TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Saigon Bao Nhớ...
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Saigon Bao Nhớ...

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Tue May 13, 2014 1:58 am    Tiêu đề: Saigon Bao Nhớ...

Sài Gòn, bao nhớ


Lần đầu tôi đến Sài Gòn, năm 91, tất nhiên có hàng ngàn thứ lạ lẫm, một trong đó là chữ “bao”. Đầu tiên là gặp vựa trái cây, quận Tám bộn, có lẽ do ngay bến ghe thương hồ từ miền tây lên nên trái cây ngon, trái cây bao ăn. Tôi ghé vô hỏi thẳng, bao ăn là sao chú. Ông lão, tay chụp thơm ném dưới ghe lên thoat thoắt, miệng ngậm thuốc rê, trả lời gọn lỏn, ăn thoải mái, thích thì mua không thích đừng. Vậy là ghé thử liền, chôm chôm vĩnh long trái đỏ lựng, lột ăn thoái mái, sầu riêng tách vỏ sẵn, muốn ăn lấy tay xé ăn, măng cụt có con dao thái cắm miệng cần xé, ăn trái nào hớt đầu trái đó… Ăn xong, đã nư rồi mua mỗi thứ một ít, làm quà, cân 3 ký chôm chôm xong chị bán hàng còn bốc thêm vài bốc bỏ vô, một chục măng cụt tính 14 trái, mua trái sầu riêng được tặng luôn trái hồi nãy mới thử.




Lần nữa là chuyện bao rẻ, là chỗ bán đồ sida đường Nguyễn Đinh Chiểu, tôi mua cái áo jeans, chị bán áo nói đồ ở đây bao rẻ, đi đâu rẻ hơn lại đây chị đền, mua bận xong đi đi lững thững xuống cuối dãy, thấy cái áo y chang, hỏi ra giá rẻ hơn, tôi thiệt tình quay lại bắt đền. Chị bán hàng cũng thanh minh thanh nga, nói đồ cũ, tùm lum giá, nhưng mà đã bao rẻ thì chị tặng thêm cái nón jeans cho đủ bộ, lỗ của chị hai chục rồi nha. Vậy là vui lòng liền.




Xưa thời sinh viên, tôi sống thoải mái nhờ mấy quán chuyên bao thiếu, thiếu thoải mái, không cần cầm cố, không cần danh tánh, không cần ai bão lãnh. Cơm có chị Phượng, café có quán Ngọc, nhậu có quán anh Tiên, ngày nào cũng một cữ cơm, một cữ café và một cữ nhậu. Không tiền cũng cứ vào quán, kêu những món quen thuộc, xong cứ đứng lên đi, đưa tay làm dấu trên không như chữ ký, rồi ra về, tiền bạc cuối tháng có tiền thì trả, không có hai ba tháng trả, nhiều đứa ra trường đi làm cả năm rồi mới quay lại trả, bình thường, người ta bao thiếu thì mình bao trả, không so đo.




Có lần tôi đánh nhau với giang hồ ở Thủ Đức, hai bên đánh xáp la cà, ném không biết bao nhiêu là ly chai, đánh xong đi về, băng giang hồ kia quay lại gặp chủ quán, bao nhiêu ly chai bàn ghế bị bể cứ nói một tiếng, đền đầy đủ. Lần khác tôi uống rượu với giang hồ bến xe Chợ Lớn, uống từ trưa, đến tối thì hết mồi, một anh trong bọn nói bữa nay ở nhà bà già nấu món gì đó, lâu quá tôi quên, để tao chạy về xin bả, nói đoạn ra dựng chiếc cối, chắc là có độ lại, rồ ga quay xe xẹt lửa, lao đi. Chẳng may màn biểu diễn xe không chuẩn lúc đã say, anh chàng bốc đầu quá chớn, xe quăng tới trước người rớt lại, chiếc xe quăng tới đụng vô một cái tủ thuốc, bể miếng kiếng, văng thuốc lá tùm lum. Chị bán thuốc chửi anh giang hồ, lúc này đang đau đớn lồm cồm dậy dắt xe, chửi té tát. Anh chàng đó, tôi nhớ là ở trần, người ngợm xăm vằn vện, thẹo thọ, nhăn nhở cười xin lỗi chị bán thuốc nọ rối rít, nói, thôi bà làm gì dữ vại, đừng chửi nữa, bao nhiêu tui đền, tui đền. Sau nhậu lại, mình nói anh chơi hay quá, ảnh nói, giang hồ với nhau chớ không giang hồ với người ta, mình sai phải xin lỗi, phải đền chớ, ui, nói nghe, dân sài gòn chơi bao đẹp, không đẹp không ăn tiền nha.




Sài Gòn đúng nghĩa buôn bán là vậy, xưa vậy, giờ hao mòn nhiều nhưng nếu gặp đúng người Sài Gòn, người miền tây thì vẫn còn. Trái cây bao ăn, bao ngọt, đồ ăn bao rẻ, quần áo bao đẹp, đậu xe bao trật tự, đi nhậu bao say, chơi bao vui, quán xá bao thiếu, hàng hóa bao thử, bao đổi, bao trả, kể cả tivi đầu máy điện thoại, mua rồi không ưng cũng bao trả lại luôn… “bao”, nghĩa là cam kết miệng rằng bạn phải hài lòng với cái mà bạn nhận được, bao hài lòng, cái chữ bao đơn giản nghe như chơi rồi bỏ, nhưng nó là cam kết nghiêm túc và hào hiệp, rất riêng, của người miền nam. Nhiều người buôn bán sau này từ nơi khác tới, học đòi chữ bao nhưng khó thực hiện, bởi muốn, phải thiệt lòng, thiệt tình, bởi không có luật nào bắt buộc phải “bao”, chỉ có thứ luật mơ hồ di truyền đâu đó từ những ngày khẩn hoang mở cõi, thời con người tin nhau, sống phải với nhau, tới bây giờ.




Bởi, tôi sống ở Sài Gòn hơn hai chục năm, tôi dám nói, Sài Gòn bao nhớ nha. Ai từng sống ở Sài Gòn, dù ghét dù yêu, dù đã ra đi tìm miền đất hứa hay quay về cố xứ sinh nhai, đều nhớ Sài Gòn, ai từng một ngày một bữa ở Sài Gòn, ăn dĩa cơm tấm tô hủ tíu bụi bặm, đi xe ôm lang bạt, ngủ nhà trọ bến xe… đều sẽ nhớ Sài Gòn, nhớ cái ồn ào bụi bặm, nhớ một mảng đời lộn xộn ngược xuôi, mạnh ai nấy sống nhưng yên tâm là ai cũng sống được, dù rất khác lạ, nhưng cũng rất thân quen, rất nhớ.



Như tôi, mỗi ngày, tôi đều nhớ Sài Gòn. Sài Gòn bao nhớ mà.

damhaphu

Nguồn Net





Được sửa bởi nhungocnguyen ngày Tue May 13, 2014 7:45 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Tue May 13, 2014 7:24 pm    Tiêu đề:

Tản Mạn Về Người Saigon

Bài của TS Nguyễn Thị Hậu (Hậu KC)

Trong những lúc “trà dư tửu hậu” hay “ngồi đồng” ở quán cà phê vỉa hè Sài Gòn, chúng tôi nói đủ chuyện : từ chuyện lịch sử tới tin tức xã hội, từ văn hóa tới kinh tế… Nói gì thì cuối cùng vẫn quay về chuyện CON NGƯỜI - cái gốc của mọi chuyện. Bởi vì xã hội nào tạo nên con người ấy, con người nào phản ánh xã hội ấy.


Những người bạn của tôi, và cả tôi nữa, hầu hết đã sống ở Sài Gòn trên dưới 40 năm, từ nhiều vùng miền nhiều tỉnh thành, do những hoàn cảnh khác nhau mà đến/ vào/ về Sài Gòn sinh sống. Có thể coi chúng tôi là “người nhập cư” vì cha mẹ không sinh sống ở Sài Gòn và chúng tôi không sinh ra tại đây, nhưng cũng có thể coi là “người Sài Gòn” bởi vì chúng tôi đã trưởng thành, lập gia đình, làm việc cho đến lúc nghỉ hưu, thậm chí có lẽ “nhắm mắt xuôi tay” cũng ở đây. Nhưng thế hệ con cái chúng tôi được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, mặc dù quê quán ghi trên Chứng minh nhân dân ở đâu thì chúng vẫn tự nhận là “người Sài Gòn chánh hiệu”. Tất nhiên, nếu coi hộ khẩu là điều kiện tiên quyết thì chúng tôi phải được coi là người Sài Gòn “xịn”.


Ở Sài Gòn khái niệm “người nhập cư” thường được sử dụng trong cơ quan công quyền để phân biệt người có hộ khẩu và người không/ chưa có hộ khẩu ở Sài Gòn, nhằm mục đích “quản lý hành chánh”. Giới nghiên cứu hay gắn khái niệm này với loại hình “kinh tế phi chính thức” trong việc nghiên cứu hoạt động kinh tế của đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh. Còn trong đời sống hàng ngày hầu như người Sài Gòn ít sử dụng cách nói “người nhập cư” hay “dân nhà quê”, “dân tỉnh” mặc dù ở miền Tây Nam bộ hay gọi người Sài Gòn là “người thành phố”, đi Sài Gòn là “lên thành phố”.  Vậy thì tôi, vừa với tư cách là “người nhập cư” vừa là “người Sài Gòn” có thể biết gì, hiểu gì về Người Sài Gòn? Có thể bắt đầu từ vài nhận biết có phần rời rạc sau đây chăng?

Đầu tiên, “người Sài Gòn” là sự hòa nhập về văn hóa (tính cách, lối sống, ngôn ngữ, tín ngưỡng, ẩm thực, trang phục…) của người Việt, người Hoa và những tộc người “bản địa”. Người ta cứ quen nói rằng “Sài Gòn 300 năm” nhưng đó chỉ là nói về thời kỳ thiết lập nền hành chính của Chúa Nguyễn từ 1698 mà quên mất/ chưa biết Sài Gòn còn có quá khứ hơn 3000 năm của văn minh Đồng Nai – Cửu Long. Văn minh ấy do những tộc người khác “Việt”  dựng nên. Rồi từ thế kỷ XVI – XVII, người Việt, người Hoa đã dấn bước vào vùng đất này, từ đó Sài Gòn, Nam bộ có thêm lớp chủ nhân mới. Cùng với người Khmer, người Mạ, người Chăm… sự hòa nhập truyền thống, văn hóa của tất cả những chủ nhân đã tạo nên Sài Gòn và người Sài Gòn mới mẻ, năng động và chân tình.


Khi nói đến người Việt người ta hay nói đến truyền thống lịch sử lâu đời và hào hùng, bốn ngàn năm văn hiến, văn minh sông Hồng, con rồng cháu tiên, những triều đại nổi tiếng chiến thắng ngoại xâm... Còn khi nói đến người Việt (ở) Nam bộ thì đầu tiên là kể về điều kiện tự nhiên thuận lợi của đồng bằng sông Cửu Long: vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất rộng người thưa, ít bị thiên tai như bão lụt hạn hán… Sau mới nói về nguồn gốc “lưu dân” và 300 năm hình thành. Nghiên cứu gia phả nhiều dòng họ, gia đình ở Nam bộ phần lớn được ghi nhận “thời ông cố ông sơ” từ miền Trung đi ghe theo biển vô Nam, đầu tiên định cư trên những giồng đất vùng cửa sông… rồi từ đó ngược các nhánh Cửu Long vào sâu vùng ngập trũng, khai phá đồng bằng và khai thác tự nhiên. Công cuộc khai phá này chẳng hề dễ dàng thuận lợi chút nào! Do đó tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu: tất cả hướng đến thực tế, không lý thuyết suông, không giáo điều, lấy hiệu quả lao động làm mục đích chính. Không hay than vãn, người Nam bộ bình thản “làm chơi ăn thiệt”. Đây chỉ là một cách nói đơn giản hóa, “coi vậy mà hổng phải vậy”, coi khó khăn đã qua như một việc chơi chơi, còn kết quả thực sự mới là quan trọng, là đã “có ăn”.


Người Sài Gòn/ Nam bộ di chuyển càng xa cái “gốc” đồng bằng sông Hồng thì sợi dây truyền thống càng dãn ra. Những tính chất của không gian “nông thôn làng xã” khép kín biến đổi theo thời gian, bị/ được đứt gãy do phải thích ứng với không gian địa – xã hội khác. Thay vào đó là sự tự lập và tính linh hoạt ứng phó với hoàn cảnh điều kiện mới và từ đó tạo ra truyền thống mới, dám thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh, thích nghi nhanh, chịu đổi mới “làm đại nghen? Ừa, làm đại đi” là phong cách làm ăn Sài Gòn/ Nam bộ. Làm đi, có sai cũng không sao, làm lại/ sửa sai mấy hồi! Quan trọng là không mặc cảm sợ sai và sửa sai nhanh.


Ở Sài Gòn/ Nam bộ “dư luận xã hội” không nặng nề khe khắt với những điều khác lạ, cái mới. Là bởi người Việt trên bước đường lưu chuyển vào đây đã trải nghiệm qua những vùng đất toàn những điều mới lạ. Cùng với sự nhạt đi của tính chất phong kiến gia trưởng, việc tiếp xúc sớm với các giá trị dân chủ, bình đẳng của văn minh phương Tây làm cho người Sài Gòn khá cởi mở và trong các mối quan hệ xã hội và trong gia đình. Tính chất dân chủ  trong xã hội phát triển nhanh, biểu hiện ở chỗ cá nhân ít lệ thuộc, phụ thuộc vào cộng đồng và vì thế vai trò và trách nhiệm cá nhân cao “dám làm dám chịu”.

“Làm chơi ăn thiệt”, “làm đại”, “dám làm dám chịu”…  sự liên kết gắn bó, hòa trộn ba đặc điểm trên tạo nên người Sài Gòn/ Nam bộ. “3 trong 1” từ ứng xử đến làm ăn, trong sinh hoạt… không tách rời một đặc điểm nào, hình thành tính cách và làm nên hiệu quả của “công chuyện làm ăn” của người Sài Gòn.


Nói về Nam bộ thì không có hay ít có sự phân biệt văn hóa và người Nam bộ nói chung với văn hóa và người Sài Gòn nói riêng (có chăng có thể  phân biệt chút ít giữa Đông và Tây Nam bộ). Nếu không quá khắt khe có thể coi người/văn hóa Sài Gòn là đại diện cho người/ văn hóa Nam bộ, từ giọng nói, ngôn ngữ, ẩm thực, tính cách, làm ăn… Có lẽ vì vậy mà ở Sài Gòn khi cần thì hỏi nhau “quê đâu” mà không hề có ý phân biệt người “nhà quê” hay “thành phố”. Giai đoạn đương đại, quá trình dân cư của Sài Gòn cũng khác với nhiều đô thị khác: Thời kỳ chiến tranh Sài Gòn là nơi mà nhiều người từ các tỉnh miền Trung đổ vào, từ miền Tây Nam bộ lên, nhất là khi chiến sự ác liệt. Sau năm 1975 Sài Gòn cũng là nơi có tình trạng thay thế dân cư lớn nhất và kéo dài cho đến nay: Người (thị dân) Sài Gòn ra đi bằng nhiều con đường, lúc ồ ạt khi chẳng mấy ồn ào; Người các tỉnh lại liên tục đổ vào Sài Gòn tới nay chưa hề giảm bớt. Còn Hà Nội trong chiến tranh dân cư rời bỏ thành phố đi về (tản cư, sơ tán) nông thôn, sau chiến tranh mới trở lại thành phố. Tuy nhiên Hà Nội và Sài Gòn cũng có một số điểm giống nhau: 1/ Sau khi chiến tranh chấm dứt khá nhiều người Hà Nội “gốc” và Sài Gòn “xịn” đã rời thành phố đi nơi khác sinh sống, tạo ra khoảng trống trong cơ cấu dân cư là tầng lớp thị dân lâu đời;  2/ Chính quyền thiết lập sau chiến tranh (Hà Nội 1954 và Sài Gòn 1975) đều do (hầu hết) những người (kháng chiến) ở nông thôn, rừng núi trở về lãnh đạo, tổ chức chính quyền chưa kịp thích nghi với những đô thị lớn nhất nước và 3/ hiện nay hai thành phố này có số lượng người nhập cư nhiều nhất. Những đặc điểm này để lại cho Hà Nội và Sài Gòn nhiều khó khăn trong việc xây dựng đô thị văn minh hiện đại.


Nhưng, ai đã vô Sài Gòn làm ăn sinh sống, chắc chắn trở thành “người Sài Gòn”, bởi Sài Gòn phóng khoáng và rộng rãi mang lại cơ hội cho mọi người, bởi Sài Gòn không tự coi mình là đặc biệt khi đang sống bằng nguồn lực của chính mình và của những người đến từ mọi miền, đồng thời Sài Gòn cũng luôn chia sẻ, đóng góp những gì mình có cho cả nước.


Là kẻ hậu sinh trong việc nghiên cứu về văn hóa Sài Gòn/ Nam bộ; lại chưa được coi là “người Sài Gòn chánh hiệu”, vậy mà dám “tản mạn” về Sài Gòn và người Sài Gòn, âu cũng do cái  tính  “làm đại” của người Sài Gòn/ Nam bộ đã nhiễm vào người. Kính mong các bậc trưởng thượng về “Sài Gòn học, Nam bộ học” lượng thứ.

Sài Gòn 23/11/2012

(Sưu Tầm)





Được sửa bởi nhungocnguyen ngày Tue May 13, 2014 7:43 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Tue May 13, 2014 7:43 pm    Tiêu đề:


Ở Saigon


Tôi viết nhiều vậy mà chưa viết về Sài Gòn, kể cũng là thiếu.

Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm mười tám tuổi đến giờ. Vậy mà năm lần bảy lượt muốn viết một cái gì về Sài Gòn, tôi viết rồi lại ngưng vì chẳng biết viết gì.

Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta thương nó bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.

Tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên năm 1991, trên một cái xe cấp cứu. Không phải xe chở tôi, là tôi quá giang xe cấp cứu chở một bệnh nhân viêm màng não từ bệnh viện Khánh Hòa chuyển viện vào Chợ Rẫy. Tôi nhớ như in khi người tài xế lần đầu vào Sài Gòn đã đi vào đường một chiều và bị hàng loạt xe gắn máy suýt đụng phải. Tôi nhớ mình đã tháo cái nhẫn 2 chỉ vàng trên tay để nhét vô vớ vì nghe nói cướp ở Sài gòn sẳn sàng chặt tay bạn chỉ để cướp một chỉ vàng.

Ngày đó, ấn tượng đầu tiên của tôi là Sài Gòn quá lớn và quá đông.

Tới bây giờ, ấn tượng của tôi cũng vẫn là Sài Gòn quá lớn và quá đông.

Sài Gòn lớn. Tôi đồ nó phải lớn hơn cả Singapore hay HongKong. Từ ruộng đồng Hóc Môn ra đến biển Cần Giờ, từ vườn cây Thủ Đức mút đến miệt Bình Chánh xa xôi. Ở đâu cũng là đất Sài Gòn. Câu nói ấn tượng nhất về Sài Gòn tôi nghe từ một ông già đã 40 năm chạy xe xích lô: “Không thằng nào dám vỗ ngực nói mình biết hết đất Sài Gòn”.

Sài Gòn đông. Ngoài đường, trong chợ, hàng quán…đều ngùn ngụt người. Từ khu Chợ Lớn đầy người Hoa nói tiếng Hoa đến khu Dân Sinh kiếm cái gì cũng có, mà không có người ta cũng kiếm cho bằng được. Từ những đường phố luôn tấp nập người xe đến những cái chợ bán buôn thâu đêm suốt sáng. Đâu đâu cũng đầy người, càng ngày càng đông. Tôi dám cá rằng hơn phân nửa số người bạn gặp ở Sài Gòn đều không phải là người Sài gòn chính gốc. Như tôi.

Ở Sài Gòn có một thứ không khí khác, có lẽ được quánh đặc bởi bụi, khói, bởi mùi mồ hôi, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng người bởi muôn ngàn thanh âm, màu sắc mà một khi đã quen hít thở với nó, bạn sẽ không bao giờ quên được, nếu không nói là khó mà rời xa được.

Ở Sài Gòn, đất dung nạp vào nó đủ mọi hạng người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị bán trôn nuôi miệng đều cảm thấy đất này dễ sống hơn chỗ khác, từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi mảnh đất lắm người nhiều xe này.

Ở Sài Gòn, bạn hay chứng kiến những tai nạn giao thông nho nhỏ do xe máy, thường cả hai bên va chạm đều tự dựng xe lên, nhìn ngó xe của mình, xuýt xoa vài tiếng rồi nổ máy xe, mạnh ai nấy đi, thậm chí họ cũng chẳng nhìn nhau. Ở Sài Gòn thỉnh thoảng có người chạy theo bạn ngoài đường chỉ để nhắc bạn nhớ gạt chân chống xe hoặc coi chừng bị rớt cái ví lòi ở túi quần sau.

Ở Sài Gòn, bạn dễ thấy những quán xá tạm bợ và tối giản đến không ngờ, nhiều quán cà phê chỉ với một cái lon bò húc làm biểu tượng vậy mà một ngày bán không dưới 300 ly café bằng cách bưng đến tận nơi, có một xe bánh mì nhỏ chỉ bán buổi chiều tối mà doanh thu hằng ngày lên đến cả chục triệu, có một bà chỉ bán nước sâm vỉa hè mà sau ba năm đã mua được căn nhà mặt tiền to vật ở chính nơi mà bà xin đặt xe nước sâm của mình.

Ở Sài Gòn có nhiều bạn trẻ mặc đồ như tây, ngồi ở café máy lạnh với laptop trước mặt và viết đơn xin việc, nhưng cũng có nhiều bậc trung niên mặc quần đùi uống café cóc ở vỉa hè bàn chuyện xây cao ốc cho thuê. Ở Sài Gòn bạn có thể xin làm phụ việc ở bất cứ đâu mà lương tháng vẫn bằng một kế toán mới tốt nghiệp đại học, người ta có thể mua cùng một món đồ với giá chênh lệch nhau đến cả chục lần mà không hề áy náy.


Có nhiều nữa, nhiều thứ nữa ở Sài Gòn mà tôi muốn viết mà vẫn không viết được, tôi xin kết bằng một câu chuyện nhỏ, của tôi.

Công việc đầu tiên mà tôi làm để sinh nhai ở đất Sài Gòn này là làm bốc xếp ở cảng. Một bữa tối nọ, chừng hơn mười giờ, trời mưa lớn, tôi đạp xe từ cảng về sau ca làm. Đói, lạnh và mệt làm tôi lả đi, tôi tấp đại xe đạp vào một mái hiên và ngồi bệt xuống, ngủ thiếp đi.

Đột nhiên tôi chợt thức vì tiếng cửa sắt kéo ra, một người phụ nữ mở cửa và hỏi thăm tôi bằng giọng nam bộ rất phúc hậu. Bà mở rộng cánh cửa cho tôi vào, bà đưa cho tôi một cái áo để thay và chỉ ít phút sau, bà lại xuất hiện với một tô mì gói nghi ngút khói, có cả mấy cọng ngò. Bà chỉ nói gọn: “Ăn dzô là phẻ liền hà”. Mà thiệt tình, ăn hết tô mì tự nhiên tôi thấy “phẻ” quá, có lẽ vì từ đó, tôi không nghĩ mình có thể sống ở đâu tốt hơn mảnh đất này. Tôi “phẻ” luôn từ đó đến giờ.

Tôi chịu không thể nhớ căn nhà ấy, nó nằm đâu đó trên đường Lý Chính Thắng. Tôi cũng chịu, không nhớ nổi gương mặt người đàn bà ấy, như mọi người đàn bà ở thành phố này. Bạn đừng nói tôi vô ơn. Ở Sài Gòn, nói chuyện đó chỉ nhận được một cái khoát tay và câu trả lời trớt quớt: “Bỏ đi. Ơn nghĩa gì cậu ơi”.

Rồi tôi cũng giúp một người khác như thế, rồi tôi cũng nói giọng Sài Gòn, tôi cũng khoát tay khi người ta cảm ơn: “Bỏ đi. Ơn nghĩa gì cậu ơi”.


Sài Gòn là một mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Vậy đó

Nguồn Net


Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Fri May 16, 2014 11:19 pm    Tiêu đề:

Chuyện Nhỏ Ở Saigon

.....


1.

Đó là một con hẻm khá rộng rãi ở giữa nhưng hai đầu  thì nhỏ xíu, chỉ chạy lọt chiếc xe máy, nối hai trục đường chính ở quận 3. Trong hẻm nhà cửa san sát, nhà mới xây cao 3~4 tầng cũng nhiều mà nhà cũ, mái tole gác gỗ cũng sin sít, nhiều nhà dùng phía trước để buôn bán nhỏ, bán đồ ăn hoặc tạp hóa, nhiều nhà mở tiệm gội đầu hoặc đặt biển công ty mà chẳng có nhân viên. Dân cư trong hẻm hầu hết đều biết nhau, cũng có một vài người mới dọn tới hoặc thuê nhà trong hẻm nhưng họ nhanh chóng làm quen với cư dân hẻm.


Bà chủ nhà trọ của tôi được gọi là cư dân lâu đời nhất của hẻm, hơn 60 năm. Bà là người cất nhà đầu tiên trên đất này. Bà kể, lúc bà vô Sài Gòn năm 16 tuổi, cả nhà bà đi trên một cái ghe. Lúc đó hẻm này, từ đầu đến cuối, là một con rạch rộng và sâu, bơi chừng vài chục sải mới sang bờ, tuy thông với nhiều rạch khác nhưng nước ở rạch này lại trong veo, đáy toàn cát. Bờ bên này, chỗ nhà trọ tôi ở, là một cái bến thuyền tấp nập suốt ngày đêm. Cha của bà đã dựng cái chòi đầu tiên trên bến, đúng chính chỗ căn nhà bây giờ, lúc đó ban đêm gió từ những con rạch thổi lồng lộng đến nỗi muốn cuốn bay mọi thứ.


Có nhiều sông rạch, nhiều đầm lác, nhiều rừng dừa nước đã biến mất, nhường chỗ cho phố xá và những con hẻm đầy nhà, đầy người, ở Sài Gòn.


2.

Ở một showroom sang trọng của một hãng xe hơi nổi tiếng mà giá của một chiếc xe nằm ngoài khả năng đếm của nhiều người, vào một buổi trưa trời nắng gắt bên ngoài nhưng bên trong vách kính thì mát lạnh. Anh nhân viên bán hàng mặc đồ vest với cà vạt và dày da bóng lộn đang ngồi xem tivi.


Có một cụ ông đi bộ ngoài đường mở cửa vào showroom. Trông ông có vẻ không được khá giả lắm, tuy cũng vận áo sơ mi ngắn tay cũ và một chiếc quần khaki ngả màu. Ông cụ bước vào, đảo mắt nhìn một lượt rồi chắp tay sau lưng đi đến những chiếc xe trưng bày và bắt đầu xem xét. Anh nhân viên bán hàng bật dậy đi theo cụ, anh đi nhẹ nhàng và tỏ vẻ lịch sự. Anh gọi cụ là ngoại. Ngoại ơi, ngoại à. Mỗi lần cụ dừng lại ở một chi tiết anh lại đề nghị được cho cụ xem rõ hơn, anh mở cửa trước, cửa sau, mở nắp capo để cho cụ xem. Khi cụ tỏ ý thắc mắc thì anh lại nhẹ nhàng giải thích với cụ, cụ già cứ gật gù lắng nghe nhưng có vẻ không hiểu mấy.


Đi chán cũng mỏi, anh bán hàng mời cụ già lại chỗ  sofa có cái bàn kiếng sạch bóng  và mời cụ dùng café, loại café đá pha sẵn thôi. Mãi sau cụ già nói với anh: qua thấy chỗ bán xe hơi này sang trọng quá, lại có máy lạnh nên qua vô xem chơi, chứ xe này cả dòng họ qua gom tiền lại cũng mua không nổi. Anh nhân viên vẫn rất lịch sự: dạ con biết, sẵn ngoại vô chơi thì con giới thiệu luôn để ngoại coi xe, đâu phải ai vô coi xe cũng mua đâu ngoại. Anh cười, coi bộ hiền khô.


3.

Một góc ngã tư giao lộ giữa hay con đường thuộc loại đông nhất nhì Sài Gòn, nơi thường xuyên bị kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.  Bên cảnh sát giao thông phân công hai anh sĩ quan đến trực ở ngã tư này để giải quyết nạn ùn tắc và xử phạt mấy phương tiên chạy ẩu, nhất là mấy chiếc xe hơi rẽ trái sai luật.


Hai anh sĩ quan này có lẽ thuộc loại vất vả nhất trong ngành vì thời gian của hai anh hầu hết đều phải đứng ngoài nắng ngoài mưa để phân luồng và điều chỉnh đèn tín hiệu, chỉ cần hai anh vắng bóng một lúc là cái ngã tư lại nùi nùi một mớ xe cộ.


Chỗ hai anh đứng có một cái tủ điện chìm, lúc nào cũng có nước uống. Sáng thì café, nắng lên thì trà đá, chiều thì có nước đá chanh… Mỗi khi uống hết nước thì anh sĩ quan trẻ hơn băng qua đường đem trả những cái ly cho một quán cóc gần đó. Quán cóc vỉa hè nhưng lúc nào cũng có khách ngồi.


Lát sau bà chủ quán lại bưng qua một món thức uống mới, đúng lúc tôi đứng gần đó. Anh sĩ quan lớn tuổi hơn quay qua nói, hình như cốt để cho tôi nghe: bà này bả cho tụi tôi uống nước miễn phí cả tháng nay, nói hoài mà hông chịu cầm tiền, mơi không uống nữa nghen bà. Bà già cười lớn, ha hả, mấy chú làm việc cực khổ, tui đãi miếng nước, chuyện nhỏ xíu mà, mấy chú uống cho tui dzui.


4.

Dạo này Sài Gòn trời nắng gắt, đi ngoài đường hay thấy mấy thùng ghi “trà đá miễn phí”, ai muốn uống thì uống, dân xe ôm, xích lô là khoái dữ lắm, ghé uống ừng ực rồi cứ vậy đi, không cần phải cảm ơn.


Một lần ông xe ôm chở tôi xin phép tấp vô lê uống ly trà đá, tôi mới biết là có trà đá miễn phí. Đó là thùng trà đá miễn phí tôi thấy đầu tiên, nó ở gần bệnh viện 115, mặc dù nó không có bảng ghi “miễn phí”, chỉ thấy một thùng trà đá để ngoài đường, ai qua lại nếu biết cứ tự động rót mà uống. Uống hết có người ra châm trà, châm nước, bỏ đá vô.


Tôi hỏi ông xe ôm, trà đá miễn phí kiểu vầy có nhiều không chú. Ổng nói cũng nhiều, tùy mình biết chỗ mà ghé uống, trời nắng vầy có ly trà đã cũng đã lắm chú. Tui không phải nghèo đến mức cần phải uống trà đá miễn phí, tui uống bị thấy khoái vậy thôi.


5.

“Bây giờ cầm tờ báo lên là rầu, hết muốn coi báo” - Câu này của một đại gia Sài Gòn. Đại gia này có lẽ đã về hưu, con cái đã thành đạt lấy vợ lấy chồng ở riêng hết. Đại gia này thường hay ngồi ở quán café cóc của bà già ở mẩu chuyện số 3. Sáng nào cũng có mặt, dù nắng hay mưa.


Sáng nào đại gia cũng mua báo, chắc chắn là có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động..... thỉnh thoảng mua tờ tạp chí hoặc nguyệt san. Đại gia chỉ mua báo của hai người, một con bé và một thằng bé quen, bữa đứa này bữa sau đứa kia. Hai đứa trẻ bán báo không bao giờ cạnh tranh nhau quyết liệt hoặc tỏ ra giành mối, chúng vui vẻ cùng phục vụ một vị khách hàng. Đại gia mua rất nhiều nhật báo nhưng lúc ra về chỉ đi tay không.


Sau này, khi có dịp ngồi ở quán café cóc đó suốt một buổi sáng tôi mới biết. Nếu hôm đó đại gia mua báo của thằng bé, sau khi đọc xong ông sẽ gấp tờ báo lại như cũ và đem cho con bé đi bán tiếp và ngược lại, nếu mua của con bé thì ông sẽ đem cho thằng bé để nó đi bán cho người khác, tiền thì ông vẫn trả đủ.


Người Lữ Hành Kỳ Dị

(Nguồn Net)


Được sửa bởi nhungocnguyen ngày Fri May 16, 2014 11:36 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Fri May 16, 2014 11:30 pm    Tiêu đề:


Chuyện nhỏ ở Sài Gòn (2)

...

1.

“Cho nhiêu cũng được” – Câu này ai ở Sài Gòn chắc là biết, chắc thỉnh thoảng có nghe, nhất là khi đi taxi, xe ôm, xích lô… nếu là khách đi quen rồi hoặc quãng đường gần quá khó trả giá thì bác tài sẽ nói vậy: chú (cô) cho nhiêu cũng được. Nói vậy chứ ai đành lòng cho ít, ví như đúng ra bảy ngàn thì khách sẽ đưa mười ngàn cho chẵn tiền.


Đó cũng không hẳn vì ít tiền quá mà nói vậy, cũng có khi nhiều thứ giá trị hơn người bán cũng nói: cho nhiêu cũng được. ví dụ như chuyện có cô giáo nọ dạy văn ở một trường cấp hai, cô nổi tiếng là thương học trò như con. Mỗi buổi sáng cô hay đi chợ ở gần nhà để tiện việc cơm nước. Trong chợ có rất nhiều người biết cô là cô giáo, và họ thường gọi luôn là “cô giáo”. Nhiều khi cô giáo cũng khó xử với các bà, các chị trong chợ, họ cứ bỏ vô giỏ cô khi thì con cá, khi thì bó rau, khi thì ký thịt… khi cô đòi trả tiền thì họ không chịu lấy hoặc nói: cô giáo cho nhiêu cũng được.


Cho nhiêu cũng được

2.

Ông là thương binh, thương binh của chế độ cũ, ông bị thương gần ngày Sài Gòn giải phóng. Sau giải phóng ông làm nhiều nghề để sinh sống và để nuôi ba đứa con ăn học. Một lần nọ ông làm công việc bảo vệ ở một nhà hàng vào buổi tối, đó là một nhà hàng lớn và có rất nhiều nhân viên và thực chất công việc của ông là chuyên đắt xe cho khách đến ăn nhậu mà thôi. Chủ nhà hàng là một người đàn ông khá giả và cư xử rất được.


Một hôm có chuyện. Đêm khuya khi nhà hàng chuẩn bị đóng của và người chủ cũng chuẩn bị ra về thì có một nhóm người hung dữ cầm mã tấu xông vào nhà hàng truy sát người chủ. Người đàn ông tuy khá cao to và nhanh nhẹn nhưng khó có thể chống cự với bốn năm tên sát thủ chuyên nghiệp, tất cả mọi người bỏ chạy tán loạn. Ông thấy vậy không được nên đứng ra bảo vệ chủ mình, vừa đỡ đòn vừa dìu anh này bỏ chạy. Nhờ sự giúp sức của ông, nạn nhân đã thoát thân tuy cũng bị thương nhẹ, còn ông thì bị hai nhát chém nặng mà một nhát sau này đã làm ông không thể cử động cánh tay phải.


Người chủ mang ơn ông lắm dù ông nhiều lần nói “chú ơi, tôi làm công cho chú thì phải bảo vệ chú thôi, ơn nghĩa gì mà chú cứ nói hoài”. Và mặc dù ông đã nhiều lần từ chối nhưng người chủ nhà hàng vẫn mua cho ông một căn nhà nhỏ, chu cấp hằng tháng đủ nuôi cả gia đình ông và cho tiền ba đứa con ông ăn học.


Chuyện xảy ra đã lâu rồi. Hôm qua tôi ngồi trong ngân hàng, ngồi kế bên cậu con trai lớn của ông và được nghe câu chuyện này. Cậu nói: chú đó sắp đi Mỹ rồi nên bữa nay chú kêu con ra ngân hàng mở tài khoản để mai mốt chú chuyển tiền về.


3.

Chuyện này nghe một bạn sinh viên kể. Bạn nói trước nhà bạn nghèo lắm, mẹ bạn bán vé số ở Quận Tám và bạn cũng đi bán phụ mẹ. Nếu bạn học buổi sáng thì sẽ phụ mẹ bán buổi chiều và ngược lại, nhà chỉ có hai mẹ con.


Có một chú thợ hồ ở gần nhà, nói là gần nhà chứ thực ra là ở một cái chòi trong xóm hẻm sâu sát bờ kinh, chú này mỗi khi nhậu thường hay mua vé số của hai mẹ con cậu. Chú này mua không nhiều, mỗi lần chỉ mua hai vé, nhưng điều đáng nhớ là sau khi trả tiền hai vé thì chú sẽ cho lại cậu một vé, và lúc nào cũng căn dặn: nhớ giữ lại hen mầy, phải thì cùng đổi đời.


Và cậu đổi đời thiệt, một lần cặp vé số định mệnh đã trúng giải độc đắc. Người vợ của chú thợ hồ khi biết chồng mình trúng số độc đắc đã nổi lòng tham và muốn đòi lại tờ vé số mà chú đã cho cậu buổi chiều trước đó. Nhưng chú thợ hồ đã kiên quyết không đòi lại, chú còn dùng tiền trúng số đã cả xóm một bữa nhậu linh đình.


Có vốn, mẹ cậu không bán vé số nữa mà chuyển ra mở quán ăn sáng và cuộc sống của hai mẹ con đã khá hơn trước rất nhiều. Chỉ riêng chú thợ hồ thì vẫn làm thợ hồ, bây giờ chú mua vé số của người khác nhưng tật cũ vẫn không bỏ, mua hai vé và cho lại người bán một vé. Chú luôn dặn: nhớ giữ lại hen mầy, phải thì cùng đổi đời.


4.

Ông chạy xe ôm ở Quận 10 nhưng nhà ông thì ở tận ngã tư An Sương, vợ ông thì bán vé số nên ông thường đậu xe kế bên bà. Hai người mang cơm theo ăn buổi sáng và buổi trưa, buổi chiều thì trả vé về sớm rồi cùng ăn ở nhà.


Quê ông bà ở Cần Giuộc. Bữa nọ thấy có người trông dáng như ở quê lên, tới ghé cho ông bà hai con gà, một buồng chuối và một giỏ đệm đầy cá trê phi, con nào con nấy mập ú, vàng óng. Tôi tò mò hỏi: bà con dưới quê gửi lên hả chú? Ông cười, nói đúng ở quê gửi lên nhưng mà hông phải của bà con, thằng đó nó chiếm đất của tui đó chớ.


Nhà ông có nhiều anh em, cha ông có chia cho ông ba công ruộng ở quê. Ruộng đất phèn nên một năm chỉ trồng được một vụ mà lại có mùa trúng mùa thất nên ông bỏ đó lên Sài Gòn chạy xe ôm. Ruộng bỏ hoang lại nằm xa xóm nên không ai coi. Một lần ông về quê và phát hiện ruộng của mình có người chiếm mất. Đó là một gia đình nghèo, hai vợ chồng và bốn đứa con nheo nhóc, trước họ sống theo ghe nhưng cái ghe nát quá nên cả gia đình dắt nhau lên bờ kiếm đất hoang lập nghiệp, cũng bị đuổi cùng đường mới tới đây.


Mới đầu ông cũng làm căng, thưa lên xã rồi nhờ bà con tới đòi kịch liệt lắm, nhưng do đất nhà từ xưa không có giấy tờ, lúc chia cũng không lập di chúc nên khó nói lý. Rồi ông phát hiện bà vợ mình bị tiểu đường nặng nên thời gian của ông chủ yếu ở bên bà, ông không thiết đòi đất nữa. Một lần về quê đám giỗ ông đã ký giấy cho gia đình nghèo nọ ba công đất luôn.


Ông nói, mình cũng nghèo mà thấy tụi nó còn nghèo hơn. Mình già rồi, sống nay chết mai, thôi coi như làm phước cho tụi nó. Cũng được cái là vợ chồng nó cũng biết điều, nhận tía má luôn, đem lên cho đồ hoài, ăn hổng hết.


5.

Sài Gòn rộng, rộng lắm, nên chuyện ở Sài Gòn người ta hay kêu là: chuyện nhỏ

(Nguồn Net)
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Fri Jul 04, 2014 8:14 pm    Tiêu đề:


SÀI GÒN GIẢN ĐƠN
...

Hôm qua ông anh rể tôi tới nhà chơi, anh chính là người kêu tôi vào Sài Gòn, hay đúng hơn là người nói với tôi về Sài Gòn như cách mà tôi nói với bạn bây giờ, để tôi đi và ở đến hôm nay, sau hai mươi hai năm, ngày tôi vào Sài Gòn thằng con đầu của anh mới sinh, bây giờ nó vừa tốt nghiệp Đại Học.

1.
Mười bảy tuổi, đêm đầu tiên tôi có mặt ở Sài Gòn, tôi thật sự choáng ngợp, thành phố lớn quá, nhà san sát, hẻm chằng chịt, xe cộ ngùn ngụt. Ông anh rể tôi, lúc ấy là một thủy thủ viễn dương đang nghỉ phép, chở tôi trên chiếc xe máy đi dạo Sài Gòn, lúc hết đường Đồng Khởi anh hỏi tôi, em thấy Sài Gòn đẹp không? Tôi nói tôi không biết, tôi đang ngợp mà. Thực tâm mà nói Sài Gòn không hẳn đẹp, Sài Gòn không có vịnh biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn không uy linh cổ kính như Huế, Sài Gòn không thâm trầm lịch lãm như Hà Nội, Hội An… vậy Sài Gòn có gì đẹp, Sài Gòn đâu có gì đẹp. Nếu bạn kêu tôi chỉ một chỗ nào đẹp ở Sài Gòn thì tôi chịu, không lẽ tôi chỉ bạn ra bến Bình Đông nơi con kênh Tàu Hủ thúi um, hay vào Chợ Dân Sinh ken đặc người và hàng hóa, hay luồn trong những con hẻm chằng chịt đầy những gã xăm mình ở quận tư… chỉ có người yêu Sài Gòn mới thấy nó đẹp, đối với tôi ở những nơi đó Sài Gòn mới đẹp, thật đẹp.

2.
Hồi mới vào Sài Gòn tôi ở đậu nhà anh chị tôi, đó là một căn nhà nhỏ, nằm trong một căn hẻm cụt, cuối hẻm là nhà một anh nọ đạp xích lô, anh Bằng, anh sống với mẹ già, vợ và một đứa con gái nhỏ. Anh chị tôi hay vắng nhà nên tôi thường ăn cơm nhà anh, buổi chiều thường làm xị rượu với anh, chơi với con anh và nói chuyện với bà Chín, mẹ anh. Bà Chín nói bà đã ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ, bà làm vợ bé cho một ông cò, ông cò không có con trai nên khi bà sanh được anh Bằng thì ông cò mừng lắm, mua cho bà nguyên miếng đất lớn này, sau đó bà sanh thêm một cô con gái nữa, đặt là Bình, Bình Bằng. Ý bà Chín là sống đừng có bon chen quá, ai sao mình vậy, phải biết bằng lòng với cuộc đời. Ông cò chết, rồi giải phóng, bà Chín cắt đất bán ăn dần, cho đến khi không còn đất để bán thì anh Bằng phải đạp xích lô nuôi bà. Một hôm chị tôi nói thằng Phú hay ăn cơm nhà anh Bằng, nên gửi ảnh tiền chợ chứ, anh Bằng khoát tay nói, thêm đũa thêm chén thôi mà, bỏ đi. Có lần tôi đánh ba thằng ba trợn ở quán café đầu hẻm vì chúng đã trêu chọc một bà già bán vé số, ba thằng đó quay lại hẻm kiếm tôi, anh Bằng bảo vệ tôi như một người anh ruột, còn lấy xích lô chở tôi qua tận quận 10, ở đậu nhà một đứa bạn.

3.
Anh tôi đi tàu về có mang về một cái đèn rất đẹp, nó được treo trên trần và bật tắt bằng một sợi dây, nhưng lúc gắn cây đèn thì anh tôi phát hiện thiếu mất sợi dây, anh bảo Phú đi kiếm sợi dây gắn vô. Tôi được dịp trổ tài, tôi lục thong kho tìm được một cái áo len dạ cũ, bung sợi len ra tôi tỉ mỉ dành cả buổi chiều ngồi tết một sợi dây thật đẹp, phần cuối của sợi dây tôi còn bện một quả trám để cầm cho vừa tay nữa, hý hửng về khoe. Anh chị tôi đều khen sợi dây đẹp. Mãi sau, trong một bữa rượu, anh rể tôi hỏi, Phú có muốn ở lại Sài Gòn, làm người Sài Gòn không? Tôi dĩ nhiên nói có. Anh tiếp, người Sài Gòn đơn giản lắm, ví dụ như việc sợi dây công tắc đèn, nếu anh bảo một đứa Sài Gòn kiếm sợi dây, nó sẽ chạy ra mua một mét dây dù 2 ngàn về cột vô, xong. Anh không nói đẹp-xấu, hay-dở, nhanh-chậm, anh chỉ nói rằng cái suy nghĩ đơn giản làm nên Sài Gòn vĩ đại này.

4.
Một lần khác, tôi đi làm bốc xếp ở cảng, tôi chủ yếu vác hàng quần áo sida, lô hàng cuối cùng, tôi được tặng thêm vài cái quần jeans, tôi bán hết chỉ chừa một cái, vì cái đó tôi mặc thấy thích, nó bạc bạc, ôm ôm, bụi bụi. Đó là cái quần jeans ngoại đầu tiên tôi có nếu không kể một cái quần jeans quốc doanh mà tôi mua được từ tiền công đi làm rẫy. Tôi thích cái quần ấy vô cùng, mặc suốt, thậm chí khi giặt nó tôi đành bỏ học ngồi đợi quần khô để mặc. Lần nọ tôi bị té xe, cái quần rách bươm, tôi tiếc lắm, chị tôi bảo đừng tiếc, đó chỉ là một cái quần jeans nữ, tôi hỏi sao chị biết, chị nói quần jeans nữ kiểu thế này, thế này, và đơn giản nhất là nhìn hai cái túi sau có đáy hình trái tim thì biết. Khỏi phải nói là tôi mắc cỡ lắm, cứ nghĩ bao lâu nay mình đã mặc một cái quần jeans nữ ra đường, nhưng chị tôi nói, đừng lo, không giống như ở quê, ở Sài Gòn không ai quan tâm chuyện đó đâu, người Sài Gòn họ quan tâm mày sống ra sao chứ chẳng thèm để ý mày từ đâu, làm gì, ăn gì, mặc gì… đâu,  thôi bỏ đi.

5.
Sáng nay trời Sài Gòn đẹp, trong lúc ngồi café, chúng tôi nói chuyện về Sài Gòn, tôi nói Sài Gòn hay lắm, ở đây có đủ người tứ xứ, chủ yếu là người tứ xứ, người Hoa, người miền tây, miền bắc, miền trung, cao nguyên… ai cũng sống được, ai cũng sống thoải mái với cách sống và tư duy nguyên bản của mình hay của quê hương mình mà không ngại đụng chạm, không cần phải nhập gia tùy tục gì cả, vậy mà ai cũng dần dà thay đổi, cái thay đổi lớn nhất là mình sẽ yêu Sài Gòn, bằng một cách nào đó, dần dà dần dà mỗi ngày .

Sưu tầm
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Fri Jul 04, 2014 8:24 pm    Tiêu đề:

Đêm, Nhớ Về Sài Gòn

......

1.
đêm, nhớ về Sài Gòn, tôi cực thích bài hát này, cho dù suốt hơn hai chục năm nay chẳng mấy khi tôi xa Sài Gòn đủ lâu, chúng tôi, mỗi khi uống say và hát bài này, đều thích nhứt câu "thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau, nhắc chuyện người chuyện đời thương đau", bởi sau một hành trình cuộc đời hơn hai chục năm đằng đẵng với bao nhiêu biến cố, ở tuổi chúng tôi, đủ lớn để ngồi xuống, để nhìn lại, nên note này sẽ dùng luôn tựa bài hát để viết về một Sài Gòn về đêm


2.
có một Sài Gòn khác, Sài Gòn của màn đêm, Sài Gòn mà người ta biết đến như một thành phố không ngủ, của những vũ trường nhạc giựt đèn chớp và bọn trẻ phê, của rạp hát vãn tuồng và bữa rượu đêm đằng sau sân khấu, của Club đêm nhạc vàng và những đôi tình nhân xưa cũ dìu nhau trong điệu rhumba quen thuộc, những quán ăn khuya nườm nượp người về sáng, của những quán cóc đèn dầu leo lét như hải đăng nhỏ nhoi, của xe bánh giò rao đêm, của những kẻ ăn sương, của người đồng tính, của giới đua xe và những cuộc hẹn ân oán của giới giang hồ... người mới đến muốn biết thành phố thế nào thì thử trải một đêm thành phố, người còn trẻ cũng nên thử hết vị, để biết, đừng nghĩ đó là một xã hội khác, không đâu, đó vẫn Sài Gòn, vẫn ào ạt phóng khoáng và công bằng, dù có mặt trời hay không.


3.
có một Sài Gòn khác, Sài Gòn của màn đêm, Sài Gòn của đi về, ở những bến xe đầu này đầu kia thành phố, của hàng quán dành cho khách lữ hành muôn đời tạm bợ với đồ ăn dở và những tiếng chửi thề, của giới xe ôm ca đêm bặm trợn xăm trổ, của những kẻ lỡ chuyến ăn ngủ vật vạ trên mấy chiếc chiếu nhỏ, của mùi nước đái nồng nặc mùi rượu, của hủ tiếu gõ mà tiếng gõ như hòa vô nhịp đời lắng xuống lại dậy lên theo từng chuyến xe ra vào bến, của những con người đến rồi lại đi. Càng gần về sáng là giờ của những chuyến xe vào bến, xe từ bắc từ trung từ miền tây lên từ cao nguyên xuống, khi chiếc xe chậm dần, những gã xe ôm ngậm thuốc lá lập lòe chạy lịch phịch bám theo của xe, nhốn nháo nhộn nhạo, ê áo xanh của tao, tóc dài của tao, bà già của tao, ông lão của tao, đi về đâu anh hai, về đâu con chở má ơi, cô ba cô bảy về đâu... bạn biết mình ở Sài Gòn rồi nhé, yên tâm nhé, thân thương vô cùng


4.
có một Sài Gòn khác, Sài Gòn của màn đêm, ở những chợ đầu mối, những cái chợ khổng lồ buôn bán từ nửa đêm đến sáng, với hàng hóa, người, xe đông đến mức nếu bạn không chứng kiến bạn không thể tin được. Đủ thứ, để kịp cung cấp cho thành phố này trong một ngày, đủ mọi thứ đều được chuẩn bị từ nửa đêm hôm trước, của một Sài Gòn tần tảo và mạnh mẽ vô cùng, đủ thứ từ hải sản cá tôm, heo bò rau củ, hoa tươi... đến những tờ nhựt trình công an, tuổi trẻ, thanh niên, pháp luật... nóng hổi còn thơm mùi giấy mực. Có một Sài Gòn khác, nơi người ta sống bằng thứ luật pháp vô hình, của Sài Gòn, nơi hàng hóa được tính bằng cần xé, bằng xe, bằng kiện mà không cần cân đong, nơi tiền được ném từng cục mà không ai đếm lại, nơi nợ nần hàng tỉ được xác nhận chỉ với một cái gật đầu... bạn có thể không tin, nhưng có một Sài Gòn như thế


5.
buổi sáng thành phố thức dậy, đường xá ùn ùn, hàng quán xôn xao, bạn kêu tô hủ tíu sớm, ly cafe cóc và lật tờ nhựt trình của ngày, bạn mới sống phần hai của một ngày Sài Gòn, cái phần một kể trên đã vãn theo tia nắng mặt trời rọi lên thành phố, nhưng nếu đã từng sống cái phần đời đêm đó, bạn mới thực yêu Sài Gòn, mới thực nhớ Sài Gòn.
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Fri Jul 04, 2014 8:30 pm    Tiêu đề:

Hớt Tóc Sài Gòn,
...

đó là một tiệm hớt tóc nhỏ xíu, ở Phú Nhuận Sài Gòn, trang trí theo kiểu cũ, với bốn thợ, có lúc nhiều hơn nhưng chưa bao giờ ít hơn, bốn ông thợ già, người trẻ nhứt cũng ngoài năm chục. Tôi đã hớt tóc ở tiệm này từ năm chín bảy, nghĩa là đã mười bảy năm, tính tôi luộm thuộm nên cứ để tóc thiệt dài rồi hớt thiệt ngắn rồi lại để thiệt dài mới hớt tiếp, nên hầu như năm chỉ ghé tiệm đôi ba lần. Tiệm nhỏ, lại nằm ở đường nhỏ nên ghế ngồi kê san sát, mấy năm gần đây làm thêm dịch vụ gội đầu phía sau cho mấy quí ông chứ lúc trước không có.

bốn ông thợ già, nói giọng Sài Gòn xưa, âm ấm ngang ngang, thứ giọng nói mà bạn thường nghe trên mấy chuyến xe đò miền tây, rao thuốc nam trị đau nhức. Bốn ông thợ hiền, tẩn mẩn tỉ mỉ săm săm soi soi hớt từng nhánh tóc được vuốt ngược lên bằng chiếc lược ngà mỏng, chiếc kéo trên tay cầm dù khi không hớt vẫn được gõ từng nhịp tanh tách tanh tách, đôi kính trễ xuống tận mũi, chăm chú theo từng đường kéo nét dao, đó là kiểu làm việc của những người đam mê, và không bao giờ, không bao giờ mắc sai lầm.

xưa tiệm còn xài miếng da lớn, treo từ quá đầu người xuống sát đất, và cây dao cạo râu xếp dài với lưỡi dao bóng loáng, như cách đây một trăm năm, sau khi bôi kem lên mặt khách bằng cây chổi tròn, ông thợ già cầm con dao đó liệng qua liệng lại trên miếng da, vừa liệng dao vừa nói chuyện này chuyện nọ, trẻ nít thì ông nói chuyện ma quỷ, thanh niên thì ổng kể chuyện trai gái, ông già thì ổng nhắc thời chinh chiến loạn lạc cũ, người khách lim dim mắt, nghe cũng được mà không nghe cũng được, ổng cứ nói một mình trước khi đặt lưỡi dao trên hàm râu… sau này, có vụ sida nên cũng sợ con dao xài chung, chỉ dùng dao lam xài một lần rồi bỏ

hầu như tiệm chỉ có khách quen, hoặc giả khách lạ lần đầu rồi cũng thành khách quen, như tôi, mà khách quen thì câu chuyện cũng quen, đôi khi tới trúng bữa cơm khách cũng sà vô ăn cơm chung, hay tiệm có mua món quà vặt chi, bánh trái mía gim cóc xoài xôi chè đậu đen đậu đỏ cũng làm một phần nhỏ mời khách, khách cũng không mấy khi từ chối. Có khách Việt Kiều vừa xuống sân bay, chưa vội về nhà, kéo va ly to đùng vô ngồi tiệm, tặng mấy ông thợ già chai dầu gió hiệu con ó, nằm lấy cái ráy tai cho sướng chút, nói năm ba câu chuyện cũ cho đã chút, rồi mới về nhà. Có khách bị tai biến, biết mình sắp về với ông bà, vẫn kêu con trẻ đẩy xe lăn ra tiệm, hớt cái tóc cạo cái râu cho nghiêm túc trước lúc ra đi, một ông thợ hớt còn hai ông thợ kia giữ cái đầu khách cho thẳng thớm, tiễn khách ra về lần cuối, khách thì cười mà bốn ông thợ già nước mắt ròng ròng.

có lần nọ, có một khách từ xa xuống, đâu từ Buôn Mê chi đó, người mà cả bốn ông thợ rất đỗi kính trọng, gọi là Trung Úy, khi Trung Úy đến, họ không tiếp khách nữa, dặn con cháu mua chai rượu với chút mồi, đóng cửa ôn chuyện xưa cũ, tôi mới biết là họ đều từng là lính, từng chung chiến hào, của bên thua cuộc. Họ không cay đắng cũng không hề nuối tiếc, đơn giản đó là một phần đời, một phần tuổi trẻ của họ, họ trân trọng nó, như một thứ kỷ vật, lâu lâu lấy ra lau chùi ngắm nghía

...

đó là một tiệm hớt tóc nhỏ xíu ở Phú Nhuận, Sài Gòn, trang trí theo kiểu cũ, với bốn ông thợ già. Tôi đã hớt tóc ở tiệm này từ năm chín bảy, nghĩa là đã mười bảy năm, hồi xưa tôi ở trọ gần đó nên có qua một lần, giờ về Gò Vấp xa xôi cũng ráng ghé, rồi giá thuê đắt đỏ nên tiệm lại dời tuốt trong đường nhỏ, tôi cũng ráng ghé, ghé không phải chỉ hớt tóc, ghé ngồi nhìn mấy ông thợ già, tỉ mỉ tỉa từng đường kéo, chăm từng nhát tông đơ, nghe mấy bản nhạc vàng như mưa nửa đêm, tỉnh lẻ đêm buồn… ghé chỉ để nghe câu chào, thằng Hai lâu quá không ghé mậy, đi mần măn mà để tóc tai thấy ớn, vậy thôi Sài Gòn
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Fri Jul 04, 2014 8:39 pm    Tiêu đề:

Về Một Người Che Nắng
(cho em 7-3)
1.
Trong phim Nebraska, có bà vợ già, luôn miệng chửi chồng, bởi ông chồng già nghiện rượu, gàn dở, đang bị hoang tưởng về việc trúng số ở Nebraska và cứ trốn nhà đi lãnh thưởng. Nhưng trong một nhịp phim chậm buồn đến kinh ngạc, như bước chân của ông lão lúc gần đất xa trời, lúc người con trai đưa ông về quê cũ để thực hiện việc lãnh thưởng không-bao-giờ-xảy-ra ấy, bà vợ đã âm thầm đi theo, và lúc này các con của bà mới nhận ra ở mẹ của họ một tình yêu với bố mình, và hơn cả tình yêu, là sự thông cảm, hiểu biết, chia sẻ, thậm chí là bảo vệ chồng, chỉ có bà mới hiểu ông, ai là bạn tốt của ông và ai là những người bạn xấu.

2.
Sáng nay tôi đi làm, đi sau một đôi bạn trẻ, họ đi xe máy biển số 77, người con gái đeo khăn che mặt và mang găng tay kín mín nên tôi không biết mặt, chàng trai thì gầy, đen nhưng khá điển trai và rất phong trần. Lúc xe đi sau một chiếc xe bồn xả khói đen, cô gái chồm tới trước dùng găng tay bịt mũi chàng trai, lúc xe đi ra đường lớn, nắng lên, cô gái lái chồm lên trước, dùng găng tay của mình che lên hai cánh tay cầm lái để trần của chàng trai... đó là những cử chỉ đáng yêu, và của tình yêu, không trình diễn và không lãng mạn, nhưng tin tôi đi, đó là tình yêu

3.
Đôi bạn trẻ tôi gặp sáng nay làm tôi nhớ lại hình ảnh vợ chồng mình, cũng như vậy. Thời đó chúng tôi cũng vậy, một đôi trẻ yêu nhau, cô gái luôn bênh cạnh chàng trai, cùng nhau làm mọi thứ, cùng nhau đi khắp nơi, cùng nhau nếm trải mọi hương vị, cả ngọt ngào và cay đắng. Bây giờ chúng tôi không đi xe máy nữa, buổi sáng tôi lấy xe ra trước, nàng đưa con ra đi ra sau, nàng mở cửa trước, ngồi cạnh tôi và đưa tay ra, chúng tôi nắm tay nhau một chút, trước khi tôi vào số và vận hành một ngày của mình. Ngày 7-3 sắp tới, chúng tôi sẽ kỷ niệm mười chín năm yêu nhau, không nhiều đối với một tình yêu, nhưng là mười chín năm bền vững, là mười chín năm đầy kỷ niệm, mười chín năm là bảy ngàn cái nắm tay buổi sáng như thế

4.
Tình yêu, không cứ phải trái tim và nụ hôn, không cứ phải hoa và nhẫn cưới, không cứ phải những tấm ảnh lãng mạn... tình yêu, đôi khi nhỏ như một cái nắm tay, như một cử chỉ che nắng, như cách nhận xét về một người bạn. Tình yêu, là một chặng đường cùng nhau, bắt đầu từ sau đám cưới, nên nhớ, nó bắt đầu từ sau đám cưới chứ không phải kết thúc ở đó.

5.
note này kỷ niệm 7-3, nhưng vô tình trùng vào dịp 8-3, nên chúc mừng chị em phụ nữ, những người che nắng. Đối với các chàng trai trẻ, hãy nhớ rằng, mai sau, dù ta có bao nhiêu bạn bè chăng nữa, thì chỉ có duy nhất một người bạn tận tụy theo ta tới lúc lìa đời, mai sau, dù trên đời có biết bao nhiêu cô gái trẻ đẹp chăng nữa, thì chỉ có một cô gái, cô gái năm xưa đã lấy tay che nắng cho ta mà thôi, chỉ một mà thôi .
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân