểu diễn một hệ thống dùng radio để phát hiện ra máy bay từ xa. Bộ Chiến Tranh của Anh Quốc rất hài lòng với dụng cụ của ông Watson-Watt và cho xây dựng một hệ thống radar dọc bờ biển để báo động nếu có máy bay địch đang bay tới.

Vào đầu thập niên 1940, hai kỹ sư người Anh Harry Boot và John Randall sáng chế ra magnetron. Dụng cụ này phát sinh ra làn vi sóng mạnh và làm cho radar có tầm xa hơn nhiều. Trong Thế Chiến Thứ 2, hệ thống radar đã giúp sự phòng thủ của Anh và Đồng Minh chống lại máy bay của Đức Quốc Xã.


Radar (trái) và tháp điều hành (phải) tại phi trường


Áp dụng của radar

    • Quân sự: Radar phát sinh ra từ quân sự nên áp dụng đầu tiên của radar là về quân sự. Lúc đầu radar dùng để báo động khi phi cơ địch đang bay tới. Ngày nay radar có nhiều áp dụng khác trong quân sự, thí dụ: Phòng không, điều hướng, nhận định và theo dõi các vật đang bay, tìm kiếm và cứu nguy.

    • Khí tượng: Radar là một dụng cụ không thể thiếu được của ngành khí tượng học. Radar khí tượng theo dõi mây mưa để biết chiều hướng di chuyển và loại nào (có thể là mưa to, tuyết hay mưa đá). Radar khí tượng dùng để tiên đoán thời tiết và báo nguy khi sắp có cơn bão. Việc tiên đoán thời tiết bây giờ khá chính xác vì có radar khí tượng và kỹ thuật máy tính.

    • Điều khiển giao thông: Người điều hành phi trường dùng radar để biết vị trí các phi cơ chung quanh phi trường. Như vậy họ có thể điều khiển các phi cơ cho khỏi đâm vào nhau và lên xuống có trật tự. Các máy bay cũng dùng radar khi đáp xuống phi đạo.

    • Ở ngoài biển khơi, các tàu bè cũng dùng radar để vận hành và để tránh đâm vào nhau nhất là khi gần cảng và vào ban đêm.

    • Có một áp dụng của radar mà nhiều người không thích đó là súng bắn tốc độ của cảnh sát giao thông.



Lidar hoạt động ra sao?

Lidar là viết tắt của light detection and ranging (phát hiện và định tầm bằng ánh sáng), đây là một kỹ thuật tương tự như radar nhưng dùng những tia sáng dưới dạng laser để đo khoảng cách. Nguyên tắc căn bản để đo khoảng cách thì khá giản dị, đó là theo công thức của vật lý: khoảng cách = vận tốc x thời gian.

Thí dụ xe bạn chạy với vận tốc 60 km/giờ và bạn đi 2 giờ thì khoảng cách bạn đi được là 60 x 2 = 120 km.

Máy lidar chiếu một tia sáng (thường là laser) ra vào một vật thể và ghi nhận thời gian phát tia sáng. Tia sáng sẽ phản chiếu lại tới lidar và được ghi thời gian nhận. Như vậy máy biết được khoảng thời gian đi về của tia sáng, từ đó tính ra được khoảng cách từ máy tới vật thể.

Nhưng có một vấn đề kỹ thuật, đó là vận tốc của ánh sáng quá nhanh. Ánh sáng truyền đi khoảng 300,000 km một giây. Thí dụ vật muốn đo cách máy 1 km, quãng đường ánh sáng đi từ dụng cụ tới vật thể rồi trở về máy là 2 km. Như vậy thời gian đi về chỉ là 1 phần 150,000 của một giây. Cho nên phải có đồng hồ rất nhạy cảm và kỹ thuật máy tính tinh vi mới có thể phân biệt được khoảng thời gian rất nhỏ.



Lidar thường có các thành phần sau đây:

    • Laser: Tia laser dùng để chiếu vào những vật thể muốn thấy. Tùy theo sự áp dụng mà dùng những loại laser khác nhau. Thí dụ tia hồng ngoại (infrared) dùng cho khí tượng, tia sáng xanh-xanh lá cây dùng cho việc dò sâu đáy biển. Số lần chiếu ra tia laser thì có thể từ 50,000 tới 200,000 lần trong một giây.

    • Bộ quét (scanner): Bộ phận này dùng để chiếu tia laser ra và ghi nhận tia phản chiếu về. Bộ phận này thường quay đi quay lại trong một góc tới 75 độ cho nên được gọi là bộ quét.

    • Hệ thống GPS: Hệ thống định vị toàn cầu dùng để biết vị trí của máy lidar.

    • Đơn vị đo lường quán tính (inertia measurement unit, viết tắt là IMU): Đơn vị này đo góc cạnh di chuyển của máy lidar. IMU hợp với GPS sẽ cho biết chính xác vị trí và độ nghiêng lệch của máy lidar và từ đó biết rõ vị trí của vật thể muốn đo.

    • Đồng hồ: Như đã nói ở trên hệ thống lidar cần có một đồng hồ thật chính xác để biết đích xác thời gian chiếu tia laser ra và thời gian nhận tia laser phản hồi.


Dùng lidar để khảo sát đất đai.


Áp dụng của lidar

Khảo sát đất đai: Lidar được dùng rất nhiều trong lãnh vực khảo sát đất đai. Lidar được đặt trên máy bay để chiếu xuống đất và đo độ cao thấp của đất. Điều này rất quan trọng ở những vùng hay bị lụt lội.

Xe tự động: Lidar là một dụng cụ quan trọng của xa tự lái. Nhìn xe tự động bạn sẽ thấy một dụng cụ để trên mui xe và luôn quay tròn. Đó là máy lidar dùng để đo khoảng cách giữa xe và mọi vật chung quanh xe trong từng giây phút.

Tuy nhiên lidar cho xe tự động còn quá đắt và chưa được hoàn hảo nên các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục khảo cứu để làm cho nó tốt hơn và rẻ hơn. Riêng xe Tesla thì lại chú trọng tới việc dùng radar, máy ảnh và các bộ cảm biến chứ không dùng lidar. Trong tương lai chưa biết lidar hay radar sẽ chiếm thượng phong trong kỹ thuật xe tự động.

Hà Dương Cự


Nguồn tài liệu: www.aps.org, www.usgs.gov

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân