TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hạ Uy Di - quần đảo thần tiên
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hạ Uy Di - quần đảo thần tiên

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9550

Bài gửiGửi: Thu Feb 16, 2017 12:04 am    Tiêu đề: Hạ Uy Di - quần đảo thần tiên

Hạ Uy Di - quần đảo thần tiên


Hạ Uy Di là phát âm theo tiếng Hoa (xia wei yi) của Hawaii, tiểu bang thứ 50 của Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ.

Chúng tôi trở lại hải đảo nầy lần thứ hai sau mười mấy năm, để một lần nữa chiêm ngưỡng dung nhan cũng như hít thở không khí tuyệt vời nơi đây.

Hawaii trước đây chỉ là vùng biển mênh mông nằm giữa Thái Bình Dương, cách Tahiti ở Trung Mỹ đến 3200 km. Nó được hình thành bởi những đợt núi lửa phun trào phún thạch, cách nay không lâu, chỉ chưa tới mười triệu năm, mười triệu năm là khoảng thời gian không dài lắm nếu kể từ thời khai thiên lập địa đến nay. Mười triệu năm, cũng là thời gian cần thiết để những phún thạch, sau khi núi lửa ngừng hoạt động, với tác động của thời gian, của nắng mưa, của vô số tác nhân khác, đã từ những vật thể rắn như đá phún thạch, trải qua năm tháng với hàng triệu, hàng triệu năm, thiên nhiên đã biến chúng trở nên mềm hơn, rồi trở thành đất đai, để cây cỏ có thể sinh sôi nảy nở.

Điều thú vị là khi những di dân đầu tiên đến đây thì cỏ cây hoang dại đã bao phủ màu xanh của hải đảo, kể cả nhiều loài chim trời đã bay lượn và ca hót líu lo ở nơi nầy. Điều nầy làm người ta tự hỏi, thế ai đã đưa chúng đên đây, khi mà nơi nầy đã hình thành bởi những dung nham từ núi lửa, ngay giữa biển khơi, cách các châu lục hàng nhiều ngàn km? Phải chăng lại là một câu chuyện thần tiên?

Các nhà khoa học đã cho rằng thủy triều và giông bão đã đưa những mầm sống của cỏ cây đến đây. Đặt biệt là những trận cuồng phong đã thổi và cuốn theo những loài chim nhỏ bé đến nơi nầy, và ngay chính trên lông lá của những con chim ấy cũng mang theo những mầm sống của các loài thực vật, để rồi đâm chồi nẩy lộc, và cứ thế, sau hàng triệu, hàng triệu năm, hoang đảo đã dần dần trở nên xanh tươi, các loài chim cũng sinh sôi nẩy nở, tạo nơi nầy thành chốn thần tiên.



Con người thì mãi về sau nầy,khoảng từ năm 300 đến năm 600 sau Công Nguyên, những di dân đầu tiên mới đặt chân lên đảo. Họ là những người Polynesians đến từ đảo Marquesas islands, cách khá xa. Người ta không hiểu vì sao họ đã ra đi và đã đến đây. Họ đến bằng những chiếc ca-nô, chẳng có hải đồ, hải bàn, chỉ nhìn hướng sao trời mà đi. Trên thuyền họ mang theo heo, gà, chó và những loại khoai củ như khoai môn tím và một số khác làm thức ăn cho chuyến hải hành.

Đến nơi, họ tiếp tục nuôi những thú vật, và trồng những loại khoai củ đã mang theo làm thức ăn, những hoa màu và thú nuôi đã trở thành thực phẩm chính của thổ dân. Cứ thế tiếp tục cho đến ngày nay. Giờ đây du khách đến hải đảo đều được nếm loại thịt heo đặc bìệt quay ủ dưới mặt đất, cũng như những thực phẩm làm từ khoai môn tím, mà rõ nhất là loại bánh mì màu tím. Đến Hawaii mà chưa nếm nững món ăn đặc trưng nầy thì coi như chưa đặt chân đến Xứ Thần Tiên!!

Điều lạ lùng là lý do vì sao những người Polynesians đầu tiên đã đến đây. Họ cập bến có lẽ như một sự tình cờ. Vì lúc ấy cũng như mãi về sau nầy, không ai biết được vì sao giữa trùng dương nầy lại có những hải đảo như vậy. Lý do ra đi, người ta đoán để tránh dịch bệnh hoặc là chiến tranh? Không ai biết. Lịch sử của họ không được ghi chép lại, mà chỉ lưu truyền bằng những bài ca hoặc truyền miệng từ trong mỗi gia đình.

Đợt thuyền nhân thứ nhì từ Tahiti mãi đến khoảng năm 1.000 sau Công Nguyên mới đặt chân lên đảo.

Người Polynesians và Tahiti có nước da ngâm ngâm, xám xám. Khi những ngườì Âu lần đầu tiên đến đây, khoảng thế kỷ 15,16, họ thấy ngoài những thổ dân có nước da đặc trưng nầy, còn có một số it có nước da trắng, mắt xanh khá xinh đẹp, nhất là những thiếu nữ. Hỏi ra mới biết chúng là con cháu những thủy thủ người Tây Ban Nha, bị đắm tàu gần đó đã bơi được vào bờ. Được thổ dân cứu sống, nhưng quê nhà thăm thẳm mù khơi, biết vợ con, cha mẹ ngóng chờ, tìm đâu phương tiện để trở về cố quốc. Họ đành ở lại, chấp nhận nơi nầy là quê hương, rồi lấy vợ lập gia đình với người bản điạ và sinh ra những đứa con lai và cứ thế cuộc sống tiếp diễn ở nơi nầy. Ở quê nhà, cha mẹ vợ con chắc nghĩ họ đã vùi thây trong lòng biển cả rôì!!


Cung Điện Iolani Palace


Chúng tôi đến Hawaii lần nầy là lần thứ hai. nhưng với Honolulu là lần đầu, lần trước chúng tôi đã ghé thăm một đảo nhỏ hơn, đó là Maui.

Honolulu là đảo lớn nhất đối vơí quần đảo Hạ Uy Di. Nó cũng là thủ phủ của tiểu bang. Và trước nữa, nó là kinh đô của vương quốc Hawaii. Trong 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, có hai tiểu bang từng là những quốc gia độc lập, được quốc tế công nhận (international diplomatic recognition), đó là quốc đảo Hawaii và nước Cộng Hoà Texas (Republic of Texas).

Đến Honolulu, nơi đầu tiên chúng tôi đến thăm là cung điện xưa của vương quốc nầy, có tên là Iolani Palace. Cung điện rất đồ sộ và kiên cố, xây theo kiểu kiến trúc Âu châu. Đây là cung điện duy nhất trên đất Hoa kỳ, vì nó đã hiện diện trước khi bị sáp nhập vào Mỹ. Như mọi người đều bìết, Hoa kỳ ngay từ khi lập quốc, hiến pháp đã ghi rõ, cấm thiết lập nhà nước theo hình thức vương quyền.


Người dân Hawaii đã biết dùng điện thoại trước cả người Mỹ


Như đã biết, trước khi bị sáp nhập vào Mỹ, Hawaii là một quốc đảo độc lập, họ đã có những mối quan hệ rộng với Âu châu, Nhật bản và Hoa kỳ. Đất nước khá văn minh chứ không phải như một dân tộc bán khai. Họ đã biết dùng điện thoại ngay trước cả nước Mỹ. Cung điện Iolani cũng được bắt điện trước cả toà Bạch Ốc của Hoa Kỳ. Trong cung điện có khá nhiều những báu vật là quà tặng của nhiều quốc gia.


Nữ Hoàng Liliuokalani


Họ cũng khá thân thiết với Hoa kỳ, và một vị vua đã sang Mỹ chữa bệnh ở San Francisco và chết ở đây. Em gái nhà vua đã lên ngôi Nữ Hoàng, đó là Nữ Hoàng Queen Liliuokalani mà sau đó không lâu đã bị lật đổ bởi những thương gia, kỹ nghệ gia Hoa Kỳ cùng với một đơn vị hải quân.


Kỷ vật của Nữ Hoàng trong thời gian bị quản chế


Nữ Hoàng bị phế truất và bị quản thúc ngay trong cung điện nầy. Đây là một chuỗi ngày buồn thảm của bà.Buồn thảm vì bị phế truất vương quyền, đất nước bị chiếm đoạt, ngày ngày bà ngồi thêu đan, mượn đường kim mũi chỉ để quên đi hận mất nước... Những di vật nầy của bà hiện vẫn còn lưu giữ ở đây.


Ngai Vàng


Cung điện bị chiếm làm cơ quan công quyền trong một thơì gian khá lâu, mãi đến những năm 1970 mới được phục hồi lại để trở thành một điểm tham quan như ngày nay. Những báu vật đa số bị mất. Sau khi cung điện được phục hồi, một số người sở hữu chúng đã giao tặng lại, một số khác được những thân thuộc của Hoàng Gia cũ tìm mua lại và dâng tặng cho cung điện, để làm chứng tích cho một quốc gia, một triều đại đã không còn. Những Vương Miện, những Ngai Vàng, những Gươm Báu vẫn còn đó. Cũng như những Tháp Chàm của Vương Quốc Chăm Pa, chúng là những di vật của một thời vàng son của những dân tộc không may của lịch sử.


Vương Miện và Bảo Kiếm


Nơi thiết triều trong Cung Điện


Một phần chiến hạm USS Arizona nhô lên mặt nước


Khi những người Âu đầu tiên đến đây, dân số hải đảo khoảng 300,000. Người Âu đến cũng mang theo nhữnh bệnh tật mà trước đó không hề có ở đây, nên người dân không có được miễn nhiễm với những bệnh nầy. Những căn bệnh nầy, không phải là người Âu, đã giết hại thổ dân khá nhiều, cho đến những năm 1920, chỉ còn lại khoản 20,000!!

Một nơi nữa mà hầu như ai đến Honolulu cũng đều muốn thăm viếng, đó la Pearl Harbor - Trân Châu Cảng. Nơi đã diễn ra trận không tập bất ngờ của không quân Nhật trên căn cứ hải quân của Mỹ vào ngaỳ 7/12/1941, một trận đánh đã làm chấn động nước Mỹ và đã đưa Hoa Kỳ tham gia trực tiếp vào Đệ Nhị Thế chiến.

Ngày nay, thân xác một chiến hạm bị đánh chìm trong trận không kích ấy, chiếc USS Arizona, vẫn còn nằm đây. Trong lòng nó nghe nói vẫn còn ôm ấp thân xác những thủy thủ của con tàu, và đáng ngạc nhiên hơn,sau hơn 70 năm, những vết dầu vẫn còn rỉ ra từ xác con tàu, như máu vẫn còn rướm, vết thương vẫn chưa chịu lành, dù hai kẻ cựu thù nay đã là những đồng minh thân thiết!!

Đến nơi đây, không ai không khỏi ngậm ngùi, mấy ngàn người đã phút chốc vĩnh viễn ra đi. Chiến tranh luôn đem lại những khổ đau, tan nát. Vậy mà buồn thay, nhân lọai vẫn chưa học được bài học sơ đẳng nầy, và đây đó trên quả địa cầu nầy, ngày ngày con người vẫn còn sát hại nhau...



Quá khứ đau buồn, thôi hãy để sang một bên, Hạ Uy Di vẫn còn những nơi đẹp đẽ, những điểm du lịch làm thõa lòng du khách.

Đến Trung Tâm Văn Hóa Người Polynesians (Polynesians Cultural Center), chúng tôi chọn nơi nầy vì nó được tổ chức rất chu đáo. Từ Waikiki - thành phố chính của Honolulu - xe đưa chúng tôi ra ngoại ô, qua những ngôi làng nho nhỏ, khá dễ thương, lúc lên đồi, khi dọc theo men biển, hơn một tiếng đồng hồ mới tới khu du lịch. Từ 10 giờ sáng, chúng tôi thưởng thức những chương trình của những sắc dân trên đảo. Mỗi sắc dân có một khu riêng, họ trình diễn những điệu múa, những sinh hoạt hàng ngày như bóc vỏ trái dừa, nạo cơm dừa bằng những dụng cụ thô sơ. Những thanh niên trèo lên thân dừa cao vút, thoăn thoắt, nhẹ nhàng như sóc trèo cây; hoặc dùng những thanh tre cọ xát vào nhau để tạo ra lửa dùng cho sinh hoạt hằng ngày...

Trên một đoạn sông ngắn, họ trình diễn những vũ điệu của thổ dân, những thanh niên khỏe mạnh và những thiếu nữ xinh đẹp với những điệu múa tuyệt vời làm say đắm khán giả. Mỗi sắc dân một điệu múa, điệu nào cũng tuyệt vời, thích nhất là vũ điệu Lu’au với những điệu lắc mông độc đáo hình như chỉ có ở quần đảo nầy.

Từng chiếc ca nô, từng chiếc từng chiếc, với những vũ công như những nàng tiên, lần lượt chèo ra trình diễn, trong một không khí thật thanh bình, hình như ở một nơi chốn thần tiên nào đó...


Vũ điệu Lu' au


Sau khi xem những chương trình biểu diễn nghệ thuật của các sắc dân trên đảo, mọi người dùng bữa cơm tối trong một phòng ăn rất rộng, chứa cả ngàn người. Đông là vậy, nhưng họ tổ chức rất chu đáo. Vừa ăn lại vừa đươc xem biểu diễn văn nghệ nữa với những điệu múa đặc sắc, trong đó có điệu múa lửa rất là ngoạn mục, nhiều khách được mời lên cùng múa vũ điệu Lu’au, điệu múa lắc mông độc đáo, vui quá chừng. Nơi đây chúng tôi được thưởng thức món thịt heo quay đặc sắc được quay ủ từ trong lòng đất, món ăn mà những di dân đầu tiên đã mang theo và lưu truyền cho đến ngày nay.

Sau cùng là chương trình văn nghệ được trình diễn trong một nhà hát hiện đại. Họ trình diễn một vở ca vũ nhạc kịch có tên The Breath Of Life, nói về cuộc đời một đứa bé từ khi còn bồng trên tay theo năm tháng lớn lên, từ năm ba tuổi cho đến mười mấy đôi mươi, được nuôi nấng dạy dỗ trong một không gian thanh bình của bộ tộc. Đứa bé được rèn luyện để trở thành một chiến binh, trong một mội trường hoan lạc, lúc nào cũng vang lên những tiếng cười, điệu hát, những vũ điệu thần tiên. Thế rồi bỗng nhiên một bộ tộc khác đến gây chiến, chiến tranh khốc liệt diễn ra, cảnh thanh bình giờ trở thành khổ đau, mất mát.Bộ tộc bị chiến bại, cậu thanh niên đã hy sinh, cảnh buồn đau bao phủ khắp nơi. Những điệu vũ biểu hiện những đau thương tang tóc làm rơi lệ người xem...

Rồi năm tháng qua đi, niềm đau cũng dần nguôi, thanh bình lại trở về, tiếng hát tiếng cười lại vang lên. Nhưng rồi quân thù lại đến, chiến tranh lại xảy ra. May thay lần nầy bộ tộc chiến thắng, kẻ gây chiến bị thảm bại. Kẻ chiến bại bị bắt và trong lúc sắp bị đem ra hành hình, thì chính người mẹ của chàng thanh niên năm nào đã thuyết phục mọi người hãy ngừng tay, trả họ về lại với gia đình. Bởi nếu giết họ thì vợ con, cha mẹ họ cũng sẽ đau khổ như chính mình đã từng đau khổ năm nào.

Lời thỉnh cầu đã được nghe, kẻ thù được tha mạng, không những được về lại cố hương mà còn được trao trả những vũ khí mà họ đã mang đến.

Lấy ân trả oán, từ đây không còn hận thù, và tiếng ca tiếng nhạc lại trổi lên, những điệu múa lại được mọi người cùng chia sẻ, thanh bình trở về, từ đây không còn chiến tranh, không còn hận thù, chỉ còn có tình thương...

Một điều cũng nên biết đến, đó là những vũ công, những nghệ sĩ trình diễn, hầu như tất cả đều là những sinh viên đại học. Họ làm ở đây như một đam mê, và cũng để kiếm thêm thu nhập phụ cho việc học hành. Có điều, mọi người đều tưởng đó là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, vì họ biểu diễn quá tuyệt vời...



Không khí ở Honolulu thật là tuyệt, mát mẻ, hít vào tưởng chừng như hít vào cơ thể muôn vàn liều thuốc bổ. Từ ban công, nhìn ra ngọn đồi ở xa xa, con kênh trước mặt, cảnh thần tiên như lan toả đó đây.

Tạm biệt Hawaii, hải đảo Thần Tiên, một hải đảo đẹp tuyệt vời. Mong có ngày sẽ trở lại nơi đây.

Tạm biệt những Nàng Tiên.

Mùa Thu 2016
Huỳnh Ngọc Ánh
Nguồn: lientruong-quynhon.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân