TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Vàng lá Schwabach
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Vàng lá Schwabach

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Feb 07, 2018 11:18 pm    Tiêu đề: Vàng lá Schwabach
Tác Giả: Đào Duy Hòa

Vàng lá Schwabach


Từ thế kỷ thứ 16, Schwabach đã là thủ phủ sản xuất vàng lá danh tiếng của Đức. Năm 1927, Schwabach có đến 120 xưởng sản xuất vàng lá. Bây giờ, con số này giảm xuống chỉ còn 4. Noris Blattgold, một trong số các công ty chuyên cung cấp vàng lá cho cả châu Âu, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thế giới.

Ở đây, mọi thứ dường như không ngừng rung chuyển, từ nền nhà, cửa sổ, những chiếc xe hơi đồ chơi trong tủ kính, giấy chứng nhận nghề đóng khung treo trên tường, và kể cả việc sản xuất những lá vàng dát lên bức tượng David nổi tiếng của nhà điêu khắc tài ba Michel-Ange.

Ðại sảnh của công ty Noris Blattgold tọa lạc tại thị trấn Schwabach, Ðức, vang lên tiếng động từ bên ngoài vọng vào. Từ tầng hầm dội lên âm thanh vù vù và tiếng búa đập nhịp nhàng. Dieter Drotleff, nghệ nhân làm vàng lá có tay nghề lâu năm nhất ở đây, giải thích: “Tầng bên dưới là xưởng dập và dát mỏng vàng. Lát nữa, chúng ta sẽ cùng xuống đó”.


Nghệ nhân Dieter Drotleff thành thục nện búa nặng 12 kg lên thỏi vàng.


Còn ai có thể biết rõ sự tinh tế trong việc làm ra vàng lá hơn Dieter Drotleff? Năm nay 63 tuổi, nghệ nhân này đã có 48 năm kinh nghiệm trong nghề. Giọng cởi mở, Dieter Drotleff tự hào: “Nói không phải để khoe, chứ tôi là thợ làm vàng lá lâu năm nhất ở Ðức”.

Dieter Drotleff mở cánh cửa dẫn vào căn phòng rộng lớn với nhiều tủ và dụng cụ. Ðó đây, vài hàng tủ sắt chứa kim loại quý giá này. Cuối phòng là dãy lò nấu vàng, và ngay giữa là dãy máy cán vàng. Dieter Drotleff cho biết: “Ngoài vàng lá, chúng tôi còn sản xuất bạc lá, bạch kim (platine), palladium (Pd) và đồng”. Tay cầm một cái ly chứa vài viên kim loại đang lăn tròn dưới đáy. Miệng cười tươi, Dieter Drotleff chuyền tay cái ly cho mọi người xem và nói tiếp: “Hãy nhìn này. Có nặng lắm không? Chỉ khoảng 1,200 gram thôi. Có vẻ không nhiều lắm, nhưng trị giá của nó lên đến khoảng 36,000 euro đó! ”

Những hạt vàng tan chảy khi được nung ở 1,250 độ C, sau đó được đổ thành nén, rồi cán bằng máy cán đặc biệt được chế tạo theo nguyên lý có từ thời Léonard de Vinci. Nhờ vào kỹ thuật cán hình nón (laminage conique) này mà thỏi vàng dài 20 cm, rộng 4 cm và dày 0.5 cm được kéo dài ra nhưng vẫn giữ nguyên chiều rộng 4 cm.


Vàng lá thành phẩm của công ty Noris Blattgold.


Giữa 2 lần cán, vàng lại được nung ở 600 độ C nhằm tránh bị cứng lại và nứt hay xé ra. Sau nhiều lần nung và kéo dãn ra, chúng ta có được một dải vàng 23 cara với chiều dài khoảng 1.5 mét, và mỏng như tờ giấy nhật trình. Dieter Drotleff giải thích: “Nhưng chúng ta còn xa lắm mới có được vàng lá thật sự”.

Mắt sáng ngời, Dieter Drotleff kể lại: “Khi còn là một đứa bé, tôi đã bị mê hoặc bởi kim loại ánh vàng này. Không một kim loại nào khác có thể kéo dài đến như thế, ở độ mỏng bằng 1/14,000 mm. Phải dùng đến 14,000 lá vàng mỏng tanh chất chồng lên nhau mới tạo ra độ dày 1mm! Lá vàng mỏng đến độ chúng ta có thể nhìn xuyên qua như thủy tinh”.

Công ty Noris Blattgold sản xuất được 3 kg vàng lá mỗi ngày, có trị giá khoảng 100,000 euro. Một kí lô kim loại vàng làm ra được 100,000 lá vàng siêu mỏng và được bán từng miếng gồm 25 lá nhập lại. Một gram vàng có thể phủ 1.7 mét vuông.

Dieter Drotleff vừa chỉ vừa giải thích: “Một miếng vàng 50 gram như miếng này có thể dát một bức tượng người cưỡi ngựa có kích thước thật”.


Một góc của nhà hát Bolshoi ở Moscow, Nga.


Cung cấp thị trường thế giới.

Ðể có thể cán, dải vàng được cắt ra thành từng lá vuông cạnh 4 cm. Sau đó, 80 nữ công nhân của Noris Blattgold sẽ xếp chồng lên nhau, giữa hai lá vàng là một tấm giấy mỏng cắt thẳng thớm. Một lá vàng, một tờ giấy, và một lá vàng, một tờ giấy v.v... Cho đến khi 1,500 lá vàng chồng lên nhau như thế. Ðược bảo vệ bằng một cái bao da, các chồng vàng lá này được chuyển xuống tầng hầm để dập bằng búa.

Trong nhiều giờ, chồng vàng được dập, nện, nén bằng búa tự động, cho đến khi những lá vàng thu nhỏ lại thành những hình vuông cạnh 14 cm x 14 cm, và chiều dày 1/14 cm. Dieter Drotleff nói to để át tiếng búa đập và kim loại va chạm nhau: “Nhưng vẫn chưa phải là vàng lá thành phẩm. Sau khi đưa vào máy nén, những lá vàng được cắt làm 9 nhờ một dụng cụ được thiết kế đặc biệt cho công đoạn gần như cuối cùng này”.

Bây giờ, đến lượt các nữ công nhân dùng kẹp làm bằng gỗ mun để gắp và xếp lại thành những hình vuông vào giữa những tấm giấy. Lần này, gói nhỏ chứa được 1,200 lá vàng, được bỏ vào bao bằng da dê, và tiếp tục nện. Một lần nữa các lá vàng được chia ra và dập cho đến khi chúng trở nên mỏng, mịn và trong mờ. Dieter Drotleff kết luận: “Bây giờ thì chúng ta mới có được vàng lá thành phẩm”.


Nóc vòm bảo tàng Quân đội Invalides, Paris, Pháp.


Từ bây giờ, kim loại quý giá này được cắt ra thành đoạn theo định lượng và xếp vào trong vải lụa để sẵn sàng chuyển đi cung cấp các nơi bán. Vàng lá Schwabach được xuất cảng đi 50 quốc gia. Công ty Noris Blattgold còn sản xuất keo, bút vẽ và lớp sơn lót. Dieter Drotleff kể lại: “Giới thợ thếp và mạ vàng có thể mua của công ty chúng tôi tất cả những thứ họ cần đến. Hiện nay, phần lớn thành phẩm của Noris Blattgold được xuất sang Nga”.

Nhờ những miếng vàng lá Schwabach mà nhà hát danh tiếng Bolshoi ở Moscow, và đài nước Neptune ở Saint-Petersburg đã lấy lại được sự rạng rỡ trước đây. Dieter Drotleff cho biết: “Chỉ riêng việc phục hồi sự tươi mát cho phần trang trí nội thất, nhà hát Bolchoi đã phải sử dụng 5 kg vàng lá dát vào cùng với nét vẽ những chú sóc xám bạc làm từ mớ lông rậm rạp của loài sóc Sibérie. Tổng chi phí cho việc tân trang nhà hát lên đến gần 1 tỷ euro”.

Không phải chỉ có người Nga mới thích những vật ánh vàng lóng lánh. Vàng lá Schwabach cũng được sử dụng để bao phủ các công trình kiến trúc lớn như nóc vòm của bảo tàng quân đội Invalides, Paris; tượng Tổng Lãnh Thiên Thần trên đỉnh tu viện Mont-Saint-Michel (Pháp) ; hay đỉnh vòm của nhà thờ chính thống giáo ở Jérusalem; nội thất những chiếc Limousine sang trọng của các ông vua dầu hỏa; hay đài chiến thắng ở Berlin. Năm 2010, thủ đô Ðức đã dùng 1.2 kg vàng lá để phủ vàng toàn bộ bức tượng trên đỉnh đài này.


Đỉnh vòm nhà thờ Chính Thống Giáo ở Jerusalem.


Một thị trường đang nở rộ

Thị trường vàng lá đang nở rộ, đó là điều có thể dễ dàng đoán trước! Armin Haferung, Giám đốc quản lý thuộc thế hệ thứ 4 của công ty Noris Blattgold thành lập từ năm 1876, dường như rất hài lòng. Armin Haferung giải thích: “Vàng lá đang rất thịnh hành. Nhu cầu không ngừng tăng lên. Từ vài năm nay, ngày càng có nhiều dinh thự, xe, tàu, máy bay sang trọng được trang trí vàng lá. Ðặc biệt, những du thuyền xa hoa của các tỷ phú sử dụng rất nhiều vàng lá để trang trí. Và không chỉ vàng lá là thứ đắt tiền, mà chi phí nhân công để phủ vàng cũng rất cao”.

Thật ra vàng lá được ưa chuộng sử dụng từ rất lâu đời bởi nó là biểu tượng của sự thịnh vượng, quyền lực và uy thế. Armin Haferung, nhà quản lý trẻ 41 tuổi, bật mí: “Cuộc viếng thăm của một nguyên thủ quốc gia không thể thiếu vàng lá dùng trong trang trí để tiếp đón”.

Một nhu cầu tiêu thụ vàng lá khác là lĩnh vực ẩm thực! Các bếp trưởng danh tiếng, trong đó không ít thuộc tập đoàn ẩm thực và nhà hàng khách sạn Cordon Bleu, Pháp, rất thích nâng cao giá trị sáng tạo món ăn thức uống của mình bằng vàng lá lấp lánh để tạo sự vui mắt. Armin Haferung cho biết tiếp: “Dường như vàng lá tốt cho sức khỏe”. Thật ra, từ thế kỷ thứ 12, Hildegard de Bingen, nữ Trưởng tu viện Thiên chúa giáo người Ðức, đã lưu ý công dụng trị liệu của vàng như làm dịu cơn đau trong bệnh gút, giảm sốt... ”


Tượng Tổng Lãnh Thiên Thần trên đỉnh tu viện Mont-Saint-Michel, Pháp.


Bằng cấp kỹ sư cơ khí của Armin Haferung được treo trên tường. Với một thoáng suy tư, Armin Haferung nghĩ rằng anh sẽ là người làm vàng lá cuối cùng và trẻ tuổi nhất. Từ năm 2002, nghề dát kim loại ở Ðức đã bắt đầu phai nhạt. Armin Haferung tâm sự: “Nghiệp đoàn ngành vàng lá đã giải tán. Nghề dát vàng lá bị thu gọn trong mấy chữ ‘nghệ nhân kim loại’”.

Chỉ còn Armin Haferung và các đồng nghiệp của anh tiếp tục gắn bó với nghề dát vàng lá phối hợp giữa kỹ thuật truyền thống và hiện đại. Nghệ nhân dát vàng bậc thầy Dieter Drotleff vẫn còn sử dụng cây búa nặng 12 ký mà anh dùng sức cơ bắp của đôi tay để nện lên thỏi vàng, mặc dù đã từ lâu máy nén, nện có thể thay thế cây búa để làm công việc nặng nhọc này.

Ðể đối phó với sự cạnh tranh, người đứng đầu công ty Noris Blattgold đã cho thiết kế máy móc mới thích hợp cho việc sản xuất vàng lá, dù anh biết rằng vẫn phải giữ lại một vài giai đoạn làm thủ công không thể thay thế. Armin Haferung kết luận: “Công việc mà chúng tôi tác động lên là làm chúng rất mỏng và tinh tế đến độ chúng tôi phải thường xuyên ước lượng ranh giới giữa sự hư hỏng và chất lượng hoàn hảo. Quả thật là rất liều lĩnh nếu tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất”.

Bất chợt thoảng lên đâu đây một mùi hương của quá khứ dường như thoát ra từ câu tục ngữ cổ xưa: “Vàng thật không sợ lửa! ”

Vàng còn tượng trưng cho sự giàu có, dư dả; một điều mà trong đầu năm mới người Việt ước vọng cũng như chúc tụng nhau.

Đào Duy Hòa

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân