TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trái đất hát ru điệu gì?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trái đất hát ru điệu gì?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sun Nov 05, 2017 10:53 pm    Tiêu đề: Trái đất hát ru điệu gì?
Tác Giả: Mạnh Kim

Trái đất hát ru điệu gì?


Chúng tồn tại dưới mặt đất. Chúng có mặt khắp nơi nhưng dường như đến từ thế giới vô hình. Chúng gần như không hiện hữu nhưng không bao giờ biến mất. Nếu âm thanh có những cái bóng phản chiếu chính mình thì chúng chính là bóng của âm thanh. Nói cách khác, Trái đất có những ban hợp xướng, dàn giao hưởng và cả dàn đồng ca nhà thờ phát ra liên tục những lời cầu nguyện thì thầm và những giai điệu kỳ lạ nhất chưa từng được nghe...

Những nhà nghiên cứu gọi những “cái bóng âm thanh” là sự dao động tự do của Trái đất. Tuy nhiên, từ khi hai nhà địa chấn học Nhật Naoki Suda và Kazunari Nawa “vớt” được những “cái bóng” này từ mớ dữ liệu địa chấn thu thập được trong thời gian dài thì người ta bắt đầu gọi chúng là tiếng hát, tiếng ru hay tiếng nguyện cầu. Bằng tai thường, không thể nghe được tiếng thì thầm bất tận của Trái đất. Âm lượng của nó thấp đến độ phải có một cơn địa chấn mạnh mới tung tiếng ru này đến tai người. May làm sao, nếu nghe được suốt ngày đêm lời thì thào của Trái đất thì toàn bộ loài người hẳn sẽ phát khùng.

“Ðó là thứ âm thanh hỗn độn” – nhà địa chấn Hiroo Kanamori thuộc Viện kỹ thuật California cho biết. Hỗn độn, bởi tiếng “ru hời, hời ru” đó không ngọt ngào như dân ca Quan họ hay nhạc dân gian Bắc Âu, vì chúng được cấu thành từ 50 nốt, chen chúc trong phạm vi chưa đến hai quãng tám. Cao độ của nó từ 2-7 milihertz. Nói theo ngôn ngữ Mozart, nó vào khoảng 16 octave dưới nốt Ðô quãng giữa. Phải tăng tốc đồng thời khuếch đại thì ta mới nghe được tiếng ru ma quái từ lòng đất này. Kết quả cho được là thứ âm thanh quái gở hệt như một bản hòa âm của nhà soạn nhạc Ðức Karlheinz Stockhausen. Cụ thể hơn, bạn hãy tưởng tượng mình đang ngồi trước một cây dương cầm, nện thẳng tay vào từng nốt; sát bên, một người khác cũng nện loạn cào cào tương tự. Tiếng rì rầm của Trái đất hệt như vậy. Bất tận.



Tuy thế, mỗi nốt của bài tình ca Trái đất nghe cũng không đến nỗi nào. Chúng là những âm giai tự nhiên mà Trái đất tạo ra bất cứ khi nào Trái đất cựa mình hay bị chọc tức – chẳng hạn động đất, thiên thạch rơi hoặc một vụ thử hạt nhân. Chúng được gọi là những dao động “tự do” vì, giống như tiếng vang của chuông hay tiếng ngân của dây đàn, chúng chỉ kéo dài âm thanh một lúc sau khi nguồn bị triệt tiêu. Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp vì đôi khi những nốt của ca khúc tự sự từ lòng đất có thể phát văng vẳng mà chẳng có nguồn nào rõ ràng – không động đất, không một vụ thử hạt nhân, không có gì. Dư chấn từ động đất dần dần chìm mất nhưng tiếng ru âm ỉ vẫn tiếp tục.

Ðâu là nguyên nhân? Ðến giờ, các nhà khoa học vẫn lắc đầu trước câu hỏi này. Giống như tiếng chuông, các dao động tự do nghe hoàn toàn hệt nhau cho dù chuông bị đánh mạnh hay nhẹ. Biểu đồ ba chiều của sự rung động – được gọi là “giai điệu” (mode) – tùy thuộc chủ yếu vào kích thước và cấu thành của Trái đất, chứ không lệ thuộc vào nguồn gây ra (âm thanh). Bởi thế, dao động tự do tiết lộ rất nhiều về các tầng đá mà chúng len lỏi xuyên qua nhưng không kể về nguồn gốc của mình.

Từ đầu thế kỷ 20, người ta đã ghi nhận được những sóng địa chấn bình thường – những cú giật ngắn và mạnh của các trận động đất – và dùng chúng để đo độ sâu của Trái đất. Ðến trước Thế chiến thứ nhất, giới vật lý đã chứng minh được rằng sóng địa chấn cao tương đối có thể khiến cả hành tinh chúng ta rung rinh bằng những sóng thường trực tần số thấp. Tuy nhiên, sau thời gian dài, không phát hiện thêm nào được tìm ra vì lúc đó người ta bận nghe những khúc quân hành từ hai cuộc thế chiến hơn là quan tâm đến những giai điệu mơ hồ của Trái đất. Một trong những khó khăn ở thời thập niên 1950 là máy móc đo đạc quá thô thiển. Phải có một rung động mạnh của địa chấn mới khiến kim đồng hồ nhảy dựng. Dao động tự do khẽ khàng hơn nhiều. Không những chúng rung động chậm và tinh tế hơn sóng địa chấn mà còn phức tạp bội phần: có nhiều tần số hơn và nhiều hướng hơn. Ðể nhận biết chúng, các nhà địa chấn học dùng quá trình gọi là “phân tích Fourier” để tách từng tần số riêng. Các tính toán được giao cho máy tính nhưng máy ghi địa chấn vẫn chưa đủ thính tai để nghe được các dao động tự do.

Ðến thập niên 1970, người ta vẫn chưa biết rằng Trái đất liên tục hát hò khi không có động đất. Mãi đến đầu thập niên 1980, máy ghi địa chấn mới có khả năng phát hiện dao động tự do. Nhà địa vật lý Ðức Rudolf Widmer-Schnidrig thuộc Viện hải dương học Scripps ở California tính được rằng công suất của tiếng ru lòng đất trên toàn cầu là 500 watt – rất yếu, chỉ đủ thắp sáng 5 bóng đèn tròn loại thường. Ðến cuối thập niên 1980, người ta mới thật sự tóm được những cái bóng âm thanh Trái đất, khi một nhóm khoa học thuộc Viện công nghệ Massachusetts lần đầu tiên phát hiện rằng Trái đất đang rung động thậm chí khi không có động đất. Người ta gọi đó là những trận động đất “chậm” hay “yên tĩnh”.

Cuối cùng, Naoki Suda và Kazunari Nawa xuất hiện và tất cả lý thuyết bị lật lộn ngửa. Thay vì bắt đầu từ các dao động và tìm kiếm những trận động đất để giải thích, hai nhà địa chấn Nhật tìm kiếm dao động giữa những trận động đất mà trước đó người ta không biết hoặc chưa thể giải thích. Suda – nhà địa chấn lúc đó ở Ðại học Nagoya, và Nawa – khi ấy đang làm luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Suda, bắt đầu thích thú đề tài này từ một bài báo của Naoki Kobayashi mà không ai thèm chú ý. Là nhà lý thuyết học thuộc Viện kỹ thuật Tokyo, Kobayashi cho rằng tầng khí quyển Trái đất có thể kích thích những dao động tự do trên Trái đất.

Nawa bỏ ra một năm tại Trạm nghiên cứu Syowa của Nhật ở Nam cực để giám sát thiết bị gọi là đồng hồ trọng lực siêu dẫn, có thể ghi nhận một dao động (oscillation) kéo dài cả giờ và cũng ghi được những rung động (vibration) ngắn. Kết quả thu được là một biểu đồ răng cưa cho thấy chuỗi những “đỉnh quang phổ” – các tần số mà Trái đất đã dao động trong những bài ru được trình tấu vào giờ nghỉ giải lao giữa các trận động đất lớn. “Ðiều bí mật ở chỗ chúng từ đâu đến?” – Goran Ekstrom, nhà địa vật lý thuộc Ðại học Harvard nói. Thoạt đầu, người ta tập trung vào các trận động đất để tìm tác giả những ca khúc lòng đất. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chuyển sang hướng khác vì động đất không đem lại điều cần tìm. Khi động đất xảy ra, nó tung ra một hợp âm được tạo thành bằng những tần số từ tất cả giai điệu rung động (vibrational modes) cùng lúc. Bài hát ru Trái đất thì ngược lại. Từng nốt riêng rẽ liên tục biến mất rồi tái xuất hiện.



Hiện nay, các nhà địa vật lý đang xem xét khả năng rằng bài hát ru Trái đất có thể được tung ra từ trên mặt đất, chứ không dính dáng nhiều đến các lớp đá. Thử quan sát đại dương. Các nhà địa chấn học đã khám phá rằng khi động đất xảy ra, các cơn sóng nhồi vào bờ biển trở nên dữ dội hơn và chúng tạo ra một tiếng vang kéo dài 6-10 giây. Vài trong số nguồn này rất có thể kích thích những giai điệu (mode) kéo dài và dẫn đến “hiện tượng hát ru”. Còn tầng khí quyển thì có vai trò gì đến vấn đề này? Liệu lớp không khí mỏng có thật sự tập hợp đủ để biến Trái đất thành cây hạc cầm khổng lồ? Rất có thể – theo Toshiro Tanimoto thuộc Ðại học California.

Tanimoto cho rằng khí quyển nhận đủ nguồn năng lượng từ Mặt trời để làm cho Trái đất hát i ỉ. Theo lý thuyết của Tanimoto, bài hát ru bắt đầu bằng tiếng trống – tiếng đập liên tục của áp suất khí quyển dao động trên khắp Trái đất. Khi áp suất tăng, khí quyển ép mạnh xuống mặt đất hay biển. Khi áp suất giảm, bề mặt Trái đất hơi bị nẩy lên. Nói cách khác, Trái đất giống như cái cồng bị nhiều cái vồ cao su gõ liên tục. Ở thời điểm thích hợp nào đó, vài âm thanh trong chuỗi bất tận này ráp nối được với các tần số tương thích để kích thích các giai điệu (mode) tạo thành tiếng ru. Ðến nay, Tanimoto vẫn đang mày mò tìm ra kết luận chính xác về việc làm thế nào mà năng lượng từ khí quyển có thể được chuyển đổi thành dao động mà Suda và Nawa đã khảo sát...

Mạnh Kim

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân