TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - CẢM XÚC NGÀY VU LAN
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

CẢM XÚC NGÀY VU LAN

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Ơn Đức Sinh Thành
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Bảo Minh Trang



Ngày tham gia: 23 Feb 2013
Số bài: 144
Đến từ: Đồng Nai

Bài gửiGửi: Tue Aug 12, 2014 10:17 pm    Tiêu đề: CẢM XÚC NGÀY VU LAN

CẢM XÚC NGÀY VU LAN

(Tác giả: Bảo Minh Trang)
Lại đến mùa thu nỗi nhớ cào
Cho lòng hiếu tử mãi nao nao
Ơn sâu vĩ đại tràn tha thiết
Nghĩa nặng bao la trải dạt dào.
Mùa Vu Lan lại đến với màn mưa ngâu đẫm nhòa trong làn sương lệ, như nhắc nhở rằng mùa báo hiếu đã trở về, sắc thái mùa thu khơi lên một cảm xúc đặc biệt bồi hồi da diết,  khiến những người con trên mọi miền đất nước với tâm hồn ưu tư khắc khoải bâng khuâng hoài niệm về  hai đấng sinh thành.
Nhũ bộ ghi hồn thương khắc khoải
Sanh thành khắc dạ tủi miên man
Công ơn của Cha Mẹ như trời cao bể rộng bao la thăm thẳm vô bờ bến, mười trọng ân của Cha Mẹ đối với con trẻ thật không thể nào dùng lời nói hết.
Ngất trời chín chữ cù lao
Trọng ân dưỡng dục xiết bao nghĩa tình
Trời cao đất rộng minh minh
Cũng không sánh nỗi thâm tình Mẹ - Cha.
Tình cảm của Cha Mẹ như dòng nhựa sống mãnh liệt cháy bỏng lòng người, cái tình cảm ấy luôn bàng bạc sâu lắng trong trí não của mỗi con người, cái tình thân ấy, cảm xúc ấy luôn thầm lặng mãi dõi bước những người con cho đến suốt cuộc đời.
Đất mênh mông không đong đầy tình mẹ...
Trời cao vời khó sánh đặng ơn cha...
Trời mênh mông mặt đất rộng bao la
Đã che chở cho đời con ấm áp!!!...
Đúng như thế, đất tuy mênh mông cũng không thể đong được tình Mẹ, trời cao lồng lộng cũng không thể nào sánh đặng ơn Cha, hai bậc sinh thành đã vì con mà dõng cảm đương đầu với mọi gian khó của cuộc đời, không so đo tính đếm, đêm ngày vất vả cũng chỉ vì mong cho con có cuộc sống an lành hạnh phúc, Cha Mẹ không hề ngần ngại, tình nguyện  làm cây cao bóng cả  che chở đời con trẻ.
Dưỡng dục chăm gìn há kể công
Tình thương thấm đượm quả tim hồng
Thân mình khó nhọc lòng đâu quản
Phận trẻ yên bình trí mãi trông
Nổi tiếng Cha nhìn như mới chạy
Thành danh Mẹ dõi tựa đang bồng
Cao vời nghĩa nặng dường non Thái
Ngọt cả bầu trời ấm cõi không.
Dân gian thường nói: “Chín tháng cưu mang, ba năm bồng bế” như vậy cũng chưa đủ nói lên sự vất vả của Cha Mẹ, tình thương của Cha Mẹ đối với con trẻ là không giới hạn vô bờ bến trường tồn theo cùng  tháng năm:
“Mẹ già trăm tuổi tóc sương
Lo con tám chục năm trường chưa thôi
Tình thương đâu nỡ dứt chồi
Phân ly họa lúc số trời đổi sang”
(Kinh Tam Bảo)
Vâng chỉ có sự phân ly mới ngăn cách được tình thương của Cha Mẹ đối với con cái, còn sống ngày giờ nào là ngày giờ đó Cha Mẹ còn lao tâm khổ trí với con, vẫn xem con như thời trẻ dại hết lòng yêu thương chăm sóc, bảo vệ.  Nói đến Cha Mẹ thì tất cả  con người trên thế gian này,  từ bậc thánh hiền đến người dân tầm thường  ai cũng do Cha Mẹ sinh ra, chính Cha Mẹ là người đã san sẻ một phần máu, thịt để tạo nên hình hài của con trẻ, chính Cha Mẹ đã không ngại gian truân vất vả tranh đấu với đời, để lo lắng cho con.  Công ơn sinh thành và dưỡng dục của Mẹ, Cha thật không ngòi bút nào có thể tả hết.
Sanh thành dưỡng dục sánh non cao
Nghĩa nặng tình thâm biển dạt dào
Máu huyết hình hài cha mẹ tạo
Khôn dùng bút mực tả công lao.
Trên thế gian này điều hạnh phúc nhất là những người còn Cha còn Mẹ, và bất hạnh lớn nhất là những kẻ mồ côi. Cuộc sống bé thơ thật êm đềm biết bao khi được Cha Mẹ yêu thương chăm  sóc từng miếng ăn, giấc ngủ trong tình cảm ngọt ngào, êm ái, thật không còn hạnh phúc nào hơn, đó chính là những cung bậc êm đềm của bài hợp xướng gia đình mênh mang thấm đượm. Vì thế căn bản đạo đức con người cũng bắt đầu từ sự giáo dục chu đáo của gia đình, có thể nói rằng, chính Cha Mẹ là chuẩn mực hành trang của các con từ lúc còn thơ bé.
Hạnh phúc nào bằng có Mẹ Cha
Niềm vui thấm đượm ấm êm nhà
Hành trang cuộc sống cho con trẻ
Vị ngọt yêu thương mãi đậm đà.
Dù ở bất cứ độ tuổi nào, Cha Mẹ cũng là nơi nương dựa vững chắc cho chúng ta, là chiếc nôi tình yêu thánh thiện đưa chúng ta vào giấc ngủ ngọt ngào, ấm áp, xóa đi những đau sầu triền miên của nhân thế, Khi con ra đời con là niềm vui hạnh phúc của Cha Mẹ, vì con Cha Mẹ sẵn sàng chấp nhận đắng cay vất vả, miễn sao con trẻ được lớn lên trong bình an và hạnh phúc, cái  tình cảm thiêng liêng cao cả  bất tận ấy, ta chỉ có thể tìm được nơi Cha Mẹ mà thôi
Cha Mẹ cho con hết cuộc đời
Âm thầm vất vả chẳng hề ngơi
Thiêng liêng bất tận tình yêu ấy
Tỏa sáng bao la đến tuyệt vời.
Đức Phật đã dạy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật." vì vậy mà đạo Phật xác định : “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cùng cực là bất hiếu” (Kinh Nhẫn Nhục). Khổng Tử có hơn ba ngàn đệ tử mà chỉ khen duy nhất có một mình Mẫn Tử Khiên: “Chí hiếu thay thầy Mẫn Tử Khiên”.  Ân sâu của Cha Mẹ phi thời gian vượt thời gian, không gì có thể đo lường tính đếm, trọng ân cao cả đối với con cái thì không có gì hơn Cha Mẹ, Đức Phật dạy rằng: “ Phàm người phụng thờ quỷ thần không bằng phụng thờ Cha Mẹ, Cha Mẹ là vị thần tối thượng” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương).
Trong tâm cố gắng giữ cho tròn
Báo nghĩa sanh thành dạ sắt son
Tối thiện không gì qua chữ hiếu
Muôn thu vĩnh viễn tiếng thơm còn.
Đức Phật dạy rằng: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu đạo vi tiên” nghĩa là ngàn quyển kinh, trăm quyển sách tôn vinh hiếu đạo làm đầu hay “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.  Những người con Phật, trước tiên phải lấy chữ hiếu làm đầu.  "Phúc thay những người con hiếu kính cha mẹ, làm nhiều công đức để hiếu kính cha mẹ, vì như vậy thiên chúng sẽ được sung mãn và các A-tu-la sẽ bị giảm thiểu" (Kinh Tăng Chi I. 459-60).
Trăm ngàn quyển sách hiếu vi tiên
Trách nhiệm làm con phải thảo hiền
Báo đáp song thân tròn bổn phận
Lưu tồn hạnh tốt đến ngàn niên.
Báo hiếu là sự biểu hiện phẩm hạnh đạo đức của mỗi người con chúng ta. Mùa hiếu hạnh lại đến, gợi lên cho chúng ta những cảm xúc thật êm đềm thân thương về Cha Mẹ, những người đã cho chúng ta hình hài và sự nghiệp. Chúng ta hãy thấy vui sướng khi cha mẹ còn ở bên mình và tận lực phụng dưỡng cha mẹ, hãy làm trọn những bổn phận trên, đó chính là cách báo hiếu thiết thực nhất!
Xúc cảm thân thương mãi dậy trào
Ngày rằm tháng bảy món quà trao
Tinh thần báo hiếu lan muôn nẻo
Ấm áp tình thân vị ngọt ngào.
Bất cứ là ai có mặt ở trên thế gian này, thì cũng đều chung một tinh thần báo hiếu tuôn trào trong dòng nhiệt huyết. Hơn ai hết là người Phật tử, chúng ta cần phải hiểu vì sao mà bổn phận làm con trước hết phải biết báo hiếu!  Vì đã là một thành viên của xã hội hiện hữu ở trên đời này, trước hết phải được Mẹ mang nặng đẻ đau: “Chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi; đêm đêm như bệnh nặng, ngày ngày tợ hoàng hôn; trong khi sinh nở, gan ruột dường như xé rách, đau đớn mê man, máu huyết dầm dề” (Kinh Báo Ân). Trong kinh Tăng Chi I, số 751, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo có hai hạng người, ta nói không thể trả ơn được; thế nào là hai? Đó là Cha và Mẹ. Nếu một bên vai cõng Cha, một bên vai cõng Mẹ, làm như vậy suốt một trăm năm cho đến khi Cha Mẹ trăm tuổi. Như vậy này các Tỳ-kheo, cũng chưa đủ để trả ơn cho Cha và Mẹ. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, Cha Mẹ có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, các Tỳ-kheo cũng chưa làm đủ để trả ơn Cha và Mẹ.”
Ân tình Phụ Mẫu rộng mênh mông
Báo đáp ngàn năm cũng chẳng đồng
Nghĩa nặng bao la  dường biển lớn
Như vầng nhật nguyệt phủ hư không.
Trong Kinh Hạnh Phúc nói rằng, việc hiếu kính cha mẹ không chỉ là một loại hạnh phúc mà còn là một thứ hạnh phúc tốt lành nhất trong các hạnh phúc của con người:
“Sự phụng dưỡng mẹ cha
Là hạnh phúc lớn nhất”
(Kinh Hạnh Phúc)
Vậy chúng ta muốn thành 1 công dân tốt, vừa tròn chữ hiếu với cha mẹ, vừa được trời người quý trọng ngay trong hiện tại và được hưởng phước lạc ở mai sau, lại được con cháu theo gương đó mà hiếu kính với mình thì điều nên làm là phải hiếu thảo với cha mẹ để làm gương cho hậu bối, đây chính là căn bản của nền tảng đạo đức thiết yếu. Đất nước ta trong 20 thế kỷ qua, đã ảnh hưởng sức mạnh tinh thần của Phật giáo và tiếp thu tinh hoa cao đẹp của Phật giáo dần dần trở thành hơi thở không thể thiếu của dân tộc. Một trong những ngày lễ quen thuộc của Phật giáo đã sớm chuyển mình hòa nhập vào cuộc sống của người dân Việt và trở thành ngày đại lễ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt, đó là ngày lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa lớn là báo ân Cha Mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy thuần hậu chất phác của người Việt Nam: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Hình ảnh hiếu dưỡng mẹ và cha đúng pháp không chỉ được gọi là bậc chân nhân, bậc thiện nhân, bậc cao quý, mà còn được sánh ví ngang hàng với phạm thiên, với các bậc tiên sư. Những gia đình có được những người con hiếu thảo như vậy được gọi là gia đình xứng đáng được cúng dường và tán thán như lời Phật dạy:
"Này các Tỳ-kheo, những gia đình nào mà con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được xem là ngang hàng với Phạm thiên, với các bậc tiên sư và đáng được cúng dường." (Kinh Tăng Chi I. 147)
Gieo trồng quả tốt báo ơn sâu
Hiếu hạnh song thân phước đứng đầu
Được cả thiên nhân đồng kính ngưỡng
Con hiền thuận thảo sánh trân châu.
Trong kinh Tương Ưng, đức Phật lại cho biết lợi ích hai đời của hiếu hạnh: hiện đời thì được các bậc hiền thánh khen ngợi và sau khi qua đời thì được sanh vào cảnh giới chư thiên:
Người tu theo thường pháp
Nuôi dưỡng mẹ và cha
Chính do công hạnh này
Mà các bậc hiền thánh
Trong đời thường tán thán
Khi chết được sanh thiên
Hưởng an lạc thù thắng (Kinh Tương Ưng IB. 203)
Cho nên, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ ràng để báo đáp ân đức sanh thành của cha mẹ mình đúng với chính pháp, xứng đáng là người con hiếu thảo, xứng đáng là đệ tử chân chánh của đức Phật, như Ngài đã dạy: “Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo phụng thờ cha mẹ cũng như khéo phụng thờ chư Phật”.
Phật tử cần nên hiểu rõ ràng
Sanh thành nghĩa trọng trải mênh mang
Đêm ngày kính cẩn không xao lãng
Hiếu đạo đèn soi ấm xóm làng.
Sách xưa có dạy: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”. Nghĩa là nếu chúng ta sinh ra trong đời không có Phật thì chính cha mẹ hiện đời chúng ta là Phật. Câu nói này nhằm nhắc nhở chúng ta, đừng xem thường đấng sanh thành và đừng quên ơn sâu dày đối với song thân. Người không có điều kiện học hiểu Phật pháp, mà ở trong gia đình là một người con hiếu kính cha mẹ như Phật thì người đó đã tu theo tinh thần của đạo Phật rồi.
Thờ Cha kính Mẹ chính tu rồi
Ươm mầm đạo đức tận trong nôi
Tuy không học Phật mà như đã
Chủng giống Chân Như quả thiện bồi.
Đức Phật dạy rằng nẻo luân hồi lên xuống bất tận, cho nên tất cả chúng sinh đều là Cha Mẹ của mình ngoài bổn phận báo đáp thâm ân Cha Mẹ của mình hiện nay , người Phật tử còn có nhiệm vụ báo hiếu cho Cha Mẹ nhiều đời của mình bằng phương thức gián tiếp. Truyền bá tư tưởng hiếu đạo để cho những người con học tập và thực hành phương pháp báo hiếu đúng chánh pháp , đem đến lợi ích cho tất cả những người Cha , người Mẹ khác trong xã hội, tạo nên một truyền thống văn hoá tốt đẹp, để mang tới hạnh phúc cho xã hội và gia đình.
Quá khứ bao lần kết Mẹ Cha
Gieo nhân quyến thuộc chốn Ta Bà
Ngày nay thức tỉnh lo truyền bá
Để hiếu âm vang khắp mọi nhà.
Ý nghĩa hiếu hạnh trong kinh điển Phật giáo phải được thể hiện trọn vẹn cả hai phương diện hiếu dưỡng vật chất và hiếu dưỡng tinh thần. Hiếu dưỡng Cha Mẹ về vật chất, người con phải cúc cung tận tụy nuôi nấng, chăm sóc, tôn kính Cha Mẹ đúng pháp, phục vụ cha mẹ bằng mồ hôi và tài sản có được từ nếp sống lành mạnh, chân chánh, làm cho Cha Mẹ sống an vui, hạnh phúc, thoải mái với những tình cảm tốt đẹp nhất. Hiếu dưỡng Cha Mẹ về phương diện tinh thần, người con trước hết phải tự trau dồi tốt bản thân mình, làm tất cả những gì tốt đẹp nhất, xa lánh những điều xấu xa, tội lỗi, đem tiếng thơm về cho gia đình, để cho cha mẹ có thể tự hào và hãnh diện với mọi người. Kế đến nếu cha mẹ chưa biết Tam Bảo thì phải khéo léo hướng dẫn cha mẹ trở về quy y và sống dưới ánh sáng của chánh pháp, trau dồi chánh kiến, đức hạnh chân chánh, làm hành trang cho một đời sống an lạc và hạnh phúc hiện tại và về sau. Nội dung hiếu dưỡng Cha Mẹ về đời sống tinh thần chính là mục tiêu giáo dục của đức Phật. Ðây chính là điểm vượt trội của Phật giáo. Vì căn bản hiếu hạnh trong Phật giáo được xây dựng chính yếu trên nền tảng lợi ích thiết thực hiện tại và lợi ích an lạc giải thoát. Do đó ý nghĩa của chữ hiếu thực chất đã trở thành một phương tiện cùng cha mẹ kết làm thiện tri thức, làm pháp lữ, trên con đường thực hành chánh pháp của đức Phật, ngay đời hiện tại và cả tương lai. Hành được như thế hiếu sẽ trở thành một phương tiện của đạo đức và giải thoát cho mình và người.
Phụng dưỡng Song Đường đáng hiếu nhân
Chăm lo vật chất cả tinh thần
Làm cho nếp sống thường an lạc
Lợi ích như vầy mới thực chân.
Trong nhiều thế kỷ trôi qua, hòa với cung bậc tri ân và báo ân của dân tộc, Phật giáo luôn lấy hạnh hiếu làm đầu. Sự hòa hợp của tinh thần đó đã dẫn dắt nên những gương hiếu hạnh trong quá khứ cũng như hiện tại, đã nổi bật và tỏa sáng trường tồn vĩnh cửu với thời gian. Ta có thể thấy ngày Vu Lan chứa đựng ý nghĩa vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng, và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan hàm chứa một sắc thái  thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng khen ngợi. Người con Phật nhờ nhận thức sâu sắc lời Phật, mùa Vu Lan về càng nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ. Nhờ thế thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý thấm sâu vào lòng của dân tộc Việt Nam, và đây cũng là chuẩn mực sống của hàng Phật tử khi khẳng định đạo Phật là đạo hiếu. Hãy luôn làm cho lễ báo hiếu thật đủ đầy ý nghĩa,  không chỉ là khi Cha Mẹ đã khuất bóng, mà khi Cha Mẹ còn hiện thời,  và Vu lan cũng không chỉ một lần trong năm mà phải là Vu lan trong Tâm, Vu Lan trong cuộc sống, Vu Lan trong mọi nơi mọi lúc, trải đều  từng khoảnh khắc thời gian không phai mờ trong trí óc, ngày giờ nào cũng là Vu Lan, đó mới chính là ý nghĩa Vu Lan thiết thực…
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Ơn Đức Sinh Thành Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân