TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Lễ Tạ Ơn đầu tiên
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Lễ Tạ Ơn đầu tiên

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Nov 23, 2017 10:25 pm    Tiêu đề: Lễ Tạ Ơn đầu tiên
Tác Giả: Sean Bảo

Lễ Tạ Ơn đầu tiên

Tranh “Lễ Tạ Ơn đầu tiên” (The First Thanksgiving) của họa sĩ Mike White


Lễ Tạ Ơn bao giờ cũng gắn liền với di dân. Bởi chính những bước chân tiên phong định cư trên miền Tân Thế Giới đã hình thành nên ngày Lễ tuyệt vời này. Do mảnh đất thuộc địa rộng lớn này có biết bao đợt di dân, bao đoàn người thám hiểm và khai phá từ nhiều thập kỷ, sử sách ghi lại cũng dựa vào nhiều nguồn, vì thế ở mỗi thuộc địa, mỗi sắc tộc, đều có ngày Lễ Tạ Ơn khác nhau. Nhưng phải đợi đến khi Tổng thống Abraham Lincoln tuyên bố và chọn ngày thứ Năm tuần thứ tư của tháng 11, năm 1863 thì Lễ Tạ Ơn mới trở thành chính thức cho cả nước.


Lễ Thanksgiving đầu tiên tại Bắc Mỹ. Người Tây Ban Nha ăn chung với bộ tộc Mansos, thổ dân cư ngụ vùng ngày nay là El Paso. UNIVERSITY OF TEXAS AT EL PASO LIBRARY.


Hầu hết chúng ta đều nghe qua lịch sử Lễ Tạ Ơn, về câu chuyện những người di dân hành hương theo con tàu Mayflower đến Plymouth Rock tháng 9 năm 1620, sau đó được người da đỏ Wampanoag giúp đỡ để sống sót và trồng ngô, có nên vụ mùa đầu tiên, một bữa tiệc kéo dài 3 ngày vào tháng 11, 1621 để tạ ơn Thượng đế, có cả thổ dân tham dự... Trong khi nhiều học giả lại cho rằng Lễ Tạ Ơn đã có trước khi người hành hương đến Plymouth vào thế kỷ trước. Năm 1565, đoàn thám hiểm người Tây Ban Nha Pedro Menéndez de Avilés đã mời các người da đỏ bộ tộc Timucua ở St. Augustine, Florida đến dự lễ Tạ Ơn sau khi đoàn định cư an toàn. Trong khi ở Texas, cư dân El Paso đã cho rằng Juan de Oñate, nhà thám hiểm Tây Ban Nha, tháng 3, 1598 đã dắt đoàn 500 người, gồm binh lính, di dân và vợ con cùng 7 ngàn gia súc từ Nam Mỹ đến Texas, sau khi vượt qua 50 ngày gian khổ mưa bão lũ lụt trong hoang mạc, hết thức ăn, họ đã đến bờ sông Rio Grande khô ráo và 10 ngày sau nắng đẹp, họ săn bắn, đánh cá, đốt lửa trại ăn mừng sống sót có sự tham dự của thổ dân Mansos. Sau đó đoàn đi về Santa Fe lập nên làng định cư. Những người gốc Mễ ngày nay vẫn xem đó là ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ.

Tranh luận về nguồn gốc của ngày lễ lớn này, nơi mọi người quây quần quanh bữa tiệc lớn với các sản vật và món ăn truyền thống đã xảy ra chừng 400 năm trước, làm chúng ta quên hẳn một sự kiện lớn, nó chỉ liên quan chút ít đến di dân mà lại rất gắn bó với lịch sử chiến tranh và sự tồn vong của nước Mỹ. Ðó là cuộc nội chiến Bắc Nam. Bởi vì qua cuộc nội chiến này, Lễ Tạ Ơn trở thành ngày chính thức cho cả nước, một đất nước thống nhất và hùng mạnh cho đến hôm nay.

Lùi về những năm thuộc địa và mở mang bờ cõi. Ðất nước này quá non trẻ và rộng lớn, mang trên mình nhiều thử thách nhọc nhằn. Miền Bắc và Nam dù đã xóa nhòa biên cương Ðông Tây vẫn đậm bản sắc một nước Mỹ đầy chia rẽ. Chia rẽ từ nguồn gốc di dân đủ mọi sắc tộc, chia rẽ vì kỹ thuật máy móc công nghiệp và nông nghiệp, chia rẽ vì người chủ da trắng và nô lệ da đen, chia rẽ vì ý thức hệ cùng quyền lợi kinh tế... Từ những năm 1830 hai miền Bắc Nam đã nhen nhúm xung đột. Chỉ riêng về ngày Lễ Tạ Ơn, miền Bắc cho rằng những người hành hương Thanh Giáo (Puritan) đến New England lập nên nền dân chủ nước Mỹ. Các học giả ở các trường danh tiếng phía Bắc như Yale và Harvard cho rằng di dân từ Anh Quốc đã đặt nền móng căn bản cho nền chính trị và xã hội này. Nước Mỹ có cội nguồn từ miền Bắc. Trong khi đó ở miền Nam thì cho rằng nước Mỹ bắt đầu từ miền Nam, ở Jamestown, Virginia, sau khi người dân thuộc địa đến đây vào năm 1607, gần thập kỷ trước khi người hành hương đến Plymouth. Họ tin vào huyền thoại của Pocahontas và thuyền trưởng John Smith. Miền Nam thù ghét nền cách mạng công nghệ tham lam đầy lợi nhuận của miền Bắc, trong khi miền Bắc không chấp nhận một chế độ nô lệ tàn nhẫn ở phía Nam. Và cuộc nội chiến nổ ra. Lễ Tạ Ơn lần nữa lại chính thức được khai sinh vào lúc đất nước đi vào năm thứ 3 của cuộc chiến khốc liệt.


Lính Confederate ăn Lễ Tạ Ơn ở Bealeton, Virginia. 1863. Library of Congress.


Mùa thu 1863, sau trận thắng lớn của phe Liên quân Union ở Gettysburg, cái giá phải trả chỉ trong trận chiến 3 ngày làm 51 ngàn nhân mạng chết, bị thương và mất của cả 2 phe. Nội chiến đã kéo dài hơn 2 năm và chừng như không hồi kết. Khắp hai miền Bắc Nam cứ một trong bốn gia đình thì có người cha hay người con, người chồng, người anh trai tử nạn. Gia đình Tổng thống Abraham Lincoln còn chưa nguôi được nỗi đau mất đứa con trai Willie 11 tuổi vào năm trước đó, ngày 3 tháng 10 năm 1863 Tổng thống quyết định tuyên bố ngày Lễ Tạ Ơn chính thức cho cả nước. Ông nói:

“Một năm nữa lại sắp chấm dứt. Chúng ta đi vào những ngày tháng cuối của năm nay với tràn đầy phước lành, với hoa quả của đồng ruộng và bầu trời an lành... Trong hoàn cảnh chiến tranh, trước những đổ nát điêu tàn kinh khủng và lớn lao chưa từng có, trật tự đã được vãn hồi, mọi người đều tôn trọng và tuân giữ luật lệ; hòa bình và sự hài hòa đã chiếm ngự khắp nơi, ngoại trừ trên chiến trường, giữa đám quân lính... ”

Trước đó vào ngày 20 tháng 9, 1863, sau khi thua trận ở Chickamauga, Tennessee, phe Union chạy về phía Bắc đến Chattanooga. Bị quân Confederate bao vây. Họ sống sót nhờ thức ăn và nước uống tiếp vận bằng các chuyến xe wagon qua đồi Walden, chừng 10 ngàn con ngựa và la bị trúng đạn chết khi tải quân nhu. Tướng Ulysses Grant đến cứu trợ kịp lúc vào cuối tháng 10 theo dòng sông từ Bridgeport, Alabama. Làng Chattanooga giống như bị biển cả quét qua san bằng. Trong khi cả hai phía dàn quân song song chạy dài theo hàng rào gỗ trên cánh đồng cho đến cuối chân trời. Chúng làm nên 2 dải màu xanh (Union) và xám (Confederate). Họ đối mặt nhau gần 200m, yên ắng trong khói súng, bụi mù và sương thu. Trông họ như là hai phe bè bạn. Thỉnh thoảng có tiếng súng lẻ loi, chừng như để thử khoảng cách, nhưng cả 2 phía đều chưa được lệnh nổ súng. Mọi chuyện kết thúc khi tướng Joseph Hooker tấn công vào 2 ngàn quân Confederate, mờ sáng 24 tháng 11 quân Union treo cờ chiến thắng, tối hôm sau quân Confederate rút về Georgia trong ánh trăng lưỡi liềm cuối tháng. Chattanooga được quân Union lấy lại kịp lúc để ăn mừng lễ Tạ Ơn chính thức đầu tiên. Quân Union được tài trợ dồi dào, người dân New York đã đóng góp thực phẩm và tiền bạc, 4 chiếc tàu hơi nước vận chuyển 200 tấn thịt nguội, gà tây, trái cây và bánh cho lính ở doanh trại tướng Grant ở Virginia. Trong khi đó ở miền Nam, quân Confederate thiếu hụt thực phẩm, đói khát. Khẩu phần hiếm hoi của họ cho ngày lễ là thịt la, bắp khô hay đậu mọc hoang. Ða phần là bột cháo loãng...


Tranh “Uncle Sam’s Thanksgiving Dinner” Thomas Nast. tuần san Harper’s, November 20, 1869 mô tả bữa tiệc Lễ Tạ Ơn với đủ các sắc tộc quanh bàn ăn sau 4 năm nội chiến.


Và phải mất một năm sau cho đến khi tiếng súng thực sự chấm dứt vào tháng 5, 1865. Trước đó vài tháng, Abraham Lincoln đã tuyên bố một lần nữa vào tháng 10 năm 1864: “Ngày thứ Năm cuối tháng Mười Một là ngày lễ của mọi công dân, dù họ ở bất cứ nơi đâu trong ngày đó, một ngày để tạ ơn và tán dương Ðấng Thượng Ðế đầy quyền năng, Ðấng Sáng tạo đầy từ tâm và Chủ tể của vũ trụ. Và tôi cũng đề nghị với các công dân nói trên rằng họ kính cẩn phủ phục trên mặt đất và dâng hiến từ đó những lời khấn nguyện đầy ăn năn và nồng nhiệt đến Ðấng An bài mọi sự việc để mong được ban phát những phúc lành vô giá cho hòa bình, hợp nhất và hòa thuận trên toàn mảnh đất mà Ngài đã vui lòng làm nơi cư ngụ cho chúng ta và hậu duệ trong mọi thế hệ.”

Qua hai bài diễn văn, Abraham Lincoln không bao giờ nhắc đến từ Bắc Nam, cũng chẳng nhắc đến từ chiến thắng, dù ông là vị tổng tư lệnh của phe chiến thắng. Chiến tranh với tổn thất kinh hoàng cho đất nước và con người thì niềm ân sủng cho hòa bình để đất nước này tồn vong là sự tạ ơn tối thượng đến trời cao từ trái tim người Mỹ khắp nước. Chính từ cuộc nội chiến này mà Lễ Tạ Ơn đầu tiên bắt đầu. Cả hai miền Nam Bắc đều tạ ơn. Cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh được kéo da chóng lành từ những cái bắt tay của các cựu chiến binh ở mỗi lần tưởng niệm, ngay chính trên mảnh đất tang tóc ngày qua. Các gia đình tìm nhau đoàn tụ sum vầy qua bốn năm chia cắt đau thương.

Mọi sắc tộc từ những di dân ở Châu Âu đến New York, từ những Hoa Kiều đến California, từ những người Mễ Tây Cơ đến Texas đều tạ ơn. Hòa trong tinh thần nhân ái của mùa lễ hội này có cả những người di dân, tị nạn Việt Nam chúng ta.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân