TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - THƯƠNG NỮ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

THƯƠNG NỮ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Fri Apr 18, 2014 3:44 pm    Tiêu đề: THƯƠNG NỮ

THƯƠNG NỮ

Khánh Ly sẽ về hát tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 5, năm nay 2014.

Chuyện Khánh Ly về Việt Nam hát làm nẩy sinh hai luồng ý kiến sôi nổi:
1/ người trong nước thì cho là giá cát-sê của bà quá cao, cao nhất so với các ca sĩ Việt ở hải ngoại về VN hát từ trước tới nay, và giá vé vào xem một đêm hát cũng cao so với thu nhập bình quân của người Việt hiện nay, trong khi giọng hát của bà ở thời điểm hiện tại thì đang ở giai đoạn cuối con dốc.
2/ ở hải ngoại thì cộng đồng người Việt chống cộng cho chuyện bà về là sự phản bội với những tuyên bố và những bài hát chống đối chính quyền cộng sản của bà trước đây, và là sự đâm sau lưng những người hiện nay đang tranh đấu cho nhân quyền và tự do tại VN.

Tất nhiên là Khánh Ly về Việt Nam chỉ để hát lại những bài nhạc của Trịnh Công Sơn là chính, những bài hát đã tạo nên tên tuổi của hai người và gắn liền theo bà cả cuộc đời. Bà vẫn luôn mong mỏi được trở về Việt Nam để hát lại nhạc Trịnh cho những người yêu nhạc Trịnh nghe. Ở đó, đám khán giả nghe bà hát đông hơn ở bất cứ nơi nào bà từng tới hát ở hải ngoại; và về lại quê hương để hát nhạc Trịnh là mong ước lớn nhất của bà.

NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN:

Trịnh Công Sơn sinh năm 1939. Nhạc Trịnh Công Sơn nổi lên vào thập niên 1960s, tạo thành hiện tượng nổi bật với nhạc buồn man mác, thê lương, than vãn về phận người, quê hương và tình yêu đôi lứa, với lời ca có nhiều ẩn dụ khó hiểu, mang dáng dấp trí thức cao sang, tạo cơn sốt cho đám sinh viên, học sinh đang học đòi theo mốt thời thượng lúc bấy giờ. Trịnh cũng có vài bài gọi là “phản chiến” phản đối cuộc chiến tranh quốc – cộng thời bấy giờ; tuy không nhiều bài, nhưng cũng đủ để, sau này, nhiều người chỉ trích ông là nhạc ông làm cho mất miền nam vào tay cộng sản, và kết tội ông là theo cộng sản !?

Thật ra, nhạc Trịnh Công Sơn không có kết cấu kỹ thuật cao siêu hoặc theo đúng mô thức hàn lâm của âm nhạc và do đó không thể liệt vào loại nhạc “bác học”. Những giai điệu nhạc của ông bình thường, đơn giản, dễ nghe và dễ cảm. Nhạc, không cần phải “bác học” hay “bình dân”, chỉ cần có người thích nghe và cảm thấy đồng điệu, là được. Những giai điệu của nhạc Trịnh có một số đông khán giả thích và mến mộ, thế là đủ.

Giai điệu của nhạc Trịnh lên và xuống đều đặn theo từng bậc thang cấp, và kết cấu trong những cung đơn giản, xét ra không có gì phức tạp, cứ như là cảm làm sao thì phát ra làm vậy. Những giai điệu như vậy thường rất dễ nghe, dễ cảm, dễ thu hút lòng người, nhưng cũng rất dễ sinh nhàm chán và nhất là dễ sinh ra sự lập lại nếu cứ theo mô thức đó mà sáng tác. Do đó, nhạc của Trịnh thường nghe na ná như nhau và thường giống nhau theo kết cấu nhạc, mấy trăm bài thì cũng kể như một bài.

Ca từ của nhạc Trịnh thật đặc biệt, nổi bật lên và riêng biệt hẳn trong giòng nhạc của miền nam Việt Nam thời đó. Nhiều từ mới, lạ; hình ảnh lạ, độc, và đầu ngô mình sở nằm kề liền bên nhau vì ảnh hưởng về cách diễn tả của thuyết hiện sinh và chủ nghĩa hiện tại: cứ theo cảm xúc mà bắt các hình ảnh khác nhau nằm kề bên nhau để diễn tả, không cần sự liền lạc hay liên kết nhau, miễn là nêu bật lên được cảm xúc lúc đó; ẩn dụ khó hiểu đến độ tưởng như triết lí cao siêu; và lãng mạn cùng cực dù... không hiểu rõ nghĩa. Nhiều người ví von là ca từ nhạc Trịnh là thơ, như thơ. Tạo được ca từ như vậy là do Trịnh biết sử dụng những từ ngữ và hình ảnh mới lạ, chưa từng có trước đó, để nói lên tình cảm và cảm xúc của mình. Trịnh sử dụng nhuần nhuyễn 1/ những ý tưởng học được trong triết trung học phổ thông trường Pháp, 2/ thêm vào đó những ý tưởng của triết thuyết hiện sinh là mốt thời thượng của thập niên 1960s, 3/ lồng vào đó là những ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, và 4/ diễn tả mơ hồ tạo nên sự lãng mạn và đau thương.

Nói sơ qua vài ý trong thuyết hiện sinh như trào lưu thời thập niên 1960s: bản chất con người khó hiểu và luôn cùng quẫn trong những bức bách của hiện tại, tha nhân (người khác) là địa ngục, cuộc đời tha hóa, đau thương là thường trực v.v...

Nói sơ qua vài ý của Phật giáo: sinh, lão, bệnh, tử là chuyện không tránh khỏi của kiếp nhân sinh, cuộc đời là vô thường, có không không có, và là cõi tạm, cõi về (cái chết) là thường hằng v.v...

Lời nhạc của Trịnh không có phát kiến mới mẻ nào hoặc lạ lùng gì hết về triết lí, về nhân sinh, về tình yêu, về thân phận người, về quê hương v.v... chỉ lạ ở từ ngữ và hình ảnh sử dụng mà thôi. Những ý tưởng về nhân sinh, thân phận người, tình yêu đôi lứa v.v... trong nhạc Trịnh đã được người ta nói trước đó cả mấy ngàn năm rồi và đã nói nhiều hơn, sâu hơn; Trịnh chỉ diễn tả theo cách mới với những từ ngữ và ẩn dụ mới lạ. Triết trong nhạc Trịnh là triết ở cấp phổ thông, không nêu ra cái gì mới hơn người hoặc giảng giải một ý tưởng nào đó cho cao xa hơn. Ý tưởng trong nhạc Trịnh là ý tưởng phổ cập. Tình trong nhạc Trịnh là tình ai cũng có. Nhưng diễn tả được như Trịnh thì chỉ có Trịnh Công Sơn. Vì vậy, ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn thật độc đáo, phải nói là độc sáng trong vòm trời nhạc miền nam Việt Nam thời đó. Ca từ nhạc Trịnh lung linh, mờ ảo, khó hiểu cho nhiều người, và lạ lùng nữa v.v... cho nên nhạc Trịnh thành ra lãng mạn vô cùng, lãng đãng như sương khói, mơ hồ như mây trôi, đau thương ngút ngàn như gió ngàn năm thổi vật vờ...

Lạ lùng thay, nếu viết ra ca từ của nhạc Trịnh, không có nhạc, và bảo rằng đó là thơ, thì, theo tôi, đó là những bài thơ tầm thường. Ý, bình thường; tình, bình thường; lời, có mới lạ nhưng không tạo nên sự “độc” trong thơ. Nếu đọc ca từ nhạc Trịnh như đọc bài thơ thì, theo tôi, mau chán lắm vì thơ gì mà tầm thường quá, không hay. Nhưng nếu hát lời nhạc Trịnh lên cùng với nhạc thì rõ ràng là lời nhạc nghe như thơ. Vậy, ca từ nhạc Trịnh hay là nhờ dòng nhạc kèm theo. Dòng nhạc tuy không cầu kì, phức tạp nhưng dìu được lời nhạc lên cao lơ lửng làm cảm động người nghe. Lời nhạc của Trịnh chỉ lòe và làm bối rối hoặc hoảng hồn những người có mức hiểu biết văn, thơ ở mức phổ thông trở xuống mà thôi, không thể nào làm cho những người khác phải...nhức đầu được, trái lại nữa là đằng khác.

Điều đó giải thích vì sao Trịnh Công Sơn có làm thơ trước 1975 nhưng không nổi tiếng về thơ và cũng không ai nhắc nhở gì về thơ của Trịnh, trừ bạn thân ông ta. Tôi có đọc vài bài thơ Trịnh Công Sơn làm và tôi thấy bài nào cũng xoàng. Trịnh cũng có vẽ, và tôi thấy có nhiều bức tranh vẽ khá lắm.

Cũng cần phải nói thêm là từ phía nam Saigon trở vô miền nam tới Cà Mau thì ít người biết và thích nhạc Trịnh Công Sơn; ở đó, nhạc Boléro “sến” mới là nhạc thống lĩnh và phổ thông với mọi người. Từ Nghệ An trở ra miền bắc thì cũng ít người biết và thích nhạc Trịnh Công Sơn; ở đó, nhạc điệu của dân ca miền bắc vẫn được ưa chuộng hơn. Nhạc Trịnh Công Sơn chỉ thịnh hành trong giới thanh niên sinh viên học sinh ở miền trung vì nhạc Trịnh ảnh hưởng rất nhiều từ làn điệu hò miền trung, nhất là ở Saigon, trong hai thập niên 1960s và 1970s. Giới sinh viên học sinh sính trí thức rất ham chuộng lời nhạc Trịnh Công Sơn như những món thời trang ‘hiện sinh’ hoặc ‘trí thức’ mang vào người làm mốt. Nhạc Trịnh Công Sơn cũng bị ảnh hưởng nhiều từ nhạc Blues của người da đen, đầy dẫy những ai oán, than van, đau thương, mất mát, tủi nhục... rất phù hợp với khung cảnh chiến tranh triền miên tưởng không lối thoát của VN lúc đó, thích hợp với tâm sự người Việt ảnh hưởng người Chàm mất nước nỉ non liên lỉ, và nói dùm cho những mối tình trai gái ngang trái, đau thương, không trọn vẹn của đôi lứa trong hoàn cảnh bi đát, tối tăm đó v.v... nghe lãng mạn, mê li và quá đã !

Sau 1975, Trịnh Công Sơn ở lại Việt Nam vì theo ông ta ‘chỉ có ở quê hương thì mới viết được nhạc, ra khỏi quê hương thì chẳng làm được gì’... Chuyện ấy dễ hiểu và thông cảm.

Trịnh Công Sơn ở lại và hợp tác với cộng sản. Chuyện ấy dễ hiểu và thông cảm vì ai cũng có cuộc sống của bản thân và gia đình để phải lo.

Trịnh Công Sơn đã từng tìm mọi cách trốn lính trước 1975, và theo nhờ nhiều người có thế lực che chở và giúp đỡ: đại tá Lưu Kim Cương, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ v.v...; sau 1975 thì Trịnh nhờ vào sự che chở của thủ tướng Võ Văn Kiệt v.v... Trịnh biết cách lấy lòng và đánh động vào tâm lí “chiêu hiền đãi sĩ” của các vị này. Thật ra, các bậc quân vương thời xưa “chiêu hiền, đãi sĩ” là để các hiền giả, kẻ Sĩ về làm mưu sĩ khi đang đắc thế, hoặc làm môn khách khi đang chờ thời cơ, chứ không phải để “hiền, sĩ” tới bên cạnh để cầu cạnh, nhờ bao che, giúp đỡ...

Kẻ Sĩ, thời xưa cũng như thời nay, đều có chung những đặc điểm: không sợ và không khuất phục trước bạo quyền; không cầu an và cầu cạnh người có quyền thế; không a tòng theo bọn bạo quyền để đàn áp, hà hiếp, bóc lột, trấn áp ... người khác và phá hoại xã hội; dám bênh vực người cô thế và đứng cùng người bị trị để phản đối, chống lại bọn độc tài; không làm ngơ trước cảnh nước mất, nhà tan; can đảm lên tiếng trước cái đúng, cái sai v.v...

Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ, nghệ sĩ; điều đó không ai chối cãi. Nhưng Trịnh Công Sơn không phải là kẻ Sĩ vì hành động của Trịnh không phải là hành động của kẻ Sĩ, kể cả trước và sau 1975s. Không ai bắt buộc Trịnh Công Sơn phải là kẻ Sĩ, hoặc bắt buộc người nghệ sĩ nào đó phải là kẻ Sĩ... Không, ai cũng có cách chọn cho mình một lối sống, và do đó, không ai trách Trịnh không phải là kẻ Sĩ trong xã hội. Nhưng nếu nói rằng Trịnh Công Sơn có thái độ chính trị thế này, chọn lựa chính trị thế nọ, theo phe này, phản phe kia v.v... là sai, là nói oan cho ông ta. Trịnh Công Sơn chỉ biết chọn cách sống sao cho có lợi cho ông ta nhất, ở bất cứ thời nào, mà thôi. Hãy để cho ông ta là nghệ sĩ với những ca khúc du dương, lãng mạn, ngọt ngào ... của ông ta, không nên chèn ép ông ta vào cái khung chính trị nào đó. Uốn cong lưỡi hoặc bẻ cong ngòi bút mà biện hộ hay đả kích ông ta cũng không sao thuyết phục cho bằng nhìn vào hành trạng sống của ông ta mà đánh giá.

KHÁNH LY:

Khánh Ly là ca sĩ và là ca sĩ nổi tiếng của miền nam Việt Nam trước 1975. Là nghệ sĩ cho nên bà chỉ biết đi hát ở nơi nào có trả tiền, trả càng cao thì càng tốt. Không nên bắt bà, hay ca sĩ nào khác, phải có thái độ chính trị rõ ràng, theo phe này hoặc chống phe kia, hoặc phải hát những bài nhạc mang tính chính trị, hoặc phải tỏ rõ thái độ của mình trước thời cuộc v.v... Bắt buộc người làm nghề ca sĩ phải sống như vậy là khập khiễng và... độc tài. Ca sĩ chỉ biết hát cho khán giả nghe và thưởng thức; và tất nhiên là hát thì phải được trả tiền cho công buổi hát đó. Vậy là đủ. Hà cớ gì mà bắt ca sĩ phải đứng lên làm chính chị, chính em, hoặc phải có thái độ xã hội thế này, thế nọ ?

Khánh Ly sinh năm 1945, tuổi tây là 69, tuổi ta thì 70. Như vậy Khánh Ly lên ‘lão’ cách đây 20 năm theo truyền thống làng xã VN. Giọng hát của bà đã xuống dốc thảm hại từ khi bà vào tuổi 60 kìa, không phải đợi tới bây giờ giọng của bà mới “phều phào”. Hồi còn trẻ ở VN, tôi thích giọng hát Khánh Ly nhất. Sau 1975, tôi vẫn tìm nghe những băng nhạc cát-sét của bà thâu trước 1975 để nghe lại. Sau này ở hải ngoại, khi nghe bà hát ở Mỹ, tôi nản quá vì giọng bà đã xuống dốc trầm trọng, cho nên đã hơn mười năm rồi tôi không còn muốn nghe bà ta hát nữa; lâu lâu nghe lại vài bài bà hát thời xưa thì còn được.

Nhớ, khoảng 1988 hay 1989, Thái Thanh từ Mỹ qua Toronto hát; tôi có mua vé $20, lúc đó là mắc so với giá sinh hoạt thời đó, vì tôi thích tiếng hát Thái Thanh hồi còn trẻ ở VN, nên muốn nghe Thái Thanh hát “live”. Khi đang ngồi nghe, vỗ tay khích lệ cho bà hát, và bình phẩm nho nhỏ cho bạn cùng ngồi nghe thì tôi nghe tiếng nói xì xào ở hàng ghế sau lưng “hát dở vậy mà cũng khen”. Tôi quay đầu lại nhìn, hàng ghế sau lưng tôi là ba cô gái nhỏ hơn tôi khoảng 2, 3 tuổi, đang ngồi cùng gia đình, trề môi ra chê. Không biết là các cô chê thiệt hay giả vờ lên tiếng để gây sự chú ý nơi tôi; tôi hỏi “Dở sao lại bỏ tiền và bỏ thì giờ vào ngồi nghe làm gì ?”. Mấy cô mắc cỡ, nín thinh, ngồi im lặng từ đó cho tới hết buổi. Cũng có thể có người bỏ tiền ra nghe nhạc ở những nơi mà họ nghĩ là người khác sẽ tưởng mình... biết thưởng thức nhạc. Nhiều người thích làm dáng như vậy dù không biết và không thích cái mà mình làm dáng. Sau này, tiếng hát của Thái Thanh cũng xuống dốc trầm trọng; tôi cũng hết nghe bà hát luôn.

Nhớ, khoảng năm 1993, 1994 tôi thích tiếng hát khàn khàn và nhạc của Bryan Adams ở Canada. Đó là một trong những tiếng hát thực sự là thần tượng của thời thanh niên của tôi. “Live show” nào vào thời đó của Bryan Adams tôi cũng theo dõi trên TV. Cách đây khoảng 2 năm, năm 2012, Bryan Adams có tổ chức lại “live show’ để tái ngộ với khán giả sau thời gian vắng bóng, khoảng 18 năm. Tôi có theo dõi chương trình đó. Nhìn hàng khán giả ngồi nghe chăm chú, hơi sôi động để cổ vũ nhưng trong không khí yên tĩnh như đêm nhạc cổ điển hoặc nhạc thính phòng, khác xa với những buổi “live shows” trước đây 18, 20 năm với không khí sôi động ầm ĩ, và nhìn đám khán giả, nam và nữ, ai cũng đã có tóc bạc, không nhiều thì ít, tôi giật mình, nhìn lại mình thì tóc mình hai bên mang tai cũng đã bạc... thời gian trôi qua mau quá.

Ai cũng vậy, lúc lớn tuổi, cũng có lúc muốn tìm lại những cảm xúc, rung động của thuở thanh niên, thổn thức lại với mối tình đầu, nhớ lại những buổi hẹn hò rạo rực trong sân trường, trong quán nhạc, buồn man mác với những đổ vỡ, đau thương trong quá khứ, đi tìm lại những kỉ niệm thuở ban đầu, ngẩn ngơ khi trở lại những nơi chốn cũ, lịm người khi nghe lại những bài nhạc gắn chặc với khoảng thời gian nào đó trong quá khứ của mình v.v... Chuyện đó là hiển nhiên và ai cũng có, ai cũng thông cảm cho tâm tình đó.

Những người thích và yêu nhạc Trịnh Công Sơn, tiếng hát Khánh Ly, nay ai cũng đã 60 tuổi trở lên, có tính chính đáng trong hành động của mình và sự thông cảm trọn vẹn của người khác để dự buổi nhạc Khánh Ly hát lại nhạc Trịnh Công Sơn. Ở đó, họ cùng nhau sống lại những kỉ niệm xưa, rung động lại với những tâm tình đã mất theo thời gian, đi lại khoảng đời đã xa tít tắp theo thời cuộc v.v... Cứ nhìn vào buổi nhạc do Khánh Ly sẽ hát, ai cũng sẽ thấy đám khán giả phần đông đều là những người lên lão đã lâu, tóc đã bạc nhiều, da đã nhăn nheo... thêm vào đó là số khán giả trẻ, lớn lên sau này nhưng cũng thích nhạc Trịnh, và thêm một số nhỏ nữa a dua theo làm dáng...  Hãy để cho họ cùng ôn nhau thời quá khứ đau thương, tủi nhục, đi cùng nhau trở lại những con đường rạo rực, lãng mạn, và bi thương... Kết tội họ thế này, thế kia là sai, là... độc tài.

Kết:

Nhìn hoàn cảnh nước Việt Nam hiện tại, tôi bất giác thở dài và lòng nhức nhối. “Nước lạ” đang vươn những vòi bạch tuộc vào quấn và xiết chặc Việt Nam ở mọi khu vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... “Người lạ” đang nắm đầu bọn lãnh đạo đầu sỏ Việt Nam mà sai khiến. Những “đặc khu lạ” mọc lên như nấm khắp nước Việt Nam mà người Việt không được phép bén mảng vào. Nhiều khu rừng biến thành “rừng lạ”. Nhiều đảo biến thành “đảo lạ”. “Người lạ” vào Việt Nam tung hoành khắp nơi. Quan chức lãnh đạo Việt Nam ở khắp nơi từ trung ương tới địa phương không những bị “người lạ” mua chuộc và sai khiến, mà còn thi đua nhau ăn cướp, ăn cắp, tham  nhũng, hối lộ nhan nhản, trắng trợn khắp nơi từ trung ương xuống tới làng, xã.... thậm chí công an giao thông còn tỉnh bơ đứng ăn chặn khắp các nẻo đường Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đang bị phá từng ngày từ nông nghiệp, lâm nghiệp... cho tới hàng thủ công, mỹ nghệ...Văn hóa Việt đang bị phá sản và biến thái từng ngày. Hàng hóa “lạ” độc hại lan tràn khắp chốn để giết lần, giết mòn người Việt. Đạo đức người Việt đã bị phá tan tanh bành từ thượng tầng tới hạ tầng. Người Việt đã bị lưu manh hóa với người đồng chủng, hèn hạ hóa trước người “lạ” và người ngoài. Con gái Việt thi nhau lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn, làm đĩ khắp nơi như là bệnh dịch thời đại. Người Việt thi đua nhau ra nước ngoài để ăn cắp. Người Việt trong nước thì được bơm hơi sống trong tự hào sảng, háo danh hão, quay cuồng trong mê cung kiếm tiền, ăn nhậu, gái gú, và bắt phải lãng quên đi hiện tình đau thương, ê chề trước mắt....

Với bối cảnh đó của Việt Nam hiện tại, dù là rất thông cảm và bao dung cho những buổi nhạc xưa trong hoàn cảnh bát nháo và loạn của thị trường âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, không hiểu sao, tự nhiên, tôi chợt nhớ tới hai câu thơ trong bài “Tần Hoài Dạ Bạc” của Đỗ Mục thời nhà Đường ở thế kỉ thứ X:
thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng hậu đình hoa

Dịch:
Con hát không biết buồn mất nước
Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa


(‘Hậu Đình Hoa’ là những khúc hát ủy mị, sướt mướt, dâm dật; là một trong ba tập những khúc hát thời hậu Trần. Suốt đêm ngày, Trần Hậu chủ bỏ cả việc triều chính, say sưa bên cạnh Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần và những mỹ nữ ca hát bên tiệc rượu làm cho đất nước càng suy đồi; chẳng bao lâu, nhà hậu Trần bị nhà Tùy đánh úp và diệt vong)

Không ai lại đi trách người làm nghề ca hát cứ đi hát trong hoàn cảnh tang thương ngổn ngang; trách như vậy có khác chi trách bác sĩ cứ đi khám bệnh nhân trong hoàn cảnh tang thương ngổn ngang. Không phải như vậy. Thơ nhiều khi “ý tại ngôn ngoại / ý nằm bên ngoài lời”. Đọc thơ thì phải hiểu thơ. Phải hiểu rằng tác giả mượn lời trách “con hát” nhưng thật ra là trách “đám người nghe ca hát”. Lẽ giản dị là con hát không vô cớ mà ra đứng một mình bên sông để hát cho sông nước nghe; phải có “đám người bỏ tiền ra nghe con hát hát”. Đám người không biết mối sầu hiện tại, cứ mãi đắm mê với mối sầu hôm nảo hôm nao.

(April 18, 2014)

www.facebook.com/chiemtran.toronto
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân