TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Mè: Dầu ăn lý tưởng với những chất béo tốt và hữu ích
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Mè: Dầu ăn lý tưởng với những chất béo tốt và hữu ích

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Nữ Công Gia Chánh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9608

Bài gửiGửi: Fri Dec 18, 2015 9:07 pm    Tiêu đề: Mè: Dầu ăn lý tưởng với những chất béo tốt và hữu ích

Mè: Dầu ăn lý tưởng
với những chất béo tốt và hữu ích


Vào những năm 1960 tại Việt Nam, có phong trào Dưỡng Sinh ăn gạo Lứt với Muối Mè theo phương pháp của Y Sư Nhật Bản Oshawa, và cũng theo phương pháp này thì Gạo Lứt với Muối Mè sẽ giúp trường sinh, tránh được nhiều bệnh tật. Tuy nhiên phương pháp này sau đó đi vào quên lãng có lẽ vì một trong những điều phải theo của phương pháp là giới hạn uống nưóc (?) trong việc ăn uống. Gạo Lứt dĩ nhiên là có nhiều chất bổ thuộc nhóm Vitamin B, nhưng còn Mè, mà miền Bắc Việt Nam gọi là Vừng thì có những gì đặc biệt?


TÊN KHOA HỌC:


Sesamum Indicum, thuộc họ thực vật Pedallaceae. Người Mỹ gọi là Sesame, Pháp cũng gọi Sésame. Tây Ban Nha gọi khác hơn là Ajoujoli. Đông Y gọi dưới tên Chi-Ma với phiên âm Zhi-ma, hay Hồ-Ma với phiên âm Hu-Ma. Mè chia làm hai loại Mè Đen và Mè Trắng.


LỊCH SỬ VÀ ĐẶC TÍNH THỰC VẬT:

Mè có nguồn gốc từ miền Nam Á Châu và Phi Châu nhiệt đới, có lẽ là loài cây thực phẩm cổ nhất trồng để lấy Dầu ăn và đã được ghi trong sách vở từ năm 1600 trước Tây Lịch, các kết quả trồng trọt đã tìm được trong vùng Tigris và Euphrate. Người Ai Cập gọi Mè là Sesemt và xem Mè như một vị thuốc ghi trong sách Ebers Papyrus từ khoảng năm 1550 trước Tây Lịch. Những cuộc khai quật khảo cổ học (1969) trong vùng Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Mè được trồng tại vương quốc Urartu (nay là Armenia) và được ép để lấy Dầu từ những năm 900 -700 trước Tây Lịch. Và ngày nay, hơn 2700 năm sau, hạt Mè vừa tìm lại được nơi mà Cựu Ước ghi chép là Ararat. Trong chuyện “Ngàn lẻ một đêm” nổi tiếng, nhất là đoạn nói về “Ali Baba và 40 tên trộm”, Mè được chọn là câu thần chú để mở kho tàng và trở thành thông dụng với mọi người mê chuyện thần thoại.

Vào những thế kỷ đầu tiên thời Tây Lịch, Mè được nhập vào Châu Âu từ Pakistan và Ấn Độ theo ngã Biển Đỏ. Đến thời Trung Cổ, Mè được trồng tại Ai Cập và xuất cảng sang Venise (Ý). Marco Polo cũng ghi chép vào 1298 là tại Ba Tư, vì không có Olive nên đã dùng Dầu Mè để đun nấu. Mè tuy thông dụng tại Phi Châu nhưng mãi đến thế kỷ 17 hoặc 18 mới theo chân người nô lệ da đen để vào Hoa Kỳ dưới tên Benne.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Mè là một loại Cỏ hằng niên, có thể mọc cao từ 60cm đến 1, 2m và chỉ mọc từ hạt nầy mầm. Thân mọc thẳng đứng với lá có nhiều hình dạng, có thể biến đổi từ bầu dục đến thuôn dài, có thể thay đổi thành thùy, dài 3-10cm, cuống lá cỡ 1.5-5cm. Cây trổ bông từ tháng 6-8. Hoa khá đẹp để có thể dùng làm cây cảnh. Tùy loại, Hoa có thể có màu từ hồng nhạt đến hồng xậm (Sesamum alatum) hoặc tím nhạt đến trắng (Sesamum orientale). Quả là một nang chứa rất nhiều hạt. Hạt Mè được thu hoạch trong giai đoạn cây trổ hoa, khi nang đổi thành màu đen vàng. Cây được cắt sát gốc và bó thành bó, phơi khô dưới nắng mặt trời. Sau khi cây khô, hạt sẽ được thu nhặt. Trong những điều kiện tốt, 1 acre cung cấp khoảng 250 -350kg hạt mè.

Mè cần đất xốp có cát và thông thoát nước, nhiệt độ ấm áp, mưa không nhiều lắm. Nhiều giống lai tạo để tăng sản xuất đã được trồng tại Venezuela và những nước Nam Mỹ. Hạt Mè rất nhỏ, dạng bầu dục chừng 0.3cm dài. Hạt có thể còn vỏ, có màu trắng đục; trong khi đó loại có vỏ màu từ vàng đến đỏ và tùy giống có thể nâu đến đen.

Sản lượng Mè của thế giới vào khoảng 2 tỷ tấn mỗi năm với những quốc gia sản xuất nhiều nhất là Trung Hoa, Ấn Độ, Ethiopia, Nicaragua, Mexico, Hoa Kỳ. Vùng trồng Mè nhiều nhất tại Hoa Kỳ là Texas, Louisiana, California và Arizona.


THÀNH PHẦN HOÁ HỌC

Hạt Mè chứa:

- Chất Béo (Dầu) 55%

- Chất Bột (sơ) 9%

- Chất Đạm 26%

- Muối Khoáng với nhiều nhất là Calcium

- Các Vitamin E, C, Folic Acid, Nicotinic acid, Lecithin

Dầu Mè chứa:

- Các acid béo tốt (poly-unsaturated)

- Phần chính là Acid Oleic và Linoleic 43%

- Acid Palmitic 9%

- Acid Stearic 4%

- Một ít Sesamol, Sesamin và Sesamolin


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Dầu Mè được gọi là Sesame Oil hoặc Benne oil được lấy bằng cách ép hạt. Có 2 loại Dầu Mè. Một loại ép từ hạt sống và một loại ép từ hạt đã rang chín. Dầu ép sống không có mùi thơm. Trái lại dầu ép chín từ hạt rang có mùi thơm đặc biệt và dùng trong kỹ nghệ thực phẩm, để nấu ăn. Dầu ép tươi dùng trong kỹ nghệ dược phẩm. Ngoài ra cũng nên phân biệt 2 loại Mè Đen và Mè Trắng. Hạt Mè Đen (Hắc Chỉ Ma) được dùng nhiều tại Nhật và Trung Hoa để làm bánh và nấu chè. Trung Hoa có loại chè mè Đen nổi tiếng “Hắc Mà Phù”, Nhật Bản có món Gomasio làm bằng Mè Đen trộn muối. Hạt Mè Trắng thông dụng hơn tại các nước Á Châu. Đại Hàn dùng nhiều Mè (Cho-Kanjang) trong các món thịt nướng, hạt Mè thường được dập nát trước khi thêm vào thức ăn.


MÈ TRONG Y DƯỢC ĐÔNG PHƯƠNG

Nông dân Thái đang thu hoạch mè


Mè trong Dược học Trung Hoa: Mè đã được du nhập vào Trung Hoa trong thời Hán, khoảng thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch. Hạt Mè được dùng để trị bệnh trong Đông Y từ hơn 2 ngàn năm và được mô tả trong Thần Nông Bản Thảo. Mè được xem là bồi bổ ngũ tạng. Nhất là Gan và Thận với tính giải trừ “táo” (khô khan), giúp nhuận trường. Mè Đen được xem là có dược tính mạnh hơn Mè Trắng. Mè được chính thức ghi trong dược điển của Trung Hoa để trị các chứng choáng váng, mắt mờ, tai ù do thiếu máu, tóc bạc sớm, và rụng tóc sau một cơn bệnh cùng táo bón. Các tính cách trị liệu khác được ghi nhận là: thiếu sữa nơi phụ nữ cho con bú, phong thấp và mất sức sau cơn bệnh. Liều thường dùng từ 9 – 15g uống dưới dạng thuốc nước hoặc thuốc viên. Hạt Mè được dùng bên ngoài để trị các trường hợp bị sâu bọ đốt, các ung nhọt ngoài da và trị bệnh trĩ bằng cách ngâm Mè, lấy nước thoa hoặc giã nát đắp thẳng lên vết thương.


DƯỢC TÍNH VÀ CÁCH DÙNG

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Cánh đồng mè ở Nepal


Khả năng Hạ Đường trong Máu: Trong các thử nghiệm tại đại học Y Dược Bắc Kinh, khi cho Chuột dùng trích tinh Mè, lượng đường trong máu hạ xuống; điều náy chứng minh được các trường hợp ăn Gạo Lứt với muối mè làm hạ đường trong máu. Tuy nhiên nên thận trọng là cần uống nước cho đủ, ít nhất là khoảng 1 lít mỗi ngày, và dùng thêm các loại rau, quả để có thêm các sinh tố cần thiết.

Khả năng trị Xổ Mũi Kinh Niên: Một cuộc thử ngiệm trên 63 trường hợp xổ mũi và nghẹt mũi và nghẹt mũi kinh niên; cho dùng Dầu Mè trắng đun nhỏ lửa đến sôi, để nguội. Nhỏ mũi ngày 3 lần, mỗi lần 2, 3 giọt. Tăng dần đến 4, 5 giọt trong 10 – 90 ngày cho thấy kết quả là 52 người khỏi, 3 người cải thiện được tình trạng bệnh, chỉ 8 người không thuyên giảm. Trước 1975, tại Nam Việt Nam vẫn có những loại thuốc dầu nhỏ mũi để trị xổ mũi và nghẹt mũi nơi trẻ em như Huile Gomménolée. Ngoài ra, Dầu Mè tại Ai Cập còn được dùng làm thuốc nhỏ tai để làm mềm và tan ráy tai. Phương thức đơn giản nhất là đun ấm Dầu Mè và nhỏ vào tai 1-2 giọt.

Khả năng trị mụn cóc của Hoa cây Mè: Khi dùng Hoa của cây Mè để trị mụn cóc tại bệnh viện Hồ Nam (1989) cho thấy kết quả trên 250 bệnh nhân thì 228 khỏi hoàn toàn và 22 thuyên giảm. Cách dùng như sau: Hái Hoa cây Mè lúc bình minh (còn sương đọng trên hoa). Chà hoa trên mụn cóc mỗi ngày 3 lần. Sau từ 7 – 10 ngày sẽ có kết quả. Nếu dùng hoa khô, thì trước hết phải ngâm hoa trong nước trong 30 phút, rồi đun nước đến sôi. Dùng nước để rửa mụn cóc, mụn sẽ rụng sau 10 ngày.

Khả năng chống tác dụng độc hại của tia nắng mặt trời: Ánh sáng mặt trời, do tia cực tím có thể gây ra các trường hợp tổn thương da và đưa đến ung thư da. Dầu Mè tốt nhất trong các loại dầu (như dầu dừa, dầu Olive) với khả năng có thể ngăn chặn được tác hại của các tia UV đến 30%. Để có thể đi tắm biển hoặc phơi nắng mà không sợ cháy da, có thể tự pha chế các loại Dầu chống nắng bằng Dầu Mè theo phương thức sau: Hoà tan ¼ muổng cà phê Hàn The (Borax) trong 120ml nước trà đặc, nóng. Để riêng. Trộn 120ml dầu mè đen với 1 muổng canh Sáp Ong tán mịn. Đun cách thuỷ hỗn hợp đến khi sáp ong tan hết (8 – 10 phút), nhớ quậy đều. Thêm dung dịch trà/hàn the quậy thật kỹ (có thể dùng blender). Để nguội hẳn trước khi xử dụng.

Khả năng trị vết thương khó lành: Một số vết thương rất lâu lành như các vết thương do gẫy xương, ghép da; Dầu Mè có tác dụng làm lành các vết thương loại này khá nhanh. Những kết quả thực nghiệm tại bệnh viện Thiên An (Trung Hoa) và Bichat (Paris) cho thấy khi dùng dầu mè trộn chung với sáp ong để thoa vết thương, kết quả rất khả quan và rút ngắn được thời gian lành bệnh.

Dầu Mè trong kỹ nghệ dược phẩm: Dầu Mè ép từ hạt tươi được ghi trong các Chế Dược Thư Pháp (CODEX), Mỹ (USP) như một chất chuyên chở (vehicle) các chất tác dụng vào cơ thể nhất là bằng đường chích (injectable). Dầu Mè cũng còn được dùng để chế biến thực phẩm như Margarin và dùng trong Mỹ phẩm.

DS Trần Việt Hưng
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Nữ Công Gia Chánh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân