TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cuộc chạy đua vào không gian
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cuộc chạy đua vào không gian

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Sat Nov 19, 2016 10:42 pm    Tiêu đề: Cuộc chạy đua vào không gian

Cuộc chạy đua vào không gian


Lịch sử thế giới sẽ thay đổi nếu Hitler cho tung ra những hỏa tiễn V2 sớm hơn 6 tháng, nếu quân đồng minh không phát hiện và dội bom căn cứ Mittelbau – Dora, một trại tập trung nơi Đức quốc xã sản xuất và xây dựng bệ phóng loại hỏa tiễn có sức tàn phá khốc liệt. Ngay cả khi Hitler dời vị trí sản xuất và giàn phóng này vào sâu dưới lòng đất trong một mỏ than thì những phi vụ oanh tạc của liên quân đồng minh chỉ làm trì hoãn lại những vụ phóng hỏa tiễn kinh hồn này.


Hỏa tiễn V-2 rời giàn phóng tại -, trên đảo Usedom ở Biển Baltic. nguồn thisdayinaviation.com


Chính vì thế vào những ngày cuối cùng của cuộc Thế chiến thứ II, trong những giờ phút hấp hối của Ðức quốc xã thì 3 toán quân đặc nhiệm của Anh, Mỹ và Sô Viết bí mật tiến nhanh sâu vào các khu chế tạo vũ khí nước Ðức. Nước Mỹ trong “Chiến dịch cái kẹp giấy”do OSS tiền thân của CIA, nhắm đến những tài liệu và chất xám đã giúp Ðức quốc xã chế tạo ra hỏa tiễn V2, một loại vũ khí gây tổn thất nặng nề cho phía Nam nước Anh và một phần Tây Âu chỉ một tuần trước đó. Hỏa tiễn V-2 chính là thiết kế căn bản và nền móng cho các phi thuyền vũ trụ của Nga và Mỹ sau này. Mỗi đội quân đồng minh này đều lấy được một số ít tài liệu mật, nhưng phía Mỹ dường như may mắn hơn khi đến trại tập trung Mittelbau – Dora và lấy được đa số các bản vẽ. Người Mỹ còn may mắn hơn khi họ có Von Braun, người lãnh đạo chương trình phát triển tên lửa V-2 và nhóm chuyên viên của mình đã đầu hàng ở một trại lính Mỹ đóng ở Áo vào Tháng Năm 1945.


Vệ tinh Sputnik – nguồn Fine Art America


Về phía Nga Sô, kỹ sư Sergei Korolev dẫn đầu nhóm lính săn tìm những tài liệu tương tự như phía Mỹ về hỏa tiễn V-2. Trong một doanh trại hoang tàn, họ tìm thấy một thùng chứa các bản vẽ sơ đồ và tài liệu mà họ tìm kiếm, Nga Sô cũng đã gom gần 5 ngàn công nhân Ðức đã tham gia sản xuất tên lửa về Liên Xô để phục vụ dự án tên lửa của mình. Cả hai nước Nga và Mỹ sau Ðệ Nhị Thế Chiến từ đồng minh trở thành đối thủ trong cuộc chiến tranh lạnh. Và họ có trong tay nhân lực, chất xám và kỹ thuật cần thiết cho cuộc chạy đua thống trị không gian.

Năm 1949, không bỏ lỡ thời gian, nhóm kỹ sư Nga Sô dẫn đầu bởi Korolev đã nhanh chóng cải tiến và nâng cấp chế tạo R-1, một loại hỏa tiễn tương tự như V-2 nhưng bao gồm nhiều hỏa tiễn nhỏ gộp lại, qua nhiều giai đoạn đốt nguyên liệu phản lực có khả năng đưa đầu đạn nguyên tử đi vào bất cứ nơi nào trên trái đất. Trong khi ấy thì Von Braun và cộng sự của mình lại ngồi bó tay trong căn cứ Fort Bliss, Texas. Trong 5 năm, họ chờ đợi chính phủ Mỹ bật đèn xanh cho công trình nghiên cứu và phóng phi thuyền vào không gian. Chẳng phải người Mỹ nghi ngại Von Braun, người từng là cựu thành viên của SS Ðức quốc xã. Chính sách dân chủ và ngân sách quốc phòng cho chương trình này đòi hỏi sự đầu tư khổng lồ khiến quốc hội Mỹ chần chừ. Cùng thời gian ấy thì Nga Sô Viết đã âm thầm tiến hành vũ bão việc chế tạo hỏa tiễn R-7, họ đã thành công khi phóng đi một rocket mang đầu đạn hạt nhân giả, vượt qua 4, 000 dặm. Tin tức này làm rúng động người Mỹ, với tầm phóng xa như vậy thì từ nước Nga, các đầu đạn hạt nhân có thể phóng đến bất cứ nơi nào trên đất Mỹ.


Yuri Gagarin trong phi thuyền Vostok 1, đang chờ cất cánh vào ngày 12 Tháng Tư 1961


Tuy vậy phải đợi đến khi Sô Viết phóng thành công vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo trái đất vào ngày 4 tháng 10 năm 1957, mới làm chính phủ Mỹ lo sợ thật sự. Chỉ cần chế tạo trong vòng một tháng, cấu tạo đơn giản mà hiệu quả chỉ gồm một quả cầu kim loại đánh bóng, các thiết bị đo nhiệt, pin và một bộ phận phát tín hiệu vô tuyến, Vệ tinh này được phóng thành công ngay từ lần đầu tiên. Sputnik đã chứng tỏ tài năng và khả năng chinh phục không gian của Sergei Korolev và nhóm khoa học gia Nga Sô, họ đã mở ra kỷ nguyên chinh phục khoảng không vũ trụ.

Sự kiện Sputnik gây chấn động toàn thế giới, Khrushchev – lãnh tụ Liên Xô rất hài lòng với sự thành công của Sputnik và nôn nóng thúc đẩy cuộc chinh phục không gian. Sputnik 2 được phóng thành công ngày 3 tháng 11 cùng năm, chưa đầy một tháng sau Sputnik 1. Sputnik 2 nặng hơn Sputnik 1 sáu lần và mang theo chó Laika vào vũ trụ. Toàn bộ con tàu được thiết kế và chế tạo chỉ trong 4 tuần, không có thời gian để thử nghiệm và kiểm tra. Con tàu không được thiết kế để quay trở về trái đất. Chó Laika chết sau vài giờ trên vũ trụ vì sức nóng. Nhưng báo chí Sô Viết vẫn loan báo là Laika đã “hoàn thành nhiệm vụ” trong 1 tuần lễ. Sputnik 3 phóng đi ngày 15 tháng 5 năm 1958. Dù thất bại vì thiết bị ghi dữ liệu thu thập từ chuyến bay không hoạt động. Nhưng điều Sputnik 3 làm được đó là gây sự lo lắng cho Hoa Kỳ về năng lực tên lửa đạn đạo của Liên Xô.


Phi hành gia Alan B. Shepard trên boong tàu USS Lake Champlain, sau khi trục vớt phi thuyền lên boong tàu ở phía tây Đại Tây Dương.


Người Mỹ thật sự lo sợ và biết rằng mình đã bị qua mặt, Von Braun thì bực tức. Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower cho phóng vệ tinh đầu tiên Vanguard tháng 12, 1967 ở Cape Canaveral, Florida. Tên lửa này do US Navy chế tạo và phát nổ ngay tại giàn phóng. Ðến lúc ấy thì Von Braun mới được trọng dụng. 5 tuần sau vào ngày 31 Tháng Giêng năm 1968 hỏa tiễn Jupiter C được phóng đi thành công, đưa vệ tinh Explorer 1 vào quỹ đạo trái đất. Cuộc đua quyết liệt vào không gian thực sự bắt đầu giữa 2 cường quốc. Ngày 12 Tháng Tư 1961, Yuri Gagarin là người đầu tiên đi vào không gian trong chiếc phi thuyền Vostok 1. Lần đầu tiên con người thoát khỏi sức hút trái đất và nhìn thấy quả đất mình đang sinh sống nhỏ bé và xanh biếc. Dù lần trở về trái đất không đúng như dự tính khi sợi dây cáp không tách rời buồng capsule và Gagarin phải bung dù ở độ cao 2, 000 bộ xuống một thôn làng hẻo lánh Smelovka. Gagarin đã trải qua 108 phút lịch sử trên quỹ đạo trái đất. Như thế là 5 năm sau Sputnik, Nga Sô Viết lại thắng người Mỹ một lần nữa.

Gần 1 tháng sau đó, Alan Shepard là người Mỹ đầu tiên đi vào không gian bằng phi thuyền Mercury, dù không vào được quỹ đạo trái đất. Tổng thống JFK quyết định đưa cuộc đua đi xa hơn, đáp xuống mặt trăng vào cuối thập niên. Tháng Hai 1962, John Glenn là người Mỹ đầu tiên đi vào quỹ đạo trái đất. Cuối năm 1962 với sự điều hành của Von Braun, NASA (Cơ quan quản trị hàng không Mỹ) đã tiến nhanh trong chương trình Apollo thám hiểm mặt trăng. Trong vòng 3 năm từ 1961 đến 1964, ngân sách NASA được tăng 500%, 25 tỉ đô la dành cho cuộc đua ngày càng quyết liệt. Thế giới sau đệ nhị thế chiến đã bước sang cuộc chiến tranh lạnh và cuộc chiến giữa các vì sao là điều có thể xảy ra... Mặc dù thất bại với Apollo 1 cùng 3 phi hành gia thiệt mạng Tháng Giêng năm 1967, NASA đã thành công rực rỡ khi Apollo 8 đưa người vào quỹ đạo mặt trăng tháng 12, 1968. Và ngày 20 Tháng Bảy năm 1969, phi hành gia Neil Armstrong là người từ trái đất đầu tiên bước xuống mặt trăng với Apollo 11. Hơn 500 triệu người xem TV từ khắp thế giới và nghe ông nói: “Một bước nhỏ của con người, một bước nhảy vọt vĩ đại cho nhân loại.” Ngay hôm sau, Nga Sô phóng Luna 15, một phi thuyền không người dự tính đáp xuống mặt trăng, thu thập đất đá và trở về lại trái đất. Vào phút cuối cùng Luna 15 được thay đổi lộ trình và cố đáp xuống gần chỗ đáp của người Mỹ. Luna 15 bị hỏng nát khi đáp xuống.


Neil Armstrong bước đi trên mặt trăng – nguồn Push Square


Cái chết bất ngờ của Sergei Korolev Tháng Giêng năm 1966 là một tổn thất lớn tiếp theo cho Nga Sô. Là một “tổng công trình sư” tên gọi cho chức vụ của mình, vì e ngại các tình báo Mỹ mưu sát, Sergei Korolev đã trải qua nhiều thăng trầm đọa đày 6 năm dưới thời Stalin, khi ông bị vu khống khép tội chống lại bí mật nhà nước, bị đày ở Siberia địa ngục trần gian trong nhiều tháng trời. Sức khỏe ông bị suy giảm đến trầm trọng, suy tim, hư thận, thính giác suy giảm, hàm răng rệu rã... Ông được chẩn đoán ung thư ruột già và đưa vào bệnh viện, 9 ngày sau ông mất. Người kế nhiệm của ông là Vasily Mishin đem lại nhiều thất bại với hỏa tiễn N1 sau 4 lần phát nổ khi phóng đi. Tổng bí thư Loenid Brezhnev hủy bỏ chương trình chinh phục mặt trăng và tập trung vào vệ tinh trên quỹ đạo trái đất. Hai cường quốc thỏa thuận trong chương trình thử nghiệm Apollo-Soyuz cùng phóng phi thuyền và gặp nhau trong vũ trụ. Sau khi ráp nối thành công vào ngày 17 tháng 7 năm 1975, ở trạm không gian đó họ bắt tay trao đổi quà lưu niệm và cùng nhau xem vệ tinh của hai phía. Cuộc chạy đua thám hiểm mặt trăng chấm dứt.

Kể từ 1969 đến 1972 Von Braun cùng NASA đã đưa các phi hành gia Mỹ 6 lần đáp xuống mặt trăng thành công. Mỗi lần đáp lưu lại một lá cờ sao sọc, mang niềm tự hào cho người Mỹ. Những hình ảnh chụp gần đây cho thấy 5 lá cờ vẫn còn cắm trên dung nhan chị Hằng. Riêng lá cờ của Armstrong thì bị thổi phăng khi chiếc Apollo 11 cất lên cao khi trở về lại trái đất. Sau nhiều năm màu xanh đỏ trắng của lá cờ dường như phai nhạt bởi nhiệt độ nóng lạnh và ánh sáng cực tím ở bề mặt nguyệt cầu, nhưng màu sắc tự hào của người dân Mỹ, Nga Sô và của nhân loại sẽ còn mãi trong cuộc chinh phục của con người vào vũ trụ xa xăm.

Sean Bảo
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân