TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nikko vào Thu
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nikko vào Thu

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sun Nov 05, 2017 12:03 am    Tiêu đề: Nikko vào Thu

Nikko vào Thu

Lá cây thay sắc trong vườn Shoyoen, Nikko


“Gia tài ta để lại/ Hoa mùa Xuân/ Sen mùa Hạ/ Và rừng cây đỏ thẫm của mùa Thu.” Ryokan, một thiền sư Nhật Bản, đã để lại một gia tài như thế cho con cháu Thái Dương Thần Nữ vào thế kỷ 19.

Không biết ông đã du hành những nơi chốn nào trong xứ Phù Tang để mà ông tích lũy gia sản đó lại cho người dân Nhật. Nhưng tôi chắc hẳn ít nhất ông cũng đã phải đến ngôi làng Nikko, nơi an nghỉ của tướng quân Đức Xuyên Gia Khang (Shogun Tokugawa Ieyasu) để góp nhặt không gian “rừng cây đỏ thẫm mùa Thu” đó vào gia tài của ông lưu lại cho hậu thế.

Nikko ngày nay không còn là một ngôi làng nhỏ như vào thời Thiền Sư Ryokan nữa, bây giờ Nikko là một địa danh thắng cảnh nổi tiếng về mùa Thu của nước Nhật nằm về hướng Bắc Đông Kinh.

Từ giữa Tháng Mười trở đi thời tiết bắt đầu trở lạnh và không gian Nikko bước dần vào mùa Thu. Ở đây có lẽ người ta rất khó tìm thấy được âm thanh xào xạc lá mùa Thu hay hình ảnh con nai vàng ngơ ngác như nhà thơ Lưu Trọng Lư diễn đạt. Người ta chỉ tìm thấy và cảm nhận được một tiết trời lành lạnh của vùng cao nguyên với một không gian “xanh vàng đỏ thẫm lá mùa Thu,” điều đã làm rung động tâm hồn các thi sĩ vô tình lạc lối đến đây.

Nikko không phải chỉ là nơi di tích an nghỉ của vị tướng quân tài ba Tokugawa trong lịch sử Nhật Bản, mà các vị thần vùng Nikko còn ban cho nơi đây các thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như ngọn núi Nam Thể (Nantai), các ngọn thác Hoa Nghiêm (Kegon) và Long Đầu, hồ Trung Thiền Tự (Chuzenji-ko). Các thắng cảnh thiên nhiên đó ngày nay được quây tụ lại trong công viên quốc gia Nikko và mùa Thu là tâm điểm thời gian lôi cuốn thu hút du khách đến đây thưởng ngoạn.


Cổng đền Toshogu, nơi an nghỉ của Tướng Tokugawa Ieyasu. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Đông Chiêu Cung (Toshogu) là tên gọi của đền thờ tướng quân Đức Xuyên Gia Khang. Ông mất vào năm 1616. Con trai ông đã chọn Nikko làm nơi xây dựng lăng mộ và đền thờ ông.

Thông thường ở Nhật Bản, các lăng mộ đền thờ của các Thiên Hoàng và Tướng quân đều được xây dựng thiết kế một cách đơn giản nhưng lại tạo ra được một không gian rất trang nghiêm. Chỉ riêng đền thờ Toshogu thì không như thế!

Từ cổng chính đi vào đền hay cổng đi bên cạnh đền đều có lối kiến trúc riêng biệt khác hẳn nhau. Lối vào cổng chính rộng rãi, đường trải đá nhỏ màu xám làm tăng thêm nét thiết kế đơn sơ và hai hàng cây cao vút tạo ra một không gian uy nghiêm, nhưng lại cho người ta cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng khi bước vào đây.

Ngược lại, cổng dọc theo đền với những hàng cây đèn đá cổ kính rong rêu tạo cho du khách một cảm giác khác hẳn với lối vào cổng chính. Đây cũng là con đường nối liền Toshogu với ngôi đền thần đạo Futaarasan. Ngoài ra các kiến trúc điện thờ vô cùng sắc sảo và tốn kém rất nhiều. Người ta ước lượng rằng để hoàn tất kiến trúc đền thờ Toshogu thì sẽ tốn kém khoảng 40 tỷ Yen vào thời điểm ngày nay.

Nhưng kiến trúc đền thờ Toshogu lại để lại cho người sau cả một kho tàng về triết lý nhân sinh. Các hình ảnh khỉ đã được nhân cách hóa, miêu tả về đời sống con người. Tám bức tranh điêu khắc bằng gỗ trên cái đà ngang của nơi ngựa thần ở nói về một kiếp nhân sinh.


Hình ảnh ba con khỉ nói lên việc “Không nghe – Không nói – Không nhìn những điều xấu xa.” (Hình: ATNT Tours & Travel)


Nghệ nhân đã dùng hình ảnh khỉ để nói về người, trong đó hình ảnh ba chú khỉ “không nghe – không nói – không nhìn những điều xấu xa,” diễn tả về đời sống khỉ mẹ dạy dỗ cho cho các chú khỉ con từ lúc nhỏ bé cho đến khi khôn lớn. Những điều dạy dỗ này của khỉ mẹ, hầu như con người ai cũng biết đến cả.

Nhưng có lẽ con người không thích áp dụng vào đời sống thực tế. Người ta hay thích làm ngược lại nhiều hơn. Ai cũng chỉ “thích nghe – thích nói – thích nhìn những điều xấu hơn là những điều tốt! ”

Và dĩ nhiên đền Toshogu còn có nhiều điều để người ta học hỏi và thưởng ngoạn cái không gian tĩnh lặng với các rặng thông cao vút trên đường dốc đến nơi “Thần Tướng Quân Tokugawa” an nghỉ (ngày xưa, sau khi chết các vị Thiên Hoàng hay Shogun đều được tôn thờ lên làm thần).


Thác Hoa Nghiêm (Kegon) tại Nikko. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Nam Thể là một ngọn núi cao trên 2,400 mét thuộc vùng cao nguyên Nikko, đây cũng là một ngọn núi lửa đang ngủ yên. Dưới chân núi là hồ Trung Thiền Tự hiền lành, và ngọn thác Kegon (Hoa Nghiêm) cao đến 100 mét chảy đổ xuống hẻm sông. Tên của hồ cứ tưởng như là tên một ngôi chùa. Ngay cả thác Hoa Nghiêm cũng cho tôi cảm giác tên một bộ kinh của Phật Giáo. Tôi cũng không tò mò tìm hiểu tại sao người ta lại đặt tên các nơi đây như vậy. Nhưng tìm hiểu để làm gì khi tôi vẫn chưa có đủ thì giờ để thưởng thức hết được cái đẹp “rừng thu đỏ thẫm” nơi đây.

Thời tiết lạnh đã chuyển đổi dần các màu lá từ xanh lục sang vàng rồi thì đỏ tươi đỏ thẫm. Màu sắc của các lá phong Nhật Bản làm du khách ngây ngất về cái rực rỡ của lá. Tôi chợt nhớ đến ít câu thơ của Tế Hanh diễn tả về lá mùa Thu “Lá phong đỏ như mối tình rực lửa/ Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa.”

Có đứng ở Nikko ngắm lá phong mới thấm được cái “rực lửa” của lá thu phong Nhật Bản. Tế Hanh có dịp viết về lá phong đỏ ở Hàng Châu, không biết ông có dịp nhìn thấy lá phong đỏ Nikko không? Nhưng với tôi, lá phong đỏ ở Hàng Châu không thể so với được không gian lá phong đỏ Nikko. Tôi có thiên vị về Nhật Bản quá không!


Hồ Trung Thiền Tự (Chuzenji-ko). (Hình: ATNT Tours & Travel)


Chạy dọc theo con đường quanh hồ Trung Thiền Tự, lúc này du khách mới cảm nhận được mình đã không có đủ thì giờ để thưởng thức hết cái nét đẹp không gian của mây, núi, hồ, rừng cây xanh vàng đỏ rực ở đây. Chưa ngắm hết được màu sắc rực rỡ của từng vùng cây, chưa kịp bình yên để nhìn sự tĩnh lặng của mặt nước hồ.

Mùa Thu trải dài ở quanh hồ, nhưng nếu vượt lên trên núi cao một chút là trời vừa đủ lạnh để biến những hạt mưa nhẹ thành những hạt tuyết rơi. Hình ảnh đẹp đến nỗi người ta không thể thâu lại bằng camera, video camera hoặc là có thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Chỉ có cặp mắt của bạn, chỉ có tâm hồn của bạn mới nói lên hết được cái nét đẹp đó cho chính tâm tư bạn “thưởng ngoạn” thôi.

Nikko không phải chỉ có thưởng ngoạn thắng cảnh mà còn có cả suối nước nóng (ôn tuyền) để giúp du khách quên đi mệt nhọc và lạnh về đêm ở đây. Bạn hãy chọn một khách sạn kiểu Nhật, gọi là Ryokan mà lưu lại ít nhất một đêm để thưởng thức những phong tục của Nhật như mặc áo yugata ngủ, ăn dinner theo khẩu vị Nhật.


món cá sống sashimi tại một nhà hàng ở Nikko


Nếu bạn là người say mê món cá sống sashimi thì bạn sẽ thích thú vô cùng. Tắm suối ôn tuyền thì nên ngâm người dưới làn nước nóng ngoài trời (lộ thiên) cũng là một điểm thích thú khác cho chuyến du ngoạn Nikko.

Đầu Tháng Mười Một là những ngày tháng đẹp nhất của Nikko. Tùy theo cái duyên của du khách mà người ta bắt gặp nét đẹp mùa Thu Nikko khác nhau. Nhưng Nhật Bản không phải chỉ có mùa Thu Nikko. Những thắng cảnh mùa Thu khác như mùa Thu Gunma, Karuizawa, Shiragawago, hay Kyoto lại cho du khách những không gian thưởng ngoạn khác lạ hẳn với mùa Thu Nikko.

Trần Nguyên Thắng
ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân