TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - VỎ QUÝT, Nguồn Dược liệu chớ nên bỏ phí
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

VỎ QUÝT, Nguồn Dược liệu chớ nên bỏ phí

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9550

Bài gửiGửi: Fri Apr 15, 2016 1:35 am    Tiêu đề: VỎ QUÝT, Nguồn Dược liệu chớ nên bỏ phí

VỎ QUÝT, Nguồn Dược liệu chớ nên bỏ phí


Trong gia đình Cam – Chanh mà các nhà thực vật gọi chung dưới tên Citrus thuộc họ Rutaceae có rất nhiều cây được dùng làm thực phẩm và làm thuốc. Trong đó, cây quen thuộc nhất với thuốc Nam, cũng như Đông Dược là cây Quýt. Điểm đặc biệt nhất có lẽ là những phần được xử dụng làm thuốc lại là những phần mà chúng ta thường bỏ phí như Vỏ, Hạt, Cùi trắng của Quả Quýt.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

TÊN KHOA HỌC:

Citrus Reticulata hoặc Citrus Tangerina, Citrus Erythrosa, tất cả đều thuộc họ thực vật Rutaceae.

Người Mỹ thường gọi Quýt dưới tên chung là Mandarin Orange, nhưng với loại “Quýt Tàu” thuộc giống “Clemetine” thì được gọi là Algerian Tangerine và loại Quýt giống “Darcy” thì là Christmas Tangerine. Tên “Mandarin” thật ra là tên gọi thân mật vì người Châu Âu xem trái Quýt được mang từ Anh về Trung Hoa năm 1805 có màu sắc như áo các quan trong triều vua Tàu lúc đó. Đông Y xử dụng Vỏ Quýt làm dược phẩm và chia làm 2 loại: Vỏ Quýt Xanh, gọi là Thanh Bì, phiêm âm qing-pi; Vỏ Quýt chin, được gọi là Trần Bì (chen-pi).


Bấm vào để xem hình lớn hơn

ĐẶC TÍNH THỰC VẬT VÀ LỊCH SỬ:

Quýt cũng như các cây khác trong họ Rutaceae là những cây thuộc loại tiểu mộc, cao từ 4-6m, có lá xanh quanh năm, cho hoa có mùi thơm, và quả dùng làm thực phẩm.

Quýt có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới, có thể trồng tại những vùng có khí hậu ấm áp với nhiệt độ đừng xuống quá 20 độ F. Quýt hầu như mọc trong khắp vùng Đông Nam Á và có lẽ đã được trồng từ hơn 4 ngàn năm trước. Tên “Tangerine” có thể phát xuất từ Tangier, một hải cảng của Ma Rốc. Tên này bao gồm tất cả các loại Cam mà người Mỹ gọi là Mandarin Orange.

Sir Abraham Hume đã đưa Quýt vào trồng tại Anh Quốc vào năm 1805. Đến 1805 thì Quýt đã mọc tại nhiều nơi tại Ý. Vào khoảng giữa 1840 đến 1850, Lãnh sự Ý đã mang Quýt sang trồng tại khu vườn trong Tòa Lãnh Sự tại New Orleans và sau đó Quýt được đưa sang Florida.

Vùng trồng Quýt tốt nhất tại Hoa Kỳ là California, Arizona, Nam Texas và Florida.

Các giống Quýt tại Hoa Kỳ cũng cho nhiều loại trái khác nhau. Có những loại chứa nhiều nước và mùi rất thơm. Có loại dễ bóc vỏ như Satsuma, nhưng cũng có loại vỏ dày hơn và khó bóc hơn như Kinnow.

Mùa Quýt kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, với những tháng rộ nhất là tháng 11, tháng 2 và 3.



Những giống Quýt nổi tiếng của Hoa Kỳ gồm:

- Giống Clementine, nguồn gốc từ Viện Cô Nhi Misserghin tại Algeria, được đặt tên để nhớ Tu Sĩ Clement, trồng nhiều nhất tại California. Trái nhỏ, ít hột và chín trong khoảng tháng 11-12. Trái ở trên cây khá lâu mà không rụng. Cây cao khoảng 4m.

- Giống Dancy do Đại Tá Dancy trồng từ 1871 tại Buenos Vista và là giống thông dụng nhất tại Florida. Trái nhỏ, nhiều hột, thường chín vào dịp lễ Giáng Sinh nên gọi là Christmas Tangerine.

- Giống Fairchild, do lai tạo giữa Clementine và giống Pomelo “Orlando”. Trái cỡ trung bình, nhiều nước, ít hột và dễ bóc vỏ.

- Giống Fremont, do lai tạo giữa Clementine và giống Quýt Á Đông “Ponkan”. Trái cỡ trung bình, nhiều nước và cho trái theo chu kỳ 2 năm 1 mùa.

- Giống Owari, còn gọi là Owari Satsuma. Trái thường dành để đóng hộp. Trái to, vị ngọt, nhiều nước, hầu như không hột, vỏ mỏng. Cây thường cao khoảng 4-5m nhưng cũng có loại lùn, chỉ cao chừng 2m và mọc thành bụi. Giống Satsuma được lai tạo vào thế kỷ 16 từ Nhật Bản.

- Giống Honey, tuy mang tên là Quýt mật nhưng không ngọt lắm, có khả năng sống dai, chịu được sự thay đổi của thời tiết, cho một mùa sai trái rồi sau đó một mùa ít trái hơn.

- Giống Kara do lai tạo giữa 2 giống King và Owari. Trái lớn cỡ trái Cam nhưng lại chua. Đặc biệt là có mùa trái có rất nhiều hột nhưng mùa kế tiếp lại có thể không hột.

- Việc lai tạo giữa Cam và Quýt tạo ra giống mới được gọi là Ortaniques cho trái lớn, vỏ vừa phải, khá ngọt và nhiều nước. Những giống lai nổi tiếng gồm Tangors với 2 loại Murcott và Temple.



THÀNH PHẦN HÓA HỌC:

Thành phần dinh dưỡng của Quýt; 450g Quýt (không vỏ, hột...) chứa:

- Calories

160

- Chất Đạm

2.6

g

- Chất Béo

1

g

- Chất Đường/Bột

35.1

g

- Calcium

106

mg

- Phosphorus

74

mg

- Sắt

1.3

mg

- Vitamin A

1360

IU

- Vitamin B1

0.22

mg

- Riboflavin

0.08

mg

- Niacin

0.8

mg

- Vitamin C

99

mg


* Thành phần hóa học của Vỏ Quýt - Vỏ Quýt chứa:

- Tinh Dầu, trong đó có Methyl-Anthranilate, Limonene, Geraniol, Citral, Citronellol

- Các Alcohol hữu cơ: Elemene, Copanene, Humulene.

- Các Flavonoid loại Hesperidin, Quercetin, Sinentisin, Tangerine.

- Sắc tố: Carotene, Cryptoxanthin

- Các Vitamin B1, C

- Chất tạo vị đắng Nomilin


QUÝT TRONG ĐÔNG Y:

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Đông Y dùng Vỏ và Hạt Quýt để làm thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau.

Dược Tính của Vỏ Quýt: Vỏ quýt được chia làm hai loại: Vỏ Quýt lấy lúc quả còn xanh hay Thanh Bì và Vỏ Quýt lấy lúc quả đã chín hẳn và phơi khô hay Trần Bì.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Trần Bì:

Vỏ Quýt phơi càng khô và càng để lâu càng tốt. Vị thuốc này được Nhật gọi là Chinpi, được xem là có tính ấm, vị cay/đắng, tác dụng vào các kinh mạch thuộc Phế Tỳ và Vị. Trần Bì có thể điều hòa Khí, cải thiện hoạt động của Tỳ, bồi bổ phần tâm của bụng (nơi hoành cách mô). Khi Khí bị tắc nghẽn không lưu thông được, nơi Tỳ và Vị, sẽ tạo ra các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ chua và buồn nôn cùng ói mửa. Trần Bì giúp Khí thông suốt nên rất hữu hiệu để trị buồn nôn và ói mửa. Để trị Buồn Nôn và Ói Mửa: Trần Bì dùng chung với Sinh Khương (Gừng tươi) theo phương thức sau: Đun 6g Vỏ Quýt khô với 3g Gừng tươi trong 250ml nước đến sôi; uống mỗi ngày 2 lần. Phương thuốc này cũng trị được nấc cục. Nếu ói mửa còn kèm theo đau bụng thì dùng thêm Trúc Nhự (Măng tre) và Hoàng Liên.

Vỏ Quýt có khả năng làm khô và biến đổi chất đờm thường đông đặc và đọng nơi cuống họng hoặc phổi. Vỏ Quýt trị được các triệu chứng đau tức nơi ngực, người mỏi mệt, ăn không ngon, lưỡi đóng lớp màng trắng dầy, nghĩa là những triệu chứng do Phế và Tỳ bị mất cân bằng. Để trị các chứng này, Trần Bì được dùng chung với Phục Linh và Hậu Phác. Nếu ăn kém ngon thì dùng thêm Bạch Truật. Một phương thức đơn giản để trị đờm đặc trong cuống họng gây khó chịu là dùng 2 quả Quýt chín chưng với 30g đường phèn ăn trước khi đi ngủ (có thể dùng trái Tắc hay Quất để thay cho Quýt.

Vỏ Quýt còn là thành phần trong nhiều thang thuốc Bắc khác và đôi khi còn được dùng trong các toa thuốc bổ để kềm hãm sự phát động tính cách gây đầy bụng của các vị thuốc như Đảng Sâm, Hoàng Kỳ.

Theo Đông Y thì không được dùng Trần Bì trong các chứng Ho khan vì Âm hư và trong các trường hợp lưỡi đỏ vì hỏa vượng.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Thanh Bì:

Đây là Vỏ Quýt được lấy lúc Quýt còn xanh, phơi khô. Dược Học Nhật gọi là Jyohi. Vị thuốc này có tính ôn, vị cay và tác dụng vào các kinh mạch thuộc Can, Vị và Mật. Thanh Bì có thể phân tán Khí tắc nghẽn nơi Gan. Do đó giải được các trường hợp đau do Khí bị tắc ứ nơi ngực, cách mô. Trong trường hợp này, Thanh Bì được dùng chung với Nghệ (Uất Kim) và nếu sưng gan thì thêm Đảng Sâm và Miết Giáp. Thanh Bì cũng làm thông thoát được sự tắc nghẽn thực phẩm, gây đau tức nơi bụng dưới và được dùng chung với Sơn Trà, Mạch Nha.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Hạt Quýt:

Hạt Quýt hay Quất Hạnh phơi khô có vị đắng, tính bình và tác dụng vào các kinh mạch thuộc Thận, giúp làm thông thoát Khí tắc nghẽn nơi Thận, tạo ra những triệu chứng đau lưng và trường hợp Thận bị Âm hàn xâm nhập gây sưng và đau nhức nơi bộ phận sinh dục Nam (dịch hoàn). Cách dùng như sau: Rang 30 hạt Quýt đến vàng. Xay thành bột, trộn trong 250ml rượu trắng (Brandy hoặc Vodka), uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ khoảng 50ml


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Quýt trong Y-Dược Ayuravedi:

Trong Dược Học Ấn Độ, Quýt ít được dùng hơn là Chanh và Cam Đắng (Citrus Aurantium). Ấn Độ gọi Quýt dưới tên Narangi, tiếng Phạn là Airavata. Hoa của cây Quýt được xử dụng như một chất kích thích tình dục. Quả được xem là có tính nhuận trường, trị được ói mửa và bồi bổ tình dục.


ĐẶC TÍNH DƯỢC HỌC:

Cũng như các cây trong họ Cam, Chanh, Quýt được nghiên cứu khá nhiều về các đặt tính Dược Học.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Tác dụng trên các bệnh Tim Mạch:

Khi thử nghiệm trên Tim của Ếch, một liều lượng nhỏ của chất trích vỏ Quýt có tác dụng gia tăng lượng máu được bơm khỏi Tim nhưng không làm tăng nhịp Tim trong khi đó liều lớn có tác dụng ngăn chặn. Chất trích từ Vỏ Quýt tạo ra sự giãn nở Động Mạch Vành nơi Tim Thỏ, nhưng trái lại gây sự co bóp nơi Động Mạch Thận khi chích cho Chó. Dung dịch này cũng làm tăng huyết áp nơi Thỏ và Chó thử nghiệm, với các phản ứng như Epinephrine. Tuy nhiên, sự hiện diện của Hesperidin lại giúp làm cân bằng tác dụng của Epinephrin. Hesperidin cũng làm gia tăng sự bền chắc của các Vi mạch máu, và giúp điều hòa áp xuất thẩm thấu của máu trong các mạch máu.

Với các tác dụng Dược lực trên, Quýt có thể giúp cơ thể chống được một số bệnh rối loạn Tim Mạch, giảm bớt các nguy cơ bị Stroke do máu nghẽn nơi Tim. Mặt khác, Tangerin, cùng với Nobiletin và Sinensetin trong Quýt còn có khả năng ngăn chặn sự kết tụ của các Hồng huyết cầu nên rất tốt để ngừa Stroke.



Khả năng ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng:

Các chất Hesperidin và Quercitin trong Quýt ngăn chặn được sự phóng thích các Histamin, nhờ đó giúp giảm bớt được các sự khó chịu trong các cơn dị ứng. Hesperidin cũng cản được các phản ứng gây phù thũng do Histamin tạo ra, do đó khi bị dị ứng do ăn các thực phẩm không thích hợp, có thể dùng Quýt để giải độc. Tinh Dầu Quýt cũng làm giảm được các phản ứng Sưng Phù và trị đuợc phù thũng.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Khả năng trị bệnh đường hô hấp:

Tinh dầu Quýt, nhất là Limonene, có khả năng làm giảm Ho do tác dụng trên Trung Tâm Thần Kinh gây Ho, đồng thời cũng làm tiêu đờm bằng cách kích thích màng nhày trong đường hô hấp để làm loãng đờm và tống chúng ra khỏi đường hô hấp. Limonene cũng có tác dụng diệt khuẩn, đặc biệt là trên các vi trùng gây bệnh đường Phổi. Ngoài ra, Quýt cũng giúp cản được các triệu chứng Hô Hấp gây ra bởi Suyễn. Một phương thức trị bệnh đau cổ họng đơn giản được ghi nhận như sau: Đun 5g Vỏ Quýt trong 100ml nước đến sôi. Để nguội và uống vào mỗi buổi sáng, có thể thêm một lát Gừng tươi càng tốt.



Tác dụng trên đường tiêu hóa:

Quýt có khả năng làm tăng sự bài tiết dịch vị, do đó giúp được sự tiêu hóa thực phẩm, trị được các chứng đầy hơi trong bao tử. Khi dùng chung với Vitamin C và K, Quýt có khả năng trị được ung loét bao tử.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Tác dụng ngừa và chống bệnh ung thư:

Những cuộc nghiên cứu thực hiện tại Florida Department of Citrus (Lakeland) do tiến sĩ John Attaway hướng dẫn đã chứng minh được là d-limonene trong tinh dầu Quýt có thể ngăn chặn được sự tạo thành các bướu ung thư bằng cách giải trừ độc tố của các hóa chất gây ung thư sau khi xâm nhập cơ thể. Các nghiên cứu về Tangerine trong Quýt, thực hiện tại Viện Đại Học Ghent (Bỉ) chứng minh được là chất này ngăn chặn được sự lan tràn và xâm nhập của ung thư vào các tế bào lành lặn, bằng cách giữ nguyên ung thư trong tế bào bệnh, không cho chúng phát triển và lan sang được các tế bào khác.

Các nghiên cứu vào tháng 9 năm 1997 do trung Tâm Nghiên Cứu Dinh Dưỡng của Đại Học Western Ontario (Canada) cho thấy 1g Quýt (cả vỏ) chứa khoảng từ 5 – 10g Tangerine và Nobeletin, có tác dụng làm ngưng sự tăng trưởng của tế bào ung thư ngực phụ nữ (khi thử trong ống nghiệm). Ngoài ra, khi dùng phối hợp với Tamoxifen (một dược phẩm trị ung thư) thì tác dụng của Tamoxifen sẽ được gia tăng rất nhiều. Một phương thức đơn giản giúp phụ nữ ngừa ung thư ngực là nên uống mỗi ngày Trà Dược làm bằng Vỏ Quýt phơi khô: 5-10g trong 200ml nước, đun sôi và uống khi nguội. Các thí nghiệm tại Viện Nghiên Cứu về Hóa Học của trái Cây và Rau (Fruit and Vegetable Chemistry Laboratory) tại Pasadena, California cho thấy chất tạo vị đắng Nomilin trong vỏ Quýt có tác dụng làm tăng gấp 3 lần sự hữu hiệu của một chất kháng ung thư tự nhiên có trong cơ thể chúng ta là Glutathione S-transferase.

Ngoài ra, Pectin và Vitamin P có khá nhiều trong phần cùi trắng của vỏ Quýt cũng là nguồn dược liệu rất tốt (xem phần Pectin trong bài Bưởi)


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Tinh Dầu Quýt và Khoa trị bệnh bằng Hương Liệu:

Trong Aromatherapy, Tinh Dầu Quýt được dùng để trị các chứng bệnh mất ngủ và tinh thần bị đè nén (Stress). Tinh Dầu tốt thường màu vàng, có mùi thơm dễ chịu.

Để dùng trợ giúp tiêu hóa: Tinh Dầu Quýt được dùng chung với Tinh Dầu Ngò và Tinh Dầu Hồi Hương theo tỷ lệ 6/2/4.

Để dùng trị bệnh ngoài da: Thoa trị vết nhăn trên bụng khi có thai có thể dùng Tinh Dầu Quýt chung với Tinh Dầu Lavender, Frankincense theo tỷ lệ 6/3/3.

Để trị Stress và triệu chứng tâm thần có thể dùng Tinh Dầu Quýt với Frankincense và Rosewood theo tỷ lệ 7/3/2.

DS Trần Việt Hưng
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân