TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - ĐƯỜNG THI XƯỚNG HỌA
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

ĐƯỜNG THI XƯỚNG HỌA

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tuyển chọn THƠ của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7316

Bài gửiGửi: Mon Feb 15, 2016 1:44 pm    Tiêu đề: ĐƯỜNG THI XƯỚNG HỌA


ĐƯỜNG THI XƯỚNG HỌA


Ngày xuân bàn chuyện xướng-họa thơ Đường luật

Đây là 1 bài viết rất hay cho những bạn yêu thơ đường luật, thích xướng họa, trong khuôn khổ bài này chỉ nói đến các bài xướng họa của các thi sĩ giầu kinh nghiệm thơ phú, riêng các bạn yêu thơ nhưng không rành lắm, muốn tìm hiểu cách làm sao cho chỉnh niêm luật, có thể vào Google đánh "thơ Đường luật cách làm" sẽ có chỉ dẫn tận tình tránh những lỗi lầm khi xướng họa.Thú vui nào mà chẳng phải nhọc nhằn, bõ công tìm hiểu phải không?, càng tìm hiểu về thơ đường luật, tui càng bái phục Ong Bầu cách dùng chữ, cách đối từ, đối ý và cách xử dụng niêm luật, cách bố cục trong bài thơ xướng họa, chứng tỏ Ong Bầu đã rất nhiều năm dầy dạn trên chiến trường thi họa

Mến

Bá Nha

Vài nét về thơ Đường luật

Thơ Đường hay Đường Thi là thể thơ được sáng tác vào thời nhà Đường (618-907) bên Trung Hoa. Số lượng các bài thơ Đường được ghi chép và lưu truyền đến nay lên đến hàng chục ngàn bài (khoảng 48000) của hàng ngàn tác giả. Tác phẩm Đường Thi nhất thiên thủ chọn lọc 1000 bài Đường Thi hay nhứt của các thi nhân đời Đường. Đời Thanh chọn 300 bài tiêu biểu do Hàng Đường Thoái Sĩ và Trần Uyển Tuấn bổ chú thành Đường Thi tam bách thủ được phổ biến rộng rãi ở Trung Hoa, Việt Nam...

Đến đời Trần Nhân Tông (1258-1308), Nguyễn Thuyên (1229-?) là người đầu tiên biết theo Đường luật mà làm thơ Nôm, đặt ra thể thơ Hàn luật. Như vậy thơ Hàn Luật là thơ nôm (tiếng Việt) theo luật thơ Đường. Đó là thể thơ vay mượn “thi pháp của Tàu, âm luật của ta” (Dương Quảng Hàm) để tạo thành thơ ta như các thể thơ Việt Nam khác.

Hiện nay có sự lạm dụng, nhập nhằng về tên gọi thể thơ Đường luật. Nhiều thi sĩ trong nước làm thơ Đường luật gọi đó là Thơ Đường hay Đường Thi. Thật là sự ngộ nhận đáng tiếc! Lại có “nhà thơ” đòi phát động phong trào “Thắp Sáng Đường Thi”. Trời đất! Đường Thi đã thật sự tỏa sáng ngàn năm rồi, thắp sáng hay không là việc của con cháu các ông Lý Bạch, Đỗ Phủ, mắc mớ gì đến chúng ta mà sáng với tối!

Người viết dù có ý muốn thoát Trung, nhưng vẫn không bài ngoại như Thánh Gandhi đã từng hô hào tẩy chay hàng hóa của Anh thuở nọ; cũng không triệt để bài Pháp như cụ Đồ Chiểu qua việc không dùng xà bông của Pháp (chỉ dùng nước tro để giặt đồ), không đi trên đường Tây đắp, gọi người Pháp là “loài bạch quỷ”, thậm chí khuyên con cháu không được học chữ quốc ngữ vì cho đó là “lối phát minh man rợ”. Chúng tôi không đồng ý với tên gọi như Thơ Đường, Đường Thi hay Thơ Đường Việt Nam (thiếu chữ luật) và xin được đề nghị các tên gọi như Thơ Đường luật Việt Nam hay Thơ Đường luật.

Thơ Đường luật có bốn thể: Ngũ ngôn tứ tuyệt, Ngũ ngôn bát cú, Thất ngôn tứ tuyệt, Thất ngôn bát cú. Ở đây, người viết chỉ lạm bàn tới thể Thất ngôn bát cú.

Xướng-họa thơ Đường luật

Thơ xướng-họa có nhiều loại, thông dụng nhứt là thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Đã có họa, tất nhiên phải có xướng. Bắt chước người xưa khi cho rằng “Xuất đối dị; Đối đối nan” (Ra câu đối thì dễ, đối lại câu đối lại khó), tôi có thể viết “Xuất xướng nan; Họa xướng nan”. Thật vậy, làm thơ Đường luật (xướng) là một việc khó, không phải ai cũng làm được. Họa một bài thơ Đường luật lại càng khó hơn. Cho nên ít có bài họa xuất sắc. Ngoài việc tuân thủ các quy luật nghiêm ngặt của một bài thơ Đường luật (như Vần, Đối, Luật, Niêm và Bố cục), người họa cần phải biết rõ cách thức họa thơ. Có nhiều tài liệu đề cập đến vấn đề nầy, người viết chỉ xin tóm gọn hai yêu cầu chánh về nội dung và hình thức.

Về nội dung: Bài họa phải dựa theo ý bài xướng (chủ đề, nội dung), có thể biểu đồng tình mà bàn rộng thêm ra hay phản đối hoàn toàn.

Về hình thức có họa hạn vận và họa phóng vận.

1.Họa Hạn vận: Lối họa nầy không có bài xướng, chỉ có đề mà thôi. Người họa phải diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn và dùng đúng 5 vần hạn định của bài xướng.

Thí dụ: Cuộc thi thơ do Phan Kế Bính tổ chức.

– Đầu đề (Nội dung cần diễn tả): Trống treo, ai dám đánh thùng / Bậu không, ai dám dở mùng chun vô.

– Năm vần hạn định: xô – cô – vô – ô – rô.

Điều khá thú vị là người đoạt giải nhứt tại cuộc thi nầy lại là một nhà sư! Bài thơ họa như sau:

Nào phải là ai dám giục xô

Thuận tình trước hết tự nơi cô

Có cho mới dám trao dùi đánh

Không hẹn nào ai đẩy cửa vô

Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa

Ham vui quên hết chuyện dâm ô

Thói hư thuần thước xưa còn lạc

Đừng học làm chi gióng nhảy rô.

2. Họa Phóng vận: Lối họa nầy dựa vào một bài thơ có sẵn gọi là bài thơ xướng. Bài họa có thể theo một trong bốn cách sau đây:

– Họa nguyên vận: là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần đúng y theo thứ tự của bài xướng;

– Họa đảo vận: là họa ngược thứ tự 5 vần từ dưới lên trên;

– Họa hoán vận: thay đổi thứ tự vị trí vần của bài xướng sao cho êm tai;

– Họa tá vận: mượn vần, không cần phải theo nội dung của bài xướng, nên dễ làm.

Chú ý: Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó. Bài xướng luật Bằng thì bài họa phải là luật Trắc, và ngược lại. Trong một số trường hợp có thể du di, họa đồng luật cũng được.

Thí dụ: Trong 10 bài thơ xướng họa liên hoàn Giang san ba tỉnh giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị, có 6 bài họa của Cử Trị không đối luật.

Chẳng hạn bài 1:

Bài xướng của Tôn Thọ Tường (luật Bằng)

Giang san ba tỉnh hãy còn đây

Trời đất xui chi đến nỗi này

Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo

Mây tuôn đen kịt khói tàu bay

Xăn văn thầm tính, thương đòi chỗ

Khấp khởi riêng lo, biết những ngày

Miệng cọp hàm rồng, chưa dễ chọc

Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!

Bài họa của Phan Văn Trị (luật Bằng)

Hơn thua chưa biết đó cùng đây

Chẳng đã, nên ta mới thế này

Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy

Cồn Rồng dầu mặc bụi tro bay

Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở

Bủa lưới săn nai cũng có ngày

Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ

Lòng ta sắt đá há lung lay!

Trường hợp một bài thơ thất luật cho dù có thi thánh, thi thần cũng không tài nào họa nổi.

Thí dụ: Bài thơ Đèo Ba Dội của Hồ Xuân Hương.

Một đèo, một đèo, lại một đèo

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc

Hòn đá xanh rì lún phún rêu

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.

Đây là một bài thơ thất luật (căn cứ vào chữ đèo thứ hai câu đầu, đáng lẽ Trắc), thất niêm (chữ thứ hai câu 1- thanh Bằng=đèo, không cùng thanh với chữ thứ hai câu 8- thanh Trắc=gối).

Chú ý: Hạn chế dùng lại chữ thứ 6 của các câu 1, 2, 4, 6, 8 của bài xướng.

Có thể dùng lại một số tử vận, tức nhóm từ không thể thay thế được (thí dụ: xót xa; danh từ riêng: Nam Quan, Quang Trung).

Một số bài thơ Họa bài Xướng Lại Tết Về Giữa Mùa Đông

Từ khi Thời Báo đăng bài thơ xướng-họa ấy, tôi để tâm theo dõi xem có ai là người đồng điệu hạ bút họa thơ...

Hai tháng sau, trên tờ Thời Báo số ra ngày 01/03/2014 có đăng hai bài thơ họa của tác giả Tú Xác với tựa đề lần lượt là Một trà một rượu một băng ngàn (luật Bằng) và Thiên thu (luật Trắc).

Tôi đã thử tìm cách liên lạc với tác giả Tú Xác, qua ông Chủ Bút Thời Báo, để cám ơn, đồng thời xin phép phổ biến các bài thơ họa khi có dịp. Đến nay vẫn chưa lần ra manh mối.

Thế là tia hy vọng của tôi vừa lóe lên đã bị dập tắt.

Một cái duyên khác đưa đến. Tuần vừa qua, trong lúc lang thang trên mạng, tôi tình cờ biết có thêm ba tác giả đã họa lại bài thơ xướng Lại Tết Về Giữa Mùa Đông. Biết đâu còn có thêm một vài bài thơ họa khác mà tôi chưa biết. Trong số ba tác giả, có một người ở Canada họa ba bài (Tứ Diễm) ; một người không rõ ở đâu họa một bài (PN- tức Phong Nguyen) ; một người ở Hoa Kỳ họa một bài (Lan Dinh).

Trúc Lan thành thật cám ơn các tác giả có bài thơ họa và xin phép chép lại những bài thơ họa đó. Đồng thời người viết mạo muội đưa ra một vài nhận xét nho nhỏ (xin lỗi các thi sĩ đồng điệu) theo kiểu thầy bói mù xem voi, “thấy sao nói vậy”. Dám mong các bậc thức giả am tường về xướng-họa thơ Đường luật vui lòng bổ sung, chỉ giáo. Xin đa tạ.

*Bài thơ Xướng-Họa Lại Tết Về Giữa Mùa Đông của Trúc Lan (lược bỏ phần chú thích):

Bài Xướng (Luật Trắc)

Tết giữa mùa Đông – suối lệ tràn

Ngàn năm ô nhục: Ải Nam Quan!

Tây nguyên hùng vĩ, người khai thác

Biển đảo đẹp giàu, chúng phá tan

Hội nghị Diên Hồng: bừng chánh khí

Bài thơ Nam Quốc: nức tâm can

Non sông gấm vóc, thề son sắt

Tủi gió sầu mưa – hận ngút ngàn!

Bài họa (Luật Trắc)

Tết giữa mùa Đông – lệ cứ tràn

Khóc cho Bản Giốc, hận Nam Quan

Tài nguyên phong phú, người xâm đoạt

Văn hiến ngàn xưa, chúng xóa tan

Đại cáo Bình Ngô: ngời chánh nghĩa

Lời thề Sát Thát: rực tâm can

Chừng nào minh chúa tòng dân ý

Phất ngọn cờ đào diệt sói ngàn!

Trúc Lan

Montreal-Canada, 10/2013

Nhận xét: Cả hai bài thơ xướng-họa đều làm theo thể Đường luật thất ngôn bát cú luật Trắc, vần Bằng, đúng niêm, đối khá chỉnh. Đặc biệt tử vận ở cuối câu 2 của bài xướng (địa danh Nam Quan) do tác giả cố ý sử dụng để nhờ các bạn yêu thơ thử trổ... tài họa xướng! Vì khó đối nên bài họa phải đối cùng luật Trắc.

*Hai bài thơ Họa của Tú Xác

Bài 1: Một trà một rượu một băng ngàn (Luật Bằng)

Mừng Xuân rượu thấm nói năng tràn

Dân đã hoàn dân quan hết quan

Gió nhẹ bè trôi đình đám tụ

Mưa dầm đầm vắng cối chày tan

Say mồi đắc chí xin đừng cản

Gặp mối đê mê chẳng dám can

Trà rượu lăng nhăng là món phụ

Thứ ba đã bén dẫu băng ngàn.

Bài 2: Thiên thu (luật Trắc)

Đông đến xuân sang tuyết dễ tràn

Của dân cũng trắng huống chi quan

Trắng trên trắng dưới không thèm lẩn

Đen nhỏ đen to chẳng chịu tan

Tạo hóa đặt bày đừng có đổi

Đất trời phó thác chớ nên can

Tuyết là tuyết nguyệt thiên thu trọn

Xuống biển y như thứ ngược ngàn.

(Nguyên tiêu, năm Ngựa)

Nhận xét: Tác giả nắm vững cách họa thơ Đường luật nên cả hai bài họa khá hoàn chỉnh về niêm, luật, vần. Vì gặp tử vận ở câu 2 nên bài họa 2 cùng đối luật Trắc. Riêng về đối, tác giả Tú Xác đã sử dụng phép đối tương phản. Tuy nhiên hơi xa đề. Cả hai bài nói lên tâm trạng bi quan của một người bất đắc chí giống như Tú Xương “một trà, một rượu, một... ” để mừng Xuân. Mọi việc phó mặc cho Tạo hóa.

*Hai bài thơ họa của Tứ Diễm (Thật ra có ba bài, chỉ chép hai bài và lược bỏ chú thích)

Bài 1 (Luật Bằng):

Đọc thơ ai viết, uất dâng tràn

Hận lũ bạo quyền lẫn ác quan

Áp bức, đọa đầy – dân tới thác

Biển dâng, đất hiến – nước gần tan

Nằm gai rèn luyện tăng hùng khí

Nếm mật trau giồi thêm đảm can

Quyết đuổi giặc dù không tấc sắt

Chẳng nề gian khổ, quyết băng ngàn.

Tứ Diễm – Jan 26, 2014

Bài 2 (luật Trắc)

Càng ngẫm, hận càng mãi uất tràn

Hoàng Sa, Bản Giốc lẫn Nam Quan

Tiền nhân gìn giữ chẳng e thác

Hậu thế bán buôn không ngại tan

Quốc biến – trẻ, già đua tráng khí

Gia nguy – nam, nữ dốc tâm can

Ngày xưa Thánh Gióng vung roi sắt

Nay sánh vai nhau cưỡi sóng ngàn.

Tứ Diễm – Feb 14, 2014

(Nguồn: http://tudiemcorner.blogspot.ca/2014/01/tho-xuong-hoa-lai-tet-ve-giua-mua-dong.html).

Nhận xét Bài 1: Tác giả giữ đúng niêm, luật, vần. Tuy nhiên, vì muốn đối luật nên khi gặp tử vận ở hai chữ cuối câu 2 (ác quan-danh từ chung) đối chưa thật chỉnh với bài xướng (Nam Quan-địa danh). Nhóm từ “Áp bức, đọa đày” (câu 3) đối còn hơi gượng với “Biển dâng, đất hiến” (câu 4). Tác giả họa rất nhanh trong thời gian kỷ lục 2 ngày, đặc biệt họa nguyên chữ cuối cả 8 câu của bài xướng.

Theo chỗ Trúc Lan biết và “đoán mò”, Tứ Diễm là một nữ “nghệ sĩ” thiên phú, đa tài, “công, dung, ngôn, hạnh” gồm đủ (theo cái tên?). Ngoài viết văn, làm thơ, đọc sách, vẽ, chuyên về vi tính, Tứ Diễm còn khéo tay nấu ăn, làm bánh, cắm hoa, may thêu, đan móc v.v...

Nhận xét Bài 2: Bài họa hoàn chỉnh về niêm, luật, vần. Câu 3 và 4 hơi khó đọc. Tuy nhiên đối cùng luật Trắc với bài xướng vì gặp tử vận ở câu 2 (Nam Quan).

*Bài thơ họa của PN (Luật Trắc):

Dù Hạ hay Đông hận vẫn tràn

Khi còn nỗi nhục Ải Nam Quan

Trường Sơn quyết tử dù hồn thác

Đông Hải hy sinh mặc xác tan

Giặc Hán ngang tàng đầy sát khí

Dân Nam hùng dũng một tâm can

Trăm lòng như một thề gan sắt

Gìn giữ non sông mãi bạt ngàn.

P.N-13/02/2014 (theo TuDiem’s Corner Blog)

Nhận xét: Khá hoàn chỉnh về niêm, luật, vần. Vì gặp tử vận ở câu 2 (Nam Quan) nên đối cùng luật Trắc.

*Bài thơ họa của Lan Dinh (Luật Trắc)

Ôi Tết giữa Đông với lệ tràn

Thương nòi thương nước hận tham quan

Giang sơn gấm vóc hèn đem bán

Văn hiến ngàn năm dám phá tan

Không thể ngồi yên còn nợ nước

Gương hùng sử Việt thúc tâm can

Chung tay đòi lại nguyên bờ cõi

Hẹn Tết đầu Xuân vui ngút ngàn.

Lan Dinh (Đặc San Xuân 2015 Ninh-Hoa.com)

Nhận xét: Tương đối chỉnh về niêm, vần. Vì muốn tránh lặp lại tử vận ở câu 2 (Nam Quan) nên phải đối cùng luật Trắc. Ở cặp luận, “Không thể ngồi yên” (câu 5) đối chưa chỉnh với “Gương hùng sử Việt” (câu 6). Bài thơ nói lên tinh thần lạc quan: sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm, định yên bờ cõi, toàn dân Việt sẽ “vui ngút ngàn” với cái “Tết đầu Xuân”.

Thay lời kết

Xướng-Họa thơ Đường luật là thú chơi tao nhã của các tao nhân mặc khách trong những lúc trà dư tửu hậu, những dịp Xuân về Tết đến. Nếu ngày xưa xướng-họa thơ là “món đặc sản” dành cho bậc thượng lưu trí thức thì ngày nay nó trở thành “sân chơi” văn hóa-trí tuệ tao nhã của những người yêu thơ gồm đủ mọi thành phần, giới tính, lứa tuổi. Thơ xướng-họa còn là phương tiện giao lưu, tạo ra bao liên hệ bằng hữu tao nhã, tri âm tri kỷ.

Trước kia phương tiện thông tin liên lạc còn bị hạn chế, người chơi thơ xướng-họa phải dùng đường bưu điện, mất rất nhiều thời gian, có khi cả tháng. Ngày nay với sự tiến bộ kỹ thuật tin học, qua hệ thống Internet, E-mail, tác giả bài thơ xướng (bản gốc) có thể nhận lại các bài thơ họa (bản sao) trong vài giờ hoặc vài chục phút.

Hai năm trước, Trúc Lan đã sáng tác bài thơ xướng-họa chỉ với mục đích giãi bày tâm trạng của mình bởi nỗi đau đời. Nhờ sự bắc cầu của tờ Thời Báo, một số thi hữu “đồng cảm đồng điệu” đã bỏ công sức tìm chữ, gieo vần, đặt câu họa lại. Xin cám ơn tất cả những người bạn yêu thơ chưa hề quen biết ấy.

Thật thà mà nói, xướng-họa thơ Đường luật quá khó, Trúc Lan ngỡ là thể thơ nầy sẽ dần dần bị “lấn sân” bởi các dòng thơ mới, thơ trẻ. Đến khi sưu tầm, tìm hiểu, Trúc Lan đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, có thể nói bị “tẩu hỏa nhập ma” bởi phong trào xướng-họa thơ lên quá nhanh như diều gặp gió trong nước cũng như ở hải ngoại (chẳng hạn như ở Đức, Pháp, Mỹ, Gia Nã Đại...). Riêng ở trong nước, phong trào xướng-họa thơ Đường luật đã “bùng phát” khắp từ Bắc vào Nam. Đã có Tuyển tập Thơ Đường luật Việt Nam in năm 2012 gồm hơn 3000 bài với 700 tác giả. Nhiều sinh viên còn chọn Thơ Đường luật làm luận văn tốt nghiệp. Thơ Đường luật vì vậy có lợi thế, có cái đăc tính xướng-họa độc đáo mà các thể thơ khác không có. Điều đó chứng tỏ sức sống dồi dào kỳ diệu của thơ Đường luật, khả năng tiềm ẩn thi phú còn rất nhiều trong cộng đồng người Việt chúng ta ở khắp mọi nơi.

Nếu biết chăm chút, nuôi dưỡng và khơi dậy khả năng tiềm ẩn, sức sống dồi dào ấy, người viết tin rằng dòng thơ Đường luật sẽ không bao giờ ngưng chảy. Nói theo thiên tài Nguyễn Trãi: “Mất thơ, mất nhạc là mất nước”. Các bạn nghĩ sao?

Trúc Lan

Montreal-Canada, 01/2016


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tuyển chọn THƠ của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân