TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trang "Sóng Việt Đàm Giang"
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trang "Sóng Việt Đàm Giang"

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Tue Feb 18, 2014 2:30 am    Tiêu đề: Trang "Sóng Việt Đàm Giang"

 photo SUTU1_zps6650c37f.jpg



Một Chút Thụy Sĩ: Lucerne

Hồ Lucerne và Tượng Sư Tử Đá của Lucerne

Sóng Việt Đàm Giang biên soạn

Thụy Sĩ hay Liên bang Thụy Sĩ là một quốc gia không giáp biển thuộc khu vực Tây Âu với dân số khoảng 7. 5 triệu người. Thụy Sĩ là quốc gia theo thể chế cộng hòa liên bang gồm 26 bang (canton) với thủ đô là thành phố Berne và hai trung tâm kinh tế lớn là Geneva và Zurich.

Do vị trí địa lý đặc biệt nằm giữa nhiều nước lớn (Pháp, Đức, Áo, Liechtensen, Ý, Pháp) nên Thụy Sĩ có bốn ngôn ngữ chính. Đó là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh. Hơn nữa, Thụy Sĩ còn là nước có truyền thống trung lập, không xảy ra bất kỳ một cuộc chiến tranh nào từ năm 1815 đến nay và là trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng.

Thụy Sĩ là một quốc gia nhiều đồi núi với những phong cảnh thiên nhiên trên dãy núi cao Alps, nhiều dòng sông băng và nhiều hồ nước đẹp. Đất nước này còn nổi tiếng về ngành sản xuất đồng hồ và được biết đến như một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới.

Thụy Sĩ theo chế độ cộng hòa với mô hình nhà nước liên bang. Cấu trúc nhà nước liên bang gồm 26 bang theo 3 cấp: chính quyền liên bang, chính quyền bang (canton) và chính quyền xã. Cấp hành chính thấp nhất ở Thụy Sĩ là các hạt. Trong 26 bang thì chỉ có 16 bang có cấp hành chính quận. Vài hạt có thể tập hợp thành một vùng, tuy nhiên đây không phải là một cấp hành chính. Ngôn ngữ: Tiếng Đức 65%, Pháp 18%, Ý 10%, và các ngôn ngữ khác 7%.

Thụy sĩ có nhiều thành phố nổi tiếng, một số ghi tên ở đây như Basel, Bern, Geneva, Lausanne, Lucerne, Zurich... Phần bài viết này nói về địa danh Lucerne.

Lucerne

Luzern (viết theo tiếng Đức) hay Lucerne (viết theo tiếng Pháp, Anh) một thành phố miền trung Thụy sĩ, nằm cách Zurich khoảng 60km về phía nam. Lucerne nằm trên cao độ 436m (1, 430ft) và là thủ phủ của bang có cùng tên. Dân số cỡ 60, 000. Thành phố nằm ở đầu tây bắc của hồ Lucerne, nơi sông Reuss chảy ra khỏi hồ. Reuss là một con sông với chiều dài gần 100 miles, và là sông lớn thứ tư ở Thụy Sỹ (sau Rhine, AAR và Rhone).

Lucerne được coi như là trung tâm kinh tế và văn hóa của miền trung Thụy Sĩ. Nền kinh tế của Lucerne dựa vào du lịch và thương mại. Người ta ví Lucerne là Thụy Sĩ thu nhỏ vì ở đây có hồ, có núi, người dân nói cả 4 ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ (Đức, Pháp, ý và Romansh) mặc dù tiếng Đức là ngôn ngữ chính, và có nhiều kiến trúc cổ và nhiều viện bảo tàng.

Hồ Lucerne: Những con thuyền nhỏ lượn lờ quanh hồ, những chú thiên nga bơi lội, những chùm nắng cuối cùng của một ngày nhuộm vàng những căn nhà cổ kính ven hồ: Ôi nên thơ làm sao! Bản nhạc Sonata của Beethoven được đặt tên là Moonlight Sonata khi một nhà phê bình âm nhạc so sánh với ánh trăng trên hồ Lucerne thì quả không sai chút nào vì hồ Lucerne đẹp quá.

Bản Sonata quasi una Fantasia của Ludwig van Beethoven (1770-1827) viết cho đàn dương cầm số 14 op ở cung Do thứ cũng được gọi là Bản Sonata Ánh trăng. Ludwig van Beethoven viết bản sonata này dành cho cô học trò dương cầm 17 tuổi của ông Gräfin Giulietta Guicciardi vào năm 1801. Năm năm sau khi ông mất (1827) thì bản sonata được nhà phê bình âm nhạc Ludwig Rellstab miêu tả và so sánh khúc đầu tiên của bản nhạc với ánh trăng sáng trên hồ Lucerne nên đặt cho tên Moonlight Sonata vào năm 1832. Bản nhạc có thể nghe khúc đầu tại link:

https://www.youtube.com/watch? v=nT7_IZPHHb0

Cầu Chapel hay "Chapel Bridge" (trong tiếng Đức Kapellbrücke) là cây cầu dài 204 m (670 ft) qua sông Reuss ở thành phố Lucerne ở Thụy Sĩ. Đây là cây cầu bằng gỗ cổ nhất ở Châu Âu. Có thể nói chiếc cầu gỗ Chapel cùng tháp nước hình bát giác bắc qua sông Reuss ở đoạn cuối hồ Lucerne là một địa điểm kiến trúc đặc biệt của thành phố này, nó là một đường cầu hoa có hoa phong lữ (geranium) đỏ tươi và thu hải đường (begonia) hồng đậm trong chậu đặt ở hai bên thành ngoài của cầu, đặc biệt lại có những tác phẩm hội họa gắn trên khung dàn mái che hình tam giác của lối đi trên cầu.

Cây cầu được xây dựng năm 1333, với mục đích để giúp bảo vệ thành phố và được đặt tên là Cầu Nhà nguyện theo Nhà nguyện của St. Peter gần đó. Bên trong cầu là một loạt các bức tranh gắn lên từ thế kỷ 17, miêu tả sự kiện từ lịch sử của Lucerne và các truyền thuyết về 2 vị thánh bảo trợ của thành phố là St. Leodegar và St. Mauritius. Nhiều phần của cây cầu, và phần lớn các bức tranh, đã bị phá hủy trong một vụ cháy năm 1993, hiện chỉ còn lại 35 bức nguyên vẹn. Năm 1994, thành phố đã dùng hơn 2 triệu USD để xây dựng lại chiếc cầu và tu bồi các bức tranh cổ, một số tranh đã được thay thế hoặc sao chép vì không thể phục hồi được. Trong những tấm họa còn lại có tấm tranh miêu tả William Tell bắn trái táo đặt trên đầu con trai. William Tell là một người bắn cung rất giỏi ở đầu thế kỷ thứ 14 tại Thụy sĩ. Vì không chịu chào cái mũ của Thị trưởng người Áo Gessler cắm trên một cây cọc nên Tell bị Gessler bắt giữ và ra lệnh phải bắn một trái táo đặt trên đầu con trai của Tell.

Tiếp giáp cầu ở gần khoảng giữa là Wasserturm (Water Tower) cao 110 feet (34 m), một tháp bằng đá và gạch hình bát giác xây vào cỡ năm 1300, được dùng như là một nhà tù, buồng tra tấn, tháp canh và kho chứa kim quý. Ngày nay, tháp là một phần của bức tường thành phố, được sử dụng như Sảnh đường hội họp của Tòa thị chính. Tháp và cầu Chapel là biểu tượng của Lucerne.

Hình chụp từ phía bên phải trước khi lên cầu, đường cầu, tranh họa trên trần cầu và sau khi ra khỏi cầu lại đi vòng xuôi một cây cầu khác đi ngang nhà thờ Jesuit và những quán ăn, quán cà phê dọc theo bờ hồ rồi trở lại phía đầu cầu.

Nhà thờ Jesuit nằm gần và nhìn ra cầu Chapel bên sông Reuss là nhà thờ Baroque lớn đầu tiên được xây dựng ở Thụy Sĩ vào năm 1666 bởi Cha Christoph Vogler với hai ngọn tháp hình củ hành. Ngày nay nhà thờ Jesuit là nơi thường tổ chức những buổi hòa nhạc.

Đặc biệt trên hồ Lucerne có rất nhiều thiên nga bơi lội. Người địa phương nói thiên nga có từ thế kỷ thứ 17 là do vua Louis XIV đã tặng Thụy sĩ để tỏ lòng biết ơn những vệ binh Thụy sĩ đã bảo vệ hoàng gia.

Tượng đài Sư tử đá

Một địa điểm khác của Lucerne không thể không đến thăm là Tượng đài Sư tử khắc vào núi. Tượng đài này nằm trên một ngọn núi nhỏ bên cạnh một công viên ở phía đông bắc của Lucerne. Tượng đài nằm trong vách đá nhìn xuống một hồ nước nhỏ, chung quanh có nhiều cây to cổ và bên bờ hồ có trồng nhiều hoa.

Tượng Sư tử đá ở Lucerne là một tượng đài điêu khắc sâu vào một tường thành bằng đá một Sư tử đang nằm chết ngay bên một bờ hồ của một ngọn núi nhỏ. Đây là một tượng đài để kỷ niệm những người lính đánh muớn Thụy sĩ đã phục vụ và chết khi bảo vệ vua Louis XIV của Pháp trong thời Cách Mạng Pháp. Năm 1792. Khi nhóm Cách Mạng tấn công vào điện Tuileries ngày 10 tháng 8 năm 1792, thì nhóm lính Thụy sĩ đã hết lòng hết sức để bảo vệ hoàng gia và bảo đảm hoang gia trốn thoát được mà không hề biết rằng nhà vua và gia đình đã ra khỏi điện Tuileries rồi. Khi cạn hết dự trữ vũ khí đạn duợc thì nhóm lính Thụy sĩ bị giết chết.

Phía bên trên tượng đá Sư Tử có khắc một hàng chữ lớn: HELVETIORUM FIDEI AC VIRTUTI có nghĩa: “Để tưởng nhớ lòng trung thành và dũng cảm của những người Thụy Sĩ”.

Phía dưới hốc tượng Sư tử có khắc tên hai mươi sáu sĩ quan Thụy sĩ đã chết ngày 10 tháng 8 và mùng 2-3 tháng 9 năm 1792, và số lính Thụy sĩ đã chết (DCCLX = 760) và số còn sống sót (CCCL = 350).

Có thể nói Tượng đài Sư tử được thành lập là do công sức của một sĩ quan Thụy sĩ tên Carl Pfyffer von Altishofen, thuộc giòng dõi của một gia đình có tên tuổi của Thụy sĩ. Năm 1792, Pfyffer đang nghỉ phép trong thời kỳ nhóm lính Thụy Sĩ đang chiến đấu tại điện Tuileries. Hai mươi ba năm sau đó, sau thời kỳ cách mạng chấm dứt vào năm 1815, và nước Pháp cũng như Thụy sĩ đã trở về với chánh thể bảo thủ, Pfyffer đã nhất quyết phải làm một tượng đài để kỷ niệm những người lính đánh mướn xấu số này. Dự án ban đầu gặp sự phản đối của nhóm cấp tiến trước đó đã phản đối việc gửi lính đánh mướn đi các nơi. Mặc dù có sự phản đối này nhưng Pfyffer đã được sự ủng hộ của đa số dân Thụy sĩ nên dự án đuợc chấp thuận. Bắt đầu từ năm1818, Pfyffer đã cổ động việc đóng góp tiền để thực hiện đồ án.

Tượng đài kỷ niệm Sư tử được nhà điêu khắc Đan Mạch Bertel Thorvaldsen (1770-1884) thiết kế vào năm 1819 trong khi ông đang ở Rome, Italy. Và Lucas Ahorn, một người thợ đá- hồ vùng nam nước Đức đã thực hiện việc khắc đá vào năm 1820-1821. Tượng điêu khắc hoàn tất được khánh thành ngày 10 tháng 8 năm 1821. Điêu khắc lớn này cao chừng 6 m (hơn 19 ft), dài cỡ 10 m (hơn 32 ft). Khởi đầu khu tượng Sư Tử đá này thuộc bất động sản tư nhân của tướng Pfyffer, nhưng hơn 60 năm sau đó đã được chính quyền mua lại. Hiện nay nơi này đuợc mở cửa tự do với giờ giấc loan báo tại cổng, không mất tiền vào chiêm ngưỡng.

Bước qua cánh cửa quét vôi trắng, chúng ta thấy lòng tự nhiên trùng xuống, trước mặt đây là một bức vách thiên nhiên bằng đá, trên vách khắc sâu vào lòng đá là tượng một sư tử trong thế nằm rất quý phái mắt nhắm nghiền, trên lưng có một cây giáo đã gẫy đâm sâu vào thân, có máu thấm trên lông, một chân như bảo hộ che chở đặt lên trên tấm khiên có biểu tượng nước Pháp/hoàng gia Pháp với hoa bách hợp (Fleur- de-lis), phía đầu có một khiên mang hình chữ thập dựng vào vách đá tượng trưng cho quốc gia Thụy sĩ.. Tuy nằm sắp chết nhưng sư tử vẫn oai phong, đau đớn nhưng vẫn chứa hào khí, không một chút rúm ró hay thảm hại...

Cảm xúc, bồi hồi đến một cách tự nhiên trong tâm người viết, hào khí thay, đẹp làm sao: giữa vách núi sừng sững, hồ nước lăn tăn chút sóng nhỏ, gió nhẹ lay động những cành cây lòa xòa bên bờ hồ, những chùm hoa hồng, hoa trắng ven bờ: tất cả như tôn vinh cái chết hào hùng của chúa sơn lâm, không có nơi nào thích hợp hơn! Mủi lòng đến nhỏ lệ, ồ tại sao cảnh có thể rung động lòng người đến thế!



Ngàn Thu Sư Tử Đá

Sư tử nằm trong ổ đá cao

Bên hồ tĩnh mịch gợi nao nao

Ngả thân quý phái sầu bi đọng

Giáo gẫy xuyên lưng thống khổ trào

Chân đặt trên khiên Pháp biểu hiệu

Đầu kề Thụy sĩ giáo thanh cao

Xa ngoài náo nhiệt cùng nhầm lẫn

Một cõi oai phong đẹp biết bao

Đàm Giang

Trước khi kết thúc bài viết tưởng cũng nên ghi lại vài điểm quanh tượng đá Sư tử này.

*. Về những bàn luận quanh cái khung (ổ) của tượng đài Sư tử đá.

Nếu nhìn tổng quát cái khuôn chung quanh của tượng thì chúng ta thấy giống hình dạng một chú heo rừng (hog) với mũi nhọn hướng về phía bên trái khi nhìn vào vách tượng và tai heo rừng vểnh lên thấy rõ. Nhưng sự kiện này có chủ ý không và tại sao? Điều này thì hoàn toàn không ai biết rõ ngoại trừ những người thực hiện đồ án vào năm 1819-1821.

Ít nhất thì cũng có hai giả thuyết về cái ổ có hình dạng giống con heo rừng của tượng sư tử đá này.

Có người cho rằng khi đồ án còn đang tiến triển, người đương quyền cho đồ án Tượng Sư tử đã không trả điêu khắc gia đúng số tiền mà hợp đồng đã đề ra, điều đã làm ông Thorvaldsen bất mãn. Với lòng tự trọng và tôn trọng công trình mỹ thuật cùng cảm tình với những người lính Thụy sĩ nên ông đã không làm xấu tượng điêu khắc mà cố tình đặt tượng vào lòng một khuôn hình dạng chú heo, một nhạo báng để đời cho chính quyền đương thời Thụy sĩ?

Có người lại cho rằng ông Thorvaldsen cố ý đặt tượng Sư tử vào khuôn con heo để tỏ lòng ác cảm với nền quân chủ Pháp đã dùng lính Thụy sĩ đánh thuê một cách bất cẩn, làm thiệt mạng hơn sáu trăm người lính Thụy sĩ một cách vô ích.

Ông Thorvaldsen có phải là nhà điêu khắc hời hợt coi trọng đồng tiền không? Tìm hiểu sơ về Thorvaldsen trên wiki thì chúng ta biết Điêu khắc gia người Đan Mạch này là một điêu khắc gia rất nổi tiếng, vào thời điểm 1819 ông vừa hoàn tất tượng Nilolas Copernicus tại Warsaw, Poland, và năm 1822 ông đang trong dự án hoàn tất tượng Đức Giáo Hoàng Pius VII, ông là người duy nhất theo đạo Tin Lành và không phải là người gốc Ý nhưng được lãnh rất nhiều đồ án tại Ý và khắp nơi. Như thế có lẽ nào vì trọng đồng tiền mà ông làm tổn hại đến danh tiếng của mình?

Hoặc giả do một sự tình cờ mà khuôn đá khắc do ảnh hưởng của thớ đá lại mang hình dạng một chú heo rừng chăng?

*-Mark Twain (1835-1910) trong cuốn A Tramp Abroad. 1888 đã viết về Tượng đài Sư Tử đá, cảm tưởng của ông với nơi này và viết rằng nơi đây là một nơi buồn bã nhất và là một tác phẩm bằng đá cảm động nhất trên thế giới.

*- Thomas M. Brady (1849-1907) đã sao chép hình tượng sư tử đá này cho một Đài sư tử, khánh thành năm 1894, ở nghĩa trang lịch sử Oakland, Atlanta, Georgia, USA, để vinh danh những người lính Liên minh (Confederate) vô danh đã được chôn tại nghĩa trang này. Tượng làm bằng đá cẩm thạch Georgia.



Sóng Việt Đàm Giang

Kỷ niệm một chuyến thăm viếng Lucerne

Tháng Tám năm 2012.

Ghi chú. Tài liệucho bài viết thu thập tại nhiều trang nhà khác nhau trên internet và Wikipedia




Được sửa bởi MAI THO ngày Wed Jan 04, 2017 11:42 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Sun Feb 23, 2014 9:11 am    Tiêu đề: Ngàn Thu Sư Tử Đá ~ Thanh Thản


Ngàn Thu Sư Tử Đá


Ngàn Thu Sư Tử Đá

Sư tử nằm trong ổ đá cao

Bên hồ tĩnh mịch gợi nao nao

Ngả thân quý phái sầu bi đọng

Giáo gẫy xuyên lưng thống khổ trào

Chân đặt trên khiên Pháp biểu hiệu

Đầu kề Thụy sĩ giáo thanh cao

Xa ngoài náo nhiệt cùng nhầm lẫn

Một cõi oai phong đẹp biết bao

Đàm Giang


Thanh Thản

(Bài Họa "Ngàn Thu Sư Tử Đá")

Buông mình chúa tể nét thanh cao

Vách đá, hồ xanh một chốn nao

Dáo gẫy xuyên lưng không nhíu mặt

Máu loang thân thể vết tuôn trào

Tay ôm bách hợp hồn vương vấn

Đầu hướng quê nhà mặt cất cao

Thầm trách dùng quân không hợp cách

Hang trư an nghỉ dáng hình bao!

Lộc Bắc

Fev2014


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Wed Jan 04, 2017 11:44 am    Tiêu đề: Tâm Tư


Tâm Tư 1


Tâm Tư 1

Nắng chiều lấp lánh giỡn vòm cây

In bóng hoàng hôn sông nước vầy

Cỏ biếc lao xao đùa với gió

Hoa tươi yểu điệu thẹn cùng mây

Ong vàng xục xạo nhụy tìm đáp

Lẩn quẩn chuồn xanh nhàn nhã bay

Ai có hay chăng tâm một nỗi

Song hành đứt đoạn dạ còn ngây

January 04, 2017

Đàm Giang

Ngắm Cảnh Nhớ Người

Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây,

Hoàng hôn dần xuống nước mây bồi hồi.

Xa xa có chiếc thuyền trôi,

Hồ xanh ánh chiếu núi đồi thênh thang.

Bướm ong bay lượn rừng hoang,

Cành hoa tươi thắm xuân sang thẹn thùng.

Ngắm cảnh đẹp luống ngại ngùng,

Tần ngần nhớ bạn tình chung năm nào.

Cuộc đời kẻ trước người sau,

Trăm năm rồi cũng nát mầu cỏ hoa.

Thời gian thỏ lặn ác tà...

HHD


Bài họa cảnh TÂM TƯ

Nước xanh lặng như tờ ,

Núi xa mù sương khói ,

Thu sang lá chuyển vàng ,

Ẩn hiện lầu "Ngân Bích" ,

Hoa đào điểm ngọn cây ,

Có ai ngồi mong nhớ ?

Có buồn nào chiều nay ?

Cho hồn bay theo gió ,

Cho tình trôi theo mây...

Đ.Trần 03/01/17

(Lầu "Ngân Bích" trong chuyện Kiều)


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Fri Jan 06, 2017 12:26 am    Tiêu đề: NGẮM CẢNH NHỚ QUÊ


TÂM TƯ

NAG "Đàm Giang"


NGẮM CẢNH NHỚ QUÊ

Nắng dần loang màu tím

Cảnh chiều trên đồi vắng

Rộn ràng cánh hoa xinh

Ong vờn bay theo gió

Bướm lượn tìm hương hoa

Cỏ non xanh màu biếc

Muôn màu vàng xanh tím

Bức họa miền sông núi

Quê hương vẫn còn đó

Mà sao xa vời vợi..

Hồn ta thêm khắc khoải

Nhớ mãi cảnh quê nhà!

Bao la miền sông nước

Một vùng trời bao la..

Chạnh nhớ đến quê nhà

Phan Chi

(Janvier 2017)

Ý kiến đọc giả :

Cám ơn quý anh chị cho đọc thơ, phục lắm, nên cứ tiếp tục im lặng, đọc thơ mà mê luôn, các anh chị cứ sáng tác tiếp tục để cho hậu bối như em đưọc học hỏi nhé.

Đa tạ

Hthúy

*(Trích email ngày 5/1/2017)


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Fri Jan 06, 2017 9:46 am    Tiêu đề: HOA NGỌC LAN - Sóng Việt Đàm Giang


HOA NGỌC LAN
Sóng Việt Đàm Giang


Vịnh Ngọc Lan Hoa_Phan Bội Châu

Cụ Phan Bội Châu làm bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú mang tên: “Vịnh Ngọc Lan Hoa” tặng cho Hòa thượng Tịnh Khiết chùa Tường Vân với lời ghi phụ: “Trình cao Tăng Quốc sĩ Tường Vân Tịnh Khiết”. Dưới đây là nguyên tác bài thơ và vài bản phỏng dịch của người viết và một số thi hữu.

Phan Bội Châu

Vịnh Hoa Ngọc Lan

前身種出自蓬萊 Tiền Thân Chủng xuất Tự bồng lai

移向菩提院裏栽 Di hướng bồ đề viện lý tài

素蕊光爭冬夜雪 Tố nhị quang tranh đông dạ tuyết

其芳品奪嶺頭梅 Kỳ phương phẩm đoạt lĩnh đầu mai

香真王者天垂賟 Hương chân vương giả thiên thùy thưởng

莊比嫦娥月暗猜 Trang bỉ thường nga nguyệt ám sai

惟佛重來能識佛 Duy phật trọng lai năng thức phật

慇勤惠我此花魁 Ân cần huệ ngã thử hoa khôi

Cái giống của kiếp trước từ chốn Bồng Lai,

Đem xuống trồng trong viện Bồ đề.

Ánh sáng của nhụy trắng cạnh tranh với tuyết đêm đông,

Phẩm thơm của nó lấn mùi thơm của cây mai đầu núi.

Mùi hương thật vương giả được trời thưởng cho,

Nét trang trọng tựa Thường Nga làm trăng ngầm ngờ vực.

Chỉ Phật tái lai mới nhận ra Phật,

Ân cần ban tặng cho ta cái hoa đẹp hàng đầu này

Trần Văn Lương diễn nghĩa

Hoa Ngọc Lan

Kiếp xưa nguyên giống từ Bồng lai

Chuyển xuống trồng bên chướng Phật đài

Nhụy trắng đêm đông hơn tuyết sáng

Phẩm thơm đầu núi át mùi mai

Hương thơm vương giả trời ban thưởng

Đẹp tựa Thường Nga nguyệt tị nài

Chỉ Phật tái lai mới rõ Phật

Chu cần ban tặng diễm hoa này

Sóng Việt phỏng dịch


Bấm vào để xem hình lớn hơn

SVĐG TRONG ÁO DÀI VÀNG


Vịnh Hoa Ngọc Lan

Tiền kiếp bồng lai thật chốn quê

Xuống trần bén rễ viện bồ đề

Đêm đông nhụy trắng hơn hoa tuyết

Đầu núi danh mai kém tiếng khoe

Vương giả hương thơm trời rủ thưởng

Nết Hằng so sánh nguyệt còn nghi

Lại qua chỉ Phật am tường Phật

Ơn lão - chúa hoa thỏa cận kề

Lộc Bắc

Hoa Ngọc Lan

Tiền thân ngày trước chốn bồng lai

Chuyển Viện Bồ Đề trồng đến nay.

Tuyết trắng đêm đông thua nhụy sáng

Mai vàng đầu núi kém hương khai.

Trời xanh sủng ái mùi vương giả

Nguyệt khuất tự ti nét cát đài.

Duy Phật nhận ra căn ngộ Phật

Cơ duyên diện kiến tuyệt hoa này.

Tịnh Phan

Vịnh Hoa Ngọc Lan

Thong dong kiếp trước giữa non Bồng,

Nay bứng về trồng chốn cửa Không.

Hương vượt cành mai thơm đỉnh núi,

Sắc tranh ánh tuyết lạnh đêm đông.

Chút mùi vương giả, trời ưng ý,

Ngàn nét đoan trang, nguyệt chạnh lòng.

Ngoài Phật tái sinh, ai biết Phật,

Thầy thương ban tặng chúa loài bông.

Trần Văn Lương phỏng dịch


Vài điển tích Trung Quốc trong bài nhạc Ngọc Lan
của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Sóng Việt sưu tầm và biên soạn

Lời mở đầu

Sau khi bài viết Mối Tình Học Trò của tác giả Nam Minh Bách nói về nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và nguyên do sự ra đời của bản nhạc Ngọc Lan của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước thì có một số thư trên các diễn đàn bàn về ý nghĩa lời bản nhạc (***Mối Tình Học Trò sẽ Đăng vào ngày 25/11/2014*** - Nhớ đón xem). Mục đích của bài viết ngắn này không bàn về lý do hay nội dung tuyệt diệu của bài nhạc mà chỉ bàn về ý nghĩa và xuất xứ của một vài điển tích mà Nhạc sĩ Duơng Thiệu Tước đã nhắc đến trong bài.

Những câu thơ Kiều trích dẫn trong cuốn Nguyễn Du, Tác Phẩm và Lịch sử văn bản của Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính. Những dị bản của tác giả khác được đính kèm nếu có.

Ngọc Lan

Ngọc Lan, dòng suối tơ vương,

mắt thu hồ dịu ánh vàng

Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng nghiêng,

tà mây cánh phong, nắng thơm ngoài song

Nét thắm tô bóng chiều, giấc xuân yêu kiều, nền gấm cô liêu

Gió rung mờ suối biếc, ý thơ phiêu diêu

Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng (1)

Dáng tiên nga, giấc mơ nghê thường lỡ làng

Ngọc Lan, trầm ngát thu hương,

bờ xanh bóng dương, phút giây chìm sương

Bông hoa đời ngàn xưa tới nay

Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây

Cho tơ trùng đàn hờ phím loan (2)

Thê lương mây nước, sắt se cung đàn

Ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong sương thắm

Nhớ phút khuê ly, hồn mê tuyết hoa Ngọc Lan (3)

Mờ mờ trong mây khói, men nồng u ấp,

duyên hững hờ dần dần vương theo gió

Tơ lòng dâng bao cùng thương nhớ...

Xin đuợc bàn về điển tích ba chữ mạch tương, phím loan và phút khuê ly

1-Mạch tương

Mạch tương, nước mắt.

Đây là một điển cổ, xuất phát từ truyện hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh khóc vua Thuấn. Tục truyền rằng vua Thuấn tuần thú phương Nam, bị mất ở đất Thương Ngô, là một quận của tỉnh Quảng Tây về sau. Hai bà vợ là hai chị em ruột cùng khóc chồng đến chảy máu mắt trên bến Tiêu Tương. Người đời sau có lập đền thờ hai bà tại Đông Tương và kể rằng giọt lệ hai bà rỏ trên bờ trúc ven sông làm trúc nổi vân thật đẹp. Từ đó về sau, trúc mọc trên bờ Tiêu Tương nổi tiếng có vân quý và nước mắt đàn bà mới gọi là mạch tương. (1)

Truyện Kiều có câu:

"Vâng lời khuyên giải thấp cao

Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương".

(Câu 237, 238. Kiều sau giấc mơ thấy Đạm Tiên)

Là danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong hội họa và thi ca Trung Hoa, Tiêu Tương thực ra là khúc hai con sông Tiêu và Tương hợp nhất, thuộc tỉnh Hồ Nam. Sông Tương phát nguồn từ Dương hải sơn ở tỉnh Quảng Tây, chảy ngược lên Hồ Nam qua huyện Trường Sa và rót vào Động Đình Hồ. Vì trúc Tiêu Tương có vân đẹp nên thợ khéo tỉnh Hồ Nam hay đến sông này mua về làm mành. Và cũng vì xuất xứ bi thảm của sông Tương, chữ mành tương là chỉ tấm màn cách trở tình yêu, và sông Tương chỉ sự chia ly, nhung nhớ.

“Mành Tương phất phất gió đàn

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình."

(Câu 255, 256. Kim Trọng tương tư Kiều)

Sông Tương còn là điển tích từ mối tình buồn giữa Lương Ý Nương và người anh con cô con cậu là Lý Sinh, thời nhà Chu, đời Ngũ Quý. Mối tình vụng trộm của họ bị phát giác và ngăn cản, Ý Nương bị nhà đẩy xuống phía Nam sông Tương, Lý Sinh ở mạn Bắc. Lương Ý Nương hớp từng hụm nước sông mà nhớ đến người tình trên đầu nguồn, và làm bài thơ nói về sông Tương dù sâu cũng còn có đáy chứ nỗi nhớ nhung của nàng thì bất tận.

Một nguồn khác giải thích bài thơ Trường Tương Tư như dưới đây.

Trong "Tình sử" có chép như sau: vào triều nhà Chu đời Ngũ Quý (Ngũ Đại), có người con gái của Lương Tiêu Hồ 梁瀟湖 tên Ý Nương 意娘, cùng với Lý Sinh 李生 là họ hàng con cô con cậu. Lý Sinh thường qua lại rất nhiều. Nhân ngày trung thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, lưu luyến không rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp ngày trời thu, Ý Nương viết bài thơ Trường Tương Tư gồm 7 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu. (2)

Trích dẫn hai đoạn 4 và 5 như sau:

長相思

人道湘江深

未抵相思畔

江深終有底

相思無邊岸

我在湘江頭

君在湘江尾

相思不相見

同飲湘江水

Trường Tương Tư

Nhân đạo Tương Giang thâm,

Vị để tương tư bạn.

Giang thâm chung hữu để;

Tương tư vô biên ngạn.

Ngã tại Tương Giang đầu,

Quân tại Tương Giang vĩ.

Tương tư bất tương kiến,

Đồng ẩm Tương Giang thủỵ

Nhớ nhau hoài

Người bảo sông Tương sâu

Tương tư sâu gấp bội

Sông sâu còn có đáy

Tương tư chẳng bến bờ

Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

Nhớ nhau không gặp mặt

Cùng uống nước sông Tương

Trích bản dịch Vũ Ngọc Khánh (2)

Bản Trường Tương Tư cũng có nhiều dị bản, nhưng chỉ nêu ra ở đây hai câu.

Bản chữ Hán và Hán Việt cho thấy nàng (chữ ngã) ở đầu sông Tương, và chàng (chữ quân) ở cuối sông Tương, nhưng hầu hết bản Việt ngữ đều dịch là chàng ở đầu sông Tương, nàng ở cuối sông Tương, lý do không bàn luận ở đây mà trong một bài viết khác.

Người viết nghĩ rằng căn cứ vào câu cả hai đều uống nước sông Tương là khá toàn ý.

Cũng như trong câu 365-366 của truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết đầu nọ, cuối kia để chỉ xa cách mà không nói rõ ràng ai ở đầu nào, ai ở cuối kia:

"Sông Tương một dải nông sờ

Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia."

(Câu 365, 366. Tâm trạng Kim, Kiều)

2- Phím loan.

Ngoài câu 253, 254 trong Kiều

“Buồn văn hơi giá như đồng

Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan,”

(254: Trúc xe ngòi thỏ, tơ trùng phím loan/Kiều Oánh Mậu)

trong Kiều còn (câu 725-726) có câu:

“Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”

(726: Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em/Bùi Kỷ)

Ý nghĩa của chữ phím loan, giao loan

(Nói chung, trên internet có nhiều văn bản giải thích như dưới đây. Ví vấn đề an toàn và để tránh nguy cơ bị nhiễm virus, link trích dẫn không được đính kèm. Nếu muốn tìm hiểu thêm chỉ cần đánh mấy chữ từ khóa chính).

Chữ loan trong phím loan xuất xứ từ chim loan mà ra.

Loan trong phím loan bắt nguồi từ chữ loan giao = Keo chế từ máu chim loan, tương truyền nối được dây cung đứt.

Theo Bác Vật Chí: Thời Hán Vũ đế, nước Tây Hải có người đem dâng 5 lạng cao. Vua cho đem cất vào kho, còn thừa nửa lạng sứ thần nước Tây Hải mang theo người. Sứ thần theo Vũ đế đi săn bắn ở cung Cam Tuyền. Dây cung vua đứt, các quan định thay, sứ thần Tây Hải xin lấy keo loan nối lại. Nối xong, vua sai lực sĩ kéo mỗi người một đầu dây nhưng vẫn không việc gì. Sứ thần Tây Hải nói cung có thể bắn suốt ngày mà dây không đứt. Vua lấy làm lạ lắm, nhân đó đặt tên là "Tục huyền giao" (Keo nối dây cung).

"Keo loan" hay chữ "loan giao" là một thứ keo chế bằng máu chim loan (phượng máu).

Sách "Hán Võ ngoại truyện" có chép: đời nhà Hán, triều Hán Vũ/Võ Ðế (140- 87 trước C.N.), dây cung đem ra căng bắn thường bị đứt. Bấy giờ miền Tây Hải có đem sang cống một thứ keo chế bằng máu chim loan gọi là loan giao, có tác dụng nối chắc dây lại. Nhờ đó mà bắn được suốt ngày. Võ Ðế mừng lắm, đặt tên thứ keo đó là "Tục huyền giao" tức là keo nối dây cung.

"Hán thư" cũng có chép chuyện.

Vua Võ Ðế truyền phu nhân Câu Pha đánh đàn. Nàng vặn trục so dây, tiếng đàn trỗi lên lảnh lót... Nhưng giữa chừng dây bỗng đứt. Nàng khóc, nói:

- Giữa lúc đàn đương ngon tiếng mà dây đứt ắt điềm gở

Nhà vua an ủi:

- Dây đứt nhưng có thể nối lại được, có gì mà gở.

Ðoạn sai người lấy keo loan chắp lại.

Lời bàn: Nếu keo loan hay cao chim loan là cao do nấu với xương cốt của chim loan mà thành (chứ không phải máu loan) thì có lẽ có ý nghĩa hơn là máu chim loan, vì nếu ai có dịp sờ chất cao thì thấy luôn luôn có chất dính làm dính tay. Nhưng nếu coi chim loan là một loài chim trong chuyện thần kỳ thì sự giải thích có tính cách khoa học không cần thiết (Sóng Việt).

Cao là gì? Cao là chất liệu cô đặc của xương cốt thí du như cao ban long, cao hổ cốt.

Cách nấu cao: Nấu cao tức là nấu vật liệu sau khi tẩy khử những tạp chất (như thịt, mỡ, tuỷ bám vào xương) bằng lửa cao vừa phải trong nhiều thời gian để tinh túy tan ra, mức nước sôi cạn thì phải canh chừng châm vào. Nấu cao bằng vạc hay chảo đụng lớn. Nước cốt được múc ra thành nhiều đợt, từ đậm rồi lạt từ từ để cuối cùng cô những mẫu nước cốt lại thành cao đặc. Đợt Nước cốt này được múc ra thì lại được châm nước sôi mới vào làm đợt khác. Giai đoạn cô cao phải canh chừng lửa vừa phải kẻo bị cháy nồi hỏng toàn mẻ cao. Ngày xưa, không có đồng hồ thì phải đốt nhang mà tính thời gian. Đại khái thì nấu cao hổ cốt, ban long, qui bản là như vậy. Ngày xưa, không có giấy bóng, người ta dùng lá chuối khô để gói sau khi cắt miếng rồi cân lượng, ghi nhãn bằng một vuông giấy hồng điều. (theo tài liệu trên internet)

Về thành phần hoá chất, những khảo sát thực nghiệm về cao hổ cốt cho biết cao hổ cốt chứa các chất sau: collagen, mỡ, calcium phosphate, calcium carbonate, magnesium phosphate, kalium carbonate - nhưng collagen là hoạt chất chính. Gelatin của Hổ cốt chứa 17 amino-acid. (theo tài liệu trên internet)

Vậy chất keo loan hay cao loan có lẽ chế bằng xương cốt mà không phải là máu chim loan (?) và đặc tính dính của keo loan do collagen mà thành (chính người viết ngày còn nhỏ rất nhỏ đã nhìn những miếng cao mầu nâu đậm xắt hình chữ nhật của bà nội).

Trong Chinh Phụ Ngâm bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm có câu

“Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.” (câu 207)

Sợ làm đứt dây uyên ương (dây uyên kinh đứt) vì có thể báo hiệu điều không may của tình cảm đôi lứa; sợ cây đàn chùng dây (phím loan ngại chùng) gợi lên điều không may mắn của lứa đôi đang xa nhau.

Sự tích keo loan hay giao loan là như thế.

3- Khuê ly

Hai chữ khuê ly đã được nhắc đến trong Tác phẩm Chinh phụ ngâm (征婦吟, khúc ngâm của người chinh phụ), hay Chinh phụ ngâm khúc (征婦吟曲). Đây là tác phẩm của Đặng Trần Côn (cỡ năm 1741). Tác phẩm này đuợc bà Đoàn Thị Điểm và về sau có thêm tác giả khác dịch ra thơ Nôm.

Trích bản chữ Hán của Đặng Trần Côn:

不 勝 憔 悴 形 骸 軟

始 覺 睽 離 滋 味 酸

滋 味 酸 兮 酸 更 辛

酸 辛 端 的 為 良 人

為 良 人 兮 雙 妾 淚

為 良 人 兮 隻 妾 身

Bất thăng tiều tụy hình hài nhuyễn

Thủy giác khuê ly tư vị toan

Tư vị toan hề toan cánh tân

Toan tân đoan đích vị lương nhân

Vị lương nhân hề song thiếp lệ

Vị lương nhân hề chích thiếp thân

(Chinh Phụ Ngâm/Đặng Trần Côn) (3)

Chữ Khuê ly ở câu 252/412 trong bản chữ Nôm của bà Đoàn Thị Điểm (3)

Võ vàng đổi khác dung nhan,

Khuê ly mới biết tân toan dường này.252

Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ,

Chua cay này, há có vì ai?

Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi,

Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề.

睽 Khuê: ngang trái; 離 Ly: lìa tan chia rẽ; 辛 Tân: cay đắng, nhọc nhằn

酸 Toan: đau xót, chua xót, mủi lòng (4)

Có chia lìa ngang trái thì mới biết đau xót chua cay đắng đến mực nào.

Và trong bản nhạc Ngọc Lan:

Nhớ phút khuê ly, hồn mê tuyết hoa Ngọc Lan: nhớ phút chia lìa ngang trái...

Kết luận

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tài cao, kiến thức rộng, sự phong phú tư tưởng cùng dùng nhiều điển tích trong bài nhạc Ngọc Lan làm người viết những hàng chữ này đã nghĩ phải chăng ông thấu triệt điển tích và mang vào bài nhạc do am tường văn chương chữ Hán mà không nhất thiết dựa theo điển tích đã dùng trong những tác phẩm trước đó? Và độc giả do quen thuộc với những tác phẩm văn học như truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm nên đã có ngay một sự liên tưởng không tránh được?

Sóng Việt Đàm Giang

05 June 2010

Tài liệu tham khảo

1-Mạch tương. Thuấn. Trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Truy cập May 27, 2010 từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Thu%E1%BA%A5n

2-Trường Tương Tư. Bản Hán ngữ truy cập ngày May 27, 2010 từ http://forum.bkav.com.vn/showthread.php?p=84076

3-Chinh Phụ Ngâm. Trong Hoa Sơn Trang. Truy cập May 27 2010 từ

http://www.hoasontrang.us/vietcothi/index.php?loi=23

3-Từ điển Hán Việt Thiều Chửu. Trong Từ Điển trực tuyến Việt Hán Nôm.

http://sager-pc.cs.nyu.edu/~huesoft/tracuu/viethan.php




NGỌC LAN -Dương Thiệu Tước -Thái Thanh - PPS Hoàng Khai Nhan





Được sửa bởi MAI THO ngày Thu Feb 16, 2023 2:13 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Sat Jan 07, 2017 3:56 am    Tiêu đề: Chị "HẰNG"


TRĂNG THƠ

Chân dung mới nhất của tác giả "ĐÀM GIANG"


Mảnh Trăng Treo

MHT sưu tầm ảnh động


Mảnh Trăng Treo

Vằng vặc một mảnh trăng treo

Như thuyền bán nguyệt bỏ neo giữa trời

Bồng bềnh hờ hững ướm lời

Rủ người trần thế lên chơi cung hằng?

Sóng Việt Đàm Giang


SƠ NGUYỆT

(Thanh Hiên Thi Tập của cụ Nguyễn Du)

Hấp đắc dương quang tái thướng thiên

Sơ tam sơ tứ vị đoàn viên

Thường Nga trang kính vi khai hạp

Tráng sĩ loan cung bất thướng huyền

Thiên lý quan sơn vô cải sắc

Nhất đinh sương lộ cộng sầu miên

Bồi hồi chính ức Hồng Sơn dạ

Khước tại La phù giang thủy biên

TRĂNG NON

Vừa ló dạng hút ánh sáng trời

Mùng ba mùng bốn trăng còn vơi

Nàng Nga gương sáng vừa hé nắp

Cung cong tráng sĩ dây còn lơi

Ngàn dậm quan san không đổi sắc

Đầy sân sương rắc ngủ buồn thêm

Nao lòng nhớ lại đêm Hồng Lĩnh

Sông nước La Phù nay kề bên

Sóng Việt Đàm Giang

Trăng Khuyết

Trăng non đầu tháng trong veo

Hộp son trang điểm nắp treo nửa chừng

Không dây buộc nối tay cung

Sông La thân gởi, núi Hồng mộng mơ!

Lộc Bắc


THUYỀN TRĂNG

Bấm vào để xem hình lớn hơn

THUYỀN TRĂNG

Thuyền trăng neo đó chờ ai

Người mong biết có đoái hoài đến chăng?

Cảm thương sao chiếu dăng dăng

Mây trời xà đến dỗ trăng ân cần

Sóng Việt Đàm Giang


Bấm vào để xem hình lớn hơn

THUYỀN TRĂNG

Thuyền chờ thuyền đợi làm chi

Trăng treo đáy nước tình si còn hoài

Một mai tỉnh giấc mộng dài

Còn đâu trăng nước đâu người đâu ta

Thanh Lam


THUYỀN  TRĂNG


THUYỀN TRĂNG

Một mảnh thuyền trăng lặng lẽ trôi

Gởi mây theo gió đến phương trời

Xa xôi lữ khách còn mê mải

Một mảnh thuyền trăng lặng lẽ trôi...

Bạch Nga

MTL


MỘT MẢNH TRẮNG TREO...

Bấm vào để xem hình lớn hơn

MỘT MẢNH TRẮNG TREO...

(Ca Huế trên sông Hương)

Một mảnh trăng treo một mảnh tình,

Thuyền trăng lờ lửng bóng giai nhân,

Đêm về mộng ảo vờn trên sóng,

Khúc hát tương tư khách đứng nhìn.

Đ Trần Toronto


Trăng ~ Sao

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Trăng ~ Sao

Cảm tình Trăng hỏi thăm Sao

Thưa rằng Sao mãi bến Đoài chờ mong

Thuyền trăng ơi, thả theo dòng

Cho Sao sang được bến Đông thăm người

Trên trời treo mảnh trăng trong

Như chiếc lược bạc chờ mong tóc vàng

Giá mà thấy được tóc vàng

Để cho lược bạc tóc vàng có nhau

Sao Khuê


Trăng & Thuyền

Trăng non lơ lửng chốn đây

Như thuyền bán nguyệt sóng mây chập chùng.

Lên chơi tiên cảnh ung dung

Thuyền - trăng đưa lối mê cung quên về.

Tịnh Phan

TRĂNG THƠ

Một vầng trăng khuyết lạc chơi vơi

Như chiếc thuyền con giữa biển trời

Đánh động làng thơ cùng thức giấc

Dệt nên bao tuyệt cú dâng đời!

Tự Yên

THUYỀN & TRĂNG

Thuyền trăng lơ lững đầu non

Chờ ai như thể chờ mong người tình

Mong sao nào thấy bóng hình

Một trời mây nước chung tình với trăng!!

Phan Chi


Trăng Khuyết

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Trăng Khuyết

Một vừng trăng khuyết lưng trời,

Như cây lược bạc sáng ngời tóc mây.

Tóc ai buông xõa bờ vai,

Cho đời chiêm ngưỡng, cho người nhớ nhung.

HHD


CUỘI


CUỘI

Chú Cuội dưới gốc đa

Vương tôn sống không nhà

Miệng lưỡi như bôi mỡ

Trăng tròn cuối tháng ba

Chị Hằng tin lời hứa

Ba mươi đón trăng già

Đêm tối đen như mực

Trăng trôi bởi trăng ngà!

Lộc Bắc


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Thu Feb 16, 2023 2:03 am    Tiêu đề: Chữ Tâm và Những Thành Ngữ Hán Việt Cố Sự.


Chữ Tâm và Những Thành Ngữ Hán Việt Cố Sự.

Mai Hữu Thọ chọn ảnh minh họa


Chữ Tâm và Những Thành Ngữ Hán Việt Cố Sự.

Sóng Việt Ðàm Giang.

Chữ Tâm có nhiều nghĩa khác nhau. Nghĩa thông thường thì tâm là tim, là lòng dạ, là tình cảm con người, là điểm giữa, là tên một ngôi sao trong Nhị thập bát tú và còn nhiều nghĩa nữa.

Nghĩa tâm lý và đạo đức thì người xưa đã cho rằng tâm là nguồn gốc của mọi sinh hoạt tâm lý nên các tình trạng tư tưởng và tình cảm đều gọi là tâm (tâm tưởng, tâm tính, tâm ý). Ngày nay tâm đã đuợc mở rộng ý nghĩa hơn bao trùm từ tình cảm, tình yêu, đến tâm trí (nhận xét sự vật, suy nghĩ, cảm giác), đến lương tâm (thiện ác chiếu theo quy luật đạo đức, xã hội), và các hiện trạng như tâm lý, tâm trạng, tâm thần, tâm hồn, tâm linh.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chữ tâm được nhắc đến là chữ tâm được viết và biết trong những điển tích cổ, quen thuộc và trở nên những thành ngữ Hán Việt.

Thành ngữ Hán Việt là sự kết hợp của những chữ đã được ổn định, phổ thông, và thịnh hành trong tiếng Trung Hoa và được nhập vào văn hóa Việt Nam, được sử dụng rộng rãi từ lâu. Nó được sử dụng vì nhiều lý do như có người thích nói chữ và thích dùng điển tích cổ, có khi về sự cô đọng ý nghĩa không cần rườm lời mà đủ ý...

Một số thành ngữ Hán Việt cố sự trong bài viết này trích dẫn từ cuốn Từ Điển Hán Việt Thành Ngữ Cố Sự 2014 của tác giả Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, và đã được chính tác giả chấp thuận cho dùng. Một số thành ngữ Hán Việt được sử dụng nguyên bản từ gốc Hán nếu dễ hiểu hoặc phỏng dịch nghĩa cho dễ hiểu hơn.

Dưới đây là một số chữ Tâm trong Thành ngữ Hán Việt

* Tâm cao khí ngạo: chỉ sự tự cao tự đại

* Tâm đầu ý hợp: chỉ cùng chung ý nghĩ, suy nghĩ, hiểu được nhau

* Tâm đãng thần trì: tâm thần phiêu đãng bất định

* Tâm hoa nộ phóng: trong lòng cao hứng vui mừng, mở cờ trong bụng

* Tâm hồi ý chuyển: cải lỗi lầm hướng thiện

* Tâm huyết lai triều: tinh thần dao động như nước thủy triều, ý nghĩ nông nổi.

* Tâm khẩu như nhất: trong lòng ngoài miệng như một

* Tâm khoáng thần di: tinh thần thoải mái, tâm thần thông suốt.

* Tâm kiên thạch xuyên: tâm kiên cường xuyên được qua đá, ý nói khắc phục được gian nan

* Tâm lãng thần hội: tâm ý minh bạch

* Tâm lực giao tụy: tận tâm hết sức lực

* Tâm như đao cát: tim đau như dao cắt ý nói thương tâm thống khổ đến cực điểm

* Tâm như thiết thạch: lòng kiên trì không thay đổi, vững như sắt đá

* Tâm phiền ý loạn: lòng buồn không yên

* Tâm phục khẩu phục: trong lòng ngoài miệng đều cảm phục

* Tâm tâm tương ấn: hai tâm đều hiểu nhau

* Tâm thuật bất chính: bề ngoài có vẻ thiện nhưng tâm địa ác độc

* Tâm trực khoái khẩu: trực tính nghĩ gì nói thẳng

* Tâm tự như ma: tâm tình rối loạn

* Tâm viên ý mã: tâm lý bất định lòng vượn ý ngựa

* Tâm vô bàng vụ: nhất tâm, tâm không bị phân tán

* Tâm vô nhị dụng: tâm không làm hai việc một lúc ý tâm tập trung vào một việc

* Tâm ý như giao: nam nữ tình thâm, ân tình gắn bó như keo sơn.

Vài thành ngữ trong chuyên khoa Y Dược.

* Tâm bệnh hoàn tu tâm dược y: có nghĩa bệnh do trong lòng u sầu mà phát sinh ra thì phải tìm hiểu nguyên nhân nào đã gây ra buồn phiền thì mới hóa giải được.

* Tâm phúc chi hoạn: hình dung cơ thể bị bệnh, không rõ nguyên nhân và phương pháp trị liệu, ý nói có nguy cơ tiềm tàng trong nội bộ.

Thêm nữa, còn có thành ngữ hình dung tâm địa không tốt như

* Tâm lang thủ lạt: tâm địa độc ác, thủ đoạn tàn bạo.

* Tâm thuật bất chính: (câu củaThiên Phi tướng trong Tuân Tử): bề ngoài có vẻ thiện nhưng tâm địa ác.

* Khẩu Phật tâm xà: lời nói miệng từ bi như Phật nhưng tâm địa nham hiểm độc ác như rắn độc.

Tâm cũng là một tên được đặt cho cả nam lẫn nữ.

Vì tâm có nghĩa là trái tim, là tâm điểm của mọi sự, là cảm tình, thể hiện tình yêu thương cho nên chữ tâm đã được nhiều gia đình lấy đặt tên cho con cả trai lẫn gái.

Chúng ta đã thấy những tên cho phái nam như Duy Tâm, Hữu Tâm, Đức Tâm, Chí Tâm, Thiện Tâm, Hoàng Tâm, Phúc Tâm, Khải Tâm, Hoài Tâm v.v...

Những người phái nữ mang tên Tâm còn nhiều hơn nữa như Kim Tâm, Thu Tâm, Thanh Tâm, Minh Tâm, Băng Tâm, Phương Tâm, Đan Tâm, Thục Tâm, Mỹ Tâm, Như Tâm, Ngọc Tâm, v.v...

Chữ Tâm cũng được dùng để đặt như tên lót đệm trong một số tên cho cả hai phái nam và nữ như Tâm Vấn, Tâm Đan, Tâm Khánh, Tâm Khanh, TâmNhư, Tâm Đoan, Tâm Hạnh, Tâm Hoàn, Tâm Hiền v.v...

Chữ Tâm và Những Thành Ngữ Hán Việt Cố Sự

Sóng Việt Ðàm Giang

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân