TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Các trận lở đất không phải luôn chỉ gây hại?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Các trận lở đất không phải luôn chỉ gây hại?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Mar 23, 2017 11:32 pm    Tiêu đề: Các trận lở đất không phải luôn chỉ gây hại?

Các trận lở đất không phải luôn chỉ gây hại?

Chim có thể bay đến được các hòn đảo


Các nhà khoa học từ lâu nay đã cảm thấy khó hiểu về việc làm cách nào mà các loài động vật lại có thể tới được các hòn đảo xa xôi nằm giữa đại dương mênh mông.

Có một số cách giải thích cho hiện tượng này, nhưng tới nay có vẻ như người ta đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng: các vụ lở đất.

Một nghiên cứu thực hiện trên các con mọt ngũ cốc ở quần đảo Canary Island cho thấy các loài động vật có thể di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác theo các tảng đất khổng lồ có cây cối ở trên, được đẩy trôi ra biển từ các vụ lở đất khủng khiếp.

Các hòn đảo nổi tiếng vì có những loại cây cỏ, động vật đặc sắc, từ loài rùa khổng lồ trên đảo Galapagos cho tới loài chim dodo (chim cưu) trên đảo Mauritius vốn đã tuyệt chủng từ lâu ở những nơi khác.

Các loài động thực vật trên các đảo thường rất khác thường, bởi chúng tiến hóa trong một môi trường riêng biệt, cô lập và thường không có những loài thú ăn thịt cỡ lớn tồn tại bên cạnh.

Quả là khó giải thích làm sao mà tổ tiên những loài này lúc ban đầu lại tới được các hòn đảo ở nơi xa xôi như thế.

Nếu là những loài biết bay, như chim, hay biết bơi, thì cũng dễ hiểu khi chúng tới được các đảo xa. Nhưng còn những loài rất chậm chạp và vốn chỉ sống trên cạn như rùa thì sao?


Bờ biển La Palma


Có một số cách giải thích. Các trận lụt ở bờ biển có thể cuốn các con vật ra khơi trên những "bè mảng" tự nhiên, chẳng hạn như các khúc gỗ trôi nổi hay những thảm thực vật lớn.

Nếu các con vật có thể tồn tại mà không có nước ngọt trong một thời gian đủ dài, chúng sẽ được các dòng hải lưu cuốn tới một hòn đảo nào đó. Cơ hội sống sót thì không cao, nhưng chỉ cần một ít các chuyến trôi dạt thành công là đã đủ tạo thành một cộng đồng trên đảo, mà hầu hết các đảo thì đều đã tồn tại hàng triệu năm.

Tất nhiên là các "bè mảng" tự nó không thể lý giải được đầy đủ. chẳng hạn các con vật đó phải sống gần bờ biển, gần tới mức đủ để bị một trận lụt cuốn ra khơi. Và do vậy thì lý thuyết này chưa đủ vững để giải thích vì sao những loài sống sâu trong đất liền cũng ra được các đảo.

Brent Emerson từ Viện Nghiên cứu Các sản phẩm Tự nhiên và Nông sinh học tại Tenerife cùng các đồng nghiệp cho rằng "các trận lở đất ghê gớm" đã cuốn những cánh rừng trôi ra biển, mang theo lượng lớn các con vật cỡ nhỏ và các loài động vật không có xương sống.

Một nghiên cứu mới cho rằng các trận lở đất khủng khiếp đóng vai trò quan trọng trong chuyện này.


Đảo Green Island ở Great Barrier Reef của Úc


Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các biện pháp phân tích DNA để nghiên cứu con mọt ngũ cốc trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary Island ngoài khơi phía tây của châu Phi. Họ phát giác ra rằng mọt ngũ cốc La Palma có bộ gene gần như giống hệt với gene của mọt ngũ cốc Tenerife nằm cách hơn 120km về phía đông.

Điều quan trọng là DNA của các con mọt gần giống nhất với loài mọt sống quanh khu vực Orotava Valley ở bắc Tenerife, nơi nằm cao hơn mực nước biển 700m. Sống ở độ cao đó, những con mọt này khó có thể bị cuốn trôi theo trong một trận lụt nào đó ở vùng duyên hải.

Tuy nhiên, một trận lở đất khủng khiếp đã xảy ra ở bờ biển phía bắc của Tenerife hồi khoảng 600 ngàn năm về trước. Chỉ trong ít phút, trận đất lở này đã cuốn đi nguyên cả một mảng bề mặt của Tenerife ra Đại Tây Dương.

Kết quả là một bè mảng xanh khổng lồ trôi dạt về phía tây, tới La Palma, một hành trình kéo dài từ bốn tới 13 ngày.

Emerson nói rằng các dòng hải lưu trên đại dương ngày nay chảy theo đúng hướng từ đảo này tới đảo kia, và được cho là cũng giống như những dòng hải lưu đã chảy vào thời điểm xảy ra trận lở đất đó.

"Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là vai trò quan trọng của các trận đất lở này đã chưa từng được nhắc tới trước đây," Emerson nói.

Các trận lở đất khủng khiếp xảy ra khá thường xuyên ở các đảo núi lửa như ở quần đảo Canaries. Các sự kiện được biết tới như "những sự sụp đổ của sườn núi lửa" có thể gây ra tình trạng sạt lở, lún đất, và thường là do các vết nứt hình thành từ hoạt động địa chấn.

"Chỉ cần đứng trên phần đỉnh rộng lớn của Orotava Valley ở Tenerife và nhìn ra hòn đảo láng giềng La Palma, ta sẽ nhận thấy sự rõ ràng đó," Emerson nói.

"Thung lũng được hình thành từ việc chỗ đó đột ngột mất đi hơn 130 cây số vuông, bị cuốn từ đảo xuống biển. Điều này có thể giải thích cho việc hàng tỷ cây cỏ, các loài động vật không có xương sống và các con vật khác trôi đi từ đảo này sang đảo khác."


Lở đất tại Ấn Độ năm 2014


Trong công trình tìm hiểu của mình, các khoa học gia ghi nhận là ngay trước khi núi Mount St Helen phun trào vào năm 1980, một trận đất lở khổng lồ đã kéo đi hàng chục ngàn cây cối vào vùng Lake Spirit gần đó, "nơi một mảng gỗ khổng lồ đã được tạo thành và tồn tại trong suốt hàng năm trời."

Điều quan trọng là các vụ đất lở lớn có thể mang nhiều thực, động vật tới cùng một hòn đảo vào cùng một thời điểm, tạo nên một quần thể ban đầu rất đa dạng về gene sinh học, khác với các bè mảng nhỏ như một khúc gỗ, một thân cây trôi nổi.

Tom Tregenza, một nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về quá trình tiến hóa thuộc Đại học Exeter của Anh, nói rằng nghiên cứu của Emerson có thể giúp giải thích lý do vì sao các động vật không biết bay sống trên mặt đất, như các loài bò sát và một số loại côn trùng lại tới được các hòn đảo xa xôi hẻo lánh giữa biển xa.

"Sự đóng góp độc đáo của công trình nghiên cứu này giúp chúng ta thấy được rằng các trận đất lở khổng lồ trên các hòn đảo ngoài đại dương có thể tạo thành sự dịch chuyển của các giống loài giữa các đảo, và công trình nghiên cứu cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy rõ ràng đây là những gì đã diễn ra trên quần đảo Canary Island," Tregenza nói. "Tôi nghĩ rằng đây là một kết quả rất thú vị."

Các trận đất lở rất đáng sợ, rất nguy hiểm cho những ai rơi vào hoàn cảnh đó. Nhưng nếu quả Emerson đúng, thì các sự kiện biến động địa chất này cũng đã giúp tạo nên sự đa dạng sinh học trên Trái Đất qua việc đem sự sống tới các hòn đảo cô lập.

James Badcock
Nguồn: bbc.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân