TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nhớ canh rau muống
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nhớ canh rau muống

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Sep 21, 2017 11:39 pm    Tiêu đề: Nhớ canh rau muống
Tác Giả: Tạ Phong Tần

Nhớ canh rau muống

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Nhà tôi ngày trước khá giả, tôi chẳng bao giờ biết đến rau muống là rau gì. Xóm tôi quan niệm rau muống là thứ rau chỉ để cho heo ăn. Rau muống là giống rau rất dễ trồng, có đất, có nước là nó có thể bám rễ, mọc nhanh và vươn ra phủ kín mặt ao, mặt ruộng trong thời gian ngắn. Có lẽ vì vậy mà thời sung túc xứ tôi người ta khinh thường loại rau “mạnh như trâu” này chăng?

Thập nhiên 80, chút của cải còn sót lại trong nhà đã bị người dân miền Nam đem ra tiêu thụ hết, thì cái nghèo, cái đói ập đến vây quanh mỗi gia đình. Thứ gạo xấu mốc ẩm mà còn trộn đầy thóc, sạn, đất vụn (cho nặng ký khi cân bán theo tem phiếu), mỗi lần nấu cơm là mất hàng tiếng đồng hồ cả nhà xúm lại ngồi chúi đầu vô nhặt cho thiệt sạch thì mới ăn được. Thức ăn chỉ là rau muống, rau dại, con cua, con tép bắt được ở các cánh đồng trong khu vực. Rồi đến những ngày ngay cả cơm gạo mốc đó cũng không có ăn đủ no.



Khi đó, kiếm được mớ rau muống phần nhiều là rửa sạch rồi chấm nước muối ăn với cơm. Không dám nấu chín sợ ít quá cả nhà không đủ ăn một ngày. Hôm nào có tiền mua được nhiều nhiều rau hơn là nấu ngay nồi canh chua đực rau muống, cách gọi tên này của người miền tây nghe cũng rất khôi hài. Cá, tép thả trong nồi canh nấu chung kêu là cái. “Má ơi! Nó ăn trước vớt cái trong nồi canh ăn hết rồi, còn lại nước không hà! ” Canh đực tức là canh không có cái đó. Nấu một nồi nước sôi, có me, giấm, trái giác, trái bần gì đó bỏ vô nồi luộc chín nhừ cho ra nước chua xong vớt lên bỏ. Rau muống lặt khúc, rửa sạch bỏ vô nồi nước chua, chờ rau chín nêm thêm chút muối, chút bột ngọt chút đường, vậy là có nồi canh chua đực ăn cơm với chén muối ớt rồi.

Có ăn rồi mới biết rau muống nó ngon. Rau luộc vừa chín tới ăn nó giòn sần sật, dai dai, ngọt ngọt trong miệng, ăn tới đâu cảm giác mát tới đó mà không biết ngán. Tôi chỉ thích ăn rau muống luộc chớ không thích ăn rau muống xào tỏi, nó nhiều dầu mỡ và khô, ăn vô cảm thấy ngán lắm.



Sau này, tôi biết thêm một kiểu ăn rau muống nữa từ các bạn thời sinh viên trường đại học Pháp Lý (nay là đại học Luật). Tụi nó luộc rau muống, vớt lên cái rổ để cho ráo nước. Còn lại nước luộc rau thì vắt vô trái chanh, nêm thêm chút muối, chút bột ngọt, rồi lấy nước rau đó làm canh chan cơm. Rau muống luộc thì chấm mắm nêm, mắm tôm hoặc mắm cáy ở quê đem theo lên trường mỗi lần nghỉ Tết, nghỉ lễ có dịp về nhà là cộ trở lên đủ thứ loại mắm quê để ăn dần. Ðơn giản có vậy thôi mà sao nó ngon đến lạ lùng.

Thời gian tôi lên Sài Gòn sống, cũng thường xuyên ăn rau muống luộc chấm mắm cáy, mắm nêm. Khác ở chỗ là bây giờ có thêm miếng thịt ba rọi luộc xắt miếng thiệt mỏng chấm mắm ăn thêm. Gặp lúc chợ khan hiếm chanh tươi mà có trái tắc (quất) thì vắt lấy nước tắc cho vô nước rau muống luộc còn ngon hơn nữa. Mắm cáy hay mắm nêm cũng cho thêm muỗng nước chanh, nước tắc, chút bột ngọt, chút đường, phi chút dầu ăn với tỏi cho vàng đổ chung vô, khuấy cho đều, chấm rau muống luộc cuộn với thịt luộc xắt mỏng, đánh bay một lúc ba bốn chén cơm.

Người miền Nam thích chưng cây tắc sai oằn những trái vào ngày Tết Nguyên đán. Sau Tết, nhà bạn bè, quen biết thường gọi tôi tới để cho tôi hàng rổ trái tắc được vặt ra từ những cây tắc kiểng đó, tha hồ đem về làm canh rau muống.

Có hai loại rau muống: Rau trồng bằng hột trên luống đất cao, cũng vun phân tưới nước đầy đủ đàng hoàng, nhưng cọng rau màu xanh không được thắm, khi ăn cảm thấy vị lạt lẽo. Quê tôi kêu loại này là rau muống Tàu, ở Sài Gòn không kêu rau muống Tàu mà kêu là rau muống rẫy. (Rẫy tức là khu đất cao có đánh luống để trồng rau, đậu, củ, hoa... đất không ngập trong nước). Rau muống ta là loại rau muống được trồng ở những nơi đất trũng ngập nước như ao, hồ, đìa, vũng, ruộng, bờ sông... Loại này không trồng bằng hột mà chỉ cần lấy một đoạn rau muống dài dài chừng năm sáu tấc cắm xuống đất chỗ nước ẩm ướt, vài ngày sau nó bén rễ mọc đọt non xỉa ra tùm lum, chờ vài hôm thấy đọt non hơi cao cao thì người ta xả nước vô cho ngập gốc rau, vậy là nó nhảy đọt non ra ào ào, chẳng mấy chốc mà xanh kín hết mặt nước chỗ đó. Nếu trồng ở bờ sông nước ngọt thì người ta làm bè, trên bè có chỗ đổ đất cho rau bám nhưng vẫn thông thoáng, thấm nước. Bè rau được cột vô những gốc cây cạnh bờ sông cho bè đừng trôi đi, rồi tự bè rau dập dềnh lên xuống theo dòng nước thủy triều, hút nước, hút chất dinh dưỡng từ phù sa trong dòng nước để nuôi cây và lớn lên ào ào xanh tốt. Cứ nửa tháng người trồng bơi xuồng ra cắt rau một lần. Giống rau muống ta này màu xanh đậm hơn rau muống Tàu, có khi có màu tím đỏ lẫn lộn, có nhựa, ăn cũng giòn hơn, ngọt hơn rau muống Tàu.



Ở quê tôi còn có một loại rau muống tên là rau muống đỏ hoặc rau muống biển (tôi không hề thấy nó mọc ngoài biển) nhưng mọc ở đìa, ao, ruộng như rau muống ta. Cọng rau có màu đỏ nâu giống màu nho, phần ngọn màu tươi hơn, lá rau cũng vậy. Nó mọc hoang và sống khỏe, không ai trồng. Nghe người ta nói rau muống biển này ăn vô bị Tào Tháo “dí” chạy không kịp. Tôi đã có lần bẻ nấu canh chua ăn thử, mủ nó nhiều, phải ngâm nước muối loãng trước rồi xả cho bớt mủ, trụng sơ qua nước sôi rồi mới bỏ vô nồi canh chua thì ăn rất giòn, ngon mà hổng thấy Tào Tháo tới thăm nhà lần nào.

Tuy nhiên, ở Little Sài Gòn này chỉ có bán loại rau muống trồng trên đất cao nên rau muống giá mắc thấu trời luôn, đã vậy còn bán kiểu lừa đảo nữa chớ. Ai đời bó rau muống chừng nửa ký lô giá bán từ $5 đến $6, vậy mà hỡi ơi, cọng rau nó dài sòng sọc nhưng già ngắt khú đế hà, ngắt cái đọt ăn được chừng gang tay, còn lại bỏ thùng rác hai gang tay, một bó rau luộc ra được một dĩa nhỏ xíu. Vậy có “đau lòng xót dạ” lắm hay không? Cũng số tiền đó mà mua cải xanh, cải ngọt thì luộc ra đến mấy rổ bự chà bá. Cho nên, ở Little Sài Gòn này, trên mâm cơm gia đình bốn người có bốn dĩa rau muống luộc nhỏ (chưa tính thức ăn khác) là thuộc loại “cực kỳ sang trọng” đó nha.

Chỉ còn an ủi được chút đỉnh là nước luộc rau đem vắt vô trái chanh xanh mỏng vỏ có mùi chua thanh nhẹ, thêm chút muối, chút bột ngọt vô rồi khuấy cho tan đều. Nước rau trong vắt, xanh nhè nhẹ, húp vô muỗng nào ta nói nó mát đến tận ruột muỗng đó. Vừa húp vừa hít hà kể ra cũng không hề nói ngoa.

Nó cũng giống như bây giờ dù ăn bánh mì đủ loại Tây, Tàu, Mỹ, nhưng cuối cùng vẫn thấy thèm ổ bánh mì Sài Gòn nhỏ nhỏ với cái vỏ mỏng giòn tan và ruột trắng phau mềm xốp. Bánh mì Sài Gòn kẹp chuối già, kẹp cà rem, sang hơn nữa là bánh mì Sài Gòn kẹp nem Lai Vung hay nem Thủ Ðức, cũng đủ là món ăn khoái khẩu, ăn mà ghiền của một thời no ấm.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

“Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Than ôi, trong những ngày nắng nóng đến “chảy ra hàng lít nước nhờn mà ta gọi là mỡ” này (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Công Hoan) thì tôi thèm canh rau muống mỗi ngày quá đi thôi.

Tạ Phong Tần

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân