TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TÓC MÂY NGHÌN SỢI
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TÓC MÂY NGHÌN SỢI

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Dài
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:33 am    Tiêu đề: TÓC MÂY NGHÌN SỢI - (DUNG SAIGON)




TÓC MÂY NGHÌN SỢI

DUNG SAIGON

Tôi tiễn Thục ra cửa, bầu trời bỗng dưng u ám. Thục nói bâng quơ:

- Chiều nào cũng mưa, buồn quá!

Tôi ôm nhẹ lên vai Thục:

- Ở lại với mình cho qua cơn mưa này hãy về.

Thục cười nhẹ nhàng:

- Để hôm nào rảnh mình sẽ ở chơi lâu hơn. Hôm nay thì không được đâu, mình có một cái hẹn.

Tôi nhìn mông lung ra ngoài. Gió đã bắt đầu thổi mạnh làm rụng những chiếc lá vàng trên hàng cây dâm bụt trước cửa nhà. Tôi đi với Thục ra ngõ. Thục nói:

- Mới đây mà đã hơn năm năm rồi. Thời gian trôi nhanh ghê hả Diễm?

Nhìn dáng Thục trẻ trung trong bộ đồ hợp thời trang với khuôn mặt tươi vui, lòng tôi dấy lên một nỗi xót xa. Tôi thèm tuổi trẻ và niềm tươi vui của Thục quá. Tuổi trẻ của tôi đã thực sự mất rồi. Tôi thở dài:

- Thục thì chẳng thay đổi gì. Chỉ có Diễm là… thật tệ!

Thục chớp mắt:

- Mỗi người một số phận, đừng than trách mình nữa Diễm ạ. Hãy vui lên, chúng mình còn rất trẻ.

Tôi chép miệng:

- Cuộc sống của Thục bình yên bao nhiêu thì cuộc sống của Diễm sóng gió bấy nhiêu.

Thục khoác tay lên vai tôi nhỏ nhẹ:

- Có bình yên hay không là do chính tâm hồn mình tạo cho mình chứ không phải do hoàn cảnh. Mọi chuyện rồi sẽ lắng xuống mà thôi. Diễm còn rất nhiều thời gian để nghĩ đến mình.

Tôi nhìn những ngón tay mình, những ngón tay được trau chuốt gọn gàng và sơn phết lên một mầu hồng đậm làm mất đi những vết trầy xướt của năm tháng nhọc nhằn, tôi lại nhìn bàn tay Thục, bàn tay mịn màng mộc mạc như thủa còn đi học khiến lòng tôi chùng xuống một nỗi nhớ mênh mang. Tôi chợt hỏi:

- Bây giờ Trường ra sao? liệu Trường có hạnh phúc không Thục nhỉ?

Thục tròn mắt nhìn tôi:

- Diễm vẫn còn nghĩ đến Trường đấy à?

Tôi cười nhẹ:

- Thỉnh thoảng thôi.

- Còn yêu không?

- Không biết nữa.

Thục cười tinh nghịch:

- Lại dối lòng rồi đấy nhé. Còn yêu thì cứ nhận là còn yêu đi. Bạn trả lời không biết nghe yếu xìu à.

Tôi cắn nhẹ đôi môi:

- Có những lúc thấy lòng mình rộn lên những kỷ niệm cũ, xót xa và hoài nhớ, nhưng không thể làm gì hơn được Thục ạ. Diễm đã bước đi những bước quá vội vã để không thể quay trở lại được nữa. Diễm đã tự mình làm mất tất cả rồi.

Thục nhìn sâu trong mắt tôi, nhỏ nhẹ:

- Diễm vẫn còn - đó là đứa con của tình yêu!

Tôi cười buồn:

- Mình gởi nó ở nhà bà ngoại, thỉnh thoảng mới về thăm nên tình mẹ con hình như không được thắm thiết mấy. Hải yêu bà ngoại hơn yêu mẹ. Quấn quýt mấy cậu và dì hơn quấn mẹ. Thế đó, Thục nghĩ xem mình có tệ không? có còn níu kéo được tình yêu nữa hay không?

Thục cười vẫy một chiếc xe đang đi tới. Thục bảo tôi trước khi leo lên xe:

- Tình yêu có còn hay không thì tối nay về nhà nằm buông thả lòng mình sẽ thấy. Đừng cố gắng dấu kín lòng mình vào những cuộc vui giả tạo nữa Diễm ạ. Diễm vẫn còn cơ hội để hàn gắn lại những gì đã mất.

Tôi đứng lặng bên đường nhìn chiếc taxi chở Thục đi khuất. Nỗi buồn nào rụng trong mắt tôi, nước mắt muốn ứa ra. Có thật tôi đã quên Trường rồi không? Tôi làm gì còn cơ hội để hàn gắn lại những gì đã mất như Thục vừa nói nữa. Từ bao nhiêu năm nay tôi đã trốn tránh kỷ niệm, vùi đầu vào những cuộc vui suốt sáng thâu đêm. Bất ngờ gặp lại Thục, bất ngờ lại nghe tiếng nói của của những ngày xa xưa cùng với những kỷ niệm của một thủa nào khiến tôi chìm vào nỗi nhớ. Thì ra tôi vẫn không thể quên Trường.

Gió thổi tung những hạt cát lên chân tôi. Bụi mờ cả mắt. Cơn mưa sắp đến rồi. Bầu trời đỏ ửng về một phía. Tôi đi nhanh về nhà, mở rộng cánh cửa, lòng chợt thấy thật cô đơn trong căn phòng vắng. Cô bạn ở chung vừa đi nghỉ mát với bạn trai, không biết Nha Trang hay Đà Lạt gì đó. Bích rủ tôi đi cùng với chúng nó nhưng tôi từ chối. Bích la tôi:

- Đừng bi thảm hóa cuộc sống quá như vậy. Hãy sống cho mình và cho tuổi trẻ của mình đi chứ. Mày cứ ôm hoài nỗi buồn làm tao phát chán lên được.

Tôi cãi Bích:

- Thì tao đang sống cho tuổi trẻ của tao đấy thôi. Tao đang dùng tuổi trẻ và nhan sắc để moi tiền mấy anh già mất nết ham gái đẹp. Mày cũng thấy mà.

Bích cười vào mặt tôi:

- Mày sống cho gia đình, các em và con mày thì có. Mày có vì mày bao giờ đâu. Tỉnh lại đi! Tỉnh lại để thấy mình khờ dại quá. Bao giờ mày mới khôn ra hở Diễm?

Tôi chớp mắt;

- Gia đình, các em và con là niềm vui và cuộc sống của tao. Không có họ tao cần gì vui sống nữa.

Bích bĩu môi chê tôi dở hơi:

- Sự hy sinh của mày chẳng được bù đắp. Mẹ mày đau khổ vì mày. Các em mày chê mày, khinh mày, con mày nhạt nhẽo với mày. Việc gì mày phải hy sinh cho họ.

Tôi cười cay đắng:

- Nhưng ít ra họ cũng được hưởng những tiện nghi vật chất trong nhà. Có Tivi, tủ lanh, máy giặt, có xe máy để đi, có quần áo đẹp để mặc, có chút tiền rủng rỉnh trong túi để mời bạn bè ăn quà, không như tao ngày xưa…

Bích cong môi:

- Dẹp cái ngày xưa của mày đi. Mày ngu hết biết.

Tôi lặng thinh không cãi Bích. Buổi sáng tôi còn ngủ thì Bích đi. Nó viết giấy để lại cho tôi mà không định được ngày về, có thể hai, ba ngày, cũng có thể vài tuần còn tùy theo túi tiền của người bao nó. Tôi thấy buồn trong nỗi nhớ xót xa. Cứ được vô tư như Bích mà sướng. Có được bao nhiêu tiền ăn sài, mua sắm phung phí bấy nhiêu. Nó tìm niềm vui trong sa hoa. Không cần ngày mai - ngày mai là gì? Với những đứa con gái sống về đêm thì không có ngày mai, buổi sáng chỉ là giấc ngủ vùi vật vã chờ đêm về lột xác mà thôi. Tôi đi một vòng quanh căn nhà, nỗi trống trải làm tôi sợ hãi. Muốn về thăm gia đình lại thấy e ngại một điều gì đó. Cô em gái của tôi đang tuổi lấy chồng. Có lẽ tôi e ngại em không thích tôi về nhà, vì tôi là nỗi tủi buồn của nó. Vì tôi là một cô ca sĩ hạng ba chuyên hát các phòng trà. Nhưng nghề chính của tôi không phải nghề đi hát. Tôi có nghề yêu mấy anh nhà giầu dư tiền muốn bao một cô ca sĩ chịu chơi, trẻ đep một thời gian cho quên tuổi già chợt đến. Tôi có nhiều người bao. Và tôi đã kiếm được khá nhiều tiền nhờ thế. Nỗi tủi hổ của mẹ là tôi. Những mặc cảm mà em gái tôi phải chịu đựng với bạn bè và người yêu của nó cũng là tôi. Để bù đắp cho em, tôi đã sắm cho em tất cả mọi thứ em cần, những thứ mà thủa nhỏ em thiếu thốn. Tôi dúi vào tay mẹ những nắm bạc lớn mà nước mắt cứ chực ứa ra. Mẹ lặng lẽ nhận tiền từ tay tôi, dấu tiếng thở dài chua xót. Mẹ nuôi cho tôi đứa cháu ngoại của mẹ - là đứa con trai của tôi và Trường. Rồi thì mẹ lại phải nuôi thêm một đứa nữa - một đứa con gái do tôi sinh ra. Một đứa bé mà tất cả những người đàn ông tôi quen đều không nhận làm cha. Tôi đem đứa con hoang về để vào lòng mẹ:

- Mẹ nuôi nó dùm con. Nó không có cha mẹ ạ.

Mẹ tôi vuốt lên đôi má non nớt của đứa bé mà nước mắt ứa ra. Không một lời trách móc. Mẹ nhẫn nhục cam chịu. Có lẽ mẹ cũng có một chút xót thương sự sa đọa của tôi, mẹ hiểu một phần nào đó tôi đã sống vì gia đình. Tôi cắn răng không than thở khi thấy trong ánh mắt các em nhìn tôi - có nửa xót xa, có nửa khinh bỉ.

Cơn mưa đã không đổ xuống ào ào như tôi và Thục tiên đoán. Gió thổi mạnh một lúc rồi cũng dần lắng xuống nhưng bầu trời thì vẫn âm u - làm như không mưa được trời cũng buồn sao ấy. Tôi bỏ bữa cơm chiều nằm dài ra giường. Tối nay không đi hát, không có Bích để kéo nhau đi lang thang, cũng không có một tên đàn ông nào đến thăm. Tôi có nguyên một buổi tối riêng tư nằm vắt tay lên trán như lời Thục khuyên, để buông thả lòng mình trở về với Trường cùng những năm tháng nghèo khổ của tôi với đầy ắp những đam mê ngọt ngào trong sáng của ngày ấy…

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:34 am    Tiêu đề:




Tiếng đàn của anh sinh viên nhà bên cạnh nhà như một điệp khúc quen thuộc đến độ thân mật đến với tôi mỗi tối, nhưng lại là một sự khó chịu đối với Nhã. Nó than:

- Tiếng đàn của các ông tướng bên ấy ồn ào quá làm em không học được chữ nào.

Tôi cười bảo em khó tính quá. Với tôi, tiếng đàn ấy không ảnh hưởng gì đến việc học của tôi vì thường tôi đi học vào lúc xế chiều, tám giờ tối mới về. Ăn cơm, tắm rửa xong là tôi có quyền nghỉ ngơi một mình ở mái hiên nhà để thưởng thức tiếng đàn vô hại ấy. Nhã đếm được số con trai nhà bên bằng cách nhận diện tiếng nói:

- Giọng ồm ồm là của anh Hải, giọng lao xao nhanh nhẩu là anh Tú, giọng nhỏ nhẹ là anh Ngữ - nhân vật làm phân tâm bài học của em bằng tiếng đàn rên rỉ đó. Còn một tiếng nói khác tên gì em không biết, hình như anh ta mới nhập bọn với mấy anh sinh viên bên ấy.

Tôi cười nghĩ đến bốn tên con trai ở cạnh nhà, những người hàng xóm gần gũi nhất mà cho đến lúc này tôi cũng chỉ biết được loáng thoáng họ qua vài lần ra cửa đứng hay nhìn họ phóng xe ra khỏi con ngõ mà thôi.

Tính tôi lơ đãng ít để ý đến những người chung quanh. Trái lại tính Nhã lại hay để ý và hay cằn nhằn mọi người. Ít khi tôi cãi Nhã, một phần vì tôi thương nó, một phần vì tôi quen bị Nhã "ăn hiếp" từ những ngày còn nhỏ đến giờ. Mẹ bảo tôi là chị lớn nên phải thương yêu nhường nhịn và săn sóc các em. Mười tám tuổi thi rớt Đại Học, tôi nghỉ ở nhà nhận thêm quần áo về thêu để phụ mẹ nuôi các em ăn học. Buổi tối tôi học thêm sinh ngữ để hy vong xin được một việc làm khá hơn số tiền tôi thêu thùa kiếm được. Tôi sống thật lặng lẽ, không đua đòi se sua. An phận con nhà nghèo, ngoài giờ đi học thêm, tôi ở nhà giúp mẹ săn sóc những đứa em còn nhỏ. Mẹ tôi hiền hậu ngày ngày đến sở làm với đồng lương thư ký ít ỏi. Người mẹ gầy với hai bàn tay nhỏ bé, thô cứng vì vất vả nhưng vẫn chứa đầy nghị lực và sức dẻo dai trong công việc kiếm tiền nuôi chị em tôi. Chúng tôi mồ côi cha, ngày mẹ sinh em Phước thì bố mất. Thế là bơ vơ. Chúng tôi bị bỏ rơi trong mắt họ hàng, những người thân quen. Mẹ bán căn nhà tương đối khang trang, mua một căn nhà nhỏ trong khu dân cư lao đông nghèo nàn để còn dư lại một số tiền nuôi dưỡng chúng tôi. Năm nay Nhã học lớp 10, Nhã nhỏ hơn tôi bốn tuổi, Nhìn Nhã tôi có niềm hãnh diện vì nét đẹp cao sang của em. Là con nhà nghèo Nhã vẫn giữ được nét thanh cao của mình, trông em giống như một tiểu thư con nhà giàu. Lẽ ra Nhã phải được sinh vào con nhà giầu có mới đúng hơn. Nhã rất khó tính và hay cằn nhằn tôi vì biết tôi chiều nó. Tôi ngồi thêu trên giường nhìn Nhã sửa soạn đi học, nó vừa soạn sách vở vào cặp vừa càu nhàu:

- Áo em lại rách mất rồi.

Tôi đến gần Nhã nhìn vết rạn ở đường may ngang eo chiếc áo dài trắng Nhã mặc, thương em quá tôi an ủi:

- Rách chút xíu thôi, chiều về chị mạng lại cho.

Nhã nhăn mặt:

- Tụi nó cười chê em, suốt năm chỉ có hai cái áo dài thay đổi.

Tôi chớp mắt:

- Làm sao chúng nó biết được em chỉ có hai chiếc áo dài?

Nhã bĩu môi:

- Ai mà không biết, với một chiếc áo rách tay đã được mạng lại và một chiếc bung đường chỉ đã đdược may đi may lại nhiều lần, làm sao mà không nhìn thấy được.

Tôi lặng thinh nhìn Nhã bước ra cửa. Buổi trưa nắng nghiêng soi lên bóng Nhã buồn rầu trong chiếc áo dài cũ. Lòng tôi xót xa thương em. Nước mắt cứ muốn ứa ra. Nỗi khổ này làm sao bạn bè hiểu được. Chị em tôi tránh tất cả những giao thiệp với mọi người. Nhã dấu kín con đường vào ngõ. Tôi dấu kín lối đi về. Những tên con trai có theo tôi cũng không biết được nơi tôi ở, tôi được mệnh danh là người đẹp bí mật. Có lần Nhã nói với tôi:

- Đi xe bus cực quá Diễm ạ, lần nào em cũng phải đi bộ ra mãi tận đầu đường bên kia mới đón được xe. Phải chi có được chiếc xe đạp để đi cũng đỡ.

Tôi mủi lòng nghe ao ước của em đơn giản quá mà vẫn không thực hiện được, thật buồn. Tôi nói đùa với Nhã:

- Thôi chịu khó đi xe bus một thời gian, mai mốt chị lấy được chồng giầu sẽ mua xe gắn máy cho em chạy mới đã.

Nhã nhìn tôi thoáng nét cay đắng:

- Con gái nghèo như chị em mình nhà giầu nào thèm lấy mà ham.

Tôi nhún vai;

- Con gái nhà nghèo như chị em mình vừa đẹp người lại vừa đẹp nết thì thiếu gì người mê. Tại chưa gặp đó thôi. Hãy đợi đấy Nhã ạ.

Nhã bật cười:

- Chị cứ tha hồ mà đợi. Hay là chị sang tán tỉnh mấy anh chàng sinh viên dở hơi bên kia xem có chàng nào thích chị không? Biết đâu trong số đó cũng có anh con nhà tỉ phú nhỉ?

Tôi cũng bật cười:

- Đã chui vào cái xóm này thuê nhà để học thì cũng khó là con nhà giầu lắm Nhã ạ. Mà thôi, quên cái nghèo của mình đi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Mình còn trẻ lắm. Tương lai mình đang trải dài trước mắt mình. Một ngày nào đó… biết đâu!

Nhã chớp mắt, nó có vẻ chịu đưng nỗi thiếu thốn làm tôi mủi lòng. Thương cái tuổi đang lớn của Nhã với những đòi hỏi cần thiết hàng ngày của một thiếu nữ - một đôi giầy mới, một bộ đồ tươm tất, một ít tiền dằn túi để có thể mời bạn bè uống một ly nước mía mà không thấy ngại ngùng. Tôi muốn Nhã được vui chơi thoải mái với lứa tuổi của em mà không mang mặc cảm nghèo túng. Tôi thương các em tôi quá mà không biết làm gì hơn được vì tuổi tôi cũng chẳng lớn hơn Nhã là bao nhiêu nên tôi chỉ biết kiếm tiền bằng cách cố nhận thêm hàng về nhà thêu thật nhiều và thật nhanh mà thôi.

Nhã đi học về thay quần áo xong rồi phụ tôi sửa soạn bữa cơm chiều. Hai đứa em trai còn nhỏ chưa biết thấm thía nỗi nghèo khó, chơi đùa như giặc suốt ngày, đến bữa thì đòi ăn một cách hồn nhiên. Nhã nhìn hai em, nói nhỏ:

- Cứ như bé Hoàng, bé Phúc thế mà sướng! Chẳng hiểu sự nghèo đói là gì?

Tôi cười nhìn cậu em út bằng đôi mắt trìu mến - chị thương em nhất vì em vừa sinh ra vài tháng thì bố mất, chị đã nuôi nấng chăm sóc em, nâng niu bế bồng em. Ước gì có chàng Hoàng Tử giầu có đến hỏi tôi làm vợ nhỉ? Lấy chồng giầu tôi sẽ có tiền thật nhiều cho mẹ đỡ vất vả, cho Nhã có quần áo đẹp và cho các em ấm no. Trong giây phút này tôi không muốn nghĩ đến tôi nữa, tôi quên mất tôi cũng mới chỉ là một cô bé mới lớn mà tưởng như mình đã già lắm rồi. Con gái nhà nghèo hình như không có tuổi thần tiên.

Nhã rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa cho tôi đi học Anh văn buổi tối. Tôi mặc chiếc áo chemise mầu xanh nhạt đã cũ và chiếc quần tây mầu kem. Bộ đồ này đối với tôi cũng còn tươm tất lắm vì tôi ít mặc đến, tôi lấy đôi dép da dưới gầm tủ, lau bụi và xỏ vào chân. Tôi bước đi nhẹ nhàng và rón rén như sợ quai dép sẽ đứt và bung ra bất ngờ. Nhã đang lau tay ướt vào chiếc khăn tay treo trên tường, nhìn tôi hóm hỉnh:

- Hôm nay chị đi học hay đi chơi mà diện thế?

Tôi cười:

- Em biết thừa là chị chẳng biết đi đâu ngoài con đường đến trường và con đường về nhà rồi còn hỏi gì nữa.

- Nhưng hôm nay hình như chị đi học sớm hơn mọi ngày.

- Chị đi bộ đến trường phải đi sớm một chút cho kịp giờ vào lớp.

Nhã kêu lên:

- Đi bộ mà dám mang đôi dép vía không sợ nó mau đứt sao? Thôi đi xe bus đi, không có tiền đi xe hả?

Tôi lắc đầu:

- Có tiền đi xe nhưng chị muốn đi bộ để dành tiền mua cái gì về ăn. Nhã ăn gì tối về chị mua cho.

Nhã dài giọng:

- Gớm! Chị làm như có nhiều tiền lắm vậy. Em muốn ăn nho, ăn táo có được không?

Tôi xụ mặt:

- Aên ô mai me hay hạt bí thì chị mua được.

Nhã cười:

- Mua cho em một gói hột bí nhỏ thôi. Mà tối về nhớ đi xe đó nghe. Đừng có tiếc tiền đi bộ nữa đứt mất đôi dép uổng lắm.

Tôi bước vội ra cửa để dấu nỗi buồn trong lời dặn dò của Nhã. Con gái nhà nghèo thật là tội nghiệp. Hai chị em có mỗi một đôi dép đẹp, đứa này nhường nhịn cho đứa kia. Thỉnh thoảng Nhã mới dám đi dép của tôi, thường thì Nhã mang guốc thấp đi học, Nó bảo tôi lớn rồi cần điệu hơn nó nên để dành đôi dép đẹp cho tôi mang. Tôi thì không muốn mình hơn em, tôi chỉ muốn dành cho Nhã tất cả những gì nếu tôi có.

Bước đi trong con ngõ nhỏ, nước mắt cứ muốn ứa ra vì thương cái nghèo của chị em. Lòng tôi trĩu nặng mà bước chân cứ phải nhấc cao lên, e dè nhìn bùn bám trên quai dép. Tôi không dám nhìn lên, cứ mãi chăm chú tránh những vũng nước bẩn trong ngõ nên tôi không nhìn thấy chiếc vespa đang đâm sầm vào ngõ. Có tiếng thắng thật vội vàng, nhưng chiếc xe vẫn dội nhẹ vào người tôi. Tôi la lên khi bánh xe áp sát vào chân tôi, tôi ngã ngồi xuống đất. Người con trai dựng xe, vội vàng cúi xuống nhìn tôi lo lắng:

- Cô có sao không?

Tôi không trả lời người con trai, cúi nhìn bàn chân mình bị vết trầy rướm máu. Và mắt tôi chợt mờ đi, tim tôi thắt lại - chiếc dép của tôi đã đứt quai. Bàn chân sây sát không làm tôi đau mà chiếc quai dép đứt đã làm tôi nghẹn ngào. Nước mắt tôi ứa ra không buồn che dấu. Tên con trai xốc nhẹ cánh tay tôi, dìu tôi đứng dậy.

- Cô đau lắm hả? Để tôi đưa cô đi bác sĩ nhé?

Tôi ngước đôi mắt giận dữ lên nhìn người con trai:

- Đi xe vào ngõ thì phải cẩn thận chứ. Anh phóng như bay như thế có bữa cán chết người ta thì sao?

-

Tên con trai phân trần, giọng anh có vẻ ân hận:

- Tôi xin lỗi, tôi đã tránh cô rồi đấy nhưng mà vẫn không kịp vì cô đi giữa đường mà mắt thì cứ nhìn xuống chân không để ý đến xung quanh nên tôi đã làm cô ngã. Tôi thành thật xin lỗi rồi mà. Tôi chở cô đi bác sĩ băng lại vết thương để tránh nhiễm trùng.

Tôi tức tê người đi được vì hắn đã chẳng hiểu gì cả. Tôi cần gì đi bác sĩ chứ, một vết trầy xước đối với tôi có là gì đâu. Tôi khóc vì thấy đôi dép của mình đã đứt. Chắc Nhã buồn lắm. Tội nghiệp Nhã mà cũng tội nghiệp cho cả tôi nữa. Tên con trai ân cần:

- Chân cô chảy máu rồi, lên xe đi tôi chở cô đến bác sĩ gần đây thôi.

Tôi lắc đầu:

- Tôi không cần đi bác sĩ.

Tên con trai vẫn từ tốn:

- Hay tôi đưa cô về nhà vậy nhé. Nhà cô ở đâu?

Tôi chùi nước mắt trong chiếc khăn tay nhỏ, nhìn hắn một cách hậm hực:

- Tôi chẳng cần anh đưa về.

- Nhưng chân cô đau lắm, đi bộ không được đâu.

Tôi hất mặt nhìn hắn không trả lời, hắn nhìn tôi e ngại:

- Hay tôi đón xích lô cho cô về vậy nhé, dép cô đứt mất rồi

Tôi sẵng giọng:

- Tôi cũng chẳng cần xích lô. Tôi tự lo được rồi.

Hắn đứng tần ngần bên cạnh tôi, hết nhìn tôi rồi đến nhìn đôi dép đứt của tôi;

- Cô nhất định đứng đây à?

- Phải, tôi đứng đây thì sao?

- Thì tôi sẽ đứng đây với cô.

Tôi trợn mắt la lên;

- Anh thật là phiền phức, nhìn thấy anh là tôi bực bội lắm. Anh đi đi.

Tên con trai lắc đầu một cách bướng bỉnh:

- Không được, tôi phải đưa cô về tận nhà mới yên tâm.

Tôi nhìn hắn gay gắt:

- Anh có lương tâm quá nhỉ? Giá lúc nãy anh đừng đụng tôi thì có lẽ anh có lương tâm hơn.

Tên con trai mỉm cười:

- Cô thật khó tính quá. Thế nhà cô ở đâu chỉ cho tôi xong là tôi đi ngay, không làm cô bực mình nữa.

Tôi nói như hét;

- Ở đằng kia, cuối con ngõ này.

Hắn nhìn tôi hơi lâu một chút, mắt hắn sáng lên:

- Cuối ngõ này à? Thôi được, cám ơn cô nhé. Hy vọng lần sau gặp cô sẽ vui vẻ hơn.

Tôi mím môi không trả lời, hắn mở máy xe và ngồi lên, dặn dò tôi:

- Nhớ về lấy alcol rửa sạch vết thương rồi nói mẹ đưa đi chích nhé?

Tôi nhìn theo hắn, ánh mắt tôi tối lại vì bực tức. Tiếc đôi dép bị hắn làm đứt đến quên cả đau chân. Chờ hắn đi khuất tôi mới khập khiễng quay về nhà. Điệu này hết đi học nổi vì trễ giờ rồi. Một tay cầm dép, bước chân khập khiễng tôi đi như chạy trốn mọi người. Bước nhanh vào cửa, tôi dấu vội đôi dép xuống gầm tủ vừa lúc Nhã đi ra, nó nhìn tôi ngạc nhiên:

- Sao về sớm thế?

Tôi nói dối:

- Hôm nay thầy cho nghỉ.

- Chị có mua hột bí cho em không?

Tôi lắc đầu:

- Không, chị quên rồi, lát nữa chị với em đi mua nhé.

Nhã gật đầu:

- Cũng được, mình đi dạo một chút cho mát.

Nhìn xuống chân tôi, Nhã kêu lên:

- Sao quần chị bẩn thế kia, mà dép đâu rồi?

Tôi ngẩn ngơ nhìn Nhã không biết trả lời em ra sao. Nhã cúi xuống kéo ống quần đầy bùn đất của tôi lên. Nó tròn mắt;

- Chị ngã phải không?

Rồi Nhã ngồi thụp xuống chân tôi:

- Chân chảy máu rồi này. Em gọi mẹ nhé.

Tôi bịt miệng Nhã lại:

- Đừng làm mẹ lo. Chị không sao đâu.

Nhã hỏi:

- Chị ngã sao không nói? Ở đâu vậy?

Tôi ngập ngừng:

- Ở đầu ngõ.

Nhã la tôi như một người lớn:

- Đi từ nhà ra đầu ngõ mà cũng ngã. Chắc chị bị xe đụng chứ gì?

Tôi gật đầu:

- Ừ, xe đụng chị ngã xuống đường.

- Xe gì đụng chị?

- Vespa.

Nhã trợn mắt:

- Nó đâu rồi?

- Nó nào?

- Cái đứa đụng xe chị ấy.

Tôi bật cười;

- Nó đi rồi.

Nhã mím môi giận dữ:

- Sao chị để cho nó đi dễ dàng vậy. Phải mắng cho nó một trận chứ.

Tôi gật đầu:

- Chị có mắng rồi. Hắn nói xin lỗi chị.

Nhã vẫn còn hậm hực:

- Xin lỗi suông vậy thôi à?

- Hắn có đòi đưa chị đi bác sĩ nhưng chị không chịu đi. Bị trầy sơ thôi cần gì phải phiền phức.

Nhã bĩu dài đôi môi:

- Cái thằng cha dấm dớ quá, làm như đòi đưa người ta đi bác sĩ là êm chuyện vậy.

Rồi Nhã nhìn tôi lo lắng:

- Chị có đau lắm không?

Tôi lắc đầu kéo tay Nhã ngồi lên giường;

- Không đau nữa đâu Nhã ạ. Mà Nhã này…

Nhã ngước nhìn tôi chờ đợi. Tôi nghĩ đến đôi dép đứt cùng nỗi thất vọng của Nhã mà nghe cay cay trong mắt;

- Đôi dép bị đứt quai rồi Nhã ạ.

Nhã chớp mắt, nét mặt nó thoáng buồn. Tôi nói nhỏ an ủi:

- Nhưng còn may lại được. Mai chị đem ra chợ nhờ khâu lại chắc chả sao đâu.

Nhã bảo tôi;

- Đừng nghĩ đến đôi dép nữa chị ạ. Chị không sao là tốt rồi.

Tôi cảm động đến nghẹn lời. Nhã cố an ủi tôi như tôi an ủi Nhã. Nhã nói:

- Chị đi thay quần áo rồi ra ngoài em bôi thuốc đỏ cho.

Tôi cười, ánh mắt sáng lên niềm sung sướng vì cảm động.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:35 am    Tiêu đề:




Buổi sáng tôi dậy thật sớm rủ Nhã đi giao hàng với tôi. Tối qua hai chị em thức khuya cố thêu nốt chiếc áo cuối cùng để hôm nay đi giao rồi nhận hàng mới về làm tiếp. Hai chị em thích thú với số tiền mới lãnh. Nhã cười, đôi má hồng rưc rỡ và ánh mắt long lanh. Nhìn Nhã, tôi nôn nao thèm muốn được mua cho em một món quà - như chiếc áo dài hay đôi dép chẳng hạn. Tôi rủ Nhã đi chợ vì hôm nay chủ nhật mẹ nghỉ và Nhã không phải đến trường. Nhã thích thú choàng tay ôm eo tôi:

- Ừ, lâu quá em chưa được đi chợ xem người ta mua sắm. Mà chị phải giữ tiền cẩn thận đấy nhé, khéo không lại bị móc túi thì khổ.

Tôi cười với Nhã, nghĩ đến số tiền nhỏ nhoi mới lãnh được mà thương Nhã khéo lo, mấy trăm thì có thấm vào đâu cho người ta móc túi mình. Hai chị em đưng đón xe bus ở trạm xe. Nhã hồn nhiên:

- Có tiền trong túi thích ghê chị nhỉ?

Tôi nheo mắt:

- Mình đang có tiền đây này. Nhã thích không?

Nhã chớp mắt:

- Tiền của chị em mình kiếm vất vả quá.

Tôi hỏi Nhã:

- Nhã có muốn may áo dài mới để mặc đi học không?

Mắt Nhã bừng sáng:

- Chị có tiền hả?

Tôi vỗ tay vào túi:

- Tiền mới lãnh đây này.

Nhã sụ mặt:

- Thôi, tiền này để đem về cho mẹ.

Tôi cười nhẹ cấu lên tay Nhã;

- Cứ mua đi, về nhà chị xin mẹ cho. Mẹ cũng đến ngày lãnh lương rồi. À, nhớ mua quà cho hai công tử nhà mình nữa nhé.

Nhã tươi cười:

- Mua cho mẹ cái ví mới nữa Diễm ạ. Mẹ xách cái ví cu õsắp rách đi làm tội mẹ quá.

Tôi gật đầu. Hai chị em đu nhau lên chiếc xe buýt vừa trở tới. Lòng tôi ấm lại một niềm vui ngọt ngào. Nỗi buồn tan nhanh trong mắt hai đứa. Chúng tôi nắm tay nhau đi tung tăng khắp phố chợ. Nhã liến thoắng như chim non. Tôi cảm thấy mình tự tin vì đang có tiền trong túi nên cho dù chiếc áo tôi mặc dã gần như bạc mầu tôi cũng không buồn, dù cho Nhã mặc cái quần tây may từ hai năm trước với chiếc áo chemise ngắn tay tôi đã may cho Nhã trong ngày sinh nhật thứ mười lăm của nó, Nhã vẫn không mang mặc cảm đi giữa đám đông. Chúng tôi đi từ đầu phố đến cuối phố, len vào từng hàng vải để nhìn ngắm những hàng hóa một cách thích thú. Tôi giục Nhã mua gì thì mua đi. Nhã nói:

- Từ từ để em nhìn chán mắt đã.

Cuối cùng rồi Nhã cũng chọn được vải. Thứ hàng nội hóa trắng vừa hợp với túi tiền lại vừa tiện cho Nhã mặc đi học. Cầm xấp vải trên tay, má Nhã hồng lên trong nắng. Niềm vui như muốn thoát ra trong đôi mắt trong veo của Nhã. Hai đứa rủ nhau đi chọn ví cho mẹ. Ôi một rừng ví đủ kích cỡ, đủ kiểu dáng và đủ giá tiền, mắt chúng tôi muốn hoa lên. Nhưng chiếc ví Nhã chọn, tôi thích thì đắt quá. Chỉ cần nhìn số tiền trên chiếc ví thôi, tôi đã phải kéo Nhã đi như chạy.

- Đắt bằng gần một tháng lương của mẹ đó. Tất cả tiền trong túi chị cũng không mua nổi đâu. Đi tìm hàng nào rẻ hơn đi Nhã.

Nhã thở dài:

- Nhà giầu mua đồ sướng tay Diễm nhỉ? Thích cái gì là mua được ngay cái đó chẳng cần chọn lựa đắn đo hàng giờ như mình. Chắc mấy người bán hàng họ khó chịu với chị em mình lắm.

Tôi nắm tay Nhã thủ thỉ:

- Chưa chắc nhà giầu sướng bằng mình đâu Nhã ạ.

Nhã nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi nói tiếp:

- Thật đấy, Nhã nghĩ xem, khi có tiền nhiều họ mua một cách phí phạm, thích món gì là mua được ngay. Về đến nhà thấy chán lại bỏ đi mua cái khác. Họ không có được cái cảm giác sung sướng khi cầm trên tay món hàng mình đã có.

Nhã gật gù có vẻ tán thành lời nói của tôi.

- Và họ sẽ không bao giờ được thỏa mãn, đúng không? Vì họ có được dễ dàng quá.

Tôi bật cười. Banụ tay Nhã bỗng tìm bàn tay tôi siết chặt, âu yếm. Gần trưa hai chị em mới mua đuọc cho mẹ một cái ví xách tay rẻ tiền, nhưng mà trong mắt chị em tôi, chiếc ví ấy rất đẹp. Nhã đề nghị:

- Mua một tờ giấy hoa, về nhà em gói lại thật đep biếu mẹ Diễm ạ.

Tôi gật đầu;

- Chị sợ mẹ tiếc tiền mắng tụi mình phí phạm.

Nhã cười:

- Chắc mẹ mắng thật đấy, nhưng em tin là mẹ sẽ cảm động và vui thích lắm. Diễm có thấy cái ví của mẹ không? Đã cũ mèm rồi.

Tôi ngậm ngùi:

- Tội mẹ ghê, phải chi mình có nhiều tiền mua cho mẹ đủ thứ.

Nhã nói:

- Tại mẹ cứ dành khổ cho mẹ. Giá mẹ cho em nghỉ học đi làm cũng đỡ phải lo cho một đứa.

Tôi thở dài nhìn nắng chói xuống mặt đường:

- Nhã còn bé quá làm gì được bây giờ. Chị thì bằng cấp không có, lại con nhà nghèo không quen biết ai, biết xin việc ở đâu. Mẹ thì muốn giữ nề nếp gia đình không muốn chị em mình thôi học,

Nhã im lặng đi cạnh tôi. Tôi dắt tay Nhã kéo vào hàng bánh kẹo mua cho hai cậu em mấy lạng kẹo rồi đón xe về. Nắng bừng lên đỏ hồng má hai đứa. Mồ hôi đọng từng giọt nơi chân tóc tôi, tóc Nhã bay lòa xòa trong nắng. Hai chị em khoác vai nhau đi vào ngõ. Căn nhà đã hiện ra, nhỏ bé ngay tầm mắt như một bóng mát tuyệt vời cho hai chị em cùng reo lên một tiếng hồn nhiên, thoải mái. Vứt bỏ cái nắng cháy da ở sau lưng. Nhã ôm gói hàng chạy ào vào trước. Bé Phước đang ngồi trong lòng mẹ cạnh mâm cơm vội vã đón tôi:

- Chị Diễm về rồi.

Tôi choàng tay ôm bé Phước vào lòng, dúi gói kẹo vào tay em:

- Quà cho em đó.

Hoàng đứng dậy:

- Của em đâu?

Tôi đưa gói kẹo thứ hai vào tay Hoàng;

- Đây, ăn xong rồi đi ngủ trưa nhé. Cấm trốn mẹ đi đá banh đấy.

Mẹ bảo tôi;

- Hai chị em đi chợ đấy à? Nhã đâu rồi?

Tiếng Nhã dạ thật to, âm thanh reo vui như tiếng chim hót. Tôi cầm ví tiền đưa cho mẹ.

- Hôm nay con lãnh tiền thêu của mấy lố áo. Con xin mẹ ba trăm mua áo cho Nhã và một vài thứ lặt vặt, còn lại con gửi mẹ.

Mẹ nhìn tôi thoáng nét buồn:

- Con cần mua một đôi dép sao không mua luôn thể.

Tôi lắc đầu:

- Đôi dép con may lại vẫn còn đi được mà.

Mẹ nhìn tôi ái ngại. Tôi ôm vai mẹ dúi đầu lên má bà, mùi mồ hôi quen thuộc của mẹ làm ấm lòng tôi.

Aên cơm xong hai chị em chui lên giường nằm, tôi hỏi Nhã gói quà của mẹ đâu? Nhã nói em vừa bao giấy hoa xong, chờ lát mẹ nghỉ trua dậy chị đem ra biếu mẹ. Tôi lắc đầu:

- Sao lại là chị, em đưa cho mẹ đi.

Nhã le lưỡi:

- Em sợ mẹ mắng lắm.

Tôi cười:

- Chị cũng sợ lắm.

- Nhưng mẹ nể chị hơn chắc không mắng đâu.

Tôi mỉm cười, nghe trong tôi một nỗi thích thú bâng khuâng rới nhẹ vào lòng.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:36 am    Tiêu đề:




Hai chị em ngồi nhìn chiếc hộp được bao kín giấy hoa bằng đôi mắt ngỡ ngàng. Nhã cầm lên tay lắc lắc nghe ngóng:

- Chắc là con búp bê!

Tôi lắc đầu:

- Không phải, có vẻ như một lọ hoa.

Nhã bĩu môi:

- Có thể là một vật vớ vẩn nào đó của những anh chàng rắn mắt muốn trêu chị.

Tôi thẩy hộp quà sang chỗ Nhã:

- Chị chả cần xem đâu.

Nhã kêu lên:

- Hình như gói quà này của một người quen biết chị rõ lắm gởi cho chị.

Tôi nhún vai:

- Chị chẳng quen ai hào phóng tặng quà cho chị cả.

Nhã lại đẩy gói quà vào tay tôi:

- Chị đọc đi. Gửi Tường Diễm, Nét chữ con trai và không có tên người gửi tặng. Có chàng hiệp sĩ dấu tên nào mê công chúa lọ lem gửi tặng hài thêu ấy nhỉ? Mở ra xem đi chị?

Tôi cầm chiếc hộp trên tay ngần ngừ:

- Biết có phải của chị không mà mở. Thôi, Nhã mở thử xem.

Nhã nhăn mặt:

- Thôi, em cũng sợ lắm. Nhỡ không phải đôi hài thêu của hoàng tử mà lại là con rắn, con cóc gì đó thì sao?

Mắt Nhã chợt sáng lên:

- Gọi bé Hoàng vào mở. Chính nó là thủ phạm đem cái hộp này về để trên giường thì nó phải mở ra. Để em đi gọi nó.

Nhã vừa nói vừa chạy bay ra cửa. Tôi mỉm cười đặt nhẹ bàn tay lên hộp quà, sợi dây cột với chiếc nơ mầu hồng xinh xắn trên lớp giấy hoa mầu vàng nền trắng trông thật quyến rũ khiến lòng tôi bâng khuâng một nỗi ước muốn vu vơ.

Nhã vào nhà theo sau là Hoàng. Nhã than:

- Tìm nó mệt muốn chết, lại bị mấy thằng nhãi trong xóm trêu chọc bực mình quá.

Tôi vẫy Hoàng lại gần:

- Ai đưa gói quà này cho em thế?

- Của một anh lạ mặt bảo em đem vào cho chị Diễm.

Nhã dục:

- Hoàng mở ra đi.

Hoàng nhe răng cười. Nó nhẩy phóc lên giường dơ tay giựt phắt cái nơ xinh xắn một cách mạnh bạo. Nhã la lên.

- Từ từ thôi Hoàng, em làm rách hết tờ giấy đẹp, uổng quá!

Hoàng thản nhiên móc tay vào tờ giấy hoa xé toạc ra. Tôi mải mê nhì chằm chằm vào chiếc hộp. Giấy hoa đã lột hết ra rồi. Nhã tròn mắt:

- Là một đôi giầy. Đúng là đôi hài của cô bé lọ lem rồi. Có chàng Hoàng Tử nào gởi đến thế nhỉ?

Mắt tôi mờ đi. Chiếc nắp hộp mở tung ra, đôi giầy mầu nâu non nằm gọn bên trong. Tôi kéo đôi giầy ra khỏi chiếc hộp. Một tấm carte rơi khỏi mũi giầy "để nhớ một buổi chiều… mong cô nhận món quà nhỏ này của tôi". Và cái tên Phan Huy Trường thật nhỏ bên góc trái của tấm carte làm tôi liên tưởng đến tên con trai hôm nào - cái buổi trưa mà tôi không muốn nhớ đến. Nhã ghé mắt đọc ké tấm thiệp trên tay tôi:

- A! chị quen anh nào tên Trường?

Tôi nhăn mặt:

- Đâu có, chị không quen hắn.

- Thế anh ấy là ai? Sao lại tặng giầy cho chị?

Tôi nói nhỏ:

- Là cái tên đụng xe chị hôm nào đó, chắc hắn thấy đôi giầy chị bị đứt nên đền cho chị.

Nhã cười:

- Chị mang thử xem có vừa không?

Tôi xỏ chân vào đôi giầy. Tôi chưa bao giờ đi giầy bít kín chân nên cảm thấy chật chội, khó chịu. Nhã nói:

- Không sao, giầy mới nào cũng phải chật hơn chân mình một chút. Đi một vài lần nó giãn ra là vừa.

Vuốt nhẹ tay lên mặt bóng của đôi giầy, tôi xuýt xoa;

- Đẹp ghê hở Nhã?

Nhã ngắm nghía:

- Giầy hiệu đàng hoàng đấy. Anh chàng này cũng biết chọn hàng ra gì. Mắc lắm nghe. Chị em mình làm gì mua nổi đôi giầy này.

Tôi bỏ đôi giầy vào hộp, le lưỡi:

- Đắt thế mình không nên mang.

Nhã tỏ vẻ ngạc nhiên;

- Họ cho mình tội gì không mang?

- Chị sẽ trả lại người tặng.

Nhã ngẩn ngơ:

- Trả lại à? Tiếc lắm! Đôi giầy đẹp quá chị Diễm ạ.

Tôi an ủi Nhã;

- Đừng tiếc! Mai kia có tiền nhiều chị sẽ mua hàng tá giầy đẹp cho chị em mình mang. Bây giờ trả lại cho người ta, mình không quen biết mà nhận quà của họ thấy kỳ quá. Mình nhà nghèo phải tỏ ra kiêu một chút họ mới nể.

Nhã nhỏ nhẹ:

- Phải đấy. Trả lại để họ đừng coi thường mình nhà nghèo nên dễ dãi nhận quà một cách tham lam như vậy.

Tôi bỏ đôi giầy vào hộp ngay ngắn rồi đậy nắp hộp. Nhã vuốt thẳng tờ giấy hoa, lấy kéo cắt bỏ chỗ rách do bé Hoàng mở vội, rồi gói lại. Tôi chợt hỏi Nhã:

- Biết họ ở đâu mà trả Nhã nhỉ?

Nhã cũng khựng người:

- Chị xem thử trên tấm carte có ghi địa chỉ không?

Tôi lắc đầu;

- Không.

Nhã nhún vai:

- Mà chả sao? Tặng chị món quà cũng với dụng ý làm quen thì trước sau gì cũng lộ diện. Lúc gặp chị đem ra trả cũng được.

Tôi gật đầu. Chiêc hộp được gói lại cẩn thận để trên nóc tủ của tôi. Nhã nằm dài ra giường đọc sách. Tôi ngồi ngẩn ngơ ở hiên nhà, lòng nghe thênh thang một nỗi buồn vu vơ.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:36 am    Tiêu đề:




Buổi tối lặng gió. Tiếng đàn của anh chàng hàng xóm hôm nay cũng buồn không lên tiếng, Nhà bên đó thật ồn ào! Hình như không còn là bốn người mà cả đến chục người là ít. Tôi lắng nghe để cố phân biệt từng tiếng nói của mỗi người như Nhã nhưng cũng phải đầu hàng. Tiếng cười đùa làm tôi chói tai. Tôi co chân lên nhìn lờ mờ vết trầy trên bàn chân mình. Bỗng nghe nôn nao một nỗi nhớ mơ hồ. Có ý nghĩ nào vừa khơi dậy nỗi ước mơ thầm kín trong lòng tôi. Nỗi ước mơ con gái! Tôi đã bước vào tuổi hai mươi rồi. Đã nhiều lần tôi đứng sững sờ nhìn thân thể mình tròn lẳn trong chiếc áo dài thon, ôm cứng bờ ngực no đầy, vừa vặn như tuổi hai mươi của tôi. Đã nhiều lần tôi sờ tay lên đôi môi hồng ướt át để tự hỏi; ai sẽ là người đầu tiên hôn lên môi mình nhỉ? ai sẽ vuốt ve trên thân thể con gái của mình? Đã nhiều lần tôi tập hững hờ khép nhẹ đôi mắt làm duyên, tưởng tượng như có một người tình bên cạnh để tựa đầu lên bờ vai rắn chắc, và tôi mơ một hạnh phúc vẹn toàn.

Nhã vừa ra đứng sau lưng choàng tay lên cổ tôi:

- Đi ngủ đi. Chị lại đang nghĩ về đôi giầy đấy à?

Tôi cười nhẹ:

- Làm gì mà phải nghĩ đến đôi giầy ấy nữa. Chị ngồi đây một lát cho mát rồi vào thêu nốt mấy cái áo chưa xong.

-

Nhã nói:

- Để em phụ với chị nhé?

- Thôi, để mai chị thêu cũng được. Này Nhã, mai thứ 7 mẹ nghỉ mình đi chợ nấu món gì ăn đi.

Nhã reo lên:

- Aên món gì vừa ngon lại vừa rẻ bây giờ?

- Vừa ngon lại vừa rẻ chỉ có món bún riêu cua thôi.

Nhã vui vẻ kéo ghế ngồi xuống cạnh tôi.

- Lạ nhỉ? Hôm nay sao im tiếng đàn.

Tôi quệt tay lên má Nhã;

- Bộ "nghiện" tiếng đàn bên ấy rồi à?

Nhã bĩu môi;

- Hàng xóm dược một đêm yên tĩnh nhờ vắng tiếng đàn ấy.

Tôi nói;

- Sao mấy ông hàng xóm của mìn ồn ào quá Nhã nhỉ? Đi đi về về như họp chợ ấy. Càng ngày càng đông.

Nhã so vai:

- Mấy ông họp nhau để học thi.

- Họ học gì?

- Tùm lum. Ôâng thì Luật, ông thì kinh tế ông thì ngoại ngữ…

- Còn Ngữ?

- Anh ấy học Văn khoa.

Tôi mỉm cười:

- Thảo nào, hắn có vẻ lười biếng nhất trong bọn.

Nhã nheo mắt hỏi tôi:

- Chị đã "cảm" đuọc anh nào bên ấy chưa?

Tôi nhún vai:

- Chị chưa để ý và cũng chưa rõ mặt anh nào cả?

- Chị thử nghĩ xem có anh nào bên đó thích chị không nhỉ?

- Chắc không đâu. Chị vùa nghèo lại vừa dữ. Em thấy đó, mỗi ngày chị phải lùa hai con khỉ nhỏ nhà mình đi tắm. Rồi la hét bắt chúng học bài, bắt chúng ngừng đùa giỡn, bắt chúng đi ngủ. Chị đã phải dùng hết cả công lực của mình mới trị nổi hai đứa. Mấy anh chàng bên đấy nghe cũng khiếp vía luôn, làm sao còn thích nổi chị.

- Chị phải nghĩ đến chị một chút. Con gái lớn rồi phải có tình yêu chứ.

Tôi nheo mắt:

- Nhã còn nhỏ mà đã muốn yêu rồi đấy à?

Nhã nhún vai:

- Tụi trong lớp em cũng đã có bồ rồi. Chỉ có em là ngây thơ mà thôi chị ạ.

Tôi quấn tóc Nhã trong ngón tay tôi, không nói gì. Nhã nhìn lên trời lấp lánh những vì sao. Tôi nhìn trong mắt Nhã và thấy những vì sao rơi trong đó. Mong cho Nhã cứ còn ngây thơ mãi như thế.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:36 am    Tiêu đề:




Nhã đã thấy vọng vì đợi hoài không thấy người tặng giầy trở lại làm quen như Nhã nghĩ. Tôi nhìn lên nóc tủ, đôi giầy vẫn còn ở đó - lặng lẽ và chờ đợi. Buổi chiều chưa xuống thấp nên nắng vẫn còn chói chang trên mặt đất. Tôi cầm chiếc áo đang thêu dở đứng nhìn vu vơ ra con ngõ nhỏ. Mắt tôi chợt sáng lên khi thấy bóng một chiếc vespa đi trở tới. Hình như là hắn! Tôi đứng im mắt không rời khỏi chiếc xe nhưng hắn không dừng lại, làm như không nhìn thấy tôi hắn phóng nhanh sang nhà mấy chàng sinh viên. Rồi thì những tiếng cười nói rộn ràng vang lên. Tôi gọi Nhã:

- Nhã ơi!

Nhã hỏi vọng ra:

- Gì thế chị?

Tôi chạy ào vào nắm tay Nhã:

- Chị vừa thấy hắn Nhã ạ.

Nhã nhăn mặt:

- Hắn nào?

- Cái anh chàng tặng giầy cho chị ấy. Anh ấy sang nhà mấy anh sinh viên. Hình như họ quen nhau.

Nhã reo lên:

- Thảo nào bên ấy dạo này ồn ào quá. Anh chàng đã điều tra tên chị qua mấy ông tướng hàng xóm. Không biết mấy ông có nói gì về chị không nhỉ?

Tôi ậm ừ mà mắt đăm đăm nhìn ra đường. Nhã dục:

- Chị còn đợi chờ gì nữa. Mang hộp quà sang trả cho người ta đi.

Tôi đẩy cho Nhã:

- Nhã mang sang trả dùm chị đi.

Nhã lắc đầu:

- Thôi, em ngại lắm. Bảo bé Hoàng đem trả cũng được.

Tôi mang cái hộp xuống khỏi nóc tủ, phủi nhẹ những hạt bụi bám trên mặt giấy rồi gọi Hoàng lại dặn dò:

- Em mang cái hộp này sang nhà anh Ngữ nói của chị Diễm trả lại cho anh Trường nhé.

Hoàng ôm cái hộp, thắc mắc:

- Bên đó làm gì có anh nào tên Trường.

- Có đấy. Cái anh đã đưa cái hộp này cho Hoàng cầm về mấy hôm trước đó. Cứ hỏi anh Ngữ anh Trường đâu anh ấy sẽ chỉ cho.

Hoàng cầm cái hộp chạy phăng ra cửa. Tôi ngồi thêu trên giường nhìn Nhã nằm dài xuống đất đọc truyện Công Chúa Da Lừa bằng tranh cho bé Phước nghe. Lòng tôi bồn chồn nhìn mông lung ra ngoài. Hoàng chạy vụt vào. Tôi hỏi thật nhanh:

- Đưa cho anh Trường rồi hả?

Hoàng nhe răng cười. Nhã ngừng đọc truyện hỏi Hoàng:

- Anh ấy có nói gì không?

- Anh ấy xoa đầu em rồi khen em…đep trai quá.

Tôi và Nhã cùng bật cười. Mũi kim lơ đãng đâm nhói vào tay tôi. Tôi la lên;

- Đau quá!

Nhã nhỏm người dậy:

- Gì thế chị Diễm?

- Kim đâm vào tay chị.

Nhã cười:

- Sao lơ đãng thế? Bộ tiếc đôi giầy hả?

Tôi hứ lên một tiếng cúi đầu ngậm ngón tay đau. Lúc ngẩng đầu lên tôi tròn mắt nhìn người con trai đang đứng ngay ngưỡng cửa, trên tay ôm hộp giầy tôi mới trả.

- Chào cô.

Tôi còn đang ngơ ngác thì Nhã đã ngồi bật dậy:

- Sao anh vào nhà mà không gõ cửa? Anh quen ai thế?.

- Anh muốn gặp chị Diễm.

Người con trai nói. Nhã quay sang nhìn tôi, má tôi thoáng ửng hồng. Nhã nheo mắt:

- A! anh là thủ phạm làm chị Diễm ngã rồi đền cho chị đôi dép chứ gì?

- Phải, anh tên Trường. Còn em là bé Nhã phải không?

Nhã nhăn mặt:

- Anh nhập băng với mấy anh bên kia điều tra gia đình em hơi kỹ đấy nhé.

Trường cười, ánh mắt nhìn sang tôi hình như dịu xuống:

- Tại anh muốn làm quen chị Diễm và các em đấy mà. Anh có thể ngồi được không?

Nhã nhìn quanh tìm một chiếc ghế nhưng Trường đã thản nhiên ngồi xuống canh tôi trên chiếc divan tôi đang ngồi thêu. Mặt tôi nóng bừng lên.

- Tôi xin phép ngồi đây cũng được.

Tôi ngồi xích ra xa Trường một chút. Trường cúi nhìn xuóng chân tôi nhỏ nhẹ;

- Chân cô còn đau không? Tôi cứ mong có dịp gặp lại cô để nói những lời ân hận, tôi là hàng xóm của cô mấy lâu nay mà cô không để ý đó thôi.

Tôi nói nhỏ;

- Tôi it khi ra ngoài và it để ý đến hàng xóm của mình, nhưng tôi biết anh là lính mới gia nhập bên kia, Nhã nói bên nhà anh Ngữ dạo này đông quá, có nhiều anh mới, qua lại thường xuyên. Anh mới đó chắc là anh.

Trường cười, giọng anh thật ấm áp:

- Chiều nào tôi cũng đứng bên nhà Ngữ nhìn Diễm đi học và buổi tối chờ Diễm về. Có lúc thấy Diễm ngồi một mình ngoài hiên lặng lẽ trông thật buồn. Nhiều lần tôi định sang làm quen rồi nhưng sợ cô còn giận nên cứ ngần ngại mãi.

Tôi chớp mắt nghe niềm vui vỡ òa. Trường nói tiếp:

- Tôi nghĩ ra cách làm quen cô là mua tặng cô một món quà. Một món quà nhỏ làm quen thôi mà sao Diễm lại không nhận. Không tha thứ cho tôi à?

Tôi nhìn sâu trong mắt Trường và thấy sự thành khẩn trong đôi mắt ấy.

- Tôi không quen nhận quà của người lạ.

- Rồi sẽ là người quen. Để đánh dấu một tai nạn êm đềm của chúng mình.

Tôi thấy ngột ngạt trong tiếng chúng mình của Trường. Tiếng anh vẫn ngọt ngào;

- Hãy xem tôi là bạn và nhận món quà cho tôi yên lòng nhé.

Tôi lắc đầu Trường bỗng nắm bàn tay tôi đặt nhẹ gói quà thật tha thiết:

- Một chút quà nhỏ. Nếu Diễm không mang vừa thì cứ giữ làm kỷ niệm.

Tôi rút nhanh bàn tay mình ra khỏi tay Trường mà chợt nghe lòng thổn thức. Bàn tay tôi như tê dại hẳn đi. Chiếc hộp rớt vào lòng tôi êm ái, tôi không còn phản ứng để trả lại chiếc hộp cho anh. Tôi thấy mềm lòng trong đôi mắt tha thiết của Trường - đó là sự chấp nhận và những dấu hiệu của những ngày không còn bình yên con gái nữa.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:37 am    Tiêu đề:



Thục vừa dọn nhà đến ở cùng xóm với tôi. Căn nhà lầu hai tầng có cây vú sữa trong sân và chiếc hàng rào xanh như xa cách hẳn với những căn nhà thấp nghèo nàn trong xóm. Hôm đầu tiên Thục dọn đến tôi không có ở nhà. Hôm sau đi chợ ngang qua tôi thấy Thục ngồi đong đưa đôi chân trên chiếc xích đu kê gần cây vú sữa. Tôi ngỡ ngàng nhìn Thuc, chiếc giỏ chợ như muốn rơi khỏi tay tôi. Là Thục, cô bạn thân từ thủa học tiểu học của tôi. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mất liên lạc, thế mà hôm nay lại gặp Thục ở đây. Thục lớn lên xinh đẹp và sang trọng như một cô tiểu thư. Còn tôi… tôi đứng lặng nhìn Thục mà lòng cứ phân vân không biết có nên gọi Thục không? Thục chợt ngẩng đầu lên, Mắt Thục găp mắt tôi, một thoáng ngỡ ngàng rồi Thục kêu:

-

- A! Diễm. Phải Diễm không?

Tôi cười mà nước mắt muốn ứa ra. Thục xỏ chân vào đôi dép chạy bay ra mở cổng, ôm chầm lấy tôi:

- Lâu quá mới gặp lại Diễm. Diễm cũng ở xóm này à?

Tôi chỉ tay về phía sâu trong ngõ, nói nhỏ:

- Nhà mình ở mãi trong kia.

Thục reo lên;

- Mừng quá. Chúng mình lại ở gần nhau. Thục mới về đây đang buồn không ngờ gặp được Diễm vui ghê!

Tôi theo Thục vào nhà. Hai đứa ngồi đong đưa trên xích đu. Giọng Thục ríu rít như chim:

- Diễm đi chợ hả? Chợ có gần đây không? Hôm nào cho Thục đi chợ với nhé.

Tôi mỉm cười:

- Chợ cũng gần dây thôi. Khi nào Thục muốn đi chợ mình sẽ đưa Thục đi.

- Ừ! Mai đi, mai Thục đi chợ với Diễm. Hôm nay Thục còn phải don dẹp chút đỉnh. Nhà cửa bừa bộn quá.

Tôi nhìn nghiêng vào trong nhà Thục. Những đồ đạc trong nhà toàn là những thứ sang trọng và đep mắt. Tôi chợt khen:

- Nhà Thục đẹp quá! Nhất xóm này đấy.

Thục cười:

- Bố mẹ Thục tìm mãi mới được căn này đấy. Từ Nha Trang vào đây thấy Thành phố ngột ngạt quá. Thục quen với gió biển rồi. Ở Nha Trang Thục thường ra biển vào buổi chiều, một mình chơi đùa với sóng nước và ngắm hoàng hôn trải dài trên bãi cát. Bạn của Thục là những con dã tràng. Về đây thấy mình có vẻ xa lạ, lạc lõng làm sao ấy.

Tôi nhìn sâu trong mắt Thục:

- Thuc lãng mạn quá Thục ạ. Chỉ Thục mới có được những phút giây cho riêng mình như thế mà thôi.

Thục chợt hỏi tôi:

- Diễm học ở đâu? Ngành nào nhỉ?

Tôi xoắn nhẹ những sợi tóc mình trong ngón tay:

- Diễm nghỉ học rồi?

Thục có vẻ ngạc nhiên:

- Nghỉ học à? Sao uổng thế?. Diễm nghỉ học làm gì?

- Đi học tốn kém quá. Chỉ có mình mẹ đi làm nuôi bốn chị em mình. Tốt nghiệp xong mình bỏ thi Đại Học ở nhà phụ mẹ thêu may quần áo và chăm sóc các em. Chúng nó còn nhỏ cần đi học hơn mình.

Thục nắm bàn tay tôi xoa nhè nhẹ.

- Diễm thay đổi nhiều quá. Chững chạc hơn Thục rất nhiều.

Tôi đứng dậy:

- Thôi, mình đi chợ đây. Về nhà còn phải nấu cơm cho tụi nhóc ăn. Đi học về chưa có cơm là chúng nó kêu đói ầm nhà lên ngay.

Thục phì cười:

- Nhà chị em đông vui quá nhỉ?. Chiều nay Diễm có bận gì không? Mình sang chơi nhé.

Tôi nháy mắt:

- Có bận cũng phải tiếp Thục. Biết nhà mình chưa? Cứ đi sâu vào trong cái căn nhà nho nhỏ có mái hiên nhô ra là nhà mình.

Thục cười tủm tỉm:

- Nhà Diễm có gần nhà mấy ông sinh viên không?

Tôi nháy mắt:

- Gần đấy. Mà sao Thục mới tới đã điều tra mấy chàng kỹ thế?

Thục lắc lắc mái tóc:

- Tại chiều qua thấy mấy ông đi ngang nhà. Có dừng lại nhà Thục chút xíu và cười đùa gây chú ý cho mình.

Tôi thoáng nghĩ đến Trường. Không biết có Trường trong cái đám thanh niên ồn ào ấy không nhỉ? Từ cái hôm Trường vào nhà làm quen, chàng đã nhanh chóng kết thân với đám em tôi. Thường xuyên sang nhà phụ tôi chăn hai thằng em trai nghịch phá và giảng dậy thêm bài vở cho Nhã. Trường đưa đón tôi đi học thêm buổi tối. Ngồi cạnh xem tôi thêu hàng giờ vì Trường yêu tôi - chàng nói thế. Cái cảnh nghèo khó của gia đình tôi Trường đã thấy, chàng nói chàng yêu luôn cái nghèo khó ấy. Chúng tôi yêu nhau - như một chớp mắt dài, tôi bừng tỉnh tuổi con gái để đón nhận những môi hôn ngọt lịm, những đón đưa hẹn hò. Tôi yêu Trường lâng lâng trong hồn. Một tình yêu sẵn sang trao gởi. Tôi đã quên giấc mơ lấy chồng giầu để chìm đắm vào tình yêu trai gái đầy đam mê và lãng mạn, tôi dệt gấm thêu hoa trong tình yêu của mình và cảm nhận được niềm hạnh phúc vô tận.

Thục tiễn tôi ra cửa, nhìn chiếc giỏ đong đưa trên tay tôi. Thục nói:

- Diễm giỏi thật. Giống như một bà nội trợ đảm đang ấy.

Tôi nhẹ nhàng bước nhanh ra cổng. Nắng vương nhẹ trên cành vú sữa, những trái non đong đưa như đón mời. Nắng non thật đẹp. Thục cũng thật đẹp. Tôi nghĩ thế - và tình yêu của tôi cũng thật đẹp!

Chiếc giỏ chợ của tôi nhẹ tênh vì chỉ vỏn vẹn có mấy bó rau, vài miếng đậu hũ và vài con cá vụn. Nhã thường nói đùa với tôi:

- Mình ăn rau nhiều quá mặt mũi đứa nào cũng xanh biếc một mầu… rau mất thôi Diễm ạ.

Hai chị em chúi đầu vào nhau cười. Niềm vui vẫn thường đến không chờ lúc như thế. Nhà nghèo mới thấy tình chị em thắm thiết. Nhã có hay cằn nhằn và hay bắt nạt tôi thật, nhưng không phải Nhã đã đi quá giới hạn của nó mà vì tôi chiều em, thấy em thiếu thốn, thua kém bạn bè, tôi thương Nhã, không muốn nó buồn. Tuy vậy mà Nhã rất thương tôi, Nhã có khí khái của một đứa con gái nhà nghèo. Hai chị em nương tụa nhau trong cảnh nghèo và nhường nhịn cho nhau những bộ quần áo mới. Nhã nói vì tôi là chị lớn, đang đến tuổi có bồ, phải ăn mặc tươm tất một chút cho người ta đừng coi thường mình. Tôi thì bảo Nhã đi học với bạn bè, phải tỏ ra nhà mình nghèo nhưng không đến nỗi thiếu thốn quá. Tôi nhường đôi giầy Trường tặng cho Nhã mang, nhưng Nhã nhất định không chịu. Mỗi kỳ lãnh tiền thêu, tôi đều nhín ra một ít tiền cho Nhã tiêu vặt. Nhã lại để dành rồi trong một dịp nào đó - như Tết - như Giáng Sinh hay là sinh nhật tôi Nhã lại mua tặng tôi một món quà nhỏ. Nhã thường làm tôi cảm động đến bật khóc.

Tôi về đến nhà thấy Trường đang ngồi giảng bài cho Nhã ở chiếc bàn độc nhất kê ở giữa nhà. Thấy tôi, mắt Trường sáng lên:

- Bà nội trợ, trưa nay cho anh ăn cơm với nhé.

Tôi cười:

- Cơm nhà em toàn rau thôi anh ăn có được không?

- Anh thích ăn rau hơn ăn thịt.

Nhã bảo:

- Anh Trường nói thích ăn rau mà mua nguyên cả ký giò, em để dưới bếp ấy.

Tôi sụ mặt:

- Lần nào đến cũng mua đồ ăn. Bộ anh sợ ăn cơm rau với tụi em lắm hả?

Trường quệt tay lên má tôi không nói gì. Tôi lặng lẽ xuống bếp làm cơm. Tiếng Trường giảng bài cho Nhã như ru vào tai tôi một viễn cảnh êm đềm - một gia đình - một cuộc sống có chàng, có mẹ và những đứa em. Tôi chỉ cần có thế - là những mơ ước bình dị của tôi. Giấc mơ lấy chồng giầu không còn nữa. Tôi đã chẳng giúp các em có đầy đủ tiện nghi trong cuộc sống nhưng tôi đã tìm cho chúng nó một người anh. Không phải Trường đã thương các em tôi như tôi đã thương chúng nó đó sao? Chàng thường sang nhà giúp tôi tắm rửa cho hai thằng em trai nghịch ngợm, bắt chúng rửa tay trước khi ăn cơm. Chàng thường kèm cho Nhã hoc vì Nhã không có tiền đi học thêm như các bạn. Trường đã làm tất cả cho tôi. Chàng nói gia đình tôi là gia đình chàng. Và tôi cũng muốn thế. Đã đôi lần mẹ hỏi tôi về gia cảnh của Trường tôi không biết nói gì với mẹ vì tôi chưa bao giờ hỏi về gia đình Trường. Cứ mải ngụp lặn trong tình yêu, tôi quên mất chàng cũng có một gia đình. Tôi chỉ thấy một mình chàng bên nhà Ngữ, và bây giờ một mình chàng ở bên tôi. Đám bạn chàng thỉnh thoảng lại hét ầm lên:

- Trường ơi, mày trọng sắc quên bạn rồi nhé. Coi chừng tao mách…mẹ đấy.

Mỗi lần nghe bạn trêu Trường chỉ cười. Trường nói với tôi:

- Em là nhất.

Tôi cảm động với tình yêu Trường dành cho tôi. Tôi nghĩ anh cũng là nhất trong hồn tôi.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:37 am    Tiêu đề:



Tôi đi cạnh Trường, buổi chiều đã tắt nắng. Thành phố đã lên đèn, các cửa hàng rực sáng muôn mầu. Tôi thấy mình có vẻ lạc lõng trong sự xa hoa ấy nên giục Trường về nhưng chàng còn quanh co như chưa muốn rời tôi:

- Lâu lắm chúng mình mới dạo phố. Về làm gì sớm thế em?

Tôi nói nhỏ:

- Em còn một lô hàng thêu chưa xong.

- Anh sẽ thêu phụ em. Chắc chắn sẽ kịp giao hàng mà.

Tôi nhăn mặt:

Anh phá em thì có chứ phụ được cái gì.

- Chúng mình đi ăn cơm gà nhé. Anh đói bụng quá.

Tôi nhìn Trường ngần ngừ:

- Vào nhà hàng hả? Em sợ lắm.

Trường day day mái tóc tôi mắng yêu:

- Con bé nhà quê. Có anh việc gì phải sợ.

Tôi nhìn đến bộ quần áo mình đang mặc. Quả thật là tôi sợ bộ quần áo mình nghèo nàn quá làm mất mặt Trường, nhưng Trường vẫn thản nhiên ôm eo tôi bước vào tiệm. Tôi lấy lại được một chút tự tin bên chàng. Trường gọi thật nhiều món, chàng làm như tôi… đói ăn từ kiếp nào, cứ luôn tay tiếp thức ăn đầy chén cho tôi.

- Em ăn ít quá tối về lại lục cơm nguội cho mà xem.

Tôi mỉm cười má đỏ lên. Trường đã bắt gặp tôi nhiều lần ăn cơm nguội, chàng "ranh ma" lắm. Tôi đi học tối nên thường hay đói. Mấy lần chàng rủ tôi đi ăn phở mà tôi không ăn. Buổi tối đón tôi đi học về Trường thả tôi xuống đầu ngõ nói anh về nhà. Thế mà chỉ một lúc sau, lúc tôi đang lục cơm nguội thì Trường lại đến, trên tay chàng cầm mấy ổ bánh mì. Lần đầu tôi còn xấu hổ nhưng những lần sau Trường thấy hoài cũng thành quen đi. Yêu Trường, tôi không muốn chàng tốn kém cho tôi nhiều quá, vì tôi là con nhà nghèo, càng nghèo thì lại càng phải giữ gìn nhiều hơn. Trường vẫn trách tôi:

- Em không yêu anh?

- Thế nào để anh thấy em yêu anh thật nhiều nhỉ?

- Là em phải cho anh chia xẻ những thiếu thốn của em, chia xẻ những nỗi buồn và cả những niềm vui với em. Đó mới là tình yêu.

Tôi buồn buồn:

- Anh chia xẻ với em nhiều quá rồi còn gì. Anh vẫn ăn chung với em những bữa cơm thiếu thốn nghèo nàn. Anh mua cho em những món quà đáng giá và cùng chung với em những buổi sáng, buổi trưa bỏ ngủ miệt mài trên bàn thêu. Và cùng em đi giao hàng để được lãnh về món tiền nhỏ nhoi nhưng tràn đầy vui sướng. Anh cho em bao ngày tháng yêu đương ngọt ngào, hạnh phúc và đầm ấm. Anh đem không khí vui tươi đến cho những đứa em tội nghiệp của em. Trong mắt chúng nó anh là… nhất nhất rồi.

Trường đưa tôi về cũng hơi khuya. Chàng không quên ghé vào tiệm mua bánh cho hai cậu nhỏ va chocola cho Nhã. Đó là thói quen của mỗi lần chàng đến và mỗi khi hai đứa đi chơi về. Trường xem gia đình tôi như gia đình Trường. Chàng có thể lau giùm tôi cái bàn, thay quần áo cho bé Phước, giảng bài cho Nhã, bao sách vở cho Hoàng. Các em nhắc tên Trường nhiều hơn tên tôi. Hôm nào Trường không đến chúng nó mong ngóng, hết nhìn ra ngõ lại nhìn sang nhà hàng xóm chờ đợi.

- Em có vui không?

Trường hỏi tôi bất chợt. Tôi úp mặt lên lưng áo chàng:

- Vui lắm.

- Em mơ ước những gì?

Tôi cười mà môi rung hạnh phúc:

- Em mơ ước làm vợ anh và sống mãi bên anh.

Trường tìm tay tôi bóp manh:

- Anh cũng mơ như thế. Mong rằng giấc mơ sẽ đến với chúng mình một ngày gần đây.

Và giọng Trường bỗng trầm xuống:

- Sao em không bao giờ hỏi về gia đình anh, cuộc sống của anh như thế nào nhỉ?

Tôi giấu mặt sau lưng Trường cắn những ngón tay ngậm ngùi:

- Em chờ anh nói trước. Nói cho em nghe về gia đình anh đi.

Trường thoáng buồn:

- Anh có một gia đình không đầy ắp thương yêu như gia đình em.

- Em không hiểu anh muốn nói gì?

- Anh yêu em và muốn có em bên cạnh.

Tôi chớp mắt bâng khuâng:

- Một ngày nào đó…anh có nghĩ đến chuyện cưới em không?

Trường dừng xe ở một quãng đường vắng, mắt chàng nhìn tôi đăm đăm:

- Sao tự nhiên lại hỏi anh như thế?

Tôi thoáng rùng mình:

- Em sợ.

- Em sợ gì?

- Sợ vu vơ.

Trường ôm đầu tôi áp sát vào ngực chàng:

- Lúc nào anh cũng nghĩ đến chuyện của chúng mình. Em không cần phải lo lắng đến chuyện ấy.

Tôi thở ra nhẹ nhõm, lòng lâng lâng một niềm vui. Tôi bảo Trường:

- Thôi về nhanh không mẹ mắng đấy anh.

Trường cười nhẹ. Chiếc vespa lao vút trên mặt đường nhựa bóng. Tôi ôm siết vòng lưng chàng, lênh đênh như bóng hạnh phúc vừa tới.

Con ngõ bắt đầu vắng và thu hẹp lại trong tốc độ của xe Trường. Chàng chỉ cho tôi cái doạn đường kỷ niệm.

- Chỗ này anh gặp em.

Tôi cười:

- Anh gây tai họa cho em thì có.

Trường chợt hỏi:

- Tại sao hôm đó em khóc nhiều thế? Đã bảo chân không sao mà khóc hoài.

Tôi dấu nỗi thẹn thùng trong bờ lưng to lớn của Trường thú nhận:

- Tại em tiếc đôi dép bị đứt.

Trường bật cười:

- Thì ra là thế. Mấy hôm sau anh đứng bên nhà Ngữ nhìn thấy em vẫn mang đôi dép cũ anh cảm động quá. Và anh đã cố làm quen em vì thế.

Tôi im lặng không trả lời Trường. Chúng tôi vùa đi ngang nhà Thục, tôi nói;

- Em có cô bạn mới dọn về đây, chúng em quen nhau từ hồi hoc tiểu học. Mấy năm trước gia đình cô ấy ở Nha Trang chúng em mất liên lạc, bây giờ lại găp và ở gần nhau vui ghê. Thục dễ thương lắm. Hôm nào em giới thiệu với anh nhé.

Trường hỏi tôi giọng chàng nhuốm vui tươi:

- Có phải nhà cô ấy có cái hàng rào mầu xanh. Trong sân có cây vú sữa và cái ghế xích đu ở đằng kia không?

Tôi trợn mắt:

- Anh ghê thật! Thảo nào mà Thục nói với em là ở gần nhà Diễm có mấy ông tướng mỗi lần đi qua nhà Thục đều cố gây sự chú ý. Trong số mấy ông tướng đó có anh không?

Trường bật cười:

- Anh nghe bọn Ngữ đi về nói với nhau có hàng xóm mới là một nàmg tiên rất đep, mỗi chiều nàng tiên ngồi hong tóc trên xích đu mà đôi mắt thờ thẫn như không nhìn thấy ai, Vì thế, mỗi khi đi ngang nhà chúng nó phải gây ồn ào xem có động lòng nàng tiên không đấy mà. Anh thì chưa được gặp nàng tiên ấy vì trong mắt anh chỉ có mỗi một nàng tiên và một bầy em mà thôi.

Biết Trường đùa mà tôi cũng thấy lòng rộn lên nỗi vui thích con gái.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:38 am    Tiêu đề:



Tôi ngồi cạnh Thục, đối diện với Trường. Quán nước buổi tối vắng và lặng lẽ nhưng tôi lại thấy dễ chịu với sự vắng vẻ ấy. Trường hút thuốc trong ánh sáng mờ của ngọn đèn chụp mầu tím thẫm. Nhìn trong bóng tối khuôn mặt chàng thật đẹp, đuôi mắt dài với vầng trán cao, cương nghị. Trường đơn giản như tôi, không kiểu cách, không thời trang theo cách sống của những thanh niên bây giờ. Lúc nào chàng cũng gọn gàng trong chiếc quần jean xanh và áo chemise nhạt mầu. Thế thôi, tôi yêu cái không thời trang của Trường. Thục bảo tôi;

- Thục thấy anh Trường và Diễm thật đep đôi. Hãy giữ gìn tình yêu ấy nhé. Người như anh Trường gần "tuyệt chủng" rồi đấy Diễm ạ.

Tôi mỉm cười nhìn Thục. Thục thật sang trọng và thật đẹp. Nét đẹp của Thục cũng đang làm xôn xao đám sinh viên nhà Ngữ, mà hình như Thục không để ý đến ai. Tôi đã từng hỏi Thục có bạn trai chưa? Thục nhún vai rất điệu:

- Thục chưa nghĩ đến. Mà bạn trai sao… khó tìm quá.

Tôi nói nhỏ:

- Con gái nhà giầu xinh đẹp như Thục thì thiếu gì người để chọn lựa.

Thục nhìn tôi, ánh mắt Thục chợt mơ màng:

- Chọn một người để yêu không dễ đâu Diễm ạ.

Tôi nhìn Thục đăm đăm. Thục thật… kỳ lạ. Tôi không hiểu được Thục bao nhiêu, ngược lại Thục thì hiểu tôi rất nhiều. Trong mắt tôi, Thục luôn là cô bạn thân có một cuộc sống vương giả. Đã nhiều lần tôi nhìn Thục mặc những bộ đồ đầm đắt tiền, những chiếc áo dài may khéo vừa vặn ôm khít vòng eo nhỏ nhắn của Thục, tôi thấy mình nôn nao một nỗi ước mơ. Giá tôi có được một phần diễm phúc mà Thục đang hưởng nhỉ? Ở đây Thục chẳng quen ai ngoài tôi, nên trừ những ngày đi học, Thục lại tìm tôi, có khi ngồi hàng giờ vừa chuyện trò vùa nhìn tôi thêu áo. Tôi có một thứ hạnh phúc đậm đà nhất là tình bạn của Thục và tình yêu của Trường. Tôi thân Thục và không dấu Thục một điều gì cả. Tôi kể cho Thục nghe tình yêu của Trường và tôi, kể cái ngày tôi quen Trường vì đôi dép đứt, Về những thiếu thốn của gia đình tôi và những mặc cảm nghèo khó của mình mỗi lần đi bên Trường với chiếc áo dài cũ. Thục ngẩn ngơ nhìn tôi:

- Diễm chỉ có hai cái áo dài trong một năm thôi à?

Tôi cười buồn:

- Trong nhiều năm chứ không phải một năm đâu.

Thục trầm ngâm một lát, sau đó Thục nói với tôi:

- Diễm mặc chung áo với Thục nhé.

Tôi lắc đầu:

- Mình cao hơn Thục làm sao mặc vừa áo Thục.

Thục cười vui:

- Cao hơn có một chút xíu thôi. Thục đi giầy cao, Diễm mang dép thâp, nhất đinh là vừa.

Tôi nói cám ơn Thục mà vẫn từ chối không nhận. Cái nghèo đã khiến tôi phải giữ gìn hơn. Chị em tôi vẫn luôn nhủ lòng như thế.

Trường đã dụi tắt điếu thuốc vào chiếc gạt tàn để trên bàn. Chàng nhìn Thục nói nhỏ:

- Từ ngày Thục ở đây Diễm vui lắm. Bạn Diễm chỉ có mình Thục thôi.

Thục cười dịu dàng:

- Thục cũng thế. Ở trong xóm này bạn Thục cũng chỉ có mình Diễm.

Tôi nắm tay Thục nhìn Trường.

- Bạn Thục bây giờ còn có thêm cả anh Trường nữa chứ.

Thục nheo mắt;

- Đương nhiên rồi. Chúng ta là bạn nhé.

Trường cười thật tươi. Hai người bắt tay nhau thoải mái. Tôi thấy Trường và Thục có vẻ hiểu nhau nhanh hơn là tôi nghĩ. Thục thẳng thắn và tự tin bên cạnh Trường. Ánh mắt Thục hồn nhiên, trong sáng, đôi khi gợn lên một chút mơ màng. Thục rất chững chạc khi bước vào một tiệm ăn sang trọng. Còn tôi thì vụng dại, ngờ nghệch. Thục ngồi thoải mái, tay thong thả khuấy đều chiếc muỗng trong ly, tôi khép nép như con mèo nhỏ vụng về. Không biết đến bao giờ tôi mới theo được Thục nhỉ?

Thục uống nốt ly nước cam còn lại rồi để nhẹ xuống bàn:

- Mình về nhé. Về nhà Thục còn phải ôn lại bài một chút, sáng mai đi học.

Ba người bước ra khỏi quán nước đi bộ về nhà. Thục đi cạnh tôi, tôi choàng tay ôm vai Thục:

- Ước gì cuộc sống cứ thế này mãi. Mình có tình yêu của Trường và tình bạn của Thục bên cạnh là sung sướng và thỏa mãn lắm rồi.

Thục chợt hỏi tôi:

- Diễm có nghĩ đến đám cưới với Trường không?

Tôi lắc đầu bâng khuâng:

- Không biết Thục ạ. Mình thấy Trường có vẻ giấu kín về gia đình quá. Mình chỉ biết anh ấy đang là sinh viên năm cuối, thường hay đến học nhóm ở nhà Ngữ thế thôi.

Thục cắn nhẹ đôi môi, im lặng. Tôi chợt buồn vì thấy mình dại khờ quá. Có tình yêu tôi cũng vẫn dại khờ không dám lay động vì sợ tình yêu tan vỡ mất. Có Trường ngày nào là ngày đó bình yên đối với tôi. Hôm Nào Trường không đến tôi quắt quay trông ngóng, cứ sợ chàng đi luôn. Nhã thường bảo tôi:

- Từ ngày có anh Trường trông chị thật… ngộ nghĩnh.

Tôi thắc mắc:

- Ngộ nghĩnh là làm sao? Chị chẳng hiểu Nhã muốn nói gì?

Nhã phá lên cười:

- Chị cứ trông ngẩn vào ngơ khi anh Trường chưa đến. Tình yêu là thế đó hả?

Tôi quấn nhẹ những ngón tay mình vào mái tóc mượt mà của Nhã hỏi:

- Có tình yêu chị ít săn sóc các em. Nhã không buồn chị à?

Nhã chớp mắt:

- Cũng buồn chứ. Nhưng em nghĩ chị đã lớn cũng có lúc phải xa rời các em để lấy chồng. Nhà mình nghèo, có được một người hiểu rõ hoàn cảnh yêu mình thành thật là một niềm hạnh phúc lớn lao. Em mong chị giữ được hạnh phúc hoài như thế.

Tôi cảm động đến không nói thành lời. Nhã đã có những suy nghĩ như một người đã lớn. Tôi cứ tưởng Nhã còn bé, ngây thơ và thường hay bực bội vì những thiếu thốn của mình, thì ra Nhã đã bắt đầu lớn. Cô bé mười bẩy tuổi rồi còn gì!

Tôi chia tay Thục ở trước cổng. Chỉ còn lại hai đứa Trường nắm chặt bàn tay tôi.

- Lúc nẫy em với Thục nói gì anh thế?

Tôi nhìn sâu trong mắt Trường. Trong bóng tối của ngọn đèn mờ tôi không dọc được những gì trong đôi mắt anh. Tôi ngập ngừng:

- Thục hỏi em về dự tính tương lai của chúng mình. Bao giờ thì chúng ta cưới nhau.

Trường bóp bàn tay tôi đau nhói:

- Hãy cho anh một thời gian, được không em?

Tôi im lặng. Trường mở cổng thật nhẹ như không muốn đánh thức giấc ngủ của mẹ và các em. Trường kéo chiếc ghế ngồi cạnh tôi dưới mái hiên. Đêm yên tịnh và buồn. Chiếc áo tôi mặc thoáng rung lên, bàn tay Trường khít khao ôm trọn thân hình nhỏ nhắn của tôi. Giọng Trường đặc lại:

- Anh yêu em, Diễm.

Đã bao nhiêu lần tôi nghe Trường nói câu đó, và lần nào tôi cũng thấy mới mẻ như lần đầu tiên nghe Trường nói. Tiếng Trường êm ái:

- Em là niềm vui và hạnh phúc của anh.

Tôi gật đầu ngó ngoáy mái tóc trong ngực chàng:

- Anh cũng là cuộc sống của em.

- Chúng ta sẽ làm đám cưới - một ngày thật gần.

Tôi rùng mình tê dại cả lòng. Một ngày thật gần là bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm nữa hở anh? Chúng mình đã yêu nhau hơn một năm rồi. Và bây giờ là mùa Thu, những chiếc lá đã bắt đầu vàng hiu hắt trên những nhánh cây. Em đã bắt đầu sang tuổi hai mươi mốt ngọt ngào. Bao giờ thì anh cưới em như sự đợi chờ của mẹ, như những ước mơ của em? Môi Trường tìm môi tôi, quấn quýt như loài côn trùng tìm đất bám. Tôi vòng tay ôm sát chiếc gáy cứng của chàng. Bàn tay Trường tìm khắp thân thể tôi một nơi nào êm ấm nhất để đứng hoài trong đó, ủ kín đôi tay bò sát của chàng.

Đêm không sáng lắm vì đêm không có trăng. Ánh đèn mờ không đủ sáng để Trường nhìn trong mắt tôi rực lửa đam mê, mà tôi lại nhìn được thân thể chàng rúng động hòa nhịp cùng nỗi đam mê của tôi. Trường chợt buông tôi ra trong tiếng thở dài đứt quãng. Tôi kéo nhẹ vạt áo cong cong. Trường bật diêm châm thuốc hút. Khói thuốc bay mịt mờ. Tôi thích được ngửi mùi khói thuốc Trường hút, nó có một vị gì nồng nồng, cay cay quyện cùng với hơi thở chàng thật quyến rũ. Tôi vòng hai tay lên đầu dựa người vào thành ghế, hát nho nhỏ một bài hát của anh họ Thục đã sáng tác. Anh là một nhạc sĩ không chuyên, nên những bản nhạc của anh ít ai biết đến. Thỉnh thoảng đến chơi với Thục tôi gặp anh và anh đã hát cho tôi nghe - với một cây đàn guitar cũ trên tay, anh hát những bản nhạc anh viết và tôi đã nồng nhiệt khen nhạc của anh hay và từ lúc nào tôi cũng thuộc luôn những bài hát ấy

“ anh đi qua nhà em.

Cây trúc đào nở những móng tay.

Hồng dưới bóng mái hiên.

Trong thâm tâm của anh.

Cứ nghĩ cô em đang đứng đợi chờ

Nắng mùa thu quên đi ngày tháng.

Anh đi qua nhà em.

Đi đến giảng đường quên những bạn bè

Khi nhớ tên em

Anh đâu hay nhà em.

Những chấn song xanh nghiêm cấm.

Giận hờn làm nắng mùa thu mỏi mệt nhớ thương!

Một đóa hoa vàng

Bên bồn cỏ thấp.

Nhớ dáng em

Và nắng hanh vàng se nhẹ vào hồn.

Anh đi qua nhà em.

Đi mãi một mình

Em đâu hay chiều nay

Có tiếng hát xa xôi ngớ ngẩn lạ lùng

Tiếng hát vút cao, lòng chợt nhớ em…

Trường dụi nhanh điếu thuốc trong chiếc gạt tàn, mắt chàng sáng lên:

- Em có giọng hát thật hay.

Tôi cười thích thú;

- Thật không đó.

- Thật đấy. Bài hát hay và giọng em cũng thật hay.

Tôi hỏi đùa:

- Em có thể làm ca sĩ được không?

Trường gật đầu:

- Có thể được.

Tôi nheo mắt:

- Em mơ làm ca sĩ lắm.

Mặt Trường chợt tối lại, một nếp nhăn thoáng hiện trên vầng trán chàng. Tôi ôm cánh tay Trường nhỏ nhẹ:

- Em nói đùa đấy mà. Không thích em làm ca sĩ hả?

Trường im lặng. Tôi ngồi bên cạnh Trường mắt nhìn sâu trong đêm tối. Có chút gì bâng khuâng làm dài ra khoảng cách giữa chúng tôi. Mắt chàng mở lớn trong đêm tối. Tôi giục chàng;

- Về đi anh, khuya lắm rồi đó.

- Anh ngủ bên nhà Ngữ, lo gì đêm khuya.

Tôi so vai:

- Em lạnh và buồn ngủ quá.

Trường đứng dậy:

- Thôi anh về cho em vào nhà. Ngủ ngon nhé.

Tôi mở cửa thật nhẹ và lách mình vào. Trường nhìn tôi một khoảng ngắn rồi lầm lũi bước đi. Tôi nhìn bóng Trường qua khe cửa và khẽ thở dài.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:38 am    Tiêu đề:



Buổi sáng Trường đến tìm tôi. Nét mặt chàng đầy vẻ quan trọng:

- Chiều nay xin phép mẹ chúng mình đi chơi nhé.

Tôi cười:

- Đi chơi thôi mà ra vẻ quan trọng quá làm em hết hồn. Đi đâu vậy?

Trường nói nhỏ:

- Anh đưa em về ra mắt ba mẹ anh.

Tôi sững người. Về ra mắt ba mẹ Trường, có thật không nhỉ? Tôi vừa mừng vừa lo, nước mắt cứ chực ứa ra. Sao tôi có thể mau nước mắt như thế được. Trường đã đưa tôi về nhà để giới thiệu với gia đình, đó chẳng phải là dấu hiệu tốt đep rồi sao? Thấy nét mặt ngẩn ngơ của tôi, Trường xoa tay lên má tôi, cười vui:

- Đừng hồi hộp qua như thếù. Bây giờ anh phải đến trường. Chiều nay anh đến đón em. Vui lên nhé.

Tôi trở vào nhà, lòng cứ bồi hồi lo lắng. Cầm chiếc áo trên tay chực thêu, tôi lại bỏ xuống. Không biết mình sẽ phải làm gì? Sẽ phải nói gì khi gặp ba mẹ Trường. Tôi đi đến tủ áo, không có một chiếc áo nào tươm tất hơn chiếc áo mầu xanh tôi thường mặc. Mười lần đi chơi với Trường thì hết bẩy lần tôi mặc chiếc áo ấy. Tôi thở dài, mình cũng chẳng còn chiếc áo nào tốt hơn. Hay là thôi không đến ra mắt ba mẹ Trường nữa? Như thế chắc chắn Trường sẽ giận tôi - sẽ rời bỏ tôi. Cứ nghĩ Trường bỏ tôi là tôi muốn bật khóc rồi.

Thục đến đứng sau lưng từ lúc nào mà tôi không để ý đến khi Thục lên tiếng tôi mới giật mình quay ra.

- Sửa soạn đi đâu mà ngắm vuốt quần áo kỹ thế?

Thục hỏi. Tôi chớp nhẹ ánh mắt kéo Thục ngồi xuống divan.

- Một chuyến đi chơi quan trọng lắm Thục ạ.

Thục nghiêng mái tóc.

- Nghe hấp dẫn nhỉ? Đi đâu thế?

Tôi nói nhỏ bên tai Thục:

- Đi ra mắt ba mẹ Trường. Sao mình lo quá, không biết sẽ phải nói chuyện gì với ba mẹ của anh ấy nhỉ. Mình giống như con bé nhà quê. Hay là mình từ chối không đến có được không Thục.

Thục lắc đầu:

- Không được đâu. Trường đã đưa Diễm đến nhà thì có nghĩa là anh ấy đã thưa chuyện với ông bà rồi. Diễm mà không đến là mất điểm đấy.

Tôi cắn nhẹ sợi tóc giữa hai hàm răng:

- Mình sợ ba mẹ Trường coi thường mình khi biết mình học hành dở dang, lại con nhà nghèo không xứng với Trường.

Thục vuốt má tôi:

- Đừng suy nghĩ vẩn vơ. Chuyện ấy hãy để Trường lo. Diễm ngồi đây chờ Thục nhé. Thục chạy về một chút rồi sang ngay thôi.

Tôi gật đầu nhìn theo bước chân thoăn thoắt của Thục. Lòng vẫn không hết bâng khuâng. Một lát Thục đến với một túi xách trên tay. Tôi nhìn Thục đăm đăm. Thục cười, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán vì Thục đi bộ hơi nhanh, má Thục đỏ hồng trong nắng sớm thật đẹp. Thuc lôi trong túi ra hai chiếc áo dài mới:

- Hai cái áo này Thục vừa may xong nhưng dài quá mặc không vừa. Diễm mặc đi nhé.

Tôi sờ tay lên lớp vải mịn của chiếc áo dài mầu vàng đậm. Thục dục tôi:

- Diễm mặc thử đi. Thục nghĩ là vừa lắm vì khổ người của Thục với của Diễm bằng nhau. Diễm chỉ cao hơn Thục có một chút xíu thôi.

Tôi ướm thử chiếc áo lên người. Mầu áo làm nổi bật làn da trắng của tôi. Không cưỡng được sự thích thú và thèm muốn, tôi chạy vào phòng trong mặc thử lên người. Chiếc áo vừa khít ôm trọn vòng eo tôi. Chiếc áo như thể may cho chính tôi. Thục khen

- Diễm mặc rất vừa và rất đẹp. Chiều nay mặc áo này ra mắt bố mẹ chồng tương lai. Diễm nhất định sẽ làm vừa lòng ba mẹ Trường. Thục mong thế.

Tôi ngột ngạt với mùi thơm của áo mới, ngột ngạt với cảm giác mình đang mặc chiếc áo ấy trên người. Tôi nói với Thục, giọng trùng xuống vì xúc động.

- Thục cho mình mượn nhé. Mình sẽ mặc nó chiều nay.

Thục nói:

- Cả hai cái. Diễm cứ giữ mặc luôn đi vì áo này hơi dài nên mình cứ giữ mãi trong tủ không mặc đến. Hôm nào Diễm muốn mặc quần tây hay áo đầm Thục sẽ mang cho Diễm. Đừng ngại. Chúng mình là bạn thân mà.

Tôi cười mà mắt rưng rưng, vuốt ve hai chiếc áo Thục cho mà lòng thấy se buồn. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó…một ngày nào đó tôi sẽ trả lại cho Thục những gì Thục đã cho tôi - một thứ tình thân ái. Những buổi tối Thục, tôi và Trường đi bộ lang thang qua những con đường vắng, ngồi uống nước ở một quán nhỏ bên đường. Thục hay mua tặng tôi những chiếc cặp tóc xinh xinh. Tôi nghĩ đến Thục như đã nghĩ đến tình yêu của tôi vì Thục đã hiện diện trong chúng tôi một cách ngọt ngào, nống ấm. Thục cũng là một phần trong lòng tôi.

Tôi lại đứng trước gương nhìn ngắm khuôn mặt mình - một khuôn mặt con gái không phấn không son, có một chút gì xanh xao nhợt nhạt, một chút gì trẻ con vụng dại ở tôi. Trường đã yêu tôi trong dáng vẻ đơn sơ của con bé nhà nghèo. Còn gia đình Trường sẽ nhìn tôi thế nào nhỉ? Nỗi âu lo vẫn ám ảnh theo tôi. Nhã nhìn tôi cứ vào ra trước gương nhiều lần. Nó bảo:

- Chị định đi đâu với anh Trường mà có vẻ nôn nóng nhìn ngắm mình trong gương lâu thế. Có muốn trang điểm một chút không em lấy hộp phấn của mẹ ra trang điểm cho chị

Tôi nhìn Nhã ngập ngừng:

- Tí nữa anh Trường đến đón chị về nhà chào ba mẹ anh ấy, Nhã nghĩ chị không băn khoăn sao được. Lần đầu tiên gặp gia đình anh Trường chị sợ lắm.

Nhã nhăn mặt:

- Có gì mà sợ. Hãy tự tin lên. Để em mượn mẹ hộp phấn hồng thoa cho chị một chút. Trông mặt chị nhợt nhạt quá. Mà chị chẳng có bộ đồ nào ra hồn để mặc cả, nhưng không sao, trông chị xinh đẹp lắm nên mặc đồ cũ cũng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp của chị được. Nhất định bố mẹ anh Trường sẽ chấp nhận chị.

Nhã an ủi tôi một cách tội nghiệp. Nó chạy vào phòng mẹ lấy hộp đồ trang điểm nghèo nàn của mẹ ra trang điểm cho tôi "một đường chì mắt cho đậm đường viền lên cho mắt chị long lanh hơn nhé. Một chút má hồng cho làn da chị tươi tắn hơn và một lớp son môi thật nhẹ, môi chị bây giờ thật quyến rũ, chị nhìn xem, chị đã đep hơn nhiều". Nhã vừa nói vừa trang điểm cho tôi theo ý nó. Nhìn Nhã lăng xăng sửa soạn cho tôi, tôi thấy thương Nhã quá, thương Nhã lòng cứ xốn xang lên. Nhã nói:

- Chị thay đồ đi. Chắc lại chiếc áo dài mầu rêu cũ là còn đẹp nhất phải không?

Tôi chợt nghĩ đến chiếc áo dài của Thục, mắt sáng lên:

- Nhã chờ xem chị măc đồ có đẹp không?

Nhã cười nhìn tôi. Tôi đã mặc chiếc áo mầu vàng đậm của Thục, thướt tha và quyến rũ. Nhã tròn mắt;

- Áo đẹp quá! Anh Trường may cho chị để ra mắt ba mẹ anh ấy đấy hả?

Tôi cười theo Nhã;

- Của chị Thục đấy, còn một cái nữa mầu hồng Đào đẹp lắm. Chị Thuc vừa đem sang cho chị.

Nhã nhìn nghiêng ra cửa mơ màng:

- Chị Thục sướng quá! Chắc không bao giờ chị ấy biết thiếu thốn là cái gì.

Tôi nói:



- Chị ấy đối với bạn bè rất tốt, một cô gái con nhà giầu mà chịu sống hòa mình với bạn bè như chị Thục thật là hiếm. Chị rất vui có một người bạn như chị Thục.

Nhã chợt hỏi tôi:

Chị Thục có bạn trai chưa Diễm? Không biết chị ấy có để ý đến anh chàng nào bên nhà anh Ngữ không nhỉ?

Tôi cười cười:

- Chị không nghe chị Thục nói về bạn trai của chị ấy bao giờ. Còn mấy anh chàng bên nhà Ngữ chắc chị ấy chê quá. Mấy anh chàng mỗi ngày đi học qua nhà Thục mà chị ấy có để ý đến anh nào đâu. Chỉ có anh Trường có vẻ chuyện trò tương đấc với chị Thục được thôi. Chị thấy hai người hiểu nhau, nói chuyện với nhau về cuộc sống, về sách vở, về mỗi con người rất là thú vị. Chị không tương đắc với anh Trường bằng chị Thục đâu Nhã ạ.

Nhã im lặng, đôi mắt em vẫn nhìn mông lung ra cửa. Tôi không biết em nghĩ gì? Đôi lúc tôi thấy Nhã cũng có vẻ như xa rời cuộc sống hiện tại. Nhã đang mơ ước một điều kỳ diệu nào đó sẽ đến với Nhã hay Nhã vẫn cứ âm thầm buồn chán cho cuộc sống vất vả của mấy chị em tôi. Mắt Nhã sáng lên khi thấy bóng Trường:

- Hoàng tử của chị đến rồi đó, công chúa lọ lem mau lấy hài ra mang đi. Hôm nay chắc anh Trường hết nhìn ra chị.

Quả thật là Trường sửng sốt khi nhìn tôi thật. Con bé lọ lem đã lột xác biến thành một thiếu nữ xinh đẹp. Trường xuýt xoa:

- Hôm nay em đẹp quá!

Tôi dấu ngượng ngùng bằng nụ cười:

- Mọi ngày em xấu lắm hay sao?

- Mọi ngày cũng đẹp, nhưng hôm nay thì tuyệt vời hơn.

Nhã la lên:

- Khen nhau hoài phiền quá. Xin mời ông bà đi chơi đi cho Nhã học bài.

Trường kéo mái tóc Nhã:

- Con bé này càng ngày càng ăn hiếp anh nhiều hơn đấy nhé.

Nhã lắc lắc mái tóc mỉm cười. Ra khỏi con ngõ hẹp, Trường hỏi tôi:

- Em đang nghĩ gì thế hả Diễm?

Tôi ôm ngang lưng Trường áp mặt sau vai áo chàng thì thầm:

- Em đang lo âu khi gặp ba mẹ anh. Liệu em có khờ khạo vụng về quá mà làm phật lòng hai bác không?

Trường vòng tay ra đằng sau nắm nhẹ bàn tay tôi:

- Em luôn có anh, đừng lo âu gì cả. Anh yêu em! Cho dù hoàn cảnh nào anh cũng vẫn yêu em!

Tôi cắn nhẹ đôi môi dấu tiếng thở dài. Tôi cũng yêu Trường - cho dù hoàn cảnh nào tôi cũng không muốn mất chàng. Trường dừng xe trước cửa một căn nhà thật lớn. Những cành hoa sứ nhô lên khỏi bức tường cao và cánh cổng mầu xám từ từ mở ra cho xe Trường lướt vào. Tôi đã cố gắng trấn tĩnh mình mà đôi chân như muốn sụm xuống. Tôi không nghĩ là gia đình Trường giầu đến thế, và cân nhà chàng ở rộng lớn quá làm chùn bước chân tôi. Trường dựng xe rồi choàng tay lên vai tôi:

- Vào nhà đi em.

Tôi bước theo Trường như người mộng du. Vào đến phòng Trường dìu tôi ngồi xuống bộ salon bóng loáng, nhỏ nhẹ:

- Em ngồi đây chờ anh một phút nhé.

Tôi nhìn Trường hốt hoảng:

- Anh đi đâu?

- Anh vào mời mẹ và gọi người mang nước.

Chàng nói và đi nhanh vào phòng trong. Tôi ngồi ngẩn ngơ nhìn căn phòng. Cách bài trí căn phòng có vẻ như cổ kính và lạnh lẽo, Nỗi sợ hãi khiến tôi rùng mình. Để hai tay lên đùi, tôi ngồi im như tượng gỗ. Một lát Trường đi ra cùng với một người đàn bà dáng vẻ thật bệ vệ, mái tóc bà vấn cao lên để lộ chiếc gáy trắng cùng với khuôn mặt lạnh lùng.

Tôi đứng bật dậy, miệng lí nhí không thành câu và bàn tay đơ cứng. Trường nói:

- Đây là mẹ anh.

Rồi nhìn tôi, chàng nói:

- Còn đây là Diễm. Con đã thưa với mẹ hôm nay đưa Diễm về chào mẹ đấy ạ.

Bà nhếch môi cười. Nụ cười hình như không được trọn:

- Mời cô ngồi. Tôi đã nghe cậu Trường nói nhiều về cô.

Trường nhìn tôi âu yếm. Tôi cuốn tròn vạt áo trong ngón tay mà thấy ngột ngạt trong cái nhìn chăm chú của người đàn bà:

- Cô còn đi học chứ, cô Diễm?

Tôi chớp mắt, cổ họng như nghẹn lại.

- Dạ thưa cháu nghỉ học rồi ạ.

- Cô còn nhỏ quá mà đã nghỉ học rồi sao?

Tôi cắn môi không biết trả lời bà thế nào. Trường đã tỏ vẻ khó chịu với những câu hỏi khó khăn của mẹ. Chàng đỡ lời cho tôi:

- Thưa mẹ, những gì mẹ muốn biết về Diễm con đã nói với mẹ từ trước rồi mà mẹ.

Tôi nhìn Trường bằng đôi mắt biết ơn nhưng mẹ chàng thì lại chau mày:

- Cậu hay nhỉ? Để tôi nói chuyện với cô Diễm một chút có được không nào?

Trường trầm giọng:

- Nhưng thưa mẹ…

Mẹ Trường vội ngắt lời:

- Cô Diễm thấy đấy, cậu ấy lớn rồi nên xem mẹ chẳng ra gì.

Mặt Trường chợt tái đi. Bà nói tiếp:

- Cậu Trường muốn cưới vợ. Ông ấy và tôi thì nghĩ cậu ấy còn đang học, chưa tốt nghiệp. Chuyện vợ con thì thủng thẳng một vài năm nữa hãy tính. Đàn ông con trai lấy sự nghiệp làm đầu. Mai này cậu Trường còn phải giúp cho ba cậu ấy quản lý Công Ty của ông.

Tôi vẫn ngồi im trong tư thế khô cứng. Bà nhìn tôi cười nhẹ:

- Chuyện vợ con quan trọng cả một đời. Các cô, cậu còn trẻ quá, suy nghĩ cũng chưa chín chắn nên hay quyết định bồng bột. Cậu Trường nhà tôi cũng còn trẻ người non dạ lắm.

Tôi nhìn mẹ Trường mà đầu óc cứ lùng bùng không hiểu bà muốn nói gì. Trường chợt đứng bật dậy kéo nhẹ tay tôi.

- Xin phép mẹ con đưa Diễm về.

Mẹ Trường khẽ nhăn mặt:

- Đấy, cậu lại nóng với mẹ nữa rồi. Để cô Diễm ngồi chơi với mẹ một lát đã nào.

Trường hơi sẵng giọng:

- Con đưa Diễm về nhà, muộn rồi.

Bà nhìn tôi vẫn với khuôn mặt lạnh lùng.

- Thôi được con đưa cô Diễm về vậy nhé.

Tôi chào bà mà cổ họng không thoát được ra tiếng. Tôi muốn chạy nhanh ra khỏi nhà Trường, tránh ánh mắt lạnh lùng soi mói của bà mà sao bước chân tôi nặng nề quá thế. Nước mắt cứ muốn trào ra. Tôi thật là thất bại trong cái nhìn của mẹ Trường, lòng tôi rối loạn. Đưa tay lên vuốt vạt áo dài. Chiếc áo lụa mầu làm nổi bật làn da trắng của tôi lên cũng không đánh tan được nét nghèo nàn của tôi - mình vẫn chỉ là con bé lọ lem mà thôi. Tôi lầm lũi đi bên cạnh Trường, chàng cũng lặng lẽ và câm nín. Cứ như thế chúng tôi đi bên nhau, tôi ngồi sau xe Trường, gió mát thổi tung mái tóc của tôi phủ lên gáy chàng, tôi bỗng gục đầu lên lưng Trường, vòng tay ôm chặt cứng ngang người anh, nước mắt tôi đã thấm qua làn vải áo chàng mát lạnh. Trường nắm tay tôi bóp thật chặt:

- Mình đi xem phim nhé.

Tôi gật đầu im lặng. Trường gởi xe, hai đứa đi bộ đến rạp hát. Ngồi cạnh chàng trong bóng tối. Trường chợt hỏi tôi:

- Em có yêu anh không. Diễm?

Tôi nhìn sâu trong mắt Trường:

- Sao lại hỏi em câu ấy?. Đã bao nhiêu lần rồi em trả lời anh như thế nào anh cũng đã biết.

- Chúng ta lấy nhau nhé?

Tôi nói thầm bên tai chàng:

- Nhưng mẹ anh… bà làm em sợ lắm.

Trường choàng tay ôm vai tôi:

- Bà không phải là mẹ anh.

Tôi mở to mắt nhìn Trường, chàng vẫn nhỏ nhẹ.

- Mẹ anh mất từ lâu lắm rồi. Bà là mẹ kế của anh, bà có hai người con riêng đều sống ở nước ngoài. Ba anh bận công việc làm ăn nên tất cả mọi việc trong nhà đều do bà định đoạt hết.

Tôi thở dài:

- Em thất bại trong mắt mẹ anh rồi. Bà không muốn anh lấy em.

Trường gật đầu một cách khó khăn:

- Bà muốn anh cưới cô con gái của bạn thân bà. Cô này đang học về ngành Dược năm thứ hai. Cô gái này cả ba mẹ anh đều chấm từ lâu.

Tôi nghẹn giọng:

- Đã biết thế anh còn đưa em về chào ba mẹ anh làm gì?

Bàn tay Trường tìm bàn tay tôi siết mạnh:

- Anh muốn đưa em về để xác định lập trường của anh. Anh sẽ chẳng lấy ai ngoài em. Em có bằng lòng lấy một anh sinh viên trắng tay như anh không?

Tôi úp mặt vào ngưc áo chàng thổn thức:

- Còn anh, anh có chịu sống nghèo khổ với gia đình em không? Ngoài tình yêu của anh, em còn có gia đình em phải chăm sóc.

- Anh sẽ cùng em chăm sóc các em, hiếu nghĩa với mẹ. Anh đã xem mẹ và các em là gia đình anh lâu lắm rồi, từ cái ngày bước chân vào nhà tặng đôi giầy cho em là anh đã cảm thấy sự thân thiết, gần gụi trong căn nhà ấy. Chúng ta cưới nhau nhé em.

Tôi nghẹn ngào. Trường vuốt nhẹ những sợi tóc mềm mại của tôi:

- Tóc mây nghìn sợi. Anh muốn được ủ kín mái tóc mượt mà này trong vòng tay anh, mãi mãi, em chính là hạnh phúc của anh.

Tôi rùng mình - tóc mây nghìn sợi, mỗi sợi dài là mỗi sợi yêu anh. Bao nhiêu sợi cho một đời hạnh phúc có nhau nhỉ?

Trường hỏi:

- Em có buồn không?

- Em yêu anh.

Tôi nói nhỏ, thật nhỏ - chúng ta có nhau là đủ rồi. Em chấp nhận niềm hạnh phúc thiệt thòi đó để có anh. Nhưng còn mẹ - nỗi khổ tâm duy nhất của em là làm buồn cho mẹ, ngoài ra em rất hạnh phúc khi có anh.

Trường thở dài, giọng chàng trùng xuống:

- Anh biết, mẹ sẽ rất buồn khi thấy em lấy anh không cưới hỏi rình rang, không có niềm vui của hai họ. Anh sẽ cố gắng thưa truyện với mẹ, xin mẹ thương hai đứa để chấp nhận cho chúng mình. Anh yêu em và rất cám ơn em.

Tôi cười hiền hòa trong bóng tối. Nụ cười không còn phải đắn đo nữa.





Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:38 am    Tiêu đề:



Chúng tôi đã thưc sự chung sống với nhau. Trường bỏ gia đình với hai bàn tay trắng để lấy tôi. Đám cưới không họ hàng, không đưa đón của tôi có làm mẹ buồn thật, nhưng tôi đọc được trong mắt mẹ một niềm thương yêu rộng lớn dành cho tôi và Trường. Mẹ đã chấp nhận Trường là con mẹ, là chồng của tôi. Một bữa tiệc nhỏ với những khuôn mặt thân quen bạn bè cũng đủ để vun đắp cho hạnh phúc trong lòng hai đứa. Với tôi, thế là quá đủ. Giấc mơ lấy chồng giầu không còn nữa. Trường vừa đi học vừa đi làm. Chàng đã xin được một chỗ dậy kèm buổi tối. Tôi nghỉ học Anh văn ở nhà nhận thêm đồ về thêu. Nhiều lúc nhìn hai bàn tay tôi phồng cứng vì những mũi kim đâm vào. Trường lại thở dài:

- Tội nghiệp em quá!

Tôi cười má hây hồng hạnh phúc:

- Em rất hạnh phúc là đủ rồi.

Tôi không đòi hỏi gì thêm ngoài cái hạnh phúc mình đang có. Cái hạnh phúc thật đầm ấm, thật đơn giản như những buổi tối đưa các em đi chơi phố mà không dám ghé vào một hàng quán nào, chỉ cần một gói đậu phụng rang nóng hổi, một gói hột bí cho Nhã tí tách cắn hay những cây kem vừa đi vừa ăn là thấy vui rồi. Chúng tôi vẫn có những buổi chiều cuối tuần đi chơi với nhau, đôi lúc có Thục đi cùng. Nhưng dạo này Thục bận học thi, ít hiện diện bên cạnh chúng tôi. Chúng tôi có những người bạn hàng xóm thân thiện vẫn thường hay giúp đỡ. Trường thường nói;

- Anh không cần sự giầu sang của gia đình anh. Với anh, được sống hạnh phúc bên mẹ, các em, bạn bè và vợ thế này là quá đủ, anh hạnh phúc lắm.

Tôi cười nghĩ Trường còn nhiều lãng mạn quá. Cứ thế này khi hai đứa chưa có con, nhưng một ngày nào đó… một đứa con ra đời, rồi hai đứa. Liệu có còn lãng mạn nổi nữa không. Trường chưa thấm được nỗi khổ của sự thiếu thốn nên còn mơ mộng. Tôi thì đã hiểu, có một đứa con là bao nhiêu âu lo. Tôi rất sợ con tôi sau này sẽ khổ như mẹ nó.

Buổi tối Trường đi làm về tôi đón chàng ở cửa. Nhìn trong mắt chàng tôi thấy có niềm vui. Tôi hỏi:

- Anh có gì vui thế?

Trường choàng tay ngang lưng tôi;

- Tí nữa anh sẽ nói cho em nghe.

Tôi theo Trường vào nhà, chàng thay quần, rửa mặt rồi ra ngoài cạnh tôi trên chiếc bàn thêu. Nhã ngồi chăm chú làm bài ở một góc nhà, Trường gọi Nhã:

- Chiều mai Nhã nghỉ học anh mời hai chị em đi xem phim.

Nhã reo lên:

- Thật hả anh? Lâu quá rồi em chưa được xem phim.

Trường gật đầu. Nhã gấp sách vở để trên bàn. Ba đứa kéo nhau ra mái hiên nhà ngồi nói chuyện đến khuya, Nhã ngáp dài đòi đi ngủ trước. Một lát Trường khóa cửa rồi dìu tôi vào phòng. Căn phòng mà hồi chưa lấy Trường tôi và Nhã vẫn ngủ chung. Bây giờ tôi lấy chồng Nhã dọn lên căn gác xép ngủ với mẹ và hai đứa em nhỏ. Trong bóng tối của ngọn đèn ngủ mầu xanh nhạt, căn phòng chật hẹp của chúng tôi giống như một tổ ấm. Tôi nằm sát cạnh Trường ngửi mùi thuốc thơm nồng hạnh phúc. Tôi hỏi chàng:

- Nói cho em nghe niềm vui của anh đi.

Trường xoay người nằm nghiêng, mắt chàng nhìn thẳng vào mắt tôi nồng ấm:

- Anh muốn đi ở riêng, em nghĩ sao?

Tôi ngẩn người với câu hỏi của Trường.

- Tự nhiên sao lại muốn đi ở riêng?

Trường vuốt tay lên những sợi tóc của tôi:

- Ở đây chật chội cho mẹ quá em ạ. Có căn phòng khang trang nhất thì chúng mình ở. Mẹ và các em phải nằm chen chúc trên căn gác nóng hôi hổi, anh không yên lòng tí nào.

Tôi trầm ngâm:

- Em cũng cảm thấy bứt rứt vì điều ấy. Thương mẹ và các em quá. Nhưng mình ở riêng thì ở đâu anh?

- Anh vừa gặp người bạn cũ. Anh ấy có một căn phòng bỏ trống, anh ấy nhường cho anh.

Tôi ngập ngừng:

- Sẽ đắt lắm đấy anh.

- Không đắt đâu em. Anh ấy cho mình thuê với giá tượng trưng thôi.

Tôi áp má lên cánh tay Trường im lặng. Trường hỏi tôi:

- Em không thích mình ở riêng à?

Tôi nhỏ giọng:

- Không phải là không thích. Nhưng chuyện ở riêng em chưa nghĩ đến. Ở chung với gia đình quen rồi, bây giờ dọn đi sao buồn quá.

Trường xoa má tôi:

- Em phải lớn lên mới được. Em đã có chồng và sẽ có con nữa. Không thể cứ ôm mẹ và các em mãi được.

Tôi chợt nhỏm người lên - phải rồi, tôi sẽ phải có con - một mầm sống đang thành hình trong tôi. Tôi nói với Trường:

- Chúng mình sắp có con rồi anh ạ. Em đã có thai gần hai tháng.

Trường ôm choàng lên người tôi, giọng chàng ấm lại:

- Thật không em?. Chúng mình bắt đầu phải nghĩ đến tương lai rồi. Anh nghĩ đến ngày em sanh, anh đã ra trường và xin được việc làm khá hơn.

Tôi dụi mặt trong cánh tay Trường:

- Anh định bao giờ thì mình dọn đi.

- Cũng mau thôi. Anh đang chờ anh bạn trả lời.

Tôi thở nhẹ.

- Mình đi chắc mẹ và các em buồn lắm anh nhỉ?

Trường mơ màng:

- Anh sẽ cố gắng làm thêm việc để có thêm chút tiền về giúp mẹ và lo cho các em.

Tôi lặng lẽ nhìn xuyên qua bóng đêm mờ mịt. Làm cách nào để có thật nhiều tiền để giúp mẹ, lo cho các em cùng những ngày tháng chào đời sắp tới của con tôi bây giờ nhỉ? Tôi thì đành xuôi tay, chỉ trông chờ ở Trường mà thôi. Trường đã vất vả vì tôi nhiều quá, chàng lại còn phải nghỉ đến gia đình tôi nữa. Từ ngày lấy nhau, tôi có cảm tưởng Trường đã cằn cỗi đi rất nhiều vì lo phải lo sinh kế. Tôi thương Trường quá. Nhìn chàng lòng tôi cứ xót xa.

Trường đã ngủ, hơi thở chàng phủ nhẹ lên mặt tôi, mắt chàng nhắm lại hiền hòa như một đứa trẻ thơ. Người đàn ông thường trở thành trẻ thơ trong giấc ngủ. Tôi nằm cạnh Trường thao thức với bao ý nghĩ trong đầu.



Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:39 am    Tiêu đề:



Căn phòng nhỏ của chúng tôi tương đối rộng rãi. Anh bạn của Trường đã để lại cho chúng tôi những đồ đạc cũ còn tươm tất - một chiếc tủ chìm trong tường, một chiếc bàn nhỏ với 4 chiếc ghế. Bạn bè chung tiền nhau mua tặng chúng tôi cái giường rộng. Riêng Thục đã sắm cho tôi nguyên dụng cụ nhà bếp: nồi niêu, xoong chảo, chén bát. Bình trà và bộ bếp gas. Buổi chiều Nhã đến thu dọn dùm tôi những đồ vật sơ sài trong phòng xong hai chị em nằm dài bên nhau bàn tính hết chuyện này đến chuyện kia. Tôi dặn dò Nhã đủ thứ. Nhã phải kêu ầm lên:

- Chị cứ làm như đi đâu xa lắm không bằng ấy. Mai mốt đến ngẩy sanh thế nào cũng lại trở về nhà cho mà xem.

Tôi gật đầu. Nhã hỏi:

- Chị đã đặt tên cho baby chưa?

- Chưa. Anh Trường dạo này dậy thêm nhiều nơi quá, mãi đến khuya mới về mệt nhoài, chuyện trò với chị chưa được dăm câu đã ngủ khò nên chưa bàn bac đến đặt tên con được.

Nhã đề nghị;

- Hay đặt tên nó là Hải đi. Bố tên Trường con tên Hải cũng được đấy.

Tôi cười:

Ư! Hải cũng được, nhưng chị chưa biết baby là trai hay gái, mà tên Hải là tên con trai,

Nhã nheo mắt:

- Thì là con trai. Chị không thích con trai à?

Tôi lắc đầu:

- Chị thích con gái hơn.

Nhã nhìn tôi đăm đăm:

- Chị thích con gái chị phải có tiền cho nó có một cuộc sống khá hơn. Làm con gái nhà nghèo khổ lắm Diễm ạ. Như chị em mình… mà sao chị không nghĩ đến chuyện đi làm nhỉ?

Tôi ngẩn người nhìn Nhã. Đi làm? Tôi biết làm gì bây giờ với cái vốn học thức ít ỏi của mình. Vả lại Trường cũng không muốn tôi đi làm. Tôi nói ý nghĩ ấy ra cho Nhã nghe. Nhã chau mày:

- Anh Trường lý tưởng và lạc hậu quá. Thời buổi này mà còn nghĩ đến chuyện muốn vợ ở nhà làm bà nội trợ. Đói thì phải kiếm việc làm chứ. Không có bằng cấp thì đi xin một việc làm theo khả năng của mình. Anh Trường bạn bè quen biết đông, em nghĩ thế nào anh ấy cũng xin cho chị được một việc làm.

Tôi thở dài:

- Nhã nói đúng, có lẽ chị phải thuyết phục anh Trường cho chị đi làm mới được. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, lại thêm đứa con ra đời biết bao thứ phải lo, phải tính toán. Chỉ dựa vào sức của anh Trường thì làm sao đủ sống.

Nhã nói:

- Nghèo như chị em mình mới thấm thía được nỗi khổ của sự thiếu thốn. Chị phải cố làm sao cho cháu bé được đầy đủ để lớn lên đừng mang mặc cảm nghèo khó như chúng mình.

Tôi nghẹn ngào nhìn theo dáng Nhã nhỏ bé đi quanh căn phòng. Thương Nhã quá! Tôi là chị lớn mà không giúp gì được cho em, lòng tôi thật buồn.

- Chiều nay anh Trường có về không Diễm?

Tôi gật đầu:

- Về chứ. Anh ấy về ăn cơm xong tối lại đi dậy học thêm.

Nhã ngồi lên chiếc ghế cũ đong đưa đôi chân nhìn lên bức hình em bé bụ bẩm treo trên tường. Nhã nheo mắt:

- Thế nào chị cũng sẽ sanh một bé trai xinh xắn như bé này.

Tôi mỉm cười khi nghe Nhã khen đứa con tương lai của tôi xinh xắn. Niềm vui bỗng dưng lại ập đến. Tôi cất tiếng hát nho nhỏ bài hát đêm nào tôi đã hát cho Trường nghe. Nhã chợt nhìn tôi chăm chú:

- Không ngờ chị có giọng hát hay thế?

Tôi cười vui:

- Nhã nói giống hệt như anh Trường.

Nhã nháy mắt:

- Anh Trường cũng khen chị hát hay à? Chắc làm ca sĩ được đấy Diễm.

- Ca sĩ có kiếm được nhiều tiền không?

Nhã gật gù:

- Chắc cũng khá. Còn tùy ở giọng hát của mình có được ưa thích không.

Tôi chợt nói:

- Chị cũng muốn đi hát thử nhưng sợ anh Trường không thích.

Nhã so vai:

- Anh Trường còn trẻ mà đầu óc cổ hũ như ông cụ. Lúc nào cũng muốn giam vợ trong nhà thôi. Đi hát cũng là một nghề. Có gì mà không thích.

Tôi thoáng nghĩ đến chuyện đi hát. Đó là cách kiếm ra tiền mà không cần phải có bằng cấp thì tại sao mình không thử nhỉ? Nếu thực sự tôi có giọng hát tốt và kiếm ra tiền bằng giọng hát ấy. Tôi nói với Nhã:

- Sanh xong có lẽ chị phải xin đi hát thử xem Nhã ạ. Mà em thấy chị hát có hay thật không?

- Hay thật mà. Làm ca sĩ muốn nổi tiếng cũng không cần phải hát hay lắm mà còn cần phải có nhan sắc nữa. Nhan sắc thì chị có rồi. Lo gì.

Tôi cười cười. Nhã bảo:

- Chú của bạn học em làm trưởng ban nhạc ở phòng trà. Nếu chị muốn thử giọng em nhờ nó giới thiệu với chú nó xem có giúp được không?

Tôi vuốt nhẹ mái tóc:

- Có muốn cũng phải chờ chị sanh xong đã.

Nhã nhìn ra ngoài trời, nắng đã tắt từ lâu. Nhã kêu lên:

- Chết chưa, em phải về không mẹ mong.

Tôi đưa Nhã ra cửa:

- Ừ! Về đi. Mai anh Trường không đi dậy buổi tối chị về nhà ăn cơm.

Tôi dúi vào tay Nhã một ít tiền:

- Đi xích lô về cho nhanh nhé.

Nhã bĩu môi:

- Chưa chi đã học thói nhà giầu. Em đi bộ quen rồi

- Để Nhã mua hột bí ăn vậy.

Nhã cầm tiền trong tay mà đôi mắt chợt buồn:

- Không có chị ăn chung em chẳng bao giờ thích ăn hột bí nữa.

Tôi nhìn Nhã rưng rưng buồn. Nhã cười với tôi khi thấy tôi muốn khóc:

- Thôi vào nhà đi cho em về.

Tôi đứng trên bục cửa nhìn theo Nhã. Nhã đi như lướt trên mặt đường. Dáng Nhã nhỏ nhắn và cô đơn tựa như một chiếc bóng. Lòng tôi chùng xuống một nỗi xót xa. Nhớ hôm nào Nhã than đi bộ mệt quá, ước sao mua được chiếc xe đạp đi học, tôi đã nói chờ chị lấy chồng giầu sẽ mua xe Honda cho Nhã chạy thích hơn. Hai chị em tạm vui với mộng ước ấy và giống như một thỏa hiệp ngấm ngầm, chúng tôi đã chờ đợi và hy vọng. Bây giờ tôi đã lấy chồng Nhã không bao giờ nhắc lại câu nói hôm nào của tôi nữa vì Trường nghèo quá, chàng còn vất vả hơn cả tôi, vừa học vừa kiếm việc dậy kèm buổi tối, có giờ trống nào trong ngày là chàng kiếm việc thêm ngay. Để lo cho tôi và đứa bé sắp chào đời. Trường cặm cụi quên hết tuổi thanh niên, quên những ngày thong thả tụ họp nhà Ngữ đàn hát và ôn bài. Nhìn Trường vất vả, đôi lúc tôi nghĩ mình có ích kỷ quá không? Lẽ ra mình không yêu Trường, không lấy chàng, cuộc sống của Trường sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng mà tình yêu thật là khó tính toán. Tôi không muốn mất Trường.

Những ngày tôi sắp dọn ra ở riêng, Nhã bảo tôi dắt Nhã tới găp bà chủ hàng thêu cho Nhã nhận thêm hàng về thêu phụ thêm tiền với mẹ. Tôi đưa Nhã đến tiệm của bà, bà nhìn Nhã rồi nhìn tôi bằng đôi mắt băn khoăn:

- Cô có thêu được bằng cô Diễm không?

Tôi nói vội đỡ lời cho Nhã:

- Em cháu vẫn thêu chung cùng với cháu, Cũng đẹp lắm ạ.

Bà nói:

- Tôi giao thử cho cô hai lố áo, nếu cô thêu đẹp và cẩn thận như cô Diễm, đến đây tôi sẽ giao hàng tiếp cho.

Nhã ôm gói quần áo vào lòng mà mắt đỏ hoe. Tôi phải nói cười luôn miệng cho Nhã vui mà lòng tôi còn xót xa hơn bao giờ hết,

Về đến nhà tôi căng vải áo ra khung thêu, chỉ cho Nhã thật tỉ mỉ từng đường chỉ, mũi kim, từng nét uốn lượn của nhánh cây. Tôi biết Nhã thông minh, khéo tay nhưng tôi vẫn không an lòng nhìn ngón tay Nhã lơ đãng cầm cây kim thêu một cách vụng về. Thấy tôi có vẻ căng thẳng Nhã cười:

- Đừng lo, em vẫn thêu dùm chị những chiếc áo trước đây, bà ấy có chê bai gì đâu.

Tôi nói:

- Tại để chung nhau lẫn lộn bà ấy không để ý đấy thôi. Lần đầu giao hàng Nhã phải thật cẩn thận, thêu thật kỹ và đẹp thì lần sau bà ấy mới giao tiếp cho.

Nhã nheo mắt cho tôi yên lòng:

- Diễm cứ tin ở em. Đã bắt tay vào việc thì phải cẩn thận chứ sao.

Tôi ra về mà lòng bâng khuâng không yên ổn được, Buổi tối tôi kể cho Trường nghe chuyện Nhã nhận hàng về thêu. Mặt Trường tối lại, mắt chàng mở lớn trong đêm:

- Tội nghiệp gia đình mình quá.

Tôi bùi ngùi:

- Em thương Nhã, Nó còn nhỏ mà đã phải chịu vất vả rồi.

Trường thở dài;

- Anh thật bất tài đã không lo gì được cho em và gia đình. Hãy cố gắng chịu đưng một thời gian anh ra trường se xin được việc làm chắc lương sẽ khá hơn.

Tôi cắn nhẹ những ngón tay thô cứng của Trường.

- Anh đã lo cho em và gia đình em nhiều lắm rồi anh ạ. Đáng lẽ anh phải được sung sướng và đầy đủ mới phải. Ai bảo anh lấy em.

Trường hôn lên những sợi tóc của tôi:

- Lấy em là anh sung sướng và hạnh phúc rồi.

Tôi im lặng nuốt nỗi buồn trong cổ. Tôi sống không phải cho riêng tôi mà còn cho Trường, cho mẹ và các em. Những người thân yêu này đã cho tôi nhiều quá, vậy mà tôi chẳng lo gì cho họ được.

Nhã đi khuất từ lâu mà tôi vẫn còn đứng thẫn thờ trước cửa. Trường về, mặt chàng bơ phờ, mái tóc phủ nhẹ xuống trán lấm tấm những giọt mồ hôi. Chàng dừng xe trước cửa hôn lên má tôi âu yếm:

- Nhã về chưa em?

- Nhã mới vừa về.

- Sao em không giữ Nhã ở lại chờ anh đưa về.

- Nhã sợ mẹ mong. Thôi vào nhà rửa mặt ăn cơm đi anh.

Trường vào nhà rửa mặt. Tôi ngồi chờ chàng trên giường. Trường ngồi xuống canh tôi, ánh mắt chàng nhìn tôi đăm đăm:

- Em có vẻ buồn buồn! Sao thế em?

Tôi ôm cánh tay Trường;

- Thấy anh vất vả cực nhọc, em thương anh và buồn quá!

Trường vuốt má tôi:

- Anh thấy vui trong sự cực nhóc đó, Em đừng nghĩ ngợi gì cả, hãy vui lên cho anh yên lòng.

Trường nằm dài ra giường và kéo theo tôi nằm gối đầu lên cánh tay chàng. Tôi chợt nói;

- Em muốn đi làm anh ạ.

Trường nhăn mặt:

- Em lại suy nghĩ vẩn vơ rồi,

Tôi nói trong sự cố gắng:

- Em không suy nghĩ vẩn vơ đâu, Em thật sự muốn góp thêm công sức với gia đình, anh không nghĩ là mình sắp có baby sao? Đứa con ra đời sẽ có bao điều phải lo.

Trường nói:

- Anh biết.

- Em muốn cho con mình được đầy đủ và sung sướng.

- Để anh lo.

- Em là vợ anh, là mẹ của con em. Em muốn lo chung với anh.

Trường xoay mặt tôi sát lại mặt chàng;

- Em muốn làm việc gì?

Tôi tránh ánh mắt Trường:

- Em chưa biết việc gì, nhưng nếu anh đồng ý, sau khi sanh xong em sẽ đi xin việc ngay.

Trường chợt nói lảng sang chuyện khác:

- Chiều nay mình ăn gì em? Anh đói bụng quá rồi, dậy ăn cơm đi, 7 giờ anh có một ca dậy tối nữa. Hay là tối nay anh đưa em về nhà mẹ, dậy học ra anh đến đón em về?

Tôi lắc đầu:

- Em vừa mới gặp Nhã xong, tối mai anh không có giờ dậy mình về nhà Mẹ chơi nhân tiện rủ Thục đi uống nước nhé. Lâu quá không gặp Thục cũng thấy nhớ nó.

Trường cười, mắt chàng sáng lên. Lâu lắm tôi mới nhìn thấy nụ cười ấy, ánh mắt ấy. Tôi biết chàng chỉ vui khi thấy tôi vui.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:39 am    Tiêu đề:




Cuối cùng rồi tôi cũng thuyết phục được Trường cho tôi đi hát sau khi sanh bé Hải được sáu tháng. Những nhu cầu quá cần thiết cho một đứa trẻ là lý do để Trường đầu hàng tôi. Buổi tối tôi hát ở phòng trà từ tám giờ đến mười một giờ. Cái anh chàng trưởng ban nhạc chú của bạn Nhã sau khi nghe thử giọng hát của tôi đã bằng lòng giới thiệu cho tôi vào hát ngay. Những ngày đầu tôi phải hát thế cho những ca sĩ hẹn mà không đến của phòng trà, nhưng chỉ hai tháng sau tôi đã bắt đầu được chú ý đến và được hát chính thức cho phòng trà ấy. Ban ngày tôi đã cố gắng thu xếp thời gian để học thêm một lớp thanh nhạc luyện giọng, hy vọng tiếng hát của mình sẽ bay xa hơn, Và cứ thế, mỗi đêm tôi đem tiếng hát của mình ru lòng người. Tôi đã nổi danh và không ngờ mình vào nghề một cách nhanh chóng. Nhã bảo tôi:

- Không hẳn là chị hát hay mà vì chi đẹp. Nhan sắc cũng làm cho người ta tiến thân đỡ vất vả hơn.

Trường cũng nói:

- Một ngày nào đó em sẽ được nhiều người mời đón. Sẽ có biết bao kẻ mời moc xin được đưa đón em bằng những chiếc xe hơi bóng loáng sang trọng.

Tôi nhìn trong mắt Trường:

- Em chẳng màng những đưa đón đó mà chỉ mong được sống mãi bên anh và con cùng gia đình thôi. Đừng mỉa mai em, em khổ lắm.

Trường vuốt tóc tôi:

- Anh không mỉa mai em đâu. Anh chỉ giận mình đã không đủ khả năng lo cho em và con được sung sướng để em phải đi làm vất vả mà thôi.

Tôi an ủi chàng:

- Em chỉ đi hát mỗi tối ba tiếng đồng hồ thôi. Có cực nhọc gì đâu. Thời gian còn lại em dành cho anh và cho con. Cuộc sống của chúng mình cũng chẳng thay đổi bao nhiêu.

Trường im lặng hút thuốc. Dạo này chàng có vẻ trầm lặng như thế. Tôi đi hát, chàng phải nghỉ dậy học buổi tối ở nhà trông con, chàng không bằng lòng cho tôi đem bé Hải về gởi mẹ nên tôi phải mướn một chị người àm về để lo cho Trường và bé Hải khi tôi vắng nhà. Trường cũng đã tốt nghiệp và xin được một việc làm, tiền lương cũng chỉ đủ chi tiêu dè sẻn cho một gia đình nhỏ của chúng tôi. Lương tôi khá cao, cũng nhờ anh trưởng ban nhạc đã giúp đỡ và lăng xê tôi bước đầu vào nghề. Bây giờ tôi đã có thêm một vài phòng trà nữa mời tôi hát cho họ. Tôi đã nổi danh trong giới ca sĩ hát phòng trà. Anh trưởng ban nhạc thường tấm tắc khen tôi;

- Em càng nổi danh em càng đẹp như mơ.

Tôi nói với anh ngọt ngào:

- Em cũng phải cám ơn anh rất nhiều. Cũng nhờ anh giúp đỡ ban đầu nên em mới có ngày hôm nay,

Anh dấu nụ cười cảm động trong cái nheo mắt nghịch ngợm:

- Cũng còn nhờ cả ở em nữa. Em không tài, không sắc anh cũng không thể giúp được em.

Nhã vẫn thường bảo tôi:

- Dạo này em thấy anh Trường có vẻ buồn và hay cáu giận. Chị cũng đừng mê kiếm tiền quá mà nhận hát nhiều nơi, bỏ bê chồng con đấy nhé.

Tôi cười bâng quơ:

- Anh Trường không muốn chị đi hát. Chị cũng rất khổ tâm khi thấy anh ấy không được vui. Nhưng biết làm sao bây giờ hở Nhã? Chỉ có đi hát mới không cần đến bằng cấp mà thôi. Chị học hành dở dang, xin việc không công sở nào thèm nhận, cũng may chị còn có một chút giọng để bán được tiếng hát cho mọi người.

Nhã chớp mắt nhỏ nhẹ:

- Em chỉ mong chị giữ được hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc mà chị phải khó khăn lắm mới có được. Đừng để cho những nhu cầu cuộc sống làm mất đi cái hạnh phúc ấy.

Nhã đã khéo lo cho tôi, lúc nào tôi cũng vẫn yêu Trường và cần có chàng trong cuộc sống. Biết bao ngày tháng yêu nhau, Trường không chê bai tôi con gái nhà nghèo học thấp, chàng đã cùng tôi vui buồn với những thiếu thốn của gia đình tôi. Chàng chăm sóc các em tôi như chúng là em chàng, tôi mang ơn chàng biết bao. Nhưng Trường không hiểu tôi, lúc nào chàng cũng buồn buồn, Những ngày nghỉ, hai vợ chồng đưa bé Hải về nhà bà ngoại chơi. Trường có vẻ vui và cảm động, chàng nói:

- Khi em về với mẹ và các em, anh thấy em vẫn bé bỏng trẻ thơ như những ngày mình mới yêu nhau..

Tôi ôm chàng nghẹn giọng:

- Bây giờ mình cũng vẫn yêu nhau. Có thay đổi gì đâu.

Trường mỉm cười mà mắt thoáng nét cằn cỗi buồn phiền. Tôi nhìn cái dáng cao khỏe của chàng mà thấy lòng thênh thang một thứ tình yêu mê đắm. Lúc nào tôi cũng vẫn yêu chàng và không muốn mất chàng.

Những đứa em của tôi đã bắt đầu tươi vui và gọn ghẽ hơn xưa vì tôi luôn dành sẵn một số tiền để may mặc mua sắm cho các em hàng tháng. Mua cho Nhã những chiếc áo đẹp, những đôi giầy mới. Tôi không hoang phí đồng tiền kiếm được mà cố giữ gìn chắt chiu dành dụm cho mai sau. Tôi muốn có thật nhiều tiền để mai này tôi bỏ nghề ở nhà lo cho chồng cho con. Tôi cũng muốn có thật nhiều tiền để mẹ tôi không còn vất vả nữa. Các em có cuộc sống sung túc hơn. Những cái ước muốn của tôi Trường không hiểu, không biết. Hình như Trường không thiếy tha với đồng tiền tôi kiếm được, chàng coi thường nó. Chúng tôi không cùng một ý nghĩ với nhau nhưng chưa bao giờ hai đứa cãi nhau. Trường lặng lẽ và câm nín hơn những ngày tôi chưa đi làm. Tôi cố tránh nói đến cái "nghề" của tôi. Tình yêu thì vẫn mặn nồng nhưng tôi vẫn mang một cảm giác lo âu, phiền muộn.

Càng ngày tôi càng về khuya hơn vì tôi mới nhận hát thêm cho vài vũ trường nữa. Nửa đem về nhà, bước chân tôi nhẹ nhàng rón rén như người ăn trộm, tôi lén nhìnTrường đang nằm cạnh con, mắt nhìn trân trân lên trần nhà. Điếu thuốc cháy đỏ trong đêm. Tôi nghe xót xa buồn. Tôi thèm được ôm Trường, gục đầu lên vai chàng và vứt bỏ tất cả để được nhìn thấy nụ cười chàng như xưa. Để tìm lại lại những ngày đã qua đi, đậm đà như tình yêu hai đứa. Tôi nghĩ như thế mà vẫn không từ bỏ được. Ánh đèn mờ ảo của phòng trà và danh vọng đã quyến rũ tôi, đồng tiền lại còn quyến rũ tôi nhiều hơn. Tôi đã có hàng chục chiếc áo dài đủ mầu rực rỡ, những bộ đầm dạ hội sang trọng. Những đôi giầy cho từng trang phục. Tôi đã đánh phấn thoa son một cách thành thạo, trang điểm cho đôi mắt thêm ướt át, cho làn môi thêm gợi tình. Ban đêm tôi trang điểm đi làm, phấn son, quần áo làm tôi rực rỡ hơn, quyến rũ hơn. Con bé Diễm mộc mạc ngày nào đã lột xác. Những người đàn ông săn đón tôi không ít. Nhiều buổi tối tôi phải ngồi nán lại vài phút để trả lời những câu hỏi vẩn vơ của họ, lắng nghe những câu khen tặng tầm thường;

- Diễm đẹp quá.

-

- Có thể ngồi nói chuyện với anh vài phút được không?

- Tối nay em thật quyến rũ, anh mời em đi ăn tối nhé…

Tôi từ chối người này, đưa đẩy với người kia vài câu rồi tìm cách bỏ về. Tôi sợ Trường mong và cứ nghĩ đến nỗi buồn của chàng là lòng tôi lại nôn nao thương nhớ muốn về nhà thật mau, chùi sạch lớp phấn son để chui vào nằm gọn trong vòng tay chàng, để nghe hơi thở chàng mơn trớn những sợi tóc của tôi, Những sợi tóc mà ngày nào chàng đã nói "tóc em kết bằng trăm ngàn thương nhớ, mỗi sợi dài là mỗi sợi yêu anh" anh muốn được ấp ủ mái tóc mây của em trong hạnh phúc ngàn đời của anh. Và tôi đã rùng mình khi nghĩ đến câu nói của chàng - mỗi sợi tóc là mỗi nẻo đời. Liệu hạnh phúc có gom tròn trong nghìn sợi tóc của tôi không?

Từ ngày đi làm tôi đã chững chạc ra nhiều, khôn lanh hơn vì ra ngoài làm ca sĩ phòng trà như tôi, không khôn lanh cũng không được. Tôi phải học đối phó với mọi hoàn cảnh, lúc nào cần phải nhẫn nhục lúc nào cần phải mềm dịu. Tôi đã học được rất nhiều điều ở những đàn chị đi trươc. Một mình tôi âm thầm tranh đấu cho bản thân mình mà không dám tâm sự với ai. Không dám thố lộ với Trường. Tôi sợ trong ánh mắt buồn phiền của Trường nhìn tôi như một lời trách móc. Tình yêu vẫn mặn nồng mà sao tôi vẫn mang cảm giác cô đơn từng đêm. Với tiếng hát nửa chừng tắt nghẹn, không dưng mắt tôi mờ đi khi chợt nhớ đến Trường, đến con, đến mẹ và các em. Từng ấy khuôn mặt thân yêu đã gắn bó với tôi, cả những lúc tôi cất tiếng hát mua vui cho mọi người tôi cũng nhớ đến họ.

Nhã không theo tôi đến phòng trà lần nào cả. Một phần vì Nhã không thích, một phần vì tôi không muốn Nhã đến những nơi chốn nhiều cám dỗ ấy. Nhã có vẻ ít gần gụi tôi hơn ngày xưa, không biết có phải vì măc cảm mà tôi thấy thế hay Nhã muốn xa lánh tôi thật. Thỉnh thoảng Nhã đến nhà mang cho bé Hải những bộ đồ ngộ nghĩnh xinh xắn do Nhã may. Tôi khen Nhã:

- Dạo này Nhã giỏi quá, khéo tay ghê!

Nhã cười nhẹ nhàng.

- Em lớn rồi mà.

Tôi nhìn Nhã và thấy Nhã đã lớn thật rồi. Bờ ngực thon vun đầy căng đứng trong lớp áo dài lụa hiền lành. Mái tóc mượt mà phủ xuống vai. Nhã thật đẹp! Tôi nhìn thấy nét đẹp hiền hòa thanh thoát của Nhã mà lòng dấy lên niềm hãnh diện, sung sướng. Nghĩ đến ngày Nhã có người yêu, tôi ước muốn em vẹn toàn hơn tôi, sung sướng an lòng hơn tôi. Một thứ hạnh phúc no đầy. Không biết Nhã có hiểu rõ lòng tôi hay không mà sao tôi cứ có cảm giác Nhã cũng như Trường - hình như không ai nhìn thấy lòng tôi rộng mở. Hình như ai cũng muốn xa lánh tôi.

Tôi hỏi Nhã:

- Nhã có cần gì cứ nói chị mua cho.

Nhã lắc đầu:

- Chị đã mua cho em nhiều quá rồi.

- Nhã đã lớn. Con gái lớn thì có thiếu gì thứ cần đến.

- Em chỉ cần vài bộ áo dài trắng để mặc đi học mà thôi. Chị đã may sắm cho em quá nhiều,

- Nhã cũng cần phải có tiền để chi tiêu.

- Em không tiêu gì cả. Mẹ cũng cho em tiền hàng tháng để dằn túi. Chị đừng lo.

Tôi nói với Nhã gần như khóc:

- Chị kiếm tiền là để biếu mẹ, lo cho các em và nuôi con. Nếu không vì những nhu cầu cần thiết đó thì chị đi làm làm gì.

Nhã chớp mắt nhìn lảng ra chỗ khác:

- Từ ngày chị đi hát kiếm được nhiều tiền, em đỡ phải thêu may vất vả, hai đứa nhỏ được ăn ngon, mặc đẹp. Mẹ cũng được thong thả hơn. Tiền chị đem về cho mẹ, mẹ đã để dành được một ít, chị không cần phải lo cho gia đình nữa đâu. Hãy nghĩ đến mình một chút chị ạ.

Tôi thở dài thật nhỏ:

- Chị có gì đâu mà phải nghĩ.

- Anh Trường có vẻ buồn. Chị nên dành nhiều thời gian cho anh ấy hơn.

- Anh ấy không muốn chị đi hát. Nhưng biết làm sao được bây giờ, chị đã cố gắng dành nhiều thời gian cho gia đình. Chị đã cố giữ mình và hết giờ là vội vã trở về nhà không màng đến những mời mọc đưa đón. Chị đã cố làm sao để vừa giữ được miếng cơm vừa giữ được hạnh phúc gia đình. Có ai hiểu được cho chị điều đó không?

Nhã cũng thở dài:

- Em cũng hiểu nỗi khổ tâm của chị. Nhưng anh Trường thì khác, anh ấy không được vui vì mang tâm trạng bất lực không kiếm được nhiều tiền cho vợ ấm no để vợ phải đi hát. Anh ấy là đàn ông sự suy nghĩ đôi khi có bảo thủ quá nhưng cũng không phải là không có lý. Chị muốn anh ấy thông cảm với chị thì chị cũng phải thông cảm lại với anh ấy. Dạo này càng ngày chị càng đi sớm hơn và về khuya hơn.

Tôi xoa hai bàn tay lên mặt - có lẽ mặt tôi cũng sắp xuất hiện vài nếp nhăn mất thôi. Tôi nói với Nhã:

- Làm ca sĩ phòng trà chỉ có một thời thôi Nhã ạ - một thời thật ngắn ngủi. Rồi sẽ lại có những cô gái trẻ đẹp hơn chị, quyến rũ hơn chị đẩy chị đi xuống. Cho nên trong thời gian này chị đang được các phòng trà mời mọc chị không thể từ chối được. Chị sợ thời gian sẽ làm mình già đi, hết được mời đón nữa mà chị thì rất cần tiền. Nghĩ đến những ngày nghèo đói đã qua chị sợ lắm rồi. Chị phải có một số vốn tích lũy cho mai sau.

Nhã nhìn nghiêng qua hàng rào nắng, cười bâng khuâng:

- Đồng tiền có một sức thu hút lạ kỳ. Em biết chị đã trải qua sự nghèo khó nên cần phải kiếm thật nhiều tiền để lo cho gia đình. Nhưng em cũng biết mọi người cũng chả vui gì khi tiêu đồng tiền của chị. Chị hy sinh cho gia đình mà quên đi hạnh phúc của chính mình làm mọi người đau lòng lắm. Hãy trở về là chị Diễm ngày xưa đi chị.

Tôi thoáng nghe có sự đắng cay trong câu nói của Nhã. Thời gian không lâu mà tôi có cảm tưởng như mọi người đều thay đổi. Ngày xưa Nhã ngổ ngáo thế mà giờ Nhã có vẻ trầm tĩnh, đôi mắt đã nhuốm buồn. Ngày xưa Trường vui vẻ yêu đời bao nhiêu, bây giờ chàng trầm lặng bấy nhiêu. Ngày trước khi mới sanh bé Hải tôi đã khuyên chàng về nhà nhưng chàng không nói gì. Tôi biết Trường giận bà kế mẫu đã không muốn cho chàng lấy tôi nên chàng đã tự ái ra đi. Còn ba Trường, tôi không biết ông nghĩ gì về tôi? Chắc ông ghét tôi ghê lắm vì thấy Trường vì muốn lấy tôi mà bỏ gia đình. Quả thật từ ngày ấy lòng tôi chưa bao giờ yên ổn, tôi luôn luôn lo sợ một điều gì đó có thể xẩy ra cho tình yêu của chúng tôi, Những buổi tối lên giường nằm tôi không muốn nghĩ mà nỗi buồn cứ ập đến, kéo giấc ngủ của tôi vào những cơn mộn mị không vui. Buổi sáng thức giấc tôi thấy mừng vui vì Trường vẫn còn đó - bình yên và hạnh phúc. Ngày có con, hai mắt chàng mở to trong nỗi vui làm cha. Tôi xưng mẹ với đứa con phút ban đầu ngượng ngập, lạ lẫm và thú vị. Nhưng những ngày sau tiếng mẹ với tiếng con tràn ngập sự ngọt ngào. Trường như thoát lên với trách nhiệm mới - là phải chăm sóc cho một mầm sống mới - là đứa con đúc kết tình yêu. Chàng căm cụi làm việc, tối về ôm con trong vòng tay, nhìn con lớn nhanh như thảo mộc mà thấy vui và hạnh phúc. Chàng không nghĩ đến những thiếu thốn đang đến dần khi con càng lớn. Tôi đã phải nhịn đói mỗi buổi sáng và phải chi li, tằn tiện mà vẫn không đủ tiền chạy sữa cho con.

Rồi một ngày Trường cũng đã nhìn thấy. Tôi thuyết phục chàng cho tôi đi làm. Lúc đầu chàng phản đối, tôi đã phải dỗ dành năn nỉ chàng bằng ánh mắt non dại của con, bằng những nhu cầu cần thiết hàng ngày cho một đứa bé, cuối cùng chàng cũng phải miễn cưỡng để tôi đi hát. Nhưng Trường không vui, tôi biết Trường không vui vì mang mặc cảm bất lực. Thật ra thì có người chồng nào muốn vợ đi làm bao giờ đâu. Nhất là làm cái nghề như tôi - ca sĩ phòng trà. Tôi chỉ sống về đêm. Ban ngày ngủ vùi để lấy sức, đêm đến tôi trang điểm rực rỡ dưới ánh đèn mầu - tuoi trẻ và đầy sức sống - vì tôi mới hai mươi ba tuổi thôi. Tôi vẫn còn rất trẻ, rất quyến rũ. Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền nên đã cố quên đi khuôn mặt buồn bã của Trường, quên nụ cười cay đắng của chàng. Quên ánh mắt nhìn nửa thương xót nửa trách móc của Nhã. Trong thâm tâm tôi biết tôi đang cố gắng kiếm tiền chỉ vì họ mà thôi. Khuôn mặt họ cũng có lúc bừng lên sự vui sướng khi tôi đem về một cái tủ lạnh để Nhã không cần phải đi chợ hàng ngày. Bé Hoàng, bé Phước reo vui khi trong nhà có thêm cái TiVi để các em xem đá banh mà không cần phải chạy sang hàng xóm xem ké nữa. Giờ đây Nhã đã có một chiếc xe Honda để đi học vì Nhã đã bước vào Đại học rồi. Mẹ cũng được nhàn hạ hơn vì tôi đã sửa sang lại căn nhà cho khang trang và rộng rãi hơn, buổi tối bà có thể ngả mình trên chiếc ghế dựa để xem một vở kịch hay trên truyền hình. Tôi đã làm được những điều tôi mơ ước. Tôi chỉ mong Trường thông cảm với tôi để tôi được nhìn trong ánh mắt chàng nỗi vui ngày trước - những ngày thơ mộng sôi nổi của tình yêu. Tôi rất tiếc những ngày tháng ấy nhưng không thể quay lại được.

Đôi lúc nhìn tôi trang điểm trước gương để sửa soạn đi làm Trường nói;

- Em thay đổi nhiều quá!

Tôi tròn mắt nhìn chàng:

- Em có thay đổi gì đâu anh?

- Em lộng lẫy như một bà hoàng.

Tôi dịu giọng:

- Nhưng em vẫn là của anh.

Mắt Trường tối lại:

- Em là của ánh đèn và bóng tối, là của những phòng trà chứ không phải của anh.

Tôi ôm cánh tay Trường âu yếm:

- Đừng nói thế mà anh. Hãy yêu em như ngày xưa. Em rất cần có anh bên cạnh.

Trường cười dịu dàng:

- Lúc nào anh cũng yêu em như ngày xưa.

Tôi áp má vào má chàng:

- Em cũng thế.

Trường nhìn sâu trong mắt tôi, giọng chàng thật bứt rứt:

- Anh bất tài không lo nổi cho em một cuộc sống sung túc để em phải hàng đêm đi hát kiếm tiền. Anh thật tệ quá.

Tôi chớp mắt tha thiết:

- Anh đừng nghĩ thế. Cho em một thời gian để em có một số vốn khá hơn, gia đình em sung sướng một chút. Chờ Nhã ra trường đi làm và bé Hải cứng cáp em sẽ nghĩ hát, nhé anh.

Trường im lặng châm thuốc hút, thả khói bay mờ mắt tôi. Không biết chàng nghĩ gì? Tôi thấy thật buồn. Đã lâu rồi chúng tôi không đi chơi với nhau ban đêm vì đêm nào tôi cũng đi hát, đêm nào Trường cũng ở nhà ôm con. Chàng tránh gặp tôi ở phòng trà. Tôi không buồn vì điều đó mà lại thấy thoải mái hơn khi chàng không đưa đón tôi. Chúng tôi chỉ về thăm mẹ những ngày nghỉ của Trường. Hai vợ chồng và những đứa em lại có dịp trêu chọc nhau, đùa vui với nhau. Chỉ những lúc đó tôi mới thấy được nụ cười của chàng hồn nhiên như ngày nào, chỉ những lúc ấy tôi mới thấy ánh mắt chàng long lanh hạnh phúc. Ước gì Trường cứ giữ mãi được nụ cười ấy, ánh mắt ấy thì lòng tôi nhẹ nhõm biết bao.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:44 am    Tiêu đề:



Năm nay rằm tháng tám - Tết trung Thu - nhằm ngày thứ hai nên đêm mười bốn rất đông vui. Buổi tối mùa thu trời se lạnh, trên đường tôi đi đến phòng trà ngang qua mấy hiệu bánh thấy mọi người đang chen nhau mua bánh. Tôi nghĩ đến Trường giờ này đang lủi thủi ở nhà trông con lòng tôi bỗng nôn nao buồn. Giá mà hôm nay tôi không đi hát thì tôi và chàng đã bế con về nhà chung vui với mẹ và các em rồi. Thôi để tối mai, tối mai thứ hai các phòng trà vắng khách tôi xin nghỉ để cùng Trường về nhà. Lúc này tôi được các phòng trà khác mời thêm nên tôi phải chạy nhiều nơi, Anh trưởng ban nhạc nhìn tôi tất bật chạy sô lại nheo mắt nói đùa "tại em xinh đẹp mà không kênh kiệu nên được lòng người ái mộ, được các ông chủ nhà hàng mời đón nhiệt tình". Tôi thì nghĩ, người ta mướn tôi vì tôi đẹp, tôi trẻ và vì tôi cũng chỉ là ca sĩ hạng ba không nổi tiếng lắm nên đỡ phải trả thù lao cao. Sự thực các phòng trà ca nhạc lúc này mọc lên như nấm, họ không cần ca sĩ nổi tiếng. Những "sao" ca nhạc có tên tuổi thì lại hay yểu điệu, hay làm eo làm sách, đòi hỏi đủ thứ quyền lợi. Vừa đến đã đòi lên bục gỗ ngay, bắt đàn em nhường chỗ chờ dài cả cổ. Các chủ nhà hàng, vũ trường phát ngán. Họ quay ra tìm tòi những mầm non, những ca sĩ mới vào nghề có giọng hát mới lạ và có nhan sắc dễ nhìn, trả lương thấp mà lại dễ bảo dễ nghe. Tôi ở trong số đó và tôi đã bắt đầu phải chạy như gió để kịp có mặt ở các phòng trà. Mỗi nơi vài chục phút, lên bục gỗ hai lần, mỗi lần tôi hát một hai bài tùy theo khách yêu cầu. Nép mình trong bóng tối mờ ảo của ánh đèn mầu tôi nhìn thiên hạ quay cuồng trong tiếng nhạc, nhún nhẩy đong đưa chung quanh tôi bằng ánh mắt vô hồn. Tôi chỉ nghĩ đến Trường, đứng trên sân khấu tôi cũng chỉ nghĩ đến Trường với những ngày tháng mật ngọt, Giọng tôi trở nên trầm lắng và người ta đã vỗ tay khen tôi. Trong hàng chục bài hát tôi trình bày mỗi đêm, thỉnh thoảng tôi lại trở về bài hát mà tôi ưa thích - Nắng Hanh Vàng - bài hát mà tôi đã hát cho Trường nghe ngày nào và chàng đã cau mặt khi tôi nói đùa với chàng em mơ làm ca sĩ. Đó là kỷ niệm của tôi - là những dịu dàng mật ngọt mà tôi đã ấp ủ trong cả cuộc đời tôi.

Nhìn dòng người xuôi ngược và người người chen nhau mua bánh. Tôi tự nhủ: lát nữa vào phòng trà trong Chợ Lớn tôi sẽ ghé Đồng Khánh mua vài hộp bánh Trung Thu về biếu mẹ rồi rủ Trường về nhà chơi Trung Thu với các em. Đã lâu lắm rồi chúng tôi không về nhà và cũng đã lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy ánh mắt chàng rực sáng cùng nụ cười vui tươi của Trường. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy tôi chỉ có thể thấy được mỗi khi chúng tôi về nhà nô đùa với các em và ăn cơm với những món ăn quen thuộc mẹ nấu mà thôi.

Nghĩ đến mẹ tôi lại thấy mủi lòng. Ra khỏi gia đình tôi như người xa lạ với chính mình - bơ vơ và tiếc nhớ -Những ngày ở với mẹ túng thiếu vất vả nhưng sao tôi thấy bình yên và thoải mái làm sao. Đôi lúc tôi muốn quay trở về những ngày bình yên đó.

Chín giờ đêm phòng trà khá đông khách. Tôi lách nhẹ qua đám nhân viên chiêu đãi ở gần quầy để đến gần ban nhạc. Anh chàng điều khiển chương trình nghiêng mình chào tôi:

- Chào người đẹp. Tối nay em xinh quá.

Tôi cười thật điệu:

- Cám ơn anh đã khen. Hôm nay Trung Thu anh sắp xếp cho em hát sớm một chứ nhé?

- Đuọc thôi. Hôm nay em hát bài gì?

Tôi nói tên hai bài hát mới đã dượt thành thạo mấy hôm nay rồi ngồi lặng im. Tôi đang nghĩ đến những hộp bánh Trung Thu trĩu nặng đôi tay với niềm vui đầy ắp trong lòng.

- Bây giờ là giọng ca Tường Diễm, ca sĩ quen thuộc và duyên dáng của giới yêu phòng trà. Hôm nay Tường Diễm hân hạnh được cống hiến quí vị những bài hát mới với giọng hát truyền cảm của cô…

Tiếng anh MC vang lên. Tôi tạo cho mình một nụ cười thật tươi để bước ra vòng tròn ánh sáng. Tiếng vỗ tay ròn rã. Người ta vỗ tay như một thói quen. Người điều khiển chương trình giới thiệu ca sĩ lên hát cũng là một thói quen. Có mất mát gì đâu những tràng pháo tay khích lệ làm tăng thêm niềm vui cho một vài giờ thư dãn. Có mất mát gì đâu những lời giới thiệu chau chuốt, vuốt ve người hát và tạo cảm giác cho người nghe. Và tôi cũng có mất mát gì đâu khi tạo ra nụ cười duyên dáng để ấm lòng những người thưởng thức. Tối chủ nhật khách đến nhẩy đông hơn ngày thường cũng làm tăng thêm hứng thú cho những người bán tiếng hát như tôi. Tôi hát liên tiếp ba bài rồi bước xuống tìm một góc bàn ngồi chờ hát tiếp lần thứ hai. Trong ánh sáng mờ mờ, một người đàn ông bỗng ngồi xuống cạnh tôi:

- Chào Diễm. Cho phép anh ngồi đây chứ.

Tôi ngước mắt nhìn lên - là Thiện, người đàn ông quen mặt đã theo tôi qua mấy phòng trà, nơi nào tôi hát cũng đều thấy ông. Tôi đã nhận lời nhẩy với ông ta vài lần nên cũng gọi là quen, Người đàn ông nhìn tôi chăm chú:

- Diễm có bận gì không?

Tôi cười nhẹ:

- Dạ… chưa bận. Em còn hát một lần nữa rồi mới chạy sang một phòng trà trong Chơ Lớn.

Mắt Thiện sáng lên:

- Hôm nay anh rảnh lắm. Diễm cho phép anh làm tài xế đưa em đến các phòng trà khác nhé.

Tôi lắc đầu:

- Chả dám làm phiền anh đâu. Em chạy nhiều nơi. Làm sao anh theo nổi.

- Được mà. Anh sẽ đưa em đến tất cả những nơi nào em muốn

- Nhưng mà…

Thiện ngắt lời tôi:

- Anh năn nỉ đó. Anh thật lòng muốn làm tài xế cho em. Thế nhé, anh ngồi chờ ở đây em hát xong anh đưa em vào Chợ Lớn.

Tôi im lặng như một sự chấp nhận. Cũng khó lòng từ chối khi có người nồng nhiệt đón mời. Nghề của tôi thẳng thừng quá sẽ làm mất lòng những người hâm mộ. Nhất là những ông nhà giầu như Thiện, mất lòng những ông khách ấy tôi dễ mất việc ngay.

Hôm nay tôi chỉ hát thêm có một phòng trà trong Chợ Lớn. Thiện chịu khó ngồi uống nước chờ tôi hát xong hai bài cuối thì cũng gần nửa đêm. Trên đường về tôi nói Thiện ghé cửa hàng Đồng Khánh cho tôi mua vài hộp bánh. Thiên ngừng xe trước gian hàng đã bắt đầu vắng khách. Tôi nói:

- Anh chờ em vài phút nhé.

Thiện mở cửa xe nhanh nhẹn bước theo tôi:

- Cho anh vào với, lỡ thiên hạ tưởng em đi có một mình lại trêu ghẹo thì phiền lắm.

Vừa nói Thiện vừa đi cạnh tôi, thân mật như tình nhân. Tôi nghĩ là Thiện có tình cảm với tôi, muốn tán tỉnh tôi. Từ it lâu nay Thiện thường hay đến các phòng trà tôi hát, chỉ ngồi nghe mà không nhẩy với ai. Thỉnh thoảng mời tôi ngồi chuyện trò uống nước và vài lần đã mời tôi khiêu vũ những lúc tôi ngồi chờ hát lần sau. Vài cô bạn đồng nghiệp đã thì thào với tôi:

- Hắn mê bồ quá rồi đấy.

- Tên ấy giầu lắm, mình biết. Giám đốc một Công Ty gì đó khá lớn.

- Hắn ngồi nghe Diễm hát mà đôi mắt cứ như muốn đốt cháy người ta

- Mình để ý thấy hắn đeo Diễm cả mấy tháng nay rồi. Trông hắn cũng phong dộ lắm đấy chứ.

Nghe các bạn bàn tán tôi chỉ cười không nói. Đời ca sĩ thường "được hay bị" người ta "dễ thân" như vậy.

Tôi mua một hộp bánh dẻo và một hộp bánh nướng, Thiện bảo lấy thêm hai hộp bánh thập cẩm nữa rồi rút ví trả tiền. Tôi nhăn mặt kêu lên:

- Anh đừng làm vậy, em không thích đâu.

Thiện xua tay:

- Em đừng quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt ấy. Có đáng gì một chút quà. Anh muốn góp thêm niềm vui với gia đình em.

Tôi đành để Thiện trả tiền, nhìn Thiện ôm chồng bánh trong tay cùng tôi sánh vai ra khỏi cửa tiệm để bước lên chiếc xe hơi bóng loáng đậu bên lề đường, tôi có cảm giác như chúng tôi đang là một cặp vợ chồng giầu sang, hạnh phúc cùng nhau đi mua sắm như thế này. Ý nghĩ ấy vừa thoáng qua đã làm tôi tự thấy xấu hổ và ân hận. Tôi vội nghĩ đến Trường, lòng tôi lại mềm đi.

Ngồi trên xe, Thiện nói:

- Anh ước sao mỗi ngày được đưa đón em đi hát rồi đi mua sắm như thế này, có được không Diễm?

Tôi nhìn lảng ra chỗ khác:

- Anh đừng nói đùa thế.

Giọng Thiện tha thiết:

- Anh nói thật đấy. Chỉ cần em gật đầu, tài xế này luôn phục vụ em đi hát đúng giờ, chịu đưa em đi khắp các phòng trà ngồi nghe em hát.

Tôi cười nhẹ nhàng:

- Cám ơn anh. Em làm sao có tiền nhiều để mướn một tài xế sang trọng như anh được.

Thiện bật cười sảng khoái. Người đàn ông đã đứng tuổi mà dáng dấp vẫn còn trẻ trung, yêu đời. Tiền bạc và danh vọng đã tạo cho ông được sự tự tin như thế. Tôi nghĩ đến Trường - chàng cũng có thể là một người đàn ông yêu đời, tự tin và danh vọng như Thiện nếu chàng không lấy tôi. Vì tình yêu Trường đã ra khỏi nhà cha mẹ với hai bàn tay trắng và tấm lòng tự ái vun đầy. Tôi yêu chàng vì chàng đã vì tôi từ bỏ tất cả để sống bên tôi, chịu lam lũ cực nhọc để kiếm tiền bằng sức lực của một anh sinh viên chưa ra trường mà phải nuôi vợ con.

- Mình đi ăn một chút gì nhé em. Anh đói bụng quá.

Thiện rủ, tôi ngập ngừng:

- Khuya lắm rồi, anh cho em về.

Thiện năn nỉ:

- Không khuya lắm đâu. Hôm nay em còn về sơm hơn mọi ngày, đúng không? Anh đói lắm, cho anh ăn một chút gì đi, nhé em?

Nhìn vẻ thành thật của Thiện tôi không nỡ từ chối. Những cân bánh Thiện mua cũng thêm một lý do khiến tôi khó mở lời. Tôi đành gật đầu.

Chúng tôi trở ra Chợ Cũ ăn cháo cá. Ban đêm trời lạnh và nhiều sương, đôi vai tôi ê ẩm thèm một căn phòng ấm cúng để ngả lưng. Tô cháo nóng làm tôi tỉnh lại người, quên đi mệt nhọc của một đêm chạy sô các phòng trà ca hát, Thiên săn sóc tôi thật tỉ mỉ, dáng điệu thân mật như săn sóc người yêu, như chồng lo cho vợ. Một đôi lần Thiện nửa vô tình, nửa cố ý đặt nhẹ tay lên vai tôi hoặc choàng tay ngang lưng tôi rồi lại rụt về trước khi tôi có phản ứng.

Chỉ còn thiếu 10 phút nữa là 12giờ, Mọi ngày tôi về chậm nhất cũng chỉ 11giờ rưỡi mà thôi. Tôi bảo Thiện ngừng xe ngay đầu ngõ để tôi đi bộ vào nhà. Giờ này chắc Trường chưa ngủ và mong tôi lắm, tôi thấy một chút hối hận đã đi ăn khuya với Thiện. Thiện đòi đưa tôi vào đến tận nhà nhưng tôi nhất định không cho. Thiện ngừng xe tôi vội vã mở cửa bước xuống. Thiện cười thành tiếng:

- Làm gì mà vội vã thế? Không cho anh biết nhà thì thôi vậy.

Tôi nói nhanh:

- Cám ơn anh nhiều lắm. Chúc anh một đêm vui.

Thiên bảo:

- Khoan đã, còn mấy hộp bánh nữa.

Tôi cười gượng quay người ra phía sau xe để nhấc hộp bánh lên. Thật bất ngờ cánh tay Thiện đang đặt trên thành ghế chợt choàng lấy vai tôi và kéo mạnh. Tôi ngã vào lòng Thiện không kịp chống đỡ, và ông ta cúi xuống hôn tôi. Hai tay tôi chới với không thể nào chống đỡ nổi. Môi Thiện làm môi tôi nóng bỏng, tay ông làm vai tôi đau nhói. Tôi vùng vẫy, kêu lên ú ớ trong cổ họng. Thiện buông tôi ra và đỡ tôi ngồi thẳng dậy. Ánh mắt người đàn ông rực lửa đam mê;

- Đừng giận anh. Anh yêu em quá.

Tôi nhìn sững người đàn ông không nói được lời nào. Hình như phản ứng của tôi cũng không còn mạnh mẽ nữa. Vuốt lại mái tóc tôi nói với Thiện:

- Anh không nên làm như thế.

- Anh xin lỗi. Tại anh không cầm được lòng.

Tôi không thấy giận Thiện mà thấy trong lòng thật buồn. Làm cái nghề như tôi cũng dễ bị thiên hạ coi thường, tưởng mình dễ dãi. Thiện tưởng tôi cũng dễ dãi như thế. Chiếc đèn pha của một chiếc taxi chở khách đi đêm về ngang qua lóe sáng nhắc tôi thực tại. Tôi hoảng hốt ôm theo chồng bánh đi như chạy vào ngõ tối không nhìn lại sau lưng. Mãi một lúc sau tôi mới nghe tiếng máy xe của Thiện phóng vút đi. Những bước chân vội vã của tôi như muốn ríu lại, tôi thở ra thật dài khi thấy ánh đèn hắt qua cửa sổ của căn nhà tôi ở vẫn đổ dài xuống mặt đất. Trường vẫn còn chờ tôi chưa ngủ!

Tôi gọi cửa thật nhỏ, có tiếng dạ của chị người làm và cánh cửa mở rộng. Nhìn vào trong không thấy bóng Trường tôi hỏi:

- Cậu và em ngủ chưa chị Hai?

Chị người làm tròn mắt nhìn tôi:

- Em Hải ngủ lâu rồi. Cậu mới ra đầu ngõ đón cô, cô không gặp à?

Tôi giật thót mình, cổ như nghẹn lại:

- Tôi không thấy. Cậu đi lâu chưa?

- Mới chừng mười lăm phút, cậu dăn tôi coi chừng nhà để cậu ra ngõ đón cô.

Tôi rùng mình lo âu. Vội vã thay quần áo, rửa hết phấn son, tôi đứng thẫn thờ trước cái vòi sen, vốc từng vốc nước phủ lên mặt. Dư vị của cái hôn vội vàng của Thiện làm tôi bối rối, giống như người phạm tội, tôi cố rửa sạch cái dư vị ấy đi. Uùp mặt vào vòi nước, nước lạnh vẫn không làm tôi bớt lo âu. Tôi nghe tiếng đằng hắng quen thuộc của Trường, chàng đã về. Tiếng chị Hai nói lớn:

- Cô về nhà rồi cậu ạ.

Không nghe tiếng Trường trả lời, tôi chạy vội ra. Trường đang đứng bên cửa sổ hút thuốc, nhìn ra ngoài. Tôi đến bên Trường, nhỏ nhẹ:

- Em xin lỗi. hôm nay em ghé mua bánh biếu mẹ nên về trễ để anh phải lo. Đừng giận em nhé.

Tôi lặng cả người khi nghe giọng Trường lạnh như băng:

- Tôi không cần phải lo nữa vì đã có người lo cho cô rồi.

Tôi mở lớn mắt nhìn Trường. Chưa bao giờ tôi nghe giọng chàng lạnh giá như thế. Tiếng tôi chàng xưng như xoáy buốt vào lòng tôi. Tôi sững sờ không nói được câu nào, giọng Trường vẫn xoáy buốt;

- Nếu cô thích tiền, cô ham giầu sang muốn sống xa hoa xe hơi nhà lầu thì tôi trả tự do cho cô đấy. Cô không còn phải khổ vì cái anh chàng vô tích sự như tôi nữa. Bắt đầu từ hôm nay, cô cứ tự do đi với những kẻ giầu sang, từ hôm nay chúng ta chia tay. Cũng chưa muộn đâu, cô có thể đạt được tất cả những gì cô muốn.

Tôi kêu lên hoảng hốt:

- Anh…

Trường quay phắt lại, đôi mắt rực lửa:

- Còn gì để mà nói nữa. Cô đã phản bội tôi. Tôi khinh ghét cô lắm!

Rồi Trường mở cửa bước ra đường. Tôi chết sững trong đau thương và phẫn nộ. Trường đã nhìn thấy Thiện hôn tôi lúc đó và chàng đã hiểu lầm tôi, không cần nghe tôi giải thích. Trường có thể giận tôi nhưng chàng không thể nặng lời với tôi đến thế. Trong cơn ghen tuông nóng giận Trường không còn nghĩ gì đến tình yêu, đến đứa con và những tháng năm dài hạnh phúc. Chàng nặng lời mạt sát tôi mà không cho tôi một tiếng phân trần. Tôi muốn la lớn lên cho cổ tôi bớt nghẹn. Cơn tức giận của Trường biến thành cơn tức giận của tôi. Tôi thấy mình không có lỗi gì với Trường cả. Chàng sẽ phải xin lỗi tôi trước khi tôi phân trần sự thật với chàng. Tôi không chạy theo chàng, không níu kéo chàng trở về. Tôi bước vào giường nằm úo mặt lên mái tóc thơm tho của con tôi cắn răng ngăn tiếng khóc. Tiếng chuông đồng hồ vang lên thánh thót và lạnh lẽo. Tôi nằm im nghe ngóng và chờ đợi bước chân Trường quay về rồi thiếp vào giấc ngủ khó khăn.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:45 am    Tiêu đề:



Trường không bao giờ trở lại - từ đêm đó. Tôi đã đợi chờ chàng suốt cả những đêm sau, và lại những đêm sau. Tôi vừa tự dằn vặt mình vừa xót xa nghe tự ái bừng dậy. Chàng đã bỏ tôi rồi! Sự tức giận ghen tuông cũng chỉ là cái cớ cho chàng bỏ đi mà thôi. Vừa giận Trường, vừa nhớ chàng, tôi nằm vùi ở nhà để nuôi hy vọng Trường trở về. Hãy vì những tháng năm mật ngọt của chúng ta mà trở về! Tôi nhớ chàng biết bao! Tôi muốn chàng trở về để nói với chàng "em vẫn là con bé Diễm ngày nào yêu anh". Hơn một năm trời đi hát, tôi vẫn giữ mình, không bị cám dỗ bởi những đón mời vật chất, không sa đọa, hát xong tôi vội vã về nhà. Bây giờ nếu Trường muốn tôi sẽ nghỉ làm cho chàng yên lòng, tôi chỉ cần Trường thôi.

Tôi mong mỏi, đợi chờ Trường từng ngày, tôi nhớ chàng trong từng hơi thở của tôi. Nhìn con tôi lại bật khóc. Trường đã bỏ tôi rồi. Chàng tưởng tôi mê man tiền bạc phụ chàng nên đã rời xa tôi. Lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn. Tôi lặng lẽ đi tìm chàng, dò hỏi tin tức Trường ở những người bạn. Ngữ nói:

- Hắn đã trở về nhà rồi Diễm ạ. Gia đình hắn đang có chuyện buồn nên hắn phải ở nhà để lo liệu.

Tôi thổn thức:

- Tôi không biết gì về những chuyện buồn của gia đình anh ấy, nhưng tôi biết là anh ấy đang giận tôi, đang hiểu lầm tôi mà không chờ tôi giải thích. Anh ấy muốn rời xa tôi.

Ngữ an ủi tôi:

- Dạo này chúng tôi cũng ít gặp nhau, nhưng có lẽ Diễm nên để cho hắn có chút thời gian bình tâm lại rồi hai người ngồi nói chuyện với nhau. Nếu có hiểu lầm gì thì cùng nhau giải thích.

Tôi cười cay đắng:

- Anh ấy có cho tôi giải thích đâu. Có lẽ anh ấy muốn bỏ tôi từ lâu rồi, anh ấy đã hối hận phải từ bỏ gia đình để lấy tôi, và bây giờ đã chán tôi.

Ngữ nói mà không nhìn tôi:

- Trường còn yêu Diễm nhiều lắm, nhưng hắn cũng có nhiều mặc cảm và tự ái nên mới rời xa Diễm đấy thôi. Hắn nói thà nó rời xa Diễm còn hơn là chờ Diễm bỏ hắn. Tôi có khuyên hắn nên bình tĩnh lại, quay về để cùng Diễm bàn tính lại tương lai nhung hắn nói không thể được vì hắn hiểu tính Diễm, Diễm sẽ không bao giờ quay về làm cô bé Diễm ngày xưa nữa.

Tôi nghẹn ngào;

- Khi không muốn sống với nhau nữa người ta luôn biên luận như thế. Anh ấy trách tôi nhưng cũng phải thông cảm cho tôi. Nếu không còn nghĩ đến tôi thì cũng phải nghĩ đến đứa con. Chẳng lẽ bỏ nhau dễ dàng thế sao?

Ngữ thở dài:

- Hắn có nỗi khổ của hắn. Từ từ Diễm sẽ hiều hắn hơn. Hãy cho hắn một thời gian nữa.

Tôi nói như hét lên:

- Tôi chẳng còn thời gian để chờ anh ấy hồi tâm lại nữa đâu. Bây giờ anh ấy đã trở về với gia đình, rũ sạch những ân tình đã qua, rũ sạch bao tháng năm yêu thương hạnh phúc. Tôi còn gì để níu kéo nữa.

Ngữ im lặng và tôi cũng lặng lẽ ra về. Thế là hết! Bốn năm tình nghĩa ngọt đầy đã chấm dứt. Tôi mất Trường thật đau đớn. Nỗi băn khoăn lo sợ ngày nào của tôi đã đến. Tôi cắn môi mình chảy máu mà không thấy đau. Tôi ôm con về ở với mẹ. Tôi không kể lể dài dòng. Nhìn tôi thất thểu với đứa con ngơ ngác trên tay, mắt mẹ tối lại buồn phiền. Tôi chỉ nói:

- Con đã bỏ Trường.

Mẹ câm nín không nói nửa lời. Tôi nhìn Nhã thấy nỗi buồn đọng trong mắt nó:

- Em đã lo sợ ngày này kể từ khi chị đi hát.

Tôi cười xót xa:

- Cũng tại số chị vất vả nên hạnh phúc của chị với anh Trường chỉ có bấy nhiêu thôi. Mà thế cũng xong. Anh ấy còn có gia đình, còn tương lai của anh ấy. Sống với chị anh ấy khổ quá. Bây giờ anh Trường trở về với gia đình của anh, chị đau khổ lắm, nhưng nghĩ lại thế cũng tốt. Lẽ ra chị phải trả anh ấy về với cuộc sống đích thực của anh ấy từ lâu lắm rồi. Bốn năm mạẽên nồng cũng đủ lắm rồi, chị không nên ích kỷ giữ chân anh mãi để anh trở thành người con bất hiếu. Đủ rồi Nhã ạ. Chị chấp nhận hoàn cảnh này và tiếp tục sống vui vẻ để nuôi con.

Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2429

Bài gửiGửi: Mon Jul 07, 2008 2:46 am    Tiêu đề:



Tôi lại trở về vũ trường với từng đêm đi hát. Bây giờ tôi thảnh thơi hơn vì không còn ai chờ đợi cho tôi tất bật quay về nên tôi đã bắt đầu đàn đúm, lang thang, không vội vã khước từ những lời mời mọc của những gã đàn ông vây quanh. Tôi bắt đầu tập nói, tập cười. Tập đùa giỡn lẳng lơ với những gã đàn ông giầu có ham vui. Tôi đi sớm, về trễ. La cà thâu đêm. Tôi tự do khai thác nhan sắc tôi để có thật nhiều tiền. Tiền đầy trong bàn tay, tôi đắp lên thân thể con tôi những thứ quý giá nhất. Tiền tôi rải rác khắp nhà. Tôi mua cho các em tất cả những gì các em cần. Tôi dúi vào túi mẹ những xấp tiền tôi không đếm. Mọi người nhận tiền của tôi mà sao trong ánh mắt ai cũng long lanh như muốn khóc, khuôn mặt ai cũng nhuốm buồn. Nhã không vui vì thấy tôi càng ngày càng sa đọa. Nhã hờn trách tôi vì tôi làm Nhã mất thể diện với bạn bè. Tôi vẫn lờ đi như không thấy điều đó.

Để tránh phiền cho mẹ, tránh nỗi ngượng ngùng cho Nhã khi có bạn bè, tôi dọn về ở chung với Bích. Nó cũng như tôi, cũng cần tiền như tôi nên hai đứa dễ dàng nhìn nhau thông cảm. Cùng vùi đầu vào những cuộc vui. Quên thân xác để kiếm thật nhiều tiền. Bích thường nói:

- Tao chán tình yêu!

Tôi thì nói:

- Tao sợ tình yêu quá!

- Tại mày còn yêu Trường.

Tôi ngậm ngùi:

- Cũng khó mà quên được. Trường là một phần đời của tao.

- Nhưng hắn ích kỷ quá.

Tôi chớp mắt:

- Tao quên mất phải trách móc ai rồi.

Bích an ủi tôi:

- Biết thế thì cố mà quên đi, cố kiếm cho thật nhiều tiền để lo cho con mày sung sướng hơn.

Tôi thở dài:

- Thì tao cũng đang đắm chìm trong những đồng tiền đấy thôi. Đời mình có còn gì nữa đâu.

Bích quay đi, đôi mắt ướt những chán chường. Tôi ngồi im lặng gặm nhấm những lời Bích nói và chợt thấy đời mình quả đã vô nghĩa từ ngày Trường bỏ ra đi.

o0o

Đã lâu lắm rồi tôi không nhận được tin tức của Thục. Thục hẹn sẽ đến thăm nên tôi đã bỏ một tối đi hát để chờ Thục đến chơi. Kể từ ngày Trường bỏ tôi, đây là lần thứ hai tôi gặp Thục. Không biết có phải Thục cũng mang tâm trạng như Nhã - xấu hổ vì có người chị, người bạn như tôi nên tránh mặt tôi hay không? Cái thời gian tôi và Trường xa nhau được gần một năm thì Thục tìm đến tôi. Thục mang cho tôi sợi dây chuyền vàng có khắc tên chữ cái của Trường và tôi. Thục bảo:

- Của anh Trường nhờ Thục mang đến mừng sinh nhật bé Hải.

Mặt tôi tối lại:

- Bé Hải chỉ có mẹ chứ không có cha đâu Thục ạ.

Thục vuốt nhẹ cánh tay tôi:

- Đừng nghĩ về anh ấy như thế. Lúc nào anh ấy cũng vẫn yêu Diễm. Anh Trường đến gặp Thục, Thục nhìn thấy đôi mắt anh ấy tối lại và nụ cười thì thật buồn. Sau khi chia tay với Diễm, Trường trở về với gia đình vì ba anh ấy bị ung thư ở thời kỳ cuối. Ông cụ đã dùng tình cảm giữ chân anh ấy ở nhà để cai quản sự nghiệp. Diễm nghĩ xem làm sao Trường có thể cãi lời cha khi nhìn thấy ông cụ đang nằm trên giường bệnh chờ chết được chứ. Trường là con lớn trong gia đình nên không thể bỏ mặc được. Diễm nên thông cảm cho anh ấy, phải rời xa Diễm anh ấy cũng khổ tâm lắm nhưng không thể làm gì khác hơn được.

Tôi ôm Thục bật khóc "mình hiểu! Mình hiểu rồi, chỉ vì mình buồn qua, ù giận hờn quá nên đã nói thế thôi". Tôi biết không thể níu kéo Trường lại bên tôi được nữa. Giũa tôi và Trường đã có sự cách biệt quá xa, ngay từ những ngày đầu yêu chàng tôi đã cảm thấy như thế. Nhưng vì ngày ấy tôi còn ngây thơ trong sáng, niềm tin còn mạnh mẽ nên tôi chấp nhận lấy Trường mà không có sự dồng ý của cha mẹ chàng. Trường nông nỗi bỏ nhà ra sống với tôi mang nỗi buồn bất hiếu với cha, nỗi bất lực không nuôi nổi vợ con, chàng trở nên lầm lì câm nín. Đó là gánh nặng trong lòng Trường, sẽ có ngày Trường phải buông nó xuống mà thôi. Tôi vẫn biết từ ngày xa tôi, chàng vẫn về thăm con bên ngoại, mua quà cho các em tôi. Mẹ và các em vẫn đón chàng bằng nụ cười thân thiện thương yêu như ngày nào. Trường bỏ tôi mà không ai trách chàng, hình như họ chỉ trách tôi -là tôi đã có lỗi mải mê kiếm tiền mà không cảm nhận được những bức xúc trong lòng Trường, càng ngày tôi càng lún sâu vào nỗi đam mê đó. Tôi quên mất thời gian và cũng không nhớ nổi một lúc nào đó Trường đã không còn đến thăm Mẹ, thăm các em tôi và thăm cả con chàng nữa. Nhưng tôi biết nếu tôi đi tìm Thục, Thục sẽ biết chàng đang làm gì? Đang ở đâu, vì chàng rất thân với Thục. Họ có sự đồng cảm với nhau về gia thế, cuộc sống và sự hiểu biết. Họ nói với nhau rất ít nhưng hiểu về nhau thì quá nhiều. Đôi khi nghe Trường và Thục nói chuyện tôi giống như kẻ thứ ba, không lãnh hội được họ nói những điều gì. Mấy lần tôi cũng muốn đến tìm Thục nhưng Thục đã chuyển nhà, tôi mất luôn liên lạc với Thục từ đấy.

Hôm nay Thục lại đến tìm tôi - khoảng cách hơn năm năm không gặp mà Thục vẫn không thay đổi. Vẫn xinh đẹp, trẻ trung sang trọng như ngày nào. Thục đối với tôi cũng vẫn ôn tồn thân thiện như những ngày còn ở xóm cũ. Cám ơn tình bạn của Thuc! Cám ơn Thục vẫn còn nhớ tôi, vẫn xem tôi là bạn mà đến thăm. Chúng tôi ôn kỷ niệm và nhắc đến Trường của những ngày trong tình yêu. Kỷ niệm và Trường tôi đã muốn quên giờ bỗng dưng sống lại, ngay trong hồi ức của tôi - thủa hai mươi ngọt ngào trong sáng.

Tiếng gõ cửa dồn dập làm tôi giật mình. Phải mất vài giây tôi mới ra khỏi giấc hồi tưởng mơ màng. Tôi uể oải ngồi dậy. Buổi tối đã xuống từ lâu rồi, những tia sấm chớp buổi chiều báo hiệu cơn mưa sẽ đến nhưng trời lại không mưa, gió đã im và đầy ngột ngạt. Tôi lại thấy chìm vào nỗi buồn. Tiếng gõ cửa càng thôi thúc. Tôi đẩy chốt và mở rộng hai cánh cửa. Một khuôn mặt đàn ông khá quen thuộc đứng sững trước tôi với nụ cười;

- Anh đến phòng trà họ nói hôm nay em nghỉ.

Tôi gật đầu:

- Em mệt.

Người đàn ông nhìn nghiêng vào trong nhà:

- Bích đâu em?

- Đi xa mấy hôm mới về.

Ánh mắt người đàn ông sáng lên rực lửa:

- Anh ở lại với em… cho vui nhé.

Tôi không nói gì. Cuộc đời có những lúc vui, có lắm khi buồn. Tôi đang buồn quá thể, có thêm một người bên cạnh dù không vui cũng không thể nào buồn hơn được nữa.

Tôi quay vào nhà. Cánh cửa khép lại sau lưng tôi…

DUNG SAIGON

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Dài Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân