TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chợ An Đông
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chợ An Đông

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Aug 17, 2017 11:30 pm    Tiêu đề: Chợ An Đông
Tác Giả: Trang Nguyên

Chợ An Đông

Chợ An Đông năm 1966 tấp nập buôn bán tràn ra tới bên ngoài


Thuở còn bé tôi từng nghe má tôi nhắc đến Chợ An Đông vì thỉnh thoảng bà đi thăm người bà con sống trong con hẻm nhỏ trên đường An Dương Vương gần khu chung cư của quân đội Mỹ. Mỗi lần đến đó khi trở về bằng xe ba gác máy, bà đều ghé vô chợ mua vài ba thứ cần thiết cho gia đình. Theo bà, hàng hoá thực phẩm ở Chợ An Đông rất nhiều và giá cả lại rẻ hơn chợ Hoà Hưng nơi gia đình tôi ngụ. Mãi đến sau 1975 tôi mới có dịp ghé qua Chợ An Đông vài lần. Nhà thằng bạn hồi thời đại học nằm ngay góc tầng trệt của khu chung cư phía cửa sau chợ trên đường Yết Kiêu. Bên kia đường là hồ bơi An Đông không còn hoạt động.

Có được một chỗ ở ngon lành và phía trước hành lang trở thành cái vựa bán trứng của gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn, vậy mà thằng bạn lại than ngắn thở dài, “sống ở đây ồn ào lại còn chật chội”. Nhà ngay chợ búa không ồn mới lạ. Hồi trước đám anh em còn nhỏ, chẳng thèm để ý đến chuyện nhà cửa chật chội, nằm sắp lớp cá mòi ngủ chung mùng thấy thật là vui. Khi đó, gia đình bạn buôn bán thêm nhiều mặt hàng. Nghe bạn kể cá khô treo lủng lẳng đầy nhà, trứng chứa từng sọt cần xé to nhỏ đủ loại nhất là trứng muối bọc tro đen thui bán chạy lắm. Người Tàu khoái ăn trứng muối còn người Việt thích trứng lạt, thành ra mặt hàng này lúc nào cũng đông khách. “Hồi đầu năm 1975, ông bà già định mua thêm căn chung cư kế bên, nhưng giấy tờ nhà có tranh chấp do vợ chồng ly hôn nên chuyện bất thành. Thế là cái gác lửng phải phân chia thành giường tầng ba góc mới đủ chỗ ngủ cho đám con đông nhà chật”.

Thật ra, vào thời gian sau đó, có vài người kêu bán mấy căn nhà quanh chợ nhưng gia đình ngại mua vì chỉ giao giấy tờ viết tay. Nhà lúc ấy rẻ rề vì mấy nhà đó dường như có kế hoạch vượt biên. Mua rồi sau này lỡ không làm được giấy chủ quyền thì kẹt. “Nhưng vấn đề chính là ông bà muốn mua một căn nhà rộng rãi hơn cách xa chợ để con cái trú ngụ học hành, còn căn hộ chung cư nhỏ bé này chỉ dùng làm nơi buôn bán”.


Chợ An Đông đến chiều tối mới dẹp chợ


Không biết hồi đó chính quyền nghĩ sao lại đi cất chung cư có diện tích như cái hộp quẹt. Chắc người ta nghĩ “ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu”. Nhà rộng lắm thì có thêm gác lửng. Gia đình nào cũng đông con, sống chật chội, vậy mà mấy nhà tầng trên còn phải dắt chiếc xe đạp, đẩy xe gắn máy lên tận tới lầu ba. Mỗi lần lên xuống thật phiền phức. Khách đến nhà chơi phải tìm chỗ gởi xe, rồi len lỏi giữa rừng thúng mẹt bán buôn né bên này đụng bên kia mới đến được nhà. Nhà tầng dưới của thằng bạn, phía trước ba nó gắn thêm cái trụ sắt để khách mua hàng hay khách đến nhà dùng dây xích khoá chiếc xe gắn máy hay chiếc xe đạp vào cây cột. Trong lúc ngồi nói chuyện bù khú với nhau ở góc gác lửng, thi thoảng nó đứng dậy, nhìn chồm qua ngó xuống cửa sổ trước hiên nhà xem con ngựa sắt của tôi còn đứng yên ở đó không. Bạn cảnh giác, có khoá vẫn mất như thường, ở đây trộm đạo như rươi.

Tôi thì chẳng màng đến chuyện chiếc xe đạp có thể “bốc hơi” trong giây lát. Nhà nằm ngay vị trí góc đường nhìn qua lam gió thấy rõ khối kiến trúc tiền chế của ngôi chợ đổ bóng lên dãy sạp bán gà vịt cá mắm phủ đầy dù vải đủ màu trông như một bức tranh lập thể, góc cạnh sáng tối dưới bóng nắng bật lên thật là sinh động. Hầu như từ thời điểm đầu thập niên 1950, kiểu kiến trúc chợ búa bước sang một hình thái mới, không còn kiểu cách cầu kỳ của kiến trúc châu Âu hay phảng phất đường nét Á Ðông kết hợp nữa. Kiểu xây dựng tiền chế thi công nhanh, dễ tháo dỡ và không làm ảnh hưởng tới những công trình lân cận.

Ngôi Chợ Hoà Hưng nơi tôi cư ngụ cũng vậy, có thiết kế khung sườn tương tự Chợ An Ðông. Chỉ có điều, Chợ An Ðông là một khối hình chữ nhật nhìn thoạt trông rộng hơn ngôi chợ xóm tôi nhưng xem ra Chợ Hoà Hưng lớn hơn vì nó có đến hai ngôi chợ ghép lại từ hai hướng mặt tiền rộng lớn. Tôi nghĩ còn vài ba ngôi chợ nữa có kiểu dáng thiết kế tiền chế như thế này đây đó trên đất Sài Gòn. Kiến trúc chợ kiểu này được xây dựng một loạt nhiều nơi để đáp ứng nhanh nhu cầu chợ búa của dân chúng thành phố trong thời kỳ phát triển dân cư di tản từ thôn quê lên thị thành sinh sống, cộng thêm gần triệu người Bắc di cư vào Nam chọn nơi trú ngụ Sài Gòn là điểm đến chính. Theo thống kê dân số năm 1945 Sài Gòn có khoảng nửa triệu người nhưng 10 năm sau đó, con số này tăng lên gần hai triệu người.


Chợ An Đông đầu thập niên 1960 phía đường Nguyễn Duy Dương


Bạn kể chuyện gia đình. Bố là người Hà Nội gốc theo gia đình di cư vào Nam ban đầu ở tạm gần khu Trường đua Phú Thọ, làm công giao nước đá cây cho ông ngoại khi đó có tiệm tạp hoá bán đủ thứ ở đầu hẻm đường Nguyễn Duy Dương bên kia Chợ An Ðông. Thấy anh thanh niên điềm đạm, hiền hậu lại siêng năng nên ông ngoại ưng thuận gả cho người con gái lớn ham thích buôn bán sạp trứng tại Chợ An Ðông. Hai người ra riêng sắm căn nhà tầng dưới làm chỗ mua bán. Hồi trước 1954, chung cư này xây xong chỉ có một số ít người Việt gốc Hoa đến đây mua tầng dưới để ở và làm ăn buôn bán. Nhà chung cư giá rẻ nhưng không hấp dẫn cư dân đến định cư vì ai đời xây chung cư lại bao quanh một cái chợ giáp mặt bốn hướng. Ồn ào, ngõ ngách chật hẹp ra vô khó khăn. Chợ An Ðông xưa kia còn chưa xây mới nhưng lúc đó đã được dân chúng xem là một trong các ngôi chợ sầm uất nhất thuộc khu vực Chợ Lớn.

Chợ toạ lạc tại quận 5, một quận trung tâm của Chợ Lớn. Khu vực nằm giữa các con đường lớn như Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi, Hồng Bàng, An Dương Vương từ Sài Gòn hướng vào. Có đường xe lửa đi Mỹ Tho, xe điện ngược ra Sài Gòn. Người Việt về đây cư ngụ nhiều lắm, sống xen kẽ người Hoa vì vùng này dễ làm ăn mua bán. Người Hoa đa phần là người cố cựu sống rải rác không tập trung như tại trung tâm Ðồng Khánh vào thuở Sài Gòn – Chợ Lớn còn là hai thủ phủ riêng biệt. Mãi đến đầu thập niên 1930, hai thành phố mới sát nhập làm một. Khu vực Chợ An Ðông được xem như khu giáp ranh giữa hai thành phố, dân cư từ các tỉnh đổ về định cư ngày càng nhiều và sau đó người Bắc di cư vào Nam tìm đến. Vào khoảng thời gian này, khu vực quanh Chợ An Ðông vẫn còn lưa thưa ao trũng, mồ mả vô chủ rải rác đó đây.

Ông ngoại thằng bạn tuy là người Tàu Chợ Lớn cố cựu ba đời nhưng nói tiếng Việt sành sỏi nên mẹ của nó cũng nói tiếng Việt ngon ơ đâu có thua gì người cha. Thằng bạn kể chuyện hồi nhỏ, mấy đứa đánh giày không biết từ đâu kéo cả đám sang khu chung cư Mỹ thuê ngay góc hồ bơi làm ăn. Tụi nó thường chọc ghẹo mấy đứa nhỏ con người Hoa sống quanh khu chợ. Có lần tao nói tụi bây đừng ỷ đông ăn hiếp con nít. Tụi nó giả giọng “tào lao” chửi bới đòi đánh chết cha tao (chắc thấy cái mặt của tao giống Ba Tàu). “Tả lị sị, hằm tắc xả, xả cái lỗ mũi”. Tao tức quá vung chân đạp trúng một thằng té sấp, ai ngờ cái lỗ mũi của nó xả ra hai vòi máu. Tao bỏ chạy, lủi tuốt vào chợ, tụi nó dí theo nhưng làm sao nắm được cái chân của dân Chợ An Ðông chính cống.


Phía sau chợ An Đông ngã tư Hùng Vương – Nguyễn Duy Dương có đường xe lửa đi Mỹ Tho không còn sử dụng. Hình: Douglas Ross Chụp năm 1966


Nói chuyện khơi khơi một hồi cũng chán, thằng bạn đứng dậy kêu “xuống xách xe hai thằng ra quán cơm gà Siu Siu kiếm cái gì lót bụng”, ngồi ở đây vừa ngộp vừa nóng chảy mỡ. Trong khi chờ thưởng thức đĩa cơm gà ngon cỡ nào mà mấy ông lớn tuổi xóm tôi thường hay ca tụng mỗi khi đi Chợ An Ðông. Thằng bạn chỉ ông già Tàu đầu tóc bạc trắng rối bời, quần áo lấm lem bùn đất, đứng tựa vách tường miệng lẩm bẩm như đọc thần chú. “Ông từng là chủ quán cơm gà Siu Siu”. Chuyện đánh tư sản mấy năm trước, ông mất ba căn nhà lầu mở quán cơm gà trên đường Nguyễn Duy Dương. Sau đó theo tàu vượt biên. Tàu bị đắm, tất cả mọi người trong chuyến đi đều chết hết. Riêng ông ôm miếng ván trôi dạt vào bờ. Bị bắt, trả về nhốt ở quận 5. Một thời gian sau, ông được tha. Và cũng từ đó, ông trở nên điên điên khùng khùng. Còn cái quán mình đang ngồi là của người bà con xa của ông Siu Siu sang lại hồi đầu năm 1975 đến nay. Nghe xong tôi chỉ còn biết thở dài.

Nhưng chuyện quanh Chợ An Ðông vẫn chưa dừng lại. Thằng bạn chỉ tay lên tiệm vàng Kim Xuyến nói nhỏ: “Con trai nhà văn Nhất Linh bán căn nhà này cho bà chủ tiệm vàng mới năm rồi. Nghe nói gia đình đi xuất cảnh sang Pháp. Hồi cuối thập niên 1960, một thời gian báo chí Sài Gòn đua nhau khai thác chuyện nhà văn Nhất Linh bị quy tội dính líu đến cuộc đảo chính hụt chính quyền đương thời hồi năm1963. Ông uống thuốc độc tự vẫn tại căn nhà này. Ðến lúc đó, người sống quanh chợ xôn xao: “Vậy mà cả chợ An Ðông chẳng ai biết mình là láng giềng của ông nhà văn nổi tiếng của nhóm Tự lực văn đoàn. Chẳng qua, hiếm người ở đây biết mặt ông vì thi thoảng ông đi đi về về căn nhà chung cư, nơi người vợ mở tiệm bán cau bên hông cái Chợ An Ðông ồn ào.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân