TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - khía cạnh lịch sử của jihad muslim
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

khía cạnh lịch sử của jihad muslim

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Wed Jan 14, 2015 8:16 pm    Tiêu đề: khía cạnh lịch sử của jihad muslim

khi Jihad ra đời
Peter N. Stearn c. 1992 – ttt dịch

Ghi chú: xin giới thiệu bản tiếng Việt của chương Western Intrusions
And The Crisis In The Arab Islamic Heartlands
, chương 15 cuối cùng nầy
kết thúc bài nghiên cứu của Peter N. Stearn đăng trên website
International World History Project. Web nầy quan niệm:
To be truly world history, an account of the past must not only retell what
happened but must also relate events and people to each other.   It must
inquire into causes and effects.   It must try to discern falsehood in the
old records, such as attempts of kings to make themselves look better
than they really were. It must also present the evidence on which its
findings are based. [ Để xứng danh lịch sử thế giới, sử ký –tức là sự ghi ký
về quá khứ - không những chỉ kể lại những gì đã xẩy ra mà cần xét thêm
mối tương quan giữa các biến cố và con người, xét xem nguyên nhân
và kết quả. Phải xét cho kỹ những sai lầm của sử liệu như viêc vua chúa
tự đánh bóng, khác xa thực tế; phải đưa ra bằng chứng đã dùng khi viết
kết quả nghiên cứu].
Trước đây sử gia Nguyễn Thiệu Lâu từ những năm 1950 đã trình bày một
phương pháp luận gần với quan điểm nầy. Vì nhìn rộng rãi như vậy web có
thêm nhiều tài liệu về văn học nghệ thuật, và các vấn đề khác như đô thị
học, âm nhạc.
Chúng ta có thể chia sẻ sự lạc quan, bi quan của web, khi người chủ trương
đã trích từ đầu một câu thơ của Dante:
"Oh human race, born to fly upward."  "Wherefore at but a little wind does
thou so easily fall?" (Ơi loài người, ơi cái loài người sinh ra để bay lên, này,
sao chỉ ngọn gió nhẹ thoảng mà đã dễ dàng buông cánh rơi xuống? ơi người ơi).---


Western Intrusions  And The Crisis In The Arab Islamic Heartlands
Peter N. Stearn c 1992, ttt dịch  
Cho đến đầu thập niên 1800, các dân tộc Ả Rập (AR) trong Lưỡi Liềm
Màu Mỡ (Fertile Crescent) của Ai Cập, vùng duyên hải Arabia, và Bắc
Phi Châu đã sống hằng thế kỷ dưới sự thống trị của người Ottoman
Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dầu ghét ách đô hộ của Thổ, đa số dân AR tự ghép
mình cùng phe với người Ottoman như người anh em Muslim, những kẻ nhiệt
thành bảo vệ đức tin và bảo trợ văn hóa Muslim. Do đó, sự kiện
Ottoman rõ ràng mất khả năng bảo vệ vùng tâm điểm AR Muslim đã
đẩy họ vào nguy cơ bị  chinh phục bởi các thế lực Âu Châu (AC) háu
chiến. Người Âu đã chiếm lấy những quốc gia Hồi Giáo (HG) xa trung
tâm nhưng phát triển đầy đủ (từ quần đảo Nam Dương và Ấn đến
Algérie ở Bắc Phi) đã gây nên một cuộc khủng hoảng trong giới sùng
đạo ở vùng tâm điểm tại Trung Đông. Người HG tự thấy đang bị vây
khổn bởi nỗi sợ hãi Thiên Chúa Giáo và bởi các thế lực AC. HG đã bị
AC bứng mất đất, không còn là một nền văn minh hàng đầu qua
những công sức tìm tòi khoa học và những công trình kiến trúc đồ
sộ từ xưa để lại . Rất nhiều tập thể AR bị ép buộc sống dưới quyền
các quan lại ngoại đạo (infidel) AC; số còn lại đã nằm trong sự
đe dọa sẽ bị thâu tóm.  
Cuộc khủng hoảng lòng tự tín AR ngày một sâu rộng thêm vì những
thua thiệt và thế lực đang lên của kẻ tranh giành đã giúp thế giới
HG hình thành vô số đề nghị đáp ứng, dưới những hình thức khác
nhau. Các tư tưởng gia HG tranh luận về một phương cách tốt đẹp
nhất để xoay ngược sự xuống dốc và đuổi người Âu ra ngoài. Một
số chủ trương trở về thời quá khứ của HG; một số ủng hộ việc
thích ứng rộng rãi với đường lối tây phương; trong lúc một nhóm
khác tìm cách dung hợp hai đường lối vừa nêu. Các nhà lãnh đạo
cải cách, giống như ở Thổ thế kỷ 19, cố gắng “tháp, ghép” những
yếu tố chính của văn hóa Tâp phương trong lúc giữ nguyên trạng
xã hội và nền nội trị cũ. Những nhà lãnh đạo tôn giáo – đôi lúc
tự xưng là những nhà tiên tri được các đấng linh thiên chỉ định
– ra tay đứng dậy đưa tín đồ vào cuộc thánh chiến Jihads chống
người Âu Châu đang tiến vào. Vì không thể xem xét mọi giải đáp
của từng quốc gia HG, chương nầy chỉ nhắm vào các ứng đáp của
người AR ở Ai Cập và Sudan trong thế kỷ 19. Trong những khu vực
nầy, sự dính líu sâu đậm của người Âu và các thách đố gia tăng
của Tây phương đã làm nẩy sinh nhiều cố gắng quan trọng tìm
cách đảo ngược sự sa sút của văn minh HG và đặt nó lại vào thời
vàng son cũ.
 
Sự xâm chiếm của Pháp và sự thất bại của Mamluk

Mặc dầu không thiết lập một sự hiện diện thường xuyên của người
Âu trong vùng tâm điểm của HG, cuộc xâm chiến Ai Cập năm 1798
của Napoléon, đã gây những sóng chấn động cho phần còn lại của
thế giới HG. Điều có ý nghĩa đáng nói, nguyên động lực của cuộc
viễn chinh của Napoléon nằm ngoài ý muốn thiết lập một đế quốc
ở Trung Đông. Theo nhà quân sự nầy, chiến dịch ấy  mở màn sự
sụp đổ của quyền lực người Anh ở Ấn Độ tuy rằng trước đây người
Anh đã lấn lướt Pháp tại tiểu lục địa nầy, đã thắng nhiều trận không
để cho Pháp thành lập một đế quốc. Dù tính toán ra sao, Napoléon
đã cho hạm đội lọt qua lưới phong tỏa Đại Trung Hải của người Anh
và đưa quân đổ bộ vào tháng 7 năm 1798. Nhưng tiếp theo là một
cuộc va chạm quân sự chéo hèo nhất trong lịch sử chiến tranh cận
và hiện đại. Khi tiến sâu vào nội địa, lực lượng Pháp được nghênh
chiến bởi mười ngàn kỵ binh quyết chí bảo bệ chế độ Mamluc hiện
cai trị Ai Cập với tư cách chư hầu của đế quốc Ottoman. Danh từ
Mamluk, nghĩa đen là nô lệ, cho thấy nguồn gốc Thổ của nhà cầm quyền
Ai Cập.
Khởi đầu là nô lệ, người Mamluk sau nhiều thế kỷ đã tiến lên địa vị
tư lệnh quân sự, đến mức có thể xưng hùng đảo chánh cướp chính
quyền. Murad, thủ lãnh liên minh các bộ tộc Mamluk đang chia sẻ
quyến hành lúc Napoléon đổ bộ, đã xem kẻ xâm lăng là chú bé đầu
lừa chẳng mấy chốc sẽ bị đánh đuổi.      
Sự khinh khi của Murad dành cho vị tướng trẻ tài năng nầy cho thấy
sự thiếu hiểu biết trầm trọng của giới lãnh đạo Muslim về các biến
cố xẩy ra ở AC. Sự ngu dốt của Murad đưa đến hằng loạt chiến bại;
nổi tiếng nhất là trận đánh dưới chân các kim tự tháp. Trong một
trận ngắn ngủi và đẫm máu, hỏa lực có kỷ luật của quân viễn chinh
Pháp đã đánh tanh bành các hàng ngũ kỵ binh Mamluc trên mình
ngựa, mang các khiêng mộc thời Trung Cổ, vung đao kiếm trước
dàn trọng pháo của Napoléon.  
Vì lẽ từ xưa đến nay, người Mamluk được xem là những quân sĩ
thiện chiến nhất trong thế giới HG, sự tan rả nầy đã gây một chấn
thương toàn diện. Nó đã thô bạo phát giác rằng các vùng cốt lõi
sống chết của Muslim hết sức mong manh trước sự gây hấn của
AC; và cho biết mức độ thoái hậu của Muslim đối với AC trong
khả năng huy động chiến tranh. Nhưng khôi hài thay, cuộc xâm
chiếm thành công Ai Cập chỉ đem cho Napoléon và Pháp quốc
chút xíu lợi lộc. Anh đã chụp được hạm đội Pháp, nhấn chìm gần
hết tàu bè ở Aboukir tháng 8, 1798. Khi tiếp tế bị cắt đứt,
Napoléon phải bỏ quân ngũ chạy trốn về Paris, nơi đây kẻ thù
đang dùng sự thảm bại Ai Cập để chận đường lên nắm
quyền chính của ông. Như vậy, Ai Cập - được một lần  – thoát
khỏi sự xâm chiếm của AC. Sự sống tạm nầy không đem lại
bao lăm an ủi. Vì lẽ chính người Anh – chứ không phải là các
chiến sĩ Muslim – đã “hành hiệp” đuổi người Pháp rút lui.
 
Muhammad Ali xuất hiện
Trong sự hổn man sau cuộc xâm nhập của Pháp và sự rút lui
sau đó năm 1801, người Mamluc sống sót lại đánh nhau với các
kỳ hào địa phương để giành quyên kiểm soát chính trị. Kẻ
thành công bất ngờ trong các cuộc tương tranh ấy là một sĩ
quan trẻ gốc Albanie, tên Muhammad Ali (MA). MA thuộc lực
lượng viễn chinh Ottoman phái đi đuổi Pháp khỏi Ai Cập. Củng
cố xong căn cứ ở Cairo năm 1805, MA trở thành chủ tướng của
Ai Cập, sau khi bộ hạ đã sát hại 300 tù trưởng Mamluc năm
1811. Bị hoa mắt sâu đậm bởi vũ khí và kỷ luật của quân Pháp,
người khách lạ Albanie nầy dồn hết sức lực và tài nguyên các
vùng đất mới chinh phục để thành lập một quân lực theo kiểu
AC và tân tiến. Ông áp dụng đường lối quân dịch của Tây
Phương bắt dân quê đi lính, thuê huấn luyện viên Pháp, nhập
cảng vũ khí, áp dụng chiến thuật, cách tổ chức và tiếp liệu
của Tây Phương. Trong vài năm MA đã tạo dựng một lực lượng
chiến đấu hữu hiệu ở Trung Đông. Nhờ đó ông đã thách thức
uy quyền của chủ tướng cũ là vương quân (sultan) Ottoman
bằng cách chiếm trọn Syria, xây dựng một hạm đội chiến tranh
tân tiến, nhiều lần uy hiếp kinh đô Istambul.
Vào thập niên 1830, quân đội của MA đã thành công nhiều nơi
và đủ sức uy hiếp ngay chính chế độ Ottoman. Đã hai lần, AC
can thiệp để cứu nguy không để MA thực hiện giấc mơ bá
chủ vùng trung tâm điểm của Muslim. Như vậy, một lần nữa,
AC, chứ không phải lãnh đạo Muslim, đứng ra làm trọng
tài quyết định số phận thế giới AR.  
Mặc dầu những cố gắng cải cách của MA theo đường hướng
Tây Phương không chỉ ở trong lãnh vực quân sự; công cuộc
nầy không giúp ích gì nhiều để thực các chuyển hóa trong xã
hội Ai Cập. Để củng cố căn cứ kinh tế, MA ra lệnh nông dân
trồng thêm cần sa, cây nhuộm và một số nông phẩm khác
cho nhu cầu kỹ nghệ AC. Những cố gắng canh tân hải cảng
và nới rộng hệ thống dẫn thủy có phần nào thành công; sự gia
tăng khiêm tốn lợi tức quốc gia thì dùng để phát triển quân sự.
Cải cách giáo dục có thành quả giới hạn; cải thiện trường học
cũng nằm trong mục đích phát triển quân đội. MA đưa ra vài
kế hoạch xây dựng một khu kỹ nghệ nhưng gặp sự chống đối của
các thế lực AC và bị ngưng trệ vì cạnh tranh của hàng nhập
cảng.  
Vì sự an toàn quốc nội, MA không có lựa chọn nào khác hơn là
liên minh với các điền chủ có thế lực ở thôn quê – tầng lớp ayan –
để kiểm soát dân quê. Đất đai từ nay thuộc về công sản. Những
cải cách đó không ngăng chận sự thành hình một giai tầng điền
chủ cha truyền con nối ăn rễ vào nông thôn. Dân chúng vùng
quê, từ lâu đã bị đè nén, nay trở thành bần cùng vì sản lượng
bị tich thu để trả chi phí quân sự ngày một gia tăng và tài trợ
các hoạt động quốc ngoại.  
Những cải cách với tầm mức giới hạn của MA rút cuộc chỉ nhằm
nới rộng lãnh thổ, phân tán lực lượng đã để trống Ai Cập cho các
cường quốc AC dễ bề xâm nhập. Ông chết 1848, chua chát vì sự
phản đối của AC không cho phép ông hàng phục các tiểu vương
Ottoman và nhận biết đế quốc của ông bên ngoài Ai Cập đã sụp
đổ. Không có tham vọng và tai năng như MA, những người kế vị
tự đóng khung, không ra khỏi các vùng đất Ai Cập và Sudan chạy
từ bờ thượng nguồn sông Nile xuống phía nam.
Kết hôn tạp chủng với những gia đình Thổ nguyên gốc đến Ai
Cập để cai trị nhân danh đế quốc Ottoman, hậu duệ của MA
đã sản xuất một chuổi người cai trị, gọi là khedive, những kẻ
trị vì chính thức từ 1867 đến 1952, năm quân đội đảo chánh
đưa Nasser lên cầm quyền.
 
Âu châu can thiệp; chiến lược kháng chiến  
Một bách phân rất lớn số lợi tức mà các khedives thu góp, dù bị
phản đối bởi các điền chủ, đã bị phung phí trong các cuộc mua
vui hay các chiến dịch quân sự thất bại để xác nhận uy quyền
của Ai Cập đối với dân chúng Sudan dọc theo thượng nguồn
sông Nile. Các khedives, giữa thế kỷ 19 không giữ được quân
bình ngân sách đã làm cho họ ngày một lún sâu nợ nầng với
các nhà tài chánh AC. Giới thương gia nầy cho các khedives xài
phí và giới uy quyền gốc Thổ vay tiền nhằm hai mục đích là
mua rẻ bông gòn và – bắt đầu từ thập niên 1850 – mua chứng
khoán trong dự án đầy hứa hẹn là làm con kinh đào ở eo thắc
Suez nối liền  Địa Trung Hải và Hồng Hải. Hoàn tất 1869, kinh
Suez sẽ rút ngắn hải trình từ Âu châu qua Á Châu, cho phép
tàu hơi nước thay thuyền buồm, và không phải gặp thời tiết
xấu trên đường quanh Phi Châu.
Sự yếu kém của các khedives và các tiểu vương Ottoman đã
thúc dục mạnh mẽ giới trí thức Muslim và các nhà hoạt động
chính trị thảo luận ráo riết vấn đề làm sao có sự lãnh đạo và
phương tiện để trừ khử mối đe dọa ngày một gia tăng của
AC. Ai Cập, đặc biệt là đại học lâu đời Muslim al-Azhar, những
năm giữa thế kỷ 19 trở thành những nơi hội họp của những
nhà tư tưởng khắp thế giới HG đến dự. Nhiều học giả sáng giá
đã kêu gọi thánh chiến jihad để đuổi ngoại đạo khỏi đất
Muslim. Theo họ, thế giới Muslim chỉ có thể được cứu vớt duy
nhất bằng cách trở về lối hành đạo và các tương tác xã hội mà
họ tin đã có từ thời Mahummad.
Nhiều nhà tư tưởng khác, như al-Afgani (1839-1897) và đệ tử
Muhammad Abduh (1849-1905) nhấn mạnh Muslim phải mượn
kiến thức khoa học và kỹ thuật của tây phương, và làm sống
lại khả năng canh tân đã có từ lâu của Muslim. Họ biện luận
rằng, nền văn minh HG đã một lần dạy AC khoa học và toán
học với những khái niệm vô cùng quan trọng như những con
số. Vậy không có gì rắc rối sai quấy khi học những tiến bộ
của AC vì những thứ ấy cũng do sự vay mượn Muslim trước
đây mà có. Họ nhấn mạnh truyền thống tra cứu tìm tòi trong
lịch sử HG. Họ phê bình luận thuyết của phe về gốc rằng kinh
Koran là nguồn gốc của chân lý và phải được giải thích
theo nghĩa đen. Mặc dầu đều đồng ý cần có sự thống nhất đoàn
kết của Muslim trước sự đe dọa AC, hai nhóm không thể dung
hòa các chủ trương khác biệt trong mục đích phục hồi Muslim.
Sự khác biệt nầy và những mơ hồ vô định họ thổi vào các cố
gắng chống thách thức AC đã biến thành những vấn đề trọng
đại của thế giới HG ngày nay.
Số nợ ngày một tăng của chế độ khedive và tầm quan trọng
chiến lược của kinh Suez đã cho phép các cường quốc AC, nhất
là Anh và Pháp nắm vai trò chủ chốt trong sự ổn định và sự khai
thác Ai cập. Các ngân hàng Anh Pháp đã mua lại phần lớn cổ phần
của các khedive, đã thúc dục chính phủ can thiệp quân sự khi
con nợ không trả nợ.
Đồng thời các nhà ngoại giao Anh Pháp bất hòa về mức độ ảnh
hưởng mà hai quốc gia muốn có tại Ai Cập. Đầu thập niên 1880;
một phong trào quốc gia thực sự đã thách đố quyền năng của
chính phủ bù nhìn khedive lẫn của các nước AC. Do đó Anh đã
can thiệp quân sự trái với ý của Pháp, mà thực ra lúc ấy Pháp
chẳng có thể làm gì hơn.
Sự thách thức nầy là do những kẻ ủng hộ một sĩ quan Ai cập,
trẻ nhiều sức hấp dẫn, tên Achmad Orabi. Con của một tá điền
nghèo, Orabi đã đi học trường Koran, và thụ giáo với một vị có
tinh thần cải cách tên Muhammad Abduh tại al-Azhar. Mặc dầu
sinh trưởng ở địa phương, Orabi đã lên được hàng ngũ chỉ huy
quân đội và luôn luôn chỉ trích sự kiện thành phần sĩ quan bị
khống chế bởi người Thổ nhiều liên hệ với chế độ Khadive.
Việc giải tán các trung đoàn Ai cập và cho giải ngũ các sĩ quan
gốc địa phương - với mục đích giảm chi phí – đã là nguyên nhân
chính cho cuộc nổi loạn do Orabi cầm đầu mùa hè 1882. Nhiều
cuộc biểu tình bạo động  ở Alexandria cùng các tạo phản trong
quân ngũ đã làm cho khedive hoảng sợ phải cầu cứu người Anh.
Sau khi oanh tạc dàn trọng pháo của Orabi đặt ở bờ biển, người
Anh đã cho đổ bộ một lực lượng viễn chinh dẹp tan đám phản
loạn Orabi và củng cố địa vị của khedive. Măc dầu Ai Cập không
chính thức bị thuộc địa, lần can thiệp nầy của Anh khởi đầu mấy
chục năm thống trị bởi các khâm sứ đứng cai trị sau lưng các
khedive bù nhìn và bởi các cố vấn bên cạnh các đốc phủ sứ cao
cấp Ai cập. Nhân viên dân sự Anh kiểm soát tài chánh và ngoại
giao; quân đội răn đe các quan cai trị sợ phải nghe các chỉ thị
của Anh. Như vậy việc Anh quốc kiểm soát trực tiếp khu tâm
điểm của HD đã bắt đầu.

Thánh chiến: Cuộc nổi dậy Mahdi ở Sudan
Khi Ai cập rơi vào vòng kiểm soát của Anh, những kẻ xâm chiếm
nầy không tránh khỏi dính líu đến sự hổn loạn và các tương tranh
đang làm khổ khu vực Sudan ở phía nam trong mấy thập niên cuối
của thế kỷ 19. Các cố gắng của Ai Cập để chiếm và cai trị Sudan
bắt đầu từ thập niên 1820 đã bị chống cự mãnh liệt bởi dân du mục
nuôi lạc đà và trâu bò, hùng cứ trên những cánh đồng khô cằn dọc
theo đông ngạn và tây ngạn thượng nguồn sông Nile. Dân định
canh định cư theo các dãi đất hẹp phì nhiêu gần sông thì dễ
bị trị hơn. Do đó, chính quyền Ai Cập, trong chút quyền còm, chú
tâm vào những vùng ấy và các thành phố ven sông như Kharthoum,
một trung tâm hành chánh của Ai Cập.
Ngay cả trên những khu vực gần sông, các tiểu vương cũng bị dân
chúng ghét. Chính thể Ai Cập tham nhũng rõ ràng trước mắt; thuế
má đã đè nặng trên dân quê. Người Ai cập rõ là thứ tha phương
cầu thực từ xa đến; những đặc ân cho bộ lạc nầy là để chia rẻ với
các bộ lạc khác. Thêm vào đó, mọi nhóm dân trong vùng Muslim
phía bắc Sudan đều bất mãn Ai Cập đã đẩy mạnh việc bải bỏ mua
bán nô lệ.
Việc mua bán nầy từ lâu đã là nguồn lợi lớn của thương gia các thị
trấn gần sông và cả người du mục; đám du mục luôn tấn công người
không theo Muslim bắt làm nô lệ. Cố vấn Anh ở triều đình khedive
thúc đẩy mạnh mẽ chấm dứt nô lệ; một tư lệnh Anh, George Gordon,
đã dùng những phương pháp cứng cỏi để diệt trừ sự mua bán nầy.
Những năm 1980 cuối cùng, việc áp chế của Ai Cập và sự can thiệp
của Anh đã làm cho người Muslim mạn Bắc căm phẩn và chống đối.
Nhưng cần có một lãnh tụ để kết hợp các sắc tộc khác nhau và chia
rẻ trong khu vực, đồng thời để đưa ra một ý thức hệ khả dĩ cho cuộc
nổi dậy một ý nghĩa và một mục đích rõ rệt. Đứa con của người đóng
tàu, tên Mahummad Achmad, thụ huấn dưới tay của đạo sĩ đứng
đầu chi bộ Sufi địa phương đã thoát thai thành lãnh tụ ấy. Tiếng
tăm của ông ta lên như diều vì hai sự kiện; thứ nhất gia đình của
ông nại là hậu sinh của nhà Tiên Tri; thứ hai dân chúng cho rằng
ông hiện có những chứng tích của một vị cứu tinh: cái răng khểnh
và một nốt ruồi to đen trên má phải.
Sau khi tự tách khỏi giáo phụ Sufi để thành lập một hệ phái riêng,
Achmad nói ông đã thấy một viễn tượng cho biết ông sẽ có một
tương lai sáng rực và dấu hiệu phép lạ là ông đã thoát khỏi một âm
mưu vụng về của Ai Cập muốn bắt ông cầm tù. Huyền thuyết ấy làm
cho ông được khắp nơi tin rằng ông đã được các bậc linh thiêng chỉ
định làm lãnh tụ khởi nghĩa chống kẻ xâm lăng ngoại quốc.
Muhammad Achmad còn được gọi là Mahdi, vị cứu tinh mà dân
chúng được hứa sẽ xuất hiện. Cuộc thánh chiến mà ông chủ xướng
chống tà phái Ai Cập và bọn infidel Anh đã trở thành một trong
những phong trào trải rộng khắp Phi Châu phía nam Sahara từ
thế kỷ 18 đến nay.
Đó là phản ứng cực đoan và bạo động nhất, đáp lại điều được
quan niệm là sự hủy hoại HG trong môi trường Phi Châu và sự
đe dọa ngày một gia tăng của Âu Châu. Achmad hứa sẽ quét sạch
HG khỏi các tín điều dị đoan và cách hành đạo thoái hóa đã tích
lũy hằng bao thế kỷ và đem HG trở về điều ông gọi là sự tinh khiết
ban đầu. Ông đã đưa ủng hộ viên vào một cuộc tấn công hung
bạo chống ngoại đạo AC và người Ai Cập, bọn người giải thích
chệch hướng đức tin. Về sau những người kế tục còn mơ ước lật
đổ các tiểu vương Ottoman và chiếm Âu Châu.
Nhờ Mahadi sử dụng khôn khéo chiến thuật du kích, nhờ lòng tin
tưởng vào các ban phước lành và sự hấp dẫn của ông, các lực
lượng quân sự đã nhiều lần chiến thắng vinh quan quân Ai Cập.
Năm 1883, tướng soái của Mahdi đã nhữ  8 ngàn lính Ai Cập, do
người Anh chỉ huy, vào khu hoang dã sa mạc, phục kích và tiêu
diệt trong thung lũng Shaykan. Cuối năm 1883 quân Mahdi kiểm
soát gần hết bắc Sudan và bao vây cứ điểm chính yếu cuối cùng
ở Khartoum. Vì thiếu hiểu biết và khinh địch, Anh quốc chỉ phái
một sĩ quan duy nhất, tướng Gordon – người trước kia điều hành
chiến dịch chấm dứt nô lệ - ngược dòng sông Nile tới Khartoum
để chỉ huy quân Ai Cập dẹp loạn Mahdi. Không đầy một năm từ
khi Gordon đến, quân Mahdi đã lấy thành phố và giết Gordon.
Lực lượng Mahdi truy kích lính Ai Cập, giết hại sĩ quan Anh và
làm chủ cả xứ Sudan.
Lúc đã lên tột đĩnh quyền uy, Mahdi bị bệnh thương hàn và chết
vài tháng sau khi chiếm Khartoum. Khác với các phong trào khác
trong thể loại nầy đã tan rả khi lãnh tụ chết, nhóm Mahdi đã tìm
gặp nơi Khalifa Abdallihi một người kế vị Achmad có khả năng.
Dưới quyền của Abdallahi, một trong những tư lệnh tài giỏi nhất,
tập hợp mang danh Mahdist đã thành lập một chính quyền mạnh
và có óc bành trướng lãnh thổ và một xã hội bị kiểm soát toàn
diện: cấm hút thuốc, cấm uống rượu, cấm khiêu vũ; trộm cắp,
mãi dâm và ngoại tình bị trừng trị khắc khe. Gần một thập niên,
quân đội đã tấn công hay đe dọa các nước láng giềng bốn phía,
không sợ gì người Ai Cập phía bắc mà họ muốn chiếm cứ lãnh
thổ.
Nhưng mùa thu 1896, Anh quốc đã phái danh tướng Kitchener và
đạo quân viễn chinh đi tận diệt điều họ cho là mối nguy hại cho
sự thống trị Phi Châu của người Âu. Giáo mát và và “chiến y bùa
phép” không địch lại súng tự động và trọng pháo của các hàng
quân Hồng Mao. Ở trận Omdurman 1898, đoàn kỵ binh và cả
chủ tướng Abdallahi thiệt mạng. Chính quyền Mahdi sụp đỗ.
Quân lực Anh tiến sâu vào nội địa Phi Châu.

Hồi Giáo lâm nguy
Thế kỷ 19 đánh dấu những thảm bại bi đát của thế giới HG. Bị
bám sát và bị đánh bại bởi các đối thủ AC, các lãnh tụ Muslim
hoặc trở thành bù nhìn hay nhượng đất cho kẻ cai trị ngoại đạo
thực dân.
Những tác động như cải cách của các tiểu vương, như các cuộc
nổi dậy thần thánh, chỉ làm chậm nhưng không thể ngăn chận
hướng tiến của AC. Sản phẩm Âu và các nhu cầu mới đã làm
băng hoại cơ cấu kinh tế và tăng thêm các sự căng thẳng xã
hội trong các khu vục Muslim.
Các sự thành đạt quân sự và kinh tế hào nhoáng của một AC
Thiên Chúa Giáo đã lung lay sự tin tưởng rằng HG, và chỉ HG
mới nắm được chân lý. Vào những năm cuối thế kỷ, người ta
nhận rõ rằng HG không tìm ra một công thức hữu hiệu để đối
ứng với sự thách thức quyền năng HG bởi Tây Phương kỹ
nghệ hóa; từ nhóm chủ trương bảo thủ trở về gốc, đến các
nhóm cải cách muốn mượn các kiến thức AC để sống còn.
Đã không tìm ra giải pháp mà còn chia rẻ trầm trọng, thế giới
Muslim ngày một ưu lo về nguy cơ trước mắt. Nền văn minh
HG dĩ nhiên không thể biến dạng, nhưng sinh lực tiếp tục trong
quá khứ đã bị đe dọa bởi các nước láng giềng nay trở thành
chủ nhân ông của cả thế giới không riêng gì khu vực HG.--
xuất xứ: khi jihad thành hình


[size=Font Size] [/size][size=Font Size] [/size][size=Font Size] [/size][size=Font Size] [/size]Web Page Name
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân