TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - 60 năm lời Thầy như là tiên-tri
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

60 năm lời Thầy như là tiên-tri

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Mon Jun 19, 2017 2:31 am    Tiêu đề: 60 năm lời Thầy như là tiên-tri



60 năm lời Thầy như là tiên-tri


      60 năm lời Thầy như là tiên-tri

      Kỳ này, chúng tôi xin chép lại một đoạn từ bài TỰA trong quyển VĂN-HỌC VIỆT-NAM của PHẠM VĂN DIÊU (nxb Tân-Việt, 235 Phan Thanh-Giản, Sài-gòn, ; giấy phép số 6/XB-60 của Bộ TT. N. P. Việt-nam; ngày-01-1960; in lần thứ nhất 2000 bản. Sách dày 785 trang, 13. 5cm x 19cm; khổ chữ vừa).

      Như đã thưa với quí bạn từ trước, tôi luôn luôn giữ nguyên vẹn từ cách sử-dụng từ-ngữ đến các dấu ngang nối (hyphen) của các bậc tiền-nhân vĩ-đại VNCH trong công cuộc khảo-cứu thuộc phạm-trù riêng của quí ngài.

      Đọc đoạn sau – viết ra cách đây sáu mươi năm, không biết quí bạn thế nào, chứ như chúng tôi không những vô cùng cảm-động mà còn nhận thấy lời của Thầy như một tiên-tri gửi cho hậu thế.

      Về tiểu-sử của Thầy, không thấy chỗ nào ghi lại mặc dù chúng tôi nỗ-lực tìm kiếm. Nhưng may mắn là chúng tôi được học với Thầy ở trường đại-học văn-khoa Đà-Lạt niên khóa 1966-1967, chứng chỉ Dự-bị văn-khoa. Nhờ thế tôi biết đôi điều về Thầy: Thầy dạy chúng tôi môn Lịch-sử Văn-học Việt-Nam. Thầy trên dưới 40, khổ người to lớn, luôn mặc veston. Thầy rất bình dị, nói tiếng Quảng Ngãi, vui tính. Khi nghỉ giữa giờ, Thầy không về phòng GS mà ra hành-lang nói chuyện với sinh-viên và sẵn sàng trả lời những gì SV thắc mắc (giống như Thầy Phạm Cao-Dương, dạy Sử, mà chúng tôi đã có lần đề-cập). Thầy nói: Thầy được mời giảng dạy ở đại-học văn-khoa và đại-học sư-phạm Saigon từ các năm đầu thập niên 60 và bây giờ đại-học văn-khoa Đà-Lạt là nhờ hai tác phẩm: Việt Nam Văn-học Giảng-bình (năm 1953) và cuốn sách trên ; trước đó Thầy là giáo-sư trường Quốc-Học, Huế.

      Mở đầu cuốn sách, Thầy viết:

      “Dạy quốc-văn trong các học-hiệu ngày nay cần phải nhắm một đích cao. Nếu không, lớp dạy quốc-văn sẽ buồn-tẻ. Đích ấy là gây lòng tự-tin ở Dân-tộc. ”
      (Sđd. tr. VI)

      (...)

      “Sách này viết ra trên một lập-trường thiết-tưởng rất rộng-rãi và chính- đáng hơn cả: lập-trường Việt-nam. Có thể nó không làm hài lòng các bộ óc đảng-phái. Điều này kẻ viết không ân-hận gì, vì đảng-phái chỉ có nghĩa là thiên-lệch, chỉ là một chủ-quan có tổ-chức thường luôn đóng khép; vì phê-bình theo phe đảng sẽ mất cái độc-lập quí-báu, hay hẹp-hòi, và nhà phê-bình theo đảng phái là đã tự mình nhắm mắt trước nhiều chân trời mới lạ, thực có khác chi một tên tù-nhân suốt đời bằng lòng có mỗi một phong-cảnh trước mặt, mà không cần biết đến các mỹ-quan khác lạ nào. Gia-dĩ, mười mấy năm trời vừa nặng-nề trôi qua, lại chỉ-minh cho người ta thấy cái vạ chạy theo đảng, theo chủ-nghĩa, rồi vô tình hoặc hữu ý đánh mất Tổ-quốc, xóa bỏ non sông, gây ra bao nhiêu thảm cảnh điêu-tàn, xâu xé. Nói cho cùng thì, với một lẽ rất giản-dị: kẻ viết là người Việt, nên chỉ biết có nước Việt-nam: một hình-ảnh duy-nhất, một thực-thể quí-báu có ý-nghĩa nhất, đáng lưu-tâm, lo-lắng hơn hết mà thôi.

      Bởi thế nên, thái-độ phê-bình ở đây sẽ là thái-độ vô tư mềm-dẻo, nó bác bỏ lối xuyên-tạc sự thực vì một thành-kiến, vì một ý-định tiên-nghiệm ; và lập-trường ở đây là lập-trường Việt-nam, sẽ không chấp-nhận lối văn-chương tuyên-truyền đảng-phái, cái khuynh-hướng thời-sự-hóa môn quốc-văn một cách quá đơn-giản, hẹp hòi, không sao đưa lại những kết-quả sâu-sắc, đứng- đắn trong giáo-dục, cũng như trong học-thuật.

      Kẻ viết ước-mong rằng với thái-độ và lập-trường ấy, ít ra trên những nét chính, trong đại thể, sách này cũng không đến nỗi nhầm-lẫn tai-hại. Và một mai kia, nửa thế kỷ sau không chừng, nếu có kẻ tìm tòi, bắt gặp trong một tủ sách cũ, tập sách bỏ quên này, mang ra đọc lại, ắt sẽ còn nhận rằng câu truyện văn-học Việt-nam của kẻ viết ngày xưa vẫn hãy còn đúng, và đã phụng-sự sự thực - cái điều cần phải luôn luôn thỏa-mãn khi phải dính-dáng vào các công-cuộc lịch-sử - mà không hề phạm đến nguyện-vọng, quyền-lợi, thanh-danh của Tổ-quốc yêu quí. "

      (chúng tôi, ĐKP, cho in đậm nét câu này).

      Sài-gòn, cuối mùa Thu năm Đinh-Dậu, 1957
      PHẠM VĂN DIÊU
      (sđd. tr. XI)

      Quả thật như thế. Đúng 60 năm tình cờ nhân giở lại các sách cũ để tìm tài-liệu viết cho hậu-duệ; thật không ngờ khi mở lại quyển sách ngày xưa thầy dùng làm giáo-trình cho môn học nói trên, bỗng thấy ý-tưởng tuyệt-vời của Thầy – bậc tiền nhân khả kính của chúng ta - nên cần phải chép lại để chuyển đến quí bạn và hậu-duệ thẩm tường.

      Tây đô, trưa Hè, 19-6-2017



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân