TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Gỏi bưởi
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Gỏi bưởi

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed Aug 16, 2017 11:48 pm    Tiêu đề: Gỏi bưởi
Tác Giả: Tạ Phong Tần

Gỏi bưởi


Cây bưởi, trái bưởi nhà quê để ăn thì người Việt ai cũng biết. Trong Nam kêu là trái bưởi, ngoài Bắc gọi là quả bòng. Nó quen thuộc và bình dân đến mức độ người miền Tây Nam bộ ai cũng biết những câu cửa miệng: “Mày hả bưởi”, “Chết mày chưa bưởi”, “Bưởi nè”... nhưng đều cùng một ý nghĩa là: “Chết mày rồi con ơi”, “Đáng đời mày rồi con”. Ai đó làm chuyện gì gian dối bị phát hiện, lập tức người ta đế cho câu: “Mày hả bưởi”, mặc dù chữ “hả” trong câu không phải là câu hỏi, và cũng không cần ai trả lời là phải hay không. Sắp sửa giáng một đòn xuống đối phương (bất kể là người hay vật), người ta đệm thêm theo mỗi nhịp tay quật xuống: “Bưởi nè”. Không biết cách nói này bắt nguồn từ đâu ra, nhưng ai nghe cũng đều hiểu hết, và nó còn hàm chứa sự hài hước, dí dỏm trong đó nữa.



Bưởi miền Nam nổi tiếng nhứt là bưởi Năm Roi ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Kế đến là bưởi Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai (thuộc Ðông Nam bộ), đứng thứ ba là bưởi Bến Tre. Bưởi Năm Roi nhỏ trái, một người có thể ăn hết nguyên trái bưởi một lúc, vỏ mỏng, ruột lớn màu trắng ngà, ít hột và ngọt lịm. Bưởi Biên Hòa ngọt có pha một chút vị chua. Còn bưởi Bến Tre thì đủ loại, trắng, đỏ, da xanh gì cũng có.

Trái bưởi có đặc điểm không cần mất nhiều công sức cất để như các loại trái cây khác. Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần ngoại tôi đi chợ mua bưởi là cộ nguyên chục cho rẻ, mà một chục miền Tây là mười bốn trái, đem về xếp vô góc nhà, mỗi ngày gọt một hai trái, cứ vậy ăn từ từ cho đến hết mà trái bưởi gọt ra vẫn tươi ngon, không bị mất phẩm chất chút nào. Tôi thường theo ngoại đi chợ, thấy ngoại sao mà cứ lựa mấy trái bưởi nhỏ nhỏ da vàng hơi pha chút xanh mà hổng chịu lấy mấy trái bưởi lớn như trái dừa tươi, da xanh. Tôi cứ đòi ngoại mua trái bưởi lớn, ngoại nói bưởi lớn ăn the, thấy đẹp mà không ngon. Vậy chớ tôi cũng kỳ kèo nẹo thêm cho được vài trái bưởi lớn da xanh mới chịu.



Ăn thì không bao nhiêu mà tôi thích lấy cái vỏ bưởi dày, bên ngoài vỏ xanh nhưng lớp xốp bên trong màu đỏ hồng. Vỏ bưởi đó gọt bỏ hết lớp vỏ xanh có chất tinh dầu, còn lại lớp xốp bên trong, xắt ra từng miếng nhỏ nhỏ bằng ngón tay, quẹt lên mỗi miếng một chút xíu vôi ăn trầu, thêm một chút xíu nước rồi ra sức nhồi trong cái thau nhỏ. Một lúc sau, vỏ bưởi tóp lại, chảy ra một chất nước màu vàng trong trong, vắt hết nước đó vô mấy cái chén đồ chơi, một lúc sau nó đặc lại như rau câu. Vậy là tôi đem bán (lấy tiền bằng vé số cũ) cho mấy đứa con nít hàng xóm. Con nít bây giờ chắc không đứa nào biết chơi kiểu này nữa, games điện tử, iPad, robot kêu ầm ầm, éc éc hấp dẫn hơn nhiều.

Mùa bưởi Năm Roi bắt đầu từ Tháng Tư đến Tháng Mười âm lịch. Sau này, người dân thích chưng bưởi trên bàn thờ ngày Tết hơn là chưng dưa hấu da đen ruột đỏ nên các nhà vườn tìm cách trồng bưởi mùa nghịch để có bưởi bán Tết giá cao hơn. Bây giờ thì miền Nam có bưởi ăn quanh năm. Tuy nhiên, cái gì thuận theo tự nhiên, quy luật đất trời thì tốt hơn, bưởi cũng vậy, cho nên, ăn bưởi Năm Roi đúng mùa bao giờ cũng ngon hơn (tất nhiên rẻ tiền hơn, lợi cả đôi đường) là ăn bưởi nghịch mùa. Bưởi nhiều quá, chủ vườn bưởi mới nghĩ ra nhiều cách khác nhau để tiêu thụ sản phẩm, hấp dẫn người mua. Từ đó, người ta “sáng tác” ra hai món mới là gỏi bưởi và rượu bưởi.

Có điều bưởi Năm Roi để ăn chơi nguyên trái, chớ nó vừa nhỏ trái mà vừa quá ngọt, nên không thể dùng làm gỏi bưởi hay rượu bưởi, muốn làm hai món này phải chọn bưởi Biên Hòa, bưởi Bến Tre có vị ngọt pha một chút chua thì làm gỏi, làm rượu mới ngon.

Bưởi Biên Hòa trồng nhiều nhứt ở làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai), cách thành phố Biên Hòa chừng ba cây số (tức hơn hai dặm). Năm 2005, khi đang học ở Sài Gòn, tôi có may mắn được một bạn học cùng lớp quê Ðồng Nai dẫn đi huyện Vĩnh Cửu thưởng thức món đặc sản gỏi bưởi và rượu bưởi này. Hôm nay, tôi chỉ kể về gỏi bưởi thôi, chớ làm rượu bưởi như thế nào thì chủ vườn giấu không cho khách biết.



Làm gỏi bưởi có hai cách: Gỏi bưởi tôm, thịt ba rọi luộc và gỏi bưởi tôm, cua luộc. Cách làm đơn giản, ăn lạ miệng, thấy cũng ngon ngon. Tất nhiên, thành phần chính của dĩa gỏi bưởi là tép bưởi. Lựa trái bưởi chín, tép mọng nước, nếm thử thấy có vị ngọt pha chút xíu chua là đạt yêu cầu. Lột tách tép bưởi ra, tước bỏ hết tất cả xơ trắng dính trên tép bưởi. Ðậu phộng rang vàng, giã nhỏ. Mè trắng rang vàng. Tôm cỡ ngón tay luộc lột bỏ vỏ, lột cái đường trên sống lưng con tôm ra để kéo bỏ cọng chỉ đen, chẻ con tôm ra làm hai theo chiều dọc để tôm bớt cứng, dễ ăn. Thịt ba rọi luộc xắt miếng mỏng bằng ngón tay cái vừa ăn. Ngó sen, cà rốt xắt chỉ như tăm xỉa răng. Ớt sừng trâu chín tỉa bông, lá húng lủi, rau thơm, rau răm để riêng.

Trộn bưởi với ngó sen, củ cà rốt, gia vị (chút muối, đường, chanh), chờ khoảng mười lăm phút cho thấm gia vị. Lấy lá rau xanh xếp vô cái dĩa lớn theo kiểu quây tròn bên ngoài cho đẹp. Trút gỏi đã trộn vô dĩa, xếp tôm luộc (úp mặt cắt xuống dưới) và thịt ba rọi lên trên, thêm mấy cái bông ớt đỏ tươi ngay chính giữa, có thể rắc thêm ít tiêu xay, rau húng xắt nhỏ lên, rắc mè rang, đậu phộng rang lên. Vậy là xong dĩa gỏi bưởi đem ra cho khách thưởng thức rồi. Gỏi bưởi này ăn kèm với bánh tráng mè vừa nướng xong thơm phức, hoặc bánh phồng tôm chiên, chấm với nước mắm cay. Nhâm nhi thêm một ly xây chừng rượu bưởi nữa để cảm nhận vị ngọt ngọt, chua chua, nồng ấm của rượu, quả là không phải ở đâu cũng có.

Cách thứ hai là làm gỏi bưởi tôm luộc, cua luộc. Cách này cũng làm giống y như trên, khác ở chỗ cua luộc xong xé ra lấy thịt cua. Thêm một củ hành tây, vài củ hành tím xắt mỏng vô làm rau trộn mà thôi. Dân miền biển hay làm gỏi bưởi trộn cua luộc hơn vì lẽ thường món gì có nhiều tại chỗ đương nhiên nó rẻ tiền hơn là ra chợ mua thịt heo.



Tôi thấy chợ bên Mỹ này cũng có bán bưởi nguyên trái, giá không mắc lắm. Tôm, cua, thịt, các loại rau củ tươi ngon để làm gỏi bưởi đều có, thiếu mỗi một rượu bưởi mà thôi, tội tình gì không mua về làm ăn thử cho biết với người ta. Không có rượu bưởi thì thay thế bằng đế đồng trong vắt như mắt mèo. Mà nếu sợ đế đồng Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm thì thay thế bằng sake Nhựt Bổn hay sake Nam Hàn cũng được tuốt luốt. Suy cho cùng, rượu Việt Nam, Nhựt Bổn hay Nam Hàn cũng đều là rượu gạo (không phải mùi vị của nho, lúa mạch như rượu Tây), uống vô cũng đều ấm, đều nồng, đều say như nhau.

Như vậy, nghĩ cũng đủ hương vị quê nhà, chỉ còn thiếu một quán lá bên đường để bằng hữu chi giao cùng nhau chén chú chén anh thưởng thức món gỏi bưởi, vừa ngắm mưa rơi, vừa nhâm nhi ly rượu, vừa ngâm nga mấy câu thơ: “... Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả/ Chén ứa men lành lạnh ngón tay/... Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ/ Ðôi lòng hòa một vị chua cay/... Tỉ tê gợi tới niềm tâm sự/ Cúi mặt soi gương chén rượu đầy” (Nguyễn Bính).

Tạ Phong Tần

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân