TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chiêm bái Golden Rock trên đỉnh Kyaiktiyo ở Myanmar
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chiêm bái Golden Rock trên đỉnh Kyaiktiyo ở Myanmar

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Tue Jul 25, 2017 11:50 pm    Tiêu đề: Chiêm bái Golden Rock trên đỉnh Kyaiktiyo ở Myanmar

Chiêm bái Golden Rock trên đỉnh Kyaiktiyo ở Myanmar

“Tảng đá Vàng/ Golden Rock” nhìn từ xa. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Miến Ðiện thường được biết qua tên Brumar, mãi cho đến năm 1989 được đổi thành Myanmar. Ðây là quốc gia nằm về phía Tây Châu Á có biên giới Trung Hoa và Ấn Ðộ phía Bắc, Lào phía Ðông, Thái Lan phía Ðông Nam và biển Ấn Ðộ Dương phía Tây.

Có lẽ đối với người Việt Nam, Miến Ðiện vẫn còn là một xứ sở xa lạ và được cho là đất nước chậm phát triển trong vùng Ðông Nam Á. Chính điều này đã khiến cho du khách Việt Nam nhiều ngỡ ngàng khi đặt chân đến đây.

Tuy là một đất nước mở cửa chậm trễ so với các đất nước láng giềng, nhưng có đến đây rồi người ta mới nhận thấy đất nước này có một nền văn hóa, tôn giáo và các thắng cảnh thiên nhiên hết sức phong phú cho du khách thưởng ngoạn.

Yangon, Bago, Kyaiktiyo, Heho (Inle Lake), Mandalay, Bagan là những địa danh với những thắng cảnh và di tích không thể thiếu cho chuyến du ngoạn Miến Ðiện. Một trong những địa danh nổi tiếng phải nói đến “Búi Tóc Phật” trên đỉnh Kyaiktiyo mà thường hay được gọi là Golden Rock trong ngôn ngữ tiếng Anh.

Kyaiktiyo là một vùng núi nằm về phía Ðông Bắc Yangon. Trên đường đi, xe phải chạy qua Bago, một thị trấn nhỏ nghèo nối liền giữa Yangon và Kyaiktio. Ðây là một thành phố hãy còn nghèo nhưng lại có một tu viện rất nổi tiếng. Tu viện có những tượng Phật điêu khắc chạm trổ thật rực rỡ và tuyệt đẹp. Ðã từng có đến cả ngàn vị tu sinh tu học về Phật học tại đây.

Nếu bạn có dịp đến Bago đúng vào khoảng giờ ăn trưa thì nên ghé viếng thăm tu viện vì đây là giờ ăn trưa của các tu sĩ. Tôi không hiểu người ta gọi bữa ăn trưa trong tu viện là danh từ như thế nào nhưng những Phật tử trong vùng hòa lẫn với du khách ghé thăm đây, họ đều mua thức ăn để cúng dường đến tu sĩ.

Từng đoàn các vị tì kheo, nhỏ có lớn có nối đuôi nhau thành từng đoàn dài từ khắp ngõ ngách trong tu viện đổ dồn về phòng ăn trưa tu viện. Các đoàn hành hương cũng như du khách chen lẫn đứng hai bên dâng các món ăn bỏ vào bình bát cho các vị tì kheo. Các món ăn cúng dường (bất cứ gì) đều được các tăng ni nhận lấy cả.


Bảo tháp “Xá Lợi Tóc Phật” nhìn gần. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Ðây cũng là dịp để người dân địa phương đem trái cây như chuối, bắp luộc hay các món ăn địa phương vào bán để du khách cúng dường tăng ni. Ðây cũng là món lợi cho dân địa phương để kiếm thêm tiền vì họ biết trong một khi đã thăm tu viện thì ai cũng muốn tích đức qua hành động “hạnh bố thí” của mình. Ngoài ra, Bago cũng là nơi dừng chân để du khách ăn trưa, người ta vẫn có thể tìm được một quán ăn sạch sẽ theo tiêu chuẩn quốc tế với những món ăn đặc sản của Miến Ðiện.

Rời thành phố bụi bặm Bago xe lại chạy xuống hướng Ðông Nam trước khi trở ngược lên hướng Bắc tìm đến ngọn núi Kyaiktiyo. Ðây là ngọn núi cao đến 1,100 mét, phần trên đỉnh có độ dốc khá cao nên khá nguy hiểm. Lúc trước, người ta cấm tất cả các loại xe chạy lên đỉnh núi. Nhưng bây giờ nếu du khách ngại leo dốc núi, thì có thể ngồi xe lên thẳng đến trên gần đỉnh.

Bạn vẫn phải đi bộ một đoạn đường lên thắng cảnh “Búi Tóc Phật,” đây cũng là cơ hội vừa đi, bạn vừa có thể thưởng ngoạn không gian “Hai Tảng Ðá Vàng/Golden Rock” từ xa. Còn những ai thích thử xem sức khỏe của mình còn tốt hay không, bạn có thể “trèo núi” bằng cách đi lần theo triền dốc lên đến đỉnh núi.

Nếu bạn có đủ sức khỏe, đủ kiên nhẫn lẫn đức tin tôn giáo, có lẽ bạn sẽ chinh phục được đoạn đường dốc gian nan này cho dù khá vất vả. Còn nếu không, bạn có thể “nằm võng” và có người khiêng bạn lên đỉnh! Cần nói thêm, ở dưới chân núi có dịch vụ khiêng võng đưa du khách lên trên đỉnh núi với một cái giá không rẻ lắm vì group của họ gồm có bốn người khiêng võng và một người khiêng hành lý cho du khách (vì có một vài khách sạn nằm trên gần đỉnh Golden Rock). Phần lớn du khách ngoại quốc đều bỏ cuộc leo dốc giữa đường vì quá mệt nên đành tiếp tục cuộc hành trình bằng võng khiêng.

Thắng cảnh “Búi Tóc Phật” thật ra là hình ảnh của hai tảng đá nằm chồng lên nhau, tảng đá trên nhỏ hơn tảng dưới, đáy của tảng đá trên chỉ nằm tựa lên trên một phần đầu của tảng dưới. Nhìn hình ảnh của hai tảng đá này từ xa, người ta tạo ra một truyền thuyết trông nó giống như “búi tóc” trên đầu Ðức Phật.

Ðiểm lạ là hai tảng đá này vẫn bình chân như vại nằm chồng lên nhau bao nhiêu năm qua mà không rơi đổ xuống vực thẳm phía dưới. Vì thế người ta mới tôn kính hai tảng đá này và cho xây một bảo tháp bên trên tảng đá trên chứa đựng “xá lợi tóc Phật.” Hai tảng đá này đã được người sau dát vàng chung quanh để tôn thờ, vì thế mà người phương Tây gọi là Golden Rock.

Tháp Xá Lợi Tóc Phật được xây trên đỉnh một hòn đá tọa lạc trên đỉnh núi Kyaiktiyo, không biết tháp bằng vàng đúc hay chỉ được dát vàng chung quanh! Sử sách cho ghi chép lại tháp cao hơn 7 mét. Không ai thấy được gì trong bảo tháp vì tháp được đặt trên tảng đá nằm chông chênh trên đầu một tảng đá khác và ở một vị trí khá cao.

Câu chuyện truyền thuyết cho rằng vào tuần lễ thứ bảy tại cây Bồ Ðề (Bodhgaya) nơi Ðức Phật thành đạo, có hai vị thương nhân gốc Miến Ðiện nhân dịp đi qua đây có duyên gặp Ðức Phật. Hai vị này đã được Ðức Phật cho ít tóc như là để tạo duyên lành cho hai vị thương nhân. Hai vị này đã đem Xá Lợi Tóc Phật về dâng cho vua Miến. Từ đó Xá Lợi Tóc Phật được thờ trong các bảo tháp cho đến ngày nay với nhiều truyền thuyết khác nhau. Cũng từ đó nhánh Phật Giáo Tiểu Thừa được truyền vào Miến Ðiện.


Golden Rock nhìn từ dưới. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Kyaiktiyo là một trong ba nơi chốn linh thiêng mà người Phật tử Miến Ðiện hành hương (hai nơi kia là Ðại Kim Tháp Shwedagon ở Yangoon và Tháp Mahamuni ở Mandalay). Chưa cần phải nói đến niềm tin tôn giáo, chỉ cần ngắm nhìn hình ảnh hai hòn đá chông chênh chồng lên nhau những lúc bình minh, hoàng hôn hay vào đêm trăng thì cũng đủ để du khách rung động trước cái không gian đẹp lạ lùng của Kyaiktiyo rồi. Một bệ thờ lộ thiên và một ngôi chùa nhỏ trước tháp Xá Lợi Tóc Phật lúc nào cũng tấp nập khách hành hương lẫn cư dân buôn bán quanh vùng.

Nhưng có lẽ người ta tụ tập quanh bảo tháp đông nhất vào lúc mặt trời lên và lúc mặt trời lặn vì thời điểm này là lúc người ta được ngắm không gian đẹp nhất của Kyaiktiyo. Thêm một điểm đáng chú ý trong phong tục Phật Giáo Miến Ðiện là phái nữ không được phép vào trong khu điện thờ “Hai Tảng Ðá Vàng,” phái nữ chỉ được ngồi đọc kinh niệm Phật ở phía bên ngoài.

Thắng cảnh Golden Rock tuyệt nhất là lúc các tia nắng mặt trời bất kể là lúc bình minh hay hoàng hôn chiếu thẳng vào hai tảng đá thiêng tạo ra điểm sáng vàng rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Tôi cho rằng đây cũng là lúc không gian ngọn núi “Búi Tóc Phật” đẹp nhất giữa bầu trời xanh mây trắng Kyaiktiyo (Golden Rock).

Thỉnh thoảng đâu đó trên triền núi, những vị đạo sĩ nam có, nữ có. Họ thuộc giáo phái Mon mình mặc áo nâu, đầu đội nón nâu cao “quẩy gánh” trên vai thùng phước sương, tay lắc chuông leng keng tạo sự chú ý mọi người để cầu xin sự cúng dường của khách thập phương. Những vị đạo sĩ này chậm rãi lững thững buông thả từng bước chân họ trên đường đi và dường như tâm của họ không hề vướng bận với ngoại cảnh chung quanh.

Dân tộc Miến Ðiện có phong tục bỏ dép ở phía ngoài sân trước khi bước vào sân chùa. Ðể đến đảnh lễ Phật, bạn luôn luôn phải đi chân không (bạn cũng không được đi vớ) vào sân chùa. Có những sân chùa khá rộng nên bạn phải bỏ giày dép khá xa trước khi đi đến chính điện đảnh lễ Phật.

Không ít du khách không quen với phong tục này nên không vui khi vào chùa “đi tìm” Ðức Phật! Tôi hình dung ra hình ảnh của Ðức Phật gần 2,600 năm trước, ngài cũng phải đi chân không (vì thời đó làm gì có giày dép) tìm đạo, chung quanh nơi cây pippala mà ngài ngồi xuống quyết chí tìm ra con đường giác ngộ, chắc hẳn là rất sình lầy bẩn thỉu!

Làm sao dưới gốc cây này 2,600 năm trước có được những điểm sạch sẽ huy hoàng như ngày nay ở Bodgaya. Ấy thế mà con người “đi chân không” đó, ngồi ở gốc cây sình lầy đó lại tìm ra một con đường hạnh phúc cho hàng tỷ người ngày sau, cho những ai muốn tìm ra con đường hạnh phúc cho chính mình. Người sau ngày nay chỉ muốn tìm thấy Phật ở những nơi tiện nghi sung sướng, ta thán bất cứ điều gì xảy ra không hợp với ngũ uẩn của mình.

Người Miến Ðiện rất tự hào với thắng cảnh di tích Phật Giáo này, họ đi hành hương đến đây khá đông. Họ cũng cúng bái, đọc kinh, cúi lạy và khấn nguyện như tất cả các tông phái Phật Giáo khác như Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam. Nhưng niềm tin Phật Giáo Miến Ðiện cho tôi cảm nhận sự gần gũi với một vị thái tử xưa kia đã từ bỏ ngai vàng để quyết chí đi tìm con đường giác ngộ cho chính mình, cho nhân loại và cho cả muôn ngàn vũ trụ ngự trị ở giữa hư không!

Vì sự khó khăn của các phương tiện di chuyển lên núi nên chung quanh đỉnh núi một số các khách sạn được xây để các du khách phương xa có thể qua đêm ở đây. Nhưng phải nói thêm, cho dù có các khó khăn về phương tiện di chuyển nhưng Golden Rock không bao giờ đóng cửa vì phương tiện giao thông! Chỉ có lòng người đóng cửa nên mới không đến được “Búi Tóc Phật.”

Thông thường khách đến đỉnh Kyaiktiyo vào buổi chiều và sáng ngày hôm sau mới xuống núi để tiếp tục cuộc hành trình du ngoạn. Tùy theo giá tiền du khách có thể chọn các tiêu chuẩn khách sạn khác nhau từ hạng luxury, standard đến economy đều có. Có du khách không tìm được khách sạn nên đành “cuộn mình trong chăn,” ngủ giữa đỉnh núi đợi bình minh lên trên tảng đá “Búi Tóc Phật.”

Du ngoạn Miến Ðiện thì không thể thiếu Kyaiktiyo trong chương trình vì Kyaiktiyo không giống như bất cứ thắng cảnh nào trên thế giới mà du khách có thể tìm gặp. Không đến đỉnh núi thiêng Kyaiktiyo là chưa hoàn tất cuộc hành trình chiêm bái Miến Ðiện!

Trần Nguyên Thắng
ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân