TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chiếc hộp xanh nơ trắng
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chiếc hộp xanh nơ trắng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Jan 11, 2018 11:19 pm    Tiêu đề: Chiếc hộp xanh nơ trắng
Tác Giả: Sean Bảo

Chiếc hộp xanh nơ trắng


Ngày 11 tháng 3, 1888, một cơn bão tuyết tàn bạo nhất trong lịch sử tràn qua New York. Cơn bão hung dữ được gọi tên là “Great White Hurricane” đổ xuống 1.5m tuyết dày làm tê liệt New York và các tiểu bang phụ cận, một ngàn người thiệt mạng. Vậy mà hôm đó ở tòa nhà 255 Madison Ave, 600 nhân viên lành nghề đều có mặt đúng giờ, bởi chủ nhân Charles Lewis Tiffany cũng đi bộ trong bão tuyết đến chỗ làm và không bao giờ vắng mặt một ngày kể từ năm thành lập 1837. Chỉ có 1 khách hàng mua một món đồ hôm ấy: một món đồ trang sức mạ bạc, giá 80 cents. Hẳn Tiffany phải có sức quyến rũ mãnh liệt lắm để khách hàng ấy vượt qua cơn bão đến mua đồ...


Audrey Hepburn với chiếc vòng cổ trong phim Buổi ăn sáng ở Tiffany, 1961


Mà không chỉ khách hàng ấy, từ những Ðệ nhất phu nhân mang trang sức của Tiffany như vợ Tổng thống Abraham Lincoln với xâu chuổi đeo cổ bằng ngọc trai trong lễ nhậm chức năm 1861, hôn thê của Franklin Roosevelt trong chiếc nhẫn đính hôn năm 1904, Tổng thống Lyndon B. Johnson và vợ đặt hàng Tiffany làm đồ chén dĩa cho Tòa Bạch Ốc, Jacqueline Kennedy với chiếc vòng đeo tay năm 1962, Melania Trump tặng Michelle Obama gói quà từ Tiffany trước ngày nhậm chức của Obama. Ðến những ngôi sao màn bạc bất tử như Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor... Ðặc biệt nhất là Audrey Hepburn trong phim “Buổi ăn sáng ở Tiffany”. Chẳng phải nhờ giai điệu “Sông trăng” tuyệt hảo của Henry Mancini, chẳng phải nhờ chiếc áo dạ hội màu đen quý phái của Givenchy, mà chính nhan sắc và tài năng của Audrey cùng tiếng tăm số một Tiffany làm cho cuốn phim bất tử, Tiffany trở thành biểu tượng thời trang quý giá nhất và muôn đời cho các phụ nữ.


Chủ nhân Charles Lewis Tiffany tại cửa hàng ở NY 1887


Năm 1837, Charles Lewis Tiffany mượn 1 ngàn đô của cha, cùng John Young tới New York để mở cửa hàng Tiffany & Young chuyên bán văn phòng phẩm và đồ lưu niệm. Ba ngày đầu tiên lãi được $4.38 (tương đương $100 bây giờ). Từ đó cửa hiệu mới phát triển kinh doanh thêm trang sức và đồ bạc cao cấp. Khi nhìn thấy những phụ nữ quý tộc thời trang mặc áo lụa và mũ kết ribbon mua sắm ở Broadway trên các con đường hẹp đầy ngựa xe, công ty Tiffany đã nhìn thấy một kiểu cách nước Mỹ mới khác hẳn với Châu Âu, nhưng còn đậm nét thời Victoria cổ điển, sự tinh tế trong các tiết điệu, hài hòa và trang nhã. Các mẫu kim hoàn của Tiffany được giải và thành công rực rỡ trong Hội chợ quốc tế ở Paris 1867, lần đầu tiên một công ty Mỹ được chứng nhận cho tiêu chuẩn kim hoàn (92% bạc ròng) làm thỏa mãn khách hàng khó tính ở Châu Âu.


The Tiffany Yellow Diamond


Charles Tiffany đã mua lại cổ phần của hai người bạn, Tiffany & Co. (Tiffany & Company) chính thức được ra đời. Với sự thừa kế của người con trai Louis Comfort Tiffany, một nhà thiết kế tài ba nhất là trong lĩnh vực trang trí nội thất, chế tác các họa phẩm trên kính, các đèn chùm đầy hoa văn, các tác phẩm hội họa tuyệt vời trên ly chén, trên cửa sổ nhà thờ và biệt thự, Tòa Bạch Ốc... Tiffany dẫn đầu Art nouveau (Tân nghệ thuật) trong lĩnh vực kim hoàn và trang trí nội thất. Nhưng nổi bật hơn hết vẫn là những viên kim cương vô giá, luôn được xem là “bạn thân nhất của các cô gái”. “Viên kim cương Tiffany” chính là viên đá quý màu vàng đã làm nên lịch sử, mở đầu cho cuộc cách mạng của thương hiệu thời trang quý phái hàng đầu.


Tiffany Cross Medal of Honor


Năm 1878, Tiffany mua nguyên cục đá quý ở mỏ Kimberly, Nam Phi, nặng 287.42 carats giá 18 ngàn đô, biến viên đá thô này thành tác phẩm có 82 mặt lấp lánh (gấp đôi 24 mặt cắt truyền thống vào thời ấy) và nặng còn 128.4 carats, tất cả đều làm bằng tay thật tinh xảo. Vẻ đẹp của “Viên kim cương Tiffany” lớn nhất và độc nhất vô nhị vẫn còn mãi đến tận bây giờ. Chỉ có 2 người phụ nữ được vinh dự đeo cục hột xoàn này trong lịch sử, đó là Bà Sheldon Whitehouse, ở dạ tiệc của Tiffany ở Newport năm 1957 và Audrey Hepburn năm 1961 trong buổi chụp hình cho phim Buổi ăn sáng ở Tiffany’s. Viên kim cương này được trưng bày trong cửa hàng trên Ðại lộ số 5, Manhattan. Ðược bảo vệ trong lồng kính chống đạn, cuối ngày được đưa xuống tầng ngầm.


Wisteria Tiffany Studios Lamp


Năm 1845 Tiffany phát hành cuốn catalog Blue Book đầu tiên trong nước Mỹ nhằm quảng bá sản phẩm đến tận tay khách hàng qua bưu điện. Và vào năm 1886, Tiffany làm một bước đột phá mới trong ngành chế tạo trang sức đó là thiết kế của nhẫn đính hôn. Những viên kim cương đính nổi lên trên vòng nhẫn, lấp lánh sáng ngời thay vì nhận chìm vào, đã làm vừa lòng các vị hôn thê đài các khắp thế giới. Chiếc nhẫn đính hôn này đặc biệt hơn vì được đựng trong chiếc hộp màu xanh nơ trắng. Màu xanh của chiếc hộp trông tựa như màu xanh trứng chim robin hay màu xanh của hoa Forget-me-not, một màu xanh nhạt sáng dịu, trang nhã quý phái, đầy nữ tính và cổ điển.


Nhà thiết kế Schlumberger


Chủ nhân của công ty đã dựa theo nữ hoàng Pháp Eugenie (1853-1871), một thần tượng của thời trang thời Victoria, bà thường mặc áo màu turquoise (ngọc lam) và chọn nó là màu hoàng tộc, cũng màu xanh ngọc lam này được dùng phổ biến cho các trâm cài và kim ghim cổ áo có hình chim bồ câu mà cô dâu thời ấy tặng cho khách đến dự tiệc cưới để họ nhớ mãi. Trong Hội chợ quốc tế ở Paris 1878, cả thế giới biết đến giá trị cao quý nữ trang Tiffany nổi bật trong chiếc hộp màu xanh lam ấy. Tiêu chuẩn màu sắc Pantone với mã số PMS 1837 (năm thành lập công ty). Công thức màu được giữ kín tối mật, tương tự như màu đỏ của McDonald là PMS 123C hay logo của Ford là PMS 294C.

Tờ New York Sun xuất bản năm 1906 đã viết: “Tiffany có một món hàng duy nhất mà bạn không thể mua cho dù có trả nhiều tiền, nhưng ông ấy sẽ tặng bạn. Ðó là một trong những chiếc hộp màu xanh.” Chiếc hộp màu xanh ấy quyến rũ đến mức bất cứ những cặp tình nhân đang yêu và đã yêu khi đến New York phải ghé cửa hàng hiệu đẳng cấp thời thượng này. Dù không mua được món đồ trang sức giá cao ngất ngưởng đến bạc triệu, nhưng ít nhất họ sẽ thấy nó, họ sẽ có nó trong giấc mơ khát vọng giàu sang.


Tiffany clock at Grand Central Terminal


Gần hai thế kỷ phát triển và hơn 250 cửa hàng trên khắp thế giới, Tiffany & Co. vẫn là thương hiệu đi đầu trong ngành công nghiệp chế tác trang sức của thế giới. Ít ai biết được thành công tột đỉnh của Tiffany là nhờ những tài năng và phát kiến tuyệt vời của những nhà thiết kế tài hoa đằng sau thương hiệu. Ðó là Gene Moore (1910-1998) người thiết kế trưng bày sản phẩm qua khung cửa sổ bằng kính của Tiffany một cách nghệ thuật đầy sáng tạo, nơi khung cửa sổ ấy gọi mời háo hức bao khách bộ hành chôn chân đứng nhìn ngây ngất; nhà thiết kế huyền thoại Jean Schlumberger với những trang sức cổ điển và tinh xảo tuyệt mỹ; với Paloma Picasso (con gái của danh họa Picasso) mang nét trừu tượng, phá cách độc đáo... Cũng mấy ai biết được Tiffany đã thiết kế và cung cấp cho liên quân Union trong thời nội chiến những thanh kiếm đẹp, những kiểu dáng các cây súng Colt, Winchester và Smith & Wesson, thiết kế logo NY cho đội New York Yankee (1909), vẽ kiểu lại Quốc Huy của nước Mỹ (1885), các mề đay, Huân chương Chữ Thập của Hải quân Mỹ. Tiffany còn thiết kế hàng trăm cúp, nhẫn quý giá cho các giải thể thao trong nước và quốc tế như Vince Lombardi Trophy (NFL), Larry O’ Brien Trophy (NBA), Major League Soccer, NASCAR... Ðến chiếc đồng hồ mặt kính hoa văn ở Grand Central Terminal (New York) và ngay cả những thiệp chúc Giáng Sinh.


Trophy, vòng đeo cổ, White House China và Christmas Card designs


Cho đến ngày nay, chiếc hộp màu xanh nơ trắng của Tiffany vẫn luôn làm trái tim của phụ nữ đập nhanh hơn. Mùa xuân về với tháng Giêng ngon như cặp môi gần. Sẽ có lời cầu hôn hẹn ước trăm năm bên trong chiếc hộp màu xanh ấy. Ai đó đã nói rằng: “Ðời sống không được đo lường bằng số lần của nhịp thở, mà bằng phút giây nghẹt thở vì cái đẹp.” (Life is not measured by the number of breaths we take, but by the moments that take our breath away.) Ðúng vậy! Có thể hạnh phúc là vô giá, kim cương là bạn thân nhất của các cô gái. Chưa chắc nàng sẽ gật đầu và thốt lên “I Do! ” Nhưng chiếc hộp màu xanh nơ trắng này sẽ làm trái tim nàng thổn thức không thôi.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân