TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cái bếp và hồn gia đình
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cái bếp và hồn gia đình

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Mon Nov 13, 2017 12:19 am    Tiêu đề: Cái bếp và hồn gia đình
Tác Giả: Mạnh Kim

Cái bếp và hồn gia đình


Đến một trung tâm bán đồ gia dụng, người ta có thể thấy vô số kiểu nhà bếp hiện đại. Vào một siêu thị, ai cũng thừa nhận rằng các bà nội trợ hiện nay được “cưng” hết mức với cơ man thiết bị tối tân hỗ trợ công việc gia đình. Tuy nhiên, nếu đánh giá đời sống gia đình qua những thiết bị nội trợ hiện đại và thậm chí đắt tiền thì chắc chắn bạn có thể nhầm to. Giữa cái bếp và hồn gia đình là một chuyện phức tạp hơn được tưởng...



Không gian bếp không chỉ để ăn

Một trong những chiến dịch quảng cáo gần đây tại thị trường Mỹ là về sự ra đời kiểu dáng mới của thế hệ máy giặt và máy sấy siêu hiện đại ra lò từ nhà sản xuất General Electric. Các nhà khoa học kiểu mẫu luôn tập trung vào hình thức và lẫn nội dung, về tính thiết thực lẫn thẩm mỹ. Và người tiêu dùng ngày càng ham muốn thiết bị công nghệ cao với hy vọng nó sẽ làm cho công việc nhà bớt vất vả hơn. Thử xem chiếc máy giặt. Trước khi có phát minh này vào thế kỷ 20, phụ nữ phải mất một ngày hoặc hơn trong một tuần để giặt giũ. Ngày nay, công nghệ trợ giúp chúng ta mọi thứ, thậm chí những công việc đơn giản nhất. Chúng ta có máy hút bụi, máy ép, máy xay, lò vi sóng, máy rửa chén...

Tuy nhiên, khi những chiếc máy gia dụng càng hiện đại hơn trước, thật mơ hồ để cho chúng ta đánh giá sự thành công về mặt tiện ích thật sự của chúng. Nếu căn cứ một xã hội tiêu tiền như thế nào vào việc mua tạp chí nội trợ, đồ dùng nhà bếp và trang trí nhà cửa, có thể dễ dàng ngộ nhận rằng cuộc sống gia đình trong xã hội đó dường như rất hạnh phúc. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy. Riêng tại Mỹ, các nghiên cứu gần đây cho thấy cuộc sống gia đình người Mỹ dường như đang “xuống cấp”. Hình ảnh các thành viên gia đình quần tụ cùng ngồi ăn bắt đầu hiếm dần và nhiều gia đình đang ở trong tình trạng gần như hỗn loạn khi các bậc cha mẹ cố gắng cân bằng việc nuôi dạy con với trách nhiệm công việc – ghi nhận của cây bút kỳ cựu Christine Rosen (The New Atlantis).

Những thay đổi chóng mặt đã diễn ra trong 100 năm từ giữa năm 1850 đến 1950. Như lời nhà sử học Ruth Cowan: “Trước năm 1860, hầu hết gia đình phương Tây làm việc nhà theo cách mà tổ tiên họ từng làm. Nhưng vào năm 1960, chỉ có cư dân tại vùng lạc hậu và nghèo nàn mới sống theo lối này”. Một trong những dụng cụ gia đình ảnh hưởng đến đời sống người Mỹ là cái bếp bằng gang sử dụng nhiên liệu than hoặc gỗ bắt đầu được sản xuất đều đặn từ năm 1830 và sau đó xuất hiện trong nhiều gia đình Mỹ năm 1850. Ðầu thế kỷ 20, nhiều dụng cụ mới lần lượt góp mặt. Ðầu tiên là máy rửa chén chạy bằng động cơ được trưng bày tại Hội chợ Chicago 1893; và năm 1908, các nhà sản xuất cho ra đời máy rửa chén bằng điện, tủ lạnh (1914), máy may và bàn ủi điện (1920)... Theo Cơ quan thống kê lao động Hoa Kỳ, đầu thập niên 1940, hơn một nửa gia đình Mỹ đã có máy giặt, tủ lạnh; và gần một nửa có máy hút bụi. Ðó cũng là thời gian mà các gia đình Mỹ bắt đầu ít sử dụng người giúp việc nhà. Vài quảng cáo sản phẩm thậm chí nhấn mạnh đến yếu tố thay thế sức lao động con người. Trong bài viết năm 1919, chuyên gia xã hội học Christine Frederick nhận xét: “Trong thời đại ngày nay, chẳng còn nghi ngờ gì về việc nền kinh tế dựa vào con người sẽ được thay thế bởi máy móc”.



Chẳng thiết bị nào có thể thay thế linh hồn gia đình!

Cơn sốt say mê thiết bị gia đình hiện đại tiếp tục ở mức cao trong xã hội Mỹ vào thập niên 1950, khi những người lính trở về sau Thế chiến Thứ hai bắt đầu kết hôn, lập gia đình và sinh con. Máy rửa chén tự động thậm chí từng trở thành đề tài tranh cãi giữa Phó Tổng thống Richard Nixon và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tại Hội chợ triển lãm quốc gia Mỹ tổ chức ở Moscow tháng 7-1959. Khi nghe Nixon tán dương về những thiết bị nội trợ hiện đại, Khrushchev chẳng mấy ấn tượng và nói xỏ: “Ông không có chiếc máy nào có thể tống thức ăn vào mồm và đẩy nó xuống bao tử sao? Nhiều thứ mà ông chỉ cho thấy rất thú vị nhưng chúng không thật sự cần thiết cho cuộc sống. Chúng không có mục đích hữu dụng. Chúng thuần túy là công cụ”.

Dù vậy, người Mỹ ngày nay vẫn mê mệt với dụng cụ-thiết bị gia đình cao cấp. Càng đắt tiền, người ta càng khoái. Một chiếc máy pha càphê espresso có thể lên đến hàng chục ngàn đôla; và công ty sản phẩm gia dụng Williams-Sonoma từng bán chiếc máy 900 USD chỉ để nướng bánh mì! Chẳng hiếm người bỏ ra 460 USD để mua chiếc máy hút bụi có dây đeo và hệ thống lọc HEPA (High Efficiency Particulate Air Filters; ứng dụng công nghệ lọc phóng xạ từ dự án chương trình hạt nhân Manhattan thời Chiến tranh lạnh!). Với thiết kế bắt mắt và chiến thuật quảng cáo hấp dẫn từ nhà sản xuất, chẳng có gì ngạc nhiên khi thời đại ngày nay người ta ham sắm “đồ chơi” gia dụng. Chỉ trong năm 2015, người Mỹ xài đến 68.3 tỷ USD để nâng cấp nhà bếp! Ít người hình dung rằng chỉ một cái bếp gas Aga (viết tắt từ Amalgamated Gas Accumulator) cao chừng 1.5m và nặng khoảng 590kg đã được bán từ 12,000 USD đến 13,000 USD. Mà Aga cũng chưa là “cái đinh” gì so với bếp La Cornue của Pháp (mệnh danh “Rolls Royce của tất cả các loại bếp lò”), có giá rẻ nhất 100,000 USD!

Ðằng sau mặt lưng Aga luôn là câu quảng cáo: “Aga: Nấu tuyệt hơn. Ăn ngon miệng hơn. Nếm ngon hơn. Sống tốt hơn”. Thực tế lại khác. Trên chuyên san British Journal of Sociology, nhóm nghiên cứu Michael Bittman, James Rice và Judy Wajcman nhấn mạnh rằng hầu hết thiết bị nội trợ đều “không giúp tiết kiệm thời gian cho phụ nữ”. Ðơn giản, chẳng công cụ nào có thể thay thế bàn tay quán xuyến của người nội trợ. Năm 1869, Isabella Beeton (tác giả quyển Mrs Beeton’s Book of Household Management; người được xem là cây bút ẩm thực hàng đầu lịch sử Anh) từng viết: “Xin nhớ cho rằng, nhà bếp là phòng thí nghiệm vĩ đại của mỗi gia đình”, và rằng “niềm hạnh phúc hay sự đau khổ” đều xuất phát từ đó cả. Ngày nay, cái phòng thí nghiệm vĩ đại đó, được trang bị thiết bị tối tân nhất, tinh xảo nhất và bóng lộn nhất, lại gần như chẳng có ai sử dụng (hoặc thường xuyên không được sử dụng). Chẳng phải tự nhiên mà kênh truyền hình Nickelodeon (chuyên cho trẻ em) cùng Trung tâm quốc gia về nghiện và lạm dụng vật chất (CASA) đã cổ súy “tinh thần gia đình” khi chọn ngày 4-9 hàng năm là “Ngày gia đình – một ngày để ăn tối với con của bạn”.



Hồn gia đình

Hãy nhắm mắt lại và vẽ ra một bữa ăn tối cùng với gia đình. Nào là khăn ăn vải lanh, lũ trẻ kỳ cọ tay trước khi ngồi vào bàn, hơi nước bốc lên từ món thịt hầm đậu, và cả chú chó vểnh tai chăm chú lắng nghe những âm thanh đang được phát ra từ nhà bếp. Ðó là nơi mà gia đình truyền đạt kinh nghiệm, đón nhận mong ước, dự tính, xưng tội và tha thứ lỗi lầm. Phiên bản lý tưởng này rất gần với một buổi nghi lễ thờ cúng thường xuyên với những tiếng kinh cầu và bài học về phước lành khi gia đình ra khỏi nhà thờ.

Quan niệm đó đã thấm sâu vào tinh thần và truyền thống nhiều dân tộc thế giới. Chúng ta ngồi cùng với nhau không có nghĩa chúng ta có chuyện để nói với nhau: trẻ con cãi vã, không chịu ngồi yên và mơ màng trong khi ba mẹ hâm nóng hoặc nấu nướng thức ăn. Thường thì những cuộc trò chuyện hoặc khoảnh khắc thân mật thật sự diễn ra ở nơi nào khác: có thể là trên xe, sau khi đá bóng về lúc chạng vạng tối, khi mà ánh sáng yếu ớt và sự thiếu thốn trong giao tiếp cho phép những bí mật được giãi bày... Tuy nhiên, có một điều gì đó về một bữa ăn chia sẻ, không phải vài bữa trong kỳ nghỉ, không phải thỉnh thoảng mà là đều đặn và xác thực, luôn giúp đem lại sự kết nối trong gia đình.

Nhà nhân chủng học Robin Fox nói, chúng ta đang đánh mất một điều gì đó quý giá khi xem việc nấu nướng là cực nhọc và các bữa ăn được thực hiện tùy tiện. Fox cho rằng làm thức ăn là một việc mang tính linh thiêng, quan trọng hơn cả quan hệ tình dục! Bởi lẽ bạn có thể kế hoạch hóa gia đình bằng cách quan hệ tình dục một năm một lần, song bạn luôn phải ăn ba bữa mỗi ngày! Còn nữa, dường như khi giúp cha mẹ chuẩn bị bữa ăn, trẻ em có thể sẽ thích ăn và dùng bữa ngon miệng hơn. Và đó là một kỹ năng cần thiết nhằm xây dựng tính quý trọng bản thân cho trẻ cũng như thiết lập mối tương quan gia đình.

Ðúng là đời sống hiện đại đang ảnh hưởng đáng kể, chẳng hạn phụ nữ đi làm nhiều hơn; công việc bận rộn hơn (1/5 bữa ăn của dân Mỹ được thực hiện vội vã ngay trong xe hơi!). Tuy nhiên, từ thế kỷ 19, trong quyển The American Woman’s Home (1869), hai tác giả Catharine Beecher và Harriet Beecher Stowe từng khuyến khích phụ nữ nên xem việc nội trợ vừa như là nghệ thuật vừa là khoa học. Cũng xin đừng quên rằng cái bếp chính là linh hồn gia đình và phụ nữ là linh hồn của không gian bếp. Một khi cái bếp thiếu ngọn lửa được châm từ tay người nội trợ, ngôi nhà sẽ khó có thể có được hơi ấm gia đình...

Mạnh Kim

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân