TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NHỮNG NĂM DẠY HỌC TRƯỜNG TRUNG HỌC DUY TÂN PHAN RANG
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NHỮNG NĂM DẠY HỌC TRƯỜNG TRUNG HỌC DUY TÂN PHAN RANG

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
LE-HOA
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 02 Feb 2009
Số bài: 1005

Bài gửiGửi: Tue Oct 04, 2016 12:31 pm    Tiêu đề: NHỮNG NĂM DẠY HỌC TRƯỜNG TRUNG HỌC DUY TÂN PHAN RANG
Tác Giả: Thu Trang

NHỮNG NĂM DẠY HỌC
TRƯỜNG TRUNG HỌC DUY TÂN PHAN RANG



Tính thời gian từ năm tôi bắt đầu đi dạy (1958) đến hôm nay tôi ngối viết bài nầy là vừa đúng năm mươi năm trời! Nửa thế kỷ đã trôi qua, lịch sử đã mấy lần sang trang, cuộc đời lắm cảnh bể dâu, và tôi cũng đã trải qua bao phen vinh nhục thăng trầm trong đời mình. Nay hồi tưởng lại trong lòng không khỏi thương cảm, ngậm ngùi...

Có những sự việc qua lâu rồi mà tôi cảm thấy như vừa mới xảy ra gần đây thôi. Những kỷ niệm thật êm đềm thú vị, thật đáng ghi nhớ trong đời dạy học của tôi, nhất là dưới mái trường Duy Tân thân thương, với từng thế hệ học sinh trong trắng vô tư, nghịch ngợm mà dễ thương, có tình, có nghĩa thầy trò.. Thuở ấy lòng tôi mang nhiều hoài bão của tuổi thanh xuân, cùng những người bạn xuất thân trường SPSG ( mà sau nầy đều học hỏi vươn lên, người làm Thanh tra Trung học, người đi Tu nghiệp ngoại quốc, người vào Đại học khoa học, người lên Cao học Luật khoa, kẻ Văn khoa..), mới chân ướt chân ráo bước vào nghề dạy với một lý tưởng trong sáng, với tấm lòng yêu nghề thiết tha , và rất hăng say trong việc dạy học cũng như trong các sinh hoạt khác trong học đường…Chúng tôi, những người còn rất trẻ, tuổi vừa mới đôi mươi, người nào cũng lòng đầy nhiệt huyết, đều cảm thấy cuộc đời tươi đẹp như nụ hoa vừa mới nở buổi sớm.

Trở lại ngày đi dạy lần đầu tiên của tôi. Và cũng lần đầu tiên trang điểm môi son má hồng một tý cho ra cô giáo, nhưng tôi vẫn giản dị trong chiếc áo dài trắng đơn sơ như thời còn đi học, chân mang đôi guốc hơi cao cho thêm uyển chuyển trong bước đi, và cho thấy lớn hơn một tý. May là ngôi nhà ba má tôi trên con đường Trưng Nữ Vương chỉ cách xa ngôi trường Duy Tân chừng 200 mét, đi bộ khoảng 5 phút là tới nơi, mà tôi vẫn thấy đường dài như cô học trò nhỏ mới đến trường lần đầu tiên! Tôi cầm tờ Sự vụ lệnh bổ nhiệm tôi ký ngày 03.10.58 của bộ Q.G.G.D. đến dạy trường Duy Tân, ngôi trường trung học duy nhất ở thị xã Phan Rang, thuộc tỉnh Ninh Thuận, mà lòng vô cùng hồi hộp xao xuyến... Đứng trước cửa phòng Hiệu trưởng, tôi rụt rè đưa tay gõ nhẹ rồi bước vào trình diện ông hiệu trưởng (ông đã biết trước vì SVL đã tới trường mấy tháng nay mà tôi vẫn còn muốn nghỉ hè thêm nên chưa vội đến trường trình diện). Ông là người hiệu trưởng đầu tiên từ khi ngôi trường mới được thành lập. Đó là ông Nguyễn Quảng Tuân, một trong các tác giả soạn sách Giảng văn từ đệ thất đến đệ tứ lúc bấy giờ. Ông còn khá trẻ, chưa tới ba mươi tuổi, vẻ mặt trẻ trung thông minh sau cặp kính trắng. Ông nở nụ cười tươi chào đón nên tôi cũng bớt bỡ ngỡ. Tôi được phân công dạy ngay: phụ trách dạy Việt văn ba lớp đệ thất (18 giờ mỗi tuần). Ông còn tặng tôi cuốn sách Giảng văn đệ thất, và đặc biệt một quyển sách dày bìa mạ chữ vàng gồm 4 cấp lớp: thất. lục, ngũ, tứ, cũng do ông soạn.

Lúc ấy thành phần ban giảng dạy đều là nam giáo sư, chỉ có tôi là nữ duy nhất, bản tính vốn rụt rè nhút nhát nên tôi rất e ngại mỗi khi phải bước vào phòng giáo sư. Cho nên nhiều khi trong giờ chơi tôi thường ngồi lại lớp hoặc đứng một góc nào đó ngoài hành lang nhìn ngắm học sinh đùa giỡn ngoài sân trường, đợi giờ vào lớp.

Lúc ấy số giáo sư còn khá ít ỏi vì nhà trường chỉ có 4 liên lớp từ đệ thất tới đệ tứ, mỗi liên lớp chỉ có 3 lớp, gồm tất cả 12 lớp học. Ngoài thầy Nguyễn Tiêm là giám học, có các thầy: cụ Thai, các ông Đãi, Văn, Soái, Sơn, Nhiễu, Kha, Xuân, Nguyễn văn Nghiêm, Võ Hinh, Nguyễn ngọc Lưu, Nguyễn ngọc Bảo, Nguyễn hồng Dzang, cụ Tiếu, Bùi Bổng, Tôn Thất Vân, Phạm v Khánh, Nguyễn m Chính, Phan v Thanh, Nguyễn v Thuận, Nguyễn ngọc Lâm, Nguyễn v Đức, Trương m Đạt, Đoàn hữu Mậu... về sau trường mở thêm các lớp đệ nhị cấp, bộ Giáo dục lại bổ ra thêm một loạt các thầy mới tốt nghiệp đại học sư phạm 3 năm và Cử nhân: các ông Đào Trường Khánh, Nguyễn văn Sáu, Phan văn Ngậc, Nguyễn văn Trung, Tôn thất Liệu, Nguyễn trọng Đức, Nguyễn tân Khoa, Đan ngọc Quế, Nguyễn hữu Vui, Nguyễn thái Long, Trịnh quang Bình, Nguyễn ngọc Chương... (chắc còn thiếu sót vì lâu quá tôi không sao nhớ hết). Thành phần giáo sư mới này tạo thêm một bầu không khí vui nhộn tươi trẻ trong hàng ngũ giáo sư.

Nhân viên văn phòng có cụ Sinh và các ông Đinh Minh, ông Thoại, ông Tân. Khi tôi đến dạy thì cụ Sinh sắp về hưu trí.

Vài năm sau bên nữ giáo sư, ngoài tôi (PTLệHoa), có thêm các cô: Lê thị Minh-Sương, Quách Tuyết-Lan, Phan thị Bạch-Mai, Phan thị Bạch-Tuyết, Công Tằng Tôn Nữ Nộn-Ngân, Lệ-Chi, Tố-Ái (phu nhân thầy Bình), Thanh-Kiệm (phu nhân của ông cựu chánh án Trần Đại Khâm), Ngọc-Mai, Ngọc Minh... tạo cho thành phần giáo sư nữ mấy năm ấy như một vườn hoa đầy sắc hương... Tôi xin nói một chút về chị Lê thị minh Sương (chị thường tự hào về tên họ của chị: “Lễ thì mình sướng! ”). Lúc ấy các thầy cô ai cũng xem chị như người chị tài ba (chị dạy Anh văn cấp 3, rất giỏi) và là người rất đạo đức: hiếu thảo với mẹ, chăm lo các em chu đáo, nhiệt tình trong các sinh hoạt học đường... Tôi với chị ngoài tình đồng huơng (Chợ Mới, Nha Trang), tôi còn xem chị như người chị thân thiết để kể tâm sự. Tôi thường với các cô Nộn-Ngân, Bạch-Mai, Bạch-Tuyết đến nhà chị ở gần cầu Đạo Long ăn những chiếc bánh căn nóng hổi do má chị mới đúc ra khuôn, chấm với nước cá nục kho hay nước mắm nhĩ của hãng nhà anh Trung (chồng sắp cưới của chị) sản xuất, thật là ngon tuyệt, không món nào bằng.

Nhưng đáng kể nhất vẫn là chuyện về những học trò của tôi. Từng niên học lại từng niên học kế tiếp, số học trò tôi càng nhiều càng nhiều, tôi không thể nào nhớ rõ hơn hết, chỉ ghi ra đây những em học sinh hơi đặc biệt, nếu còn thiếu sót thì các em hãy tha thứ cho tôi.

Tôi còn nhớ niên học đầu tiên 58-59 có những sự kiện đặc biệt và những em học sinh khá đặc biệt khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ.

Lớp đệ thất 1, tôi không quên em Xuân Hương ngồi bàn đầu, dáng người mảnh khảnh, hai má trắng hồng, nói năng nhỏ nhẹ. Em Đinh T Hoàng Oanh (con thầy Đinh Minh), về sau còn có hai em Hoàng Dũng, Hoàng Liệt học rất khá, là em của Oanh, cũng là học trò tôi. (Năm 2005, tôi về VN nghe tin em Oanh bị tử nạn xe cộ, rất tiếc là tôi bận nhiếu việc ở Sài Gòn nên không ra Phan Rang được để tiễn em lần cuối cùng).

Trong đám nam sinh tôi nhớ nhất hai em Chung và Cư ở Tháp Chàm đạp xe đi học, khi qua mặt tôi thường quay lại chào rõ to “Thưa cô! ”. Vào lớp học, hai em là chúa nghịch ngợm, nói chuyện tếu chọc cả lớp cười. Có lần tôi đang đọc bài Chính tả, nhìn xuống thấy em Cư đeo cặp mắt kiếng trắng, thường ngày không thấy em đeo kiếng nên tôi quan tâm hòi: “Em Cư, em bị cận thị hồi nào vậy?”. Em chỉ cười ngỏn ngoẻn. Một lúc sau tình cờ tôi chợt bắt gặp em thò ngón tay trỏ qua tròng kính để dụi mắt. Thì ra em nầy đã tinh nghịch đeo kính không tròng để chọc cười cả lớp, hay chọc cô giáo quá ngây thơ! Ngoài những em nghịch ngợm, cũng có không ít những em rất ngoan, biết vâng lời và học hành chăm chỉ. Cũng ở lớp nầy tôi vẫn còn nhớ đến các em Diệp Nghĩa Nghiệp, Lại Văn Mười học khá giỏi và thật hiền. Lớp Thất 2 năm ấy đặc biệt có 4 em nữ sinh ngồi cùng bàn và thường đi chơi chung với nhau không rời. Các em nầy được mệnh danh là bộ tứ: Huỳnh Hoa (học giỏi), Minh Hiền, Lan, Lành (con cô Nho, giáo viên tiểu học). Cậu em trai của em Lành là Phước cũng học cùng lớp, ngồi bàn đầu. Mỗi khi giơ tay xin phát biểu em thường chạy ra khỏi bàn học để cô giáo chú ý. Còn có em Trương thị Dạ (con thầy Tân, giám thị) hiền lành, chậm chạp. Mấy niên khóa sau, cũng ở lớp Thất 2, tôi không quên các em nữ sinh thật ngoan ngoãn, xinh xắn, dễ thương, học khá giỏi và rất hoạt động trong lớp, đó là các em: Võ thị Hiền, Khúc Minh Hương, Nguyễn thị Lãm..., đặc biệt tôi còn viết lưu bút cho các em.

Lớp Thất 3 có em Phạm thị Cơ lanh lợi nhất, giọng nói khá to, rõ ràng. Tôi thường bắt em lập lại những câu tôi đọc chính tả để các em khác nghe rõ. Sau này em lập gia đình khá sớm, độ đâu vài năm sau khi tôi đổi ra Quinhơn (mới có đứa con đầu lòng) về thăm lại Phanrang, tôi gặp em ở ngoài đưòng thì em cho biết đã có ba con!

Nam sinh có em Tạ Duy Báu (em của Tạ Duy Quý, vô địch bóng bàn học sinh thời đó). Em Báu to con mà hiền lành, em cũng đánh bóng bàn khá giỏi.

Một học sinh đặc biệt khác: em Hồ Công Mạnh Hùng (con ÔB. chủ tiệm sách Quảng Thuận). Em trắng trẻo đẹp trai, không hiểu tại sao lúc đó em ham chơi ít chịu soạn bài giảng văn thường bị tôi cho điểm nhỏ. Nhưng không ngờ lên đến lớp đệ Nhị em lại học hành xuất sắc, hạnh kiểm rất tốt, được bầu làm học sinh gương mẫu toàn trường. Người em gái của em là Hồ Công thị Lệ Huyền Vân, mấy năm sau cũng là học trò cưng của tôi (tôi nhớ vì cái tên quá dài và đẹp của em). Em Vân rất xinh với khuôn mặt bầu bĩnh, với đôi mắt huyền to, hàng mi cong vút. Còn có em Trương T Ngọc Nhi trắng trẻo, hiền lành (con của bác Trương Thành Khuê Thanh tra tiểu học, một nhà mô phạm rất đạo đức mẫu mực, người anh của em Nhi là Trương Thành Sang học lớp đệ tứ, cũng rất hiền và học giỏi). Em Huỳnh hữu Việt Kim là con trai ông chủ tiệm sách hiệu Tao đàn (ở trước cửa Tòa Hành chánh tỉnh) là nơi tôi thường ghé vào mua sách và tìm các sách tham khảo để soạn bài dạy, là học trò khá giỏi của tôi. Hai anh em Phạm Hoàng Chung, Phạm Hoàng Phấn cũng đã học tôi, các em là em của Phạm Hoàng Chương học lớp đệ tứ cùng với Phan chi Hảo (em tôi), thuộc thành phần học sinh giỏi. Các em Chương, Chung, Phấn là con của thầy Phạm văn Duyên dạy trường Bán công Nguyễn Công Trứ và Duy Tân. Thầy tuy lớn tuổi nhưng tính tình cởi mở, vui tính rất được học sinh thương mến. Không ngờ chỉ vài năm sau khi tôi đến dạy, thầy đi xe vespa bị xe hơi đụng chết thảm thương khiến toàn thể giáo sư và nhân viên hai trường rất thương tiếc. Chúng tôi mang vòng hoa cườm đến nhà thầy phúng điếu và thắp nén hương cầu nguyện cho người đồng nghiệp vắn số. Phu nhân của thầy có tiệm tạp hóa hiệu Từ Sơn ở đường Thống Nhất.

Trở lại chuyện giữa cô trò chúng tôi, kể hoài không hết. Tôi nhớ mãi một hôm có mấy em nam sinh đến nhà thăm, hình như cũng để nhờ tôi giảng lại bài Pháp văn hay Toán gì đó. Các em tìm mãi không thấy tôi, mà tôi thì đang vắt vẻo trên cành cây trứng cá sau nhà, mải mê tìm hái trái chín cây giành với bầy chim sẻ! Ba bốn em đứng dưới gốc cây nhìn lên khoanh tay chào to “Dạ thưa cô! ” khiến tôi vô cùng lúng túng, cuối cùng cũng phải trèo xuống tiếp chuyện với các em. Khi ấy tôi xấu hổ quá muốn “độn thổ” cho xong!

Một năm tôi bị cảm khá nặng phải nghỉ dạy cả tuần lễ. Buổi trưa vào lớp học trò không thấy tôi đi dạy lại được văn phòng thông báo “cô Hoa bị bệnh, các em được nghỉ giờ Việt văn”. Thế là tất cả các em học sinh 3 lớp đệ thất đều kéo đến nhà thăm. Hết lớp này đến lớp khác, đứng chật cả gian phòng ngủ khá rộng trong nhà tôi. Có em còn ra vườn trèo lên cây hái ổi, mận, chùm ruột... đem vào để cô ăn đỡ nhạt miệng! Khiến cho má tôi kêu trời không thấu, phải nói với các em “Thôi các cháu thăm cô đủ rồi, về đi cho cô nghỉ chứ! ” Chắc cảm động trước tấm lòng của các em học sinh mà sau đó bệnh tôi thuyên giảm rất nhanh.

Ở lớp Thất 1 vào một niên học nào đó, lại có một học sinh đặc biệt làm tôi nhớ mãi. Em nam sinh tên Xuân (gần đây một học sinh cũ vừa cho tôi biết cả họ của em: Trương Kính Xuân). Em có vẻ trầm tĩnh, ít nói vì em phát âm khó khăn, ngọng nghịu, đi đứng cũng khó khăn, hơi cà nhắc. Chữ em viết lại rất xấu như gà bươi, khó đọc. Mỗi khi chấm bài luận văn của em tôi phải ráng đọc từng chữ mà vẫn không thấy khó chịu chút nào vì bài văn nào em cũng viết khá xuất sắc, ý tưởng dồi dào khác lạ. Em Xuân, không biết bây giờ em ở nơi nào? Em có trở thành một nhà văn hay không?

Vài năm sau nữa còn có một học sinh khá cá biệt, tuy học kém nhưng tình cảm của em đối với cô giáo khiến tôi không sao quên em được. Tôi còn nhớ tên em là Nguyễn văn Đức, trên mặt có một bớt son đỏ. Em nầy chẳng những học đã kém còn chuyên môn đi trễ. Một hôm giờ vào lớp đã hơn nửa tiếng mới thấy em đứng lấp ló ngoài cửa, tôi ra dấu bảo vào em mới dám bước vào lớp, nhưng không đi vào chỗ ngồi mà lại đến trước mặt tôi. Tôi nghiêm mặt mắng em một hơi: “Sao em cứ đi trễ hoài? Em có biết đã làm trở ngại các em khác không? Từ đây về sau cô không muốn thấy em đi trễ nữa! ” Em lễ phép trả lời: “Thưa cô, hôm nay em vào xin từ giã cô. Em đã xin chuyển đến trường Trần Cao Vân ở Tam Kỳ”. Tôi cảm thấy hối hận vì đã vội rầy em một cách vô lý, và cũng bất nhẫn thấy em phải đi đến một nơi xa xôi như vậy nên thắc mắc hỏi:

- Tại sao em phải chuyển đến học ở một tỉnh xa như vậy?

- Thưa cô, tại ba em là lính bị đổi ra ngoải nên cả gia đình em phải đi theo.

Sau đó em thường xuyên viết thư thăm tôi một thời gian dài. Tôi không biết sau này ba của em Đức có còn phải đổi đi nơi nào nữa trên đất nước đầy khói lửa chiến tranh nầy không? Tôi mới ngẫm nghĩ ra sở dĩ em học kém và hay đi trễ chắc tại hoàn cảnh gia đình, là con của một người lính chiến rày đây mai đó, gia đình hẳn phải túng quẩn khó khăn khiến em mất đi tuổi thơ của thời học trò, nên tôi cảm thấy trong lòng thật xót xa.

Thế hệ kế tiếp, lớp đệ lục 1 có em Bồng (con bác Liên, Chánh Văn phòng hành chánh tỉnh), em có nước da hơi ngâm đen, tính nết hiền hậu, học rất giỏi. Vậy mà bác Liên còn nhờ tôi dạy kèm thêm, có em Hạnh cũng học giỏi, cả hai đều đến nhà tôi học thêm vào buổi tối. Lớp này còn có em Kim Liên người thấp bé, hiền lành (em thầy Thuận) bạn thân với Lệ Hà (em tôi). Tôi còn nhớ trước khi vào thụ huấn ở quân trường Thủ Đức, thầy Thuận đã đến lớp tôi đang dạy để từ giã đồng thời nhờ tôi để ý giùm việc học hành của các em thầy. Không ngờ lần gặp gỡ đó là lần cuối cùng. Vài tháng sau, thầy Thuận vừa mới được gắn Alpha, đã bị tử nạn ở quân trường, do một trái lựu đạn bị nổ chậm sao đó (tôi không biết rõ lắm).

Di hài của thầy được xe nhà binh chở tới tận nhà ở đường Thống Nhất Phanrang, còn có 4 sinh viên sĩ quan đi theo hộ tống chiếc quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Chúng tôi, các đồng nghiệp trong trường đến nhà phúng điếu và tiễn đưa người bạn đồng nghiệp đã ra đi quá sớm để lại người vợ trẻ mới sanh đứa con đầu lòng chỉ mới có vài ngày, người mẹ buôn bán tảo tần, và một đàn em còn nhỏ dại.

Vào niên học sau, trong lớp lục 2 do thầy Mậu làm gs. hướng dẫn, có các em: Lệ Hằng (em tôi), Kim Hoàng, Võ thị Huệ, Nguyễn thị Vân... học khá xuất sắc các môn. Về môn Văn, bất cứ câu hỏi nào về Kim hoặc Cổ văn các em đều trả lời trôi chảy, bài luận văn nào cũng rất đặc sắc. Tôi cũng nhớ có hai em rất thân nhau: Thu Ba và HữuVinh, cả hai rất hiền lành dễ thương. Về nam sinh, tôi cũng không quên các em Nguyễn Mỹ, Hồ Kỳ Long, Công Lý... Em Mỹ học giỏi nhất lớp, em cũng đứng nhất môn Việt văn và được phần thưởng riêng của tôi (Cuối năm học nào, ngoài phần thưởng của nhà trường, tôi đều có lệ tặng phần thưởng cho các em đứng đầu môn Việt văn). Sau năm 75, em Mỹ là giáo viên cấp 3 dạy ở ngoài Huế. Em có viết thăm tôi và nhắc lại chuyện này, rất tiếc lúc đó tôi bận rộn nhiều việc (nhà tôi và cháu trai lớn đã vượt biên, một mình tôi phải nuôi dạy 5 cháu nhỏ ở thị xã Sa Đéc), nên đã không giữ liên lạc được với em.

Đối với em Long thì có một kỷ niệm sau khi rời trường Duy Tân. Khi tôi đổi ra dạy ở trường Cường Để Quinhơn, khoảng đâu 5, 6 năm sau, một hôm tôi đứng trước tiệm uốn tóc chờ nhà tôi đi vespa đến đón về, bỗng một viên thiếu úy còn trẻ măng mặc quân phục rằn ri của binh chủng nhảy dù (hay thủy quân lục chiến?) đứng nhìn tôi một hồi lâu rồi đến bên tôi lên tiếng: “Chào cô! ” làm tôi giật mình quay lại. Khi em xưng tên và nói học lớp với Lệ Hằng thì tôi nhớ ra em ngay. Hết lượt các thầy làm nghĩa vụ quân sự, giờ đến lớp học sinh còn quá trẻ cũng bị lôi cuốn vào trận chiến không biết bao giờ mới chấm dứt, lòng tôi không khỏi xao động bồi hồi.

Cũng niên học ấy, trong lớp lục 3 đặc biệt có em Văn thị Ngọc Lan người ốm yếu mảnh khảnh, dịu dàng hiền lành, học hành lại xuất sắc. Mấy anh em của em Lan đều học giỏi có tiếng trong trường (họ là con của bác Văn Bình, là đồng liêu và rất thân thiết với ba tôi).

Ngoài ra có em Lê thị Hải, người dong dỏng cao tính nết vui vẻ, cũng học rất khá. Tôi cũng còn nhớ các em nam sinh nhỏ nhất trong lớp ngồi bàn đầu: Lê công Phúc, Hà minh Vinh..., em nào cũng diện mạo sáng sủa dễ thương và rất hoạt động trong lớp.

Mấy năm sau nữa, khi tôi sắp sửa thuyên chuyển ra Quinhơn, có mẫu chuyện vui vui trong một lớp đệ thất, đến nay mỗi khi hồi tưởng lại tôi không khỏi mỉm cười một mình. Năm ấy, em Nguyễn trung Trực (con cụ Tiếu dạy Pháp văn) mới chuyển trường từ Quảng Trị vào (học cùng lớp với Phan chi Hiệp, em tôi). Em Trực rất hiền lành, ngoan ngoãn và lễ phép.

Tôi còn nhớ trong một giờ giảng Kim văn (bất cứ bài giảng văn nào tôi cũng đều cho học sinh về nhà soạn trước, vào lớp mới đặt câu hỏi), gặp một câu văn có hai chữ “phong lưu”, tôi bèn hỏi: “Phong lưu nghĩa là gì? Em nào biết?”. Cả lớp im phăng phắc, đứa nọ nhìn đứa kia, không ai nhúc nhích. Bỗng em Trực đứng nhổm dậy, giơ tay thật cao xin nói. Tôi thầm khen em nầy giỏi, chịu khó tìm hiểu trước bài học. Tôi nhìn em gật đầu, em bèn đứng bật thẳng người, hai tay khoanh trước ngực, nói giọng Quảng Trị thật nặng: “Dà thưa cô, phong liêu là phiêu liêu! ” Khi nói hai chữ “phiêu lưu” em lại lên giọng thật cao như chắc trúng trăm phần trăm làm cả lớp cười rần rần, tôi cũng cố ngăn lắm mới khỏi bật cười to khiến cho em phải mắc cở. Em Trực, không biết bây giờ em ở nơi mô? Em có còn nhớ chuyện này không?

Có năm tôi hướng dẫn một lớp đệ lục, lớp này đã ghi nhiều ấn tượng trong trí nhớ của tôi vì có ba em nữ sinh khá đặc biệt mà tôi rất yêu mến vì chẳng những các em đều học khá giỏi, tánh tình lại ngoan ngoãn dễ thương, rất ưa hoạt động. Thầy trò lớp tôi hướng dẫn năm ấy thường sinh hoạt thân thiết vui vẻ trong các giờ hoạt động hiệu đoàn, văn nghệ... Hay cùng đi cắm trại ở bãi biển Ninh Chữ và đập Lâm Cấm thật nhiều kỷ niệm. Đó là hai chị em Hồ thị Thu Mỹ và Hồ thị Thu Thanh (con của nhà thơ Hồ Đình Phương, người đặt lời cho các bài hát của nhạc sĩ Châu Kỳ, ông còn là Phó Tỉnh Trưởng hành chánh lúc bấy giờ) ; và em Nguyễn thị Bạch Tuyết với gương mặt tươi tắn sáng sủa rất xinh, lại thông minh lanh lợi.

Sau năm 75, tôi vô cùng xúc động khi nghe một học trò cũ kể chuyện cả gia đình ông H.Đ.P. vượt biên bị đắm tàu, không một ai sống sót. Trời ơi, hai em học trò cưng của tôi, Thu Mỹ và Thu Thanh ngoan hiền dễ thương là thế, vốn yêu đời và còn quá trẻ là thế mà lại mệnh bạc, phải chôn vùi thể xác ngoài biển cả... Tôi xin thắp nén hương lòng để tưởng niệm vong linh cả gia đình hai em và cầu nguyện linh hồn những người đã chết oan ức sớm được siêu thoát.*

Không những dạy học mà tôi cũng phải phụ trách kiểm soát, giúp đỡ các em nữ sinh phần tập múa, lo y phục vũ, trang điểm... mỗi khi nhà trường tổ chức đại hội Văn nghệ tất niên (được trình diễn và có bán vé tại rạp Thanh Bình), có cô Phượng (huấn luyện viên thể dục) làm phụ tá. Tôi nhớ mãi năm đầu tiên tôi đã tập các em múa bài “Dòng An Giang” (mà tôi đã múa khi học trường sư phạm). Tôi chọn tám em đồng trang lứa ở 3 lớp đệ thất, em nào cũng tha thướt dịu dàng, nay tôi chỉ còn nhớ 2 em Kim Xuân và Bích Diệp nhỏ nhắn xinh xinh. Các em Huỳnh Hoa, Minh Hiền, Lan và 5 em nữa thì tự tập với nhau vũ khúc múa nón rất sinh động, đẹp mắt. Cô Kim Phượng tập cho các em lớp đệ lục các vũ khúc “Xà rem”, “Trăng Mường Luông” thật linh hoạt, độc đáo. Tôi còn tập cho 3 nữ sinh lớp đệ tứ: Lệ Hồng (em tôi), Kim Thoa, Sô, múa bài “Nhớ Lèo”, tuy không đặc sắc nhưng nhờ em nào cũng yểu điệu mặn mà dưới ánh đèn sân khấu nên rất được khán giả tán thưởng. Các em nam nữ sinh lớp đệ tứ trinh diễn nhạc cảnh “Hòn vọng phu” thật xuất sắc. Còn có các ca sĩ mầm non lớp đệ tứ trình diễn: các em Chi Nga, Mạnh, Tín, Thạch, Dân... với giọng hát tiếng đàn khá điêu luyện. Năm ấy đêm văn nghệ tất niên của trường Duy Tân thật tưng bừng muôn màu muôn vẻ khiến cho khán giả ở thị xã Phan Rang rất khen ngợi.

Hình Cô Lệ Hoa và các Nữ sinh

(Cám ơn em Tam Điệp đã đưa hình nầy lên trang mạng Duy Tân)


Mùa xuân năm 2005, vợ chồng tôi về thăm lại VN sau hơn hai mươi năm rời xứ sở ra đi. Chúng tôi thật bỡ ngỡ trước sự thay đổi quá lớn nơi quê hương mình (sẽ nói vào một bài khác). Nghe nói Phan Rang, dù một tỉnh lỵ nhỏ, cũng có nhiều sự đổi thay nhưng chúng tôi còn bận nhiều việc nên không ghé qua được. Cùng hẹn với nhau sẽ có ngày để dành nhiều thì giờ về thăm lại tỉnh lỵ nhiều gió cát nhưng đầy ắp kỷ niệm: bạn bè, học trò, trường cũ, đường xưa... Chúng tôi có đến thăm người đồng nghiệp cũ cùng dạy ở Duy Tân, thầy Đ.T.Khánh (vợ là Trần thị Thanh Hà, cũng là học trò của chúng tôi) ở cư xá Thanh Đa. Sau khi hỏi thăm nhau sức khỏe, sinh hoạt đời sống, gia đình..., thầy ĐT Khánh cho chúng tôi biết tin tức về một người đồng nghiệp cũ: thầy Nguyễn Tiêm cùng với vợ (cô Châu) vừa bị tử nạn ngoài biển Nha Trang. Nghe nói khi tàu bị lật, nhiều người sắp bị chìm trong làn sóng dữ, thầy Tiêm biết bơi lội khá nên đã lo cứu được một số người, do đó thầy đã bị đuối sức và cuối cùng bị nước cuốn đi. Thật là một tin đau lòng, chúng tôi vô cùng xúc động và cảm phục người đồng nghiệp đến giờ phút cuối cùng trong đời đã xã thân làm một việc có ích cho tha nhân, xứng đáng là một nhà mô phạm chân chính.

Ngoảnh nhìn lại cuộc đời đã qua, nhất là những ngày tháng đầu tiên trong đời đi dạy của tôi tại trường trung học Duy Tân năm xưa đã chứa đầy kỷ niệm êm đềm với các em học sinh thân ái, lòng tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ. Những đồng nghiệp và những học sinh của tôi bây giờ ở nơi nào, giờ ai còn sống sót hay đã chết trong cơn khói lửa, trong các trại cải tạo, hay ngoài biển đông sóng gió trên đường đi tìm tự do, hay còn lê kiếp sống khốn khổ nơi chốn quê hương đang rách nát, đầy dẫy những tham nhũng, bất công và tội ác...

Nhưng tôi tin tưởng còn những thế hệ học sinh và các con cháu họ đang sinh sống trên các nước văn minh tiên tiến, tự do dân chủ trên khắp thế giới, đang và sẽ gặt hái nhiều thành công về mọi phương diện và làm rạng rỡ cho quê hương đất nước Việt Nam.

Phan Thị Lệ Hoa
(Đức quốc, mùa thu 2008)


* Sau khi bài nầy được đăng trên Trang mạng Trung học Duy Tân thì em Khúc Minh Hương đã cho tôi biết khi em ấy về thăm nhà ở VN có gặp được em Hồ thị Thu Mỹ hiện nay hình như đang ở miền Cao nguyên Bảo Lộc. Tin nầy khiến tôi vui mừng khôn xiết, cầu mong em Thu Mỹ được một cuộc sống an lành và hạnh phúc.

* THƯ CỦA HỌC SINH CŨ DUY TÂN:

Em Diệu Huyền (Võ Thị Hiền)

(Chủ nhân trang mạng"trunghocduytan.com")

Gửi: Mon Jan 26, 2009 4:50 am Tiêu đề: THƯ DIỆU HUYỀN

Cô ơi!!

Em đã tìm cô lâu lắm rồi bây giờ đọc được bài viết cùa cô em rất cảm động. Không ngờ cô nhớ đến chúng em rất nhiều như vậy. Cô viết rất hay phải nói là một văn sĩ đa tài và không hổ danh là một giáo sư Việt Văn. Đọc bài của cô những kỷ niệm, đầy ắp trong ký ức hiện về như cuộn phim được quay lại từ 50 năm trước, nghẹn ngào trong tiếc nuối. Cuộc đời khi hợp khi tan và lúc nào cũng để lại trong lòng người nỗi buồn không nguôi. Hồi đó cô có viết lưu bút cho em trước khi cô rời khỏi trường trung học Duy Tân và cô còn tặng cho em tấm hinh dán vào. Tấm hình mặc áo trắng như một nữ sinh hơn là một cô giáo. Qua bao nhiêu năm vật đổi sao dời, với những binh biến tàn khốc, em không còn giữ được tấm hình của cô nhưng em không bao giờ quên được cô trong lòng em. Em còn nhớ hồi đó trong trường ngoài cô ra còn có cô Phan thị Bạch Tuyết là 2 nữ giáo sư xinh đẹp. Là thần tượng trong lòng của chúng em. Cô Tuyết thì thường xức mùi nước hoa hiệu Champagne cùa Pháp, còn cô thì giản dị hơn thường mặc chiếc áo dài trắng, nhà cô ở gần vườn xoài canh nông. sau đó cô Tuyết thành hôn vời thầy Chương, còn cô thì đi xa... Chúng em không có tin tức gì cho đến bây giờ đã 50 năm đọc lại những dòng chữ cô viết nhắc lại từng sự ra đi của thầy Thuận, Thầy Duyên, đến Thu Thanh, Thu Mỹ. Và những kỷ niệm của cô..

Năm ngoái cô Tôn nữ Nộn Ngân có liên lạc với em để tìm cô, Em có hỏi chị Lệ Hồng nhờ chị Lệ Hồng cho biết tin cô nhưng không được. Anh Thái cũng cố liên lạc tìm Phan Chi Hảo nhưng không được.

http://trunghocduytan.com/viewtopic.php?t=174

Các anh chị và thầy Mậu mà cô đã nhắc trên hiện cư ngụ nhiều nơi như Chị Huỳnh Hoa hiện ở Lousiana, Chị Minh Hiền ở Florida, Chị Lành ở Houston, chị Lan ở VN. Là bộ tứ chơi thân với nhau mà cô đã kể ờ trên. Chi Huỳnh Hoa và chị Minh Hiền cũng đã được chọn làm Trưng Trắc Trưng Nhị, Phạm hoàng Phấn. Phạm Hoàng Chương ở CA, Huyền Vân ở Aziona, Mạnh Hùng ở VN, Hà công Lý ở CA. Văn thị Ngọc Lan ở CA, Thầy Mậu ở Dallas, tất cả đều ở Mỹ còn Phạm hoàng Chung ở Úc, Thu Ba ở Úc, Trương Thị Kim Chi ở Canada,

Chúc cô và toàn thể gia đình năm mới hạnh phúc sức khỏe và an lạc

(Bổ sung sau khi đăng trên ĐSDT năm 2009)


Thu Trang
(CHLB Đức, Tháng 10.2010)


Được sửa bởi LE-HOA ngày Wed Oct 16, 2019 6:24 am; sửa lần 8.
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Tue Oct 04, 2016 5:25 pm    Tiêu đề:

Đọc lại nhiều lần lòng em vẫn còn thỗn thức ...

Thầy Nguyễn Hữu Vui và cô Phan thị Lệ Hoa là đôi giáo sư uyên ương nỗi tiếng, được ngưỡng mộ thời đó mà cô là nhân vật chính !!!

Kính chúc thầy và cô cùng gia đình vạn sự bình an, thịnh vượng và hạnh phúc
dhv

_________________

Về Đầu Trang
Thanh Dao
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 18 Jul 2008
Số bài: 1201

Bài gửiGửi: Thu Oct 06, 2016 4:21 pm    Tiêu đề: GIÁO SƯ KHẢ KÍNH
Tác Giả: THANH ĐÀO

  GIÁO SƯ KHẢ KÍNH                                                                
( Kính tặng GS Phan thị Lệ Hoa và
lang quân Nguyễn Hữu Vui )
               THANH ĐÀO

Trí nhớ của Cô tuyệt vời
Thông minh, học giỏi, sáng ngời nữ nhi.
Tâm lành, phúc hậu, từ bi
Năm mươi năm, vẫn bài ghi êm đềm.
Nhớ Thầy Cô, nhớ các em
Lục Long Công Chúa, gia đình nổi danh.
Các em học giỏi, hiền lành
Quả là cô giáo thông minh, dịu hiền.
Chúc cho hạnh phúc bình yên
Xứ người con cháu thành danh vui vầy.”

         THANH ĐÀO  
Về Đầu Trang
LE-HOA
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 02 Feb 2009
Số bài: 1005

Bài gửiGửi: Fri Oct 07, 2016 5:41 am    Tiêu đề: CÁM ƠN



-Cám ơn những lời chúc đẹp của em Diệu Huyền, người cựu nữ sinh DT khả ái luôn quan tâm đến Thầy Cô
Mến Chúc em mãi tươi trẻ và hăng say điều hành trang DT ngày càng thêm khởi sắc



-Cám ơn Em Thanh Đào, là hs. cũ vừa là cựu gs.Duy Tân, lại là văn thi sĩ, bài thơ với những lời chúc chân thành và đầy ý nghĩa
Chúc Em lúc nào cũng vui với những "chuyện đời thường.."
Mến chúc Em luôn mạnh giỏi và g/đ đầy hạnh phúc


NHV & L.Hoa
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân