TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bối cảnh trước thời Phật Giáo
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bối cảnh trước thời Phật Giáo

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Tue Aug 14, 2012 11:09 pm    Tiêu đề: Bối cảnh trước thời Phật Giáo

Giới thiệu một bài của Peter Della Santina
Tôn thất tuệ

Hân hạnh giới thiệu  chương thứ hai trong cuốn The Tree of Enlightment của tiến sĩ Peter Della Santina thuộc đại học Chico, California. Tiếp theo phần viết riêng là bản dịch và nguyên tác.

Chỉ nói về con số vô cùng hạn hẹp những tài liệu mà tôi có dịp xem tới, không có nơi nào nói về bối cảnh lịch sử của thời trước khi Phật Giáo hình thành. Vì vậy chương ngắn thứ hai trong cuốn sách của Peter Della Santina gây nhiều chú tâm .
Đầu tiên bắt nguồn từ sự tò mò tìm hiểu về người Aryan. Danh từ ấy rất quen thuộc với chúng ta và được làm nổi bậc vì Hitler đã dùng trong chủ nghĩa độc tôn giống nòi với tất cả những di lụy mà trên mức độ hoàn vũ đã ảnh hưởng đến VN giữa thế kỷ 20.
Đám dân du mục và du cư đã từ Đông Âu đến tiểu lục địa Ấn xâm chiếm và áp đặt một nền văn hóa thế tục và kém văn minh hơn, nhưng rồi cũng bị cọ xát và buộc phải thay đổi theo văn hóa văn minh của kẻ bị trị. Tác giả lượng định mốc thời gian là thế kỷ 18 trước Tây lịch. Các sử gia còn tranh luận giữa xâm chiếm và di dân. Santina không đề cập cuộc bàn cải mà chỉ đơn giản nói đến sự xâm lăng.
Cá nhân tôi, tôi cũng theo quan điểm ấy. Dân Aryan trước khi đến Ấn đã thực hiện các cuộc chiến và sống nhờ các chiến lợi phẩm;  nhân sinh quan và vũ trụ quan của họ rất thích hợp với chiến tranh. Vị thần số một, Indra, là một chiến binh. Thực tế hơn, ngành khảo cổ cho thấy họ đã dùng ngựa và chiến xa. Giao tranh hẳn xuất hiện, theo Rousseau, khi con người biết phân ranh điền thổ. Nhưng sự thuần hóa con ngựa đã đưa chiến tranh lên qui mô rộng lớn. Khảo cổ cũng cho thấy những đống xương người không chôn cất. Như trong bài có nói, người Ấn trước đó đã chú trọng đến các con vật như nai và voi, tượng trưng cho hiền hòa.
Có thể cuộc xâm chiếm dễ dàng vì Ấn lúc ấy đang thoái hóa vì  hạn hán hay động đất đã làm khô nhiều lưu vực, có những thành phố bỏ hoang. Không ảnh tân tiến từ vệ tinh cho thấy một lưu vực bị khô gọi là Hakra nơi sông Savarasti một thời đi qua. Nhưng thung lũng Ấn là một vùng rộng lớn mấy chục lần hơn khu Hakra nên không thể đồng loạt tiêu điều như vùng tai ương hoành hành.
Santina nói từ thế kỷ 15 trước TC, hai nền văn hóa của kẻ ngoại xâm và kẻ bị trị bắt đầu tương tác, mở đầu diễn trình tương nhượng, tương hợp. Theo các sử gia cuộc xâm chiếm của Aryan xẩy ra thế kỷ 19. Nếu hai con số ấy chấp nhận được thì phải mất đến 400 hai bên mới bắt đầu cuộc giao tiếp kéo dài gần ngàn năm cho đến thời Phật Thích Ca.
400 năm của kẻ xâm chiếm thiện nghệ dàn trải trên gần 20 thế hệ đời người. Sử gia quá quen với đơn vị thời gian như thế kỷ, thiên kỷ, trăm năm ngàn năm nên không thấy sự bi đát của đời người ngắn hạn trong cái “sát na lịch sử” của họ. Mà đã bị trị thì nghèo khổ, tâm tư nhầu nát nhất định không sống lâu.
Người Palestine mất nước vào các trại tỵ nạn lúc còn trẻ và  ở mãi cho đến khi cháu ngoại nội đã bằng mình khi bắt đầu bước lưu lạc. Đi cải tạo tám chín năm về thì thấy con đã ngồi trên chiếc xích lô hì hạch chở người kiếm cơm, hay còn tệ hơn nữa, chứ đừng nói chuyện cho chúng đi học vài chữ của Thánh Hiền.
Không rõ hệ thống giai cấp là sáng chế của các kỹ sư tinh thần suy nghiệm tiên thiên hay là nhu cầu thực tế giúp người Aryan cai trị. Kinh Veda nói xã hội phải chia ra bốn cấp: tăng lữ / vua quan chiến sĩ / thợ thuyền thương gia / và nô bộc. Nhưng thực tế có thêm một giai cấp là lớp bần cùng, Intouchable. Như vậy, ít nhất giai cấp thứ năm xuất hiện như một nhu cầu của kẻ thống trị từ phương xa đến.
Người Ấn tại chỗ là giống người Dravidien, da ngâm đen. Họ bị dồn về phía Nam. Khoa truyền sinh (genetic) ngày nay dùng DNA đưa đến kết quả như sau. Lớp người da trắng, giàu có ở phía bắc có nét truyền sinh gần với người Đông Ấu (gốc đồng cỏ của Aryan); người Dravidien phía nam nghèo có nét truyền sinh thuộc giống aboriginal tức Đông Á. Khoa ngôn ngữ cho biết người Dravidien bị dồn ép thành những hòn đảo văn tự từ một gốc chung.
Sự phân chia nầy đã đảo lộn điều mà Santina gọi là dòng sinh mạng thái hòa. Cuộc xâm chiếm bởi Aryan làm liên tưởng đến hai cuộc hành quân bành trướng của Hung Nô và Mông Cổ. Cả hai, nhất là Hung Nô xuất phát từ những cánh đồng cỏ vùng sa mạc như người Aryan.
Sau cuộc xâm chiếm của Aryan hơn hai ngàn năm, Attila thủ lãnh Hung Nô đã tạo nên một đế quốc rộng lớn; rồi từ phía Bắc Âu Á,  tràn xuống Âu Châu vây khổn đế quốc La Mã, suýt chiếm Rome. Attila  tượng trưng cho thần hủy diệt, chính miệng ông nói: Nơi nào có vó ngựa ta đi qua nơi ấy cỏ không mọc được. Nhưng giặc Hung Nô chỉ như một cơn hồng thủy nguy hiểm, nhà cửa tiền bạc thân nhân mất đi; kẻ sống sót tái tục sự sống. Với cái chết ở tuổi 46 (năm 453) của Attila, liên minh Hung Nô tan rả. Họ không để lại những nét văn hóa hay con cháu như người Aryan. (Lý thuyết cho rằng Hung Gia Lợi gốc Hung Nô chưa được chấp nhận hoàn toàn. Khảo cổ khai quật nhiều vật dụng của người Hung Nô vì Attila đặt bản doanh trong khu vực nầy trong chiến dịch đánh Âu Châu, chính Attila chết trong thung lung Tisza xứ nầy. Một nhóm đang xin chính quyền công nhận qui chế thiểu số gốc Hung Nô).
Cũng từ các đồng cỏ, ngay đầu thế kỷ 13, Thành Cát Tư Hãn đã thành lập đế quốc Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn đánh chiếm cả nước Nga và đổ xuống Âu Châu, chiếm một diện tích gấp bốn đế quốc La Mã. Hoạt động quân sự Mông Cổ có phần nào giống cuộc điều binh của Hung nô; nghĩa là làm điêu đứng thiên hạ vẫy vùng khắp nơi rồi cũng phải triệt thoái. Nhưng hậu sinh khả úy, họ rút về quê quán, chỉnh đốn hàng ngũ, rồi trở lại con đường của Hung Nô là đánh phá Trung Hoa. Vạn Lý Trường Thành không ngăn được Hốt Tất Liệt như nó được xây để chống bắc xâm. Người cháu nội nầy của Thành Cát Tư Hãn đã lập nên nhà Nguyên; triều đại đầu tiên của Tàu do người ngoại quốc làm thiên tử và người Hán bị ở vào thế thứ dân.
Việc xâm chiến nước Tàu đã rõ ràng không còn cải vả như trường hợp Aryan đến thung lũng Ấn. Nếu dân đồng cỏ Tây Âu áp đặt một nền văn hóa mới hết sức khác biệt và phải mất cả ngàn năm mới gọt bớt các góc nhọn để tương tác với địa phương – Mông cổ đã tự nguyện biến thành Tàu, đến mức hầu như bảo hoàng hơn vua. Nhà Nguyên đã nhìn quê nội Mông Cổ như một nước láng giềng, một quốc gia như các quốc gia khác trong bang giao quốc tế.
Vào lúc ấy, nước Tàu văn minh nhất thế giới. Thế kỷ 13, Âu Châu còn trong thời Trung Cổ xa cách thời Phục hưng đến 200 năm. Trường hợp nhà Nguyên là ví dụ điển hình cho lý thuyết văn hóa nhân bản siêu việt sẽ thắng cái bạo tàn hung hăng của kẻ cướp nước.
Tuy vậy nhà Nguyên vẫn bạo tàn như bao giờ. Sử sách Trung Hoa nói đế quốc Mông Cổ đã sát hại 30 triệu người, và dưới triều Nguyên nước Tàu mất đi một nửa dân số.
Hai cuộc chiến nầy dùng để minh chứng tầm quan trọng của việc thuần hóa con ngựa và tính cách hiếu chiến của các dân du mục sống trên truông cỏ sa mạc đã quen chinh phục ngoại cảnh. Gobi của Thành Cát Tư Hãn là sa mạc khắc khe nhất. Phần lớn là đá trơ; ban trưa nước gần như sôi ban tối nước thành băng. Mông Cổ đã tìm cách huấn luyện ngựa chạy trên băng, việc làm duy nhất của kỵ binh thế giới.
Tuy cố tránh cảm tính động chạm, tôi cũng xin nói đến lưu ý của các nhà nhân chủng học về nguy hiểm của tâm thái sa mạc (mentalité désertique) khắc khổ và không tương nhượng của các tôn giáo ở Trung Đông trong đó có Muslim.
Lại nói chuyện về sau. Thế kỷ thứ năm tTC, tiểu lục địa Ấn bị Hy Lạp chiếm đóng với đạo quân của A Lịch Sơn (Alexandre Đại Đế) để bị sáp nhập vào đế quốc Hellenique. Năm 321 tTC Chandragupta Maurya đã lật đổ nền cai trị ngoại bang và lập nên đế quốc Maurya. Cháu nội của ông kế nghiệp thành vua Asoka danh tiếng trên nhiều lãnh vực mà ai cũng biết.
Nhưng Asoka là thời cực thịnh nên sự đi xuống của đế quốc nầy được đánh dấu bởi sự thành lập vương quốc Ấn Hy do người Hy Lạp cầm đầu trong suốt hai thế kỷ cho đến năm 10 sau công nguyên.
Trội nhất là Memander trị vì từ 155 đến 130. Ông đã theo Phật giáo sau một cuộc vấn đáp vô cùng khó khăn với tỳ kheo Nagasena. Ghi ký cuộc thảo luận nầy thành cuốn Milinda Panha trong kho tạng điển Pali, một trong những kinh quan trọng nhất của Theravada. Bản dịch ngắn của Cao Hữu Đính và dài của Thích Giới Nghiêm mang tựa đề Kinh Na Tiên. Milinda có công giúp truyền bá PG qua Hy Lạp và cả đến Ai Cập. Nhiều vị sư Hy Lạp cũng đi truyền đạo.
Sự hiện diện của người Hy Lạp lần thứ hai không gây xáo trộn nhiều. Ngay ông nội của Asoka cũng lấy vợ người Hy Lạp và những đám cư dân Hy Lạp tiếp tục sống dưới triều vua Ấn. Điểm quan trọng nhất, người Hy Lạp đã đưa nghệ thuật điêu khắc mang hình thể Phật và các Bồ tát. Trước đó, khi cần chỉ dùng những dấu hiệu như bánh xe chuyển pháp. Những tượng to lớn như ở Vũng Tàu cũng nằm trong đường hướng nghệ thuật nầy. Hai bức tượng lớn ở Afganistan đã bị Taliban phá hủy vào thời chiến tranh mà Mỹ nói chống khủng bố.
Vùng đất phì nhiêu Ấn lại bị xâm chiếm bởi người Hồi trong tinh thần một tôn giáo vùng sa mạc.
Trở lại bài chính, tác giả Santina muốn nhấn mạnh rằng hai nguồn tư tưởng khác biệt và trái ngược sau cả ngàn năm đã nhập chung và không thể phân biệt ngay cả cho đến ngày nay. Một nhận định quá tổng quát quá to lớn, to lớn về địa dư, to lớn về thời gian ….Cho nên thật khó lòng mà nói đúng hay sai.
Nhưng Ấn Độ có truyền thống dung hợp. Dù có khó tánh chăng cũng phải thừa nhận nền văn minh cổ thung lũng Indus đầy nhân ái, nghĩ đến những chuyện bên kia bờ sống chết. Hãy tưởng tượng sau một thời gian khá lâu chịu đựng, người bản xứ bị trị chấp nhận thái độ sống riêng hòa bình. Họ lấy tính chất thế tục của Aryan làm một thứ hình nhi hạ (vì thiếu chữ) quân bình cho cái hình nhi thượng của mình.
Tuy vậy trên thực tế, kẻ xâm chiếm bao giờ cũng ở thế mạnh, tìm mọi cách áp đặt mọi việc theo ý mình. Xã hội nào cũng tổ chức thế nào có lợi cho giai cấp cầm quyền. Aryan chỉ chấp nhận lối sống định cư nhưng không chối bỏ quan niệm tôn giáo của mình. Các nhà xã hội học thường nói dân bị trị chỉ chấp nhận như một thực tế nhưng không tiếp nhận vào mình, accepting not adopting, not embracing. Bạn sẽ nghĩ gì nếu sống trong thành phố mang tên Bucephala. A Lich Sơn đã sát hại dân cư và đập nát từng đô thị trong cuộc chinh phục xứ Ấn; ông đã đặt tên ấy cho một thành phố mới xây trên chiến địa để vinh danh con ngựa Bucephala đã đưa ông từ Hy Lạp đến Ấn và đã chết trong trận chiến quanh vùng. Đặt tên là Alexandre người ta còn chưa chịu huống là tên con ngựa.
Chừng hơn một ngàn năm sau khi Aryan vào Ấn, các tôn giáo trong nhóm gọi là shramana hoạt động mạnh mẽ. Shramana tên gọi chung cho các tôn giáo tin vào luân hồi và tìm cách giải thoát khỏi sinh tử. Nhóm nầy hoàn toàn dựa vào văn hóa cũ của thung lũng Indus, tách biệt văn hóa Veda của Aryan. Trội yếu nhất là Phật Giáo và Kỳ Na Giáo (Jainism).
Vì vậy quan niệm của Santina có thể hiểu theo lối Khổng Tử, hòa nhi bất đồng (quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa).
Santina cho rằng sự hòa hợp ấy có nguyên do từ những thay đổi lớn trong lối sống để đi đến một xã hội đa dạng vào lúc Phật giáo ra đời. Qua sự trình bày trong bài, sự thay đổi từ phía Aryan nhiều gấp bội so với dân địa phương, chúng mang tính chất thế tục và vật chất, như văn hóa Aryan vẫn đã thế tục từ trước. Chúng rất thuận lợi và dễ dàng cho Aryan.
Thật vậy, đã mang trong người tính chất thế tục, nay tiến chiếm xứ người, của cải giàu sang, nhiều và nhiều hơn những đồ tế nhuyễn trên lưng ngựa, nhà cửa đất đai, thì ngồi mà hưởng đi đâu cho mệt. Việc định canh định cư, đô thị hóa là việc đương nhiên, vả lại đã có sẵn kinh nghiệm và kỹ thuật của kẻ bị trị. Không những thế, hãy tưởng tượng qua những kinh nghiệm gần hơn, từ hoang sơ rừng rú đến cuộc sống đô hội, người mới rất ngố và đi vào con đường vật chất xa hoa vô tội vạ từ sự giàu sang mà Santina gọi là chiến lợi phẩm.
Tác giả nói đến sự xuất hiện các thương gia. Nhưng không cần phải có cuộc đột nhập nầy mà thương mãi mới thành hình. Thung lũng Indus phì nhiêu, canh nông phát triền thì việc buôn bán phân phối tự nhiên ra đời theo các diễn trình phát triển khắp nơi. Với cái phồn vinh không giả tạo lấy trên tay người, thay đổi từ thiếu thốn qua giàu sang, từ du cư đến định cư trên đất phì nhiêu thật dễ, nếu không muốn nói quá dễ, tuy rằng lắm khi hơi ngố.
Nhưng đòi hỏi sự thay đổi về tâm linh để chấp nhận một nhân sinh quan hay vũ trụ quan trái ngược thì hầu như không thể có ngoại trừ lớp người tán tận lương tâm. Cho nên như trên có nói, accepting mà không adopting. Về lâu về dài, sự im lặng êm ả bên ngoài có thể chỉ là sự nhẫn nhục. Kẻ mạnh vào nhà thì phải gọi chúng bằng anh. Thói quen (qua nhẫn nhục) theo tiếng Pháp là một cái giảm âm bớt khổ và thành luật sống (En faisant lois, habitude devient une sourdine de souffrances).
Có thể chủ quan mà mường tượng rằng văn hóa thống trị của Aryan tạo nên tình trạng vong thân xa lìa từ phía dân chúng. Những tư tưởng mà thi sĩ Gordon của Anh nói là đã hóa thạch (fossilized) tồn tại như sương phủ Hy Mã Lạp Sơn, những tư tưởng ấy sống trong dân chúng qua vô số tôn giáo gọi là Shramana như có nói trên. Và chính thái tử Tất Đạt Đa cũng theo học các môn phái khổ hạnh trong nhóm nầy. Sự tách biệt ấy cũng có thể là nguyên do tạo nên những sự thờ cúng tín ngưỡng kỳ quái từng địa phương như những chiếc áo giáp trước sức tấn công của người xâm chiếm.
Sự kiên cố ấy đưa đến ghi nhận sau đây của Santina:
Mặc dù người Aryan đã đô hộ về vật chất nền văn minh tại chỗ của bán lục địa Ấn, một ngàn hay hai ngàn năm sau chứng kiến họ chìm dần trong ảnh hưởng của thái độ tôn giáo và cách hành đạo cũng như các giá trị xuất phát từ tôn giáo của văn minh Thung lũng Indus. Do đó, từ khi bắt đầu công nguyên, ngày một thêm khó trong việc phân định truyền thống Aryan và truyền thống Thung lũng Indus.
Cho đến đầu công nguyên thì cũng phải mất 15 thế kỷ trong đó PG đã đóng góp 6 thế kỷ. PG không chống đối phá phách, luôn nhấn mạnh dung thông vô ngại. Đường lối đã được nêu trong kinh Pháp Hoa: diễn pháp thì phải mặc áo Như Lai, ngồi nhà Như Lai; chỉ nói giáo pháp của mình, không chỉ trích ai; chánh pháp là ánh sáng thì bóng tối tự tan biến. Asoka tuy là vị Phật vương quyền thế vẫn chủ trương kính trọng tăng lữ Ba La Môn và mọi tôn giáo, chỉ trừ việc cấm sát sanh để cúng tế.
Mặt khác tiểu lục địa nầy đã giao tiếp văn minh Hy Lạp (Hellenique) với nền học thuật cổ điển từ Socrate. Vương quốc Ấn Hy chấm dứt năm 10 sau công nguyên. Đây muốn nói sự rộng rãi phóng khoáng của nhiều luồng tư tưởng sống chung. (Aryan có tôn giáo phần nào giống Hy Lạp, họ không mang theo học thuật của xứ nầy).
Về phương diện Phật học thuần túy,  theo tinh thần bài viết, PG đã có nguồn cảm hứng từ văn minh Indus, thừa hưởng những điều có ý nghĩa từ cái nôi văn minh ấy. Theo Santina, PG có vay mượn vài yếu tố nhỏ trong nguồn tôn giáo Aryan nhưng chỉ có giá trị ngoại biên. Ông viết: Có thể hiểu rằng Đức Phật muốn nêu rõ nguốn gốc tôn giáo mà Ngài quảng diễn nằm trong văn minh Thung lũng Indus khi Ngài nói rằng con đường Ngài dạy là con đường xưa và mục đích Ngài nêu ra cũng là mục đích xưa. PG xác nhận có sáu vị cổ  Phật đã thành đạt rực rỡ trước Phật Thích Ca. Điều nầy cho thấy sự tiếp nối giữa văn hóa tôn giáo Thung lũng Ấn và các giáo lý của Đức Phật.
Trích dẫn nầy sẽ làm thất vọng những ai cho rằng chỉ có Phật mình mới số một, rằng PG là cái tinh anh tinh hảo, rằng hoa sen hiện diện chỉ để làm biểu tượng cho Phật giáo, nó phải mang những ý nghĩa thực vật để minh họa cho giáo lý.
Ở chương nầy, Santina đứng trong phạm vi lịch sử. Liên tưởng đến Khổng Tử tự ghi nhận công trạng của mình chỉ là thuật nhi bất tác (viết lại kinh xưa). Nhưng nếu đưa vào quan niệm chân lý như nhiên, điều nầy lại đúng thêm. Phật luôn nói đến Tam Thế Chư Phật. Quá khứ hiện tại và tương lai đều chỉ có một chánh pháp. Trong Kinh A Di Đà, Phật mười phương (bản hán văn chỉ có sáu phương) đều nói một lời như nhau: thuyết thành thiệt ngôn.
Sự tương tác dung hòa được thực hiện hầu như một chiều. Những tôn giáo xuất phát từ hậu cứ Veda bỏ thêm vào kinh điển của mình ý niệm về nghiệp, cõi hồng trần, chứng ngộ tự thân và nhiều nữa.  Những điều ấy, trên mức độ rộng lớn, trái với tín ngưỡng căn bản của Aryan. Chứng ngộ tự thân thì không cần sự trung gian của tăng lữ, không cần tế tự sát sanh.
Santina có phần lý tưởng hóa. Nhưng với những con mắt trần tục, thích lý sự cùn – đó là cuộc xào nấu để hấp dẫn quần chúng. Phật thành một công cụ của thần Vishnu đánh dẹp quỉ ma ra khỏi vùng trời Veda.
Ronald Inden notes:
"before the eighth century, the Buddha was accorded the position of universal deity and ceremonies by which a king attained to imperial status were elaborate donative ceremonies entailing gifts to Buddhist monks and the installation of a symbolic Buddha in a stupa....This pattern changed in the eighth century. The Buddha was replaced as the supreme, imperial deity by one of the Hindu gods (except under the Palas of eastern India, the Buddha's homeland)...Previously the Buddha had been accorded imperial-style worship (puja). Now as one of the Hindu gods replaced the Buddha at the imperial centre and pinnacle of the cosmo-political system, the image or symbol of the Hindu god comes to be housed in a monumental temple and given increasingly elaborate imperial-style puja worship. (Wikidepia)
PG không hẵn là toàn thân của nguồn tín ngưỡng thung lũng Indus nhưng là một tôn giáo từ gốc nầy có ảnh hưởng sâu đậm trong thời chánh pháp (500 năm từ khi có Phật). Giai cấp nghèo đã đi theo như một giải phóng xã hội và tâm linh.
Nhưng vào thời tượng pháp (sau 500 năm) các căn bản chính truyền đã thay đổi, mất dần hậu thuẩn xã hội. PG đã bị lung lạc bởi Ấn Giáo để rồi nhìn qua thì hai thứ ấy giống nhau. PG từ từ phải ra đi khỏi Ấn tuy chưởng cuối cùng bị đánh từ Muslim, đánh dấu bởi sự đốt phá đại học và thư viện Nalanda.
Như vậy điều tôi mạo muội nêu trên – hòa nhi bất đồng – cũng không hòa cho lắm. Về mặt xã hội, vẫn có những xáo trộn tôn giáo đưa đến chém giết và phá phách.
Lịch sử Ấn được đánh dấu bằng các mốc quan yếu là các cuộc xâm lăng của các bộ lạc du mục. Những xung đột ấy luôn kèm theo các vấn đề tôn giáo tín ngưỡng. Trong lúc ấy nước Tàu rộng lớn chỉ có xáo trộn về chính trị, thay ngôi đổi chủ, can qua không kém gì ai, nhưng nếp sống vẫn như cũ trên những đường nét chính. Cũng như triều Trần qua triều Lê, na ná giống nhau nhưng lịch sử với sự độ hộ của Pháp đã qua một ngoạch khác.
Thế kỷ 13, người Muslim đã chiếm Ấn trong một cuộc điều binh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người.

[size=18][color=red]
Bối cảnh trước thời Phật Giáo
[/size][/color]Peter Della Santina
Mặc dù thông thường các bài nghiên cứu về Phật Giáo (PG) bắt đầu với đời sống của vị sáng lập tôn giáo nầy là Đức Phật, tôi mong muốn xem xét hoàn cảnh trội yếu ở Ấn Độ trước thời của Ngài, tôi muốn nói bối cảnh trước khi PG ra đời. Tôi hoàn toàn tin rằng một cuộc cứu xét như vậy rất ích lợi vì nó giúp chúng ta hiểu đời sống và giáo lý của Ngài trong một khung cảnh lịch sử và văn hóa rộng lớn hơn. Lối xem xét ngược dòng ấy có thể cho chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của PG nói riêng, và có lẽ nói chung, tổng quát bản chất của triết lý và tôn giáo Ấn Độ.

Xin bắt đầu xem xét nguồn gốc và sự phát triển triết học và tôn giáo Ấn với một sự tương tự địa dư. Ở phương bắc của tiểu lục địa Ấn có hai con sông lớn: sông Hằng và sông Yamuna. Hai con sông lớn ấy bắt nguồn từ hai nơi khác biệt trong Hy Mã Lạp Sơn; hầu như suốt cả dòng luân lưu, chúng cũng tách riêng. Dần dà, chúng tiến gần nhau để rồi gặp nhau trong đồng bằng Bắc Ấn , gần nơi hiện nay là thị trấn Allahabad. Từ điểm qui hợp ấy chúng cùng nhau chảy vào vịnh Bengal.
Địa lý của hai con sông to lớn ấy gợi lên ý niệm về nguồn gốc và sự phát triển của triết học và tôn giáo Ấn, bởi vì trong văn hóa Ấn giống như trong địa dư Ấn , có hai nguồn tư tưởng lớn nguyên gốc đã khác nhau và mang hai bản sắc tách biệt. Qua bao thế kỷ, dòng luân lưu của hai nguồn ấy vẫn tách biệt và khác biệt nhưng đến một lúc nào đó, chúng tiến gần nhau, nhập chung với nhau và tiếp tục luân lưu cùng nhau, không thể phân biệt rời nhau, chảy mãi cho đến ngày nay. Có lẽ khi xúc tiến suy xét văn hóa Ấn trước PG, chúng ta nên ghi nhớ hình ảnh hai con sông to lớn ấy, với nguồn gốc khác nhau nhưng ở một điểm nào đó gặp nhau để cùng tiếp tục ra biển.
Khi nhìn ngay vào tiền sử Ấn, chúng ta thấy rằng trong thiên kỷ thứ ba tTC (trước Thiên Chúa), trên tiểu lục địa nầy đã có một nền văn minh phát triển cao độ. Văn minh nầy cũng lâu năm không kém văn minh Ai Cập và Ba Tư (hai thứ được xem là các nôi sinh văn minh con người). Nó bung nở từ 2800 đến 1800 tTC và được gọi là văn minh Thung Lũng Indus (TLI), hay văn minh Harappan. Nó trải rộng từ nơi bây giờ là Tây Hồi, xuống phía Nam đến tận Bombay, chạy sang đông đến gần Shimla dưới chân Hy Mã Lạp Sơn.
Nhìn bản đồ Á Châu, bạn sẽ thấy ngay khung dạng bao la của văn minh TLI. Không những vững chắc một ngàn năm, nó còn rất tiến bộ về vật chất lẫn tinh thần.
Về vật chất, văn minh TLI thuộc nông nghiệp, biểu lộ một kỹ năng cao cấp về dẫn thủy và kế hoạch hóa thành thị. Có bằng chứng cho biết người dân trong nền văn minh nầy đã tiến tới một hệ thông toán học đặt trên mô thức nhị phân (binary) giống như trong computer hiện nay. Dân chúng biết chữ và đã phát triển một hệ thống ký tự cho đến nay không ai giải mã được. Thêm vào đó, nền văn minh nầy đã phát sinh một nền văn hóa tinh thần ở tầm mức cao rộng. Các cuộc khai quật khảo cổ ở hai địa điểm chính Mohenjo-daro và Harpara minh chứng việc nầy.
Dòng sinh mạng thái hòa của nên văn minh vĩ đại xưa cổ nầy đột nhiên bị ngưng chận trong khoảng 1800 đến 1500 tTC bởi một cuộc xâm lăng.
Chắc chắn cùng lúc hay ít lâu sau sự lụn bại của nền văn minh nầy, tiểu lục địa bị xâm chiếm từ phương tây bắc – cũng giống như mấy thế kỷ sau, người Hồi cũng chiếm Ấn từ phương hướng nầy.
Lần nầy dân xâm chiếm được biết là người Aryans. Danh từ nầy để chỉ một bộ tộc nguyên gốc ở Đông Âu, có lẽ từ các truông cỏ không cây hiện nay ở Ukraine và Ba Lan. Người Aryan rất khác với dân trong TLI.
Nếu dân địa phương sống về nghề nông và định canh, người Aryan du cư và chăn nuôi theo đồng cỏ. Họ không quen lối sống thành thị, phần lớn sống nhờ các sự chiếm đoạt khi chinh phục các dân tộc mà họ đô hộ trên đường di dân. Khi người Aryan đến Ấn, họ áp đặt một nền văn minh thống trị; sau giữa thiên kỷ thứ hai tTC, xã hội Ấn hoàn toàn bị chi phối bởi các giá trị Aryan.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét thái độ tôn giáo của dân chúng trong hai nền văn minh TLI và Aryan. Đây là điều đáng chú tâm. Như đã nói trên, văn minh TLI đã có chữ viết nay chưa ai đọc ra. Tuy vậy, sự hiểu biết về nền văn minh nầy dựa vào hai đầu mối: các phát giác khảo cổ ở Monhejo-daro và Harapppa cùng các ký liệu người Aryan mô tả thái độ tôn giáo và các tín ngưỡng của sắc dân mà họ đến đô hộ.
Các cuộc khai quật phát lộ một số biểu tượng quan trọng đối với dân chúng trong văn minh TLI. Những biểu tượng ấy có ý nghĩa tôn giáo, và chúng cũng mang tính chất thiêng liêng trong PG. Trong số đó có cây bồ đề và các con vật như voi và nai. Nhưng có ý nghĩa nhiều nhất là hình ảnh người ngồi xếp bằng (chéo chân), hai tay để trên hai đầu gối, mắt lim dim – chắc hẵn  gợi lên tư thế nhập định. Nhờ khảo cổ và các bằng chứng khác, các học giả hàng đầu đã kết luận rằng thiền định và yoga xuất phát từ văn minh TLI.
Hơn thế nữa, khi nghiên cứu việc mô tả việc hành đạo của dân TLI trong các ký liệu xưa cổ nhất của người Ayan –tức bộ Vedas, người ta tìm gặp nhiều lần hình ảnh đạo sĩ khổ hạnh du hành. Các người khổ hạnh ấy trì hành các phương pháp huấn luyện tâm thức, sống độc thân, khỏa thể hay chỉ mặc rất đơn sơ, không có chỗ ở nhất định, họ dạy đạo lý xa vượt trên sự sống chết.
Các chứng cớ trong khảo cổ và các tài liệu của người Aryan đã  đủ để thấy các nét trọng yếu. Thứ nhất là thiền định, hay tu tập huấn luyện tâm. Điểm thứ hai là việc ly gia, tức là từ bỏ đời sống gia đình, sống khổ hạnh vô gia cư, khất thực. Thứ ba là quan niệm tái sinh hay luân hồi tiếp tục một chuổi dài vô tận các kiếp sống; thứ tư là ý nghĩa của trách nhiệm luân lý rộng lớn hơn cuộc sống hiện tại, nói khác đó là một lối quan niệm về nghiệp. Và cuối cùng là mục tiêu tối hậu của đời sống tôn giáo, nói rõ là mục đích giải thoát, khỏi sự khống chế của chu kỳ sinh tử vô tận. Đấy là những đường nét trội yếu về tôn giáo của nền văn minh cổ sơ của Ấn.
Tiếp theo, chúng ta hãy xem xét tôn giáo của người Aryan mới đến, một thứ tôn giáo hoàn toàn đối nghịch với tôn giáo TLI. Thật vậy, thật khó lòng tìm ra hai đạo nào lại khác nhau triệt để như vậy. Tạo ra một bức ảnh về thái độ và hành đạo của người Aryan thật dễ dàng và đơn giản hơn đối với trường hợp Ấn. Khi đến tiểu lục địa nầy, người Aryan mang theo một tôn giáo có bản chất hoàn toàn thế tục. Họ là một xã hội chủ trương bành trướng, một xã hội đi tiên phong khai phá mở đường. Họ có gốc từ Đông Âu và tôn giáo của họ, trên nhiều khía cạnh, giống như tôn giáo cổ đại Hy Lạp.
Nhìn tổng lược các thần linh Hy Lạp, bạn thấy ngay sự song đôi. Người Aryan tôn thờ một số thần linh như những nhân thể  hóa các hiện tượng thiên nhiên, vài ví dụ ít ỏi: Indra (chẳng khác Zeus) thần sấm chớp; Agni, thần lửa, Varanu, thần nước.
Nếu trong hệ thống giá trị tôn giáo TLI, người khổ hạnh mang hình ảnh vào mức thượng thừa thì trong cơ cấu tôn giáo Aryan, tu sĩ quan trọng nhất. Nếu trong hệ thống giá trị tôn giáo của TLI, sự thoát tục chiếm địa vị tổng thể thì trong hệ thống Aryan, người của gia đình, hay người giữ gia nghiệp, có địa vi cao quí nhất. Nếu trong văn hóa tôn giáo TLI, giá trị của hậu duệ không được chú trọng thì người Aryan đặt chuyện hậu duệ, nhất là con trai, vào thứ tự ưu tiên cao nhất.
Tôn giáo trong văn minh TLI nhấn mạnh việc quán tưởng trong lúc đức tin Aryan dựa vào việc cúng tế; mà cúng tế là phương tiện hàng đầu của họ để giao tiếp với thần linh, bảo đảm chiến thắng, có con trai và giàu có, và sau cùng được lên trời. Văn minh TLI du nhập quan niệm tái sinh và nghiệp, những điều mà người Aryan không biết đến. Ý niệm về trách nhiệm luân lý vượt trên đời sống hiện tại là điều xa lạ với người Aryan, với họ giá trị xã hội to lớn nhất là sự trung thành với tập thể, một đức tính được ung đúc đóng góp xây dựng sức mạnh và sự vững chắc của bộ lạc. Sau cùng, mục đích tối thượng của đời sống tôn giáo Ấn là sự giải thoát, trạng thái siêu thăng khỏi sự sống chết, trong lúc ấy với người Aryan mục tiêu ấy đơn giản chỉ là cõi trời; mà cõi trời ấy cũng giống như thế giới nầy chỉ có khác là hoàn thiện hơn.
Tóm lược, một bên, tôn giáo của nền văn minh TLI chú tâm đến việc thoát tục, quán niệm, tái sinh, nghiệp và cuối cùng là giái thoát, còn bên kia tôn giáo Aryan nhấn mạnh cuộc đời nầy, cúng tế theo nghi thức, trung thành, giàu có, con cái, quyền lực và cõi trời. Như vậy đã rõ toàn bộ thái độ tôn giáo, cách hành đạo và các giá trị của hai nền văn minh xưa tại Ấn Độ hầu như đi ngược nhau 180 độ. Tuy thế, xuyên qua hằng thế kỷ sống chung, hai nguồn tôn giáo ấy đã gặp nhau và trên thực tế không thể phân biệt rời nhau.
Văn hóa tôn giáo Aryan, ngoài ra, được đánh dấu bởi hai yếu tố xa lạ với nền văn minh Ấn. Đó là, thứ nhất, giai cấp (việc chia xã hội thành những đẳng cấp xã hội), và thứ hai, tin tưởng vào quyền năng và sự bất hoặc của mặc khải, ở đây muốn nói  kinh điển xưa gọi là Vedas (Vệ Đà)
Lịch sử tôn giáo Ấn từ 1500 tTC đến thế kỷ thứ sáu tTC (nghĩa là thời Đức Phật) là lịch sử của sự tương tác giữa hai dòng tư tưởng nguyên thủy đối nghịch nhau. Khi dần dà chuyển về phía đông và phía nam để an lập và gieo ảnh hưởng văn hóa trên hầu hết bán lục địa, người Aryan chấp nhận một lối sống có nhiều tính cách định cư hơn. Từng chút một, các nền văn minh tôn giáo đối nghịch của hai dân tộc bắt đầu tương tác, ảnh hưởng nhau, và đi đến việc cùng đi chung. Đó là hiện tượng mà tôi nghĩ tưởng trước đây khi nhắc đến việc hội nhập của hai con sông lớn của Ấn, sông Hằng và Yamuna.
Vào thời của Đức Phật, một nền văn hóa tạp lục đa dạng đang bung nở khắp nước Ấn. Nhìn sơ qua vài sự kiện trong cuộc đời Ngài cũng đủ chứng minh việc nầy. Ví dụ, sau ngày đản sinh, có hai nhóm người khác biệt đã tiên đoán tương lai rực rỡ của Ngài. Lời tiên tri thứ nhất là của Asita, một đạo sĩ khắc khổ sống trong rừng nhưng các ký liệu về Đức Phật đều viết rằng Asita là một Ba La Môn, thuộc giai cấp tăng lữ trong xã hội Aryan. Điều nầy là một chứng cớ rõ ràng về sự tương tác của hai truyền thống tôn giáo cổ đại, nó cũng cho biết rằng vào thế kỷ thứ sáu tTC ngay cả người Bà La Môn cũng đã bắt đầu bỏ cuộc sống gia đình và chấp nhận lối sống vô gia cư theo hạnh khắc khổ, điều không thể xẩy ra ngàn năm trước. Tiếp theo là chuyện 108 vị Bà La Môn được mời đến dự buổi lễ đặt tên cho ông Phật trẻ nầy và họ cũng tiên đoán tương lai rực rỡ của chú bé. Họ rõ là những tăng lữ chưa ly gia và đang hành đạo theo đường lối chính thống của giai tầng Aryan.
Làm sao hai truyền thống khởi thủy khác biệt nay có thể hội nhập vào nhau? Theo tôi, câu trả lời nằm trong các sự thay đổi sâu đậm xẩy ra trong đời sống dân Ấn từ giữa thiên kỷ thứ hai tTC và thời Đức Phật. Sự bành trướng chấm dứt khi người Aryan đã trải khắp các cánh đồng Ấn; nó đưa đến các thay đổi xã hội, kinh tế và chính trị.
Trước nhất, lối sống theo bộ lạc, du cư và chăn nuôi theo đồng cỏ của người Aryan đã dần dần mang hình thái ngày càng ít di chuyển, hướng về canh nông và sau đó mang tính cách đô thị. Mà người sống trong những tập hợp đô thị xa rời các sức mạnh thiên nhiên mà người Aryan xưa đã nhân thể hóa thành những thần linh.
Thứ đến, thương mãi trở nên ngày một quan trọng. Trong khi trước đây tăng lữ và chiến sĩ là hai hình ảnh trội yếu trong xã hội Aryan – tăng lữ vì liên thông với thần linh; chiến sĩ vì điều động chiến tranh chống kẻ thù của bộ lạc và đem chiến lợi phẩm về - ngày nay thương gia bắt đầu đi lên. Trong thời của Phật, xu hướng nầy rất rõ ràng qua các đệ tử nổi tiếng thuộc giới thương gia, ví dụ ông Cấp Cô Độc.

Sau cùng tổ chức xã hội theo đường hướng bộ tộc dần dần thành lỗi thời, và quốc gia có lãnh thổ bắt đầu hình thành. Xã hội không còn được tổ chức thành những bộ lạc móc kín với nhau bằng những sự trung thành cá nhân. Mô thức bộ lạc của tổ chức xã hội đã được thay thế bởi quốc gia có lãnh thổ trong đó nhiều người thuộc các bộ lạc khác nhau cùng chung sống. Ví dụ về sự hình thành quốc gia lãnh thổ là nước Magadha (Ma Kiệt Đà) của vua Bimbisara, người hổ trợ và đệ tử của Phật.
Những thay đổi xã hội, kinh tế chính trị nầy đã đóng góp công sức làm cho người Aryan ngày càng chấp nhận và theo các tư tưởng tôn giáo của nền văn minh TLI.
Mặc dù người Aryan đã đô hộ về vật chất nền văn minh tại chỗ của bán lục địa Ấn, một ngàn hay hai ngàn năm sau chứng kiến họ chìm dần trong ảnh hưởng của thái độ tôn giáo và cách hành đạo cũng như các giá trị xuất phát từ tôn giáo của văn minh TLI. Do đó, từ khi bắt đầu công nguyên, ngày một thêm khó trong việc phân định truyền thống Aryan và truyền thống TLI. Quả vậy, sự thật lịch sử nầy đã đưa đến ngộ nhận rằng Phật Giáo là sự đối kháng Ấn Giáo hay ngộ nhận PG là con đẻ của Ấn Giáo.
Phần lớn các nguồn hứng khởi của PG bắt nguồn từ văn hóa tôn giáo của nền văn minh TLI.  Các yếu tố như ly gia, thiền định, tái sinh, nghiệp và giải thoát là những thành tố hết sức quan trọng trong văn minh tôn giáo của người TLI chẳng khác nào trong PG. Có thể hiểu rằng Đức Phật muốn nêu rõ nguốn gốc tôn giáo mà Ngài quảng diễn nằm trong văn minh TLI khi Ngài nói rằng con đường Ngài dạy là con đường xưa và mục đích Ngài nêu ra cũng là mục đích xưa. PG xác nhận có sáu vị cổ  Phật đã thành đạt rực rỡ trước Phật Thích Ca. Điều nầy cho thấy sự liên tục giữa văn hóa tôn giáo TLI và các giáo lý của Đức Phật.
Khi xem xét hai hiện tượng tôn giáo gọi là PG và Ấn giáo, chúng ta tìm gặp ít nhiều vay mượn của nhau giữa hai nguồn tôn giáo lớn thời Ấn Độ xưa. Trong PG, một tỷ suất khá lớn các thành tố nhiều ý nghĩa được thừa hưởng từ tôn giáo của TLI, trong lúc một phần rất nhỏ được tìm thấy từ tôn giáo người Aryan thời xưa, ví như các thần linh trong Vedas, nhưng với giá trị ngoại biên.
Cũng giống vậy, nhiều trường phái Ấn giáo vẫn duy trì phần lớn các thành tố thừa hưởng từ truyền thống Aryan nhưng vẫn có một phần nhỏ rút từ tôn giáo TLI. Các trường phái nầy vẫn còn nhấn mạnh đến hệ thống giai cấp, quyền năng bất hoặc của mặc khải trong khuôn dạng của Vệ Đà, và sự linh ứng hiệu nghiệm của việc cúng tế. Thế nhưng vẫn còn dành một chỗ cho những thành tố quan yếu của văn hóa TLI như việc ly gia,thiền định, tái sinh, nghiệp và giải thoát.-


Vì không chạy sau khi đổi font, xin xem phần anh ngữ theo link:
http://www.buddhanet.net/pdf_file/tr...ightenment.pdf
Về Đầu Trang
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Sat Jan 03, 2015 10:10 pm    Tiêu đề: Bối cảnh thời PG thành hình

Lâu lắm đã hơn hai năm, tôi mới trở lại xem bài nầy sau khi
có nhìn bản đồ Ấn Độ. (Rất tiếc tôi không biết cách đăng hình).

Thiết nghĩ sự so sánh lịch sử tư tưởng và sự hợp nhất của hai
con sông Hằng và Yamuna chỉ có tính cách tượng trưng. Rất
nhiều con sông nhập vào sông Hằng, biến nó thành một con
rồng to lớn. Sau khi được Yamuna tiếp nước ở Allahabad, sông
Hằng tiếp tục nhận sự kết hợp với nhiều nhánh sông khác từ
đó xuống cửa biển.  Yamuna quá nhỏ so với sông Hằng về
chiều dài, về lưu vực quanh mình. Nhất là về tính chất linh
thiêng người Ấn đặt để vào. Rất có thể Santina muốn nói sông
Hằng là cả nền văn hóa rộng lớn trong thung lũng Indus, và
Yamuna chỉ là văn hóa thế tục của người xâm chiếm.
Sự đóng góp vào bữa cơm chung có phần của Aryan nhưng
phần nầy quá nhỏ, tuy bề ngoài có vẻ dềnh dang của người
ung bạo. Yamuna phải nhập chung vào sông Hằng. Lịch sử
tái diễn trên những vùng đất to nhỏ khác nhau: kẻ xâm chiếm
hung bạo, mang máu rừng, rồi chóng hay chầy sẽ bị thu
hút vào nền văn hóa của kẻ bị xâm chiếm.
Trở về sông Hằng, kinh Phật luôn dùng cát sông Hằng để nói
đến số lượng vô biên, Hằng Hà sa số; thành ngữ nầy nhiều
người dùng, không cần truy nguyên ngữ căn, chỉ nói để chỉ
số nhiều.
"The Ganga, especially, is the river of India, beloved of her
people, round which are intertwined her memories, her hopes
and fears, her songs of triumph, her victories and her defeats.
She has been a symbol of India's age long culture and civilization,
ever changing, ever flowing, and yet ever the same Ganga
."
(Hằng Hà, đặc biệt, là dòng sông của Ấn Độ, là dòng sông
thương mến của dân Ấn; vấn riết quanh mình những ký ức,
những hy vọng, những sợ hãi, những khúc khải hoàn ca, những
chiến thắng, những chiến bại. Từ xưa đến nay, sông là biểu tượng
của nền văn hóa và văn minh lâu đời của Ấn, luôn luôn thay đổi,
luôn trôi chảy nhưng vẫn là một Hằng Hà bất biến).
Lời nói trên của Nehru có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào sông
Hằng chảy qua, như Bangladesh, không riêng gì cho Ấn Độ. Mặt
khác sự diễn tả nầy có thể đem áp dụng cho nhiều dòng sông
trên thế giới.

Kính chúc năm mới an lành.

xuất xứ: The Pre-Buddhist background, by Peter Santina
Web Page Name
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân