TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Làm vườn: Cách dùng phân tổng hợp
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Làm vườn: Cách dùng phân tổng hợp

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thú Tiêu Khiển
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Nov 22, 2017 11:57 pm    Tiêu đề: Làm vườn: Cách dùng phân tổng hợp

Làm vườn: Cách dùng phân tổng hợp


Phân tổng hợp, hay nói đúng hơn là phân hóa học, có nhiều ích lợi. Nhưng xin đừng vì những hiệu quả tức thời mà đi đến chỗ lạm dụng chúng. Bởi vì lạm dụng phân hóa học sẽ đưa đến tác hại lâu dài khiến đất không thể phục hồi được và cây cũng dần dần trở thành èo uột. Ngược lại, nếu sử dụng đúng cách, phân hóa học sẽ giúp cây lớn lên xanh tốt, phát triển vững vàng, khỏe mạnh chống lại sâu rầy, bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt.



Ngón tay xanh

Hằng có một người bạn trồng cây rất giỏi. Nhưng đáp lại những lời khen ngợi, nàng chỉ ỏn ẻn mấy tiếng “Nhờ em có ngón tay xanh! ” ám chỉ rằng đó là một cái năng khiếu trời cho. Thực ra, theo Hằng biết, con nhỏ rất giỏi dùng phân tổng hợp. Có nghĩa là, không bón thêm phân thì vườn tược không thể tươi tốt được.

Nhưng cây cối mọc trong thiên nhiên thì sao? Có ai bón phân hóa học cho chúng đâu mà sao cây rừng vẫn xanh tốt, đời nọ tiếp nối đời kia, trở thành những cổ thụ đầy kỳ tích?

Có chứ, trời đất đã có sẵn một môi trường với các dưỡng chất (cũng là hóa chất) thích hợp, thuận lợi nhất cho chúng phát triển, đồng thời cho phép loài cây nào không thích hợp thì tự thoái hóa, hoặc đi tìm chỗ khác chơi.



Dầu môi trường thiên nhiên là lý tưởng, nhưng trời đất không thể dung nạp bất cứ loại cây nào trên cùng một mảnh đất: Vì cấu tạo đất ở mỗi chỗ mỗi khác và nhu cầu của mỗi loại cây mỗi khác, nên có chỗ hợp với thứ cây này, có chỗ hợp với thứ cây kia.

Cây vườn cũng cần những điều kiện thiên nhiên, như... có đủ nắng mưa đắp đổi, có lá vàng rơi rụng và rữa mục để bồi bổ cho đất. Nhưng chúng ta không thể để mặc cây vườn lớn lên với những gì chúng tự kiếm được trong thiên nhiên. Bởi vì khi gây dựng một khu vườn, chúng ta chỉ muốn có loại cây mình thích, mà cây ấy chưa hẳn đã hợp với cấu trúc đất đai có sẵn. Đồng thời, mình cũng không cho phép nó tự thoái hóa, đi tìm chỗ khác chơi như trong thiên nhiên, vậy mình phải cung ứng đủ những điều kiện thích hợp cho nó mọc lên ở chỗ mình muốn. Có nghĩa là chúng ta phải... thay trời cung cấp những chất còn thiếu để tạo ra môi trường thích hợp. Phân hóa học giúp chúng ta hoàn thành vai trò ấy. Bí quyết của ngón tay xanh là như vậy.


Giá trị các bao phân tùy thuộc tỷ lệ dưỡng chất. Chủ vườn cần hiểu rõ nhu cầu của cây trước khi quyết định dùng loại phân nào.


Qui tắc dùng phân

Cây cối có những nhu cầu rất khác biệt, tạo thành vũ trụ muôn hình muôn vẻ. Các chuyên viên trong ngành chỉ có thể nêu lên một vài qui tắc chung, với tính cách gợi ý để cho chúng ta suy nghĩ thêm. Trước hết, tác dụng của phân là để tăng cường sức khỏe toàn diện cho cây, bắt đầu từ rễ, đến lá, rồi sinh hoa, kết quả. Thông thường, nhà sản xuất phân bón có ghi sẵn những hướng dẫn sử dụng ngay ở trên bao bì. Nếu không, chúng ta có thể theo thời biểu gợi ý như sau:

Với vườn cỏ, bụi cây, cây lớn... nói chung là những thứ cây sống nhiều năm, bạn nên bón phân vào cuối thu. Vào thời điểm này, cây đã đơm hoa, kết quả... nói tóm lại là đã làm xong nhiệm vụ, và chuẩn bị bước vào giai đoạn nghỉ ngơi. Bón phân lúc này, chúng ta nhắm vào việc bồi bổ sức khỏe cho rễ. Rễ cây thâu nhận dưỡng chất từ trong đất để vận hành các chức năng sự sống, bao gồm phát triển rễ, tăng cường sức chống bệnh. Lúc này, chúng ta cần phải tránh bón những loại phân giúp cây đâm chồi, nẩy lá.


Phân hạt, phát tiết dưỡng chất từ từ (slow release), có khả năng nuôi cây trong nhiều tháng.


Không nên bón phân vào cuối hè, nhất là những bao phân có tỷ lệ Nitrogen cao, bởi vì Nitrogen là dưỡng chất làm trổ lá, thêm cành, trổ đọt non. Thời điểm này, những cơn gió thu se lạnh, tiếp nối những đợt băng giá sắp về... sẽ làm hại những cành đọt non yếu ấy.

Với các loại rau, thời điểm bón phân thuận tiện là mùa xuân. Vì đây là thời gian cây rau phát triển. Phân bón sẽ tăng cường sức khỏe, giúp cây trổ lá, sinh hoa. Tuy nhiên, trong những khu vực mà thời gian đầu xuân vẫn còn phải đón những đợt băng giá cuối đông thì chúng ta nên chờ... Cho đến khi đợt băng cuối cùng đã qua mới nên rải phân xuống.

Tránh bón phân khi hạt mới nẩy mầm, nhú lá. Bón phân sớm làm cây bùng phát nhanh, nhưng lại yếu ớt và mảnh khảnh, cũng không phải là điều nên làm. Hãy chờ đến khi cây non đã thành hình, rồi mới bón phân cho cây phát triển toàn diện.

Nên sử dụng những loại phân phát tiết chậm (slow-release) cho cây cối ngoài vườn. Đó là những bao phân hạt (granular fertilizer), có khả năng phân phát dưỡng chất dần dần, giúp cây có đủ “thực phẩm” để thảnh thơi phát triển trong cả mùa tăng trưởng. Nhưng đối với các loại cây cảnh trang trí bên trong nhà, chúng ta nên dùng phân nước, hoặc phân hạt đã pha thành nước, có thể bón lại mỗi tháng một lần.


Rễ phân nhánh, tỏa rộng, thường là rộng hơn cả tán lá.


Rắc hạt phân trên một vùng rộng bao quanh gốc, chứ đừng tập trung vào gốc. Bởi vì, rễ cây đâm nhánh khá xa, phủ trên một diện tích lớn hơn cả tàng lá.

Ngoài ra, chúng ta còn cần tìm hiểu về giá trị NPK ghi trên bao bì để khai thác cho đúng mùa. Đây là một đề tài rất lý thú, xin hẹn lại các bạn trong những bài viết sắp tới.

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat Nov 25, 2017 11:30 pm    Tiêu đề: Phân tổng hợp: công dụng NPK

Phân tổng hợp: công dụng NPK


Phân tổng hợp là những bao phân bán trên thị trường, thường có ghi ba con số lớn to tướng để chỉ ba dưỡng chất căn bản N (nitrogen), P (phosphorous), và K (potassium). Trong đó, Nitrogen là dưỡng chất làm nẩy mầm tốt lá, Phosphorous là "thực phẩm" giúp rễ khỏe cây vững, và Potassium làm cho cây sinh quả ngon, trái lành.

Mặc dầu kiến thức về phân tổng hợp của Hằng chỉ có thế, nhưng thường khi ra tới cửa hàng, nhìn những bao bì xanh đỏ, đẹp mắt bắt mê là em chẳng còn nhớ chúng bổ ngang bổ dọc thế nào nữa. Không lẽ đi đâu cũng phải cầm theo cuốn sách?


Cỏ cần xanh tốt, vì thế bao phân phải có số N cao


Up, Down, All Around

Nên lang quân em mới phải ra tay, sáng chế câu thần chú thế này: Up, Down, All Around. Đọc lên nghe có vần điệu (ấp, đao, on ờ rao), y như câu à ơi... rõ ràng dễ nhớ hơn nhiều. Khi em học thuộc rồi, "thầy" mới giảng nghĩa:

    • Up: Có nghĩa là "lên," chỉ chồi non, lá xanh khi cây cối có đủ "nitrogen"

    • Down: Có nghĩa là "xuống" chỉ cái rễ vững vàng, khỏe mạnh nhờ cây có đủ "phosphorous"

    • All around: Có nghĩa là "toàn diện" để cây có thể kết thành trái lành, quả ngọt nhờ có "potassium" chăm sóc.


Nhưng bao phân này với số P cao thì rõ ràng là để bón cho cây ăn củ, như cà rốt, củ cải... hoặc thúc cho cây ra hoa

Bắt được bí quyết là em mang ra áp dụng ngay, này nhé:

    • Nếu trồng những loại rau ăn lá, như rau diếp (lettuce), bắp cải (cabbage), rau dền (spinach)... thì mình phải kiếm một bao phân có số N lớn hơn 2 số P và K, chẳng hạn: 2-1-1; 3-1-1. Bởi vì, Nitrogen làm trổ lá non và tô điểm màu xanh.

    • Trồng những rau ăn củ, như tỏi (garlic), cà rốt (carrot), củ cải đường (beets, radishes) thì cần thứ phân làm mạnh rễ, có số P (phosphorus) cao hơn. Không chỉ làm mạnh rễ, phosphorus cũng cần cho cây trổ hoa. Nếu chỉ còn có vài tuần nữa là đến ngày triển lãm mà những giò thược dược không kịp nở hoa, vậy bạn cần bón thêm chất gì? Phosphorus phải không? Ngay chóc!

    • Trồng những loại rau ăn quả như cà chua (tomatoes), dưa hấu (melons), bí đao (squash), thì potassium cần hơn. Như vậy, chúng ta sẽ mua những bao phân có công thức 1-1-2, 1-2-2, 2-1-2, v.v..


bao phân này với số N cao, cũng dùng để bón những loại rau ăn lá


Shoot, Root, Fruit

Sau này, Hằng lại kiếm được một câu thần chú khác là Shoot, Root, Fruit. Vần điệu (sút, rút, frút) cũng dễ nhớ, nhưng áp dụng làm sao đây?

    • Shoot: Có nghĩa là bắn, cũng hiểu là đâm chồi, nẩy lá, thành quả của "nitrogen" (N).

    • Root là rễ, cần tới "Phosphorus" (P)

    • Và Fruit là quả, cần tới "Potassium" (K).

Shoot, Root, Fruit... Rõ ràng là thần chú. Đọc lên là ai cũng có thể nhớ ngay được công dụng của N, P, K rồi.



Quả thật, làm vườn bây giờ quá dễ dàng và thú vị. Khác hẳn với những vất vả thời xưa, thời mà các cụ nhà mình mô tả nghề nông là nghề "bán lưng cho trời, bán mặt cho đất," bây giờ chúng ta được thừa hưởng bao nhiêu thành quả khoa học, nhờ đó tiết giảm được bao nhiêu công sức lao động mà thu hoạch lại dồi dào hơn.

Cũng là nhờ công ơn các thầy cô trong ngành canh nông. Không có những nghiên cứu của các thầy cô thì chắc chẳng bao giờ có những người mê vườn như Vũ Hằng này đâu!

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Tue Nov 28, 2017 12:03 am    Tiêu đề: Phân tổng hợp và những phức tạp không cần thiết!

Phân tổng hợp và những phức tạp không cần thiết!

Vườn tu-lip đẹp ngay từ khi những cánh hoa còn e ấp...


Phân tổng hợp phần lớn bao gồm ba dưỡng chất căn bản là N (Nitrogen), P (Phosphorus) và K (Potassium). Lần trước, Hằng có khoe hai cái mẹo vặt giúp mình dễ nhớ: "Up, Down, and Around," hoặc "Shoot, Root, and Fruit." Mỗi một chữ tương đương với một thành phần của cây và thứ dưỡng chất bồi bổ cho nó. Cụ thể là: Up (và Shoot) chỉ khả năng trổ lá và đâm chồi là do Nitrogen; Down (Root) chỉ xuống cái rễ cây, cần tới Phosphorous; và Around (Fruit) có nghĩa là toàn diện, ý nói muốn cây có sức khỏe tổng quát để sinh nhiều trái thì môi trường phải có đủ Potassium làm thực phẩm cho nó.

Quả là "thần chú" các bạn ạ. Hôm nay, em có thể viết ra một cách trơn tru, chứ không phải mở sách xem lại như trước đây nữa. Nhưng ông xã em bảo rằng đó chưa phải là tất cả bí quyết về cách dùng phân tổng hợp. Ơ hay, cái ông này, lại muốn làm thầy đời nữa hay sao? Xem ra ông không còn phải là Cả Đẫn nữa rồi!


Những bao phân cho vườn cỏ, bao giờ cũng có số N (số đầu tiên) cao hơn.


Những phức tạp không cần thiết

Các bạn đừng tưởng rằng ông Cả Đẫn là dân làm vườn chuyên nghiệp. Ngược lại, không bao giờ ổng sờ tay vào cái cào, cái xẻng, thậm chí chẳng bao giờ tưới cho cây một giọt nước, nói tóm lại, ổng không biết làm vườn. Nhưng ổng là "con mọt sách," là cái thư viện chứa lời dạy dỗ của các thày cô, rồi từ đó, thấy cái gì ngứa mắt ngứa tai thì ra lời, mình nghe hay không cũng được, cây có chết hay sống ổng cũng chẳng "ke." Nhưng, phải thừa nhận ít khi nào, gần như không bao giờ, ổng nói sai.

Lần này, thấy em quá hào hứng với mấy câu thần chú vừa học được, ổng cho em trả bài:

- Vậy, cứ theo mấy câu thần chú của bà thì muốn trồng hoa tu-líp, tôi phải bón phân theo công thức nào?

Trồng hoa à? Hoa cũng như rễ chứ gì? Ứng dụng bài học tại chỗ, Hằng trả lời ngay:

- Phải tăng cường số P, tức là Phosphorus, ký hiệu thứ 2 trong công thức!

- Tăng cường thế nào? Dùng phân 5-10-5? Hay 5-7-3? Cả hai đều có số P cao, nhưng dùng thứ nào? Hay thứ nào cũng được?

- "Ờ, ờ..." Hằng còn đang lúng túng, không biết chọn lựa ra sao vì cả hai công thức đều có số P cao... Thì ông Cả Đẫn đã hỏi tới:

- Vậy, bao phân 34-10-10... dùng cho loại cây gì? Hoặc công thức 15-5-5... Cả hai số đầu, Nitrogen, đều cao, chúng dùng cho loại cây gì? Tại sao lại phải chế ra nhiều loại có cùng số N cao như thế?


Phân bón thích hợp cho hoa, cỏ là loại có số P (ở giữa) cao hơn.


Quả thực khó trả lời. Lại phải mở sách. Thì đây là câu trả lời:

    • Dùng công thức 5-10-5 cho hoa tu-líp

    • Dùng 34-10-10 cho vườn cỏ mùa xuân

    • Và, dùng 15-5-5 cho vườn cỏ mùa thu...

Sao mà rắc rối thế. Vậy còn hoa hồng, hoa huệ, hoa phượng, hoa mồng gà...? Cây xoài, cây ổi, cây nhãn, cây chuối...? Rau muống, rau diếp, cần tây, cải bắp...? Vũ trụ này có trăm, ngàn kỳ hoa dị thảo, chả lẽ mỗi loại cây là mỗi công thức? Có lẽ vậy thật, nên chúng ta mới thấy thị trường có cả trăm công thức bón phân... Chứ không phải chỉ có ba loại rành rọt như chúng ta phân biệt trong các câu thần chú nói trên.

Mặc dầu các thầy cô đã chỉ cho chúng ta những kiến thức căn bản về phân bón, và các nhà sản xuất đã có thể phân tích, tổng hợp và cung cấp các dưỡng chất ấy theo tỷ lệ nhiều ít tùy thích. Nhưng áp dụng chúng thế nào vào vườn rau? Vườn hoa? Vườn cây trái? Câu trả lời dường như vẫn là điều khó hiểu, vẫn là sự phức tạp đối với dân yêu vườn có kiến thức "lá đa" như Hằng đây!



Có lẽ nhận ra sự thất vọng của em, ông Cả Đẫn tiếp lời:

- Đúng là phức tạp. Nhưng là những phức tạp không cần thiết!

Những phức tạp không cần thiết? Vậy chắc chắn là phải có cách đơn giản hơn!

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Dec 01, 2017 12:43 am    Tiêu đề: Phân tổng hợp: Cách dùng đơn giản nhất

Phân tổng hợp: Cách dùng đơn giản nhất


Chúng ta đã biết phân tổng hợp bao gồm những dưỡng chất căn bản mà cây cối rất cần, gọi là N, P, K, nhắm vào baphần căn bản của cây, là lá, rễ, hoa và quả. Nhưng đến khi ra cửa hàng tìm mua một bao phân thích hợp thì chúng ta lại rối. Là vì họ trình bầy quá nhiều loại phân với đủ mọi tỷ lệ N, P, K khác nhau. Vậy muốn có câu trả lời cụ thể cho vườn nhà, Hằng đề nghị bạn suy xét vài điều sau đây:


Chúng ta thường nói "bón phân cho cây" mà thực ra là bón phân cho đất.


Bón phân cho cây, hay bón phân cho đất?

Chúng ta thường nói "bón phân cho cây," nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng ta không bón phân cho cây, mà bón phân cho đất. Rồi, từ trong đất, phân trở thành dưỡng chất, nuôi dưỡng cây qua chùm rễ. Vì cây nhận dưỡng chất từ đất, nên đất tốt thì cây xanh, hoa đẹp, quả ngon, đất xấu thì hoa lá èo uột, trái quả lưa thưa.

Thí dụ: Cỏ cần nhiều Nitrogen để làm xanh lá, nó sẽ cần đất cung cấp nhiều Nitrogen hơn là một cây xoài, cây ổi. Nếu cây sắp trổ hoa, đất cần phải cấp nhiều phosphorus cho nó hơn.

Điều quan trọng nhà vườn cần nhớ là chúng ta bón phân cho đất để làm đất tốt lên, làm cho nó có đủ Nitrogen (N), Phosphorus (P), và Potassium (K) cung cấp cho cây theo nhu cầu phát triển.

Vậy giả sử bạn có một vườn Tu-líp sắp trổ hoa. Bạn phải làm gì? Theo lẽ thì phải bón phân có số P (Phosphorus) cao để vườn cây trổ hoa thật đẹp, đúng không?

Không đúng! Bởi vì, khi xem lại cấu tạo đất thì hóa ra đất vườn nhà bạn vốn có nhiều Phosphorus (P) rồi.

Nếu đất đã có nhiều P rồi, số P bạn cung cấp thêm chỉ là thừa, cây tiếp nhận không hết thì có cũng như không, lượng P thừa sẽ theo nước mưa chảy đi hết. Nói khơi khơi rằng cây sắp trổ hoa vậy chúng ta chỉ việc mua phân 5-10-5 để bón cho nó là không hợp lý.


Đất vườn nhà bạn đã có nhiều Phosphorus, nhưng lại thiếu Nitrogen. Như vậy, bạn nên kiếm bao phân nào có tỷ lệ gần gần như thế này: 24-0-11


Vì thế, chúng ta phải bón loại phân nào cung cấp được dưỡng chất mà đất đang thiếu, chứ không hẳn là chất mà cây đang cần. Em xin nhắc lại: Phải bón thứ dưỡng chất nào mà đất thiếu chứ không phải là thứ mà cây đang cần. Giả sử đất vườn nhà bạn đã có nhiều P thì thứ phân bạn dùng - cho bất cứ một thứ cây nào, chứ không riêng gì Tulip, hoa hồng, hoa huệ... - không nên có Phosphorus. Nếu bạn lại biết thêm rằng, đất tuy có nhiều Phosphorus nhưng lại thiếu Nitrogen. Như vậy, khi đi mua phân, bạn phải kiếm bao phân nào có tỷ lệ gần gần như thế này: 24-0-11... thì mới đáp ứng được nhu cầu của đất.

Tóm lại cung cấp tỷ lệ NPK theo nhu cầu của cây là không chính xác. Đúng hơn, chúng ta phải cung cấp NPK theo nhu cầu của đất.

Tuy nhiên, nói đi rồi phải nói lại, đúng là chúng ta phải cung cấp dưỡng chất cho đất, để từ đó đất nuôi cây. Nhưng thực tế, dưỡng chất nào mà cây cần thì đất cũng cần. Bởi vì đất phải cung cấp theo nhu cầu của cây, nên đất sẽ sớm hao hụt thứ dưỡng chất nào mà cây cần, và trở thành thiếu thốn thứ đó.


Phải thử đất thiếu gì rồi tìm cách đáp ứng.


Lý tưởng và thực tế

Vậy lý tưởng nhất là chúng ta cần phải thử đất, xem đất vườn nhà mình như thế nào, rồi từ đó tìm phương thế đáp ứng. Nhưng thử ra sao? Phải gửi mẫu đất đến phòng thí nghiệm của các thầy cô hay tự làm ở nhà? Nếu phải gửi đến phòng thí nghiệm thì thực là chuyện to rồi, chẳng còn phải là mẹo vặt nữa.


Đơn giản nhất là chọn loại phân tổng hợp cân bằng NPK, cũng gọi là "all purpose," phục vụ tất cả mọi nhu cầu.


Bởi thế, em mới rút ra kinh nghiệm như thế này: Ban đầu, mình hãy cứ bón một loại phân với tỷ lệ cân bằng (N, P, K ngang nhau), rồi xem cây phản ứng thế nào. Nếu thấy xuất hiện những phản ứng tiêu cực, như cây phát triển chậm, lá vàng vọt... rồi mình sẽ từ từ có biện pháp thích ứng.

Ai ngờ cứ đơn giản như vậy lại được việc. Nếu muốn dùng phân tổng hợp, Hằng đề nghị các bạn cứ thử như vậy trước.

VŨ HẰNG

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thú Tiêu Khiển Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân