TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hoài sơn những điều chưa biết
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hoài sơn những điều chưa biết

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9550

Bài gửiGửi: Sat Jan 27, 2018 12:47 am    Tiêu đề: Hoài sơn những điều chưa biết
Tác Giả: Xuân Hằng

Hoài sơn những điều chưa biết

Thợ bào khoai mì


Khoảng hai giờ khuya, khi màn đêm còn dầy đặc, khu nhà trọ Hòa Hiệp đã sáng đèn. Gần hai chục con người cả nam lẫn nữ lục đục thức dậy chuẩn bị cơm nước. Sau đó nai nịt áo nón bịt mặt, mang theo dao, kéo nhau đi đâu không rõ. Sinh nghi là đám cướp, kẻ viết bài gọi điện báo dân phòng xã. Ðầu dây, tiếng một công an xã ngái ngủ, càu nhàu “Ăn cướp gì mà ăn cướp, bọn nó đi làm hoài sơn. Có trình báo rồi”.

Hai tiếng “hoài sơn” nghe lạ tai. Không biết làm hoài sơn là làm gì? Kẻ viết bài lân la dò hỏi. Anh Sáu, thành viên lớn tuổi của nhóm “bịt mặt, mang dao” nọ tỏ ra xởi lởi, bảo muốn anh cho đi theo coi chơi.


Một cần xé khoai mì tươi 50 ký, bào hết lãnh một thẻ, tương đương 8 ngàn đồng


Trên đường đi, anh Sáu kể vắn tắt, muốn làm hoài sơn, đầu tiên phải có củ khoai mì tươi. Mì được mua từng xe tải, từ trong núi Mây Tào đưa về bãi đất trống nằm tách khỏi khu dân cư gần Cầu 5, xã Hòa Hiệp. Mỗi chị “bịt mặt” sẽ nhận một cần xé khoai mì tươi nặng 50 ký. Ðổ khoai mì xuống đất, họ ngồi bẹp, đeo đèn pile lên trán, dùng dao chặt, dao bào mang theo bắt đầu bào vỏ khoai mì. Ban đầu lạnh cóng, tay dao còn chậm. Sau càng làm càng nhanh. Tiếng dao xoèn xoẹt nhịp nhàng, đường dao loang loáng ngọt xớt. Bào xong một cần xé tính là một thẻ, trị giá 8,000 đồng. Nhận một cần xé khác. Lại bào thoăn thoắt, lãnh thẻ thứ hai. Cứ thế, bào liên tục tới trưa thì nghỉ tay. Chủ dọn cơm. Ăn xong, dang nắng bào tiếp tới chiều muộn. Mỗi người, làm giỏi, sau một ngày có thể đạt từ 30 tới 40 thẻ, lãnh từ 240,000 tới 320,000 đồng.

Thợ bào khoai mì, đa số đều là phụ nữ, từ Ðồng Tháp, Long An, Tiền Giang lên, từ Ðồng Nai, Bình Dương qua. Không ai đi một mình, không ai là lính mới. Tất cả đều buôn có bạn, bán có phường. Bình thường không thấy họ lai vãng. Nhưng khi những vạt khoai mì đã đến kỳ thu hoạch, chủ rẫy khoai mì, chủ lò khoai mì sẽ gọi điện thoại hẹn ngày, giao việc, ăn giá với người đại diện. Người này chịu trách nhiệm huy động thợ, cho xe đón tại nhà, “áp giải” xuống rẫy khoai mì làm, hết mùa khoai mì, sẽ cho xe lên chở về.

Quang cảnh bãi khoai mì khá thoáng đãng yên vắng, Vài chị có con nhỏ, đi bào quá sớm, con còn ngủ, phải “na” theo. Tới chỗ làm, để con nằm trên tấm nilon, trùm sơ cái áo lạnh, ngồi kế bên con xoạc cẳng bào khoai mì. Có chị vừa bào vừa tính nhẩm: “Ngày 300 ngàn đồng, tháng 9 triệu. Hà tiện mỗi ngày ăn xài 100 ngàn đồng, một tháng hết 3 triệu. Tan mùa khoai mì, cầm về được 6 triệu, vừa vặn tới Tết”. Có chị tâm sự, cả hai vợ chồng đều đi mì, thấy khá, về quê dắt thêm ba đứa cháu. Làm xong, nghỉ ăn Tết vài bữa, sẽ đi “đánh” nơi khác.


Cho lưu huỳnh vào lon


Hỏi anh Sáu làm “bầu gánh bào khoai mì” có khó không. Anh lắc đầu, ăn thua mình phân công hợp lý. Theo đó, thanh niên chịu trách nhiệm lái xe tải (loại 10- 20 tấn), nhổ khoai mì, lên xuống khoai mì, khiêng cần xé, đánh đống khoai mì... Phụ nữ chặt khoai mì, bào vỏ khoai mì... Một cần xé khoai mì bào xong, người bào ngồi một chỗ kêu réo. Ðám thanh niên chạy như con thoi, khiêng khoai mì chưa bào tới, đem khoai mì bào rồi đổ chỗ khác. Xế chiều, khi đống khoai mì bào rồi đã khá cao, thợ bào nghỉ hết, mới tới phiên anh Sáu. Cầm vài chục lon rỗng và gói bột lưu huỳnh đi tới đống khoai mì, anh Sáu ngồi xuống, sớt bột lưu huỳnh vào các lon, châm lửa rồi nhanh nhẹn “chôn” từng lon vào đống khoai mì, canh sao cho khói lưu huỳnh tỏa đều, không quá dày, không quá thưa, bảo đảm khi trùm bạt kín, cả đống khoai mì đều “hít thở” khói lưu huỳnh ngang nhau. Trung bình 100 ký khoai mì phải một ký bột lưu huỳnh.


đặt lon lưu huỳnh vào đống khoai mì đã bào vỏ


Ðứng xa nhìn thao tác đơn giản của anh Sáu, kẻ viết bài thấy, so với thợ bào, thợ khiêng, thợ đào, thợ róc, thì nhẹ nhàng hơn nhiều và cũng chóng vánh hơn, ai cũng làm được. Nào ngờ anh Sáu bảo hoàn toàn sai. Anh giải thích, khói lưu huỳnh rất độc, lỡ hít phải, nhẹ thì xây xẩm choáng váng, nặng thì ngất xỉu tại chỗ. Muốn đốt an toàn phải lựa chiều gió, tránh khói tạt vô mặt, lại phải canh sao cho khói vừa lên thì cũng vừa đốt xong một vòng mấy chục lon chung quanh đống khoai mì. Sau đó lẹ lẹ phủ bạt dầy, chặn kín, úm không cho khói xì ra ngoài. Làm nghề đốt lưu huỳnh khéo lắm chỉ vài năm là tàn tạ, ói ra máu. Ngay thanh niên sức vóc cũng phải đổi nghề khác nếu không muốn “ăn chuối cả nải”...


Trùm kín bạt lên đống khoai mì, tránh hơi lưu huỳnh xì ra ngoài, để 24 tiếng mới giở ra.


Sau một ngày đêm, tấm bạt được mở ra. Tất cả khoai mì, do ăn khói lưu huỳnh, đều trở màu vàng khè. Ðể hả hết mùi hôi, thợ bào sẽ bào cho hết lớp vàng khè. Mì lại được chất đống. Các lon lưu huỳnh lại được đốt, bạt nhựa phủ kín mít. 24 tiếng đồng hồ sau, bạt được giở ra, màu khoai mì lại vàng khè. Thợ lại gọt trắng, lại xông lưu huỳnh, lại “trùm chăn”... Tổng cộng sau ba lần gọt, ba lần xông khói lưu huỳnh, củ khoai mì sẽ được trau chuốt lần cuối cùng, trở thành những khúc khoai mì trắng muốt, khô ráo, chở lên đường Hải Thượng Lãn Ông, Chợ Lớn bỏ mối cho những điểm thu mua dược liệu. Tại đó, những khúc khoai mì trắng này được xắt lát bằng dao cầu (kiểu dao chuyên dụng ở tiệm thuốc đông y). Những lát khoai mì trắng tinh, mịn muốt không còn mang tên khoai mì quê kệch mà được gọi bằng tên mới mỹ miều, là hoài sơn.


cây và củ mài (hoài sơn thật)


Khổ nỗi, chế biến công phu, độc hại như thế, bán cũng không rẻ (khoảng 150 ngàn đồng một ký) nhưng hoài sơn vẫn không phải là hoài sơn thật. Lương y Ba Thuốc, ở Ðồng Nai, khẳng định hoài sơn thật phải làm từ củ mài, thay vì củ khoai mì. Củ mài tươi (loại mọc hoang là tốt nhất) khá nhớt, thường dùng nấu chè giải nhiệt. Muốn thành hoài sơn, củ mài tươi cũng ủ lưu huỳnh ba lần (cách thức giống 80% cách ủ khoai mì nói trên). Ðặt hai lát hoài sơn cạnh nhau, kẻ viết bài không thể phân biệt đâu là hoài sơn mài, đâu là hoài sơn khoai mì. Nhưng thầy thuốc thì biết, người bỏ sỉ, người lấy mối càng biết. Biết nhưng đồng thanh treo dê bán chó, lập lờ đánh lận con đen, vì giá thành của hoài sơn khoai mì rẻ hơn hoài sơn mài nhiều, muốn mua bao nhiêu cũng có, mua lúc nào cũng sẵn. Về công dụng chênh nhau của hoài sơn mài, hoài sơn khoai mì, không thấy ai “lăn tăn”. Chỉ biết ngoài chuyện có mặt cùng hạt sen, nhãn nhục, ý dĩ, táo đỏ, phổ tai... trong món sâm bổ lượng rất được ưa chuộng thì hoài sơn còn được sử dụng trong các thang thuốc bắc có tác dụng trợ tiêu hóa, tăng sức khỏe, giúp dễ ngủ, ổn định tim mạch, chống đau nhức, mỏi mệt...


cây và củ khoai mì (hoài sơn giả)


Xem ra, bản thân củ khoai mì không chỉ đơn giản luộc, làm bánh, nấu chè, trộn dừa nạo ăn chơi hay ăn trừ cơm lúc đói khó, ghế cơm mùa giáp hạt, mà còn là nguyên liệu làm bột ngọt, thức ăn gia súc, phân bón... và bây giờ biến thành một vị thuốc bắc mang tên hoài sơn thì sẽ có “tác dụng trợ tiêu hóa, tăng sức khỏe, giúp dễ ngủ, ổn định tim mạch, chống đau nhức, mỏi mệt... ” hay không thì có giời mới biết!

Xuân Hằng

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân