Gửi: Wed Oct 04, 2017 9:23 pm Tiêu đề: Giấy khai sinh của nước Mỹ Tác Giả: Sean Bảo
Giấy khai sinh của nước Mỹ
Tấm bản đồ cổ bao giờ cũng quý giá. Khi mà những đường vẽ và ghi chú định hình nên một miền đất nước. Nó định hướng cho những cuộc hành trình quyết định vận mệnh con người và dân tộc. Hơn hết cả nó khẳng định chủ quyền của quốc gia. Việc tìm kiếm một tấm bản đồ đầu tiên mang tên America để làm nên một nước Mỹ hùng mạnh ngày nay thật nhiều huyền thoại. Bắt đầu hơn 500 năm qua...
Khởi đầu bằng một cuốn sách cổ dày 103 trang bằng tiếng Latin, đóng bìa cứng bằng gỗ có khóa, được tìm thấy vào thế kỷ 18 trong một tòa tháp cao chứa đầy sách cũ thuộc thị trấn St. Dié, phía Tây nước Pháp gần biên giới Ðức. Sách xuất bản năm 1507, không ghi tên tác giả, nhưng tựa ghi rõ: “Giới thiệu về Vũ trụ học. Cuộc thám hiểm thứ 4 của AMERIGO VESPUCCI. Mô tả toàn thể thế giới trên quả cầu và mặt phẳng, với chú thích của những vùng đất chưa được biết đến bởi Ptolemy khám phá gần đây.” Ðiểm đặc biệt của cuốn sách là tác giả ghi chép lại thành quả của nhà địa lý và thiên văn Ptolemy ở thế kỷ thứ 2, các vùng đất mới phía Tây Ðại Tây Dương vừa được khám phá bởi Vespucci, Columbus... Nhưng quan trọng hơn hết là tìm ra và nhận dạng AMERICA: “Một châu lục được bao quanh bởi đại dương.”
Tấm bản đồ thế giới này dù vẽ Châu Mỹ nhưng được xem là giấy khai sinh của nước Mỹ. Vì lần đầu tiên tên gọi America được đặt ra. Từ tên của một nhà thám hiểm người Ý Amerigo Vespucci, và người đặt tên cho nó là người vẽ bản đồ Waldseemuller
Bản đồ Waldseemuller 1507 (Châu Mỹ nằm phía trái của bản đồ, bao bọc bởi đại dương)
Trong cuốn sách, cũng như con người thời ấy cho rằng trái đất này chỉ có 3 lục địa: Á châu, Âu châu và Phi châu. Nhưng đoạn cuối sách lại ghi thêm có một phần đất được khám phá bởi Amerigo Vespucci, một nhà thám hiểm người Ý, chuyên vẽ bản đồ, sau 4 lần thám hiểm bằng tàu biển. Vùng đất mới này cách biển Ðại Tây Dương về phía Tây, kích thước gần bằng 3 Châu cũ, được đặt tên là Amerigen (Vùng đất của Amerigo), theo tiếng Latin Amerigo là Americus. Giống như Columbus, Vespucci cũng đã đi tới Tân Thế Giới (châu Mỹ) vào năm 1499 và quay lại đó lần nữa vào năm 1502. Tuy nhiên điểm khác biệt là Vespucci biết chính xác đây là châu Mỹ và đã ghi chép rất tỉ mỉ trong nhật ký của mình, ông còn đặt tên châu lục này là Tân Thế Giới. Trong khi đó Columbus vẫn nghĩ rằng mình đã tìm ra một đường đi mới tới châu Á, đến Ấn Ðộ mà không hề biết rằng mình đã phát hiện ra một châu lục mới (Vì thế Columbus gọi người thổ dân da đỏ là Indian.) Tuy cuốn sách không có bản đồ nhưng bán chạy và phổ biến ở châu Âu.
Sau đó cuốn sách đến tay một học giả, nhà thơ người Ðức Matthias Ringmann. Năm 1507, cùng một người vẽ bản đồ ở Ðức tên là Martin Waldseemüller, cả hai bắt tay vào vẽ bản đồ thế giới. Trước khi vẽ bản đồ, họ đã đọc rất kỹ cuốn sách của Vespucci. Cũng như Asia và Africa và một số quốc gia, tên gọi thường được đặt cho người phụ nữ. Và thế là tên gọi America ra đời, từ Americus. Tấm bản đồ Waldseemüller này sau đó được lưu truyền ra toàn châu Âu. Bản đồ này gồm 12 tấm, mỗi tấm có kích thước 46 cm × 62 cm. Ðược in ra từ bản khắc chạm bằng gỗ và dán vào nhau. Tựa là: “Bản đồ thế giới dựa theo các khám phá của Plotemy. Amerigo Vespucci và vài người khác.” Nó là bản đồ lớn nhất thế giới vào thời ấy. Tháng 4 năm đó 1 ngàn bản đồ được lưu hành. Mọi người được nhìn thấy trong tấm bản đồ một dải đất nhỏ, dài nằm ở mép trái của bản đồ, bao quanh bởi đại dương, ghi là: America. Dù kích thước và tỉ lệ của Châu Mỹ nhỏ hẹp và không được chính xác, nhưng bản đồ được vẽ thật chi tiết và nếu ráp lại các trang sẽ là một bản đồ trên quả cầu tròn.
Chi tiết vùng đất được gọi America
Bốn năm sau đó, Ringmann mất vì lao phổi. Waldseemüller tiếp tục vẽ thêm 3 bản đồ thế giới, trong đó có tấm Carta Marina năm 1516 vẽ Nam Mỹ. Tháng 3 năm 1520 Waldseemüller mất. Trong nhiều thập kỷ sau, ngàn bản in đó bị mòn rách, thất lạc. Hay chúng bị thay thế vì cho rằng thiếu cập nhật... Duy nhất một bản được tìm thấy nhờ nhà toán học, địa lý và chế quả cầu người Ðức Johannes Schöner cất giữ trong thư viện của mình. Năm 1545 ông ta mất và tấm bản đồ đầu tiên có Châu Mỹ này bị lãng quên cho đến 350 năm sau.
Cũng như huyền thoại về các kho báu, tấm bản đồ được tìm thấy một cách tình cờ. Mùa hè 1901, Cha Cố Joseph Fischer, một giáo sư về lịch sử và địa lý trong 7 năm trời nghiên cứu và tìm tòi trong các thư viện công và tư về hành trình xuyên Ðại Tây Dương của các Viking, người Bắc Âu cổ xưa vào thế kỷ thứ 8. Khi nghe rằng ở lâu đài Wolfegg phía nam nước Ðức có nhiều tài liệu cổ hiếm quý ở thế kỷ 15. Trong 2 ngày lục lọi ở thư viện trong lâu đài Joseph Fischer không tìm thấy gì đáng kể, đến ngày thứ 3, trong gác nhỏ ở tòa tháp phía Nam, một căn phòng như nhà kho, lẩn trong các giá sách cao đến trần nhà, trong ánh sáng từ 2 cửa sổ nhỏ, ánh mắt ông dừng lại ở một cuốn sổ dày, bìa bằng gỗ sồi, gáy được bọc bằng da, có 2 khóa nhỏ chạm trỗ bằng đồng, bên trong có chạm nổi tên Johannes Schöner. Cũng nhờ được rời ra, đóng thành tập sách và bảo quản cẩn thận nên tấm bản đồ duy nhất này tồn tại. Và thế là tấm bản đồ duy nhất có Châu Mỹ từ năm 1507 được tìm thấy lại. Hai tấm giữa vẽ Châu Âu, Bắc Phi, Trung Ðông và Tây Á, có hình Ptolemy. Phía Tây là vùng Viễn Ðông có hình Marco Polo. Nam Phi có vẽ hải trình của người Bồ Ðào Nha. Ba tấm nằm ở phía Tây có một châu lục kéo dài từ trên xuống dưới, bao bọc bởi đại dương – Tân Thế Giới. Phía trên cùng là Bắc Mỹ. Ở giữa là các đảo vùng biển Caribbean, phía dưới là Nam Mỹ. Ở dưới có chú thích: “Miền đất xa lạ chưa biết đến.” Một ghi chú khác: “Toàn miền được khám phá theo lệnh vua.” Và dưới cùng là chữ “AMERICA”.
Cha Joseph Fischer năm 1937
Ðến năm 1907, qua trung gian của Công ty buôn bán sách ở Luân Ðôn, bản đồ được rao bán với giá 300 ngàn đô (tương đương 7 triệu đô ngày nay) nhân kỷ niệm 400 năm ngày bản đồ ra đời. Không ai mua, và Ðệ Nhất Thế Chiến cùng Ðệ Nhị Thế Chiến xảy ra, Chiến tranh lạnh bao trùm lên Châu Âu, tấm bản đồ lại rơi vào quên lãng. Cho đến năm 2003, sau nhiều năm thương lượng giữa Hoàng tử Johannes Waldburg-Wolfegg, chủ nhân của lâu đài và chính phủ Ðức cùng Chính phủ Mỹ, hai bên thỏa thuận với giá 10 triệu đô la. Vào ngày 30 tháng 4, 2007, sau gần 500 năm, Thủ tướng Ðức Angela Merkel đã chính thức giao bản đồ cho Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Bản đồ được trang trọng trưng bày trong tòa nhà Thomas Jefferson, là tâm điểm thu hút hàng triệu du khách yêu chuộng lịch sử nước Mỹ đến xem.
Khi gần kết thúc cho bài này thì các tranh luận bãi bỏ ngày lễ kỷ niệm Columbus vẫn còn xảy ra ở nhiều tiểu bang nước Mỹ. Các sử gia đã xác minh rằng Columbus không đặt chân lên Bắc Mỹ, Columbus chỉ giong buồm 4 lần đến vùng biển Caribbean (bây giờ là Bahamas, Haiti). Thêm vào đó Columbus là một đô đốc hàng hải đã có tội trong việc diệt chủng, buôn bán nô lệ đối với thổ dân bản địa. Ngày lễ Kỷ niệm Columbus đầu tiên ở nước Mỹ là 12 tháng 10, 1792 nhằm vinh danh cộng đồng người Mỹ gốc Ý. Sau đó đến thời Franklin Delano Roosevelt đã chọn ngày 12 tháng 10, 1937 là ngày lễ Columbus toàn quốc.
Bản đồ trưng bày tại Thư viện Quốc Hội Mỹ Washington, D.C
Lịch sử có được viết lại hay không luôn tùy thuộc vào cái nhìn khách quan, trung thực và sự can đảm của người cầm bút. Nhiều anh hùng trong quá khứ sẽ trở thành tội đồ nay mai khi lịch sử phơi bày. Nhiều sự thua thiệt của phe chiến bại sẽ được vinh danh khi mà giá trị đạo đức của họ để lại mãi không phai mờ qua tháng năm. Riêng tấm bản đồ Waldseemüller sẽ mãi mãi là Giấy khai sinh của nước Mỹ. Một đất nước đẹp như tên gọi.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn