TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Minh Huong Khuc
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 05 Nov 2007
Số bài: 2090

Bài gửiGửi: Mon Nov 05, 2007 8:25 pm    Tiêu đề: ĐẠO PHẬT QUA NHẬN THỨC MỚI - THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

ÐẠO PHẬT QUA NHẬN THỨC MỚI
Giáo Sư Thạc Ðức ( THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH )
Do Nguyệt San Phật Học Louisville, KY - USA - Tái bản lần thứ nhất - 1998

Yếu Mục
01 Ðạo phật là một triết học hay là một tôn giáo?
02 Phật học với các môn học khác
03 Vấn đề đức tin trong đạo Phật
04 Vấn đề chân lý trong đạo Phật
05 Vấn đề khổ vui trong đạo Phật
06 Vấn đề giải thoát trong đạo Phật
07 Vấn đề tâm vật trong đạo Phật
08 Vấn đề linh hồn trong đạo Phật
09 Vấn đề nguyên nhân đầu tiên trong đạo Phật
10 Vấn đề nhân vị trong đạo Phật

Lời Giới Thiệu
Lâu nay, trên mặt báo chí, thỉnh thoảng thấy xuất hiện vài ba bài viết về đạo Phật. Có bài nói đúng mà cũng có bài chứa nhiều sai lạc, dễ làm lầm độc giả.
Không phải chỉ đọc một vài quyển kinh sách mà gọi là đủ điều kiện để viết về đạo Phật. Tuy nhiên, nếu đã tự nhận là tu theo đạo Phật, mỗi Phật tử không thể không nên biết qua đại cương Phật học.

Ðể giúp ích về phương diện này, và cũng để cho mọi người khỏi hiểu sai lạc vì những bài báo nói trên, thầy Thạc Ðức, giáo sư tại Phật Học Ðường Việt Nam, đã viết một loạt mười bài về đạo Phật trên báo Dân Chủ.

Nay thể theo ý muốn của nhiều giáo hữu chưa đọc, hoặc đã đọc rồi mà muốn cho nhiều người khác cùng được đọc, chúng tôi đã góp nhặt những bài ấy và cho in ra thành sách, mong rằng lối trình bày sáng suốt và mạch lạc của tác giả sẽ giúp độc giả có một nhận thức rõ rệt về đạo Phật là một đạo đang chinh phục hàng trí thức Âu Mỹ, sau khi đã thấm nhuần tâm hồn người Châu Á.


Viết tại Sài Gòn, ngày 20/1/57
Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt
Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguyệt San Phật Học Louisville, KY - USA
Tái bản lần thứ nhất Năm 1998

Ðịa chỉ liên lạc:
Phat-Hoc Magazine
P.O. Box 221483
Louisville. KY 40252-1483. USA


Ðạo Phật Là Triết Học
Hay Là Một Tôn Giáo?

Ðạo Phật là gì? Là một triết học, một khoa học, một luân lý, hay là một tôn giáo? Cho đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người thắc mắc về vấn đề nầy.

Trước mắt tôi là một quyển sách. Nếu bạn hỏi rằng vì sao tôi thấy được cuốn sách đó, tôi sẽ trả lời: vì tôi có đôi mắt. ''Vì có đôi mắt'' lý ấy ai cũng công nhận. Câu trả lời tuy không sai, nhưng cũng chưa đúng hẳn. Phải muốn thấy được cuốn sách, ta cần phải có đôi mắt, nhưng đồng thời cũng cần có ánh sáng, có không gian, và ít ra, cuốn sách đó không có cái gì ngăn che lại... Bao nhiêu điều kiện cần thiết để tôi có thể thấy được cuốn sách! Những điều kiện ấy tương hợp để giúp tôi có thể thấy được một sự vật. Khi bạn hỏi tôi rằng đạo Phật có phải là một triết học không, một tôn giáo không... tôi sẽ trả lời bạn rằng: ''Chẳng quan hệ gì lắm những cái tên gọi ấy, bởi vì đạo Phật không phải chỉ là một triết học, hay là một tôn giáo, một khoa học...''

Ðạo Phật không phải chỉ là một siêu hình học, dù đạo Phật có đề cập đến những thắc mắc siêu hình. Siêu hình chỉ là một phương diện của đạo Phật, và ngoài phương diện ấy, đạo Phật còn có nhiều phương diện khác nữa. Ðạo Phật có phải là một triết học không? Phải. Có phải là một huyền học không? Phải. Có phải là một luân lý học không? Phải. Ðạo Phật là tất cả; cái gì cũng có trong đạo Phật. Nhưng nếu chỉ nghiên cứu sâu xa về một mặt mà bảo rằng đạo Phật chỉ là triết học hoặc chỉ là một luân lý hay một tôn giáo, thế là đã nhìn đạo Phật một cách phiến diện.

Câu chuyện năm người mù rờ voi giúp chúng ta hiểu thêm về vấn đề nầy. Người rờ chân, bảo voi là cái cột nhà. Người rờ đuôi, bảo voi là cái chổi. Nhưng thực ra, voi không phải như cái cột nhà, dù nó có bốn chân giống như bốn cột nhà, không phải như cái chổi, dù nó có cái đuôi giống như cái chổi. Cũng như thế, người chú trọng đến phương diện triết học sẽ cho đạo Phật là triết học, kẻ chú trọng đến phương diện tôn giáo sẽ cho đạo Phật là tôn giáo...Kỳ thực, đạo Phật không phải chỉ là triết học hoặc tôn giáo, hay luân lý. Ðạo Phật bao gồm tất cả triết học, luân lý, tôn giáo, huyền học.

Có người sẽ bảo rằng đạo Phật tuy không phải chỉ là một triết học, một luân lý, nhưng có thể gọi là một tôn giáo, bởi vì có hình thức đầy đủ của một tôn giáo. Nhưng có nhiều người - mà nhất là người Tây Phương - thấy đạo Phật không thờ phụng một đấng tạo hóa nào, thì lại chủ trương ngược lại rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo mà chỉ là một triết học. Họ nói ''Nếu đạo Phật là một tôn giáo (une religion) thì có gì minh chứng rằng đạo Phật là một chân lý thần khải (une révélation)? Nguyên lý thần truyền nào làm nền tảng cho sự thành lập tôn giáo này?''

Câu hỏi đó thường được nêu ra luôn trong giới học giả Tây Phương. Nhưng thực ra, chẳng có gì quan hệ. Dù ta có gọi đạo Phật là một tôn giáo hay một triết học đi nữa thì đạo Phật cũng vẫn là đạo Phật, đạo Phật không vì thế mà thay đổi đi chút nào. Tiếng ''tôn giáo'' là một tiếng mới. Trong tam tạng kinh điển ngày xưa, ta không thấy một tiếng nào có nghĩa tương đương.

Người đặt ra nghi vấn trên cho rằng ''Tôn giáo thì phải có thần khải, phải có yếu tố thần truyền, thiêng liêng''. Ðịnh nghĩa này có vẻ tạm thời quá. Chúng ta thử mở một cuốn sách từ điển ra, và sẽ thấy ''Tôn giáo = sự liên lạc giữa người ta với một thượng đế hữu ngã''. Nhưng không phải ai cũng công nhận như thế. Nếu ta đem hỏi một nhà triết học , một tư tưởng gia, một nhà huyền học... thì ta sẽ thấy mỗi người định nghĩa tôn giáo một cách khác tùy theo sự suy nghĩ và sự hiểu biết của họ. Và trong số các lối định nghĩa, sẽ có những định nghĩa không bắt buộc rằng tôn giáo phải là một sự thần khải, phải thờ một đấng Thượng Ðế, hay phải có một yếu tố linh thiêng.

John Stuart Mill bảo: '' Sự chủ yếu của tôn giáo là hướng tất cả mọi xúc cảm và mọi ước muốn của mình một cách nhiệt thành về một đối tượng lý tưởng được xem như siêu tuyệt nhất'' (L'essence de la religion est la direction forte et zéleé des émotions et des désirs vers un objet idéal reconnu comme de la plus haute excellence).

Voltaire cho rằng tôn giáo là ''một thứ vô lý đặt ra để bắt đa số phục tùng''. Một cuốn tự điển của Nga Sô bắt chước theo quan niệm của Voltaire, cho rằng ''Tôn giáo là sự tin tưởng vào thần linh, một sự tin tưởng không căn cứ trên nền tảng khoa học nào cả''. Auguste Comete cho rằng: ''Tôn giáo là sự thờ phụng nhân loại''. Whitehead bảo: ''Tôn giáo là sự sinh hoạt của cá nhân trong đơn độc vắng lặng. Nếu anh không sinh hoạt trong vắng lặng đơn độc thì anh không phải là người có tôn giáo''.

Và Aldous Huxley bảo: ''Tôn giáo là một lối giáo dục nhờ đó mà con người có thể tự giới '' (la religion est un systéme d'éducation par le moyen duquel les étres humains peuvent se discipliner).

Vậy thì không có một công thức nhất định nào cả. Và lối định nghĩa nào cũng có lý riêng của nó. Ta có quyền nhận hay không nhận định nghĩa của kẻ khác, tùy theo ý ta. Nếu bạn muốn dùng định nghĩa của Voltaire hay của cuốn tự điển Nga Sô thì tùy ý bạn, nhưng người khác như tôi thì lại không nhận được định nghĩa đó. Miễn là bạn đừng bắt mọi người phải nhận định nghĩa bạn là đúng và cho tất cả các định nghĩa khác là sai.

Ý tưởng thần khải là một ý tưởng có từ rất lâu. Không những kinh Vệ Ðà được xem như là thần khải mà khoa dược khoa học ngày xưa của Ấn Ðộ, của Trung Hoa cũng được xem là thần khải nữa.

Văn phạm Sanscrit, dân Ấn Ðộ tin rằng cũng là một thứ thần khải, Chính trong hiện thời, ở Ấn Ðộ và ở Trung Hoa cũng còn nhiều người tin rằng khoa y dược là một khoa do thần nhân truyền dạy. Cho đến phép cấy lúa, bói toán cũng là do thần nhân chỉ bảo. Ý tưởng thần khải, như thế, đã là một ý tưởng rất xưa và rất sơ khai. Vậy thì có quan hệ gì lắm đâu ở chỗ ''thần khải'' hay không ''thần khải''? Nếu một tôn giáo mà tôi không có sức hiểu và thực hành theo được, nếu tôn giáo ấy không có ảnh hưởng và hậu quả gì đến tôi, thì dù nó có thần khải hay không, đối với tôi nó vẫn là vô nghĩa.

Trái lại, nếu một ''tôn giáo'' không có thần khải mà tôi hiểu được, thực hành được, có thể đem lại cho tôi nhiều ảnh hưởng tốt và những hậu quả tốt thì tôi vẫn tôn thờ phụng sự như thường.

Vậy ta không cần thắc mắc ở chỗ thần khải hay không thần khải, đạo Phật là tôn giáo hay không là tôn giáo. Ta phải vượt ra ngoài những loại định nghĩa kia, như thế mới hiểu được đạo Phật là gì. Ta cũng có thể gọi Ðạo Phật là một triết học, một tôn giáo, nếu ta muốn, nhưng không phải vì thế mà ta biến cải được đạo Phật. Ðạo Phật là đạo Phật, hoặc nói rõ hơn, đạo Phật là những giáo lý của Phật dạy.


Phật Học Với Các Môn Học Khác

Tất cả các môn học đều có mục đích là hiểu biết. Hiểu biết để được thỏa mãn, và hơn nữa, hiểu biết để hành động.

Con người, khi sanh ra, đã mang theo những bất mãn và thắc mắc. Những bất mãn và thắc mắc ấy một khi chưa được thanh toán, thì còn là nguyên do của muôn ngàn đau khổ.

Với một khối óc và một trái tim, con người sinh hoạt khác hẳn loài vô tình. Bao nhiêu lo âu, giận ghét, bao nhiêu thương yêu say đắm đã gây cho con người những cuộc khủng hoảng liên miên về đời sống tình cảm. Thêm vào đó, những câu hỏi về giá trị cuộc sống được đặt ra, cấp bách và khẩn thiết không khác gì vấn đề cơm áo. Nhìn những cảnh tượng đau thương, nhìn những cuộc bể dâu thay đổi của kiếp sống, con người bàng hoàng tự hỏi mình là ai, đâu là nguồn gốc của tất cả các hiện tượng, trước mình là ai và sau mình sẽ có những gì. Vì sao muôn loài tồn tại, tồn tại để mà tương tàn tương sát, tồn tại để chứng kiến bao nhiêu nỗi thảm sầu? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Con người sẽ về đâu sau khi chết? Tất cả những câu hỏi ấy đến trong trí óc chúng ta như những ngọn gió lốc bạo tàn. Con người làm sao có được hạnh phúc trong trạng thái thắc mắc nghi ngờ đó của tâm tưởng?

Bao nhiêu bất mãn và thắc mắc thì bấy nhiêu đau khổ. Người ta chỉ có thể có hạnh phúc được khi đã làm thỏa mãn được những bất mãn và thắc mắc kia. Và như thế thì chỉ có cách là phải hiểu biết.

Song có người bảo: "Sự hiểu biết ấy, đối với đại đa số quần chúng, không cần thiết nào. Quần chúng ít thắc mắc về những vấn đề siêu hình kia"

Nhưng ta thử hỏi: Quần chúng có cần thắc mắc về vấn đề nhân sinh không? Hành động theo đường lối nào, làm sao mà hành động để xây dựng được một đời sống xã hội hòa bình, hạnh phúc? Vấn đề nhân sinh được giải quyết như thế nào? Không ai sống trong xã hội mà lại không cần biết đến vấn đề đó. Bởi vì có những nhu cầu không thể thiếu được đối với con người đang sống trong xã hội. Dù si ám đến đâu, tôi cũng có thể nhận được rằng tôi cần cơm áo, nhà cửa, tôi cần đến những mối liên lạc giữa tôi với mọi người trong xã hội. Mà muốn có một nhận thức về đường lối nhân sinh, tôi phải có một nhận thức về sự sống, về vũ trụ. Tự-nhiên-giới và nhân-sự-giới có những tương quan hết sức mật thiết, những liên lạc hết sức chặt chẽ, và con người muốn thông hiểu nhân-sự-giới, trước tiên, phải có nhận thức rõ ràng về tự-nhiên-giới.

Huống nữa vấn đề nhân sinh không phải chỉ là vấn đề no cơm ấm áo. Con người muốn sinh hoạt cho ra người; nghĩa là cuộc sống phải có văn hóa, có hướng đến Chân, Mỹ, Thiện. Và dù ta không có những thắc mắc siêu hình, ta cũng phải giải quyết những vấn đề siêu hình, bởi vì một nhận thức về nguyên lai và cứu cánh của vũ trụ bao giờ cũng là nền tảng cho một nhận thức về đường lối nhân sinh.

Tóm lại, con người cần, rất cần phải hiểu biết. Các môn học của con người là để cung cấp sự hiểu biết đó cho loài người.

Môn học thường tự hào về mình hơn hết là Khoa Học. Khoa học thường tự hào bằng cứ hoàn toàn vào thực nghiệm và tìm hiểu được nhiều hiện tượng. Làm như không còn có môn học nào khác biết căn cứ trên thực nghiệm để tìm hiểu được các hiện tượng nữa cả.

Khoa học chỉ có thể giải thích những hiện tượng và những sự kiện xẩy ra trong sự tương quan giữa những hiện tượng ấy. Ðối tượng của khoa học là những hiện tượng khách quan mà ai cũng có thể đo lường và kiểm soát được ở mọi địa phương, mọi trường hợp. Cái biết của khoa học là cái biết về những hiện tượng, cho nên cái nhìn của khoa học là cái nhìn chi li; vì thế, khoa học tránh không trả lời những câu hỏi về ý nghĩa, giá trị, và nguyên ủy cuộc đời. Khoa học không thể vượt ra ngoài những hiện tượng cụ thể. Thật đúng như lời của nhà triết học Pierre Jean: "Cái thứ khoa học biết thì biết nhiều mà hiểu thì không hiểu gì hết" (cette science qui sait tout et ne comprend rien). Vì thế, cái khát khao hiểu biết tuyệt đối của con người không thể nhờ khoa học giải đáp được.

Ðứng về phương diện nhân sinh, "khoa học mà không có lương tri thì chỉ tổ phá hoại tâm hồn", nền văn minh vật chất, con đẻ của khoa học, đã tiến đến chỗ cùng cực với một sức phá hoại ghê gớm: cái biết của khoa học ở đây lại cũng không phải là cái có thể giải quyết được một cách căn bản vấn đề nhân sinh.

Tâm lý học và xã hội học có thể đi xa hơn. Cái biết của tâm lý học và của xã hội học có thể vượt khỏi cái biết hiện thời và hiện xứ của khoa học, có thể khám phá ra nguyên do của nhiều sự kiện tâm lý, xã hội. Tuy nhiên, đứng về phương diện tuyệt đối, tâm lý học và xã hội học vẫn không có cao vọng giải quyết được những thắc mắc siêu hình, và đứng về phương diện nhân sinh, các môn học nầy cũng chưa có thể định được giá trị và tiêu chuẩn cho các hiện tượng tâm lý, xã hội.

Triết học có một cái nhìn tổng quát hơn, rộng rãi hơn. Triết học chủ trương giải quyết những vấn đề siêu hình, và nương vào những giải quyết ấy, thiết lập những đường lối nhân sinh phù hợp. Triết học muốn tìm đến bản thể và chân tướng của vũ trụ vạn hữu, chủ trương hoặc nhất nguyên, hoặc đa nguyên, hoặc vô nguyên... Tuy bước đầu cũng có căn cứ trên thực nghiệm đấy, nhưng dần dần lìa xa thực nghiệm để đi sâu vào những biên giới siêu hình xa thẳm. Những lối giải đáp của triết học thật táo bạo và cố nhiên là không thể kiểm sát được bằng thực nghiệm. Từ xưa đến nay, biết bao nhiêu triết gia, biết bao nhiêu lý thuyết chủ trương không giống nhau, và ta nào biết được đâu là chân lý. Cái mà hôm qua người ta gọi là chân lý, hôm nay đã không còn là chân lý nữa rồi. Cái mà hôm nay mọi người cho là chân lý, ngày mai hẳn lại có thể là sai lạc. Lý trí con người khổ sở vô cùng trong khi đi tìm chân lý, và đến bây giờ con người lại đâm ra nghi ngờ không biết rằng lý trí mình có thể có khả năng đạt đến chân lý hay không? Sự ghi ngờ đó quả đã tố cáo sự kém hèn của cái tri thức nhân loại. Cái biết của triết học đã bâng quơ như thế thì làm sao hướng dẫn được nhân sinh một cách vững vàng chắc chắn?

Nương vào đâu để có chỗ an tâm lập mạng? Con người chỉ còn biết vào tôn giáo...

Tôn Giáo phần nhiều được thành lập trên đức Tin, bác bỏ hẳn phần lý trí. Ở trong địa hạt nầy, con người phải đặt hết sự Tin tưởng vào một đấng thần minh, sống đúng theo những giáo điều định sẵn để chờ một ngày giải thoát. Con người ở đây được yên ổn hơn, nhưng thương thay, không dám nghĩ, và làm một điều gì mình cho là đúng mà ngược lại với những giáo điều cố định. Triết học thì thuần Hiểu, mà tôn giáo lại là thuần Tin - Cái biết ở đây không còn có cánh để có thể mong bay xa được nữa.

Ðạo Phật, như trong bài trước chúng tôi đã nói, bao gồm cả khoa học, tâm lý học, xã hội học, triết học và tôn giáo. Không có một vấn đề nào thuộc siêu hình, một vấn đề nào thuộc nhân sinh mà đạo Phật không đề cập đến. Tuy đạo Phật không đề cập đến tất cả những chi tiết của các môn học kia, song ta có thể tìm ở đạo Phật những nguyên tắc tổng quát giải thích được mọi vấn đề.

Ðạo Phật lấy sự sống làm căn bản và chủ trương giải thoát con người khỏi tình trạng sinh hoạt đau khổ, nên chi những giải quyết của Phật giáo rất là thực tiễn.

Về các hiện tượng, đạo Phật không chủ trương tìm hiểu cho cặn kẽ. Bởi vì sự tìm hiểu đó không có lợi ích gì cho sự tiến bộ trên đường giải thoát. Ðức Phật dạy lý nhân quả, lý nhân duyên tương-quan tương-thành để chỉ bày con đường diễn biến thành hoại của muôn vật. Người Phật tử cần thấy nguyên tắc tương duyên ấy mà quán sát, tu tập xây dựng. Một quan niệm tương-quan tương-duyên chẳng hạn có thể làm cơ sở cho một nguyên tắc tổ chức xã hội, một nguyên tắc giáo dục hợp lý, và là một nguyên do phá tan những cố chấp mê mờ sẵn có của chúng ta. Trong kinh Bách dụ, đức Phật Thích Ca có thuật câu chuyện: Một người bị tên độc, khi thấy người ta bảo rút mũi tên ra, thì ngăn lại, bảo: "Khoan, để tôi hỏi xem ai bắn mũi tên nầy, người đó tên họ là chi, ở xứ nào, và thuốc độc nầy lấy ở đâu, công hiệu ra sao đã." Nếu dần dà tìm hiểu cho hết từng ấy thứ thì thuốc độc đã thấm vào làm cho người ấy chết rồi. Cho nên việc quan hệ là phải nhổ ngay mũi tên và rửa thuốc. Cái biết kia chẳng quan hệ chi. Ðức Phật chỉ dạy những cái biết cần thiết để cho con người thoát khổ thôi. Mà những cái biết Phật dạy là những cái biết lớn lao, không phải là những cái biết lặt vặt.

Cái biết nào là cái biết lớn lao?

Cái biết về sự sinh tử và giải thoát.

Với một trí tuệ giác ngộ, đức Phật đã đạt đến chân lý tuyệt đối. Nhưng chân lý tuyệt đối ấy phải do mỗi người tự chứng ngộ. Chân lý kia không thể giải bày trên ngôn ngữ văn tự được, vì những thứ nầy có một giá trị thật kém cỏi. Nếu Phật có giải bày thì cũng chỉ giải bày được bóng dáng của chân lý và những phương tiện để đi đến chân lý mà thôi. Sự chỉ bày ấy có căn cứ trên sự giác ngộ thấu đạt, chứ không phải chỉ là những suy luận siêu hình vẩn vơ như ở triết học. Giáo lý viên giác và duy nghiệp của Phật dạy chẳng hạn, có thể thuyết minh được nguyên ủy của vũ trụ nhân loại và vạch được con đường đi cho nhân loại. Giáo lý duy thức trình bày cặn kẽ những hành tướng và tác dụng của tâm lý con người, chính xác, rành rẽ và sâu xa gấp mấy mươi lần tâm lý học thực nghiệm. Và còn nguyên tắc tổ chức xã hội nào hợp lý và làm thỏa mãn chúng ta hơn là nguyên tắc "tự biến cọng biến" của giáo lý duy nghiệp? Con người nương vào giáo lý Phật dạy để tìm hiểu, để thực hành, cải tạo bản thân mình và xã hội mình, để được giải thoát và giác ngộ. Nhưng con người không bị bắt buộc phải tin theo giáo lý ấy một cách mù quáng. Phật dạy: "Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do một vị truyền giáo chỉ dạy. Phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi tin, và khi tin rồi phải cương quyết thực hành để đi đến kết quả" (kinh Kalama).

Nhờ tìm hiểu, thực hành, chứng đạt, con người có thể cởi mở được tất cả những nghi nan, thắc mắc. Từ một quan niệm chính xác - quan niệm duy nghiệp - về vũ trụ và con người, Phật tử đi đến một quan niệm hợp lý về sự sống. Người ta tìm thấy ở đạo Phật sự thỏa mãn về lý trí, về tình cảm. Con người ở đây không bị đè nén, gò ép, con người ở đây không còn bị thắc mắc nghi nan. Con người ở đây có thể tìm được chỗ an tâm lập mạng.

Cái biết của bậc giác ngộ là "cái biết cùng khắp, chân chính và cao tột" (vô thượng chính biến tri giác). Lời dạy của bậc giác ngộ gọi là giáo pháp. Phật tử tìm hiểu, chứng nghiệm chân lý chỉ bày trong giáo pháp ấy để có thể đi đến cái biết cao tột chân chính kia mà phá tan mọi thắc mắc. Lòng tin ở đây được lý trí kiểm sát, và cái Tri đi đến cứu cánh một lần với cái Hành.

Ðó là nói về phương diện khát khao chân lý. Còn về phương diện nhân sinh, giáo lý bày giải nguyên tắc tổ chức sinh hoạt xã hội, và những phương pháp đào luyện nên một nhân sách siêu việt, chỉ bày một nếp sống hướng thiện, giải thoát.

Kho tàng kinh điển còn đó, chúng ta sẽ dần dần tìm học và sẽ thấy rằng cái biết của Phật quả là một cái biết rộng lớn và cao đẹp vô song.


Vấn Ðề Ðức Tin Trong Ðạo Phật

Ðức Thích Ca có dạy: "Tin là căn bản của sự thành công, và là nguồn gốc của muôn hạnh lành". Nhưng lòng tin của người Phật Tử không phải là một lòng tin cuồng nhiệt, sôi nổi, không suy xét.

Một đức tin đưa con người đến chỗ thành công quyết không phải là một thứ mê tín. Một tín ngưỡng mù quáng không xây dựng trên lý trí xét đoán là một nguy hại lớn cho đời sống của cá nhân, của gia đình, dân tộc và xã hội. Cái tín ngưỡng sai lầm có thể làm hại tinh thần quần chúng. Sự tín ngưỡng mù quáng không căn cứ trên lý trí xét đoán đã đào luyện và sẽ đào luyện lên những trí óc lười biếng, ỷ lại, nô lệ cho hoàn cảnh, nô lệ cho dục vọng.

Một đức tin hổn tạp, thiếu căn cứ, thường hay đi với sự nương nhờ vào một thế lực phỉnh phờ. Hai thứ ấy nương nhau, có ảnh hưởng lẫn nhau rất mạnh. Hai thứ ấy cũng đều tạo nên những bộ óc yếu đuối, ỷ lại, thiếu tinh thần tự lập. Do một tin tưởng sai lầm, tinh thần càng ngày càng bị u tối, và sau bức màn thành kiến, con người làm sao trổi dậy, cường tráng và tự lập cho được?

Ðạo Phật truyền sang đất Việt đã gần 2.000 năm, có thời rực rở huy hoàng, nhưng cũng có thời lu mờ hôn ám. Rực rở huy hoàng hay lu mờ hôn ám chỉ là ở tại đức tin: mê tín đã gây nên cái hình thức tào tạp của đạo Phật của thời cận đại. Có nhiều người tự xưng là tín đồ đạo Phật mà lại có những tín ngưỡng sai lạc hẳn tinh thần Phật Giáo. Căn cứ vào hình thức ấy, người ta vội mỉm cười, cho đạo Phật là mê tín, là ỷ lại thần quyền, là chỉ lo tư lợi, là chán đời, là nhu nhược yếu đuối.

Số người chịu khó đi sâu vào tinh thần Phật Giáo có được bao nhiêu đâu! Nhiều kẻ mang danh là tín đồ mà sự hiểu biết và hành động trái hẳn giáo lý Phật dạy, phản lại tinh thần từ-bi trí-tuệ của Phật Tổ. Nhận xét bằng một cặp mắt kém nhận xét, nhiều người trông thấy những màu mè ấy vội kết luận rằng đạo Phật chỉ là một đa thần giáo như những đa thần giáo ngày xưa!

Phật giáo nước Việt trong mấy thế kỷ vừa qua đã có một hình thức tào tạp. Những hình thức bói xăm, vàng mã, đồng bóng họp chung lại gọi là "đạo", và trong trường hợp nào (ví dụ như lên đồng lên bóng chẳng hạn) người ta cũng "mô Phật" được! Những vị chân tu cùng đạo Phật chân chính, vì thế, được ít người biết đến. Hèn gì mà đạo Phật không bị nhận thức sai lầm.

Có bao nhiêu kẻ thường ngày không biết đến Phật, không nghe, không hiểu, và không làm theo lời Phật dạy, khi lâm nạn mới đến chùa tháp, đốt một nén hương khẩn cầu. Họ xem đạo Phật là một lối chuyên môn thờ cúng, và Phật là một vị thần thiêng liêng sẵn sàng ban phúc diệt họa cho họ mỗi khi họ cần đến.

Một hôm, có người trong phái Kalmala đến tìm Phật và hỏi Ngài: "Bạch đức Thế Tôn, các thầy Bà-la-môn ngoại đạo đến thăm chúng tôi, người nào cũng bảo rằng chỉ có lời của họ mới đúng chân lý mà thôi. Bạch Ngài, chúng tôi thật lấy làm phân vân không biết theo bên nào, bỏ bên nào".

Trả lời câu hỏi ấy, đức Phật không bảo rằng Ngài là chúa tể vạn vật, chỉ có đạo Ngài mới nên theo; ngài không bảo rằng các vị giáo chủ và các đạo khác đều là hư ngụy, là sai lầm. Lời dạy của Ngài rất rộng rãi. Ngài bảo: "Ngươi đừng vội tin theo ai cả. Tất cả những gì ngươi đã thực nghiệm sâu xa, hợp với lý trí xét đoán của ngươi, có thể đem lại hạnh phúc cho chính ngươi và những kẻ khác, những cái ấy, ngươi hãy nhận đó là chân lý và hãy cố sống đúng theo chân lý ấy ".

Ðọc đoạn vừa rồi trong kinh Kalama, chúng ta nhận thấy hai điều: một là đạo Phật không bao giờ bắt buộc người ta tin theo một cách mù quáng; hai là đức Phật không phải là một vị chúa tể có quyền phép lạ, có thể đem tín đồ mình đặt ở thiên đường hay ở địa ngục tùy theo ý thích của mình.

Nội một sự kiện " không buộc người phải tin theo một cách mù quáng" đủ chứng tỏ rằng đạo Phật có một tinh thần thật rộng rãi và có tính cách nhân loại. Ðạo Phật dạy rằng không hiểu Phật mà theo Phật thì đã không có lợi mà còn có hại là khác nữa.

Chính đức Phật Thích Ca cũng có dạy: "Tin ta mà không hiểu ta, ấy là bài báng ta vậy ".

Như thế, người nào tin Phật như một vị chúa tể có quyền ban phúc trừ họa tức đã bài báng Phật.

Một lòng tin chân chính phải đi theo với một lý trí xét đoán. Hiểu rồi mới tin, thì cái tin ấy mới là chánh tin. Ðối với đạo Phật, tin mà không hiểu thì sẽ lạc đường.

Ðạo Phật chủ trương cá nhân có quyền thẩm sát tất cả, và tin hay không là tùy ở mình. Chúng ta hãy đọc đoạn nầy cũng ở trong kinh Kamala:

"Ðừng vội tin tưởng những cái gì mà người ta thường lập đi lập lại luôn. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là một tập tục cổ truyền đã trải qua nhiều thời đại. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là điều người ta hay đồn và hay nói đến luôn. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do bút tích thánh nhân xưa để lại. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là một luật lệ đặt ra từ lâu và được xem như là chánh đáng. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do quyền năng của một bậc thầy hoặc do quyền lực của một nhà truyền giáo.

Tất cả những gì hợp với lý trí xét định, hãy tin ".

Tam Tạng giáo điển của Phật Giáo đối với Phật Tử không giống những thánh kinh đối với tín đồ các tôn giáo khác. Phật Tử không bị bắt buộc tin vào kinh điển một cách mù quáng. Kinh điển đối với Phật Giáo không phải là một "tối hậu chân lý", một bảo vật mà ai cũng phải thờ lạy. Kinh điển không phải là những bùa chú linh thiêng mà hể đọc lên là được Ðức Phật cứu độ. Kinh điển chỉ là lời dạy của Phật, của một bậc giác ngộ. Ðức Phật đã từng nói:

"Này các tỳ kheo! Hãy xem ta như kẻ hướng dẫn các ngươi trên đường tu học".

Ðịa vị của Ðức Phật trong Phật Giáo là địa vị của một người dẫn đường trong đám người lạc hướng, hay nói cho khác hơn, địa vị của một lương y trong đám bệnh nhân đau khổ.

Nếu những người lầm đường không đi theo con đường của người dẫn lối thì không khi nào đến đích được, và đó là lỗi của người không đi, chứ không phải là lỗi ở người chỉ đường. Vị lương y cho thuốc uống, nhưng sợ đắng không uống, bệnh không lành, đó chỉ là lỗi ở các con bệnh, chứ không phải lỗi ở lương y.

Nếu Phật Tử không hiểu lời dạy của Phật, không thực hành theo những lời dạy của Ngài, thì Ðức Phật và tam tạng giáo điển của Ngài đối với người kia không còn ý nghĩa gì nữa cả. Bởi thế, đốt hương, kết hoa, tỏ lòng biết ơn Phật cũng chưa phải là việc cần làm nhất của một người Phật Tử chân chính. Thực hành và sống theo lời Phật dạy mới là Phật Tử chân chính vậy.

Căn cứ vào những lời trong kinh Kalama và căn cứ trên lý nhân quả xác thực, chúng ta thấy rằng Ðức Phật không phải là một vị chúa tể toàn năng có thể ban phúc lợi và sự giải thoát cho con người, nếu con người có cầu nguyện Ngài. Lạy Phật, dâng hương lễ Phật, mới là việc làm của kẻ biết ơn. Muốn giải thoát, muốn có an lạc, con người phải biết xem Phật như một ngôi sao dẫn đường, một bậc Thầy sáng suốt.

Hãy nhìn Ðức Phật ở địa vị chính của Ngài, và đừng bao giờ đặt ngài ở địa vị một thần linh, một chúa tể. Người Phật Tử nếu có tin tưởng, thì chỉ là tin tưởng ở sự dẫn đạo sáng suốt của bậc giác ngộ, tin tưởng ở khả năng giác ngộ ( Phật Tính ) sẵn có ở mọi loài, chứ không phải tin nơi quyền phép có thể ban phúc trừ họa.

Hiểu như thế, ta mới thấy rằng những tâm niệm đen tối, mê tín, ỷ lại vào quyền năng vu vơ của thần thánh không phải là một lòng tin mà đạo Phật đòi hỏi. Người học Phật phải thận trọng, luôn luôn giữ thái độ khách quan trong khi tìm hiểu kinh điển, và như thế là có tinh thần khoa học. Trí óc kẻ học Phật phải là một cơ quan gạn lọc vàng sõi, phân biệt rõ ràng, đừng để bị nô lệ cho những kiến văn, sách vở, và những thành kiến dựa vào tình cảm.


Vấn Ðề Chân Lý Trong Ðạo Phật
Trong một bài trước, chúng ta đã thấy rằng đạo Phật chủ trương một cái Biết rộng rãi, thấu triệt, và cao tột (Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác). Cái Biết nầy căn cứ trên những thực nghiệm tâm linh, trên sự giải thoát giác ngộ của một vị Phật đã siêu xuất vô minh và sinh tử luân hồi. Cái Biết ấy là cái biết về chân tướng của vạn hữu, cái Biết về bộ mặt thực của mọi hiện tượng (bản lai diện mục).
Chân tướng ấy, bộ mặt thực ấy, được gọi là chân như, là bản thể, là Phật; nói tóm lại, là chân lý. Vấn đề chân lý trong đạo Phật được quan niệm như thế nào?

Ðạo Phật chủ trương rằng tri thức con người có thể đạt được đến chân lý, với điều kiện là con người phải chuyển cái tri thức hiện thời thành trí tuệ Bát Nhã. Tri thức của chúng sanh có một khả năng kém cỏi vì đã bị bao nhiêu mê ám che lấp (vô minh). Nay diệt được những mê ám ấy thì có thể chuyển Thức (tri thức) thành Trí (Bát Nhã) và với khả năng nầy, con người mới có thể trực nhận được Bản Thể.

Duy thức học phân biệt ba loại hiểu biết mà tri thức con người có thể có được:

1. - Sự hiểu biết bằng hiện lượng.

Lượng tức là sự phân biệt, so đo, hiểu biết. Hiện lượng là cái biết trực tiếp những sự vật trong thời gian hiện tại và không gian hiện tại. Sự hiểu biết nầy không cần trải qua một trung gian suy luận. Tôi thấy trước mặt tôi có một cuốn tự điển. Cái "thấy" ấy là hiện lượng, khả năng nhận thức trực tiếp không cần suy nghĩ. Có thể tạm xem như là một lối trực giác được.

Nhưng có trường hợp hiện tượng đúng và có trường hợp hiện tượng sai. Thấy sợi dây, cho nó là sợi dây, đó là "chân hiện lượng" (hiện lượng đúng). Thấy sợi dây, hoảng hốt cho là con rắn, ấy là "tợ hiện lượng" (hiện lượng sai). Tợ nghĩa là tương tợ như đúng, nhưng kỳ thật là sai lầm.

2. - Sự hiểu biết bằng tỷ lượng.

Tỷ đây có nghĩa là so sánh, suy luận, đối chiếu. Nếu ta hỏi "chiều mai có thể có mưa không" thì hiện lượng của ta không trả lời được vì nó chỉ có thể biết được việc trong hiện thời và hiện xứ. Chiều mai tức là việc xảy ra ở trong thời gian khác, vậy phải nhờ vào một khả năng suy luận khác: khả năng ấy là tỷ lượng. Củng như khi tôi hỏi: "Có gì trong lòng trái đất không" thì hiện lượng của tôi cũng không thể trả lời, vì việc ở đây không phải là việc ở hiện xứ, không thể nhận biết được nếu không có tác dụng suy luận. Vì thế phải cần dùng tỷ lượng.

Sau bức tường kia có gì mà khói lên? Tỷ lượng trả lời rằng có lửa. Bởi về nó suy luận "có khói tức là phải có lửa". Nếu sau bức tường mà có một đống lửa thực, thì gọi là "chân tỷ lượng" (tỷ lượng đúng), còn nếu sau bức tường có một vật khác không phải lửa nhưng cũng có thể làm nguyên nhân cho khói (như một chiếc xe hơi rồ máy chẳng hạn) thì gọi là "tợ tỷ lượng" (tỷ lượng sai).

Hiện lượng tuy chỉ cần nhận thức những sự vật ở hiện thời và hiện xứ nhưng vẫn cứ bị sai lầm luôn luôn. Tỷ lượng vì phải suy đạt đến những cái ở thời gian khác và ở địa phương khác nên lại dễ bị sai lầm hơn nữa. Do đó, sự suy tư trắc đạt của tỷ lượng thường dẫn ta đi xa sự thực một cách đáng sợ. Các nghi vấn lớn lao về cuộc đời, về bản thể, đã không thể giải quyết nhờ hiện lượng, thì cố nhiên phải nhờ tỷ lượng. Nhưng tỷ lượng thường dẫn ta đến những biên giới siêu hình xa lăng lắc và thường biến ảo không lường. Ngọc Hoàng, Thượng Ðế, Nam Tào, Bắc Ðẩu, Táo Quân, Phạm Thiên v.v... đều là những sản phẩm của tỷ lượng. Trong phạm vi thực nghiệm, tỷ lượng còn tỏ ra lắm lúc sai lầm, huống hồ là khi đã vượt ra ngoài thực nghiệm. Ðôi cánh tự do và táo bạo của tỷ lượng đưa ta đi cùng khắp, nhưng khi trở về chỉ đem lại những giải thuyết khó tin khó nhận. Thế cho nên tỷ lượng trong rất nhiều trường hợp đã là tợ tỷ lượng, và con người không thể nương vào đấy để đi tìm chân lý.

Vậy thì do đâu mà tri thức của chúng sanh không thể tìm đến chân lý? Chính là do ở tợ hiện lượng và tợ tỷ lượng. Nhưng tại sao tri thức chúng sanh lại không thuần là chân hiện lượng chân tỷ lượng mà lại có xen vào tợ hiện lượng và tợ tỷ lượng?

Ðạo Phật chủ trương: vì có một yếu tố mê mờ, si ám đã gây nên những thứ "tợ" đó. Thứ mê mờ si ám kia được gọi là vô minh (avidya).

Các bậc giác ngộ là những người đã phá trừ được vô minh, tiêu diệt được tợ hiện lượng và tợ tỷ lượng, phát triển đến cùng cực chân hiện lượng và chân tỷ lượng. Hai khả năng sau nầy, sau khi vô minh đã bị trừ diệt, có thể đạt đến trạng thái sáng suốt cao nhất của nó là Bát Nhã Trí (Prajna) để có thể trực nhận được chân lý vạn hữu.

Các bậc giác ngộ, sau khi chứng đạt chân lý, liền nghĩ đến việc giảng giải cho người chưa chứng đạt. Nhưng chân lý tuyệt đối không thể dùng một khí cụ tầm thường kém cỏi là ngôn ngữ để có thể thuyên giải, thuyên minh. Thế cho nên dù các bậc giác ngộ có thuyên giải, thì cũng có thể thuyên giải được ảnh hưởng của chân lý và phương pháp đạt đến chân lý, chứ không thể thuyên giải bản thân của chân lý được.

Ảnh tượng của chân lý chỉ là một phương tiện để chỉ bày chân lý chứ không phải là chân lý. Chúng sanh phải nương vào ảnh tượng ấy để tìm dần đến chân lý bằng học tập, bằng thực hành. Tuy chưa phải là bản thân chân lý, nhưng ảnh tượng kia cũng vượt khỏi những hình bóng tưởng tượng trắc đạc sai lầm, những vọng tưởng điên đảo về chân lý của tợ tỷ lượng.

Vì thế, chân lý không nằm trong kinh điển, và kinh điển chỉ là phương tiện chỉ bày chân lý. Cho nên đức Phật có dạy:

"Chân lý là mặt trăng. Giáo lý của ta là ngón tay chỉ mặt trăng. Ðừng lầm ngón tay ta là mặt trăng vậy". Nếu y theo kinh điển để giải nghĩa, để tìm chân lý trong những giòng chữ, thì đó chính là chỉ biết nhìn ngón tay mà chưa biết nhìn mặt trăng. Nhưng rời bỏ hẳn kinh điển đi thì lại có thể rơi vào những điên đảo vọng tưởng của tợ tỷ lượng. Thế nên một vị tổ sư đã nói: "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh thất tự, tức đồng ma thuyết", nghĩa là: "Chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa, thì oan cho đức Phật, mà rời bỏ kinh điển thì lại lạc vào những tà thuyết của ma vương".

Vậy ngoài hai loại hiểu biết là hiện lượng và tỷ lượng, ta còn có một loại hiểu biết thứ ba nữa là thánh giáo lượng.

3. - Sự hiểu biết bằng thánh giáo lượng.

Sự hiểu biết nầy có được là nhờ căn cứ trên lời dạy của các bậc giác ngộ. Ðó chính là những "ngón tay chỉ mặt trăng" nhờ đấy mà kẻ phàm phu có được những phương tiện để trở thành bậc thánh nhân giác ngộ.

Nhưng đối với những thánh giáo nầy, ta cũng phải giữ một thái độ dè dặt tìm hiểu. Vì chưa thấu đạt trực tiếp, nên ta chưa biết một cách "thực nghiệm" rằng chân lý có thực là một chân lý không, hay chẳng qua chỉ là một mớ tợ tỷ lượng như bao nhiêu thứ tợ tỷ lượng khác. Ở đây, phải có đức tin. Nhưng đức tin này cũng phải do những nhận xét, những chứng nghiệm sơ bộ mới được xây dựng vững vàng.

*** KÍNH XIN ĐỌC TIẾP PHẦN SAU TRONG http://www.thuvienhoasen.org/u-dpntm-00.htm
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân