TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Vườn Thiền Ðá Đại Vân Sơn Long An Tự, Kyoto
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Vườn Thiền Ðá Đại Vân Sơn Long An Tự, Kyoto

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Wed Apr 18, 2018 11:55 pm    Tiêu đề: Vườn Thiền Ðá Đại Vân Sơn Long An Tự, Kyoto

Vườn Thiền Ðá Đại Vân Sơn Long An Tự, Kyoto

Mùa xuân Kyoto


Vào những tháng mùa Xuân, hoa anh đào tại Kyoto đua nhau nở rộ làm biến đổi không gian thành phố cố đô rực lên màu hoa trắng hồng. Những hàng cây anh đào rực rỡ trên con phố chính, dọc theo con sông Kameyama kèm theo hình ảnh những chiếc áo kimono màu sắc sặc sỡ lẫn lộn khiến cho cố đô Kyoto trở nên hình ảnh hết sức tuyệt vời cho người thưởng ngoạn. Ngoài ra, cảnh sắc của các ngôi chùa cũng tạo ra một nét văn hóa hết sức đặc biệt của Kyoto, trong số đó phải nói đến Đại Vân Sơn Long An Tự (tên Nhật là Ryoanji).


Bản đồ toàn cảnh của ngôi chùa Đại Vân Sơn Long An Tự (Ryoanji) tại Kyoto.

(Hình: ATNT Tours & Travel)


Khi bạn du ngoạn đến Kyoto, nếu bạn muốn đi hết một vòng các ngôi chùa nổi tiếng và tìm hiểu một cách sơ sài về những ngôi chùa ở đây, có lẽ bạn cũng phải mất đến cả tháng trời lưu lại thành phố này vì mỗi ngôi chùa ở đây đều cho bạn các “cảm nhận” khác nhau. Ngôi chùa Ryoanji ở Kyoto cho bạn một cảm nhận rất là khác lạ chỉ vì ngôi “Vườn Thiền Đá” trước sân chánh điện. Ngôi vườn thiền này không những trở thành một thắng cảnh của chùa mà còn là một nét văn hóa lịch sử đặc biệt nổi tiếng của Nhật Bản. Ryoanji là ngôi chùa trực thuộc về nhánh Diệu Tâm Tự (Myoshinji) của tông phái Thiền Lâm Tế. Chùa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1994.

Ngôi chùa được Hosokawa Katsumoto xây dựng năm 1450 để dùng làm nơi thực tập thiền cho các tu sinh. Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh tranh chấp giữa các shogun, chùa Ryoanji từng bị phá hủy và cháy trong cuộc chiến Onin. Tuy nhiên, chùa được xây dựng lại từ năm 1499. Một ngôi vườn đá được thiết kế trước sân của chánh điện (được gọi là Hojo). Mười lăm (15) tảng đá lớn nhỏ được xếp đặt trải dài trên một thảm đá trắng hình chữ nhật dài 25m và rộng 10m tượng trưng cho thiên nhiên về sự khô cằn của đá. Vườn đá của chùa Ryoanji được thiết kế xếp đặt theo hình ảnh của một “hổ con vượt núi” và bạn ngồi đâu trên chánh điện, bạn cũng chỉ đếm được 14 viên đá trước mặt. Ngôi vườn Thiền Ðá nguyên là một công án thiền của phái thiền Lâm Tế, vì thế nếu bạn muốn giải đáp công án thiền này thì xin mời bạn hãy đến Ryoanji thiền định, quán chiếu tâm tư mình để tìm lời giải đáp cho chính bạn (hay bạn có thể trở thành một tu sinh của chùa). Tôi tin chùa có khả năng giúp bạn trả lời về viên đá thứ 15 mà bạn đã không nhìn thấy.


Ngôi “Vườn Thiền Ðá” của Ryoanji! Có ai thấy được “viên đá thứ 15”!

(Hình: ATNT Tours & Travel)


Đã có đến một khoảng thời gian khá lâu, tôi không có dịp trở lại ngồi ngắm “vườn thiền đá” bên ngôi thiền tự nổi tiếng Đại Vân Sơn Long An Tự (tên Nhật là RyoanJi) mà một thời yêu thích.

Ngôi vườn vẫn thế, các tảng đá và sỏi đá hình như vẫn như thế. Tôi đang miên man suy tư cố nhớ về hình ảnh vườn đá ngày xưa trong tâm tư mình, bất chợt nghe tiếng xì xào của một đôi vợ chồng già người Nhật bên cạnh, có lẽ họ từ miền xa mới đến cố đô Kyoto du ngoạn. Người chồng thì thầm nói với người vợ “bà có thấy viên đá thứ 15 chưa, tôi đếm đi đếm lại sao chỉ có 14 viên đá thôi”! Câu chuyện của đôi vợ chồng già chợt làm tôi trở về thực tại. Tôi đã từng có lúc mất thời giờ như người chồng, nên tôi thông cảm cho cái “tâm tư khó chịu” của ông.



Tôi lướt vội qua trí nhớ cái tên của ông thiền sư Tokuho Zenketsu, người đã thiết kế ra ngôi “vườn thiền đá” này. Ông chơi khó cho con người thật! Ông giấu đi một viên đá ở đâu đó và ông xúi người ta đi tìm. Đi tìm đỏ cả con mắt cũng chỉ thấy 14 viên đá thôi. Có bao nhiêu người ngồi trước ngôi chánh điện tìm thấy được viên đá thứ 15. Có người sẽ bảo ông là “vớ vẩn,” làm chuyện không đâu! Nhưng quả thật, ông có bắt bạn đi tìm đâu! Tự bạn tò mò hiếu kỳ làm khổ tâm tư của chính bạn. Nhưng bù lại, một khi những ai đã tìm thấy được viên đá thứ 15, lúc ấy tâm tư bạn như mây trôi nổi trên đỉnh Phú Sĩ Sơn.

Gió cuốn lên

Mây mờ trên Phú Sĩ

Bay mất về xa xăm

Ai biết về đâu nhỉ

Cùng cõi lòng tôi lang thang

Thiền sư Tây Hành (Saigyo) của xứ Phù Tang đã trôi nổi như thế. Bạn hãy lên trên cao, hãy trôi nổi như Thiền Sư Tây Hành và biết đâu bạn tìm được viên đá thứ 15. Tôi nhớ đến Thiền Luận của Suzuki, nhớ đến dịch giả Trúc Thiên và Tuệ Sĩ, nhớ đến cả viên đá thứ 15 của Ryoanji.


Tảng đá tròn có đục đẽo hình vuông ở giữa tạo thành hình tượng chữ “Khẩu.” Chữ “Khẩu” cộng vào bốn chữ chung quanh tạo thành bốn chữ “Ngô, Duy, Túc, Tri – Biết đủ là đủ.” (Hình ATNT Tours & Travel)


Đi về phía Đông của chánh điện, bạn gặp một tảng đá tròn không to lắm, có một dòng nước trong vắt chảy qua. Đây là nơi tu sinh thường lấy nước nấu trà hay tín đồ rửa tay xúc miệng trước khi ngồi quán chiếu toạ thiền. Nhưng điểm đặc biệt, khác hẳn với các ngôi chùa đền khác trên mặt đá của tảng đá tròn có đục đẽo một hình vuông ở giữa. Hình vuông này chính là chữ “Khẩu” trong Hán Tự. Mito Mitsukuni, người của thế kỷ 16 đã tìm cách chơi “Hán tự,” ông đã cho chữ “khẩu” cộng vào bốn chữ chưa hoàn thành khác (chung quanh chữ Khẩu) để tạo thành bốn chữ “Ngô (Tôi, Ta), Duy, Túc, Tri/tiếng Nhật là Ware – Tada – Taru – Shiru,” ý nghĩa nói lên sự “chỉ có Tôi biết đủ là đủ.” Mitsukuni cho rằng đây là một yếu tố tạo thành sự thanh thản cho đời sống con người. Nhưng trước khi bạn có được sự thanh thản đó, các thiền sư luôn luôn làm “khó dễ” bạn đến đau đầu.

Thiền là một nét văn hóa tinh túy của Nhật Bản và đã được người dân Nhật thấm nhuần vào sự tinh tuý này. Hương vị Thiền thấm nhuần khắp mọi nơi ngõ ngách trong đời sống hàng ngày của người Nhật. Vườn Thiền Ðá là một nét tinh hoa của tông phái Thiền Lâm Tế nói riêng và Nhật Bản nói chung.



Nhưng đến Đại Vân Sơn Long An Tự vào mùa hoa anh đào nở, du khách không chỉ thưởng ngoạn và tự làm khổ mình về ngôi “Vườn Thiền Đá.” Bạn có thể vất ngôi vườn đá đó vào một góc trí nhớ (tôi tin là nó sẽ hiện ra lại và làm khổ tâm trí bạn sau này) mà hãy thưởng ngoạn không gian mùa Xuân Anh Đào tuyệt đẹp của Ryoanji. Những hàng cây anh đào rủ xuống bên hồ Kyoyochi (Cảnh Dung Trì), những đóa anh đào mãn khai giữa đầu Xuân và hình ảnh những chú vịt nhẹ nhàng bơi lội giữa hồ sẽ là một không gian làm cho bạn quên đi tất cả. Bạn đừng quên hồ Cảnh Dung Trì là một trong hai hồ nổi tiếng nhất tại Kyoto từ thời Heian (tên cũ của Kyoto) kéo dài từ năm 794 đến 1192.

Giữa Tháng Tư, cánh hoa anh đào đã tung bay theo gió la đà về nằm dưới cội cây. Thời gian trăm năm của con người cũng chỉ dài bằng thời gian cánh anh đào tung theo làn gió ở Đại Vân Sơn Ryoanji vào mỗi mùa xuân. Vườn Thiền Ðá vẫn đợi tôi trở lại giữa mùa Thu!

Trần Nguyên Thắng
ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân