TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - CẢM ƠN THU LOAN
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

CẢM ƠN THU LOAN

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Sun Nov 02, 2014 10:40 am    Tiêu đề: CẢM ƠN THU LOAN

CẢM ƠN THU LOAN

Đọc mẩu tin về các đại học dởm của Hoa Kỳ đang có mặt tại Việt nam do Thúy Loan đăng tải tôi rất cảm kích, và nhân đó tôi xin ghi lại đây về một vụ “lời qua tiếng lại” xung quanh chuyện bằng cấp của hai vị giáo sư danh tiếng ở miền Nam Việt Nam trước 1975; chuyện như vầy :

Khoảng hạ tuần tháng 5-1970 nhật báo Độc Lập xuất bản ở thủ đô Saigon liên tiếp có đăng loạt bài “PHẠM CÔNG THIỆN, ÔNG LÀ AI “ của Lê Hải Vân. Trong đó có một đoạn rất quan trọng , viết “Phạm Công Thiện là một “kẻ học hành dở dở ương ương, không có bằng cấp” .

Thật ra bài báo dài lắm nhưng đó là câu quan trọng nhất của bài báo  làm giật mình những ai có nhiều thiện cảm với PCT, và chẳng biết Lê Hải Vân là ai cả - chắc là cũng thuộc  giới trí thức giảng dạy đại học thôi. Thế là tôi cũng như một số bạn  sinh viên văn khoa SG năm cuối trông chờ  tập san TƯ TƯỞNG , tiếng nói của Viện Đại học Vạn Hạnh SG, ra mắt để xem GS Phạm Công Thiện – lúc đó là thư ký tòa soạn , với pháp danh Thích Nguyên Tánh – “ ăn nói làm sao “. Quả thật TƯ TƯỞNG số 2 ra ngày 01-6-1970  có đăng bài trả lời của PCT  – từ trang 123 đến 127 ở phần cuối tập san .

Trong đó, PCT viết : Kính gửi thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan (tức Lê Hải Vân).  Lúc này tụi tôi mới vỡ lẽ ! GS Trần Bích Lan lúc đó có dạy chứng chỉ dự bị văn khoa SG (Triết). Còn thi sĩ thì ông nổi tiếng với bài thơ “Áo Lụa Hà Đông”.

Mở đầu bài báo, PCT viết “Tôi mong ông có can đảm nhận thật tên của mình và nếu bút hiệu Lê Hải Vân bị ông chối bỏ thì tôi xin chịu lỗi và coi bức thư này gửi cho Lê Hải Vân để cho hình ảnh thi sĩ Nguyên Sa hãy còn là thi sĩ .”  Qua bài viết, chúng tôi mới biết PCT đã tốt nghiệp đại học Yale ở Hoa Kỳ - như quí bạn biết, Yale là một trong 50 đại học hàng đầu của thế giới – PCT viết : “Ông có thể chịu khó tọc mạch  đến tìm thăm tôi để nhìn bằng cấp ấy hay là ông gửi thư hỏi thẳng YFSI ở đại học Yale.”(tr. 124). PCT còn thêm “một người mang tâm hồn như tôi mà lại có bằng cấp thì đó quả là sự sỉ nhục quá lớn đối với tôi”(tr.124).

Rồi còn một đoạn cũng khá hấp dẫn nữa là Lê Hải Vân nói : PCT là nhà sư tại sao lại khinh bỉ tất cả các thiền sư .

Và PCT đã lên tiếng như sau : “Về câu tôi khinh bỉ tất cả các thiền sư chỉ là cách nói theo điệu  thiền sư “phùng Phật sát Phật “ mà chắc ông không hề biết  rằng mấy thiền sư gọi tổ sư Bồ Đề Đạt Ma  là “tên rợ mắt xanh” (bích nhãn hồ), đó là lối nói trong truyền thống ngôn ngữ thiền tông. Tôi không phải là thiền sư cho nên tôi không dám bắt chước  thiền sư Vân Môn gọi Phật là “đồ chùi cứt khô”(càn thỉ thiết). Muốn hiểu được nghĩa sâu thẳm của những lời nói “thô tục” trên thì phải có tâm hồn bốc cháy với lửa Tam Muội và mới đi vào được tinh thần “Thập Bát Không” của Bát Nhã (ô hay, ông Trần Bích Lan vốn là cựu sinh viên Phật học của đại học Vạn Hạnh, không lẽ nào ông hiểu đạo Phật hơn tôi, giáo sư dạy về Phật giáo ở Viện Đại học Vạn Hạnh !)

Cuối bài viết, PCT nói “Sau cùng tôi xin kêu gọi một chút “thơ mộng” trong tận đáy hồn ông (…)Chỉ khi nào chúng ta chịu đối mặt  nhau trong nỗi cô độc của tư tưởng thì tiếng nói của thi nhân  mới sống dậy được chứ không còn những lời “ba hoa, đôi co nhảm nhí nhỏ mọn” , hãy để yên cho mây trời muôn thuở vẫn còn lại tiếng vọng của thi nhân (…) Phải chăng thi ca đã chết Không còn gì thơ mộng nữa sao ? (tr. 127)

Để thay lời kết, tôi xin ghi lại câu nói sau này của một vị học giả, giáo sư đại học có bằng tiến sĩ (với lời ban khen của hội đồng giám khảo) ở đại học danh tiếng nước ngoài , trong một buổi dạy học ở đại học văn khoa SG trước 1975 : “Người khoe trương bằng cấp chính là để che đậy sự dốt nát của mình mà thôi.”  

Tây Đô, cuối mùa mưa Giáp Ngọ (2014)
ĐKP
Về Đầu Trang
Le Xuan Loc



Ngày tham gia: 28 Aug 2008
Số bài: 32

Bài gửiGửi: Mon Nov 03, 2014 5:01 pm    Tiêu đề: Ông Phạm Công Thiện

KG Anh Phụng:

Hồi xưa lúc còn ở trung học tôi hay lén đọc sách triết của GS Nguyễn Văn Trung của ông anh nên biết chút ít về ông. (Gs. Trung hiện nay đang sống ở Montréal, Canada.)

Hôm nay vào Diễn Đàn THDT thấy bài anh viết về Phạm Công Thiện nên cũng muốn làm rõ hơn một số chi tiết quan trọng.

Tuần trước tôi cũng có trao đổi với người Thầy cũ ở DT về các trường ĐH ở VN  ... có một vài một sự kiện không hay lắm về các nhân vật ăn trên ngồi trước và có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong hiện tại trên đất nước chúng ta:


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/10/141024_ha_van_tham_ocean_bank_arrest


"Ông Hà Văn Thắm có bề dày kinh nghiệm trong quản lý, chiến lược kinh doanh tài chính, bất động sản. Ông tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Comlombia Common Wealth – Mỹ (phải là ĐH Columbia Commonwealth) và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại Học Công nghệ Paramount – Mỹ".

Anh để ý 2 ĐH: Đại học Comlombia Common Wealth & Đại Học Công nghệ Paramount – Mỹ

Đại Học Công nghệ Paramount – Mỹ nghe rất lạ nhưng đã được làm sáng tỏ trong bài đăng của C. Thuý Loan.
Đây là Đại học Comlombia Common Wealth (theo tìm kiếm của Google)

Columbia Commonwealth University
... CCWU has a new listing on yahoo.com. Looking at their site, I see that the Malawi accreditation statement is gone. The CCWU site used to say:
ACCREDITATION AUTHORITY to GRANT DEGREES

Columbia Commonwealth University is accredited by the African Republic of Malawi, a member of the Commonwealth of Nations. CCU’s degrees are granted from Malawi under authority of the government accreditation which empowers the University to confer bachelors, masters, and doctoral degrees.
but now says:
Columbia Commonwealth University is licensed by the Wyoming Department of Higher Education to offer Bachelors, Masters, and Doctoral degree programs.
with this statement on a separate page labeled "International affiliated centers":
Columbia Commonwealth University is affiliated with Academic Centers of Excellence that are being developed in various parts of the world such as Southeast Asia (India) and Southern Africa (the Republic of Malawi). The affiliate Center in Malawi is fully accredited by the Malawi government and is established as a non-profit trust corporation devoted to public service.

Có một điều hay hay là Malawi một nước ở Phi Châu nhưng cách thức họ làm giống VN mình quá !
Không biết Phi Châu bắt chước VN hay VN bắt chước Phi Châu ?

Xa quê hương lâu rồi nhưng tình yêu quê hương không bao giờ phôi pha anh ạ !

LXL





Ông Phạm Công Thiện
Saturday, 12 March 2011 22:20 Nguyễn Văn Trung

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1844:ong-phm-cong-thin-&catid=100:vn-hoa-lch-s-trit-hc&Itemid=161

(VH-NN) Việc ông Phạm Công Thiện phê phán kịch liệt GS. Nguyễn Văn Trung và thái độ im lặng khó hiểu của GS.Nguyễn Văn Trung được coi như một “nghi án” trong đời sống văn chương triết học của Sài Gòn trước 1975. Nhân ông Phạm Công Thiện mới qua đời, chúng tôi xin đưa bài viết của GS. Nguyễn Văn Trung viết cách đây mấy năm để làm rõ một vấn đề có liên quan, và cũng là “trả hết cho đời” những thị phi về một con người có ảnh hưởng lớn trong đời sống trí thức Sài Gòn trước đây.

“… nhiều khi nói cái gì không quan trọng bằng ai nói, ai nghe và chính quan hệ người viết, người đọc quyết định ý nghĩa điều nói viết ra …”



Tôi nhìn lại “Những chặng đường đã qua” trong tinh thần cố gắng nhận ra trách nhiệm về phân minh những gì tôi đã viết, đã làm là đúng hay sai, đã gây hiểu lầm, phiền lòng, xúc phạm đến người khác hay đến những niềm tin xác tín của họ bất kể là thế nào. Trong ý hướng đó, tôi cũng nhận ra trách nhiệm của mình về những gì tôi đã không làm, những vụ đáng lẽ phải làm vì trực tiếp liên hệ đến tôi và trong tầm tay, khả năng của tôi. Tôi xin nói một trường hợp thôi, trường hợp Phạm Công Thiện.

Sau đảo chánh 01/11/1963, ông Phạm Công Thiện xuất bản cuốn Hố thẳm tư tưởng, dành một chương phê phán luận án tiến sĩ của tôi với một thái độ khinh bỉ, trịch thượng, mạt sát thậm tệ. Cuốn sách bán chạy, dư luận bàn tán sôi nổi vụ “ông Phạm Công Thiện phê phán ông Nguyễn Văn Trung”, chờ đợi tôi lên tiếng đối đáp; nhưng cho đến nay tôi vẫn giữ im lặng, không có một lời nói công khai nào.

Thực ra ngay sau khi sách ông Thiện ra ít lâu, tôi có viết “Thư ngỏ gửi ông Phạm Công Thiện”, chỉ nhằm mục đích nhắc tác giả về sự thay đổi thái độ 180 độ của ông Phạm Công Thiện đối với tôi, trước và sau đảo chính, và yêu cầu ông Thiện giải thích sự thay đổi đó. Trong “Thư ngỏ” dài 12 trang này, tôi không đả động gì tới nội dung bài của ông Thiện, không có ý tranh luận hay thanh minh gì, mà chỉ đòi ông Thiện cho dư luận hiểu tại sao trước 63, qua các thư gửi cho tôi, ông Thiện đưa tôi lên tận mây xanh, ca tụng tôi không những là nhà triết gia số một về triết Tây phương mà cả triết Đông phương. Nhưng sau 75, ông dìm tôi xuống bùn đen và đạp cho tôi chết ngộp trong vũng bùn đen đó. Tuy nhiên trong thư ngỏ tôi cũng bày tỏ thái độ của tôi về tư cách người cầm bút sáng tác nói chung. Tôi chấp nhận và có thể hoan nghênh thái độ phản kháng, phủ nhận của người cầm bút đặc biệt như một thi sĩ, và vì đã tự coi mình là “thiên tài nhất không phải chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới” dĩ nhiên có quyền khinh chê, mạt sát mọi người.

Trong sách, ông Thiện đã phủ nhận tất cả các triết gia: “Ngay đến Heraclite, Parmenide và Empédocle, bây giờ tao còn xem thường, tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện đại, chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta”. Ông coi những nghệ sĩ như Goethe Dante như những thằng hề ngu xuẩn. Ông muốn mửa màu đen trên những người làm văn nghệ ở Paris. Còn về J.P. Sartre và S. de Beauvoir, “nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ”... Về Thiền tông “Tao đã gửi Thiền tông vào một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới. Về dạy học, thời gian tao học ở Hoa kỳ, tao đã bỏ học vì tao thấy những trường Đại học mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ hơn là họ dạy tao... Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa. Tao chỉ dạy tao. Tao là học trò của tao và chỉ có tao làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không để ai làm thầy tao. Còn các Văn Sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lặp đi lặp lại vô ý thức hay có ý thức: trí thức “mười lăm xu”, ái quốc nhân đạo “ba mươi lăm xu”, triết lý tôn giáo “bốn mươi lăm xu””.

Nếu những đại triết gia, văn hào, thánh hiền còn bị ông coi là những tên ngu xuẩn, và tác phẩm của họ đáng vứt vào cầu tiêu thì tôi bị ông kết án là “tượng trưng cho sự nô lệ, nông cạn phá sản của giới trí thức Việt Nam hiện nay” có gì lạ. Trong thư ngỏ, tôi nói với ông Thiện tôi không hề cảm thấy bị xúc phạm về thái độ mạt sát khinh bỉ của ông, và hơn nữa chấp nhận thái độ phản kháng phủ nhận triệt để của ông với điều kiện: qua đời sống, ông cho thấy ông đã vươn tới một thái độ tâm linh siêu nhiên vượt khỏi mọi giới hạn ngôn từ, khen chê, xưng tụng hay chửi thề. Bày tỏ sự bất nhã, bất kính ngay cả với Phật Chúa chính vì để cho thấy khả năng phản bội của ngôn từ. Xưng tụng tôn thờ mà thực ra là xúc phạm, và nói lời phạm thượng, xúc phạm lại bày tỏ sự tôn kính thực sự.

Tôi thật thắc mắc đời sống cụ thể của ông Phạm Công Thiện không cho thấy tỏa ra một vẻ đạo hạnh nào của nguời tu trì thánh thiện. Ngược lại, tôi thấy ông đã có những lựa chọn trong đời sống cụ thể hoàn toàn trái ngược với những gì ông nói hay viết ra. Ông nói khinh bỉ nghề dạy học làm thầy người khác, nhưng lại vào tá túc tại Đại Học Vạn Hạnh, mặc áo cà sa mang pháp danh “Đại đức Thích Nguyên Tánh” khỏi phải đi lính như những người khác, cùng tuổi không bằng cấp. Tóm lại, tôi sẽ trọng ông nếu ông chửi đời, chửi người khác và sống lang thang như Bùi Giáng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) sau nhiều lần thi trượt dự bị văn khoa không phải vì anh kém mà chỉ vì anh không tuân theo những luật lệ của trường thi, nên anh sống lang thang làm thơ phẫn nộ, cấm sinh viên giáo sư văn khoa đọc tác phẩm của anh. Trong trang cuối cùng, tôi thấy ông ghi chú rằng “Hố thẳm tư tưởng” ra đời để đánh dấu ngày tôi chấm dứt mọi liên lạc tình cảm với Bùi Giáng và Nhất Hạnh. Không còn gì để nói nữa. Sự đoạn tuyệt này thật xác đáng, vì ông Phạm Công Thiện bây giờ không giống Nhất Hạnh, ở nơi vị thượng toạ này, con người thi sĩ không chửi vào mặt con người tu trì. Cũng không giống Bùi Giáng vẫn sống vất vưởng phù hợp với thái độ bây giờ qua thơ văn của mình.

Tôi gửi thư ngỏ kèm những bức thư ông Phạm Công Thiện gửi cho tôi về tòa soạn báo Đại Học (Huế), nhờ Lê Ngộ Châu chuyển, thay vì tôi có thể đăng công khai. Mấy bữa sau, tôi và ông Thiện gặp nhau ở tòa báo Bách Khoa với sự chứng kiến của anh Lê Ngộ Châu. Trong bữa gặp gỡ đó, ông Thiện thú nhận với tôi đại ý như sau: Tôi viết bài phê bình anh để thỏa mãn những uất ức bất mãn của giới Phật giáo coi anh là tiêu biểu cho trí thức Việt Nam nói chung và trí thức Công giáo nói riêng. Tôi xin hứa với anh sẽ bỏ bài đó trong lần tái bản sách sắp tới. Ông Phạm Công Thiện đã giữ lời hứa.

Đáng lẽ tôi phải đề nghị ông Phạm Công Thiện và chúng tôi đồng ý lên tiếng chung, một cách công khai, đăng trên báo về quyết định kể trên. Tôi đã không làm việc đó vì coi như mọi sự đã dàn xếp xong. Nhưng sau đó nhiều người trong giới cầm bút, nhất là trong giới Phật giáo vẫn trích dẫn, những phê phán đả kích của ông Phạm Công Thiện trong các bài viết của họ. Tôi cũng đọc qua cho biết nhưng không bận tâm nên cũng không liên lạc với ông Thiện yêu cầu làm việc lên tiếng chung.

Chỉ kể một vài người mượn ông Phạm Công Thiện để công kích tôi. Cung Tích Biền viết thế này: “Ông Nguyễn Văn Trung chỉ là một trí thức phá sản? Ông không có gì để phá sản. Ông chỉ là kẻ bịp và là một du đãng văn nghệ. Kẻ bịp kia như thế nào thì đã có ông Phạm Công Thiện làm cáo trạng từ lâu rồi.” (Tuần báo Khởi Hành số 150, 1972). Chu Tử, qua bút hiệu Kha Trấn Ác, viết “Người hùng Nguyễn Văn Trung” trong tuần báo Đời số 11 phát hành ngày 27 11 1969, nhắc lại tập san Sử Địa trích lời phê bình của ông Phạm Công Thiện đối với ông Nguyễn Văn Trung như sau: “Đối với tôi Nguyễn Văn Trung tượng trưng cho sự nông cạn, nô lệ, phá sản của giới trí thức Việt Nam hiện nay. Tên ấy gợi lên sự học vấn lừng khừng suy tư thiếu máu, cóp nhặt thiếu thông minh, kiêu ngạo, ngu xuẩn, lưu manh, nguy hiểm. Tôi đã tàn bạo khi viết những giòng trên. Phải tàn bạo. Không thể nhẹ nhàng, không thể cảm thông, trao đổi với hạng người trên...” Cái gì mà cay cú dữ dằn thế! Riêng Đầu Gối chỉ tiếp xúc với ông Trung có một lần, không hiểu rõ con người thực của Nguyễn Văn Trung ra sao, Đầu Gối chỉ có cảm nghĩ dưới đây về trường hợp Nguyễn Văn Trung… Ý của Chu Tử sau đó là tôi có thể là gì cũng được miễn là đừng làm tay sai nằm vùng cho cộng sản thế thôi...

Trong bài “Mười năm sinh hoạt văn hóa Phật giáo tại Việt Nam” (1963 - 1973) Trần Quang Phúc trong tạp chí Hải Triều Âm 1973: “Ngoài các hoạt động của báo Đại Học, những tác phẩm của Nguyễn Văn Trung gây chấn động cho giới Phật giáo thời đó nhiều nhất. Không kể những bài trong quyển Nhận Định, riêng quyển Biện chứng giải thoát trong Phật giáo của ông quả thực là một quả bom nổ, không khí rầm rộ không kém bài phê bình của ông Phạm Công Thiện về quyển La conception boudhique du Devenir sau này. Bạn tôi đi du học đã gần bảy năm mà nghĩ đến Phật giáo thời đó vẫn viết thơ về bắt tôi chạy tìm cho được quyển La conception boudhique du Devenir của Nguyễn Văn Trung, thì đủ biết tầm mức của nó gây ấn tượng sâu đậm như thế nào”… “Sau Ngày sinh của Rắn, Hố thẳm tư tưởng xuất hiện lại càng gây chấn động dữ vì bài phê bình Nguyễn Văn Trung. Một số Phật tử thỏa mãn, họ có ý nói là trả lại những lộng hành của Nguyễn Văn Trung đối với Phật giáo trước kia. Một số người khác chỉ đồng ý một nửa vì phê bình quá nặng tay.

Lần tái bản Hố thẳm tư tuởng sau này, Phạm Công Thiện tự ý bỏ bài phê bình đó. Sau gần 30 năm, nhìn lại vụ này trong “Những chặng đường đã qua”, tôi nhắc đến bữa gặp gỡ giữa chúng tôi, có mặt anh Lê Ngộ Châu, còn sống ở Sài gòn, để người đọc, nhất là trong giới Phật giáo, hiểu cho rằng không phải tự ý ông Phạm Công Thiện bỏ bài phê bình đó. Trong tinh thần tôn trọng tinh thần trung thực, tôi vẫn còn giữ nguyên những thư ông Thiện gửi cho tôi với tư cách chủ trương biên tập tạp chí Đại Học (Huế). Những thư này được lưu giữ trong hồ sơ của tạp chí, mục liên lạc với độc giả. Và người viết lịch sử văn học Việt Nam có thể tham khảo hồ sơ này còn được lưu trữ ở Thư viện Đại Học Huế. Nhưng mục đích chính nhắc tới vụ này là để kể lại lúc đó tôi đã nghĩ gì về “hiện tượng Phạm Công Thiện”, và bây giờ tự xét xem tôi có trách nhiệm gì về phần tôi đã để xảy ra hiện tượng Phạm Công Thiện.

Tôi nhớ rõ vì có ghi lại, hồi đó tôi đến gặp T.T. Thích Minh Châu, Viện Trưởng viện Đại học Vạn Hạnh để trình bày những thắc mắc của tôi liên quan đến bài viết của ông Phạm Công Thiện. Thượng Toạ cho biết chính Thượng Toạ là người đã đưa ông Thiện đang ở Paris làm beatnik, để tóc dài, cạo trọc đầu, khoác áo cà sa về Sài Gòn và cho ông dạy tại Vạn Hạnh. Thượng Toạ là người bao dung tỏ ra tôn trọng tuyệt đối tự do của người khác. Qua câu chuyện trao đổi, Thượng Toạ chỉ muốn tôi thông cảm với một hiện tượng như là “kết quả oan trái của thời cuộc loạn ly suốt hai mươi năm nay mà những thế hệ trẻ đã phải chịu đựng vì họ là nạn nhân”. Tôi cảm kích thái độ độ lượng của T.T. Viện trưởng và sẵn sàng thông cảm với hiện tượng Phạm Công Thiện mà dư luận giới cầm bút thời đó có người gọi là một quái thai, một đứa con hoang của văn học, và chịu đựng trong yên lặng.

Những người cầm bút lúc ấy, đặc biệt những người mang danh Phật giáo, không có được tinh thần của T.T. Viện trưởng, vẫn tiếp tục khai thác, lợi dụng bài phê bình của Phạm Công Thiện, bày tỏ một thái độ thỏa mãn hả hê, như ông Trần Quang Phúc đã cho biết. Còn thái độ im lặng của tôi thì được những người sử dụng bài của Phạm Công Thiện coi như một thú nhận tội lỗi không thể chối cãi của kẻ bị cáo. Cũng trong thời gian đó, tôi nhận được thư của anh Tạ Trọng Hiệp, người bạn thân từ Paris đưa tin về Phạm công Thiện:
“Đầu mùa hè năm ngoái, tôi có gặp Thiện hai lần ở nhà Ái, một lần ăn cơm chung với vợ chồng Ái, một lần gặp nhanh vì hôm đó anh ta mặc áo nhà sư tiếp phái viên của báo Pháp. Nói chuyện thì thấy anh ta chẳng điên tí nào cả, rất nhã nhặn và vui vẻ bình thường như mọi người cùng lớp tuổi với chúng mình. Nhưng đó, riêng đối xử với tôi thì có lẽ vì tôi hoạt động ở một địa hạt không ăn vào cái mà Thiện nhận là địa hạt của Thiện, nên chẳng có gì đụng chạm. Gặp nhau cũng đã lâu rồi, tôi không nhớ là đã nói với nhau những gì, nhưng đến một lúc tôi lái câu chuyện qua văn học và sinh hoạt trí thức ở Sàigòn, kể nhẹ đến tên Trung thì thấy ngay anh ta đổ quạu. Có thể hiểu thái độ của Thiện cũng như thái độ của Bùi Giáng.. một phần là do sự ghen trí thức chăng? Một khi mình sẵn có vocation làm anh cả (Maitre à penser) tưởng dễ thành công (vì trong tình trạng mù lòa của cái ao Việt Nam, một anh chột mắt cũng dễ thành công, thành danh không khó nhọc lắm), lại gặp phải một chướng ngại trí thức như Trung, có tài lý luận còn hơn anh ta nhiều, học vấn lại có căn để trong đại học chứ không phải là thứ chắp vá autodidacte, thì còn gì đáng ức cho bằng? Cho nên cũng giận lây cái đại học chính qui mà mình không lọt vào được và rất hoan nghênh cái đại học khác đã mở cửa cho mình vào, có gì là lạ? Lại có thêm yếu tố chính trị xen vào làm rối thêm bầu khí! Trung là trí thức nhưng Công giáo, vậy muốn hạ Trung cũng cần dựa vào lực lượng nào khác đang có sức chống lại khối Công giáo.

Tôi nghĩ rằng đây cũng là một con đẻ điển hình của cái ao tù luộm thuộm Việt Nam; thời thế là vậy hẳn phải tạo ra những anh hùng như vậy. Trong xã hội ở cấp rất cao thiếu gì những anh lưu manh như vậy”.
Lối nhìn người của anh Hiệp, về nội dung cũng không khác lối nhìn của T.T. Thích Minh Châu, vì sự ghen ghét bực bội cá nhân cũng bắt nguồn từ tình trạng loạn ly trong đó có những người được may mắn ăn học và những người không có cái may mắn đó. Duy có điều từ nhận xét khách quan của người ngoài đời, không thấy toát ra lòng bao dung độ lượng của người tu trì. Tuy nhiên thư của anh Hiệp cho tôi cảm nhận thêm phải thông cảm hơn số phận của những người cùng thời không được may mắn, mà nguyên nhân may hay không may đều do thời cuộc loạn ly.

Ý nghĩ của tôi từ đó đến nay dừng lại ở điểm đổ lỗi cho thời cuộc mà không tự hỏi trong trường hợp cụ thể: Phạm Công Thiện có liên hệ với tôi, tôi có trách nhiệm gì gây ra việc ông thay đổi thái độ trở thành người phản kháng chửi tôi, chửi đời, chửi người thực tình và dữ dội như vậy. Bây giờ đọc lại bài phê bình của ông Thiện, những bức thư ông gửi cho tôi, tôi mới nhận ra, quả thực, tôi có trách nhiệm nào đó. Các thư ông viết cho thấy rõ ông mong mỏi có chỗ đứng trong giới nghiên cứu giảng dạy đại học, mà tôi lúc đó hoàn toàn có khả năng đáp lại mong muốn chính đáng của ông. Chẳng hạn đăng bài biên khảo trên tạp chí Đại Học, ra sách ông viết trong nhà xuất bản Đại học, mời ông làm giảng viên Đại học Huế, diễn thuyết ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trong khuôn khổ lịch trình sinh hoạt văn hóa Đại học Huế, và sau cùng vận động cho ông đi du học, không phải vì ông là người Công giáo như tôi đã làm cho vài người khác. Tóm lại ông đã gõ cửa tôi, có lẽ sau khi đã thử gõ nhiều nơi khác, nhưng tôi đã không mở cửa cho ông, và vì thế tôi đã đẩy ông vào tình trạng thất vọng, bất mãn.

(…)
Nguyễn Văn Trung
© Thông Luận 2007
Về Đầu Trang
THUY LOAN



Ngày tham gia: 12 May 2011
Số bài: 3197

Bài gửiGửi: Mon Nov 03, 2014 6:04 pm    Tiêu đề:

Cảm ơn anh Đỗ Kim Phụng đã nhắc lại việc GS. Phạm Công Thiện vs GS. Trần Bích Lan - Nguyên Sa thời 1970. TL có vào Google tìm hiểu thêm về GS. PCT qua bài viết của GS. Nguyễn Văn Trung, định post thêm để mọi người cùng tham khảo. Nhưng rất may là Lê Xuân Lộc đã nhanh tay hơn. Vậy xin cảm ơn LXL nhé.

*** Anh ĐKP vô tình đặt cho TL cái tên mới THU LOAN - nghe cũng hay hay, có vẻ dịu dàng hiền hậu hơn cái tên cúng cơm, Thuý Loan .

TL
Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Tue Nov 04, 2014 10:22 am    Tiêu đề: Xin lỗi THUÝ LOAN

XIN LỖI THUÝ LOAN,

Anh thành thật xin lỗi Thuý Loan nhé .  Lẽ ra anh xin lỗi ngay sau khi anh đọc lại bài viết, nhưng vì bận vài công việc, nên hôm nay mới .

Thật ra anh Phụng ngưỡng phục những bài của Thuý Loan lâu lắm rồi, vì mình đang ở VN nên các mẩu tin của TL cung cấp rất hữu ích không riêng cho anh Phụng mà còn cho những ai quan tâm đến thời cuộc .

Bây giờ trở lại vấn đề "lời qua tiếng lại" giữa hai vị giáo sư triết thời danh những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, anh Phụng không còn mặn mà nữa đâu, vì qua thông tin vừa rồi mình mới biết GS Nguyễn Văn Trung qua đời . Thôi thì hãy để yên cho người nằm xuống với những gì tốt đẹp nhất của họ .  Có điều phải nói rằng GS PCT không có thù hằn gì với GS NVT đâu . GS PCT chỉ muốn vạch ra cho mọi người thấy SỰ THẬT thôi, vì tác phẩm (cũng là luận án tiến sĩ triết của NVT )  LE CONCEPTION BUDDHISME DU DEVENIR (đệ trình ở Viện Thần học Louvain) viết quá sai và ấu trĩ về Phật học, cho nên PCT mới lên tiếng,  thế thôi ; luận án này nghe nói không tới 170 trang .

Nên nhớ rằng khi viết về Phật giáo - dù là Nam tông hay Bắc tông, đại thừa hay tiểu thừa - người viết ít nhất phải biết ba cổ ngữ : Hán , Sanskrit (gọi là Bắc Phạn)  và Pàli (Nam Phạn) chưa kể đến Tạng  ngữ (Tibetan) và Nhật ngữ . Hãy nhìn xem luận án tiến sĩ của Lê Mạnh Thát , nguyên giáo sư đại học Vạn Hạnh, tựa THE PHILOSOPHY OF VASUBANDHU (Triết Học Thế Thân) dày 435 trang chữ nhỏ  khổ 14x21 với 450 tác phẩm tham khảo dàn trãi  các ngôn ngữ : Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán , Phạn, Pàli .  Luận được đệ trình năm 1974 tại Graduate School of University of Wisconsin at Madison nổi tiếng .  

Cũng nói thêm, đồng thời với năm đó - 1961 - năm mà NVT trình luận án về Phật học ở nơi mà đạo Thiên chúa chiếm phần lớn ,  thì Thượng toạ Thích Minh Châu (1920-2012) cũng đã trình luận án THE CHINESE MADHYYAMA ÀGAMA AND THE PÀLI MAJJHIMA NIKÀYA (So Sánh Kinh Trung  A-hàm chữ Hán và Trung Bộ Kinh chữ Pàli) ở đại học đường nổi tiếng Bihar (Nalanda), Ấn Độ và được  chấm đậu hạng tối danh dự với lời ban khen của hội đồng giám khảo ; và chính Tổng thống Ấn Độ thời đó dích thân trao văn bằng tiến sĩ cho TT Minh Châu . Luận án dày ngót 400 trang chữ nhỏ khổ 16x24 . Luận án mà chính GS Mookerjee, Viện trưởng , đã viết trong Lời Mở Đầu rằng : "His works has really extended the horizon of our knowledge " .Thế thôi, nói chi nhiều, các vị đã quá vãng rồi ; chỉ còn là SỰ THẬT và CHÂN LÝ để cho hậu thế nhận định .

Trước khi tạm ngưng , anh Phụng muốn chia sẻ với  THUÝ LOAN những ưu tư khắc khoải về nền giáo dục nước nhà ; và rất mong Thuý Loan có những mẩu tin bổ ích như thế .

Tây Đô, chiều nay mưa lớn quá ngập đường , xe hai bánh chết máy !

ĐKP
Về Đầu Trang
Le Xuan Loc



Ngày tham gia: 28 Aug 2008
Số bài: 32

Bài gửiGửi: Tue Nov 04, 2014 11:34 am    Tiêu đề:

Chị TL mến,

Lần đầu tiên được nghe khen "nhanh" nên vui cả một ngày. Cám ơn chị nhé !

Những cái tên như GS Nguyễn Văn Trung hay Phạm Công Thiện nghe rất quen thuộc một thời khi khi Lộc còn ở VN. Cũng còn nghe nói là PCT bị loạn trí, nhưng lúc đó thì Lộc không biết loạn trí đến mức nào cho mãi đến khi đọc bài viết của GS Trung thì mới  biết nhiều hơn qua những gì GS Trung kể PCT đã viết. Vì nhân cách PCT đặc biệt quá nên mới nhớ dai và vì vậy mới nhanh hơn chị thôi !

Số là do Lộc đã đọc bài viết này lâu rồi, từ nguồn chính bài dài lắm chứ không phải như những gì đã được đăng. Tuy nhiên vì  bài viết  (mặc dù có cắt đi một phần) được một ĐH ở VN đăng lại nên thấy tiện lợi cho người đọc trong nước hơn, để khỏi làm phiền họ lo ngại về tường lửa !

(Có một điểm sai nhỏ thôi, thay vì "Nhưng sau 63, ông dìm tôi xuống bùn đen ..." thì GS Trung viết "sau 1975", nếu không phải là lỗi của ông mà là in nhầm thì dù sao đi nữa nó cũng đã nói lên nỗi ám ảnh còn in sâu đậm trong tiềm thức của các thế hệ người Việt đã từng sống ở VN qua hai bước ngoặc thời gian 63 & 75! )

Nhìn lại sự kiện để thấu hiểu cho cùng và rút ra một bài học chính là những mưu toan bất chính của những người có tham vọng đen tối lúc ấy đang lãnh đạo các cơ sở hay học viện mà mọi người cứ nghĩ là rất đáng tin cậy để xây dựng tốt cho tương lai của đất nước.

Chị thử tưởng tượng ở xã hội Mỹ, có trường ĐH nào mà cho in những cuốn sách do một thầy giảng dạy trong trường với ngôn từ trịch thượng và ngạo mạn như vậy ?

Từ đó chúng ta cũng sẽ thấy được tại sao nước người tiến xa vượt bực còn VN ta sau bao nhiêu năm rồi thì "mèo lại hoàn mèo".

Mình không cần nhìn xa: Nam Hàn là nước không xa VN và cũng có hoàn cảnh giống VN. Ngày nay chỉ cần nhìn Bắc Hàn và Nam Hàn thì người Việt cũng biết đâu thực đâu hư !

Có một sự thật về liên hệ Nam Hàn và Nam Việt rất thú vị ở những năm cuối thập niên 1950: Năm 1958, vị Tổng Thống đầu tiên của Nam Hàn là Tiến Sĩ Lý Thừa Vãn (có bằng TS ở ĐH Mỹ thực thụ) đi kinh lý sang Thủ Đô Sài Gòn. Ông rất khâm phục sự phát triển xã hội dân sự của miền Nam VN so với các nước trong vùng Đông Nam Á đến nỗi ông thú nhận với TT Diệm (có thể với niềm hãnh diện thầm kín ...) ông là người gốc Việt! Nhưng lúc ấy vì báo chí VN quá coi thường Nam Hàn nên không cho đó là một sự kiện "big deal"! Bây giờ thì ngay cả người Hàn Quốc thường thôi dù có gốc Việt (Lee) qua làm việc cho công ty của người Hàn ở VN cũng chẳng buồn công nhận họ là người gốc Việt !!!

Chúc chị một ngày vui.

LXL
Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Tue Nov 04, 2014 7:51 pm    Tiêu đề: Ưu tư và Khắc khoải

Gửi LÊ XUÂN LỘC,

Cái bài mà Nguyễn Văn Trung viết và đăng trên Thông Luận tôi đã đọc lâu lắm rồi ; mặc dù ở VN không được tiếp cận nhiều với các thông tin như ở nước ngoài, nhưng cái gì liên quan đến giáo dục và các vị thầy đại học ở VN trước 1975 tôi luôn theo dõi .  Tôi không bênh vực ai cả , tôi chỉ nói SỰ THẬT (cũng có thể là CHÂN LÝ) mà thôi, vì vậy nói cái gì tôi cũng trích dẫn nguồn (source) . Tôi không muốn nói nhiều vì đó là những người đã khuất và khả kính vả lại có những điều không nên nói ra vào lúc này mặc dù nó đã xảy ra từ những năm trước 1972 với phong trào PAX ROMANA của giới trí thưc công giáo   họ lập ra và tự nhận như vậy. Tất cả các sinh viên những năm 1966-1970 đều biết rõ phong trào này và đã thấy cố HT Thích Minh Châu , viện trưởng đại học Vạn Hạnh lúc đó, đã bình tĩnh như thế nào trước những luận điệu chỉ trích Phật giáo của họ .

Điều tôi  tôi muốn nói ở đây là : tôi đã từng học với GS NVT và cũng đã từng đến đại học Vạn Hạnh nghe GS Phạm Công Thiện giảng dạy, tuy tôi không là sinh viên Vạn Hạnh . Chỉ có những ai học với hai vị GS này mới thấy được tầm vóc về kiến thức của họ . Thế thôi . Và sau cùng, mãi mãi trong tôi , tôi vẫn thấy GS Phạm Công Thiện xứng đáng là giáo sư đại học .  

Sau cùng, tôi xin hỏi : tại sao NVT không trả lời PCT ngay khi cuốn HỐ THẲM TƯ TƯỞNG xuất bản năm 1966, 1967 mà đợi đến  thế kỷ XXI  mới nói (tức là quá lâu sau 1975 với các quan điểm khác nhau giữa những người VN ở hải ngoại - họ cảm thấy nếu không làm được gì có lợi cho quê nhà thì thôi hãy quên đi những gì đã qua  thời còn trẻ năng động, tuổi dưới 40 ).  

SỰ THẬT vẫn là SỰ THẬT và không có gì che giấu được dưới ánh sáng mặt trời .

Anh LỘC, thôi thì chúng mình đừng nhắc chi mấy chuyện "lời qua tiếng lại" của các bậc đàn anh , bậc thầy của chúng mình nữa; hãy hướng đến ngày mai cho hậu duệ chúng mình .

ĐKP
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân