TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Về một phát biểu của Einstein về Phật giáo
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Về một phát biểu của Einstein về Phật giáo

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Wed Mar 07, 2018 5:14 am    Tiêu đề: Về một phát biểu của Einstein về Phật giáo



Về một phát biểu của Einstein về Phật giáo


      Về một phát biểu của Einstein về Phật giáo

      Ai ai cũng biết ALBERT EISTEIN (1879-1955) là nhà bác học thiên văn danh tiếng của nhân loại, bậc vĩ nhân mà tạp chí Time của Hoa kỳ chọn là Người của Thế kỷ XX. Cho nên các phát biểu của ông rất thường được trích dẫn khi bàn về một vấn đề quan trọng nào đó liên quan đến khoa học, thiên văn, vật lý, chính trị, giáo dục và cả về tôn giáo nữa. Và, khi viết về Phật giáo các vị tăng ni hay các nhà nghiên cứu cũng không nằm ngoài thông lệ đó.

      Điều chúng tôi muốn ghi lại ở đây là một câu phát biểu được cho là của A. Einstein, và sau đó được rất nhiều người truyền tụng cho nhau khi trình bày về Phật giáo. Nói có sách mách có chứng, mãi đến hôm nay, một người bạn đã chuyển đến tôi qua e-mail về vấn đề này.

      1- Trước hết, chúng tôi xin chép lại nguyên văn một đoạn từ bài [i]ALBERT EINSTEIN và Đạo Phật [/i]của Thích Tịnh Tuệ đăng trong nguyệt san GIÁC NGỘ, cơ quan của thành hội Phật giáo TP/HCM; số 18, tháng 9 năm 1997 – Phật lịch 2541 - số đặc biệt Phật Giáo Âu-Mỹ- từ trang 61 đến trang 64.

      Trước hết là lời giới thiệu của bổn báo tòa soạn như sau:

      “LTS: Gần đây có nhiều độc giả viết thư về tòa soạn hỏi thăm về mối liên hệ giữa nhà khoa học thiên tài Albert Einstein (1879-1955) và đạo Phật như thế nào? Nay nguyệt san Giác Ngộ cho đăng bài viết sau đây của cộng tác viên Thích Tịnh Tuệ bàn về mối quan hệ ấy. Dù chưa đầy đủ lắm, nhưng hi vọng rằng, bài viết này sẽ là mấu chốt để chúng ta phăng tìm những tư liệu chi tiết về sau. ”

      Sau khi sơ lược qua về tiểu sử bậc tiền bối này, tác giả Thích Tịnh Tuệ viết:

      “Chính vì thấy rõ cái độc đáo đó mà ông Eintein đã phát biểu về đạo Phật như sau: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng điều kiện đó. ” Đồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là PG. PG không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. PG không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì PG bao hàm cả khoa học cũng như vuợt qua khoa học. ”

      Điều đáng nói là tác giả không dẫn nguồn của lời phát biểu nói trên của Einstein, mà chỉ có minh họa bằng bốn tấm ảnh của ngài, và cuối cùng của bài viết là “theo The World As I See It”.

      2) - Mới gần đây, một người bạn đã gửi đến tôi “ Bài viết ngắn của Albert Eistein, Cơn Ác Mộng” do Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu. Trong đó có thêm bài “Vài Ngộ Nhận về Albert Einstein” cũng do Nguyễn Xuân Xanh viết, gồm hai bài:

      1- Tranh Cãi Quyền Ưu Tiên về Thuyết Tương Đối Rộng Giữa Einstein và Hilbert.
      2- Một Phát Biểu về Phật Giáo Được Cho là Của Einstein.

      Mở đầu tác giả Nguyễn Xuân Xanh viết:

      “Có nhiều ngộ nhận về Albert Einstein. Trên mạng, nhiều sự gán ghép, nhái giọng văn ông, và được lan truyền mà không ai biết rõ nguồn gốc, như thể do chính Einstein nói. Vào các quán chay Việt Nam, người ta thấy trong danh sách các danh nhân ăn chay trường có cả Einstein.
      (...)
      Trong bài này, có hai sự ngộ nhận lớn mà chúng tôi muốn đề cập đến, một liên quan đến khoa học về nghi vấn Hilbert người đến đích trước, hay cùng lúc với Einstein trong cuộc chạy đua thiết lập phương trình trường của thuyết tương đối rộng vào năm 1915. Và thứ hai, liên quan đến tôn giáo, đến một phát biểu “rất Eisntein” về Phật giáo từ lâu được lưu truyền và cho là của Einstein. Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta cần làm sáng tỏ.

      Sau khi viết về ngộ nhận (1), Nguyễn Xuân Xanh viết tiếp theo ngộ nhận (2) tức bài: Một Phát Biểu về Phật Giáo Được Cho là Của Einstein.

      Nguyên văn:

      “Ngộ nhận thứ hai xoay quanh một phát biểu liên quan đến Phật giáo được lưu truyền rất lâu trên mạng, được xem như là phát biểu chính thức của Einstein mà không có nguồn gốc rõ ràng, chỉ thấy trích qua trích lại. Một phiên bản của lời trích này là:

      Phật giáo có những tính chất đặc trưng của một học thuyết được chờ đợi trong (khuôn khổ) một tôn giáo vũ trụ cho tương lai: nó vượt lên một đấng Thiên Chúa có hình người, tránh được các giáo điều và thần học; nó bao trùm cả hai phần, tự nhiên và tâm linh; nó được xây dựng trên ý thức tôn giáo với niềm khao khát muốn trải nghiệm tất cả mọi thứ, tự nhiên và tâm linh, như một sự thống nhất đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng các tính chất này. Nếu có một tôn giáo đáp ứng những nhu cầu khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo.

      Đó là phiên bản gần đây nhất mà vào một ngày nọ tháng 3 năm 2014, GS Cao Huy Thuần ở Paris báo động cho tôi biết rằng nó nằm trong quyển sách cua3 Perry Garfinkel, BUDDHA or BUST, nxb Harmony, 2007, trang 15. Nguyên văn tiếng Anh ở đó:

      “Buddhism has the characters of what would be expected in a cosmicreligion for the future: it transcends a personal God, avoids dogmas and theology; it covers both the natural and spiritual, and it is based on a religious sense aspiring from the experience of all things, naturaland spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. ”
      - Albert Einstein, in ALBERT EINSTEIN: The Human Side, edited by Helen Dukas and Banesh Hoffmann.

     Trích dẫn nguồn gốc đây rồi! Nhưng rất ngạc nhiên, vì tôi đã đọc quyển sách The Human Side từ lâu, nhưng đâu thấy đoạn trên ở đâu. Quyển The Human Side gần đây cũng đã được dịch sang tiếng Việt, dưới tên Albert Einstein, Mặt Nhân Bản, những góc nhìn qua các bức thư từ kho lưu trữ; mọi người có thể tham khảo.

      [mở ngoặc: tác giả có chụp ảnh của trang bìa, rất tiếc tôi không chụp lại được để tải lên, thay vào đó tôi chỉ chép nguyên văn ở cuối trang bìa đầu sách: “Helen Dukas và Banesh Hoffmann tuyển chọn và hiệu đính, Đỗ Thị Thu Trà – Nguyễn Xuân Xanh dịch và viết lời dẫn nhập. Nhà xuất bản tổng hợp Tp/HCM. “]

      Nguyễn Xuân Xanh viết tiếp:

      “Perry Garfinkel là một nhà báo không phải vô danh, ông viết cho nhiều tờ báo lớn, trong đó có New York Times. Quyển BUDDHA or BUST được giới thiệu trên trang bìa là một “National Bestsellers”, và bên trong có trích lời khen của Đức Dalai Lama, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, của tờ The Boston Globe, và vài nhân vật khác. Đoạn trích trên thực ra không liên quan gì đến nội dung của quyển sách mà các lời khen có lẽ đã dành tặng. Nhưng ai đọc câu trích dẫn này của Einstein cũng sẽ có ấn tượng mạnh. Sự không đúng này sẽ tiếp tục lan tỏa, và người đọc sẽ không biết rằng đoạn trích dẫn nói trên là không có thật.

      Tôi cũng đã lùng sục nhiều sách vở viết về Einstein, đăc biệt những quyển sách viết về quan điểm tôn giáo của ông, như quyển Max Jammer, Einstein and Religion, để tìm dấu vết trên, nhưng tuyệt nhiên không thấy câu nào của Einstein có nội dung giống như thế. Tôi cũng liên lạc với Kho lưu trữ Albert Einstein của Đại học Hebrew ở Jerusalem là nguồn thông tin phong phú nhất. Nhưng họ cũng không biết có phát biểu nào như thế của Einstein.

      Einstein ngưỡng mộ Phật giáo, điều đó chắc chắn. Ông có một phát biểu trong quyển Thế Giới Nhu7 Tôi Thấy của ông như sau, và có lẽ đây là cảm hứng cho ý tưởng trên của Garfinkel:

      Mạnh mẽ hơn nhiều là các yếu tố mang tính tôn giáo vũ trụ trong Phật giáo, những điều mà các tác phẩm tuyệt vời của Schopenhauer đã dạy cho chúng ta. Các thiên tài tôn giáo của mọi thời đại đều được đặc trưng bởi tính tín ngưỡng vũ trụ (cosmic religiosity), tính chất không hề để ý đến các giáo điều hay một Thiên Chúa được tạc theo hình ảnh con người.

      Tôi rất mong, ai tìm được nguồn gốc trích dẫn liên quan đến Phật giáo nói trên xin vui lòng xác nhận giùm, như nguồn trich dẫn của nó, Einstein đã phát biểu trong dịp nào, hay trong thư viết cho ai, và ngày tháng năm nào để mọi người có thể truy lại trong THE COLLECTED PAPERS OF ALBERT EINSTEIN. Cho tới lúc đó, chúng ta vẫn nén hiểu rằng trích dẫn trên, hay những trích dẫn có nội dung tương tự, rất tiếc, là chưa đúng sự thật. Chúng ta không muốn làm gì hơn là tìm về sự thật.

      NGUYỄN XUÂN XANH

      Ghi chú: GS Nguyễn Xuân Xanh, sinh năm 1942, tốt nghiệp Đại học Khoa học, Viện Đại học Saigon, năm 1966 và được học bổng du học tại CHLB Đức, đại học Bonn. Đậu tiến sĩ toán học năm 1975. Từ 1980 đến 1986: dạy học tại đại học Bielefeld và đại học kỹ thuật Berlin. Năm 1996 ông hồi hương. Ông là tác giả và dịch giả nổi tiếng rất nhiều sách về A. Einstein, trong đó có cuốn EINSTEIN, - sách dày 391 trang, khổ 13. 5 x 21 cm, nxb Tổng hợp TP/HCM. Sách được in đến lần thứ 10 tính đến 2015 kể từ khi xuất bản năm 2007; riêng năm 2007 sách được in đến 4 lần ; đoạt Giải Vàng Sách Hay.

      Tây đô, chiều 20 tháng Giêng Mậu Tuất,
      Mar. 07th 2018
      भक्तिवेदन्तविद्यारत्न



Về Đầu Trang
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Thu Jan 24, 2019 8:53 pm    Tiêu đề: Phật giáo và Einstein

Thưa Đỗ Quân, tôi không giúp ích gì cho câu hỏi của quý thân hữu về câu nói
của Einstein.
Lâu lắm, chừng 1967, tôi có đọc một tuyển tập các bài ngắn và thư tín của
Eimstein. Có một bài tôi nhớ mãi nội dung. Nhà bác học nầy nêu ba giai
đoạn hình thành của tôn giáo. Bước thứ nhất là tôn giáo vì sợ hãi trước những
thiên tai như mưa nắng bất thường, gió bão, kể cả bệnh tật, đói kém...tôn giáo
lúc ấy cầu xin những sức mạnh tích cực chống tiêu cực. Bước tiếp là tôn giáo
thờ các thần linh có hình người (anthropomorphic), có vui buồn, thương ghét
như một con người.
Thứ đến là một tôn giáo dựa trên một luật hoàn vũ chi phối mọi sự vật, sự việc,
là nguồn gốc một sự hòa điệu mà ông tìm thấy ở Đông Phương và nhất là Ấn Độ.
Ông gọi đó là tôn giáo của ông, nhưng đừng hiểu theo ngôn ngữ thông thường,
vì nó trên ngôn ngữ. Thành ngữ "ba giai đoạn" dùng trên có thể hiểu nhầm vì
Einstein không nói ba điều đó tuần tự thay nhau, tuy các sự việc trên đời có liên
hệ tương duyên. Không hẳn là ba giai đoạn, phần nào chúng gần như ba cấp độ,
chúng hiện diện đồng thời. Einstein không phê bình nhưng ngầm hiểu ông không
thích hai cấp kia.
Ông không nói rõ chỗ nào còn theo sợ hãi, không nói tôn giáo nào theo hình thể
con người. Ông đã không kê khai chi tiết về hai cấp đầu, và ông cũng không nói
tên tôn giáo nào của Ấn Độ, và chắc chắn không có Phật Giáo
Tôi chỉ giới hạn trong một bài ngắn nầy mà thôi. Nhưng tôi còn nhớ những chữ
như cấp độ hoàn vũ (cosmic level), sự hòa điệu phổ quát (universal harmony).
Einstein là một tín đồ Judaisme, Do Thái Giáo, rất sùng đạo, sùng đạo hơn người
cha, đã từng dùng ngón đàn violon tuyệt chiêu của mình gây quỹ cho cơ sở tôn giáo
địa phương. Judaisme có đối tượng thờ phụng rất anthropomorphic.
Ở điểm khác, theo tôi, PG không cần marketing qua Einstein; một Phật tử
âm thần vô danh sống theo chánh đạo có kém chi một nhà bác học cùng tín ngưỡng.
Các quán cơm chay dùng nhân vật nầy để làm marketing là chuyện khác và cần
làm như vậy vì lý do thương mãi; ăn chay không nghĩa là PG. (24.01.2019)
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân