TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - “12 vị tông đồ” Úc Châu
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

“12 vị tông đồ” Úc Châu

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Fri Oct 13, 2017 11:16 pm    Tiêu đề: “12 vị tông đồ” Úc Châu

“12 vị tông đồ” Úc Châu


Sau khi ăn sáng ở “Phở Hiền” thuộc khu Sunshine, Melbourne (Úc), chúng tôi trực chỉ đi Port Campbell, một thành phố du lịch cách Melbourne 290 km về hướng Tây Nam. Port Campbell là thành phố biển nổi tiếng với danh thắng “Mười hai vị tông đồ” (The twelve Apostles) thuộc tiểu bang Victoria, Úc Châu, và trên đường đến đó du khách sẽ đi xuyên con đường Đại Dương (The Great Ocean Road), một trong những con đường cặp biển đẹp lừng danh thế giới.

Rời Melbourne, xe chạy theo quốc lộ M1 như hướng dẫn trên màn hình GPS (thiết bị định vị toàn cầu) gắn trên xe. Ði được 70 km tới Geelong, rẽ trái theo tỉnh lộ B100 chạy thêm 40 km thì tới thị trấn ven biển Torquay, thuộc tiểu bang Victoria.


Con đường Đại Dương


Con đường Đại Dương

Torquay là khởi điểm của con đường Ðại Dương dài 180 km đến Port Campbell, một thị trấn ven biển, tiểu bang Victoria. Con đường Ðại Dương được 3,000 binh sĩ Úc xây dựng từ năm 1919 đến 1932 nhằm tôn vinh 60,000 người Úc tử vong trong Ðệ I Thế chiến. Ngủ trong những cái lều chịu đựng những cơn gió mạnh như bão táp, họ làm đường bằng sức lực của đôi tay, sử dụng xe đẩy, xẻng và chất nổ.

Mục đích ban đầu của con đường là nối liền các làng chài ven biển với các khu khai thác gỗ. Không bao lâu sau khi hoàn thành, con đường Ðại Dương đã bắt đầu thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch địa phương phát triển. Con đường Ðại Dương cung cấp nhiều thứ mà du khách muốn tìm hiểu và thưởng ngoạn ở Úc. Ðộng vật hoang dã bản địa như koalas, các loài chim muông nhiều màu sắc sinh sống trong môi trường rừng tự nhiên và những vách đá cheo leo sát bờ biển. Cảnh quan và môi trường thiên nhiên dọc theo con đường Ðại Dương dường như muốn níu chân khiến cho du khách luyến tiếc mỗi chặng đường đi qua.



Con đường nhựa hai chiều trải dài phía trước, hẹp hơn con đường đã qua trước đó, chỉ 1-2 làn xe / chiều. Tùy đoạn, đôi khi hai bên đường là rừng cây dày đặc, đôi khi một bên là rừng, bên kia là biển và thỉnh thoảng hiện ra những đồi cỏ thoải dốc xanh mượt một bên và bên kia là biển cả ì ầm sóng vỗ. Ðường quanh co, cây lá che khuất tầm nhìn, quang cảnh hai bên lúc ẩn lúc hiện đẹp như trong phim.

Ðặc biệt có đoạn đường khách trên xe có cảm giác hồi hộp bởi xe chạy trên đường vách đá cao vút một bên và bên kia là vực thẳm sâu đến tận bãi biểnb với ghềnh đá nhô lên và những lượn sóng cao từ xa khơi liên tục vỗ đập vào tạo thành đám bọt trắng xóa và tan biến ngay sau đó. Xa hơn, màu biển xanh biếc trải dài đến tận chân trời...


Thác Erskine


Thác Erskine

Thành phố Lorne hiện ra cách Torquay 70 km về hướng Tây Nam. Tại đây du khách được dịp ngắm thác Erskine nổi tiếng. Muốn đến thác, du khách phải vượt qua đoạn đường 10 km. Ðoạn đường này bao phủ bởi những cánh rừng già với nhiều con dốc khá sâu. Theo những bậc thang có tay vịn chắc chắn, khách đi xuống phía dưới nhìn ngọn thác đổ xuống từ độ cao 30 mét. Bao quanh thác là vách đá gần như thẳng đứng với nhiều tầng cây cổ thụ cao 25-30 mét tạo thành cánh rừng già. Nhiệt độ ở đây khá lạnh, chỉ khoảng 12-15 độ C.

Từ đài quan sát nằm cạnh con suối tận bên dưới nhìn ngược lên, thác Erskine trắng xóa đổ xuống long lanh trong ánh mặt trời chiếu xuyên qua các tán lá xanh um của rừng già gồm cây khuynh diệp, thông, dương xỉ... Lớp rong rêu, nấm, cây ký sinh bám vào thân cây rừng tạo thành mảng thực vật loang lổ màu xanh, trắng. Tiếng thác đổ nhẹ nhàng, tiếng suối chảy róc rách quanh co xuyên qua những tảng đá tròn nhẵn nhụi và tiếng chim hót đó đây... tạo nên điệu nhạc thiên nhiên du dương giúp cho du khách có những giây phút thư giãn quý giá, tâm hồn lâng lâng như lạc vào cõi bồng lai.


Gibson Steps


Gibson Steps

Từ Lorne đi thêm 40 km trên con đường Ðại Dương thì tới thành phố Apollo Bay. 70 km còn lại dẫn đến Port Campbell là đoạn đường cống hiến cho du khách hàng loạt cảnh quan đẹp nhất, hùng vĩ nhất trên con đường Ðại Dương. Dọc theo đoạn đường này có rất nhiều điểm dừng chân ngắm cảnh mà du khách có thể tự chọn theo ý thích.

Một điểm viếng cảnh mà du khách không thể bỏ qua là Gibson Steps. Ðó là khu vực sát biển mà ấn tượng nhất là vách đá vôi cao 70 mét tạo thành bờ vực sâu đến tận bãi biển bên dưới. Ðiểm viếng cảnh này khá nguy hiểm nên tại bãi đậu xe cách bờ vực vài trăm mét và dọc đường dẫn đến bờ vực, nhiều tấm biển cảnh báo ghi rõ “Khu vực không có tuần tra, không được bơi lội, không được câu bắt, dòng chảy xoáy mạnh, bậc thang trơn trợt, bờ vực không ổn định, cấm lửa, cấm thả chó, cấm cắm trại”.



Từ trên nhìn xuống du khách không thể không sửng sốt trước cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của vách đá, bờ vực và biển cả bao la bày ra trước mắt. Nhìn xuống bên dưới, du khách đi trên bãi biển cát vàng chỉ nhỏ bằng nắm tay! Khách có thể theo một cầu thang hàng trăm bậc thiết kế theo hình chữ Z để xuống bãi biển. Ngước nhìn lên đỉnh bờ vực phía trên mới thấy con người chỉ là một thân phận nhỏ nhoi trước cảnh thiên nhiên kỳ vĩ biết bao.



Mười hai vị tông đồ

Tiếp sau Gibson Steps là một loạt những điểm dừng chân khác trải dài đến tận Port Campbell, trong đó “Mười hai vị tông đồ” (The twelve Apostles) là điểm nhấn không thể bỏ qua. Ðó là quần thể gồm những trụ đá vôi khổng lồ được đặt tên “Mười hai vị tông đồ”. Những “vị tông đồ” cao đến 45-50 mét này được hình thành bởi sự xói mòn của nước biển và sóng gió từ biển Nam Cực (Antarctic Ocean) thổi vào... qua hàng chục triệu năm.



Tuy nhiên hiện nay chỉ có “tám vị tông đồ” còn trụ lại, bốn vị kia đã bị sụp đổ trước đó mà vị cuối cùng ngã quỵ vào ngày 03 tháng 07 năm 2005, chỉ trong vài mươi giây, sau một thời gian dài xuất hiện vết nứt khuyết sâu vào thân trụ. Trước đó, năm 1990, vị tông đồ thứ ba cũng sụp đổ, cùng chung số phận. Với mức độ sóng gió như hiện nay, chân đế của các “vị tông đồ” bị xói mòn xấp xỉ 2 cm mỗi năm. Bình minh và hoàng hôn là thời điểm gây ấn tượng nhất cho du khách thưởng ngoạn “Mười hai vị tông đồ” từ nhiều hướng khác nhau. Ở những thời điểm khác nhau trong ngày, ánh sáng mặt trời sẽ khoác lên thân thể các vị tông đồ những chiếc áo mang những gam màu sáng tối đa dạng đến kỳ diệu...

Mỗi năm có khỏang 1.5 triệu du khách đến viếng thăm “Mười hai vị tông đồ” mà hiện nay chỉ còn lại tám vị. Vậy mời bạn hãy nhanh chân đến thăm “Tám vị tông đồ còn lại” nếu bạn muốn nhìn “họ” lúc còn đứng vững!

Đào Duy Hòa
Sydney

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân