TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trồng rau trong mùa đông
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trồng rau trong mùa đông

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thú Tiêu Khiển
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Dec 07, 2017 12:05 am    Tiêu đề: Trồng rau trong mùa đông

Trồng rau trong mùa đông


Chúng ta đã quen sẵn cái cảnh lạnh lẽo tiêu điều và những khu vườn trơ trụi trong mùa đông. Đa số đều nghĩ mùa trồng cấy chỉ bắt đầu vào mùa xuân và cuối thu là bắt đầu chấp nhận... giã từ vũ khí! Nhưng chỉ có những tay non mới chịu như vậy. Dân yêu vườn thứ thiệt thì không: Họ trồng trọt cả năm, không phải chỉ với những “khu vườn” trong nhà, mà cả ở ngoài trời bất chấp giá băng, bão tuyết.

Như các bạn hẳn biết, khi nhiệt độ xuống tới 32 độ F (tương đương 0 độ C) thì nước sẽ đông lạnh thành đá cục. Mùa đông ở Mỹ và Canada, nhiệt độ ngoài trời xuống tới mức đó là thường, thậm chí còn xuống thấp hơn nữa, tạo thành những đợt băng giá, gọi là “Frost” và tuyết trắng ngập trời. Cây cối thì trụi lá, trơ cành khẳng khiu, oằn mình cõng tuyết. Tình cảnh ấy, ai dám nghĩ tới những vườn rau xanh?

Mặc dầu đa số các thứ rau đều mảnh khảnh yếu đuối, sống chẳng được bao lăm, nhưng ít ai ngờ được môt vài loại rau có sức chịu lạnh rất cao, cao hơn mức chúng ta vẫn tưởng. Đến đây chắc bạn muốn hỏi ngay đó là những loài nào, để còn bắt tay vào việc, vì mùa đông đã gần đến rồi!


Cây rau thách thức giá băng


Khi nhiệt độ xuống tới 32 thì nước đông thành đá cục, không gian lạnh lẽo... nhưng như vậy chưa phải là hết, nhiệt độ vẫn còn có thể xuống nữa, xuống nữa. Trong số các tiểu bang Hoa Kỳ, Alaska là nơi lạnh nhất, nhiệt độ có ngày xuống tới 3 độ F. Ở California, bạn sẽ không thể tưởng tượng được lạnh lẽo đến mức ấy giống như thế nào, vì ngày lạnh nhất mới chỉ 46 độ F. Còn ở Maryland, nơi mùa đông vẫn có bão tuyết mịt mờ, ngày lạnh nhất cũng chỉ có 34 độ F.

Những độ băng giá đó tác động đến cây rau thế nào? Các thầy cô chia làm hai bậc:

- Băng giá nhẹ (light frost): Từ 32 độ F xuống tới 28 độ F

- Băng giá gắt (hard frost): Dưới 28 độ F

Trong tình cảnh băng giá nhẹ, nhiều loại rau còn sống được. Xuống tới băng giá gắt thì gần như chẳng còn giống nào. “Gần như” thôi, chứ không phải hoàn toàn không có nhé: Các thầy cô trong ngành quả quyết rằng dân yêu vườn thứ thiệt vẫn còn có thể nuôi dưỡng được những “đứa con” kiên cường ngay cả trong lúc thời tiết khắc nghiệt như vậy. Các thầy cô nói không sai đâu các bạn.



Nhờ đâu cây rau có thể chống được băng giá?

Nhìn vườn rau chết rũ trong giá lạnh là chuyện thường, nhưng bảo rằng có thứ rau sống được thì chắc chắn phải có thêm lời giải thích. Theo các thầy cô, những cây rau chống chỏi được với giá lạnh không phải vì chúng “lì đòn” hơn anh chị em chúng, mà vì một lý do rất khoa học mà Ông Trời đã đặt sẵn bên trong thân cây khi Ngài tạo ra chúng. Số là thế này:

Khi trời lạnh xuống tới 32 độ F thì không phải chỉ có những chậu nước để ngoài trời – như máng nước bạn để ở góc vườn để dẫn dụ muông chim - mà ngay cả dòng nước bên trong các loài sinh vật cũng đông lại. Con người chúng ta, nếu không có “heat” ở trong nhà, và những tầng áo ấm khi ra ngoài trời, thì máu sẽ đông, không chịu chảy nữa, rốt cuộc là... chết ngắc! Còn cây cối? Không có ai mở “heat” sưởi cho nó, nên nước chứa trong các tế bào thân cây đông lại, dãn nở và sau cùng thì nổ tung, cây cũng không sống được. Đó chính là điều xảy ra khi bạn đặt những bó rau xanh trong góc tủ lạnh, đến khi lấy ra dùng thì chúng đã mềm nhũn, không thể ăn được nữa.

Tuy nhiên, có những loại rau không chịu chung một số phận hẩm hiu như vậy trước giá lạnh. Là vì, chúng có đường (sugar) trong thân. Đường kết hợp với nước trong tế bào làm tăng sức chịu lạnh của cây, giúp nó sống còn trong băng giá. Những cây chịu được băng giá như vậy thường là thấp, xà xà mặt đất để lấy được hơi ấm từ trong lòng đất giữa trời đông giá lạnh.

Từ sự quan sát khoa học này, các thầy cô sẽ tiết lộ các loài rau có sức chống đông, cũng như sẽ hướng dẫn cách săn sóc chúng. Hẹn bạn lần sau nhé.

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Dec 08, 2017 12:32 am    Tiêu đề: Vườn rau trong mùa đông

Vườn rau trong mùa đông


Thời tiết mùa đông rất khắc nghiệt. Chỉ trừ khi bạn ở những vùng nắng ấm quanh năm như miền Nam California, còn ở tiểu bang nào khác bạn cũng phải e dè mùa đông. Vườn tược thường để trống, cây rau phải nhường chỗ cho tuyết phủ vào mùa này. Nhưng có nhiều loại rau rất kiên cường, chúng có thể cõng tuyết trên lưng và tiếp tục sống còn qua mùa đông.



Những loại rau có thể trồng mùa lạnh

Vì có rất nhiều thứ rau trong trời đất, nên để dễ nhớ, chúng ta sẽ phân chia chúng thành ba loại như sau:

    • Hardy: Có thể hiểu là những loại rau “rất lì.” Như chúng ta biết, nhiệt độ xuống tới 32 độ F (0 độ C) là nước đông thành đá, vậy mà những loại rau này có thể chịu đựng được giá lạnh từ 25 độ F đến 28 độ. Cõng tuyết trên lưng là loại này. Ngoài khả năng chống chỏi, chúng lại còn lợi dụng được tuyết, nghĩa là, trời lạnh còn làm cho chúng ngọt hơn.

      “Lì” nhất trong số này là rau Kale, nhiều người gọi nó là “cải xoăn” theo hình dáng cánh lá. Tiếp đến là Spinach (rau dền) và Collard Greens (cải rổ). Ngoài ra, bạn có thể trồng Broccoli, Cabbage, Brussel Sprouts (cải bắp tí hon), Radish (củ cải đỏ), Parsley (ngò tây).

    • Semi-Hardy (khá lì): Những loại rau này chịu lạnh kém hơn, nhưng cũng khá kiên cường. Chúng có thể chịu được nhiệt độ từ 29 độ F tới 32 độ F, đó là: Beets (củ dền), carrot, cauliflower, hay celery. Ngay cả lettuce (rau diếp) cũng được coi là “khá lì,” nhưng cần có biện pháp bảo vệ thích hợp mới qua khỏi mùa đông.

    • Summer: Đó là những thứ rau cần thời tiết ấm áp, từ 65 độ F tới 90 độ F, không thể chịu đựng được giá băng. Người ta chỉ trồng chúng trong mùa hè, hoặc trong các vùng không có băng đá.

      Đó là những thứ như Beans (đỗ, đậu), Cucumber (dưa chuột), Eggplant (cà), Gourd (bầu, mướp), Melons (dưa hấu, mướp đắng), Pumpkin (bí ngô), Squash (bí đao), Potatoes (khoai tây), Sweet Potatoes (khoai lang), Tomatoes (cà chua).



Bắt đầu trồng khi nào?

Những loại rau “lì” (hardy) được trồng và thu hoạch theo thời biểu sau đây:

    • Trồng vụ thứ nhất vào đầu mùa xuân để có thể thâu hoạch được vào cuối mùa xuân

    • Trồng vụ thứ hai vào cuối mùa hè để thâu hoạch vào cuối mùa thu,

    • Hoặc, trồng vào cuối mùa thu để thâu hoạch vào đầu mùa hè (đối với những loại dài ngày như củ hành, củ tỏi...)

Những loại rau cần thời tiết ấm áp phải được trồng giữa mùa xuân (sau đợt băng giá cuối cùng) để có thể thâu hoạch vào cuối mùa hè.



Bảo vệ vườn rau trong mùa đông

Mặc dầu gọi là “lì”, nghĩa là có thể chống chỏi được giá băng để sống còn qua mùa đông, nhưng rau vẫn cần có thêm sự bảo vệ để khỏi bị dập vùi dưới những cơn bão tuyết hung hãn.

Khi thời tiết xuống tới 32 độ F, chúng ta cần có ít biện pháp giúp cây vườn “chống băng” bằng cách rải mulch (vỏ cây vụn, lá khô, giấy báo...) dầy chừng 8 inches - trên mặt đất, trên lối đi giữa những luống rau, hoặc chung quanh gốc cây. Lớp mulch 8 inches mới rải trông có vẻ dầy, nhưng từ từ sẽ ép xuống, giúp giữ lại hơi ấm dưới lòng đất để cây bớt tiêu hao năng lượng.

Đối với những cây vươn cao trên mặt đất, bạn có thể dùng bạt hoặc lưới che để bảo vệ chúng trước những cơn bão gió. Nhưng dù che chắn cách nào, bạn vẫn phải giữ thoáng hơi, để không khí có thể lọt vào cho cây hít thở.

Các nhà chuyên môn có chế ra nhiều vật liệu, như khung và lưới phủ, để kiến thiết “nhà bảo vệ” dã chiến cho vườn cây trong mùa đông. Bạn có thể tìm những cái tên như “row covers,” “hoophouses.” Nếu khéo tay làm mộc, bạn có thể mua gỗ về để đóng thành những nhà tránh lạnh (cold frames) cho cây.

Không hiểu bạn thế nào, Hằng chỉ nghĩ đến đây là đã thấy “ấm lòng ấm cả mùa đông,” và muốn chạy ngay đi tìm gỗ, tìm lưới về xây dựng những pháo đài mùa đông này cho vườn cây rồi.

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sun Dec 10, 2017 12:41 am    Tiêu đề:

Bảo vệ vườn rau trong mùa đông


Thời tiết trở lạnh, nhiệt độ khắp nơi đang xuống thấp. Nhìn sương tuyết ngập trời, chúng ta không khỏi lo sợ cho những cây rau mỏng manh đang trần mình chịu lạnh. Nếu có những loài rau đủ sức sống còn trong mùa đông, người yêu vườn cũng không thể đành lòng để chúng tự mình chống chỏi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên vào lúc này. Sau đây là một vài biện pháp giúp bảo vệ những cây rau quí giá trong mùa lạnh, nhất là mùa lạnh tại những tiểu bang miền Đông Bắc.


Có những loài rau vẫn tươi tốt trong sương tuyết


1. Cẩn thận hơn khi thâu hoạch

Tuy một số loài rau có sức chịu lạnh để chống chỏi mùa đông, nhưng chúng không thể lớn mạnh như trong các mùa xuân hạ được. Vì thế, bạn cần phải cẩn thận hơn khi hái rau. Tốt nhất là hái vào ban ngày khi không gian còn chút ấm áp, để cây rau khỏi bị đẩy vào cơn sốc trong trời chiều lạnh lẽo.

Một điều ít người biết là băng giá sẽ làm cho rau ngọt hơn và giòn hơn. Nếu biết rằng nhiệt độ sẽ xuống thấp trong mấy ngày sắp tới, bạn nên chờ qua một đêm trời thật lạnh, sáng hôm sau hãy hái và bạn sẽ được thưởng thức cái phẩm chất đặc biệt hiếm thấy trong những cánh rau.


Vườn rau mùa đông được tưới nước với một thời biểu “thưa” hơn, nhưng không thể bỏ hẳn.


2. Thay đổi giờ tưới nước

Vườn rau mùa đông không cần tưới nhiều như trong mùa hè. Nhưng cây rau vẫn cần được tưới, dĩ nhiên ít hơn so với mùa hè. Qui tắc chung là chỉ nên tưới một lần sau 2 tuần lễ. Ngay cả khi mặt đất đóng băng, bạn vẫn cần tưới. Bởi vì, dòng nước sẽ làm cho đất thông thoáng và giúp cho rễ ấm hơn.

Điều quan trọng là cần để ý về giờ tưới. Chỉ tưới vào lúc ấm nhất trong ngày, thường là giữa trưa để cho cây rau kịp giờ hấp thụ ẩm độ trước khi nhiệt độ xuống thấp làm cho nước đóng băng. Tuyệt đối không tưới vào chiều tối để tránh nước lạnh làm buốt rễ. Đồng thời đừng tưới lên lá, để ngăn cho nước khỏi đóng băng trên những cánh lá.

Nên theo dõi các bản tiên báo thời tiết để biết xem đợt băng giá (frost) sắp tới là ngày nào. Bạn cần tưới cho cây ít nhất 24 tiếng đồng hồ trước khi băng giá tới.


Bạn có thể tận dụng những bình plastic, cắt đáy, phủ chụp lên cây...


3. Che phủ, chống băng giá

Mặc dầu những loại rau mùa đông được xếp loại “hardy” có sức chịu lạnh rất cao, như cải xoắn (kale), cải củ (turnips)..., nhưng chủ vườn vẫn cần phải có những biện pháp bảo vệ cho chúng. Cần trải mulch (vỏ vụn, lá khô, giấy báo...) cho vườn trong lúc này.

Bạn cũng có thể mua những loại vải trải vườn (garden cloth), bạt (tarp)... để che phủ cho rau khi biết trước một đợt băng giá sắp tới. Với những cây đứng đơn lẻ, hoặc cây trồng trong bình, bạn có thể dùng những chai nhựa cắt đáy để phủ chụp lên chúng.



4. Làm tường chống gió

Bạn có thể dựng những bức tường tạm bằng gỗ, hoặc làm những cái khung đứng rồi máng bạt vào để chắn những luồng gió buốt lạnh. Những bức tường này đặc biệt hữu dụng nếu vùng bạn ở thường nổi lên những cơn gió dữ có khả năng làm bay giạt cả một vườn rau.


Cold Frames là một kiến trúc đơn sơ nhưng hiệu quả để bảo vệ vườn cây mùa đông


5. Dựng Cold Frames

Cold Frame là từ ngữ giới chủ vườn thường dùng để chỉ những kiến trúc đơn sơ được dùng để bảo vệ vườn rau trong những đêm đông lạnh lẽo và giúp nó ấm lên trong ngày. Cold Frame là một cái khung gỗ, giống như một cái hòm không đáy, được bọc bằng vải trải vườn (garden cloth) hoặc những tấm bạt plastic trong suốt. Vào những đêm lạnh lẽo, chủ vườn dùng Cold Frames chụp lên vườn cây để ngăn sương tuyết. Ban ngày, ánh mặt trời có thể chiếu qua lớp bạt trong suốt, đưa sức nóng vào, và được giữ ở trong đó để sưởi cho cây.

Bạn có thể mua Cold Frames, hoặc có thể tự chế lấy bằng những thanh gỗ thừa, gỗ xấu cùng với một miếng vải bạt hoặc plastic. Nếu bạn gây dựng vườn nâng thì Cold Frames lại càng dễ chế biến cho phù hợp, có thể mang ra dùng khi cần thiết, rồi lại cất đi để dành cho mùa lạnh năm sau.


hotbeds


6. Xây dựng hotbeds

Nếu khéo tay hơn, bạn có thể xây dựng những cái hotbeds, một thứ tiện nghi “xa xỉ” nhưng rất xứng đáng với tình yêu mà bạn dành cho vườn rau. Nó chính là một biến thể của Cold Frames, được thiết kế thêm tầng sưởi đặt ở dưới đáy. Tầng sưởi này có thể là những sợi dây dẫn hơi ấm, những tấm đệm sưởi, hoặc một tầng phân xanh compost để tạo ra một môi trường nhiệt độ ấm áp cho vườn rau.



Không gì có thể so sánh được với niềm vui khi sự sống vươn lên xanh tốt giữa mùa đông tiêu điều ủ ê. Với tình yêu, bạn sẽ có rất nhiều sáng kiến để bảo vệ vườn rau của mình bất chấp mọi thử thách của thiên nhiên.

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thú Tiêu Khiển Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân