TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đông Y: Lưỡi là bản đồ của cơ thể bạn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đông Y: Lưỡi là bản đồ của cơ thể bạn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9550

Bài gửiGửi: Sat Jul 16, 2016 9:52 pm    Tiêu đề: Đông Y: Lưỡi là bản đồ của cơ thể bạn

Đông Y: Lưỡi là bản đồ của cơ thể bạn


Lưỡi của bạn làm nhiều việc hơn là chỉ nếm thức ăn và phát âm từ ngữ. Theo Y học truyền thống Trung Hoa, nó cũng là một công cụ chuẩn đoán tiện lợi.

Trước khi có tia X, MRI, và quét CT, các bác sĩ thời xưa đã có các phương pháp khác để kiểm tra sức khỏe bên trong các bệnh nhân của họ. Chẩn đoán lưỡi là một trong những cách vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay. Với những người biết cách đọc các bí mật của lưỡi, nó có thể bộc lộ các dấu hiệu của bệnh tật và sự mất cân bằng mà bệnh nhân không thể chia sẻ hoặc thậm chí không biết.

Trong y học Trung Hoa, lưỡi đóng vai trò như một bản đồ của các cơ quan nội tạng. Đầu lưỡi phản ánh các cơ quan ở bên trên nơi lồng ngực: các lá phổi và trái tim.

Phần giữa của lưỡi đại diện cho các cơ quan ở phần giữa của thân người: gan và túi mật ở hai bên và dạ dày ở trung tâm. Phần cuống lưỡi phản ánh các cơ quan sâu hơn trong thân người, như ruột, bàng quang và thận.

Những sự bất thường tìm thấy trên bản đồ lưỡi có thể đưa ra các manh mối cho một chuyên gia châm cứu về những nơi mà bệnh nhân bị mất cân bằng và cách tốt nhất mà họ có thể được điều trị.



Theo Eric Baker, một chuyên gia châm cứu tại Chicago đồng thời là Giáo sư tại Pacific College of Oriental Medicine, khái niệm chuẩn đoán lưỡi xuất phát từ một góc nhìn ba chiều vốn đã thấm nhuần sâu trong văn hóa Trung Hoa cổ xưa.

“Trong một bức ảnh ba chiều, mọi phần của bức tranh đều là sự phản chiếu của toàn bộ [bức tranh]”, Baker cho biết. “Trong y học Trung Hoa, mọi phần của cơ thể giống như một bức tranh thu nhỏ của toàn bộ cơ thể. Trong văn hóa khoa học phương Tây, bạn có thể gọi gây là sự tự tương đồng (self-similarity). Đó là một cách nhìn phân dạng (fractal) đối với sự vật”. (theo wikipedia, fractal là một vật thể hình học thường có hình dạng gấp khúc trên mọi tỷ lệ phóng đại, và có thể được tách ra thành từng phần: mỗi phần trông giống như hình tổng thể, nhưng ở tỷ lệ phóng đại nhỏ hơn)

Ngoài tính chất ba chiều của nó, lưỡi là một cơ quan độc nhất vô nhị vì nó tồn tại trong hai địa hạt. Nó không hoàn toàn là một cơ quan bên trong, nhưng nó cũng không hoàn toàn là một cơ quan bên ngoài. Bạn phải mở rộng miệng của mình và thè lưỡi ra để nhìn nó được rõ.

Thông thường các dấu hiệu của bản đồ lưỡi rất tinh tế và có thể dễ dàng thoát khỏi đôi mắt chưa qua tôi luyện. Nhưng các trường hợp vô cùng rõ nét có thể đưa ra các ví dụ không thể chối cãi.

Baker đề cập đến một bệnh nhân cũ của mình, một phụ nữ ở cuối độ tuổi 40 đến đầu tuổi 50 bị viêm gan C mà không thể kiểm soát được bằng y học hiện đại phương Tây. Cô than phiền về đau đớn ở phần bên phải, nơi lá gan của cô nằm đó.

Đáng chú ý, lưỡi của cô cũng đã chỉ ra để vấn đề về gan rõ ràng. Baker thấy một đốm đen trên phần gờ bên phải, chính xác nơi lá gan được đặt trên bản đồ lưỡi.

“Tôi nói với sinh viên, hãy tiếp cận với một tâm trí cởi mở, nhưng bạn cũng muốn nhận xét đánh giá cẩn thận. Bạn không muốn tin răm rắp vào bất cứ thứ gì được nói trong sách giáo khoa. Nhưng rồi bạn bắt gặp các tình huống như thế này, một tình huống quá hoàn hảo”, Baker cho biết.

“Đây là một người phụ nữ với một vấn đề về gan, và cô ấy có dấu hiệu cho thấy chính xác điều mà bạn mong chờ – một đốm đen cho thấy sự tổn hại sâu hơn ở gan từ sự lây nhiễm không được kiểm soát. Đó là y học Trung Hoa đang làm chính xác những gì nó phải làm.”


Màu sắc, lớp màng, các vết nứt và sự rung

Các chuyên gia châm cứu yêu cầu bạn đưa lưỡi ra trước, và màu sắc của nó sẽ là điều đầu tiên họ chú ý.

Một chiếc lưỡi khỏe mạnh trông hơi hồng-đỏ – một dấu hiệu của sự tuần hoàn tốt. Nếu sự tuần hoàn bị hạn chế – trong các trường hợp bị đau bụng kinh là ví dụ – lưỡi sẽ trông tía hơn.

Một chiếc lưỡi nhợt nhạt là một dấu hiệu của thiếu máu, như là bệnh thiếu máu. Nếu một chiếc lưỡi trông quá đỏ, nó có thể chỉ ra một cơn sốt hoặc là huyết áp cao.

Nếu lưỡi trông đỏ hơn ở một khu vực riêng biệt của bản đồ lưỡi, điều đó chứng tỏ tình trạng nóng bên trong của một cơ quan tương ứng. Ví dụ, đầu lưỡi màu đỏ có thể là dấu hiệu của việc bị nhiễm bệnh ở phổi hoặc là điều y học Trung Hoa gọi là “nhiệt tâm”, một tình trạng đặc trưng bởi lo lắng và chứng mất ngủ.

Một đặc điểm phải xem xét khác của lưỡi là lớp màng. Nhìn vào lưỡi của bạn ở trong gương, bạn có thể nhận thấy nó mang một lớp màng trên bề mặt. Nó được gọi là “màng lưỡi” hoặc “tưa lưỡi.”

Bạn có thể cố gắng chải đi lớp màng với một chiếc bàn chải đánh răng, nhưng nó sẽ sớm sinh ra một cái mới. Một lớp màng trắng mỏng được coi là khỏe mạnh – là dấu hiệu của sự tiêu hóa tốt. Một lớp màng dày, nhờn, hoặc màu vàng có thể cho thấy dấu hiệu của sự mất cân bằng.

“Nếu ai đó có rất nhiều đờm với nghẹt mũi hoặc ho, khi bạn nhìn vào lớp màng lưỡi của những người này, nó trông dày hơn và nặng nề hơn. Hoặc nó có thể bắt đầu trông bầy nhầy, cho thấy rằng có những chất lỏng dư thừa tắc nghẽn trong cơ thể”, Baker cho biết.

Một kiểm tra lưỡi yêu cầu ánh sáng tốt và một chiếc lưỡi sạch sẽ. Ví dụ, bạn sẽ không có một kết quả đọc chính xác tức thì sau khi ai đó ăn một nắm kẹo viên Skittles hoặc một cây kem vị nho.

Cà phê vốn khét tiếng làm vàng màng lưỡi. Những thức ăn khác hoặc thuốc cũng có thể tạm thời làm mờ đi màu sắc thật sự của lưỡi.

Ngoại trừ màu sắc và lớp màng, lưỡi cũng nắm giữ các manh mối khác để xem xét, như các vết nứt, sưng, các vết đốm, và cử động. Một chiếc lưỡi vỏ sò (với những lằn sóng trên gờ phía ngoài) cho biết tình trạng trữ nước. Những lằn sóng này xuất hiện bởi vì lưỡi sưng lên và ấn vào răng.

Một số người cũng có một chiếc lưỡi run rẩy. Dù họ cố gắng kìm lại, nhưng lưỡi vẫn không chịu yên. Đó là một dấu hiệu của điều y học Trung Hoa gọi là nội phong.

“Nếu bạn có một căn bệnh như MS hoặc Parkinson, với những cơn rùng mình, bạn sẽ thấy chiếc lưỡi tự nó sẽ run rẩy và rúng động. Đó là một dấu hiệu cho thấy có những điều xảy ra với thần kinh và một sự thiếu kiểm soát vận động thích hợp”, Baker cho biết.

“Đôi khi bạn thậm chí thấy điều đó xảy ra trước những thứ nhất định. Ví dụ, một chiếc lưỡi run rẩy có thể xuất hiện trước khi có một cơn đột quỵ, từ đó có thể bị tổn thương thần kinh về sau. Bạn có thể thấy sự run rẩy sau khi đã mắc một vài bệnh trầm trọng hơn, nhưng bạn có thể thấy nó trong những trường hợp nhất định như một yếu tố dự báo”.


Minh họa chuẩn đoán lưỡi của người Trung Hoa. (Nguồn hình: Ioannis Solos)


Bản thảo bí mật của Ngao thị

Ngày này, chẩn đoán lưỡi là một kỹ năng cơ bản được dạy trong các trường y học Trung Hoa trên toàn thế giới. Nhưng vài trăm năm về trước, các chỉ dẫn về cách đọc lưỡi là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ.

Trong khi một vài khía cạnh của y học Trung Hoa có bề dày hàng ngàn năm tuổi, theo Ioannis Solos, nhà nghiên cứu y học Trung Hoa và tác giả của “Những chiếc gương vàng và Các phản ánh của lưỡi: Nền tảng cổ điển của chẩn đoán lưỡi trong y học Trung Hoa, ” chuẩn đoán lưỡi có một sự phát triển tương đối gần đây. Solos truy được nguồn gốc của phương pháp này từ khoảng thời gian những năm 1300 với một bản thảo bởi một bác sĩ bí ẩn chỉ được biết với tên gọi là Ngao thị.

Những ý tưởng đáng chú ý của Ngao thị khởi phát từ những tình huống lịch sử đặc biệt, và trong khoảng 200 năm, những hiểu biết của ông được truyền lại một cách hạn chế cho một số ít người được tuyển lựa. Solos chỉ đến các bằng chứng di truyền của một bệnh dịch nghiêm trọng lan rộng khắp Trung Quốc trong các triều đại nhà Tống và nhà Nguyên. Nó gây ra sự hoại tử ở các chi, khiến các bàn tay và bàn chân bị đen bởi hoại tử.

Các bác sĩ Trung Quốc trong thời kỳ đó thông thường sẽ kê đơn thuốc dựa trên một hệ thống chẩn đoán mạch (giống như nhiều chuyên gia châm cứu vẫn làm ngày nay). Ngao thị đã đề xuất một phép chuẩn đoán khác: một phương pháp cho phép các bác sĩ kiểm tra các bệnh nhân mà không đặt sức khỏe của chính các bác sỹ vào hoàn cảnh nguy hiểm.

“Trong triều đại nhà Nguyên (năm 1271 – 1368 sau Công Nguyên), chứng hoại tử và tốc độ mà bệnh dịch lan rộng đã khiến nhiều bác sĩ không thể nào tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân”, Solos chia sẻ với Epoch Times.



“Bản thảo của Ngao thị bao gồm một danh sách 12 minh họa của lưỡi theo sau là một công thức thảo dược, phần nào giải quyết được vấn đề này theo các kinh nghiệm của ông. Một thầy thuốc chẩn bệnh lưỡi của thời kỳ này có thể đơn giản kiểm tra lưỡi của bệnh nhân từ một khoảng cách an toàn và kê đơn mà không phải bắt mạch”, theo Solos.

Bản thảo vốn trước đây là điều bí mật của Ngao thị được phát hiện và mở rộng bởi Du Qing-bi bao gồm 36 minh họa của lưỡi, mỗi cái với một công thức thảo dược tương ứng để trị tình trạng nó mô tả. Phiên bản này, được xuất bản trong những năm 1570, được gọi là “Thương hàn Kim Kính lục”.

Theo Solos, cuốn sách này đã cách mạng hóa y học Trung Hoa. Các bác sĩ đã tiếp tục cải tiến phương thức này qua nhiều thế kỷ và cho ra một quyển sách thứ hai, “Thương hàn Thiệt giám”, chứa nhiều hơn các biểu đồ lưỡi và các phương thuốc tương ứng, kế tục truyền thống mà Ngao thị đã khởi đầu.

“Những năm đầu thế kỷ 20, hệ thống chẩn đoán lưỡi đã đạt độ phức tạp đến mức mà nghiên cứu của nó có thể cạnh tranh với lý luận của bắt mạch, nhưng mà không có những khía cạnh bí truyền như những yêu cầu của phương pháp bắt mạch”, Solos nói.

Phương pháp của Ngao thị được dạy cho các nhà nghiên cứu về thảo mộc của Trung Quốc cho đến trước năm 1960. Năm 1960 y học truyền thống Trung Hoa (TCM) trải qua một quá trình tiêu chuẩn hóa, tạo ra một chuyển biến to lớn trong ngành khoa học này.

Chỉ trong thoáng chốc, nhiều chi tiết của y học cổ xưa Trung Hoa vốn đã được tích trữ qua nhiều thế kỷ đã bị cắt đi hoặc giản hóa để dọn đường cho một phiên bản rút gọn hơn. Theo Solos, quá trình này “đã làm nhiễu loạn toàn bộ hệ thống từ chính cốt lõi của nó”.

“Trong năm 1960, sự tiêu chuẩn hoá trong hệ thống mới của TCM đồng nghĩa với việc tách biệt chẩn đoán lưỡi ra khỏi các nguồn gốc y học thảo dược của nó và bị gắn vào một tiêu chuẩn ‘cốt lõi của Chẩn đoán TCM’, nghĩa là nó được áp dụng trên tất cả các kỹ thuật chữa bệnh của Trung Quốc. Ngày nay chúng ta thường thấy những chuyên gia châm cứu kiểm tra lưỡi, một điều mà trước năm 1960 là rất hiếm và không phù hợp với truyền thống đã định”.

Ngày nay, minh họa lưỡi truyền thống mà Ngao thị đã khởi đầu thường được xem như một di vật kỳ lạ, vì hầu hết các học viên y học Trung Hoa chủ yếu là học chẩn đoán lưỡi từ các bức ảnh theo hoàn cảnh cụ thể. Nhưng Solos cho biết tranh ảnh không thể luôn chỉ dẫn một cách rõ ràng học thuyết hoặc truyền đạt cách suy nghĩ như minh họa của Ngao thị.

“Đó chính là cái đã chia cách chẩn đoán lưỡi trước năm 1960 với chẩn đoán lưỡi hiện đại”, ông Solos nói. “Những minh họa của Ngao thị không được sử dụng giống như những hình ảnh, mà đúng hơn là các bản đồ của lưỡi được tạo ra một cách cụ thể để chỉ dẫn cho lý luận. Với bất kỳ một chỉ dẫn nào, một bác sĩ giỏi của thời kỳ đó đều có thể hiểu được nhiều khía cạnh khác nhau cũng như các bệnh lý và ngay lập tức kê đơn với, hoặc không với, bắt mạch”.

Thử nghiệm lâm sàng lâu đời nhất

Theo Solos, các phiên bản sớm nhất của bản đồ lưỡi toàn diện chúng ta biết ngày nay đã được định rõ cuối triều đại nhà Thanh (1644-1911). Trong khi nhiều nét đặc trưng của phương pháp này đã bị mất trong những thập kỷ gần đây, chẩn đoán lưỡi vẫn tương thích với y học hiện đại.

Baker cho biết các bệnh viện Trung Quốc đang nghiên cứu cả các chỉ dẫn đã được xác nhận theo thời gian và làm ra các quan sát mới.

“Tại Trung Quốc họ có những hệ thống bệnh viện lớn, nơi y học hiện đại phương Tây và y học truyền thống Trung Hoa được lồng ghép. Họ nhìn cả hai mặt, và tại đó có nhiều nghiên cứu hơn nữa được thực hiện trong các thiết lập đó, và nó cũng bao gồm chẩn đoán lưỡi”, Baker cho biết. “Vẫn có đánh giá lâm sàng để xem liệu các kiến thức cũ có đúng không, và chúng ta có thể tìm ra những điều gì mới”.

Ví dụ, nghiên cứu ở các bệnh viện Trung Quốc đã cho thấy các bệnh nhân ung thư thường cho thấy màu tía trên lưỡi của họ đúng chính xác nơi có khối u. Những nghiên cứu khác xem xem các dị ứng ở trẻ em cho thấy một sự tương quan của màng lưỡi nơi bị lốm đốm, nặng, và dính.

“Y học Trung Hoa là thử nghiệm lâm sàng lâu đời nhất trong lịch sử của y học, ” Baker cho biết. “Những ý tưởng này đã phát triển qua giai đoạn thời gian rất lâu dài”.

Tác giả: Conan Milner, Epoch Times
Dịch giả: Nguyễn Huy
Nguồn: vietdaikynguyen.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân