TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bảo tàng Vasa Warship ở Thụy Điển
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bảo tàng Vasa Warship ở Thụy Điển

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Mar 12, 2018 11:16 pm    Tiêu đề: Bảo tàng Vasa Warship ở Thụy Điển

Bảo tàng Vasa Warship ở Thụy Điển

Nguyên mẫu Vasa Warship trưng bày trong Vasa Museum, Stockholm. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Ngày 10 Tháng Tám của mùa Hè năm 1628 tại thủ đô Stockholm, dưới sự chứng kiến của nhiều nhà ngoại giao và hàng đoàn người dân Thụy Điển đông đúc đứng chung quanh cảng Slussen để chào mừng buổi lễ hạ thủy chiến thuyền của Hải Quân Hoàng Gia Thụy Điển Vasa Warship.

Cơn gió chiều nhè nhẹ thổi đưa Vasa rời bến cảng giữa tiếng hò reo của đoàn người, nhưng chỉ được hơn vài trăm mét, một cơn gió giật mạnh làm con thuyền chao đảo và những cơn gió mạnh tiếp theo làm Vasa dần dần nghiêng hẳn và nước tràn vào tầng có các khẩu đại bác và câu chuyện bắt đầu.

Vasa Warship được thiết kế và khởi công đóng tại đảo nhỏ Blasieholmen ngay giữa lòng thành phố Stockholm trong suốt một thời gian dài ba năm từ 1626 đến 1628. Chiến thuyền buồm được đóng dài 69 mét, bề ngang rộng 11.7 mét, phần sau thuyền cao 19.3 mét, cột buồm cao đến 52.5 mét, và Vasa có tất cả mười cánh buồm lớn để điều khiển con tàu.

Để bảo đảm phẩm chất chiến thuyền, người ta đã tuyển chọn bốn trăm nhân công chuyên nghiệp và dùng cả hàng ngàn cây gỗ oak quí đóng thành thân tàu. Khoang thuyền được thiết kế tương đối rộng rãi so với các chiến thuyền khác cùng thời.


Phần trước Vasa Warship, Vasa Museum – Stockholm. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Trọng tải Vasa có thể chứa đến 145 thủy thủ và 300 binh lính. Ngoài ra, để chứng tỏ uy lực mạnh mẽ của một loại chiến thuyền lớn, Vasa được trang bị 64 súng đại bác trong đó có đến 48 khẩu đại bác đạn 24-pounder, tám khẩu đại bác đạn 3-pounder, hai khẩu súng đạn 1-pounder, và sáu khẩu súng cối.

Đây là một chiến hạm mà vua Gustavus II và Hải Quân Hoàng Gia Thụy Điển rất hãnh diện, tin rằng Vasa có đủ uy lực tiêu diệt các chiến thuyền của kẻ thù vào thế kỷ 17.

Nếu chỉ nói đến sự to lớn của con thuyền và sự trang bị các khẩu đại bác đã tạo cho chiến thuyền Vasa một uy lực mạnh mẽ là vẫn chưa đầy đủ về con thuyền này. Vasa Warship không chỉ là một chiến thuyền mà nó còn là một con thuyền nổi bật về nghệ thuật điêu khắc gỗ! Điều này có thể cũng dễ hiểu vì Vasa là một chiến thuyền của Hoàng Gia Thụy Điển nên nó đã được chạm trổ điêu khắc theo những biểu tượng của triều đại nhà vua.

Sư tử là một biểu tượng của đất nước Thụy Điển và cũng là một biểu tượng cho nhà vua, vì thế hình ảnh “sư tử đang gầm và đang ở một vị thế nhảy phóng qua” là một hình ảnh mà người thưởng ngoạn có thể nhìn thấy ngay trước mũi chiến thuyền Vasa.

Vào thế kỷ 17, nhà vua Gustavus II Adolphus của Thụy Điển được Âu Châu mệnh danh là “Sư tử phương Bắc/Lion of the North.” Vì thế người ta đã làm một bức tượng bằng gỗ khổng lồ, đường nét điêu khắc rất tỉ mỉ và tuyệt đẹp tạo cho người xem cảm nhận được khí thế mạnh mẽ qua tiếng gầm và vị thế nhảy phóng của con sư tử để tô đậm nét uy hùng của nhà vua.


Phần sau Vasa Warship. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Còn phía sau đuôi thuyền là một bức tranh gỗ lớn được điêu khắc chạm trổ với hình ảnh hơn năm trăm tượng thiên thần, quỷ sứ, nhạc sĩ, triều đình, nhà vua và Thượng Đế. Màu sắc của những bức tượng này tuy đã bị nhạt mờ vì thời gian mấy trăm năm con thuyền nằm dưới đáy sông, nhưng người ta tin rằng những bức tượng này nguyên thủy có màu sắc rất rực rỡ và đẹp. Có lẽ mỗi một hình ảnh điêu khắc tên bức tượng đều có một ý nghĩa nào đó mà chỉ có các nhà nghiên cứu mới lưu tâm và tìm hiểu thêm.

Chiều Chủ Nhật ngày 10 Tháng Tám, năm 1628, được chọn là thời điểm hạ thủy con thuyền, bầu trời Stockholm gió thổi nhẹ tại bến thuyền neo. Vasa Warship đã trang bị đầy đủ cho chuyến hải hành đầu tiên. Sau tiếng súng thần công chào từ giã mọi người đứng tiễn biệt vào khoảng lúc 4 giờ chiều, Vasa cho trương lên sáu cánh buồm và nhổ neo ra khơi.

Nhưng thảm họa đã xảy đến khi Vasa Warship vừa ló ra khỏi nơi có đảo cao chắn gió, một vài con gió mạnh thổi thốc đến, người ta đã nhận thấy ngay có một điều gì không ổn cho Vasa. Đi thêm được một đoạn nữa Vasa Warship bị nghiêng hẳn, nước tràn vào khoang tàu và thuyền chìm hẳn xuống lòng sông rất nhanh khi thuyền chỉ mới rời bến được 1,300 mét. Con thuyền Vasa chìm xuống đem theo 53 sinh mệnh thủy thủ và trở thành một thảm họa cho triều đình Thụy Điển lúc đó.


Tượng gỗ sư tử đẽo khắc trên mũi thuyền Vasa Warship, biểu tượng cho triều đại Vasa Thụy Điển.


Một trong lý do chính chiến thuyền Vasa chìm là vì nó đã không giữ được sự thăng bằng. Khởi thủy nó chỉ được thiết kế là một chiến thuyền nhỏ hơn Vasa, có hai tầng lầu trong đó có một tầng được dùng để trang bị 32 khẩu súng đại bác hạng nặng ở một nơi nhất định, nhưng sau đó nhà vua nhiều lần đổi ý muốn có đến 72 khẩu thần công lớn đặt trên chiến thuyền Vasa nên vì thế chiến thuyền cần thêm một tầng nữa. Tuy nhiên, đó là một điều không tưởng với các nhà thiết kế. Người ta đã tăng số lượng từ 32 khẩu đại bác lên đến 48 khẩu đại bác hạng nặng mà đã không kịp thay đổi thiết kế lại chiến thuyền theo đúng ý của nhà vua.

Nhà vua Gustavus II Adolphus mang tham vọng muốn chiến thắng thống trị các đất nước lân bang nên đã không ngần ngại bỏ tiền của ra để xây dựng một hạm đội to lớn hùng mạnh mà không đếm xỉa gì đến sức lực của dân, không thèm nghe các lời nói của những người có trách nhiệm. Ông chỉ muốn có một hạm đội chiến thuyền hùng mạnh mà không thèm đếm xỉa gì đến ý kiến của người thiết kế. Sau khi Vasa Warship bị chìm, nhà vua đã truy tội những nhà thiết kế, những người bỏ công sức ra làm theo lệnh của nhà vua.

Khi truy vấn về sự kiện Vasa chìm, ai cũng biết người chịu trách nhiệm cuối cùng chính là nhà vua. Tuy nhiên, nhà vua chỉ biết giữ im lặng, còn những người cấp thấp vẫn là những con vật tế thần để vua chúa trốn trách tội lỗi.



Vasa nằm chìm sâu xuống 32 mét dưới lòng sông Stockholm suốt 333 năm trước khi được vớt lên. Năm 1956, những người thợ lặn đã tìm thấy xác chiến thuyền Vasa hãy còn gần như nguyên vẹn gần đảo Beckholmen.

Anders Franzen, một kỹ sư trẻ tuổi đã có ý tưởng trục vớt chiếc Vasa Warship một cách nguyên vẹn. Ông đã mất thời gian năm năm để nghiên cứu làm sao có thể đưa chiếc Vasa Warship lên khỏi mặt nước. Đây được xem như là một dự án không tưởng, nhưng cuối cùng Anders Franzen đã hoàn thành công việc trục vớt. Vasa Warship đã được đưa lên khỏi mặt nước vào buổi sáng 24 Tháng Tư, 1961.

Ngày nay Vasa Warship đã được chính phủ Thụy Điển bảo tồn rất kỹ và chiến thuyền được đặt trong Vasa Museum ngay tại thủ đô Stockholm. Câu chuyện về phương cách trục vớt con thuyền Vasa Warship như thế nào và làm sao có thể trùng tu bảo vệ Vasa Warship không bị hư hỏng mục nát với thời gian cũng là những câu chuyện dài mà du khách có thể tìm hiểu them khi đặt chân đến Stockholm.

Vasa Museum là một nhà bảo tàng rất xứng đáng để du khách đến thăm.

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân