TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Có nên mua vỏ xe cũ?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Có nên mua vỏ xe cũ?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Mẹo Vặt
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Nov 09, 2017 11:27 pm    Tiêu đề: Có nên mua vỏ xe cũ?

Có nên mua vỏ xe cũ?


Mới đây, hôm 20 Tháng Mười, nhật báo Người Việt có đăng một bài về thành phố Newport Beach, California, vớt 1,500 vỏ xe cũ đã từng dùng làm bãi đá ngầm nhân tạo dưới biển từ thập niên 1980.

Theo báo tường thuật thì thí nghiệm này hoàn toàn thất bại. Câu chuyện này cho thấy một vấn đề nan giải trên thế giới: làm sao tái chế (recycle) các vỏ xe cũ.


Thành phần một vỏ bánh xe. (Hình: en.wikipedia.org)


Vỏ bánh xe

Bánh xe là một bộ phận quan trọng của xe. Bánh xe phải chịu một sức nặng ghê gớm khi xe đi qua những ổ gà trên đường. Bánh xe không được trơn trượt khi đi mưa và phải bền, nhưng phải mềm mại để cho người ngồi trên xe được thoải mái, không bị sốc. Do đó chế tạo ra một bánh xe là một quá trình rất phức tạp.

Theo Michelin, một công ty sản xuất bánh xe nổi tiếng, thì một vỏ bánh xe có tới trên 200 thành phần. Thành phần chính là cao su thiên nhiên, cao su nhân tạo, muội than (carbon black), silic (silica), sợi ny lông và thép.

Bánh xe có nhiều lớp. Ở trong cùng là một lớp giống như ruột bánh xe đạp, lớp này phải làm sao cho thật kín để không bị xì hơi. Rồi tới những lớp sợi nylon và sợi thép. Ngoài cùng là lớp mặt lăn của vỏ xe. Lớp này là tổng hợp cao su thiên nhiên và cao su nhân tạo và có những rãnh để cho xe không bị trượt khi đi dưới mưa.

Sườn vỏ xe cũng rất quan trọng. Sườn vỏ xe giúp chống lại những va chạm vào lề đường và là chỗ có ghi tất cả các thông tin cần thiết của bánh xe.

Bây giờ có nhiều vỏ xe được chế tạo sao cho khi bị xẹp bánh, xe vẫn còn có thể chạy được. Thường thì xe có thể chạy khoảng dưới 160 km (100 dặm), nhưng tốc độ phải dưới 80 km/giờ (50 mph). Vì có loại bánh xe chạy xẹp được (run flat tire) nên nhiều xe đã bỏ bánh xe dự phòng.



Có nên mua bánh xe cũ?

Nhiều khi bạn thấy có bánh xe cũ bán rẻ nên cũng ham và muốn mua để dùng. Nhưng các chuyên viên khuyên là không nên hà tiện mấy chục đô la mà có thể gây nguy hiểm đến mình và những người ngồi trên xe. Sau đây là những lý do không nên mua bánh xe cũ:

    • Lạm dụng: Vỏ bánh xe có thể bị hư hại ở trong nếu chủ trước không bơm bánh xe cứng theo sự chỉ dẫn hay bơm quá căng. Những hư hại này mắt thường không thấy được.

    • Thời gian tính: Vỏ xe càng để lâu càng xuống cấp. Có nhiều công ty xe hơi khuyến cáo không nên lắp bánh xe cũ hơn sáu năm. Bạn có thể biết được năm sản xuất của một bánh xe bằng cách nhìn vào số sản xuất bắt đầu bằng chữ DOT và một chuỗi số từ 10 tới 12 số ở sườn vỏ xe. Bốn số cuối cho bạn biết tháng và năm sản xuất của bánh xe. Thí dụ, bốn số 0305 có nghĩa là bánh xe được sản xuất tháng thứ ba của năm 2005.

    • Ghép đôi không hợp: Muốn điều khiển xe được tốt thì bánh xe phải đều nhau, tức là cùng kiểu, cùng độ hao mòn và cùng nhiều yếu tố khác. Bạn mua một bánh xe cũ mà để vào thì khó mà hợp với ba bánh xe còn lại.



Vấn đề của vỏ bánh xe cũ

Vỏ bánh xe làm quá tốt nên không thể tự hủy hoại một cách tự nhiên như cây cỏ được. Nếu bạn vứt một vỏ xe cũ ra đằng sau nhà thì 100 năm sau nó vẫn còn đó. Vấn đề là có quá nhiều vỏ xe cũ, theo mạng recylenation.com thì mỗi năm riêng ở Hoa Kỳ đã thải ra khoảng gần 300 triệu vỏ xe cũ. Trên thế giới thì mỗi năm có khoảng 3 tỷ vỏ xe cũ bị phế thải ra.

Vỏ xe cũ là một vấn nạn lớn về ô nhiễm môi trường. Nước mưa đọng lại trong vỏ xe cũ là một chỗ lý tưởng để muỗi sinh sôi nảy nở. Muỗi có thể truyền nhiều thứ bệnh như West Nile virus nên rất nguy hiểm cho con người.

Vỏ xe chứa rất nhiều sản phẩm của dầu hỏa, theo một ước tính thì một vỏ xe có năng lượng tương đương với 2.5 gallon dầu xăng. Một khi đã cháy thì khó dập tắt mà còn nhả ra những khói độc rất nguy hại. Đã có một trận cháy tại một bãi thải vỏ xe cũ ở tiểu bang Pennsylvania gây thiệt hại lớn đến thương mại chung quanh trong vòng mấy tháng luôn.

Đa số các tiểu bang ở Hoa Kỳ đã cấm không cho bỏ vỏ xe cũ ra bãi rác mà phải đem đến những trung tâm chuyên về tái chế (recycle) vỏ xe cũ.


vỏ xe cũ được cho vào máy để nghiền nhỏ ra


Làm sao để tái chế vỏ xe cũ

Nhiều người đã có những ý kiến đơn giản và nhiều khi rất sáng tạo để dùng lại vỏ xe cũ. Bạn mà đi vào những vùng quê ở Hoa Kỳ thì thường thấy mấy bánh xe cũ được treo lên cây làm xích đu cho trẻ em. Họ cũng dùng bánh xe cũ làm chỗ trồng cây hay là cái giảm chấn cho tàu bè khi cập bến. Tuy nhiên những áp dụng này chỉ dùng hết một số ít vỏ xe cũ. Cần có những phương pháp tái chế vỏ xe cũ có tính cách quy mô hơn.

    • Đắp lại vỏ xe: Vỏ xe cũ có thế được tân trang lại bằng cách cạo bỏ lớp mặt lăn cũ và đắp vào một lớp mới. Hồi xưa cách này khá thông dụng ở Việt Nam vì rẻ tiền hơn là bánh xe mới. Ở Hoa Kỳ tôi không thấy nhiều người dùng vỏ xe đắp lại, có lẽ không rẻ hơn bao nhiêu và chắc chắn là không bảo đảm bằng bánh xe mới.

    • Dùng làm nhiên liệu: Vì vỏ xe chứa rất nhiều năng lượng nên có thể đốt cháy để lấy năng lượng. Chỉ có vấn đề là khi cháy vỏ xe bốc lên nhiều chất thải độc nên cần phải đốt trong một lò đốt có kiểm soát và lọc bỏ những chất độc hại.

    • Những sử dụng khác: Tại những xưởng tái chế (recycling plant) vỏ xe cũ được ngâm vào một dung dịch hóa chất để phân hóa nó ra thành những thứ có thể dùng lại.

      Muốn cho được cứng hơn và đàn hồi hơn cao su thường được xử lý bằng lưu huỳnh trước khi dùng. Quá trình đó gọi là sự lưu hóa (vulcanization). Đối với vỏ xe cũ thì có quá trình ngược lại để loại bỏ lưu huỳnh và lấy lại cao su như lúc ban đầu. Quá trình đó gọi là sự phá lưu hóa (devulcanization). Cao su rút ra từ vỏ xe cũ tuy không được tốt bằng cao su thường nhưng rẻ tiền hơn.

      Sau đó cao su được cho vào máy để nghiền nhỏ ra. Nhiều khi người ta làm đông cứng cao su trước khi nghiền vì dễ nghiền nhỏ ở trạng thái đông cứng.

      Cao su từ vỏ xe cũ được dùng trong nhựa đường để trải trên những xa lộ ở Hoa Kỳ. Cao su đã nghiền nhỏ có thể được trộn với nhựa polyethylene resin để làm ván đóng sàn, dùng ngoài trời. Loại ván này chịu được nóng lạnh tốt hơn gỗ thường.

      Cao su từ vỏ xe cũ cũng được dùng nhiều cho vòng chạy bộ, sân chơi bóng rổ và sân chơi cho trẻ em. Loại này không những là bền mà còn mềm nên không làm bị thương người dùng khi bị ngã. Tuy nhiên có một lo ngại là hóa chất tỏa ra từ lớp cao su đó có thể làm nguy hại cho người sử dụng. Cơ quan Environment Protection Agency của Hoa Kỳ đang có những nghiên cứu về vấn đề này. Hiện nay chưa có kết quả rõ rệt.

Hà Dương Cự/Người Việt

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Mẹo Vặt Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân