TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bài Thơ Tràng Giang Của Huy Cận
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bài Thơ Tràng Giang Của Huy Cận

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Sat May 17, 2014 12:40 am    Tiêu đề: Bài Thơ Tràng Giang Của Huy Cận

Butnghien

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "TRÀNG GIANG" CỦA HUY CẬN
PHÂN TÍCH BÀI THƠ "TRÀNG GIANG" CỦA HUY CẬN
Nếu phải kể đến những đôi bạn thơ gắn bó keo sơn, thân thiết với nhau thì trong nền thơ hiện đại Việt Nam, đáng nhắc đến trước tiên vẫn là bộ đôi Xuân Diệu – Huy Cận. Bộ đôi ấy đã hình thành nên một xóm thơ “ Huy – Xuân ” trong phong trào thơ mới. Nhưng điều đó không hề có nghĩa là hai hồn thơ đó giống nhau, mà là ngược lại. Như sau này có người nhận xét : “ Nếu Xuân Diệu là thi sĩ của niềm ám ảnh thời gian thì Huy Cận lại là nhà thơ của nỗi khắc khoải không gian. “ Chính cảm hứng về vụ trụ bao la lớn rộng đã góp phần làm nên vẻ đẹp thơ Huy Cận, ngay từ thuở nhà thơ mới viết tập đầu tay – “ Lửa thiêng”. Và khi tìm hiểu một trong những bài tiêu biểu nhất của tập thơ, người ta chắc phải nói đến “Tràng giang”.

Trên ý nghĩa, “Tràng giang” là một con sông dài, nhưng Huy Cận lại muốn cảm nhận đó là một dòng sông rộng. Và như thế rõ ràng có lý, có căn cứ bởi cảm giác về dòng sông nếu không được làm nên bởi ấn tượng của thanh âm, bởi cả hai chữ của tựa đề -“tràng” và “giang” đều được cấu tạo bởi một nguyên âm rộng nhất trong các nguyên âm.
Bên ấn tượng về chiều rộng được nói đến ở tựa đề bài thơ thì ấn tượng ấy còn có ở cả câu đề từ :
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.

Chiều cao của bức tranh là khoảng cách giữa trời rộng với sông dài, làm nên đầy đủ, trọn vẹn ba chiều của không gian. Điều ấy rất sớm giới thiệu với người đọc về Huy Cận, một nhà thơ của cảm hứng không gian. Và trong không gian mênh mang ấy, nhà thơ đã thả vào một nỗi buồn nhớ nhẹ nhàng, man mác mà chúng ta có thể thấy được qua những từ “nhớ” và “bâng khuâng” mà nhà thơ đặt ngay ở đầu câu.


Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.


Bài thơ mở đầu bằng một hình ảnh rất thích hợp với thi đề - “sóng”. Sóng trên dải “tràng giang “ của Huy Cận không phải là sóng xô, sóng vỗ hay “ sóng vọt đến lưng trời ” như trong thơ Đỗ Phủ mà chỉ là “sóng gợn”. Một chuyển động nhẹ nhàng để gợi ra hình ảnh của một dòng tràng giang tĩnh lặng. Nhà thơ tìm ra cái tĩnh trong cái tưởng như rất động, thể hiện một hồn thơ hay thiên về cái tĩnh. Con sóng gợn trong con mắt đầy xúc động của thi nhân dường như cứ lan toả đến vô cùng. Vì vậy, ngay từ câu thơ đầu tiên, nhà thơ đã chứng tỏ mình đi theo một phong cách thơ khác nhiều lắm so với phong cách thơ cổ điển, đó là sự xuất hiện chữ “buồn” ngay ở đầu bài – “buồn điệp điệp”. Nỗi buồn mang hình ảnh của sóng gợn, mượn hình ảnh của sóng để hiện ra trước con người. Như thế, “Tràng giang” rất sớm trở thành một dòng sông tâm trạng, vừa là hình ảnh của ngoại giới, lại vừa là hình ảnh của tâm giới.

Trên bức tranh sông nước ấy đã hiện lên hình ảnh một con thuyền, một con thuyền không chèo “xuôi mái”- hình ảnh tĩnh trên một dòng sông tĩnh. Mái chèo buông xuôi dọc bên thân thuyền, để lại hai vệt nước mà nhà thơ gọi là “song song”. Hai chữ này đã hoà ứng với hai chữ “điệp điệp” ở cuối câu thứ nhất như để gợi thêm ra cảm giác về một nỗi buồn vô tận. Bức tranh thiên nhiên mở ra theo cả hai chiều, “điệp điệp” gợi ra không gian theo chiều rộng, còn “song song” lại làm nên cảm giác về chiều dài.


Nhưng đến câu thơ thứ ba:
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả


thì hình ảnh nước và thuyền quay trở lại, nhưng không phải thuyền trôi trên dòng nước mà là “thuyền về, nước lại”. Mỗi sự vật đi kèm với một động từ, tạo nên cảm giác về sự chuyển động trái chiều. Ta cảm tưởng rằng thuyền về, con nước lại và một khoảng trống sẽ được mở ra, một khoảng trống về một mối sầu lan toả, không chỉ được mở ra trên hai chiều trái ngược nhau mà là mọi chiều trong không gian – “ sầu trăm ngả”. Nhà thơ viết “trăm ngả” dường như khiến người đọc cảm nhận mối sầu ấy không có chỗ tận cùng, và nỗi buồn lại càng mênh mang hơn nữa.
Tuy nhiên, không có câu thơ nào trong khổ này lại khiến Huy Cận phải trăn trở nhiều hơn, tâm đắc nhiều hơn là câu thơ thứ tư:


Củi một cành khô lạc mấy dòng.


Điều rất lạ là câu thơ tâm huyết này của Huy Cận lại bắt đầu bằng một chữ tưởng như không hàm chứa một lượng thơ ca nào, chữ “củi”. Chữ ấy lại được nhà thơ nhấn mạnh qua một phép đảo từ “ củi một cành khô ”. Nhưng phải là chữ “củi” và phải là phép đảo từ thì nhà thơ mới có thể nói ra tận cùng một quan niệm, một triết lý nhân sinh. Chữ ấy hay không chỉ vì nó đem lại cho thơ cái chất mà Xuân Diệu gọi là “hiện thực sống sít”, làm nên một trong những phong cách thơ mới. Hình ảnh “củi” không chỉ nói về một thanh gỗ đã chết mà còn thực sự toát lên vẻ tầm thường. Nhưng đó lại là hình ảnh khó có gì thích hợp hơn để nhà thơ biểu hiện cảm quan của mình về sự nhỏ nhoi, vô nghĩa, đơn côi của sự sống một kiếp người trước vũ trụ, thiên nhiên vô tận. Ý nghĩa ấy dường như thấm vào trong từng chữ một của dòng thơ. Chữ “một” gợi lên số ít, chữ “cành” làm nên cảm giác nhỏ bé. Và như thế, con người dường như đang lạc lối, bơ vơ , ngơ ngác trước những dòng nước của con sông lớn ở trong hiện thực, cũng là trước con sông của nỗi buồn ở lòng người. Nỗi buồn về sự nhỏ nhoi, cô đơn của một kiếp người, khác hoàn toàn với nỗi buồn của Xuân Diệu trong “Đây mùa thu tới “.
Đến khổ thơ thứ hai thì không gian đã không còn chỉ giới hạn trong phạm vi một mặt sông.


Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót,
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.


Bức tranh “Tràng giang” giờ đây đã có thêm hình ảnh những chiếc “cồn” của những làng xóm ở bên sông. Vì thế hai câu thơ đầu phảng phất cảm giác man mác, nhẹ nhàng mà sâu kín về một quê hương. Huy Cận đã vô tình phác ra một cảnh sắc rất quen thuộc về một miền quê nước Việt : bờ sông hoặc giữa lòng sông có những cồn đất nhỏ, xa xa ven sông có những âm thanh xao xác của một xóm làng. Nhưng đó không phải là tất cả ý nghĩa của câu thơ. Không thể không chú ý rằng Huy Cận muốn những chiếc cồn trong thơ phải là “cồn nhỏ” và phải thưa thớt, lơ thơ. Cồn phải vậy để mặt sông càng trở nên rộng lớn. Gió thì “đìu hiu” càng làm cho dòng tràng giang thêm tĩnh lặng. Và Huy Cận cũng đã từng nói hai chữ “đìu hiu “ấy đã được mượn trong hai chữ của “Chinh phụ ngâm” :


Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.


Một ngọn gió thổi đìu hiu ở nơi đã từng là bãi chiến trường đẫm máu, mối liên tưởng ấy làm ngọn gió trên sông của nhà thơ lại càng thêm buồn bã, hắt hiu.
Câu thơ thứ ba đã vẳng lên âm thanh của sự sống, nhưng âm thanh ấy cũng nhỏ nhoi, yếu ớt, cô quạnh.


Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều


Cảm giác ấy dường như thấm vào từng chữ một trong câu. Câu thơ làm gợi nhớ đến một “phiên chợ chiều” đã “vãn” của một “làng xa”. Cảm giác đến với nhà thơ và người đọc thơ thông qua một giác quan mơ hồ - thính giác, mà không phải qua hình ảnh. Sự mơ hồ ấy lại được nhân lên qua chữ “đâu” ở đầu câu, càng khiến cho âm thanh ấy như có như không, như hư như thực. Nhưng thực nhất vẫn chỉ là sự im lặng bao trùm lên dòng chảy tràng giang.
Đến câu thơ thứ ba thì không gian được mở ra theo một chiều khác, chiều cao qua hình ảnh của nắng và bầu trời:


Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót.


Hai hình ảnh ấy cũng được đặt trong những chuyển động trái chiều – “lên” và “xuống”, trong cảm giác về một sự chia rẽ. Nắng xuống và trời lên, để lại một khoảng trống thăm thẳm mở ra, làm nên cảm giác mà Huy Cận đã diễn tả bằng một sự kết hợp từ độc đáo – “ sâu chót vót ”. Cụm từ này tạo cảm giác thăm thẳm về bầu trời và mặt nước. Không chỉ thế, phải có chữ “sâu” để không gian được nhuộm trong gam màu, gam cảm xúc buồn, trầm lắng.
Và khổ thơ thứ hai của bài thơ được khép lại trong một câu thơ gần nhất với câu đề từ khi ở đây lại xuất hiện hình ảnh của “sông dài, trời rộng”.


Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.


Nhưng bên cạnh hình ảnh ấy, Huy Cận đã đặt bên cạnh một hình ảnh “bến cô liêu”. Bến ấy cũng đại diện cho con người, cho sự sống vì sông sẽ không có nơi nào là bến nếu không có sinh hoạt của con người nơi bến ấy. Vì vậy hình ảnh “bến cô liêu” với âm hưởng man mác của hai chữ “cô liêu” ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vụ trụ thì cứ mở ra mãi đến vô tận, vô cùng.
Chúng ta bắt gặp một sự biến chuyển ở đầu khổ ba:


Bèo dạt về đâu hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.


Hình như có cái gì đông đúc hơn lên, sự chuyển động dường như cũng đã nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng ta nhận ra điều ấy qua từ “dạt” ngay ở câu thơ đầu tiên. Cảm giác đông đúc cũng thể hiện khá rõ trong ba chữ “hàng nối hàng”. Nhưng sự đông đúc ở đây lại chỉ là của những cánh bèo, hình ảnh từ lâu đã tượng trưng cho những kiếp phù sinh, cho cuộc sống không ý nghĩa. Hình ảnh “bèo dạt” ấy cũng đã từ lâu dùng để nói về số phận của những kiếp người không có khả năng tự làm chủ cuộc đời mình. Và cảm giác vô định ấy được Huy Cận nhấn thêm một lần nữa bằng hai chữ “về đâu”. Nhưng câu thơ thứ nhất không chỉ là hình ảnh của những kiếp người vô định mà từng hàng bèo trôi dạt ấy dường như còn để tăng thêm cảm giác trống không ở những câu sau. Bởi người đọc sẽ có cảm tưởng khi bèo đã dạt hết rồi, nhìn lại mặt tràng giang, con người sẽ cảm thấy hoàn toàn trơ trọi với những chữ “không” nối tiếp nhau cứ dội lên mãi trong câu thứ hai và thứ ba:


Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.


Chữ “không đò” được hiệp âm với chữ “mênh mông” ở trước, chữ “không cầu” lại được láy âm với câu trên, đặt ở ngay đầu câu, khiến cho cảm giác trơ trọi thể hiện rõ nhất ở khổ thứ ba này. Không có con đò đậu. không có cả một chiếc cầu tĩnh lặng, vô tri. Không có cả một chút bóng dáng con người mà thông thường người ta có thể mường tượng ra qua hình ảnh con đò.Như vậy hình ảnh “đò” được đặt trước vì động hơn. Nhưng đến chữ “chút niềm thân mật” thì hình ảnh con đò và cây cầu không chỉ là những hình ảnh thực mà còn là cảm giác về cuộc đời vắng tình người. Cuộc đời quá mênh mông, một chút niềm thân mật để nối hai bờ cũng không thể nào tìm ra, dù “thân mật” đã là mức độ tình cảm thấp nhất trong những mức độ tình cảm.
Và cảm giác của nhà thơ lại trở về với chiều dài và chiều rộng trong câu đề từ, khi nhà thơ viết câu thơ cuối:


Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.


Cảm giác về “không” gặp lại ở “lặng lẽ”, không hình, không cả tiếng. Câu thơ gợi cho người đọc cảm nhận về dòng chảy qua hết bờ xanh lại đến bãi vàng, nhưng tuyệt đối âm thầm. Chúng ta lại nhận ra thêm ở đây một nỗi buồn sông nước.


Lớp lớp mây cao đùn núi bạc.
Chim nghiêng cánh nhỏ óng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.


Có thể nói rằng đây là khổ thơ duy nhất mà mỗi câu thơ đều gợi ra liên tưởng về một câu thơ Đường. Cũng không có khổ thơ nào trong “Tràng giang” lại vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh trời chiều trên sông nước rõ ràng và gợi cảm như ở khổ bốn này.
Câu thơ thứ nhất đem đến cho ta cảm giác của một thiên nhiên vừa quen thuộc lại vừa lớn lao, kì vĩ.


Lớp lớp mây cao đùn núi bạc.


Chỉ bảy chữ thôi mà câu thơ đã mở ra trước mắt người đọc một bức tranh mà ở đó những làn mây dường như được đùn, đẩy từ nơi mà bầu trời tiếp liền cùng mặt nước, cứ chất ngất mãi lên phía của trời cao thành hình giống như ngọn núi, nhưng lại là núi bạc. Những đám mây kia đang phản quang những tia nắng của trời chiều, nhờ vậy mà ánh lên, loá lên, hình thành một khoảng không gian lớn rộng, gợi nên cảm giác trong sáng hiếm có ở bài thơ.
Vẫn nhìn lên bầu trời ấy, ở hai câu tiếp theo, nhà thơ điểm lên bức tranh bầu trời trên dòng tràng giang hình ảnh một cánh chim, một hình ảnh rất đặc trưng cho buổi chiều tà.


Chim nghiêng cánh nhỏ : bóng chiều sa.


Nhưng cánh chim ấy không khỏi làm cho những người yêu thơ nhớ đến một câu thơ của Vương Bột:


Lạc hà dữ cô lộ tề phi

( tạm dịch nghĩa : ráng chiều đang sa xuống với con cò lẻ loi cùng bay ).

Song cánh chim chiều trong thơ Huy Cận không bình thản như thế thì nhà thơ nói đến “chim nghiêng cánh nhỏ”. Chi tiết ấy đủ làm người đọc nhận ra bóng chiều đang buông xuống. Bóng chiều vốn vô hình dường như giờ đây có thể được nhìn thấy như trong cảm giác về một vật thể hữu hình. Nhà thơ đã hữu hình hoá cái vô hình. Và như vậy chỉ bằng hai câu mà nhà thơ đem lại cho người đọc những xúc cảm thân thương, quen thuộc của quê hương, đất nước, để rồi từ cảnh quê trong hai câu đầu mà nói đến tình quê, đến nỗi nhớ quê nhà trong hai câu thơ cuối. Nỗi nhớ mênh mông như là những làn sóng đang dợn trên mặt sông và trải ra theo con nước về phía xa vời.


Lòng quê dợn dợn vời con nước.


“Vời” được hiểu theo nghĩa là trông mãi về phía xa. Vì vậy ở câu thơ thứ ba này, nhà thơ đang nhìn mãi ra xa, tấm lòng cũng cứ lan theo mặt nước ra xa, và cũng rung rinh theo dòng nước như thế.Câu thơ đã mượn hình ảnh sóng nước tràng giang mà nói về nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy sâu nặng, thường trực trong lòng nhân vật trữ tình mà không cần được gợi ra bằng một làn khói hoàng hôn nào như trong thơ Thôi Hiệu:


Yên giang ba thượng sử nhân sầu
(Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)


Và như thế, nỗi nhớ, tình cảm quê hương cứ lai láng chảy trên khắp bề mặt của khổ thơ cuối cùng.
Không chỉ vậy, người đọc còn có thể nhận ra khổ thơ thứ tư là khổ duy nhất mà mỗi câu thơ đều gợi về một tứ Đường thi quen thuộc. Chính Huy Cận nhận rằng chữ “đùn” của câu thơ thứ nhất là ông học từ bản dịch “Thu hứng” của Nguyễn Công Trứ:


Mặt đất mây đùn cửa ải xa.


Còn câu thơ thứ hai lại được viết dưới ảnh hưởng của những câu thơ Vương Bột:


Lạc hà dữ cô lộ tề phi.


Và hai câu thơ cuối cùng không khỏi làm người đọc nghĩ đến hai câu trong “Hoàng Hạc Lâu” (Thôi Hiệu)


Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.


Điều đó có nghĩa là đến khổ thơ cuối cùng này, nỗi buồn của thi nhân không chỉ được giăng ra trên các chiều của không gian như ba khổ trước đó, mà nỗi buồn ấy còn được trải dài dằng dặc trên chiều của thời gian. Bởi vì mỗi câu thơ trong khổ đều được neo đậu vào những nỗi buồn dường như vĩnh hằng trong những câu thơ đã được viết ra nghìn năm trước đó. Và nhờ có khổ thơ này mà mối sầu của “Tràng giang” không chỉ là “nỗi sầu vạn lý” mà còn là “mối sầu vạn kỉ “. Cảm giác về “một chiếc linh hồn nhỏ, mang mang thiên cổ sầu “ ( Huy Cận ) được thể hiện rõ ở khổ thơ này hơn bất kì khổ thơ nào khác. Và như thế, nỗi buồn vũ trụ càng trở nên hoàn chỉnh hơn, nỗi khắc khoải không gian càng đầy đủ hơn. Kết thúc khổ thơ, nỗi buồn đầy đủ và trọn vẹn được mở ra trên ba chiều không gian và cả chiều thời gian, khiến cho “Tràng giang” càng thêm đậm đà phong vị Đường thi, hương vị thơ cổ điển ở ngay khổ cuối.

Tuy nhiên không vì thế mà có thể coi “Tràng giang” giống như là những vần thơ cổ điển. Huy Cận vẫn cứ hiện diện trong bài thơ như một nhà thơ mới, có thể nhận ra được từ cảm giác bơ vơ, bé nhỏ, một tâm trạng rất phổ biến của một “thời đại thi ca”. Bởi thế cánh chim chiều của Huy Cận mới yếu ớt, đáng thương đến thế, bởi đôi cánh nhỏ nhoi kia không đỡ nổi cả bóng chiều nhẹ nhàng, bảng lảng đến phải chao nghiêng. Nó khác nhiều với cánh cò bình thản trong thơ Vương Bột. Chất thơ mới ấy cũng thể hiện trong những rung động tinh tế khó nắm bắt trong cách nói “dợn dợn” ,làm nên cảm giác mơ hồ, lung linh không rõ rệt. Thêm vào đó, nhà thơ còn từ chối nguyên tắc “tức cảnh sinh tình” vốn đã là khuôn mẫu trong thơ cổ. Tình không cần phải được gợi ra từ khói hoàng hôn. Và với tất cả những lý do trên, khổ thơ cuối cùng của “Tràng giang” đã đạt đến những thành công có ý nghĩa về cả hai phương diện : nội dung cảm xúc lẫn hình thức văn chương.


Bài viết sưu tầm Tích Tác Phẩm Tràng Giang

( Sưu tầm)
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Wed Jun 04, 2014 11:12 pm    Tiêu đề:

Hàn Mặc Tử, Quách Tấn Và Bích Khê Trong Không Gian Văn Hoá Đường Thi .
TG : Nguyễn Toàn Thắng





VanVN.Net - Trước khi bước vào làng Thơ mới, hầu hết các thành viên trong nhóm thơ Bình Định đều thử bút, “gieo trồng” những mùa thơ trên cánh đồng thi ca cổ điển phương Đông. Nhờ say mê xướng họa Đường thi trên báo Phụ nữ tân văn với các bút hiệu “P.T Quy Nhơn” và “Q.T Đà Lạt” mà Hàn Mặc Tử và Quách Tấn trở thành bạn thơ thân thiết. Theo đó, Chế Lan Viên và Yến Lan cũng lần lượt thử bút “làm thơ” Đường luật và đồng cảm về mỹ học Đường thi…

Vào những năm 1932 - 1933, khi cuộc “khẩu chiến” Thơ mới - Thơ cũ diễn ra rầm rộ trên thi đàn cả nước thì các nhà thơ Bình Định lại khá bình thản. Dường như họ không hề bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận sôi động có một không hai đó. Hàn Mặc Tử, Quách Tấn từng nổi tiếng trong lĩnh vực Đường thi đều có chung một quan niệm: “Thơ không có mới cũ, chỉ có thơ dở và thơ hay”.
Hãy xem Hàn Mặc Tử so sánh Thơ mới và Thơ cũ bằng hình ảnh hóm hỉnh: “Thơ cũ là một cô gái xưa chít khăn mỏ quạ, mang chiếc nón na, một cô gái không phấn son, nền nếp trâm anh, tuy yêu kiều mà ngượng nghịu, tuy trang nghiêm mà nặng nề; trái lại, Thơ mới là một thiếu nữ tân thời, phấn son tô, y quan sặc sỡ, nhanh nhẹn như con chim buổi sáng đầu xuân, vừa mơ màng vừa kiều diễm ([1])...”

Với Hàn Mặc Tử, có lẽ thơ vẫn là nàng thơ của hàng ngàn năm lịch sử thi ca, nếu khác chăng thì khác về y phục mỹ học bên ngoài. Thơ cũ, Thơ mới mỗi loại một vẻ, “mười phân vẹn mười”. Quan niệm cho rằng thơ không có cũ mới chỉ có thơ dở hoặc thơ hay của các thi sĩ Bình Định bao hàm ý nghĩa mỹ học riêng, nghiêng về chất lượng nghệ thuật của thi ca và tài thơ của thi nhân. Có thể xem đây là những hạt mầm đầu tiên của quan niệm “văn chương là văn chương” theo hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, tôn vinh tột độ “tài thơ” của “loài thi sĩ” (những “trích tiên” bị “đọa đày dưới trần thế” với cái “giá máu” mà thượng đế bắt phải trả) của các thi sĩ Trường thơ Loạn trong nhóm thơ Bình Định sau này (Quan niệm thơ – Hàn Mặc Tử)

Hầu hết các thi sĩ ở Quy Nhơn, Bình Định đều sinh ra và lớn lên từ chiếc nôi văn hoá phương Đông và được nuôi dưỡng bởi “không khí Đường Tống” qua các buổi hầu trà, vịnh thơ, thưởng nguyệt với sự ngưỡng mộ các bậc danh nho. Dường như thơ Đường đã “ngấm” vào huyết quản của các thi sĩ một cách tự nhiên. Thời niên thiếu, Hàn Mặc Tử được anh trai Nguyễn Bá Nhân (tức thi sĩ Mộng Châu) dạy cách “làm thơ” Đường rất công phu bài bản. Bút hiệu Hàn Mặc Tử đã thể hiện không khí văn hoá phương Đông trong tâm hồn người thi sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Trí. Nguyễn Bá Tín, người em trai của Hàn Mặc Tử cho biết: “Anh Trí vốn rất ngưỡng mộ triết gia Mặc Địch thời Chiến quốc, nổi tiếng chủ trương thuyết Kiêm Ái, nên anh cũng tự nhận mình thuộc môn phái Mặc Địch, thương yêu hết mọi người. Chữ Mặc Tử khi ghép đôi mới có ý nghĩa là môn đồ Mặc Địch. Chữ Mạc Tử không có ý nghĩa gì. Chữ Hàn Mặc Tử nói lên ý nghĩa một thi sĩ nghèo nàn, nhưng tình thương rộng rãi bao la” ([2]).

Bích Khê sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống thi phú. Nhờ ảnh hưởng gia đình, Bích Khê biết làm thơ từ lúc 14, 15 tuổi. Đến 17 tuổi, thơ Bích Khê già dặn, nhiều bài làm cho các bậc túc nho thán phục. Thơ Bích Khê có đủ lối: tả cảnh, tả tình, vịnh sử, vịnh vật, túc sự... Ngoài thể thơ Đường luật là thể thơ được dùng, Bích Khê rất thích thể lục bát, song thất lục bát, ca trù, nhất là ca trù. Quách Tấn làm thơ Đường từ lúc còn học trường Collège de Q.N: “Cuối niên khoá 1925 - 1926, tôi (tức là Quách Tấn - NTT) đã thông thạo nguyên tắc đại cương các thể Đường luật, lục bát, song thất lục bát, ca trù và đã làm được năm mười bài đúng niêm luật” ([3]).

Quách Tấn tham gia xướng hoạ với các vị túc nho, được giáo sư Trần Cảnh Hảo ngợi khen. Quách Tấn tìm học cách làm thơ Đường qua sách Thi pháp nhập môn, Tùy viên thi thoại, Đường thi hợp tuyển. Sau khi kết thân với Hàn Mặc Tử qua báo chí, Quách Tấn đã cùng người bạn thơ tri kỷ này ngao du trên Đà Lạt. Thơ của Quách đã được Tản Đà khen ngợi, giảng luận trên An Nam tạp chí cũng như thơ của Hàn được Phan Sào Nam tiên sinh - Mộng Du Thi Xã chủ nhân ngợi ca trên Thực nghiệp dân báo. Cả hai thi sĩ đều nghiền ngẫm và tâm đắc về nghệ thuật làm thơ Đường. Họ cực kỳ đề cao Văn Tâm Điêu Long của Lưu Hiệp để đi đến quan niệm làm thơ là chạm khắc hình ảnh rồng trong tâm hồn: “Cổ nhân dùng chữ điêu trùng để nói về việc làm thơ, lại có sách Văn Tâm Điêu Long bàn về thơ. Như thế nghề làm thơ mà không chạm trổ thế nào mà thành tựu được” ([4]).

Những cuộc đàm đạo về việc làm thơ Đường giữa Quách Tấn và Hàn Mặc Tử cốt mục đích vượt qua cái tư cách “thợ thơ” của nho sĩ. Việc làm thơ theo Quách và Hàn phải hội đủ ba yếu tố : thi cốt, thi học và thi tài. Cái lẽ làm cho bài thơ hay câu thơ hay không phải là ở nơi ý thơ mà chính là từ thi cốt của người làm thơ. Theo Hàn và Quách thì “thi cốt là của quý do trời sinh, nào có phải muốn là được”. Thi cốt ở đây được xem như năng khiếu thiên bẩm của thi sĩ: “Muốn có những câu thơ giai tác thì trong cốt phải có chất thơ trước đã”. Như vậy có thể hiểu thi cốt là tư chất thi sĩ, tâm hồn thi ca của người làm thơ.



                             
                                                                  NHÀ THƠ QUÁCH TẤN

Theo Hàn và Quách, sau khi có thi cốt, lại cần phải có thi học. Bàn về vai trò của hai yếu tố này, Quách Tấn tâm sự: “Mình làm thơ ngót tám chín năm trời mà không có một câu thơ thật nên câu thơ chẳng những là vì không có thi học mà còn vì không có thi cốt”. Nhà thơ Xứ Trầm Hương này tâm đắc hai câu thơ của cổ nhân:
Ngâm thơ hảo tợ thành tiên cốt
       Cốt lý vô thi mạc lãng ngâm
Tạm dịch là:
               “Làm thơ được những câu thơ hay thì sung sướng như thành tiên cốt,
Trong cốt không có thơ, chớ làm (thơ)  một cách lãng phí”.
Nói cách khác: khi làm thơ, điều quan trọng là phẩm chất thi cốt có cốt tiên hay không. Ngâm thơ, theo Quách Tấn không phải là ngâm nga, mà là quá trình tiếp tục sáng tạo thơ:
Khổ ngâm tăng nhập định
Đắc cú tưởng thành công
Làm thơ phải khổ công, câu thơ phải đắc vị mới được coi là thành công. Thơ mà đã ngâm lên được tức là thơ đã làm. Phân tích mối quan hệ giữa thi cốt, thi học và thi tài, Hàn Mặc Tử lý giải: Có thi cốt tự nhiên có thi tài. Thi học chỉ cần cho những người không có thi cốt, bởi nhờ sở học, người có công tập luyện cũng thành tài. Thi cốt là cao trọng nhất quyết định tất cả.

Quách Tấn nói rõ thêm: Thi tài là do thi học cọ xát và thi cốt mà sanh ra... Có thi cốt mà không có thi học thì chẳng khác một khóm hường không phân nước. Nếu nhờ mưa mà sinh hoa thì hoa kia cũng không nhiều và sắc hương cũng không thắm đượm cho lắm. Còn có thi học mà không có thi cốt thì dù kỹ thuật có tinh xảo đến đâu cũng chỉ sản xuất được những con rồng con phụng của các ông thợ vôi lành nghề đắp nơi vách đình vách miếu mà thôi.
Như vậy ba yếu tố thi cốt (chất thơ, năng khiếu thi ca), thi học (kỹ năng làm thơ) và thi tài (tài năng thi ca, sự thành đạt trong thi ca) quan hệ gắn bó chặt chẽ trong việc “làm thơ” của thi nhân.

Hàn Mặc Tử và Quách Tấn tâm đắc quan niệm trong Tuỳ viên thi thoại: “Thơ cảnh dễ thơ tình khó”. Quá trình làm thơ phải luyện cho đến khi “trí thơ điều khiển được bút pháp, không để bút pháp làm chướng ngại cho trí thơ”. Tức là phải nung nấu ý thơ, tứ thơ đến mức nhuần nhuyễn. Quách Tấn viết: “Mỗi lần hứng đến, tôi đã để hứng tác động đến cõi lòng cho phỉ sức và để cõi lòng rung cảm cho đến đã nư rồi mới nghĩ đến việc làm thơ. Bắt đầu lập ý đến cấu tứ, bố cục rồi mới cất bút hành văn...” ([5])
.
Hàn Mặc Tử và Quách Tấn đã mượn những cảnh thiên nhiên Đà Lạt làm đề tài luyện thơ. Chỉ có điều, bài Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử đột nhiên trổ ra những ánh sáng khác thường của một thi cốt sau này sẽ bay theo một quỹ đạo riêng. Còn lại, các bài Cảnh Đà Lạt, Cảnh Cam Ly, Cảnh hồ Đà Lạt của Quách Tấn vẫn thuần tuý chất men Đường thi theo chuẩn mực của một bậc túc nho cuối mùa.
Hàn Mặc Tử và Quách Tấn đều muốn vượt qua cái ngưỡng “thợ thơ” để bước vào vương quốc nghệ thuật của “nàng thơ”. Nghĩa là cần phải có cả ba yếu tố thi cốt, thi học và thi tài. Thi cốt là cơ sở, thi học là khổ luyện, thi tài là sự thành danh về thi ca. Trong thi tài ẩn chứa thi cốt và thi học.
Nhà thơ Xứ Trầm Hương quan niệm: “Cổ nhân dạy làm thơ rất nghiệm: trước khi làm thơ phải uẩn nhưỡng tâm tư. Uẩn nhưỡng là nấu rượu. Nấu rượu cho khỏi khê thì phải giữ lửa cho đều... Con người nhà thơ  phải lo hàm dưỡng chuyên cần và thận trọng như người nấu rượu. Thi tình, thi tứ phải nuôi dưỡng, phải dần dần gây thành trước. Tâm tư phải nung nấu cho thật chín rồi mới nghĩ đến việc làm thành thơ” ([6]).

Cũng theo Quách Tấn, trong khi làm thơ phải khắc hoạch tâm tư. Khắc hoạch là chạm trổ những gì mình nghĩ trong lòng cho rõ từng nét, cho bén từng cạnh. Phải chạm trổ cho văn tâm của mình đẹp đẽ cho sống động như người thợ chạm rồng, hễ có bút thần điểm nhãn thì rồng bay mây... Muốn phô diễn tâm tư chu đáo, nhà thơ cần vận dụng âm nhạc và hội hoạ, tức là âm điệu và màu sắc, người xưa gọi là từ điệu. Từ gồm có hình ảnh màu sắc. Điệu là âm thanh nhạc điệu. “Trong khi khắc hoạch tâm tư nhà thơ còn phải “thôi, xao từ điệu”, và khi văn tâm đã chạm thành long rồi còn phải “thôi xao” một đôi lần nữa xem lời đã nói hết ý, ý có thật đúng như lời chăng”. Qua đây đủ thấy việc làm thơ Đường công phu biết chừng nào! Để có thể “nhả ngọc, phun châu” nhà thơ phải khổ luyện kỳ công bởi châu ngọc ấy phải được kết tinh lâu ngày trong tâm hồn, khi gặp cơ duyên, lập tức hình thành và xuất hiện rực rỡ.
Bài Đêm thu nghe tiếng quạ kêu của Quách Tấn được “khắc hoạch tâm tư” và “thôi xao từ điệu” suốt gần 12 năm trời (1927 - 1939) và “thành hình trong nửa đêm” ([7]).

Nửa đêm cộng với một giáp tròn là thời kỳ thai nghén cho thi phẩm này. Mặc dù khá uyên thâm trong quan niệm làm thơ Đường luật nhưng đến những năm cuối đời, Quách Tấn cũng chỉ tự nhận rằng ông mới chỉ có “thi cách, thi điệu” mà chưa có thi diệu, là vì:
- Thứ nhất, thơ Đường giống như sử thi và bi kịch Hy Lạp là “mẫu mực đẹp không thể bắt chước được của một thời gian đã qua không thể trở lại” (Mác).
- Thứ hai, ở một phương diện nào đó, thơ Đường có quy luật giống như thơ Thiền mà chỉ có những bậc thiền sư như Basho và Vương Duy (được coi là thi Phật) làm mới thành công. Còn những người lòng lụy đời, nhìn sự vật qua trí tính, chưa đạt tới “vật dĩ quan vật” (Tan vào sự vật để nhìn sự vật) thì không làm nổi lối thơ ấy. Nếu vứt bỏ lý trí thì dễ sa vào duy tâm, siêu hình.
Như vậy đạt được thi cách, thi điệu để vươn tới thi diệu là những nấc thang quan niệm dần lên cao của Quách Tấn - người đại diện cho khuynh hướng làm thơ Đường luật trong nhóm thơ Bình Định.

Thi cốt, thi học, thi tài” và thi cách, thi điệu, thi diệu là những phẩm cách, những tiêu chí, những cấp độ về thơ và nhà thơ thấm đẫm sắc màu mỹ học Đường thi cổ điển. Quan niệm này bao hàm sự nhìn nhận khá toàn diện về mối quan hệ giữa thi nhân và thi phẩm.
Về sau Hàn Mặc Tử khẳng định: “Người thơ phong vận như thơ ấy” (Xuân đầu tiên). Thơ tức là người, qua thơ hiểu được con người thi nhân. Hàn Mặc Tử và Quách Tấn, Bích Khê đã từng bước vào chốn “cung vàng điện ngọc” khuôn thước nghiêm ngặt của thơ Đường luật. Hàn Mặc Tử có Lệ Thanh thi tập. Quách Tấn có Mùa cổ điển và Một tấm lòng. Năm 1935, hai người định ra tập thơ Bó hoa rừng nhờ Phan Bội Châu đề tựa trong đó có lời khen là “hai ngòi bút có lực và hai mảnh hồn thắm thiết nghĩa non sông”. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân mà tập thơ này chưa xuất bản, được giữ làm gia bảo (có 50 bài bát cú, một nửa của Hàn, một nửa của Quách).
Quách Tấn khẳng định rõ ràng về tài Đường thi của Hàn Mặc Tử: “Thơ Đường luật, Tử làm gần đủ các lối thủ vĩ ngâm, thuận nghịch độc, song thanh song điệp... lối nào cũng luyện” ([8]).

Đặc biệt Hàn Mặc Tử có hai bài thơ có sáu cách đọc là Cửa sổ đêm khuya và Đi thuyền được cho là ngang hàng với bài Vô đề của vua Tự Đức.
Dưới đây là bài Cửa sổ đêm khuya:
Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương,
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương.
Tha thiết liễu in hồ gợn bóng,
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương.
Xa người nhớ cảnh tình lai láng,
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng.,
Qua lại yến ngàn dâu rủ lá,
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.
Bài này có thể đọc sáu cách: xuôi; ngược; bỏ hai chữ trước đọc xuôi, đọc ngược; bỏ hai chữ sau đọc xuôi, đọc ngược.
Quách Tấn còn khen rằng bài Buồn thu của Tử rất sành niêm luật đăng đối: “Thơ Đường như bài này là đã nhập điệu”. Nghĩa là đã đạt Thi điệu và đáng được truyền tụng trong làng Thơ cũ. Trước sau, Quách Tấn chỉ nguyện làm “sứ giả Đường - Tống”, không chịu rẽ sang con đường Thơ mới. Đây là lời của Quách: “Tôi ở nhà lo việc ruộng nương của cha ông để lại" (ý là chỉ làm thơ Đường luật - NTT). Tử ra ngoài mua hàng bốn bể đem về (nghĩa là tiếp nhận tinh hoa thơ tượng trưng siêu thực Pháp và phương Tây - NTT) Ai lo phận nấy cho hết lòng thì nàng thơ mới vững bền và giàu có.


Nhà thơ Bích Khê
Là thành viên của “Trường thơ Loạn”, Bích Khê cũng có một thời tha thiết với Đường thi. Khê có được tập Mấy dòng thơ cũ (khoảng trên 100 bài tập hợp lại năm 1935) được độc giả hoan nghênh trên báo Tiếng Dân và Phụ nữ Tân văn.
Đầu xuân Tân Tỵ (1941), sau khi đọc xong bản thảo Mùa cổ điển Bích Khê nhận xét: chỉ bài Đêm thu nghe tiếng quạ kêu cũng đã dành cho anh một địa vị xứng đáng trong làng thơ đất Việt, huống hồ Mùa cổ điển còn bao “kỳ cú, cao tình”.

Bích Khê quả quyết rằng: “Từ nay không làm thơ Đường nữa vì đã có anh rồi”. Âu cũng là một cách đánh giá rất cao về tài Đường thi của Quách Tấn. Yến Lan cảm khái bình thơ Đường của Quách Tấn: “Tình tuôn ra lệ, lệ đọng thành châu, từng hàng từng hàng trên mặt nhung tuyết trải”. Điều đó đủ thấy sự tri ngộ hiếm có của người am hiểu Đường thi. Quách Tấn đã “cảm được được người đàn bà khó chiều kia” - là nàng Thơ cũ (theo cách nói của tác giả Thi nhân Việt Nam) và đã tạo ra được một bầu không khí Đường - Tống trong hai tập thơ Mùa cổ điển và Một tấm lòng.

(Suu Tam)





                                                           NHÀ THƠ BÍCH KHÊ
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân