TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đôi điều với anh T.T TUỆ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đôi điều với anh T.T TUỆ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Fri Feb 20, 2015 9:51 pm    Tiêu đề: Đôi điều với anh T.T TUỆ



Đôi điều với anh T. T TUỆ


   

 ĐÔI ĐIỀU VỚI ANH TÔN THẤT TUỆ
     
Trước hết, em xin thưa với anh rằng em viết bài này chỉ nhằm nói với anh đôi điều thôi chứ chẳng phải là tranh luận gì – nhất là về tín ngưỡng và tôn giáo. Em không dám đụng đến đến Kinh Thánh của đạo Chúa (The Holy Bible) và kinh The Qu’rân của đạo Hồi như anh, em chỉ bàn với anh ba điểm có liên quan đến  Phật học (Buddhology) thôi.

      1- Anh nói theo sự nghiên cứu của Hội Cư sĩ Nhật Bản thuộc tông Nhật Liên thì các kinh Phật giáo là consistent (không mâu thuẫn trước sau) [theo chữ của anh dùng] và hình như anh xem khẳng định ấy là đúng. Thật ra đó chỉ là cái nhìn từ một phía (giống như Đức Phật nói: Năm người mù rờ voi vậy thôi).  

   Cũng giống như kinh Diệu Pháp Liên Hoa (gọi tắt: kinh Pháp Hoa), dưới mắt đại sư Nhật Liên của Nhật Bản (Nichiren, 1222-1282) thì đó là Bản môn Bản hóa, Tích môn tích hóa [dẫn theo J. Takakusu (1866-1945) trong The Essentials of Buddhist Philosophy; bản dịch Việt ngữ Các Tông Phái Đạo Phật của Tuệ Sỹ; Tu thư đại học Vạn Hạnh, Saigon, 1973, trang 262 trở đi. Năm 2007 sách Việt dịch này được in lại dưới tựa Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, nxb Phương Đông, 2007, nằm ở trang 267 trở đi ]; nhưng dưới mắt của đại sư Trí Khải (538-597) của Trung Hoa thì chỉ ra rằng đó là Không, Giả, Trung (sách đã dẫn, trang 348 trở đi) ; và cố Hòa thượng Trí Tịnh (1917- 2014) nương theo lý giải của đại sư Hải Ấn cũng của Trung Hoa thì đó là: Khai, Thị, Ngộ, Nhập, Phật Tri Kiến (Thích Trí Tịnh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, nhà in Hạnh Phúc, Saigon, 1965, trang 330).

      Anh thấy đó, chỉ một quyển Kinh Pháp Hoa thôi mà có đến ba nhận định của quí vị đại sư tiền bối rồi! Huống chi là cả một rừng kinh Phật giáo: ở Nhật với bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh gồm 100 tập với 100. 000 trang ; ở Việt Nam với Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh gồm 69 tập với 69. 000 trang (vì bỏ qua kinh Mật tông).
     
2- Anh lại viết: còn tại Việt Nam mới là cái ổ tầm bậy ; rồi anh dẫn ra hai tu sĩ Thích Nhật Hạnh với Tâm kinh và Thích Trí Quang khi dịch kinh Pháp Hoa. Có hai vị ấy mà anh lại nói đến cả nước Việt Nam “là cái ổ tầm bậy” thì lạ thật. Tôi nói vậy thôi, chứ tôi hầu như không đọc cuốn sách nào của Thích Nhất Hạnh từ khi ông bỏ VN ra ở nước ngoài vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước và lập ra Làng Mai bên Pháp. Còn về kinh Pháp Hoa bản Việt dịch tôi chỉ đọc của Thích Trí Tịnh thôi, tôi không để ý đến các kinh khác mà Thích Trí Quang đã dịch trước 1975 như kinh Thủy Sám v. v.. Tôi chỉ biết trước đây năm 1964 ông là chánh thư ký Viện Tăng Thống PGVN đầu tiên khi đó Đức Tăng thống đầu tiên của VN là cố HT Thích Tịnh Khiết (1890-1973), bổn sư của HT Thích Minh Châu (1920-2012). Cuộc đời của hai vị tu sĩ Nhất Hạnh và Trí Quang xin hãy để lịch sử xét thôi, anh ạ.
     
3- Nói thêm về kinh Pháp Hoa.
      Chúng ta hãy nghe GS Juniro Takakusu (Hán và Việt dịch: Cao Nam Thuận Thứ Lang, 1866-1945), chủ tịch hội đồng san định bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh của Nhật-Bản, như đã đề cập ở trên, nói như sau:
   
 “Chúng ta nên nhớ rằng kinh Pháp Hoa, nguyên đã được Cưu-ma-la-thập phiên dịch thành 7 quyển gồm 27 phẩm. Pháp Hiền tìm kiếm một phẩm nữa (phẩm thứ 28) nên du hành sang Ấn vào năm 475. Khi đến Khotan, ông tìm thấy phẩm về Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) (...) Do đó kinh Pháp Hoa hiện thời có 28 phẩm” (J. Takakusu, sách đã dẫn, bản Việt ngữ của Tuệ Sỹ, trang 192).
     
Để minh chứng cho điều GS J. Takakusu đã nói, tôi xin mở bộ đại tạng kinh Việt Nam, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, 2000, tập 34. Tập này có chép ba bản dịch kinh Pháp Hoa đánh số 262, 263 và 264.
     
      - Kinh Pháp Hoa (bản số 262) với nguyên văn tựa: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy-Tư (từ trang 4 đến trang 284 với phẩm cuối 28: Phổ Hiền Khuyến Phát Bồ Tát).
      - Kinh Pháp Hoa (bản số 263) với nguyên văn tựa: Kinh Chánh Pháp Hoa (kinh Hoa Chánh Pháp). Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng pháp sư Trúc Hộ Pháp, người nước Nguyệt Thị (từ trang 285 đến trang 685 với phẩm cuối 27: Chúc Lụy).
      - Kinh Pháp Hoa (bản số 264) với nguyên văn tựa: Kinh Thiêm Diệu Pháp Liên Hoa. Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa và Cấp-đa, người nước Thiên Trúc (từ trang 687 đến trang 975 với phẩm cuối 27: Chúc Lụy).
     
       Kính chúc anh an khang và tinh tấn.
      Tây Đô, mùng 3 tháng Giêng Ất Mùi (Feb. 21st 2015)
      ĐKP



Về Đầu Trang
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Sun Feb 22, 2015 2:31 pm    Tiêu đề:



Thưa anh Phụng thân mến,
1.- Tôi không bao giờ là một nhà học Phật vì không có lối vào, không biết Hán Tự và Pali/Phạn; tiếng anh pháp chỉ "to have và to be"; nhưng rất thích dịch các bài thấy hay mong có người chỉnh; thường in nguyên bản hay kèm link. Việc học là vậy, còn việc tu thì như vầy
Thuở xưa cách chúng ta chừng ba thế hệ, cha mẹ đưa con đi học nghề lúc con còn nhỏ. Trước tiên đến nhà thầy như ở đợ, mấy năm liền mới cho cầm cây kim (may), cái bay (nề), cái búa (rèn). Nhưng học mộc thì phải xem tướng. Xem tướng lối nầy không như kiểu thầy tướng Diễn, hay ông thầy gì đòi bà tướng phải thoát y 100% để xem tướng cho chính xác (theo Đặng Văn Nhâm). Đơn giản là coi lỗ tai có sát da đầu hay không. Nếu có thì tiếp tục ở đợ vì tai sát da đầu mới kẹp cây viết chì được.
Nếu tu thành Phật như nghề thợ mộc thì tui là đứa bé có hai lỗ tai chẹt bẹt như tai lừa, không kẹp được cây viết chì. Cây viết chì là thiền, gồm thiền đứng thiền ngồi, thiền ôm và mới đây một cựu sinh viên hành chánh bày ra thiền bơi. Thật vậy, không thiền thì không thấy tánh không tức không thấy Phật. Hư tâm kiến Phật, ngộ không giác tha.
Rứa là chẳng tu hành gì, nhưng phải ọ ẹ vài câu không thì bị ghép vào giới vô thần mang vạ vào người.

2.- Tôi không khả năng nói kinh điển của PG có consistent hay không, tôi chỉ nhắc một ý kiến, thì ý kiến đó anh đã dùng ẩn dụ người mù sờ voi của Phật để đánh giá công việc của SGI chỉ quá lắm là thấy được cái ống chân voi. Những điều anh viết trong post nầy cho thấy anh đủ thẩm quyền (lại khoe chữ compétence) để phán định.

3.- Tuy không chủ trương lý sự, tôi xin phép hiểu những điều anh nói trong ví dụ kinh Pháp cho phép tôi nói những công trình về kinh nầy ghép chung dưới một sự duyệt xét đã đạt tỷ số rất cao về consistent; nếu anh cho phép tôi nói consistent không phải là identical như trong huyền thuyết 70 nhà tôn giáo ngồi trong phòng riêng không liên lạc với nhau và bên ngoài mà có 70 bản dịch giống hệt từng chữ, chấm phết; Bible của Do Thái (bộ kinh Septuagint).
Mỗi tông phái có cái nhìn riêng và nhấn mạnh những khía cạnh cần thiết cho lối hành đạo của mình. Ví dụ phái nào muốn đi truyền cho kẻ khác như một cơ duyên để họ tiếp tục tìm hiều thì chú trọng đến phẩm Diệu Trang Nghiêm, hai vị hoàng tử chứng đạo đã về nhà thuyết phục vua cha theo chánh pháp. Phái Tịnh Độ và Niệm Phật chú trọng đến phẩm Phổ Môn (đã chép thành kinh Phổ Môn): ai nghe danh thấy hình (Quán Thế Âm, thị giả của Phật Di Đà) hoặc tâm chỉ thoáng niệm khổ não liền tiêu tan. Nhật Liên Tông thì chú ý đến Phổ Hiền. Vì lẽ nếu QTA trừ những tiêu cực (sóng lớn chẳng chìm đặng, rắn độc bò cạp không nhiểu hại, thuốc độc vô hiệu) thì Phổ Hiến đem lại nhiều tích cực, tích cực nhất là sự an bình.
Những “khuôn thức” như bổn môn, tích môn, khai thị ngộ nhập (mà anh biết rõ hơn ai hết) chỉ là những lối diễn đạt một khía cạnh hoặc vì chưa ai nói tới cho ngắn gọn hoặc viết lại cho dễ hiểu. Tích môn, và bổn môn cùng khai thị ngô nhập không tương phản nhau, trái lại có phần nào consistent, nếu anh không quá khó tính. Tôi chỉ nói cái dễ ở tầm mắt của tôi: bổn môn và tích môn dựa vào hình thức, cách bố trí của 28 phẩm; Tích môn có phẩm Phương Tiện mang nội dung “khai”.
Trong một mức độ trung bình, công việc cấu tạo các khuôn thức trên giống như phê bình văn học. Các nhà phê bình Pháp đã đồng ý hai chữ “Art de litote” để chỉ thế kỷ cổ điển với Molière, Corneil, Racine, La Fontaine, với định nghĩa: peu de mots beaucoup de choses, (chữ ít việc nhiều).
Tiếp theo anh đưa ra một thư mục về kinh PH mà tôi nghĩ không ai có thể làm đầy đủ hơn; từ nguồn  gốc, từ phiên dịch và cả một diễn trình hình thành.
Theo ngu ý, những công việc luận giải, dịch thuật, nhiều trong số lựng, nhiều trong phẩm chất, nhiều loại ngôn ngữ, không có công trình nào đi ngược với các điều căn bản: chúng sinh có thể thành Phật, Phật bình đẳng tưới mưa pháp cam lồ, ai có sức chừng mô thì uống chừng nấy, Phật muốn cho xe to như xe trâu, đừng thấy thiện xảo phương tiên là mâu thuẩn nhau, vì trình dộ chúng sinh mà Phật tạm chia ra ba thừa nhưng chỉ một Phật thừa đưa người đến thành Phật; giá trị con người (Bổ Tát Diệu Âm được Phật Tổ lưu ý khi đến Cõi Ta Bà thấy người nhỏ bé thì không nên khinh vì họ sẽ thành Phạt như mọi chúng sinh khác)
Nếu những dòng trên đây không quá xệ, những gì anh đưa ra về PH đều consistent nhưng không identical.
Tôi không khả năng đi xa hơn để tổng hợp các tạng điển của đại thừa lẫn tiểu thừa.

4. Tôi không làm việc phán xét lịch sử hai vị sư thần thánh của Phật giáo là Nhất Hạnh và Trí Quang. Tôi chỉ nói đến ý kiến nhỏ khi đọc các bài dịch của nhị vị. Khi đề cập đoạng ngắn trong phẩm Phương Tiện dài hơn Tâm Kinh vài mươi chữ tôi đã bị chửi tàn mạc trên email nội bộ khi thắc mắc tại sao Thích Trí Quang lại thêm những chữ (có trong giáo lý) như mười năng lực, bốn thiền, bốn không sợ hải, cùng những câu đệm khi dịch bản hán văn của Cưu Ma La Thập (tôi có so chiếu với bản của Thích Trí Tịnh). Tôi nói rất tiếc hai chữ (chính định) an tường bị mất trong khi nó là điểm chính yếu hàm dưỡng ý nghĩa khuynh hướng thời kỳ Pháp Hoa Niết Bàn.
Tôi đã phạm thượng khi chỉ trích vị Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống 1964 và tác giả hiến chương Phật giáo năm ấy; tôi đã gặp ở gác chuông chùa Xá Lợi mà từ đó thầy nhảy qua Usom /Usaid cùng với anh họ bố vợ tôi mới đi tu chưa được hai tháng với đạo hiệu Đại Đức Thích Nhật Thiện, nếu không thì đã bị cảnh dả chiến bắt giữ hay bắn tại chỗ. Tôi không viết lịch sử nhưng như mọi người không thể ra khỏi lịch sử.
Về sau thầy đã ký nhiều lần trên báo Mỹ yêu cầu vị ân nhân cho thầy khỏi nạn lật đổ chính phủ bù nhìn cho thầy có tự do bầu cử và thương thuyết với Mặt Trận và Bắc Việt. Cũng như anh, tôi đang chờ lịch sử phán xét.
Về trường hợp Nhất Hạnh với Tâm Kinh tôi sẽ tìm lại; nếu không quá nhiều cảm tính tôi sẽ post, còn không tôi sẽ private message cho anh.

5.- Trở lui chuyện consistent, xin trích câu anh viết: Anh thấy đó, chỉ một quyển Kinh Pháp Hoa thôi mà có đến ba nhận định của quí vị đại sư tiền bối rồi! Huống chi là cả một rừng kinh Phật giáo: ở Nhật với bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh gồm 100 tập với 100. 000 trang ; ở Việt Nam với Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh gồm 69 tập với 69. 000 trang (vì bỏ qua kinh Mật tông).
Tôi muốn nói anh rất đúng về phương pháp luận, anh hoài nghi nhóm SGI đã đọc hết cả 100 ngàn trang chưa. Hoài nghi là một yếu tố quan trọng trong phương pháp luận. Nhưng cũng không rõ tổng đàn Nichiren và SGI khi chưa tách nhau có đọc hết hay không; Burton Watson khi dịch kinh PH qua tiếng Anh đã đến nhờ hai tổ chức nầy chỉ điểm và hiệu đính.
Cũng về phương pháp luận, những ai chưa đọc hết 69 ngàn trang (nếu ở VN) hoặc 100 ngàn trang (nếu ở Nhật) mà cam đoan rằng kinh điển PG mâu thuẩn không rõ ràng như Bible hay Coran – nếu làm như vậy – thì họ đã đi quá xa, đã bỏ rơi sự khiêm nhường cẩn trọng (mà Phật nói nhiều lần) của một học giả hay một hành giả.

Thân chúc Ất Mùi tốt đẹp cho riêng anh và gia đình anh,
chuẩn bị thân dậu niên lai kiến thái bình, còn 360 ngày;
let’s count down.


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân