TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tượng Nữ Thần Tự Do
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tượng Nữ Thần Tự Do

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat Dec 23, 2017 12:38 am    Tiêu đề: Tượng Nữ Thần Tự Do
Tác Giả: Sean Bảo

Tượng Nữ Thần Tự Do


Hình ảnh một ngọn đèn hải đăng, lấp lánh trong đêm tối mù sương trên đại dương sóng dữ, qua bao tháng ngày lênh đênh, luôn làm bừng lên nỗi vui mừng tột độ của người di dân hay tị nạn. Đó là ánh sáng cuối đường hầm tuyệt vọng, đó là bình minh hứa hẹn rực rỡ của một phận đời lưu vong. Di dân tin chắc sẽ đến được bến bờ an lành và qua rồi cơn mộng dữ. Nhất là ngọn hải đăng đó ở bến đỗ của một đất nước hứa hẹn đầy tự do, “miền đất của sữa và mật ong.” Đó là Tượng Nữ Thần Tự Do ở cửa biển New York.


Auguste Bartholdi


Vị nữ thần này nay đã hơn 132 tuổi, chào đời trong một thành phố nhỏ ở Paris. Khởi đầu từ Edouard de Laboulaye, một chính khách chống chế độ nô lệ người Pháp. Sau chiến thắng của quân Union kết thúc nội chiến năm 1865, nước Mỹ trở thành biểu tượng cho tự do và dân chủ; ý tưởng xây một pho tượng tặng cho nước Mỹ kỷ niệm 100 năm giành độc lập từ Anh và tình hữu nghị với nước Pháp sẽ được thắt chặt hơn, Ðiêu khắc gia Auguste Bartholdi bắt tay làm tượng từ năm 1870, đặt tên là Nữ thần Tự do soi sáng thế giới. Một pho tượng bằng đồng khổng lồ cao 46m, nặng 204 tấn. Khuôn mặt của nữ thần tựa như mẹ của điêu khắc gia, cơ thể thì dựa theo người tình của ông. Ðầu đội mũ hình vương miện có 7 tia như tỏa ra từ mặt trời, 7 tia như 7 lục địa, 7 đại dương. Nữ thần choàng chiếc áo vải dài như các vị thần Hy Lạp cổ, tay phải nâng cao ngọn đuốc sáng, tay trái cầm tablet có khắc ngày 4 tháng 7, 1776, ngày Quốc khánh nước Mỹ. Thoạt đầu Bartholdi dự định cho nữ thần cầm sợi xích gãy đôi, tượng trưng cho sự giải thoát gông cùm nô lệ. Nhưng sau đó lại sợ biểu tượng còn gây chia rẽ sau khi nước Mỹ vừa kết thúc nội chiến. Vì thế sợi xích gãy được đặt dưới gót chân của nữ thần, phủ che bởi tấm áo dài. Ðầu bức tượng được Bartholdi bắt đầu từ Pháp năm 1877 để trưng bày trong Hội Chợ Thế Giới ở Paris 1878 nhằm quyên góp nguồn tài trợ, còn cánh tay phải cầm đuốc, trưng bày ở Hội chợ Hoàn vũ ở Philadelphia năm 1876 nhằm quyên tiền xây dựng bệ tượng. Kiến trúc sư tài ba Gustave Eiffel (người xây dựng tháp Eiffel) đã góp phần làm bộ khung sườn bên trong bức tượng.


Đầu tượng Nữ thần Tự Do tại Hội chợ Thế giới Paris năm 1878, và cánh tay phải cầm đuốc trưng bày ở Hội chợ Hoàn vũ ở Philadelphia năm 1876


Ngày 17 tháng 6, 1885, hơn 200 ngàn người dân New York đổ xô đến dọc bến cảng Manhattan để chào đón chiếc tàu hơi nước Isére từ Pháp. Tượng được chở từ 350 miếng đồng mỏng đóng trong 214 thùng hàng. Người Pháp tặng tượng nhưng phần bệ thì do nước Mỹ đảm nhận. Và thế là một chiến dịch vận động quyên tiền xây dựng bệ tượng đài với giá 250 ngàn đô (tương đương 6 triệu đô ngày nay.) nhưng chỉ góp được 2/3. Thống đốc New York từ chối dùng ngân sách của thành phố, Quốc hội cũng không ủng hộ chi tiền. Baltimore, Boston, San Francisco và Philadelphia đồng ý chi tiền xây bệ với điều kiện phải dời tượng về địa điểm của thành phố của tiểu bang mình. Mọi chuyện chừng như đình trệ nếu không có sáng kiến và sự góp công của Joseph Pulitzer, ông đã dùng tờ báo The New York World của mình để vinh danh những người ủng hộ quyên góp tiền cho bệ tượng. Tất cả những ai dù ủng hộ vài xu đến vài trăm đều được đăng trên trang nhất của báo. Chiến dịch thành công với hơn 160 ngàn người đóng góp, trong đó bao gồm mọi thành phần, từ thương gia, đến chính khách, trẻ em và dân lao động. Trong vòng 5 tháng quyên được 101,091 đô. Ba phần tư trong số tiền đó từ những người lao động góp ít hơn 1 đô la.



Năm 1886, bệ tượng như một tòa tháp được xây xong và tượng Nữ Thần được lắp ráp dựng lên với độ chính xác và nhanh chóng đến ngạc nhiên trong mắt của cư dân. Tất cả đều do nhóm xây dựng gan dạ và cần mẫn của các di dân vừa định cư. Những lá đồng mỏng được uốn dập lắp ráp vào khung sườn thép làm cốt của Gustave Eiffel. Bức tượng được khánh thành trong đại lễ tráng lệ khắp New York. Ngày 28 tháng 10, 1886, mặc sương mù và ẩm ướt, chừng triệu người đổ xô đến New York tham dự cuộc diễn hành vĩ đại qua Manhattan và qua tòa nhà Stock Exchange, các tay buôn bán cổ phiếu hân hoan chào đón từ các khung cửa sổ trên tòa nhà, họ xé các ticket ghi cổ phiếu và tung xuống đường, trông như giấy vụn confetti bay lấp lánh khắp trời, (truyền thống tung giấy confetti được bắt đầu từ đấy!). Pháo bông, súng chào mừng và tiếng hò reo vang khắp trời vào tối ngày 1 tháng 11, 1866.


Tấm bảng đồng khắc bài thơ của Emma Lazarus đặt dưới chân tượng nữ thần


Cần phải kể thêm câu chuyện về bài thơ ngắn rất hay được khắc vào bệ tượng. Emma Lazarus là nhà thơ nữ trẻ 34 tuổi khi cùng các nhà thơ, nhà văn của New York cùng nhau góp tác phẩm để quyên tiền xây dựng bệ tượng đài Nữ Thần Tự Do. Một bài thơ ngắn sonnet sẽ được bán đấu giá, cùng với các tác phẩm khác của Mark Twain và Walt Whitman. Bà là một nhà thơ nữ trẻ và hiếm hoi trong thời kỳ xã hội còn trọng nam khinh nữ. Bà lại là con cháu của một gia đình di cư gốc Do Thái, nên hình ảnh của tự do luôn đầy ắp trong tâm khảm. Những ký ức của cha mẹ và người Do Thái phải tị nạn do phân biệt chủng tộc và tàn sát ở Nga những năm 1880 chừng như không phai mờ. Và bà viết bài sonnet tựa là Người Khổng Lồ Mới:

Không như tên khổng lồ hống hách tiếng tăm của Hy Lạp,

bước chân chinh phục nối liền hai vùng đất;

Ðứng đây, lúc hoàng hôn, trước những cổng vào tràn sóng biển.

Một phụ nữ oai hùng cầm cây đuốc, mà ngọn lửa giam hãm sấm chớp,

và tên gọi là Mẹ Của Những Kiếp Lưu Vong.

Từ bàn tay hải đăng sáng lên lời đón chào toàn thế giới;

đôi mắt hiền từ bao quát hải cảng với chiếc cầu mây,

đóng khung bởi đôi thành phố song sinh.

“Hỡi các miền đất xưa, hãy giữ lại những chuyện cũ phù hoa”,

Bà kêu lên. Bằng đôi môi lặng yên.

“Hãy trao cho ta những đám đông co ro khao khát thở khí trời tự do.

Những kẻ khốn cùng rác rưởi của vùng đất các người chen chúc.

Gởi cho ta những thứ đó, những kẻ không nhà, lao đao trong bão tố,

Có ta nâng ngọn đèn sáng đứng cạnh cánh cửa vàng!”

Bài thơ ngắn được các bạn đồng nghiệp tán thưởng và cho rằng sẽ giúp bức tượng Nữ Thần Tự Do một luồng sinh khí và nâng cao tinh thần tự do sáng ngời như ngọn hải đăng trên đại dương tù ngục mù tối. Thế nhưng bài thơ chừng như bị quên lãng cũng như số phận của bà và các phụ nữ trong thời kỳ bất bình đẳng ấy. Bức tượng được khánh thành trong đại lễ lớn lao nhưng người ta cũng không nhớ đến bài thơ. Ngay cả một năm sau khi bà mất ở tuổi 38 vì ung thư, những dòng phân ưu trên New York Times cũng không hề nhắc đến bài thơ ấy. Cho đến 1903, hai năm sau khi người bạn của bà tìm thấy bài thơ ở trong một tiệm sách và gần 20 năm sau khi bà mất, bài thơ mới được khắc ghi vào bảng đồng đặt dưới chân tượng nữ thần.



Năm 1984, Tượng Nữ thần Tự do được UNESCO công bố là di sản thế giới. Bức tượng như một “kiệt tác tinh thần của nhân loại”, cho những lý tưởng tự do, hòa bình, nhân quyền, bãi nô, dân chủ và cơ hội. Bức tượng là tuyệt phẩm của nhân loại bởi sự hài hòa giữa nghệ thuật và kỹ thuật của thế kỷ 19, của tinh thần hữu nghị giữa nước Pháp và Mỹ, với sự đóng góp của mọi thường dân và các nhân tài, với các giá trị biểu tượng cao quý và vô giá như Tuyên ngôn Ðộc lập của Mỹ cũng như sợi dây xích bị gãy dưới gót chân. Và trên hết là biểu tượng tự do cho người di dân khốn khổ khắp năm châu khi đến xứ sở này. “Những đám đông co ro khao khát thở khí trời tự do. Những kẻ khốn cùng rác rưởi của vùng đất các người chen chúc... những kẻ không nhà, lao đao trong bão tố.”



Một phiên bản của tượng Nữ Thần Tự Do cao 2.85m được người Pháp đưa sang triển lãm tại Hội chợ Ðấu xảo Hà Nội năm 1887. Người dân gọi là tượng Bà Ðầm Xòe. Lúc đầu tượng được đặt ở vườn hoa trung tâm gần Tòa Công Sứ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Sau đó, vào năm 1891 đến 1896 tượng được đặt trên nóc Tháp Rùa. Cuối cùng “Bà Ðầm xòe” được chuyển đến vườn hoa Neyret phía tây hồ Hoàn Kiếm – tức là Vườn hoa Cửa Nam gần Thư viện Quốc gia. Sau năm 1945 tượng đồng này bị kéo đổ và bán thành đồng vụn. (Duy nhất những kiến trúc của Gustave Eiffel vẫn còn lại ngày nay là Cầu Trường Tiền trên sông Hương ở Huế và Cầu Long Biên ở Hà Nội.)

Ngày nay tượng Nữ Thần Tự Do luôn là biểu tượng của di dân, của khát vọng mưu cầu hạnh phúc trên miền đất hứa. Những biến động an ninh toàn thế giới làm ảnh hưởng đến luật lệ nhập cư khó khăn vào Mỹ. Nhưng nơi cửa biển New York vẫn mãi còn đó hình ảnh vị Nữ Thần Tự Do luôn chào đón các di dân khốn khổ. Những dòng chữ khắc chạm dưới chân bệ tượng vẫn mãi hoài thử thách những giá trị nhân bản và đẹp ngời của tình người, của nước Mỹ tự do.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân