TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ð
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ð

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2432

Bài gửiGửi: Fri Jul 04, 2008 10:07 pm    Tiêu đề: ÐỜI SỐNG CỦA CON NGƯỜI TẠI CÕI TRẦN ( Annie Besant)

ÐỜI SỐNG CỦA CON NGƯỜI TẠI CÕI TRẦN

Ý NGHĨA CỦA SỰ CHẾT.


Nhiều người không thể nào tự cảm thấy sung sướng và thỏa mãn nếu họ không hiểu biết một cách thật rõ ràng và chắc chắn về bản thân mình và về thế giới bao quanh họ. Họ không an phận sống trong một thế giới khó hiểu với những sự việc xảy ra dường như nối tiếp nhau mà không lý do và cũng không phương giải thích. Khi nhận xét rằng hạnh phúc của mỗi người đều khác nhau không biết bao nhiêu, họ tự hỏi: «Tại sao mấy người này sinh ra để chịu đựng những sự đau khổ như thế đó, còn những người kia lại sống trong hạnh phúc và sang giàu». Luôn luôn những câu hỏi này được nêu lên, làm rối loạn tâm trí của con người ưa suy nghĩ. Tôi muốn trình bày với chư huynh hôm nay và trong hai tuần liên tiếp một lý thuyết về con người và về cuộc đời, có lẽ lý thuyết này sẽ giúp chư huynh hiểu rõ hơn về Bản thân mình và về thế giới xung quanh, và vì vậy mà chư huynh sẽ trở nên những người hữu dụng hơn. Ðó là mục đích của ba bài thuyết trình về cái đề tài rộng lớn này.

Tôi không muốn làm cho chư huynh tin chắc rằng tôi có lý; cái điều hệ trọng trong những gì mà tôi sắp nói ra đây, là việc khuyến khích chư huynh suy nghĩ. Tôi không yêu cầu chư huynh chấp thuận một lý thuyết đã có sẵn, nhưng chỉ xin chư huynh ngẫm nghĩ về các luận cứ mà tôi đưa ra đây. Theo cách đó, chư huynh sẽ tạo lấy cho mình một quan niệm, chư huynh sẽ khêu gợi đến trí thông minh của mình và sẽ đi đến một sự kết luận nó làm chư huynh hài lòng, vì chư huynh đã nghĩ ra nó, nó sẽ hướng dẫn cuộc đời của chư huynh, vì chính là do những tư tưởng của chư huynh mà chư huynh kết luận như thế.

Trước hết chúng ta hãy nhận xét về giá trị của một sự hiểu biết như thế. Sử dụng được sự hiểu biết này, ấy là có đủ tài năng điều khiển đời sống của mình thay vì để cho nó trôi giạt bình bồng, giống như nhiều người trong chúng ta đây đã sống. Ấy là có đủ tài năng nhìn thấy mục đích và lựa chọn con đường của mình đi. Ấy là lần lần làm chủ tinh thần và thể xác, và thức tỉnh, không những trong cõi Trần này, mà còn ở cả trong những cảnh giới liên quan với cõi Trần, những cảnh giới mà chư huynh sẽ đến sau khi chết, lúc chư huynh cởi bỏ xác thân. Tất cả chư huynh đều sống trong ba cõi: sống một cách thức tỉnh trong cõi Trần, và sống một cách tiềm thức [1] ở hai cõi khác, như khoa tâm lý học kim thời thường nói; chư huynh đã biết rõ cõi Trần ở xung quanh chúng ta đây: tại cõi Trần, chư huynh hành động, những cảm xúc của chư huynh được biểu lộ ra, những tư tưởng của chư huynh luôn luôn hoạt động. Tôi sẽ chỉ cho chư huynh thấy rằng có một cảnh giới hay một Cõi tương ứng với những cảm xúc, tự cõi này phát sinh ra những cảm xúc biểu lộ ra nơi xác thân; còn có một Cõi hay một Cảnh giới khác của tư tưởng phát sinh ra những sự kích thích biểu lộ nơi khối óc hồng trần. Hiện nay chư huynh sống một cách tiềm thức trong Cảnh giới của tình cảm và tư tưởng. Theo đà tiến hóa tự nhiên “Tiềm thức” sẽ trở thành “Có ý thức”. Ðiều gì mà hiện nay chư huynh cảm thấy một cách mơ hồ, sau này rồi sẽ trở nên phân minh, xác thực, có mạch lạc. Ðiều này không phải chỉ là một lý thuyết suông vì một vài người trong chúng ta đã tự ý thúc đẩy sự tiến hóa của mình, và cái điều trước kia là tiềm thức nay bỗng trở nên có ý thức, tức là sự hiểu biết vậy.

Đó là cái đề tài mà tôi bàn với chư huynh. Hôm nay chúng ta nói đến cõi Trần, cõi quen thuộc nhất đối với chư huynh; chư huynh sẽ hiểu được làm sao những Cảnh giới của Tình cảm và của Tư tưởng nhờ xác thân mà biểu lộ được trong cõi Trần. Chủ nhật sau, chúng ta sẽ biết trong giấc ngủ, sau khi rời bỏ xác thân, chư huynh sống và thức tỉnh trong Cảnh giới của tình cảm như thế nào, nghĩa là cái Cảnh giới mà chư huynh bước qua liền sau khi từ trần. Tới kỳ hội hợp thứ ba, tôi sẽ chỉ cho chư huynh thấy tại sao Cảnh giới của tư tưởng thật là cõi Thiên Ðường, cõi này con người sau khi bỏ xác phàm và sau khi lìa bỏ cõi Trung giới sẽ vào đó. Ðây chỉ là một sự phác họa đơn sơ cái con đường mà tôi hy vọng đặt chư huynh đi tới đó bằng cách trình bày những sự việc với chư huynh và để chư huynh tự do đánh giá chúng.

Một khi làm xong được việc này rồi, tôi hy vọng đã chứng minh được với chư huynh rằng khoa học và môn tâm lý học hiện thời đã bắt đầu nhìn nhận sự thâm nhập của hai cõi Trung giới và Thượng giới vào cõi Hồng trần và đang cố gắng tìm hiểu những gì phát sinh tự cái miền mà chúng gọi là “Tiềm thức”. Hai môn học này hiểu rõ cái sức mạnh của tiềm thức, nhìn nhận cái động lực lớn lao này nó thỉnh thoảng lại nổi sóng gió, hủy phá tan tành những gì mà chúng ta gọi là lẽ phải hay những cảm xúc thường tình. Khi nghiên cứu khoa học tâm lý học kim thời, chư huynh sẽ thấy tỏ rõ một vài sự việc trước kia coi dường như là tối tăm khó hiểu mà tôi sắp giải bày trước chư huynh đây. Tôi hy vọng thành công trong việc khuyên chư huynh nên nghiên cứu về đề tài này, một đề tài hứng thú nhất đối với tâm trí con người. Ði theo con đường này, người ta sẽ hoạch đắc được một quyền lực, một sức mạnh, một sự kiên nhẫn mà không một phương nào khác khai mở cho bằng được.

Ai đã học được cái cách sống và thức tỉnh, viên mãn trong ba cảnh giới, ai đã xét đoán được những mối tương quan giữa Cõi hữu hình với Cõi vô hình, biết lựa chọn những sự việc quan hệ và những sự việc không quan hệ, phù phiếm vô giá trị, thì người đó đã phân biệt được cái Chơn với cái Giả rồi vậy. Khi cánh cửa của sự tử vong mở rộng ra trước mặt y – tôi e rằng đối với đa số chúng ta, những cánh cửa tử này dắt đến cõi lạ đầy những sự bí mật, và vì vậy mà người ta mới kinh sợ nó – thì y có thể bình tĩnh bước qua cửa tử một cách dạn dĩ, một cách can đảm không hề bị nao núng. Y chỉ để lại phía sau mình cái phần thô kệch nhất của bản thể mình, tức là xác thân y, rồi với những tình cảm và tư tưởng giống hệt như khi còn sống, y đi đến những miền quen thuộc chứ không phải xa lạ nữa, nó không phải là một miền kinh khủng, mà là một miền đầy hứa hẹn.

Đó là đại cương của cái đề tài mà tôi cố gắng trình bày với chư huynh. Ðể khởi đầu, tôi phải đưa ra một tư tưởng mà dường như chư huynh khó lòng chấp thuận được lúc này hơn là tất cả những điều tôi sẽ nói với chư huynh sau này. Dù chư huynh là tín đồ Cơ Ðốc Giáo hay chư huynh là người Ấn Ðộ, điều này không quan hệ gì, chư huynh hãy suy nghĩ trong một lúc đến tất cả những gì mà tôn giáo của mình đã dạy về Bản thể của Thượng Ðế. Tôi xin chư huynh nhớ lại điều đó, vì con người được tạo thành giống như hình dáng của Thượng Ðế, như một đoạn văn rất hay của Thánh Kinh thần bí Hy Bá Lạp (Hébreux) đã nói: «Ðức Thượng Ðế sinh con người ra giống như hình dạng của Ngài vậy, vĩnh cửu, trường tồn» [2]. Con người phản chiếu Ðức Thượng Ðế trong lương thức của nó. Vì khoa Thần học không phải là hoàn toàn xa lạ đối với chư huynh, cho nên chư huynh sẽ dễ dàng mà theo dõi tư tưởng của tôi, nếu chư huynh suy nghĩ đến cái điều mà tôn giáo của chư huynh chỉ dạy về Bản Chất Tam thể của Thượng Ðế và hiểu được ý nghĩa của chơn lý này khi Bản Chất này phản chiếu nơi con người với tư cách là Tinh Thần. Những ai có một khối óc triết lý sẽ suy nghĩ về Thượng Ðế chia làm Ba ngôi trong lương thức của Ngài. Chư huynh là người Ấn Ðộ từng biết rõ danh từ Sat-Chit-Ananda miêu tả Ba ngôi, Ba trạng thái của Thượng Ðế duy nhất, hay là Ðấng Tối Cao: Ấy là Sự Sống (sat), Sự Hiểu Biết (Chit) và Chí phúc (Anada). Vài người từ Tây Phương đến đây sẽ nhớ đến cái đoạn văn hùng hồn của Dante nói về đấng Duy Nhất mà “oai quyền và sự hoạt động chỉ là một.” Tôi cũng xin chư huynh nhớ lại thuyết Ba ngôi trong Cơ Ðốc Giáo và trong Ấn Ðộ Giáo. Khi nhận xét về Ba ngôi này, chư huynh hiểu ngay rằng đây là Ba Trạng Thái của Thượng Ðế hữu hình, nghĩa là được nhân cách hóa.

Đó là trạng thái cao cả của Thượng Đế, Ngài biểu lộ ra như là sự hoạt động có tính sáng tạo, ban phát sự sống cho mọi sinh linh, Ngài là nguồn cội duy nhất của sự sống và của sự sinh tồn. Người Ấn Độ gọi Ngài là Ngôi thứ ba của Đức Thượng Đế, Đức Brahma, ngự trên những làn nước của vật chất. Các tín đồ Cơ Ðốc Giáo gọi Ngài là Đức Chúa Thánh Thần, Tinh thần của Chúa bay trên mặt nước bao phủ cả vũ trụ mà Ngài đã tạo lập ra.

Bây giờ, chư huynh hãy nghĩ đến Ngôi thứ hai đối với những người Ấn Độ, thì đó là Đức Vishnou, nguồn cội của mọi Minh Triết Tình Thương vô bờ bến bảo tồn vũ trụ. Ðối với những tín đồ Cơ Ðốc Giáo, đó là Ngôi thứ hai oai hùng, con của Ðức Chúa Cha, mà họ gọi là Chúa Ki Tô (Christ) và hết lòng tin tưởng.

Rồi đến Đấng Tối Cao; những tín đồ Cơ Ðốc Giáo gọi Ngài là Đức Chúa Cha, chính Ngài là Ananda, Mahadeva, mà đặc tính là Oai quyền; vì chỉ ở nơi nào uy quyền được kính trọng tuyệt đối thì chỗ đó mới an hưởng được cảnh thanh bình của Trời ban cho. Cảnh hỗn loạn xảy ra khi có chỗ nào hoảng hốt kinh sợ, nhưng đối với Thượng Ðế toàn năng, không bao giờ có một sự sợ hãi nào cả và vì vậy mà sự an lạc vô biên không bao giờ bị một vật gì ở ngoài đến quấy rối được, bởi vì không có một cái gì có ra đây mà không phải ở trong bản thể của Ngài.

Ðó là những điều mà chúng ta học được về Bản thể của Thượng Ðế và cũng là tất cả những gì mà Trí nông cạn của chúng ta có thể hiểu được: một đơn vị chia làm Ba ngôi: Quyền năng, Minh Triết Bác Ái cùng là sự Hoạt động Sáng Tạo.

Tinh thần con người được tạo nên giống như hình ảnh đó. Quyền năng của Đấng Tối Cao tự biểu lộ nơi ta thành Ý chí. Minh Triết Bác Ái của Đấng Tối Cao trở thành sự Khôn Ngoan và lòng Từ Ái nơi ta. Sự Hoạt Động Sáng Tạo của Ngài được biến thành Trí khôn và nhờ Trí khôn này chư huynh làm cho vật chất có hình hài. Khi Trí khôn này tự hiện ra dưới cái hình thức cao cả của Thiên Tài, thì nó khiến cho họa sĩ ghi được trên khung vải những bức họa tuyệt đẹp tồn tại mãi với thời gian; nó cảm hứng nhạc sĩ giúp y tìm được cung giai tiết điệu tuyệt vời, nó khiến cho nhà điêu khắc gọt đẽo tảng đá hóa thành một pho tượng có hình dáng đẹp đẽ nẩy sinh ra tự trong tư tưởng của y. Con người thật là cao cả và những khả năng của y thật là rộng lớn biết bao; vì Tinh thần con người là một điểm Linh Quang của Ðức Thượng Ðế. Tôi không cần nhắc lại với chư huynh cái câu người ta đã dạy người Ấn Độ: «Ngươi chính là Đức Phạn Vương Brahma» và người Cơ Ðốc: «Các ngươi há lại không biết rằng thân thể các ngươi là đền thờ Ðức Chúa Trời và Tinh Thần Ngài đang ngự trong mình các ngươi sao». Những tiềm lực của mầm giống thiêng liêng cao cả đến nỗi khi ta phát triển chúng bằng một phương pháp tinh luyện không ngớt thì cuối cùng tất cả mọi người sẽ được toàn thiện như “Ðức Chúa Cha ở trên trời trọn lành vậy”. Đó là Tinh Thần dưới Ba Trạng Thái Ý chí, Minh Triết và Trí Tuệ; đó là một điểm mà tôi xin chư huynh nên nhớ; chúng ta sẽ không có thì giờ mà nhắc lại, vì đề tài quá ư rộng lớn.

Nhiều người trong chư huynh đã quen thuộc với cái ý niệm rằng con người chia ra làm ba phần: Xác thân, Linh hồn và Chơn Thần. Chơn thần của Thượng Đế [3] ngự ngay ở trên đầu con người, và cái phần của lương thức của nó nhập vô xác thịt thì được gọi là linh hồn, danh từ này rất đúng nếu nó được hiểu cho trúng cách.

Sự phân chia con người ra làm ba phần này do Thánh Paul đề xướng. Chúng ta nhớ lấy. Chơn thần thì “bất sinh bất diệt, trường tồn, vĩnh cửu, vô thủy, vô chung”. Nó bay là là ở phía trên xác thân chứ không phải nó ở hẳn trong đó, và cái phần của Chơn thần nhập vô xác, cái lương tri, cái sự sống thì gọi là linh hồn; tôi cũng dùng cái danh từ Linh Hồn này. Như thế, chúng ta có Tinh Thần Ðức Thượng Ðế trong con người, phưởng phất ở trên đầu, cố gắng đem về với mình cái bản thể thấp hèn; Linh hồn là cái phần Tinh thần nhập vô xác thịt, và vì vậy cho nên thường thường hãy còn bị mù quáng, điên cuồng và bất lực; xác thân, cái lớp vỏ vật chất (dù nó thuộc về loại nào, điều này cũng không quan hệ) mà Linh hồn khoác vào mình như một lớp y phục để tiếp xúc với cõi đời là trường tiến hóa của nó. Vì cũng giống hệt như một hạt giống đem gieo xuống đất và không thể nào mọc thành cây nếu không có đất, hạt giống thiêng liêng đem vùi sâu dưới miếng đất của kinh nghiệm của con người để có thể phát triển những quyền năng tiềm tàng của mình.

Cái tinh thần phân làm Ba Ngôi này, hoạt động như một Linh hồn trong xác thân làm đầy đủ nhiệm vụ của mình theo ba đường lối. Nó tác động như Trí khôn. Chư huynh đã biết rõ quyền năng của tư tưởng, đó là đặc tính của con người, quyền năng này sử dụng cái chất mà giáo sư Clifford đã gọi rất đúng là “Chất khí tư tưởng’’ [4] . Kế đó, Tinh thần lại tác động trong chất khí tình cảm [5] và đến lượt thứ ba, nó tác động trong Vật chất Hồng trần.

Chất khí tình cảm là chất khí mà những mối cảm xúc của chư huynh làm cho rung động lên. Không một mãnh lực nào có thể tác động nếu không có một thứ vật chất làm trung gian giúp nó biểu lộ ra. Các khoa học đều chứng minh điều đó với ta. Một câu châm ngôn mà nhiều người biết, nói rằng: «Không sức mạnh nào mà không có vật chất, cũng như không vật chất nào mà lại không có sức mạnh». Vậy thì mỗi quyền năng trong ba quyền năng của con người cần có một khung cảnh vật chất làm trung gian để biểu lộ sự hoạt động của mình. Đối với Trí khôn, Linh hồn dùng một vật chất mà ta gọi là chất khí tư tưởng; những tình cảm, sự vui mừng hay sự đau đớn tự biểu lộ nhờ một thứ vật chất mà ta gọi là chất khí tình cảm cũng gọi là chất thanh khí của cái Vía, vì những mối cảm xúc sử dụng nó để tự diễn đạt. Sau chót, vật chất hồng trần cũng cần thiết để cho con người có thể tác động trong Cõi Trần là nơi y đang sống; vì thường thường, chư huynh không thể dùng tư tưởng mà tạo ra một hành động được, và dời đổi vật chất tại cõi Trần. Tôi không nói rằng điều này không thể làm được nhưng người tầm thường làm không nổi. Muốn dùng ý chí làm cho vật chất hoạt động thì con người phải có xác thân. Vậy thì xác thân là công cụ của ý chí để làm ra sự hành động. Cũng giống thế, thể Vía là dụng cụ của những mối cảm xúc, và thể Trí là dụng cụ của sự khôn ngoan. Bây giờ thân thể của chư huynh làm bằng chất khí tư tưởng, chất khí tình cảm và chất khí hồng trần cũng chỉ là một dụng cụ, một bộ phận của một cái máy; nó không phải chính là con người thiệt thọ, vì Con Người thiệt thọ là Tinh thần chia làm ba Ngôi, hình dáng của Thượng Ðế như tôi đã nói trước đây.

Nếu chư huynh xem xét xác thân, chư huynh hãy nghĩ đến nó trong một lúc như là gồm có hai phần giống y như hai bộ phận của một cái máy mà chư huynh thấy trong nhà in chẳng hạn. Chư huynh gặp một bản in bất động. Chư huynh nói: «Tôi có một bộ phận phát động và một bộ phận phát điện, tôi cho máy chạy và máy làm việc». Cũng giống như thế, xác thân chư huynh cũng có hai bộ phận đó với mình. Máy phát động của nó [6], chính là sinh lực tác động trong dĩ thái, còn máy của nó, chính là xác thân dày đặc mà chư huynh có thể nhìn thấy, sờ mó được, lấy giác quan mà biết được. Nhờ sự so sánh mượn ở cơ giới, sự phân chia xác thân trở nên dễ hiểu. Thân thể của chư huynh là một cái máy hết sức hoàn hảo, tuyệt đối thích nghi và có một bộ phận phát động, còn xác thân dày đặc là cái máy.

Máy này vâng lời Linh hồn phân làm ba ngôi của con người trong những bộ phận khác nhau mà chư huynh đã quen thuộc. Chư huynh có một khối óc và một thần kinh hệ. Ấy là bộ phận của dụng cụ thuộc về tư tưởng. Tư tưởng của chư huynh cảm đến cái óc và thần kinh hệ. Bộ phận này gọi là não tủy hệ, nhờ dụng cụ này chư huynh mới suy nghĩ được. Rồi đến cái phần gồm các hạch, liên quan đến một thần kinh hệ khác gọi là giao cảm thần kinh hệ, đó là dụng cụ của những mối cảm xúc. Rồi đến những bắp thịt là dụng cụ cần cho sự hoạt động; Ý chí nhờ những dây thần kinh mà bắt các bắp thịt làm việc.

Ðó thiệt là tất cả những gì mà chư huynh cần biết về xác thân để có thể hiểu được một cách trọn vẹn đề tài mà tôi sắp trình bày với chư huynh.

Sự khác biệt căn bản giữa nam và nữ là do ưu thế của não tủy hệ hay giao cảm thần kinh hệ. Ở một người nam tầm thường bực trung bình, khối óc và não tủy hệ làm chủ cơ thể. Ðó là cái điều mạnh nhất nơi y, cái nét đặc biệt của nam tính. Ở nơi người nữ, chính những hạch và giao cảm thần kinh hệ làm chủ. Ðó là sự khác biệt căn bản mà không có định luật nào làm cho thay đổi được, và công việc của người nam hay nữ làm trong xã hội phải được căn cứ trên sự khác biệt tự nhiên và không hề thay đổi này: sự khác biệt giữa nhiệm vụ của người cha và người mẹ do sự cấu tạo khác nhau của thân thể. Ở người cha, khối óc chiếm ưu thế, ở người mẹ, những cảm xúc cùng với tất cả những gì nuôi dưỡng những cảm xúc đó ngự trị. Sự hiểu biết như thế rất hữu ích để phân xét đứng đắn về những vấn đề hiện tại và sử dụng trọn vẹn những hoạt động của nam giới và nữ giới; một quốc gia sẽ được cả phái nam lẫn phái nữ phụng sự, và mỗi bên làm việc trong phạm vi của mình.

Khi nghiên cứu như thế về con người, ta thấy nó chia ra làm ba phần rõ rệt.

Tôi đã dùng danh từ Tiềm thức. Chư huynh nhận thức được cái công việc của trí khôn mình và của thần kinh hệ; công việc này thuộc về trí khôn chư huynh khi chư huynh không ngủ, đang thức đây. Chư huynh không nhận thức được (trừ khi theo cái nghĩa của Tiềm thức) cái công việc làm của trí khôn trong chất khí tư tưởng nơi đó trí khôn luôn luôn làm việc, chỉ thỉnh thoảng người ta mới nhận thức được cái công việc đó, thí dụ trong trường hợp của Thiên tài. Lát nữa tôi sẽ trở lại vấn đề này. Ðối với những mối cảm xúc thì cũng vậy. Chư huynh biết rằng thỉnh thoảng những mối cảm xúc của mình ảnh hưởng đến cái xác thân một cách rõ rệt. Chư huynh buồn rầu nhiều, trái tim ngưng lại. Trái tim là một bắp thịt chứ không phải là một cái hạch, và nó ngừng lại là do ảnh hưởng của một dây thần kinh của giao cảm thần kinh hệ, dây này đi thẳng đến trái tim. Có hai dây thần kinh; một dây khiến cho trái tim đập, còn một dây khác qui định sự hoạt động của tim. Thí dụ trái tim ngưng đập thì sự gì đã xảy ra. Sự đau đớn đã gây nên mối cảm xúc, cảm xúc này kích thích một trong hai sợi dây đó, cho đến nỗi dây thần kinh này khiến cho bắp thịt của trái tim co rút lại, và trong một chốc lát trái tim ngừng đập.

Thỉnh thoảng sự sợ hãi cũng khiến cho trái tim ngừng đập hay đập mau. Ðiều này hoàn toàn tùy thuộc dây giao cảm thần kinh bị động. Nếu đó là sợi dây thần kinh điều khiển những tiếng đập của trái tim, thì máu chảy dồn về, sẽ khiến trái tim đập nhanh hơn, còn sợi dây thần kinh thứ hai thì bị tê liệt. Nhưng những mối cảm xúc luôn luôn có ảnh hưởng đến giao cảm thần kinh hệ và những dây giao cảm thần kinh thì ảnh hưởng đến trái tim, đến bộ máy tiêu hóa, đến những hạch và những bắp thịt – dù là ở nơi trái tim hay ở khắp bộ máy tiêu hóa – và do những giao cảm thần kinh mà ảnh hưởng đến những hạch hay bắp thịt trong cơ thể. Những giọt lụy là gì, nếu không phải là nước do hạch của con mắt tiết ra, khi hạch này bị một dây thần kinh kích thích vì một sự cảm xúc nào đó. Những sự nhận xét này rất hữu ích để ta biết được rằng trí khôn luôn luôn ảnh hưởng đến xác thân một cách nhất định cũng như những mối cảm xúc và những bắp thịt do ý chí sai khiến là cái phần của thân thể dùng để làm di chuyển đồ vật. Ý chí phải cần đến sự giúp đỡ của bắp thịt thì mới phát sinh được sự hành động. Sự tác động của tiềm thức thuộc về cảm xúc hay tư tưởng có thể đem biểu lộ trong đời sống có ý thức được, tôi sẽ nói về điều này khi tôi đề cập tới đời sống của con người trong cõi Trung giới. Hiện giờ đây ta chỉ cần nhận thấy rằng ta có một dụng cụ để cho ý chí, trí khôn và những cảm xúc sử dụng, và chúng ta biết rõ những phần của xác thân tương ứng với ba loại tiếp xúc ấy.

Bây giờ ta hãy nói về Thiên tài. Thiên tài là sự hành động bình thường của trí khôn trên cảnh giới đặc biệt của nó, nó tác động chớp nhoáng trên khối óc, khối óc ở trong “trạng thái gọi là không quân bình” [7]. Chư huynh hiểu rõ như thế là nghĩa gì. Chư huynh có thể tưởng tượng một vật nào đó bị dính cứng và đứng sửng, nếu người ta đẩy nó thì nó nhúc nhích rồi tức thì nó lại trở về ngay vị trí cũ. Hay là chư huynh có thể xem xét một vật, vì bị đẩy tới nên bắt đầu lắc lư, nó lắc qua lắc lại như vậy mãi, nó có thể bị ngã xuống hay lần lần trở về trạng thái không nhúc nhích như cũ. Chính cái trạng thái không ổn định của khối óc khiến cho tinh thần có dịp tự biểu lộ thành thiên tài. Ðó là cái trạng thái mà Shakespeare đã đề cập tới khi ông nói: «Những bậc Thiên tài thì giống như những kẻ điên khùng». Có sự thật trong lời nói này, nhưng không phải hoàn toàn đúng với chơn lý đâu, nó có nửa phần chơn lý thôi. Vì khối óc của người thiên tài luôn luôn không quân bình, lý do là y đi trên con đường tiến hóa tối cao. Người mà ta gọi là bậc Thiên tài vượt đến những mức cao nhất của trào lưu tiến bộ của con người. Khối óc của y phát triển và tiến hóa nhanh chóng, những tế bào sinh sôi nẩy nở, những tế bào của cái óc luôn luôn đâm ra những rễ mới và những nhánh nhóc mới ra tứ phía. Nơi nào có sự sống và sự hoạt động, thì nơi đó có sự thiếu quân bình. Ðối với những tư tưởng tầm thường của mỗi ngày thì một khối óc mất một chút quân bình cũng đủ rồi. Cuộc sống tầm thường hằng ngày không đòi hỏi ở ta những khả năng trí thức cao cả, nhưng nếu chư huynh bắt đầu suy nghĩ về một đề tài khó khăn mờ mịt, nếu chư huynh bắt đầu bắt buộc khối óc mình hiểu một điều cao hơn khả năng trí óc tầm thường của mình, thì lúc đó sẽ có một sự căng thẳng chứng tỏ rằng chư huynh bắt khối óc làm một công việc bất thường. Trong trường hợp này cần phải thận trọng đừng để cho một sự phát triển quá nhanh chóng làm mất quân bình.

Và trong câu nói quả quyết của Lombroso có những điều sau đây là đúng. Có hai trạng thái mất quân bình: sự mất quân bình vì phát triển nhanh chóng và sự mất quân bình vì bệnh tật, trụy lạc; trường hợp trên là thiên tài, trường hợp dưới là sự điên khùng. Trường hợp trên chứa đựng một mối hy vọng cho tương lai, trường hợp dưới là sự cằn cỗi và sự trở về vật chất vô cơ. Khối óc của người điên khùng thiếu quân bình, đúng vậy, nhưng trạng thái này phát sinh do một tỳ vết, một vết thương hay là một sự suy nhược. Khối óc bậc có thiên tài mất quân bình vì nó tiến hóa nhanh đến nỗi mỗi ngày lại thấy một quyền năng mới mẻ nẩy nở; linh hồn tiếp cho khối óc một sức mạnh mới. Đối với các vị Giáo chủ của những tôn giáo lớn, những bậc thiên tài đạo đức thì cũng thế. Khối óc của họ rất tinh tế, mong manh, mất quân bình theo chiều hướng tiến hóa chứ không phải theo chiều hướng của bệnh tật. Những luồng sóng thần lực của những cảnh giới cao siêu nâng họ lên cao; sự hiểu biết siêu hình bủa rải xuống họ như nước chảy. Nguồn linh cảm thấm vào người họ và nhấc họ lên khỏi trạng thái bình thường, làm cho lời nói của họ hùng hồn và tư tưởng của họ cao siêu. Tất cả những tôn giáo đều nhìn nhận có những người như vậy. Họ tiết lậu những điều mà chúng ta không trông thấy, họ là những người được linh cảm trong mỗi tôn giáo. Lombroso nói rằng những người này cũng là điên khùng vậy. Nếu thiên tài và linh cảm đạo đức chỉ là sự điên khùng, thì cầu Trời cứ gởi những người điên khùng như vậy đến với chúng ta. Chúng ta sẵn sàng đem một triệu khối óc tầm thường mà đổi lấy một khối óc nhờ nó mà Ðức Thượng Ðế có thể hiện ra với chúng ta, vì chúng ta là những kẻ đui mù đây. Làm sao có thể tránh được sự nguy hiểm khó khăn mà nhà bác học đã chứng minh rõ ràng. Xứ Ấn Ðộ có cho ta một phương pháp khiến bộ óc con người cảm thụ lẹ làng mà tránh được sự nguy hiểm là sinh ra tính nóng nảy dữ dội, triệu chứng đầu tiên của bệnh thần kinh. Phương pháp này là pháp môn Yoga. Giờ đây, tôi nhận xét pháp môn Yoga về phương diện luyện tập xác thân nhiều hơn là về phương diện luyện trí của nó. Theo lý thuyết của Pháp môn Yoga thì con người là một Tinh Thần ở trong một thể xác. Bình thường thì Tinh Thần này không cảm đến xác thân bao nhiêu, nhưng nếu chư huynh luyện tập cho xác thân mình trở nên nhạy cảm, thì khi đó Tinh Thần có thể sử dụng nó như một nhạc khí và những khúc nhạc du dương sẽ nổi lên, những khúc nhạc thần tiên chứ không phải những khúc nhạc Hồng Trần. Những nhà hiền triết định nghĩa khoa Yoga là sự hợp nhất, sự hợp nhất với Thượng Đế. Họ nói rằng: Chư huynh phải tập luyện xác thân. Xác thân của người thường chưa chuẩn bị để thu nhận những luồng thần lực của đời sống cao siêu, chúng sẽ làm cho xác thân đó tan tành ra từng mảnh. Trước khi kêu gọi thần lực tuôn xuống, chư huynh phải chuẩn bị xác thân mình để tiếp nhận nó. Ðể đạt được mục đích đó, người ta đưa ra một phương pháp liên quan đến thức ăn, giấc ngủ và sự tinh luyện xác thân; phương pháp này không làm hại cho sức khỏe, sẽ khiến cho xác thân nhạy cảm hơn rất nhiều, dễ thụ cảm hơn xác thân của người thường. Rồi người ta khuyên phải tham thiền. Do sự tập trung tư tưởng, tinh thần trụ vào sự vật duy nhất và khối óc bị bắt buộc tuân theo kỷ luật đó. Những tín đồ Cơ Ðốc Giáo La Mã cũng luyện theo phương pháp này và lẽ tự nhiên những vị xa lánh trần tục biết cách công phu này nhiều hơn. Những người ngoài đời cũng áp dụng nó để huấn luyện cái trí họ biết vâng lời và khối óc họ được nhạy cảm. Kỷ luật rất khắc khổ cho nên nhiều người không màng giữ giới. Tuân theo kỷ luật này thì không được ăn thịt, vì ăn thịt làm cho xác thân thô trược; xác thân phải nhẹ nhàng, thanh bai, tinh tế, nhạy cảm; không được uống rượu – dưới bất cứ hình thức nào – vì đó là một thứ thuốc độc đối với vài bộ phận của khối óc, những bộ phận mà chư huynh phải sử dụng đến khi tham thiền. Vậy nên tuyệt nhiên cấm uống rượu. Tất cả những cơ năng của sự sống phải được quy định. Không được ngủ nhiều quá hay ít quá. Ngủ nhiều sinh trì trệ, chậm chạp, ngủ ít thì thần kinh sẽ bị kích thích, dễ nổi giận. Khoa Yoga là một phương pháp quân bình tuyệt hảo. Nó có tính cách hoàn toàn khoa học và phải đạt được mục đích vì nó có căn bản nơi những định luật của thiên nhiên. Nhưng nó đòi hỏi nhiều năm thực hành siêng năng trước khi thành công; khi thành công rồi và khi mà xác thân trở nên nhạy cảm, thì lúc đó chư huynh có thể vững tâm mở cửa cho Tinh Thần đi vô và đón tiếp Nó trong đền thiêng tức là cái xác thân mà chư huynh đã tinh luyện để phụng sự Nó. Lúc đó đời sống trở nên có ý thức ở trong tất cả cảnh giới, và những giác quan siêu việt nhất cũng được phát triển dễ dàng như các giác quan thường. Xác thân là cái dụng cụ hoàn hảo nhất của chúng ta, vì nó là cái dụng cụ đầu tiên và tiến hóa nhất, những thể khác (Vía, Trí) còn đang tiến hóa, ta có thể dùng khoa Yoga mà thúc đẩy sự tiến hóa này. Xác thân ta là một dụng cụ có thể phát triển để ứng đáp với những hoài vọng cao cả nhất. Chỉ những điều kiện là khắc khổ; cũng giống thế, tất cả những định luật của thiên nhiên đều không thể cưỡng lại, không thể vi phạm. Nếu chư huynh làm đầy đủ những điều kiện thì thiên nhiên sẽ ứng đáp với chư huynh, không làm đủ những điều kiện thì không bao giờ chư huynh hoạch đắc được những mãnh lực đó, vì định luật luôn luôn bất biến, nó là sự biểu lộ của Thiên ý vậy. Tới đây chúng ta hãy ngừng lại ở ý niệm này trong giây phút.

Sự chết là gì? Nếu tôi trở lại với sự so sánh ở lúc đầu, đó là bộ máy phát động đã rời bỏ toàn thể cái máy lớn, không hơn không kém; bộ máy phát động (cái phách) gồm những phần thanh bai tế nhị nhất trong thân thể ta, nó do những dĩ thái hồng trần cấu tạo ra, trong đó tất cả sức mạnh của sinh lực tác động và nhờ đó mà cái phần dày đặc là xác thân chuyển động, cảm xúc, tư tưởng, và sống; cái bộ máy phát động này để lại phía sau mình nó cái xác thân thô trược. Sự chết chỉ là thế mà thôi, nó không đá động gì đến cái Bản thể thiệt thọ của chư huynh, nó chỉ ngăn cách chư huynh với cái xác thân trong đó chư huynh đã từng sống, cái xác thân mà chư huynh đã lìa bỏ mỗi đêm trong giấc ngủ, vì thế cho nên sự chia lìa này không phải là mới mẻ lạ lùng đối với chư huynh. Xác thân là một cái áo mà chư huynh đã cởi bỏ khi về đến nhà; sự chết chỉ là liệng bỏ một cái áo không cần thiết nữa, vì nó không còn có thể ứng đáp với những nhu cầu của Tinh Thần. Tinh Thần này mới là con người thiệt thọ; thế mà người ta lại sợ chết . . . Nhưng cái lớp áo bên ngoài, cái xác thân này có một điều rất ích lợi nếu chư huynh muốn học tập cách sử dụng nó. Nó có tính cách tự động, chư huynh có thể sai khiến nó làm đúng điều gì mà chư huynh muốn; với một chút kinh ngiệm chư huynh sẽ sử dụng được tính tự động của xác thân để đi đến mục tiêu mong muốn. Thí dụ chư huynh thấy rằng xác thân chư huynh chống cự lại nếu chư huynh bảo nó hành động theo một đường lối nào đó; vậy chư huynh hãy làm cái việc đó một cách đều đặn; rồi sự thực hành này sau sẽ trở thành một thói quen, và khi thói quen này đã trở nên hoàn toàn rồi thì xác thân sẽ làm việc đó một cách tự động máy móc. Trong khi chư huynh ai đã chơi dương cầm hay Vi na (đàn Ấn Ðộ) đều biết rằng trong khi tập đàn lúc đầu, người ta phải chú ý đến mỗi cử động, phải chú ý khi ngón tay khảy dây đàn hay bấm nốt đàn trên phím. Nhưng sau này, khi đã tiến tới, không cần chú ý điều khiển những ngón tay nữa, chúng tự động. Chư huynh không cần phải nghĩ đến những ngón tay thuần thục của mình nữa; tính tự động của xác thân đã khiến chư huynh có thể để cho những ngón tay tự chúng làm cái công việc mà chư huynh đã dạy chúng.


Được sửa bởi Annie ngày Fri Jul 04, 2008 10:17 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2432

Bài gửiGửi: Fri Jul 04, 2008 10:16 pm    Tiêu đề:

Không có một thói xấu nào mà người ta lại không có thể diệt trừ bằng cách sử dụng Ý chí một cách liên tục. Nếu một tư tưởng xấu xa cứ ám ảnh mãi tâm trí chư huynh và nếu chư huynh không muốn như vậy, chư huynh hãy xua đuổi nó đi và lấy một tư tưởng tốt lành mà thay thế nó. Dần dần tính tự động của khối óc sẽ giúp chư huynh và sẽ thay thế chư huynh mà hành động. Chư huynh hay nóng giận, lời nói cộc cằn từ miệng cứ thốt ra mãi; chư huynh hãy bắt cái miệng mình làm thinh. Đừng bao giờ nói mà không suy nghĩ trước. Trong vài tuần lễ, điều này làm cho chư huynh bực bội, khó chịu, rồi sau thói quen trở nên tự động, và không còn cho phép cái miệng được thốt ra một lời nào mà Tinh thần không ưng thuận. Ôi, chư huynh biết được rằng điều này thật dễ dàng. Bước đầu thì khó khăn cũng như tất cả những bước đầu khác, nhưng thiên nhiên đã xây dựng những thể của chúng ta để chúng tuân theo mạng lệnh của ý chí chúng ta, chỉ chúng ta chịu khó tập luyện chúng cho có thói quen vâng lời.

Tôi đã nói về Tinh thần, Linh hồn và Xác thân. Nay tôi xin trình bày trước mắt chư huynh cái hình ảnh của chư huynh. Tinh thần ngự ở phía trên, ở giữa tức là Linh hồn tức là cái lương tri đang thức tỉnh và ở dưới là xác thân. Linh hồn ở quãng giữa có thể có hoài vọng lên cao về phía Tinh thần hay là nó có thể bị lôi kéo về phía xác thân, chính là trong phần hồn xảy ra sự chiến đấu của con người, luôn luôn con người tìm cách trở về với Tinh thần đã sinh ra nó; một mặt khác nó còn bị những dục vọng dữ dội và những sự thèm khát của xác thân lôi cuốn, đây là những điều mà nó phải rán chế ngự ở thế gian này. Nó toan bay lên trời, nhưng trái đất lại níu nó xuống lại; mỗi người đều biết sự chiến đấu này. Tự chư huynh, chư huynh có thể theo sự ước vọng lên cao này, chư huynh chống chọi với những dục vọng thô trược, chư huynh tiến lên về phía Thượng Đế. Ngài ngự nơi chư huynh đây, chư huynh phải làm chủ xác thân, nó phải là kẻ tôi tớ của chư huynh, mặc dù trước kia chư huynh đã cho phép nó đóng vai ông chủ. Nếu chư huynh có một con ngựa rất đẹp, can đảm và bướng bỉnh, thoạt đầu nó không chịu vâng lời, chắc chư huynh không muốn hành hạ nó, trừng trị nó một cách tàn bạo, nhưng chư huynh sẽ huấn luyện nó một cách dịu dàng và thận trọng cho tới khi nó vâng lời chư huynh. Xác thân chính là con ngựa đó vậy. Chư huynh đừng hành hạ nó, đừng đối đãi tàn bạo với nó. Chư huynh hãy huấn luyện nó, hãy uốn nó, nó phải vâng lời theo mệnh lệnh của chư huynh, nó phải vâng theo ý chí của Tinh thần. Năm tháng sẽ trôi qua, và Tinh thần sẽ trở thành vị chủ nhân của xác thân, xác thân sẽ nhờ quyền năng Tinh thần mà được giải thoát và trở nên cái dụng cụ quí báu của Tinh thần tức là của Chúa của nó vậy.

Vậy thì, khi sự tranh chấp nổi lên nơi bản thân chư huynh, khi Chơn Ngã cao cả và bản ngã thấp hèn chiến đấu với nhau, xin chư huynh hãy nhớ rằng tương lai của chư huynh tùy thuộc ở sự lựa chọn của chư huynh đó. Mỗi khi mà chư huynh sa ngã trước những sự quyến rủ thấp hèn, thì những quyến rủ này trở nên mạnh mẽ hơn. Từ nay trở đi, mỗi bước nhượng bộ cho bản ngã thấp hèn sẽ là một cái khoen sắt nối thêm vào, một sức nặng trì xuống ngăn cản chư huynh không cho bay lên cao. Chư huynh hãy lắng nghe lời kêu gọi của Tinh thần: ‘‘Các ngươi thuộc về quyền sở hữu của ta, các ngươi không thuộc về quyền sở hữu của xác thân, ta đã gởi các ngươi xuống trần thế để các ngươi tự giải thoát chứ không phải để trở thành những tên nô lệ.” Nếu chư huynh lựa chọn điều này thì mỗi tháng trôi qua, mỗi mùa Xuân đến, đời sống của chư huynh sẽ trở nên dễ dàng hơn, vui vẻ hơn, mạnh mẽ hơn. Chư huynh vốn dòng giống Thiêng Liêng, những vị Thượng Ðế vị lai chứ không phải là những ma quỉ cần phải chiến thắng. Nếu chư huynh nghe theo Chơn ngã cao cả thì Ðức Thượng Ðế thiêng liêng sẽ hiện đến càng ngày càng rõ ràng nơi chư huynh và chư huynh sẽ biết được sự an tịnh cùng niềm hoan lạc của con người đã tự biết mình, đã sử dụng được xác thân mình như là một dụng cụ, một tên tôi tớ.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân