TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Canh tôm chua cay
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Canh tôm chua cay

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat Sep 09, 2017 11:18 pm    Tiêu đề: Canh tôm chua cay
Tác Giả: Tạ Phong Tần

Canh tôm chua cay


Tôi vốn sanh trưởng ở miền Tây, nhưng nhờ có thời gian dài “phiêu bạt giang hồ” từ Nam ra Bắc mà được nếm thiệt (không phải nếm thử) đủ thứ món ngon vật lạ lẫn món dở dở ương ương đủ các miền. Tuy nhiên, ngon hay không ngon tùy khẩu vị từng người, cũng giống như trái sầu riêng mắc tiền tổ chúa, người khen thơm nức nở, kẻ dài môi chê thúi ơi là thúi hà. Người trong Nam không biết ăn món gỏi lá đu đủ, bông đu đủ, cuống đu đủ, dân Thanh Hóa thì cho là ngon quá xá ngon, giành ăn đến có thể quánh lộn vì dĩa gỏi này.

Nhớ thời gian tôi ở tù Trại 5 – Thanh Hóa, ăn cơm chung với con nhỏ người dân tộc Thái nên tôi cũng được nó cho xực món Thái từ nhà nó gởi vô tù một cách ngon lành. Mấy đứa bạn tù chúng nó kêu tôi là ở trong Nam ra mà “dễ nuôi chóng lớn”, khác với những người trong Nam ra không ăn được món lạ nên “càng nuôi càng teo”.

Nhưng hôm nay tôi chưa kể chuyện gỏi lá đu đủ, mà kể chuyện nấu món canh tôm chua cay ăn cho dễ trôi cơm ngày nắng nóng. Người miền Nam không biết rau thìa là, thìa là chính là đặc sản xứ Bắc, cho nên những món ăn nào nấu nướng ăn uống có rau thìa là thì chính là món Bắc. Rau thìa là lá nhỏ như kim, màu xanh đậm, nhưng có mùi thơm rất dễ chịu, dùng làm gia vị thêm cho món ăn thêm hấp dẫn, ngon miệng. Trong Nam cũng có rau mùi, nhưng đó là ngò rí. Ngò rí hình dáng tròn có răng cưa sâu giống như ngò Tàu, nhưng lá cũng rất nhỏ lí rí, cây cao nhứt cũng chừng một tấc mà thôi, cũng có mùi rất thơm và dùng làm rau gia vị giống như rau thìa là. Ngò rí được trồng nhiều ở hai tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, là nguồn cung cấp ngò rí cho khắp khu vực lân cận. Món canh tôm chua cay này dùng rau thìa là làm gia vị, nên không cần nói nhiều cũng biết đây là món Bắc.



Cách nấu đơn giản, vật liệu dễ tìm, chỉ cần đi chợ mua tôm tươi, cà chua, nấm rơm, đậu hủ trắng và gia vị gồm: muối, bột ngọt (hoặc hạt nêm), ớt, hành lá, rau thìa là. Mấy loại rau trái đơn giản này chợ Việt Nam ở Mỹ nào cũng có bán đầy đủ, tươi ngon. Có chợ ngày nào cũng có bán đậu hủ trắng mới làm ra mỗi ngày, đem đến chợ vẫn còn nóng hôi hổi, mở ra thơm phức mùi đậu nành.

Tôm càng tươi nấu nước canh càng ngon. Nhìn thấy thịt con tôm còn trong trong là tôm tươi, thịt tôm màu hơi đục là tôm đã chết lâu rồi. Mua tôm loại nguyên con để có phần gạch tôm, lựa con tôm cỡ ngón tay cái là vừa ăn. Tôm cỡ này không quá lớn để bán giá cao mà đầu tôm lớn sẽ cho nhiều gạch tôm khi nấu canh.

Cà chua phải lựa loại trái dài và nhỏ trái, đừng lấy loại lớn trái hoặc hình dẹp như trái bí rợ cà không ngon. Cái dở của cà chua bên Mỹ này là trái cà càng lớn thì mùi vị càng nhạt nhẽo và bở rệt, nhìn chỉ đẹp con mắt mà thôi. Ở Việt Nam, hễ món gì có chữ “chua” là ít nhiều gì cũng có vị chua đúng nghĩa. Cà chua Mỹ thường ngọt mà thiếu vị chua, nên phải mua kèm thêm trái chanh xanh không hột mỏng vỏ hay cục me chín. Chỗ này cần nhấn mạnh là mua chanh xanh không hột vỏ mỏng mới vắt ra được nhiều nước, vị chua thanh. Chanh vỏ dày màu vàng ít nước, đã chua thé mà còn có vị the the, đăng đắng của vỏ chanh, loại này chỉ để làm nước uống tạm chấp nhận được, chớ không thể dùng nấu ăn. Nếu chơi sang mua cà chua bi trái lớn bằng ngón tay nấu canh thì canh sẽ ngon hơn dùng trái cà lớn xắt miếng. Cà chua bi cũng không chua, nhưng có vị ngọt thanh và thịt dai ngon, không bở như trái cà chua lớn.

Nấm rơm mua loại còn búp, đừng lấy nấm bị nở không ngọt bằng nấm búp, lựa nấm lớn cỡ ngon tay cái là ngon nhứt. Ðậu hủ trắng mua chừng một, hai miếng gì cũng được. Thêm một nắm hành lá, một trái ớt, một nắm thìa là, một củ tỏi ta. Nói chung, khi nấu ăn ở nhà ta thích ăn thứ gì ta cứ mua tăng thứ đó nhiều lên, không cần phải cứng nhắc theo cái công thức nào cả, miễn vừa miệng ta là ngon. Ðâu phải nấu bán ở tiệm mà tính toán lời hay lỗ.



Cà chua rửa sạch xắt miếng vừa ăn theo chiều dọc rồi cắt ngang chớ không cắt khoanh. Ðậu hủ trắng xắt miếng nhỏ bằng ngón tay cái. Hành lá rửa sạch xắt nhuyễn phần đầu hành để riêng, phần lá xanh xắt khúc chừng hai phân để riêng. Tỏi lột vỏ giã nhuyễn. Ớt bằm nhuyễn để riêng. Nấm rơm gọt sạch ngâm nước muối pha loãng chừng mười lăm phút rồi xả lại bằng nước lạnh, như vậy nấm không bị đen. Thìa là rửa sạch, xắt nhỏ chừng một phân để riêng.

Tôm rửa sạch, lấy kéo cắt bỏ phần nhọn trên đầu tôm, xong ngắt đầu tôm ra để riêng, phần thân tôm lột vỏ để riêng. Dùng cây nhíp lấy sợi chỉ đen ở phần lưng tôm cho sạch rồi rửa tôm lại lần nữa, xong để ráo nước.

Bắc cái nồi lớn lên bếp, cho dầu ăn vô nồi. Chờ dầu ăn trong nồi sôi lên thì cho tỏi và đầu hành vô xào trước, tiếp tục cho ớt vô xào cho đến khi thấy tỏi, hành chuyển sang màu vàng thì cho đầu tôm vô xào chung để đầu tôm cho ra gạch tôm làm nước canh có màu đẹp. Lại tiếp tục đổ cà chua vô xào cho đến khi thấy trong nồi có một hỗn hợp sền sệt có màu đỏ của cà chua và gạch tôm thì cho tôm vô nồi tiếp tục xào. Khi thấy tôm săn lại thì đổ nước vô nồi, muốn nước ít hay nước nhiều, canh đặc hay lỏng mà thêm nước tùy ý. Chờ nước canh trong nồi sôi lên thì cho nấm, đậu hủ trắng và các thứ rau còn lại vô nồi. Chờ sôi thêm lại lần nữa, nêm gia vị cho vừa ăn rồi tắt lửa.

Nếu thấy canh thiếu vị chua, vắt chanh lấy nước cho vô nồi. Hoặc là cho cục me chín vô cái tô, cho chút nước ấm vô ngâm cho me tan ra, lấy cái muỗng đánh cho me tan hết trong nước rồi chắt lấy nước me đổ vô nồi canh. Làm như vậy vài lần để me ra hết chất chua, chỉ còn lại hột me thì bỏ hột me đi. Thêm nước chanh hay me cũng đều phải ở giai đoạn đã nấu hoàn tất, tắt lửa rồi mới thêm chanh, me vô, nếu thêm chanh khi canh nấu còn trên bếp nước chanh sẽ bị đắng, còn me thì có thể bị hơi chát, mất vị chua thanh của chanh, me, làm cho canh kém ngon đi.



Sau khi nấu canh xong, có thể cho thìa là luôn vô nồi canh. Cũng có thể để riêng ở ngoài, mỗi lần múc tô canh nóng hổi ra ăn lại lấy một ít thìa là rắc lên trên mặt tô canh. Làm cách nào cũng được nhưng thìa là nấu lâu trong canh sẽ kém mùi thơm, tốt nhất là ăn tới đâu cho thìa là tươi vô tới đó.

Trời nóng người ta thường chán ăn, ăn mấy món nóng, món khô vô có cảm giác thức ăn nuốt không trôi xuống cổ họng, không ăn thì đói, mà ăn thì như cực hình, thiệt là chán như con gián. Múc tô canh còn ấm nóng ra, chan vô chén cơm trắng ăn, cơm cứ trôi tuồn tuột qua cổ họng, thích thú vô cùng.

Canh có vị cay cay, nhưng nhờ món này là món nước, có vị chua thanh, ngọt dịu của tôm, cà chua, nấm, me (chanh) mà trung hòa vị cay của ớt nên ăn trong mùa lạnh cũng ngon, ăn trong mùa Hè cũng ngon mà không hề bị vị nóng của thức ăn làm khó chịu. Canh tôm chua cay ăn với thịt kho tiêu hay cá bống ướp gia vị chiên giòn là đúng kiểu.

Tạ Phong Tần

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân